Đời sống
Nhân quả báo ứng hiện đời
Đường Tương Thanh biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, Đạo Quang dịch
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

BẠCH KHỞI LẠM SÁT PHẢI TỰ SÁT

Bạch Khởi là một vị tướng nổi tiếng của nước Tần thời Chiến quốc, rất giỏi dùng binh, được Chiêu Tương Vương trọng dụng. Sau khi lập đại công hiển hách thu phục hơn 70 thành liền được phong làm Võ An Quân.

Có một lần, Bạch Khởi chiến đấu với đại tướng Triệu Quát của nước Triệu ở Trường Bình (nay là phía tây bắc huyện Cao Bình, tỉnh Sơn Tây). Đang đánh nhau thì Bạch Khởi giả thua ra lệnh rút quân, dụ quân Triệu vào nơi hiểm yếu rồi dồn hết đại quân đánh úp, đồng thời cắt đứt đường tiếp tế lương thực của quân Triệu. Quân Tần bắn chết đại tướng Triệu Quát. Sau khi đại tướng đã chết, quân Triệu như rắn mất đầu, hoang mang sợ hãi nên kéo nhau đến đầu hàng quân Tần, cả thảy có đến hơn 400.000 người.

Bạch Khởi cho rằng những hàng binh này không đáng tin cậy, rất có thể sẽ chờ cơ hội để nổi dậy. Do đó ông liền ra lệnh chôn sống tất cả, bất chấp số người bị chôn sống lên đến hơn 400.000 người. Thật là một quyết định khủng khiếp!

Sau khi trận chiến này kết thúc, dân nước Triệu hết sức căm phẫn vì hành động dã man của Bạch Khởi.

Mấy năm sau, nước Tần lại cho Bạch Khởi dẫn đại binh sang muốn tiêu diệt nước Triệu. Quân dân nước Triệu khi ấy nuôi lòng căm hận ngút trời, lại thấy trước rằng nếu để thua quân Tần thì không thể nào sống sót được dưới tay Bạch Khởi. Vì thế, họ một lòng liều chết chiến đấu, sức mạnh trở nên không gì hơn được. Lần này quả nhiên Bạch Khởi đại bại, dẫn tàn quân chạy trối chết về nước.

Không lâu sau, vua Tần lại tiếp tục hạ lệnh cho Bạch Khởi lập tức dẫn binh đánh Triệu lần nữa. Bởi ám ảnh trận thua vừa qua nên Bạch Khởi liền giả bệnh, từ chối không đi. Vua Tần tức giận vô cùng, liền phế bỏ tước vị Võ An Quân, đồng thời ban cho một thanh kiếm để ông phải tự sát.

Bạch Khởi nhìn thanh kiếm mà lòng rối loạn như tơ vò, tự hỏi: “Ta đã phạm lỗi lầm gì đến nỗi phải bị vua ban cho cái chết?” Nhưng rồi ông lại tự nghĩ: “Đây hẳn là quả báo của việc ta làm trước đây. Trong trận Trường Bình, chỉ một quyết định của ta đã giết sạch hơn 40 vạn quân nước Triệu, mặc dù họ đã đầu hàng không kháng cự. Tội ác đó xét ra thật đáng chết vạn lần, không còn gì oan uổng nữa.” Nghĩ như vậy rồi liền vung kiếm lên tự sát.

Đại tướng quân Bạch Khởi công to như núi, chinh chiến bao năm giúp cho uy danh của nước Tần chấn động thiên hạ. Thế mà chỉ một lần thua trận, một lần từ chối dẫn quân ra trận, lẽ nào lại đáng tội chết hay sao? Đây chẳng qua là ác nghiệp sâu nặng nên dẫn đến Tần vương một phút hồ đồ mới xuống lệnh tự dứt đi một danh tướng của mình. Chuyện này tuy nhìn từ bên ngoài thấy có vẻ như vô lý, nhưng nếu xét từ nguồn gốc nhân quả của sự việc thì cái chết thảm của Bạch Khởi rõ ràng là không thể tránh khỏi. Hơn thế nữa, sau khi chết còn khó lòng tránh khỏi phải sa đọa vào ba đường ác vì tội giết hại quá nhiều mạng người.

(trích Lịch Sử Cảm Ứng Thống Ký)

GIẾT HÀNG BINH GẶP ĐẠI HỌA

Lý Quảng là võ tướng triều Hán, bắn cung rất giỏi, có tài dùng binh, hơn 70 lần đánh nhau với Hung nô đều thắng lợi. Cho nên quân Hung nô sợ ông như chuột sợ mèo, không dám dấy binh xâm phạm. Ông là vị tướng hiển hách một thời, các võ tướng đời sau khi nhắc đến Phi tướng Lý Quảng không ai là không khâm phục.

Vào thời Hán Văn Đế, Lý Quảng nhờ có công thảo phạt Hung nô nên được phong chức Tán kỵ thường thị, là một chức quan được ở bên cạnh hoàng đế để khuyên răn nhắc nhở, làm cố vấn cho hoàng đế. Đến thời Hán Võ Đế, ông giữ chức thái thú Bắc Bình.

Nhưng thuộc hạ của Lý Quảng rất nhiều người lại được phong các tước vị cao hơn Lý Quảng, trong khi đường đường là một đại tướng như ông mà cả đời chỉ làm đến chức Thái thú Bắc Kinh, không được phong hầu. Lý Quảng luôn thắc mắc về điều này, một hôm liền đến thỉnh giáo một thầy tướng số nổi tiếng tên là Vương Sóc:

– Ông xem tướng của ta có phải là không thể được phong hầu hay không?

Vương Sóc không trả lời ngay, hỏi lại:

– Tướng quân hãy tự xét lại mình xem có làm việc gì trái với đạo đức, luân lý hay chăng?

Lý Quảng suy nghĩ một lát rồi nói:

– Trước kia có lần ta dụ hàng hơn 800 quân rợ Khương, sau đó ra lệnh giết sạch. Việc ấy mãi đến nay ta vẫn còn cảm thấy cắn rứt, hối hận trong lòng.

Vương Sóc nói:

– Quân đã đầu hàng tức là không chống lại mình nữa, không cần phải giết. Tướng quân chỉ vì lòng sân hận mà hại chết nhiều người như thế, làm sao có thể không tổn hao âm đức. Tướng quân đời này không được phong hầu cũng là điều dễ hiểu.

Về sau, Lý Quảng có lần dẫn quân đi lạc đường, thế cùng phải thắt cổ tự vẫn. Lại đến đời cháu trai ông là Lý Lăng bị quân Hung nô vây khổn nhiều ngày phải đầu hàng. Do việc Lý Lăng đầu hàng quân Hung nô mà Hán đế ra lệnh giết chết tất cả những người thân thuộc của ông, mẹ và vợ của ông đều phải chết thảm. Quả nhiên tội báo của hành động giết người là không thể tránh khỏi.

(trích Lý Quảng truyện)