Đời sống
Nhân quả báo ứng hiện đời
Đường Tương Thanh biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, Đạo Quang dịch
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TU THÂN VÀ GIÚP NGƯỜI ĐỂ BÁO ÂN

Lâm Thừa Mỹ người Phúc Kiến, từ nhỏ đã sớm mồ côi cha, mẹ ông phải hết sức gian khổ mới nuôi dưỡng dạy dỗ ông được nên người. Ngờ đâu, đến lúc ông công thành danh toại thì mẹ hiền cũng sớm lìa trần, khiến ông không khỏi buồn đau thương tiếc. Lâm Thừa Mỹ ngày đêm nghĩ nhớ đến ơn sâu của cha mẹ, chẳng biết làm sao đáp đền, vì thế mà ngày đêm khóc thương rơi lệ.

Một hôm, tình cờ gặp được một vị thiền sư, biết được nổi khổ tâm của ông liền khuyên rằng:

– Người con hiếu nghĩ nhớ đến ơn sâu của cha mẹ phải nghĩ cách báo đáp, nếu chỉ khóc thương thì cũng chẳng ích gì. Nay ông cần biết việc báo đáp công ơn cha mẹ phải làm như thế nào. Người xưa có dạy: “Làm điều lành, mẹ cha được phần lợi ích; làm điều ác, mẹ cha phải chịu tổn hại.” Nếu ông muốn báo đáp ơn sâu của cha mẹ thì chỉ có một cách duy nhất là tu hành giới sát, chấm dứt những khổ đau do sự giết hại gây ra, đồng thời phát tâm mua rất nhiều vật mạng về phóng sinh, hồi hướng mọi công đức về cho cha mẹ. Đây chính là phương cách báo hiếu cao cả và chân chính hơn hết.

Lâm Thừa Mỹ nghe qua lời dạy của vị thiền sư, hết sức mừng rỡ, liền lập tức vâng làm theo. Từ đó về sau phát nguyện ăn chay giới sát, từ bỏ sự giết hại, đồng thời thường xuyên bỏ tiền mua vật mạng về phóng sinh, lại làm rất nhiều việc lành, cứu giúp mọi người.

Việc làm của ông nêu lên một tấm gương sáng về hiếu hạnh cho tất cả những người làm con. Cuối đời, ông hưởng thọ đến 96 tuổi, tiếng thơm lưu truyền khắp chốn.

(trích Âm chất văn quảng nghĩa)

HIẾU THUẬN THOÁT NẠN SÉT ĐÁNH

Ngô Nhị là một người dân nghèo ở huyện Lâm Xuyên, tỉnh Giang Tây, hầu hạ chăm sóc mẹ già hết sức hiếu thuận, luôn cố gắng làm cho mẹ được vui lòng. Một hôm, có thầy tướng số đi ngang qua nhà, chăm chú nhìn ông hồi lâu rồi nói:

– Cứ theo sát khí hiện thấy thì đúng giờ ngọ ngày mai ông sẽ bị sét đánh chết.

Ngô Nhị nghe như vậy thì vô cùng hốt hoảng. Tuy ông không hề sợ chết nhưng lại sợ không có ai chăm sóc hầu hạ mẹ già, liền theo khẩn khoản van xin thầy tướng số chỉ cho một phương cách cứu nạn. Thầy tướng lắc đầu nói:

– Ta cũng chỉ là thấy sao nói vậy. Chuyện nghiệp duyên nhân quả của mỗi người đều tự làm tự chịu, ta cũng không có cách nào hóa giải được.

Nói rồi dứt áo đi thẳng.

Ngô Nhị lại nghĩ, nếu mình bị sét đánh chắc chắn sẽ làm cho mẹ kinh hãi. Vì thế, sáng hôm sau ông chuẩn bị thức ăn điểm tâm cho mẹ xong liền thưa với mẹ:

– Thưa mẹ! Hôm nay con có chút việc phải ra ngoài, xin mẹ hãy qua ở tạm bên nhà của hàng xóm.

Nhưng người mẹ không chịu đi, lại khăng khăng muốn giữ ông ở nhà. Ông còn đang bận bịu chưa dứt ra đi thì bỗng thấy mây đen kéo đến che kín cả bầu trời, sấm sét nổi lên ầm ầm, chớp nháng rực trời. Ngô Nhị càng thêm lo lắng, sợ nếu mình ở đây thì sét đánh xuống sẽ làm cho mẹ kinh hãi, vội vàng đóng chặt cửa lại rồi chạy thẳng ra ngoài đồng, ngồi đó chờ sét đánh.

Không ngờ chỉ trong chốc lát mây tan mưa tạnh, bầu trời lại trong sáng trở lại, Ngô Nhị vẫn không bị sét đánh, bình an trở về nhà.

Hôm sau, thầy tướng số đi ngang nhà nhìn thấy Ngô Nhị thì kinh hãi nói:

– Ông làm sao có thể thoát được đại nạn đó vậy?

Ngô Nhị trả lời “Không biết”, rồi kể lại cho thầy tướng số nghe tường tận mọi việc. Thầy gật đầu nói:

– Ta đã rõ rồi. Đó là lòng hiếu thảo của ông cảm động thấu trời xanh, nên mới trải qua đại nạn không chết.

Từ đó về sau, Ngô Nhị càng hết lòng hiếu kính với mẹ già, xóm giềng trông thấy không ai là không kính phục.

(trích Đức Dục Cổ Giám)