Thuần hóa tâm hồn
Chúng ta được học bài thể dục buổi sáng từ những năm tiểu học, và luôn
duy trì nó vào mỗi buổi sáng để bảo vệ sức khỏe. Hơn thế nữa, mỗi người
chúng ta còn chọn cho mình một hay nhiều môn thể thao thích hợp để rèn
luyện thân thể. Bởi vì chúng ta biết rằng đó là cách tích cực nhất để có
thể sống vui, sống khỏe.
Chúng ta quan tâm đến phần thể lực như thế, nhưng lại rất thường quên đi
yếu tố tinh thần. Trong khi đó, sự thật là tâm hồn cũng cần thiết phải
được rèn luyện, phải được nuôi dưỡng mỗi ngày để có thể phát triển một
cách lành mạnh, tốt đẹp. Hơn thế nữa, như một mảnh đất hoang luôn mọc
nhiều cỏ dại, và cỏ dại sẽ phát triển mạnh mẽ hơn các loại cây trồng có
ích, tâm hồn ta cũng có rất nhiều yếu tố xấu ác, tiêu cực, sẽ phát triển
mạnh mẽ lấn át những yếu tố tốt đẹp, tích cực, nếu chúng ta không có sự
quan tâm chăm sóc đúng mức.
Một con ngựa hoang dù có sức mạnh và có thể chạy rất nhanh nhưng không
phải là một con ngựa có ích. Bởi vì nó không nghe theo sự điều khiển của
chúng ta nên ta không thể sử dụng được nó. Ngược lại, nó còn có thể gây
tai họa cho bất cứ ai đến gần. Để biến con ngựa hoang thành một con ngựa
có ích, chúng ta phải thuần hóa nó, làm cho nó biết nghe theo sự điều
khiển của chúng ta, và như vậy nó mới có thể giúp ích cho ta trong việc
di chuyển hay kéo xe...
Tâm hồn chúng ta cũng là một con ngựa hoang. Có rất nhiều khi nó không
chịu tuân theo những ý tưởng tốt đẹp mà chúng ta nhắm đến. Ngược lại, nó
sẵn có những khuynh hướng xấu ác, độc hại, có thể gây ra tai họa cho
chúng ta và cho người khác. Chẳng hạn như những khuynh hướng tham lam,
thù hận, căm ghét hay ganh tỵ... Những khuynh hướng này có thể phát
triển một cách tự nhiên rất mạnh mẽ mà không cần đến sự quan tâm của
chúng ta, thậm chí nó còn cần có sự “ngủ quên” của chúng ta để có thể
phát triển mạnh, và khi đã phát triển mạnh rồi thì nó khống chế chúng
ta, biến ta thành những con ngựa hoang vô ích và luôn gây tai họa cho
người khác.
Vì thế, để có thể trở thành người có ích trong xã hội, chúng ta không
thể không thuần hóa tâm hồn, cũng giống như người ta thuần hóa con ngựa
hoang để sử dụng được nó.
Thuần hóa tâm hồn có nghĩa là nuôi dưỡng và phát triển những yếu tố tốt
đẹp, những đức tính mang lại cho ta niềm vui và sự thanh thản trong cuộc
sống, và do đó cũng mang lại niềm vui và lợi ích cho những người quanh
ta. Những yếu tố đó là sự thương yêu và tha thứ, sự cảm thông và chia
sẻ, sự cởi mở và lắng nghe, tinh thần vị tha và sẵn sàng giúp đỡ người
khác, cũng như sự nỗ lực học hỏi và vươn lên trong cuộc sống... Khi
những đức tính này được phát triển, khuynh hướng tự nhiên là chúng sẽ
đối trị, làm suy yếu và dẹp bỏ đi những yếu tố “cỏ dại” như sự tham lam,
thù hận, căm ghét, bảo thủ, ích kỷ, ganh tỵ...
Mặt khác, giống như người làm vườn khi phát hiện cỏ dại sẽ nhanh chóng
nhổ bỏ đi, sự thuần hóa tâm hồn cũng đòi hỏi chúng ta phải biết nhận ra
và trừ diệt những tâm niệm xấu ác ngay khi chúng vừa sinh khởi.
Này người bạn trẻ, khi so sánh mảnh đất tâm hồn của chúng ta với một khu
vườn để gieo trồng những cây trái có ích, tôi muốn nhấn mạnh thêm với
bạn một chút về ý nghĩa của những hạt giống.
Những hạt giống khi chưa nảy mầm thật khó nhận biết phải không bạn? Khi
chúng còn nằm khuất trong lòng đất, bạn không thể nhìn thấy được cho dù
đó là hạt giống cỏ dại hay cây trồng. Và bạn thường phải chờ đợi cho đến
khi chúng nảy mầm, đâm chồi lá mới có thể phân biệt được để nuôi dưỡng
hay nhổ bỏ. Nếu bạn có khả năng nào đó để phân biệt chúng ngay từ khi
còn là hạt giống, công việc chăm sóc của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều
và cũng chắc chắn là sẽ có hiệu quả hơn.
Những hạt giống trong tâm hồn của chúng ta cũng vậy. Nếu bạn có thể khéo
léo nhận biết, phân biệt ngay từ khi những tâm niệm tốt đẹp hay xấu ác
còn chưa sinh khởi, bạn sẽ có thể dễ dàng thuần hóa tâm hồn mình một
cách hiệu quả hơn.
Nhưng thế nào là một tâm niệm chưa sinh khởi? Đó là những hạt giống mà
bạn gieo trồng vào tâm thức nhưng chưa có đủ điều kiện để phát sinh ra
thành những ý tưởng, hành động xấu ác. Ở đây, có thể bạn sẽ thấy vấn đề
có hơi trừu tượng, khó nắm bắt, và vì thế tôi nghĩ là cần có thêm một sự
giải thích dễ hiểu hơn.
Lấy ví dụ như khi bạn xem một đoạn phim bạo lực, với các nhân vật đánh
giết lẫn nhau để báo thù rửa hận gì gì đó... Có thể bạn nghĩ là vấn đề
chẳng liên quan gì đến mình. Nhưng nếu tinh tế một chút, bạn sẽ thấy có
rất nhiều ý niệm được sinh khởi trong lúc bạn xem đoạn phim ấy. Thực ra,
bạn khó lòng tránh khỏi những giây phút cảm xúc theo với diễn tiến trong
đoạn phim, và vì thế cũng đã có những lúc tâm trạng thù hận, căm tức hay
oán ghét của nhân vật đã len lén đi vào lòng bạn...
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đây. Bởi nếu chỉ có thế thì chẳng có gì
đáng nói. Trong thực tế, một hạt giống vô hình của lòng thù hận, căm tức
hay oán ghét đã được gieo vào lòng bạn, và đang chờ đợi những điều kiện
thuận lợi nhất định để có thể phát sinh thành những tư tưởng, lời nói
hay hành động.
Chính điều này giải thích vì sao các nhà giáo dục hết lời phê phán các
loại phim bạo lực hay có nội dung kém văn hóa... Bởi tác hại của chúng
chính là gieo vào lòng người xem những hạt giống xấu mà ít ai nhận ra
ngay để loại bỏ. Người ta thường phải đợi đến lúc chúng nảy mầm, đâm
chồi lá rồi mới có thể nhận ra để loại trừ. Và sẽ là quá muộn nếu trong
lòng ta có quá nhiều hạt giống xấu như thế...
Trường hợp trên chỉ là một ví dụ điển hình thôi, còn có vô số những
trường hợp khác mà bạn vô tình gieo cấy vào tâm hồn mình những “hạt
giống xấu”. Dừng chân đứng xem và cổ vũ cho một đám đánh nhau trên đường
phố, đọc một cuốn sách có nội dung đồi trụy, chuyện phiếm với bạn bè về
những đề tài vô bổ hoặc thậm chí có hại... Tất cả những điều đó đều gieo
cấy những hạt giống xấu vào lòng bạn. Và bạn sẽ phải trả giá đắt một khi
chúng nảy nở, phát sinh thành những tư tưởng, lời nói hay hành động...
Mặt khác, khi bạn nuôi dưỡng những ý tưởng tham lam, thù hận hay ganh
tỵ... hoặc thực sự có những lời nói, việc làm như thế, điều này cũng
gieo cấy vào lòng bạn vô số những hạt giống tham lam, thù hận, ganh
tỵ... để chờ dịp sinh khởi nhiều hơn nữa. Điều này cũng giống như khi
bạn bỏ sót một cây cỏ dại trong vườn. Nó lớn lên, trổ hoa và kết thành
vô số hạt cỏ dại để rồi tiếp tục sinh sôi nảy nở ngay chính trên mảnh
vườn ấy...
Nhưng ngược lại, nếu biết quan tâm, bạn sẽ có vô số cơ hội để gieo trồng
những hạt giống có ích. Chẳng hạn, khi mua vé đi xem ủng hộ một chương
trình ca nhạc gây quỹ vì người nghèo, bạn sẽ gieo cấy vào lòng mình một
hạt giống tốt, với sự cảm thông và chia sẻ cùng những ai kém may mắn. Số
tiền bạn đóng góp cho chương trình có thể là chẳng đáng vào đâu, nhưng
chính yếu tố tinh thần, sự cảm thông và ý thức chia sẻ, giúp đỡ của bạn
mới là điều quan trọng. Chính điều đó gieo cấy vào lòng bạn một hạt
giống tốt, để rồi khi có điều kiện thuận lợi nó sẽ phát sinh ra thành
những tư tưởng, lời nói hay việc làm tốt đẹp. Biết đâu vào một ngày nào
đó chính bạn sẽ có đủ điều kiện để đứng ra tổ chức một chương trình
quyên góp vì người nghèo tương tự hoặc lớn hơn thế nữa...
Và có rất nhiều trường hợp khác nữa mà bạn có thể tận dụng để gieo cấy
những hạt giống tốt. Sự thực hành những đức tính như thương yêu và tha
thứ, sự cảm thông và chia sẻ, tinh thần vị tha... đều là những hành vi
tốt đẹp để gieo cấy vào tâm hồn chúng ta những hạt giống tốt đẹp cho
tương lai. Cũng giống như khi bạn trồng một cây bắp và chăm sóc nó, bạn
sẽ thu hái được rất nhiều hạt bắp để gieo trồng cho vụ mùa tới nữa...
Quan tâm đến yếu tố tinh thần trong cuộc sống là một điều hoàn toàn hợp
lý nhưng lại rất thường bị quên lãng. Khi chúng ta biết rèn luyện, thuần
dưỡng tâm hồn, chúng ta tạo điều kiện để cuộc sống của bản thân và mọi
người quanh ta đều ngày càng tốt đẹp hơn.