Xây dựng cộng đồng
Chúng ta không thể có được hạnh phúc cá nhân khi cộng đồng quanh ta chưa
có được sự yên vui, êm ấm. Đây là một sự thật mà chúng ta rất thường
không quan tâm đúng mức, hoặc thậm chí có đôi khi chưa từng nghĩ đến.
Cho dù vậy, sự thật này vẫn luôn tồn tại.
Hạnh phúc càng lớn lao thì càng có liên quan đến nhiều người khác. Khi
chúng ta theo đuổi một lý tưởng, hoài bão lớn, hạnh phúc của chúng ta có
thể liên quan đến cả dân tộc, cả nhân loại... Nhưng cho dù ở những mức
độ rất nhỏ nhoi, khiêm tốn, chúng ta cũng không bao giờ có thể xây dựng
hạnh phúc cá nhân một cách đơn độc mà không liên quan đến cộng đồng
quanh ta. Cộng đồng ấy có thể là vài ba người bạn sống chung phòng, là
gia đình với vợ chồng con cái hoặc bao gồm cả ông bà, cha mẹ, cho đến
rộng hơn nữa là thân tộc, họ hàng, xóm làng, khu phố...
Bạn làm sao có thể có được niềm vui thực sự trong cuộc sống khi những
người chung quanh bạn còn có những khó khăn khổ nhọc chưa thể vượt qua,
nhất là khi họ cần đến sự chia sẻ hay giúp đỡ của bạn? Bạn làm sao có
thể có được niềm vui thực sự trong cuộc sống khi chưa thiết lập được mối
quan hệ cảm thông và hài hòa với những người đang sống chung với bạn?
Cho dù chúng ta có hiểu được những điều này hay không, chúng ta vẫn có
thể trực nhận được một cách dễ dàng bằng vào những gì đã tự mình trải
qua trong cuộc sống.
Bạn thử nhớ lại xem và có thể sẽ có ngay những trường hợp cụ thể để minh
họa cho vấn đề. Một “không khí nặng nề” trong gia đình làm tiêu tan hết
niềm vui bạn có được sau một buổi đi chơi. Một khuôn mặt “sầu khổ” của
người bạn sống chung phòng làm bạn có cảm giác như chưa từng biết được
thế nào là hạnh phúc trong cuộc đời này... Tất cả những điều đó chúng ta
thường xuyên gặp phải trong cuộc sống, nhưng đôi khi chúng ta không đối
diện để phân tích thật sâu mối tương quan giữa chúng với hạnh phúc cá
nhân của mình, và vì thế mà chúng ta cũng không biết được một phương
cách hóa giải thích hợp.
Bạn có thể sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu những vấn đề của “người khác” thì có
liên quan gì đến tôi? Làm sao tôi lại phải chịu trách nhiệm về những khó
khăn hay buồn khổ của ai đó?
Vâng, bạn đã có lý, nhưng chỉ một phần thôi. Bởi vì bạn không thể sống
trong một môi trường không có người chung quanh. Như một con cá bao giờ
cũng phải bơi lội trong nước, chúng ta bao giờ cũng phải gắn bó với cộng
đồng chung quanh. Ngay cả khi có những lúc nào đó bạn muốn được yên tĩnh
“một mình”, thì hãy phân tích thật kỹ nội tâm của mình, bạn sẽ thấy là
bạn không hề được sống “một mình” bao giờ cả. Mọi tư tưởng, tình cảm của
bạn đều phải hướng về ai đó, một hoặc nhiều người, cho đến có thể là cả
những người bạn chưa từng quen biết.
Vì thế, cộng đồng chung quanh luôn có ảnh hưởng đến bạn, và bạn phải phụ
thuộc vào đó như một quy luật tất yếu. Như con cá phải phụ thuộc vào môi
trường nước bao quanh nó. Khi nước bị ô nhiễm, cá có thể mắc bệnh và
thậm chí có thể phải chết đi. Khi cộng đồng chung quanh bạn bị ô nhiễm
theo nhiều nghĩa khác nhau, bạn cũng không thể sống một cách thoải mái
và yên vui trong đó.
Hiểu như vậy, chắc chắn là bạn sẽ muốn có được một cộng đồng tốt đẹp để
sống chung. Nhưng thật không may là bạn không có quyền chọn lựa một số
cộng đồng chung quanh bạn. Chẳng hạn, bạn không có quyền chọn lựa gia
đình mà mình sinh ra, bạn cũng không thể lựa chọn xóm làng, dân tộc,
quốc gia... Điều duy nhất bạn làm được chỉ có thể là xây dựng cộng đồng
quanh mình cho tốt đẹp hơn mà thôi. Bởi vì bạn không thể tránh né, thay
đổi hay từ chối một cộng đồng mà mình đã sinh ra trong đó!
Và bởi vì việc xây dựng cộng đồng cho tốt đẹp hơn là điều tích cực duy
nhất mà bạn có thể làm, cho nên đó phải là phần trách nhiệm, là chọn lựa
khôn ngoan nhất của bạn. Nếu bạn không bắt tay vào việc ấy thì sẽ không
có ai làm thay phần việc ấy cho bạn.
Có thể bạn sẽ lý luận rằng, những người khác cũng phải có trách nhiệm
như vậy chứ? Vâng, đúng là như vậy. Nhưng sự khởi đầu bao giờ cũng chỉ
có thể là về phía bạn, bởi đơn giản là vì bạn không thể quyết định những
gì người khác làm, mà chỉ có thể quyết định những gì bản thân bạn sẽ
làm.
Và hơn thế nữa, cộng đồng quanh bạn có thể là còn lâu mới có thể tốt đẹp
như bạn mong muốn, nhưng chỉ cần bạn hiểu được và có ý thức xây dựng
cộng đồng, ngay lập tức bạn sẽ nhìn thấy tất cả bắt đầu tốt đẹp hơn. Bởi
vì bạn sẽ không còn thấy buồn bực hay khó chịu với những gì không tốt
đẹp hay khiếm khuyết trong hiện tại, mà đã tự mình nhận ra phần trách
nhiệm của bản thân trong việc xây dựng, làm hoàn thiện những điều đó.
Khi bạn có một người chị hay càu nhàu, gắt gỏng, điều đó làm cho tất cả
mọi người trong gia đình đều khó chịu. Nhưng sẽ chẳng ích gì nếu bạn cứ
bực dọc và chỉ trích, phê phán mãi thói xấu ấy. Điều tích cực hơn là bạn
phải tìm hiểu, phân tích những nguyên nhân sâu xa của vấn đề, xem tự
mình có thể góp phần làm thay đổi được hay không. Và ngay cả khi bạn
không thể làm gì để thay đổi được “cố tật” này, thì sự phân tích tìm
hiểu được nguyên nhân cũng sẽ giúp bạn có sự cảm thông cần thiết để có
thể chấp nhận tốt hơn điều đó.
Khi con đường đi vào xóm bạn đầy những ổ gà, bạn không thể quy trách
nhiệm hoàn toàn cho người khác, mà phải thấy được bản thân mình có một
phần trách nhiệm trong đó. Tất nhiên là bạn biết mình đã có bầu chọn
những người đại diện, lãnh đạo trong khu phố, và họ có trách nhiệm đứng
ra tổ chức việc sửa chữa con đường. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn
không có phần trách nhiệm. Vì thế, bạn cần phải tìm hiểu vấn đề. Có thể
là vì có quá nhiều công việc khác quan trọng hơn nên con đường chưa được
quan tâm đến, và như vậy bạn cần góp một phần tích cực của bản thân mình
vào để công việc sớm được thực hiện hơn. Với nhận thức như vậy, điều
trước hết là bạn luôn giải tỏa được những sự bực dọc, quy trách vô ích,
mà luôn có được sự cảm thông và cái nhìn tích cực để cải thiện vấn đề.
Khi chúng ta đọc báo và thấy đăng tải những tin tức về tội phạm ở khắp
đó đây, chúng ta sẽ không quy trách vấn đề cho những người mà ta cho là
có trách nhiệm, hoặc đưa ra một nhận xét vô bổ về tình trạng suy thoái
đạo đức trong xã hội như nhiều người vẫn thường làm. Thay vì vậy, chúng
ta cần thấy được những nguyên nhân sâu xa của vấn đề và đồng thời nhận
thức rõ là mình cũng có một phần trách nhiệm trong đó, và cần phải có
những đóng góp tích cực hơn để hoàn thiện xã hội. Suy cho cùng, cộng
đồng này là của chúng ta, xã hội này là của chúng ta, nếu chúng ta không
cùng nhau góp sức cải thiện thì ai sẽ làm điều đó?
Xây dựng cộng đồng theo ý nghĩa như trên không bao giờ là điều vượt quá
tầm tay hay khả năng của bạn. Chỉ cần có được một nhận thức đúng, bạn sẽ
dễ dàng biết được là nên làm những gì và phải bắt đầu từ đâu. Ngay khi
bạn bắt tay vào việc, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi theo hướng tích cực
hơn, bởi vì cách nhìn nhận vấn đề của bạn đã trở nên tích cực.