Nền tảng tâm linh
Một trong những vốn quý mà tất cả chúng ta đều có chính là một nền tảng
tâm linh. Nếu bạn thừa nhận với tôi bạn là một người dân Việt, tôi có
thể đoan chắc là bạn đã sẵn có một nền tảng tâm linh nhất định, cho dù
là bạn có nhận biết điều đó hay không.
Nền văn hóa Việt là một nền văn hóa dựa trên những nền tảng tâm linh.
Chúng ta đã từng có những cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa lớn, và
trong những bối cảnh tiếp xúc đó, chúng ta luôn dựa trên những nền tảng
tâm linh để tiếp thu và dung hòa. Chính nhờ đó mà lịch sử đã chứng minh
một điều là văn hóa Việt khi tiếp thu các nền văn hóa khác chưa từng
đánh mất bản sắc của mình.
Truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên là một trong những giá trị tâm
linh mà tôi có thể viện dẫn ra để chứng minh cho những nền tảng của nền
văn hóa Việt. Chúng ta không tiếp thu truyền thống này từ bất cứ nền văn
hóa ngoại lai nào khác, mà thực sự là đã được thừa hưởng từ các thế hệ
ban sơ của tổ tiên người Việt.
Vào khoảng đầu Công nguyên, chúng ta bắt đầu được tiếp xúc với Phật giáo
nhờ có các thương nhân Ấn Độ tìm đến nước ta bằng đường biển. Một số
thương nhân là Phật tử, và có lẽ họ đã mời thỉnh chư tăng đi theo thuyền
buôn của họ để có một chỗ dựa tinh thần trên đường vượt biển. Các vị
tăng sĩ Phật giáo này khi đến nước ta đã khởi đầu việc truyền bá giáo lý
đạo Phật. Và vì thế, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những chứng cứ cho
thấy đạo Phật đã phát triển khá sớm ở nước ta so với Trung Hoa thời đó.
Sách Thiền uyển tập anh chép truyện Quốc sư Thông Biện dẫn lời Đàm Thiên
pháp sư của Trung Hoa nói rằng: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên
Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới
20 ngôi bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh
rồi. Như vậy là Phật giáo đã truyền đến Giao Châu trước nước ta.” Thiền
uyển tập anh – Bản Việt dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga, trang
89, NXB Văn học.
Giao Châu là tên gọi nước ta thời Bắc thuộc, và Luy Lâu là trung tâm của
Giao Châu thời ấy (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc), còn Thiên
Trúc là tên gọi ngày xưa để chỉ nước Ấn Độ. Đoạn trích dẫn này cho thấy
rõ là chính người Trung Hoa cũng đã thừa nhận việc Phật giáo truyền đến
Việt Nam và phát triển sớm hơn. Trong các chuyện cổ của ta, có chuyện
Chử Đồng Tử cho thấy có bóng dáng của Phật giáo, và danh từ “Bụt” xuất
hiện trong nhiều chuyện cổ tích chính là cách phiên âm chữ “Buddha”
trong tiếng Phạn (ngôn ngữ thời cổ của Ấn Độ) của người Việt thuở xưa.
Cũng danh từ này, người Trung Hoa phiên âm bằng chữ 佛ðÍĨ và người Việt
chúng ta đọc theo âm Hán Việt là Phật-đà, rồi sau giản lược chỉ còn một
âm là Phật. Vì là phiên âm trực tiếp nên ta có thể thấy âm “Bụt” gần với
nguyên ngữ hơn là âm “Phật”.
Khi tiếp nhận những giáo lý về luân hồi và nghiệp quả của đạo Phật,
người Việt đã không từ bỏ những nền tảng tâm linh truyền thống trước đó
của mình, mà ngược lại đã sử dụng chính những giáo lý của đạo Phật để
giải thích cho niềm tin vốn có của mình. Vì thế, Phật giáo khi được tiếp
nhận vào văn hóa Việt đã không còn thuần túy là Phật giáo như ở cội
nguồn của nó là Ấn Độ. Điều này ngay cả cho đến ngày nay chúng ta vẫn
còn có thể thấy được.
Người Việt thờ cúng ông bà, tổ tiên và tin chắc rằng trong các dịp cúng
giỗ hằng năm các vị luôn quay về với con cháu. Niềm tin này cho đến nay
vẫn không thay đổi. Người Việt ngày nay dù theo bất cứ tôn giáo nào cũng
không từ bỏ việc cúng giỗ ông bà hoặc cha mẹ đã mất.
Thuyết luân hồi và nghiệp quả của Phật giáo nói rằng tất cả chúng sanh
do nghiệp đã tạo mà phải chịu trôi lăn trong vòng sanh tử, phải tái sanh
vào các cảnh giới khác nhau tùy theo nghiệp lành hay dữ đã tạo.
Người Việt tiếp nhận giáo lý này như một sự giải thích phù hợp với niềm
tin của mình. Đó là tổ tiên, ông bà hay cha mẹ đã mất vẫn còn tồn tại,
để có thể trở về với con cháu vào mỗi dịp cúng giỗ, thậm chí là còn luôn
hiện diện bên cạnh con cháu để phù hộ, giúp đỡ vào những lúc cần thiết.
Nhưng nếu đứng từ một góc độ khách quan để so sánh giữa niềm tin của
người Việt chúng ta như trên với những gì thuần túy là giáo lý Phật
giáo, chúng ta sẽ thấy rõ là có sự khác biệt. Giáo lý đạo Phật dạy rằng
“con người sau khi chết sẽ tái sanh tùy theo nghiệp lực”, và hiểu đúng
theo ý này thì tổ tiên, ông bà, hay cha mẹ đã mất của chúng ta cũng đều
phải chịu tái sanh vào một đời sống khác tùy theo nghiệp thiện ác mà họ
đã tạo. Mà như vậy thì không thể có chuyện tổ tiên, ông bà hay cha mẹ đã
mất có thể hiện diện mãi mãi bên con cháu, hoặc quay về chứng giám trong
những dịp cúng giỗ.
Tuy nhiên, bất chấp sự khác biệt này, người Việt vẫn tiếp thu đạo Phật
theo cách của mình, và tất cả Phật tử Việt Nam đều xem việc thờ cúng tổ
tiên, ông bà hay cha mẹ đã mất là điều hoàn toàn phù hợp với giáo lý nhà
Phật. Ngay cả những người đã xuất gia sống đời tăng sĩ vẫn không từ bỏ
việc giỗ cúng ông bà, cha mẹ hằng năm. Và họ còn vận dụng niềm tin này
vào cả trong đạo pháp, nên các vị thầy, tổ đã viên tịch cũng đều được
giỗ kỵ hằng năm.
Sự tiếp thu theo cách như trên đã đảm bảo duy trì được truyền thống tâm
linh truyền lại từ bao thế hệ trước, nhưng đồng thời cũng không hề đánh
mất đi những giá trị tích cực trong giáo lý nhà Phật. Bởi vì, nếu nhìn
từ một góc độ khác thì việc cúng giỗ tổ tiên, ông bà hay cha mẹ đã mất
cũng có thể xem là mang ý nghĩa tri ân, bày tỏ sự nhớ ơn của con cháu
đối với những bậc sinh thành. Và điều này không hề ngăn cản chúng ta
thực hành những lời dạy tốt đẹp của đức Phật.
Một sự tiếp thu có thay đổi khác nữa có thể nhận ra là cách vận dụng
giáo lý nhân quả. Đạo Phật dạy rằng mọi hành vi của chúng ta đều mang
lại những kết quả nhất định, rằng những điều ác sẽ mang lại ác nghiệp và
những điều lành sẽ mang lại thiện nghiệp.
Người Việt khi tiếp thu giáo lý này đã vận dụng ngay thành một niềm tin
đơn sơ nhưng chắc chắn trong ứng xử: “Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt
bão”. Nhưng không dừng lại ở đó, kết hợp thêm với truyền thống gắn bó
giữa ông bà, cha mẹ và con cháu, người Việt đã đi đến quan niệm “Đời cha
ăn mặn, đời con khát nước”, hay thậm chí đi xa hơn nữa là “Con gái nhờ
đức cha, con trai nhờ đức mẹ”. Và cũng từ những quan niệm này, người
Việt luôn xem mọi thành quả tốt đẹp hay sự an ổn trong cuộc sống của
mình đều là nhờ nơi âm đức của tổ tiên, nhờ phúc đức của ông bà, cha mẹ
để lại.
Nhưng nếu hiểu đúng theo giáo lý nhân quả của đạo Phật thì vấn đề có
phần khác biệt. Bởi Phật giáo chỉ rõ rằng nghiệp báo là vấn đề của mỗi
người, vì thế các nghiệp thiện ác là “ai làm nấy chịu”, cho dù là cha mẹ
với con cái hay bà con thân tộc cũng không thể thay thế cho nhau được.
Vì thế, hiểu đúng theo giáo lý nhà Phật thì cha mẹ không thể “để đức”
cho con được, mà chính bản thân đứa con vốn đã có những nghiệp thiện ác
từ trước để phải nhận lãnh.
Nhưng bất chấp sự khác biệt này, tất cả Phật tử Việt Nam đều giữ nguyên
vẹn niềm tin như trên một cách sâu sắc, và họ cũng không hề thấy rằng
việc tin như vậy là có mâu thuẫn gì với giáo lý nhân quả của nhà Phật.
Sự tiếp thu có thay đổi này tạo nên một bản sắc riêng của Phật giáo Việt
Nam, bởi vì cho dù có những thay đổi nhưng đạo Phật vẫn được tiếp nhận
và truyền bá, và những thay đổi theo cách này không hề làm sai lệch đi
phần cốt lõi của giáo lý đạo Phật. Như trong trường hợp chúng ta vừa
nêu, niềm tin của người Việt dù có phần khác biệt, nhưng chung quy vẫn
là dẫn đến một ý hướng khuyến khích việc làm lành lánh dữ. Mà khi xét
đến điểm này thì rõ ràng là đã hòa nhập hoàn toàn với tôn chỉ của đạo
Phật.
Còn rất nhiều điểm nữa có thể chỉ ra tương tự như trên trong quá trình
tiếp thu các nền văn hóa khác nhau vào văn hóa Việt, nhưng có lẽ tạm nêu
một vài điểm như thế cũng đã đủ chứng minh cho một nền tảng tâm linh
vững vàng của văn hóa Việt ngay từ những ngày ban sơ của dân tộc.
Sự duy trì và bồi đắp những nền tảng tâm linh của dân tộc chính là
nguyên nhân tạo nên sức mạnh phi thường, khiến cho một dân tộc nhỏ bé đã
không bị đồng hóa bởi một dân tộc khác lớn hơn gấp nhiều lần trong suốt
cả ngàn năm đô hộ.
Còn hơn thế nữa, điều này đã cho phép chúng ta tiếp thu và sử dụng một
cách tích cực các yếu tố văn hóa ngoại lai mà không để cho nó làm lung
lay cội rễ của mình. Việc sử dụng chữ Hán và kèm theo đó là một nền giáo
dục theo Khổng-Mạnh trong suốt thời kỳ phong kiến đã chứng minh điều
này.
Việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ bằng phương pháp La-tinh hóa chữ Nôm là
một thành tựu lớn lao tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng vượt
bực của nền văn hóa Việt trong thời cận hiện đại.
Nhưng chúng ta đều biết là những người đầu tiên khởi xướng việc sáng tạo
chữ Quốc ngữ không phải là người Việt, và họ không làm điều đó với ý
hướng thực sự tốt đẹp là giúp đỡ chúng ta. Các nhà truyền giáo phương
Tây xem đây là phương tiện tốt nhất để truyền đạo, còn nhà cầm quyền
Pháp thì xem như một biện pháp để lôi cuốn giới trí thức theo về Tây
học, nhằm đánh bật cội rễ hàng ngàn năm của nền Hán học lúc bấy giờ đang
gắn chặt với quan điểm “trung quân ái quốc” và không chấp nhận văn hóa
phương Tây.
Vấn đề đã không đi theo đúng hướng như họ mong muốn. Người Việt nhanh
chóng nhận ra những lợi thế của chữ Quốc ngữ nên đã tích cực đóng góp
vào việc hình thành và phát triển loại chữ mới này, nhưng không phải để
tiếp thu văn hóa phương Tây về thay thế cho những nền tảng văn hóa Việt,
mà là sử dụng nó như một công cụ hữu ích để bảo vệ và phát triển mạnh mẽ
nền văn hóa Việt, thậm chí là được vận dụng ngay trong cuộc chiến tranh
chống Pháp. Thơ ca hò vè tuyên truyền cho kháng chiến đã phổ biến dễ
dàng và hiệu quả hơn nhờ có chữ Quốc ngữ. Quả đúng là “gậy ông lại đập
lưng ông”!
Này người bạn trẻ, như bạn đã thấy đó. Các thế hệ cha ông của chúng ta
đã không uổng mang dòng máu Lạc Hồng, đã không để mất đi những nền tảng
văn hóa truyền thống từ cội nguồn tổ tiên truyền lại.
Nhưng lịch sử là một sự lặp lại có biến đổi. Chúng ta ngày nay không
phải là không có những mối đe dọa xâm thực từ các yếu tố văn hóa ngoại
lai. Thậm chí còn có thể là nguy hại và đáng sợ hơn cả ngày xưa nữa.
Và con đường mà cha ông ta đã đi là những kinh nghiệm quý báu mà ta
không thể không nhớ đến. Vũ khí mà bao thế hệ trước đã dùng để bảo vệ
nền văn hóa Việt không gì khác hơn là nền tảng tâm linh sâu thẳm mà mỗi
chúng ta đều sẵn có. Chỉ cần bạn nhớ duy trì và vun bồi cho truyền thống
tâm linh ấy, bạn sẽ được phòng hộ chống lại bất cứ sự xâm thực nào của
các yếu tố văn hóa ngoại lai.
Bạn không phải tìm đâu xa mới có thể nhận biết được những nền tảng tâm
linh của chúng ta đang được vun bồi hay đang suy thoái. Hãy quan sát
những ngày kỵ giỗ ông bà trong gia đình và thái độ của từng người con
đối với ngày thiêng liêng ấy.
Một số bạn trẻ ngày nay không tự mình cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng
của những ngày kỵ giỗ, và đôi khi tham dự vào đó như một việc làm do cha
mẹ hay những người lớn bắt buộc. Đây là một trong những dấu hiệu suy
thoái của nền tảng tâm linh trong văn hóa Việt. Những bạn trẻ này, một
ngày nào đó sẽ không còn thấy cần thiết phải có một bàn thờ tổ tiên, ông
bà trong gia đình nữa, và họ sẽ không còn được bảo vệ bởi những sức mạnh
vô hình sâu xa trong nền tảng tâm linh dân tộc.
Từ ngàn xưa, mối quan hệ chặt chẽ trong gia đình, dòng tộc và làng xóm
vẫn là đặc trưng nổi bật nhất trong nền văn hóa Việt.
Trong suốt hàng ngàn năm Bắc thuộc, tổ tiên ta vẫn vững vàng “cố thủ”
sau những lũy tre xanh ấn định “biên giới bất khả xâm phạm” của làng xã.
Sinh hoạt của người dân trong làng xã và các mối quan hệ chặt chẽ với
nhau là điều mà quan quân đô hộ không sao lay chuyển nổi. Bởi thế đã
hình thành từ lâu câu tục ngữ: “Phép vua thua lệ làng.” Và chính điều
này đã đảm bảo những phong tục, tập quán của dân tộc được truyền lại qua
từng thế hệ nối tiếp nhau.
Người dân sống chung trong một làng có quan hệ với nhau thân thiết đến
nỗi khi có một người đỗ đạt vinh hiển thì hầu như cả làng đều cảm thấy
vui theo trong niềm tự hào, vinh dự chung... Và quan trọng hơn nữa, mỗi
làng đều có thờ một vị thành hoàng. Tuy là một vị thần nhưng được tôn
kính như một người cha chung, luôn thương yêu và bảo vệ, che chở cho tất
cả con cái trong làng. Ở một số làng, thành hoàng còn có thể là những
nhân vật có thật trong lịch sử, chính là một người dân của làng đã có
những đóng góp lớn lao cho đất nước hoặc cho dân làng, hoặc đã có công
dạy nghề giúp dân làng sinh sống... Vì thế, cũng giống như việc thờ cúng
tổ tiên, người Việt thờ thành hoàng như một hình thức bày tỏ lòng biết
ơn sâu sắc không phai nhạt theo thời gian.
Thu hẹp hơn quan hệ làng xã là quan hệ dòng tộc, về quy mô là nhỏ hẹp
hơn nhưng do đó cũng chặt chẽ hơn. Ngày xưa – thậm chí đến nay vẫn còn ở
một số nơi – mỗi làng chỉ có một số ít tộc họ nhất định, và mỗi tộc họ
thường có một nhà thờ chung (từ đường). Quan hệ của những người trong
cùng tộc họ rất chặt chẽ, gắn bó. Vị trưởng tộc có quyền quyết định
nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các thành viên trong tộc họ, và
đồng thời cũng có trách nhiệm dìu dắt, nâng đỡ mọi người... Người trong
một tộc họ khi lưu lạc làm ăn phương xa vẫn phải nhớ những ngày kỵ giỗ
chính để quay về, hoặc cử đại diện về tham dự.
Và quan hệ chặt chẽ nhất vẫn là quan hệ trong gia đình. Mối quan hệ này
đến nay vẫn còn để lại nhiều dấu vết cho thấy tính chất quan trọng của
nó tự thuở xa xưa. Chẳng hạn, ngày xưa trong hôn nhân người Việt theo
quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Ngày nay chúng ta cho rằng quan
niệm này không còn hợp thời nữa, nhưng nó vẫn cho chúng ta thấy được vai
trò quyết định và trách nhiệm của các bậc cha mẹ ngày xưa lớn lao như
thế nào, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau của các thành viên trong gia
đình là chặt chẽ biết bao. Con cái đối với cha mẹ phải vâng lời tuyệt
đối, ngay cả là những vấn đề mà ngày nay ta gọi là “riêng tư”. Quan hệ
anh chị em cũng hết sức chặt chẽ, chẳng hạn như quan niệm “quyền huynh
thế phụ” cho thấy là người anh có quyền hạn và trách nhiệm với các em
không kém người cha, nhất là khi người cha chẳng may mất sớm. Trong quan
hệ vợ chồng thì “phu xướng, phụ tùy”, hay thân mật hơn là lời khuyên
“chồng giận thì vợ bớt lời...”.
Ngày nay, bạn có thể cho rằng những mối quan hệ được quy định như trên
có vẻ gì đó chuyên chế, không công bằng... Và thực tế là nhiều người đã
không còn tuân theo như thế, chẳng hạn như trong quan hệ cha mẹ với con
cái, anh chị đối với các em, vợ chồng đối với nhau...
Tuy nhiên, nếu chúng ta xét trong bối cảnh xưa kia của những quan hệ ấy,
chúng ta mới thấy được tính chất tích cực của chúng. Bởi vì, sự quy định
vai vế, trật tự trên dưới ngày xưa là kèm theo đó cũng quy định trách
nhiệm nặng nề về phía những người “có quyền”. Cha mẹ phải lo lắng cho
cuộc sống và hạnh phúc của con cái, thậm chí cho đến lúc đã có cháu nội,
cháu ngoại. Anh chị phải có trách nhiệm với các em, thậm chí cho đến khi
những người em đã lập gia đình và có con cái lớn khôn. Người chồng phải
có trách nhiệm đối với đời sống và hạnh phúc gia đình, tự mình lo lắng
tất cả cho cuộc sống của vợ con...
Cái quy định “bất thành văn” về quyền và trách nhiệm ấy đã tồn tại từ
bao đời, và chính nó đã đảm bảo sự chung sống hạnh phúc của nhiều thế hệ
nối tiếp nhau trong một đại gia đình, như xưa kia gọi là “tứ đại đồng
đường”, nghĩa là 4 thế hệ cùng sống chung một nhà. Nó cũng đảm bảo một
tỷ lệ ly hôn thấp đến mức hiếm hoi, không đáng kể. Bởi vì như câu ca dao
xưa đã diễn đạt rất mộc mạc:
Con vua lấy thằng bán than,
Nó dắt lên ngàn cũng phải đi theo.
Đã “phải đi theo” lên ngàn xuống bể, thì hẳn là chỉ có thể nghĩ đến việc
xây dựng hạnh phúc gia đình sao cho tốt đẹp hơn, chứ không ai còn nghĩ
đến một khả năng thay thế nào khác. Vì vậy mà không có ly hôn!
Quay nhìn lại sự thay đổi trong nhiều năm qua, chúng ta không khỏi lo
lắng khi nhận ra một điều là, các mối quan hệ truyền thống đang có
khuynh hướng thu hẹp dần. Quan hệ làng xã ngày nay đã khác hẳn xưa kia,
phần lớn chỉ còn là mối quan hệ trong quản lý hành chánh. Quan hệ dòng
tộc cũng không còn chặt chẽ, mỗi gia đình đang có khuynh hướng trở thành
một “dòng tộc” nhỏ, thay vì là mối quan hệ chung của nhiều gia đình
trong tộc họ như xưa kia.
Và quan hệ trong gia đình cũng thay đổi khác xưa theo hướng đáng lo
ngại. Nhiều bậc cha mẹ ngày nay tuy được cấp dưỡng đầy đủ nhưng không có
được sự chăm sóc tinh thần đúng mức, không được thỏa mãn nhu cầu tình
cảm qua việc gần gũi với các thế hệ con cháu như xưa kia, đơn giản chỉ
là vì hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều có một mái nhà riêng ngay sau khi
cưới nhau. Và cũng do đó, quan hệ anh chị em chỉ còn là quan hệ huyết
thống đơn thuần, những gì thuộc về phạm vi trách nhiệm và quyền hạn
không còn được mấy ai quan tâm đến. Bởi vì mỗi người đều có một gia đình
riêng với những lo toan riêng...
Nhưng điều đáng lo ngại nhất vẫn là mối quan hệ vợ chồng. Với những
“quan điểm mới” ngày nay, tỷ lệ ly hôn đang tăng vọt đến mức đáng sợ,
thay vì là hình thành những gia đình hạnh phúc hơn như người ta vẫn
tưởng khi có được một sự “công bằng hợp lý” trong quan hệ vợ chồng. Khi
người ta không hướng đến sự gắn bó và xây dựng lẫn nhau để ngày càng tốt
đẹp hơn, mà chỉ hướng đến việc tìm kiếm, phát hiện những khiếm khuyết
của nhau, thì sự không thỏa mãn lẫn nhau cũng là điều dễ hiểu...
Này người bạn trẻ, một sự hiểu biết về những nền tảng tâm linh của dân
tộc – cũng có nghĩa là của chính bạn trong sâu thẳm tâm hồn – là vô cùng
cần thiết để bảo vệ bạn trước sự tấn công của các yếu tố văn hóa ngoại
lai. Nhưng hơn thế nữa, điều này sẽ mang lại cho bạn một sự bình an,
vững chãi trong cuộc sống, có thể tự tin vượt qua những sóng gió, thử
thách của đời sống, bởi vì bạn luôn được sống trong sự bảo vệ về mặt
tinh thần bởi các giá trị nền tảng tâm linh ấy.
Khi bạn nhận thức đầy đủ về những nền tảng tâm linh của chính mình, bạn
thiết lập trở lại được mối quan hệ chặt chẽ giữa bản thân với tổ tiên
nhiều đời, với cội nguồn dân tộc, và gần gũi hơn là với anh chị em trong
gia đình, với cha mẹ, ông bà, với tất cả những người đang sống chung
trong cộng đồng quanh bạn. Và khi bạn lập một gia đình mới, bạn sẽ có
được mối quan hệ tốt đẹp và bền vững với người bạn đời của mình.
Này người bạn trẻ, những gì tôi vừa nói không phải chỉ là những suy luận
hay lý thuyết trừu tượng khó nắm bắt... Trong thực tế, đó là kinh nghiệm
quý giá được chắt lọc từ nhiều thế hệ đã qua. Nếu chúng ta không sáng
suốt nhận biết để gìn giữ những gì đang có, một ngày kia chắc chắn ta sẽ
phải hối tiếc khi mọi việc đã qua đi.