Tự thắp đuốc lên mà đi
Để biến giấc mơ của chúng ta thành hiện thực, ta phải bắt đầu từ sự hoàn
thiện chính bản thân mình. Và sự hoàn thiện ấy là một quá trình được
quyết định bởi những nỗ lực tự thân của chính chúng ta. Mọi sự hỗ trợ từ
bên ngoài dù tích cực đến đâu cũng không thể đạt được kết quả tốt đẹp
nếu tự thân ta không có những nỗ lực vươn lên. Như người muốn bơi qua
sông phải dựa vào sức mình là chính. Sự dìu dắt, nâng đỡ của người khác
nếu có cũng không thể đủ để đảm bảo đưa mình đến bờ sông bên kia. Hơn
thế nữa, chỉ có nỗ lực của chính mình là do mình chủ động, còn sự giúp
đỡ của người khác bao giờ cũng chỉ mang tính cách hỗ trợ mà không thể
nắm chắc được là có hay không và sẽ được đến mức nào.
Vì thế, chúng ta cần phải dựa vào chính sức mình để quyết định mọi việc
mà không bao giờ chấp nhận sự phụ thuộc, ỷ lại vào người khác.
Trong lãnh vực tri thức cũng vậy. Chúng ta chỉ nên đặt niềm tin vào
những tri thức nào đã tự mình chứng nghiệm là đúng đắn. Người xưa có
nói: “Đọc sách mà hoàn toàn tin vào sách thì chẳng bằng là không đọc
sách.” (Tín thư bất như vô thư) Điều này cũng là nói lên sự cần thiết
phải thận trọng trong việc tiếp thu kiến thức. Khi chưa có sự so sánh,
đối chiếu và chiêm nghiệm để thấy rõ tính xác thực và đúng đắn của một
vấn đề mà đã vội tin theo, thì niềm tin đó chỉ có thể là một sự mê tín
hay cuồng tín. Bởi vì, kiến thức dù hay lạ đến đâu cũng là thuộc về phần
tri thức của người khác. Khi tự thân chúng ta chưa có sự học hỏi và
chứng nghiệm phần tri thức ấy trong thực tế thì chưa thể hoàn toàn đặt
niềm tin vào đó.
Rất nhiều bạn học sinh hay sinh viên không cảm thấy hứng thú khi học
Truyện Kiều. Bởi vì khi các bạn ấy nói rằng “Truyện Kiều rất hay” thì
nhận xét ấy chưa thực sự là nhận xét của chính mình, mà chỉ là sự lặp
lại nhận xét của người khác. Chỉ khi nào tự mình cảm nhận được cái hay
của Truyện Kiều như thế nào, thì khi ấy mới thực sự thấy việc học Truyện
Kiều là hứng thú.
Tương tự, khi bạn nhận được một lời khuyên “hãy giúp đỡ người khác”, thì
đó cũng chỉ là một lời khuyên không hơn không kém. Chỉ khi nào bạn có sự
quan sát thực tế và tự mình trải qua kinh nghiệm giúp đỡ người khác, bạn
mới có thể thực sự nhận ra giá trị của điều đó trong việc làm cho ý
nghĩa cuộc sống của bạn thay đổi ra sao và nó mang lại niềm vui cho bạn
như thế nào.
Trong đạo Phật có một lời khuyên rất thường được nhắc đến: “Hãy tự thắp
đuốc lên mà đi.” Tinh thần này có thể được vận dụng rộng khắp trong mọi
lãnh vực của đời sống, bởi vì cho dù bạn có hướng đến mục tiêu nào đi
nữa thì sự nỗ lực tự thân cũng luôn là một yếu tố quyết định trước nhất.
Khi bạn “tự thắp đuốc lên mà đi” trong học tập, bạn không còn trông cậy,
ỷ lại vào bất cứ ai ngoài việc nỗ lực tìm hiểu, phân tích các vấn đề
liên quan để có thể tự nắm vững kiến thức.
Khi bạn “tự thắp đuốc lên mà đi” trong việc thực hiện những hoài bão,
ước mơ của mình, bạn nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nỗ lực tự
thân và do đó bao giờ cũng phấn đấu hết sức mình để vượt qua trở lực,
không mong chờ trông cậy vào người khác, cũng không bao giờ tìm cách đổ
lỗi cho hoàn cảnh.
Nhưng “tự thắp đuốc lên mà đi” hoàn toàn không phải là một thái độ cao
ngạo bỏ ngoài tai lời khuyên dạy của các bậc trưởng thượng hay những
người bạn tốt. Sự thận trọng cân nhắc trước khi tiếp thu một điều gì
không có nghĩa là một thái độ không biết lắng nghe. Ngược lại, bạn nên
biết là sự lắng nghe với thái độ cởi mở để sẵn sàng tiếp thu học hỏi từ
người khác, nhất là những người lớn tuổi hoặc có nhiều kinh nghiệm hơn
ta, sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc hoàn thiện bản thân.
Kinh nghiệm và những lời khuyên dạy của người đi trước là vốn quý cho
bất cứ ai muốn hoàn thiện bản thân. Chúng ta sẽ chẳng là gì cả nếu không
có được những giá trị tinh thần và văn hóa được truyền lại từ nhiều thế
hệ của những người đi trước. Dù muốn hay không thì những điều ấy cũng đã
góp phần quan trọng trong việc hun đúc, đào luyện và hình thành nhân
cách cũng như cá tính của mỗi chúng ta. Vì thế, khi nhấn mạnh tinh thần
tự lực trong học tập và làm việc, điều đó không có nghĩa là chúng ta
tách mình ra khỏi truyền thống cũng như tách khỏi mọi người khác, càng
không có nghĩa là chúng ta không chấp nhận học hỏi bất cứ ai ngoài việc
ôm chặt những tri thức đã có của chính mình. Bởi vì xét cho cùng thì
phần lớn những tri thức ấy cũng chính là đã được học tập từ bên ngoài.
Sự cảnh giác và thận trọng trong việc tiếp thu kiến thức mới hoàn toàn
không có nghĩa là một thái độ tự mãn và khép kín.
Đến đây, bạn có thể sẽ cảm thấy có phần nào đó hơi mơ hồ về ranh giới
phân biệt giữa sự thận trọng khi tiếp thu kiến thức và thái độ thiếu cởi
mở trong học tập. Nhưng đây cũng chính là một trong những yếu tố để xác
định sự trưởng thành của bạn.
Trong suốt những năm tháng của tuổi thơ, bạn thường không bao giờ được
tiếp xúc tự do với những kiến thức của người lớn. Điều đó là một quy ước
chung “bất thành văn” nhằm bảo vệ cho sự phát triển lành mạnh tâm hồn
non trẻ của bạn. Mọi kiến thức được mang ra dạy dỗ cho trẻ em đều phải
được chọn lọc kỹ về mức độ chính xác cũng như những giá trị tinh thần,
đạo đức. Thường thì bạn chỉ được học chủ yếu là các sách giáo khoa, kèm
theo một số lượng rất hạn chế những kiến thức chọn lọc khác.
Như một cây non không thể chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của
khí hậu cũng như những trận mưa nặng hạt. Người ta phải che chắn, bảo vệ
cho cây, và dùng vòi tưới có gắn bông sen để phun ra những hạt nước nhỏ
mịn không làm hại đến cây. Các loại phân bón cho cây cũng phải được chọn
lựa một cách cẩn thận cho phù hợp, vì ngay cả một nồng độ phân bón quá
cao cũng có thể làm cho cây chết rũ hoặc phát triển không bình thường.
Cũng vậy, những gì được mang ra dạy dỗ cho trẻ em luôn được những bậc
phụ huynh có trách nhiệm chọn lọc vô cùng cẩn thận. Điều này sẽ đảm bảo
một sự phát triển lành mạnh, đúng hướng, tạo ra một nền tảng vững chắc
về tri thức cũng như đạo đức để các em có thể tiếp tục phát triển tốt
khi bước vào tuổi trưởng thành.
Khuynh hướng chung là như thế, nhưng cũng có những khác biệt nhất định
qua từng thời đại. Chẳng hạn, bạn có thể sẽ thấy hơi khó tin, nhưng sự
thật là ngày trước khi vào học lớp Đệ ngũ, tương đương với lớp 8 bây
giờ, chúng tôi nam nữ vẫn còn ngồi học chung một cách vô tư, và phần lớn
chưa biết gì về vấn đề tình dục nam nữ... Ngày nay hoàn cảnh đã khác đi
nhiều, do những điều kiện tiếp xúc với thông tin đại chúng quá rộng rãi,
người ta không thể ngăn cấm trẻ em hoàn toàn không tiếp xúc với những
vấn đề liên quan đến tình dục, và vì thế tốt hơn là phải cho chúng những
hiểu biết nhất định nào đó về chủ đề này. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn
không có nghĩa là có thể cho các em “biết hết” mọi thứ một cách quá sớm,
nếu không muốn làm hỏng đi tất cả.
Thế rồi đến một ngày kia, cây non cũng đủ lớn để chịu đựng được sương
gió và mưa nắng trong điều kiện tự nhiên, và cũng đủ sức để hấp thụ các
loại phân bón khác nhau... Khi ấy, người ta không còn che chắn nữa,
không cần tưới cây bằng vòi bông sen nữa, mà chỉ cần cung cấp cho cây
đầy đủ những loại phân bón cần thiết cho sự phát triển của nó.
Cũng vậy, khi bạn bắt đầu bước vào độ tuổi trưởng thành, bạn sẽ được
quyền tiếp xúc với mọi kiến thức trong “thế giới người lớn”. Nhưng điều
đó hoàn toàn không có nghĩa là bạn có thể tiếp nhận tất cả. Cũng như
trong lòng đất không phải chỉ có toàn phân bón, dưỡng chất, mà còn có cả
những độc tố gây hại, nhưng khi cây đã đủ lớn để chịu đựng được thì bộ
rễ của nó có khả năng tự chọn lọc để chỉ hút lấy phân bón và các dưỡng
chất mà thôi.
Khả năng tự chọn lọc chính là dấu hiệu trưởng thành của bạn, bởi vì điều
đó cho thấy là bạn thực sự không cần phải được “che chắn, bảo vệ” trong
vòng tay người lớn nữa. Nhưng nếu bạn có dấu hiệu phân vân, mơ hồ trong
việc chọn lọc những tri thức để tiếp thu, thì bạn ơi hãy coi chừng! Điều
đó cho thấy là bạn chưa thực sự trưởng thành và những lúc ấy bạn cần có
thêm sự giúp đỡ, hướng dẫn của những người đi trước.
Đây là vấn đề khá tế nhị và nhạy cảm. Tốt hơn là bạn phải biết dẹp bỏ
hay đè nén sự cao ngạo, bốc đồng của tuổi trẻ để lắng nghe chính những
nhận xét của cha mẹ, anh chị... về mình. Nếu bạn thực sự đã củng cố được
một nền tảng tri thức và đạo đức tốt, bạn sẽ thấy là những người lớn
luôn có thái độ yên tâm khi bạn tiếp xúc với môi trường xã hội. Ngược
lại, sự băn khoăn lo lắng hay dè chừng của họ thường là dấu hiệu cho
thấy bạn nên tự xét lại chính mình.
Để tóm gọn lại vấn đề này, bạn có thể cần lưu ý hai điểm quan trọng
nhất. Thứ nhất, hãy luôn giữ một thái độ cởi mở và biết lắng nghe để
tiếp thu tri thức từ mọi nguồn, nhất là từ những người đi trước hoặc
những người có nhiều kinh nghiệm hơn mình. Thứ hai, mọi tri thức mà bạn
có điều kiện tiếp xúc và học hỏi trong môi trường xã hội tốt nhất là
phải qua sự chứng nghiệm thực tế trước khi có thể tin cậy và sử dụng như
là tri thức của chính mình.
Ở đây, bạn có thể thấy nổi lên hai khía cạnh khác nhau của vấn đề, đó là
sự tiếp thu tri thức và sự chọn lọc tri thức.
Trong sự tiếp thu tri thức, bạn có thể tiếp xúc và học hỏi không giới
hạn. Nhưng hãy thận trọng xem tất cả những điều ấy chỉ như những “nguyên
liệu thô” cần phải qua “xử lý và kiểm nghiệm”. Tất nhiên là độ tin cậy
và tính xác thực của mỗi nguồn tri thức cũng có phần khác biệt. Một tri
thức tìm thấy trong Từ điển Bách khoa có thể được xem là đáng tin cậy
hơn một thông tin đăng trên báo... Nhưng hãy cảnh giác ngay chính ở sự
phân biệt kiểu này: bởi vì thực tế nhiều khi đã cho thấy điều ngược lại.
Vì thế, sự thận trọng cân nhắc và tính khách quan bao giờ cũng là cần
thiết.
Trong sự chọn lọc tri thức, nền tảng đã có về tri thức và đạo đức của
bạn sẽ đóng vai trò quyết định. Bởi vì phần lớn những sự chọn lựa ban
đầu đều xuất phát từ đó. Mặc dù vậy, điều này thường làm cho bạn phụ
thuộc vào nhiều định kiến mà không phải bao giờ cũng đúng đắn. Vì vậy,
nhận định chính xác nhất bao giờ cũng là một nhận định khách quan dựa
vào thực tế.
Mặt khác, trong tinh thần “tự thắp đuốc lên mà đi”, bạn cần hiểu rõ được
tính chất biểu trưng của hình tượng ngọn đuốc. Đó là ánh sáng của trí
tuệ sáng suốt, có công năng soi sáng con đường ta đi tới, giúp ta phân
biệt được đâu là đường ngay nẻo chính.
Trong một chừng mực nào đó, khái niệm trí tuệ mà chúng ta dùng ở đây là
khác với tri thức. Bạn có thể học được rất nhiều tri thức về những lãnh
vực khác nhau trong đời sống, nhưng vẫn thiếu trí tuệ, bởi vì trí tuệ là
sự sáng suốt, minh mẫn có được nhờ rèn luyện trí óc, chứ không do sự học
rộng biết nhiều.
Vì thế, có trí tuệ sẽ là điều kiện để dễ dàng phát triển tri thức. Nhưng
nếu không biết rèn luyện trí óc để có sự sáng suốt thì việc tiếp thu tri
thức sẽ khó khăn hơn, và cho dù có học rộng đến đâu cũng không do đó mà
có trí tuệ.
Lấy ví dụ, chương trình đào tạo trong một năm học là như nhau đối với
mọi học sinh. Với một học sinh có trí tuệ sáng suốt, chương trình ấy có
thể được tiếp thu một cách dễ dàng. Ngược lại, một học sinh khác kém hơn
về trí tuệ có thể sẽ thấy khó khăn hơn, phải nỗ lực và dành nhiều thời
gian học tập hơn trong năm... Nhưng cuối cùng cả hai cũng đều hoàn tất
năm học. Như vậy, về cơ bản là họ có tri thức như nhau, bởi vì đã được
tiếp thu cùng một lượng kiến thức như nhau. Nhưng sự khác biệt về trí
tuệ chẳng những tạo ra khác biệt trong quá trình tiếp thu kiến thức, mà
còn thể hiện rõ khi vận dụng kiến thức ấy vào đời sống nữa. Do đó mà
chúng ta thấy các bác sĩ dù được học giống như nhau ở trường đại học,
nhưng khi khám bệnh thì mỗi người đều bộc lộ một khả năng chẩn đoán và
điều trị hoàn toàn khác nhau...
Vì thế, rèn luyện trí óc để có được một trí tuệ sáng suốt, minh mẫn cũng
là một trong những điều kiện quan trọng nếu bạn muốn “tự thắp đuốc lên
mà đi”, bởi vì ngọn đuốc hồng soi đường ấy không phải gì khác hơn mà
chính là trí tuệ sáng suốt của mỗi chúng ta.