HIẾU DƯỠNG MẸ SINH CON TRAI QUÝ
Thôi Miện từ nhỏ đã hết sức hiếu thuận. Cha ông qua đời từ
khi ông còn tấm bé, mẹ ông vì quá đau lòng, khóc lóc đến nỗi mù cả hai
mắt. Thôi Miện bán cả ruộng vườn, đi khắp nơi tìm thầy hay thuốc tốt về
chữa trị cho mẹ, nhưng các danh y được mời đến đều lắc đầu bó tay không
chữa được.
Từ khi mẹ trở nên mù lòa, mỗi ngày Thôi Miện đều lo việc phụng dưỡng hết
lòng, chí thành cung kính, chăm lo tất cả mọi vấn đề sinh hoạt hằng
ngày của mẹ, lúc nào cũng nghiêm cẩn hết mực, không bao giờ thay đổi. Từ
những thứ như y phục, đồ ăn, thức uống và tất cả mọi nhu cầu cần thiết
trong đời sống hằng ngày của mẹ, Thôi Miện đều tùy theo thời tiết trong
năm mà thay đổi sao cho thích hợp, lúc nào cũng làm cho mẹ được cảm thấy
vui vẻ, thỏa mái, không thiếu thốn thứ gì.
Những ngày thời tiết tốt đẹp, Thôi Miện dìu mẹ ra ngoài đi dạo hóng mát,
hít thở không khí trong lành của đất trời, tận hưởng những làn gió mát
thoang thoảng chút hương thơm của mạ non.
Tuy hai mắt của mẫu thân đã mù, không thể thưởng thức phong cảnh đẹp như
tranh của làng quê yên bình, nhưng Thôi Miện thường đi cạnh bên miêu tả
cảnh vật bên ngoài cho mẹ nghe, làm cho mẹ ông cũng có cảm giác như
đang được tận mắt thưởng thức. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ Thôi Miện luôn
dành thời gian kể cho mẹ nghe những việc xảy ra trong ngày, để bà không
có cảm giác cách biệt với mọi sinh hoạt xã hội.
Về sau, Thôi Miện làm quan ngày càng thăng tiến, song lúc nào cũng vẫn
giữ một mực cung kính đối với mẹ già, luôn tự mình chăm sóc phục dịch
mọi sinh hoạt hằng ngày chứ không bao giờ để cho gia nhân làm thay.
Ngoài ra, ông còn tự tay trồng rất nhiều loại cây ăn trái trong vườn nhà
mình như đào, mận, quýt... Do đó mà suốt bốn mùa trong năm lúc nào cũng
có trái cây tươi ngon ngọt để dâng lên mẹ.
Sau khi mẹ già trăm tuổi, Thôi Miện lại phát tâm ăn chay trường, tụng
kinh niệm Phật hồi hướng phước lành cầu cho mẫu thân được vãng sinh về
Tịnh độ.
Bởi suốt một đời Thôi Miện luôn nêu cao tấm gương hiếu hạnh, nên con
cháu của ông cũng đều rèn luyện được nhân cách hơn người. Thôi Miện làm
quan đến chức Trung thư thị lang, con trai được phong làm Hữu phủ, là
một trong những danh tướng thời bấy giờ.
(trích Đức Dục Cổ Giám)
CHU THỌ XƯƠNG HẾT LÒNG TÌM MẸ
Chu Thọ Xương triều Tống là con của quan Hình bộ thị lang Chu Tốn. Mẹ
ông là Lưu thị, xuất thân thấp hèn. Năm Thọ Xương lên 7 tuổi, cha mẹ
chia tay nhau không còn sống chung. Về sau mẹ ông tái giá rồi theo
chồng, biệt vô âm tín.
Sau khi Thọ Xương lớn lên, thường luôn nhớ nghĩ đến mẹ, song không còn
chút manh mối nào để có thể biết được hiện giờ mẹ đang lưu lạc nơi đâu.
Ông vì thương nhớ mẹ mà trong lòng không lúc nào nguôi được nỗi buồn.
Cuối cùng, ông quyết định từ quan, nhất định lên đường tìm gặp cho được
mẹ.
Ông trải qua vạn dặm đường đời, nếm đủ trăm cay ngàn đắng, lưu lạc khắp
nơi nhưng vẫn chưa đạt được ý nguyện. Mỗi khi dò la được chút tin tức gì
ở nơi đâu, dù rất mơ hồ, ông cũng lập tức băng đèo lội suối tìm đến tận
nơi, hy vọng tìm gặp lại được người đã mang nặng đẻ đau ra mình.
Sự tìm kiếm của Chu Thọ Xương quả thật chẳng khác nào mò kim đáy bể!
Thời gian trôi qua đã xóa hết đi mọi dấu vết mong manh mà mẹ ông để lại.
Những lần dọ hỏi tìm tòi của ông phần lớn chỉ nhận được những cái lắc
đầu ngơ ngác và những câu trả lời không manh mối. Dù vậy, ông vẫn nuôi
hy vọng sẽ gặp lại được mẹ hiền, vẫn không mỏi mệt đêm ngày tìm kiếm
khắp nơi.
Chu Thọ Xương vốn từ nhỏ đã tin theo Phật giáo, thường đến chùa lễ Phật,
cúng dường Tam bảo, cứu giúp người nghèo khó. Trên đường gian nan tìm
mẹ, ông càng vững lòng tin hơn nữa, lúc nào cũng cầu nguyện chư Phật gia
hộ cho việc tìm mẹ của mình sớm được kết quả. Hơn thế nữa, ông còn phát
nguyện tự mình sao chép trọn bộ Thủy sám thành rất nhiều bản, truyền
rộng ra khắp nơi để làm lợi ích cho nhiều người. Bản thân ông cũng
thường trì tụng không mệt mỏi và luôn để tâm tự xét những lỗi lầm của
mình để sám hối và tu dưỡng.
Quả nhiên, sự quyết tâm và những nỗ lực của Chu Thọ Xương cuối cùng rồi
cũng được đền đáp. Một hôm, ông phiêu bạt đến vùng Đồng Châu thuộc tỉnh
Thiểm Tây, hết sức tình cờ gặp lại được mẹ. Tuy tóc bà đã bạc trắng,
khuôn mặt khô gầy thay đổi rất nhiều qua thời gian, nhưng ông vẫn còn
nhớ rõ như in và lập tức nhận ra ngay khi nhìn thấy bà đang chậm rãi
bước đi trên đường. Kể cũng lạ, lúc bà ra đi thì Thọ Xương chỉ là đứa bé
7 tuổi, hôm nay đã lớn khôn trưởng thành, trải qua hơn hai mươi năm
dài, thế mà hình dáng của mẹ vẫn được ông ghi khắc kỹ trong lòng, vừa
thoáng nhìn là đã nhận ra được ngay.
Nhưng mẹ ông thì không tài nào nhận biết được ông. Ông vội vàng chạy đến gọi mẹ, vẫn thiết tha như ngày còn bé:
– Mẹ ơi, mẹ ơi! Con là Thọ Xương con của mẹ đây!
Bà mẹ đứng sững lại, ngẩn người kinh ngạc:
– Trời ơi! Thật là con của mẹ đó sao! Làm sao con biết mẹ ở nơi này mà tìm đến?
Hai mẹ con đã hai mươi mấy năm không gặp, ôm nhau òa khóc giữa đường,
quả thật là mừng chảy nước mắt! Rồi bà mẹ khóc nức nở, hỏi han việc
những năm qua con sống thế nào. Thọ Xương đem việc lang thang khắp nơi
tìm mẹ kể lại, khiến bà không khỏi ngậm ngùi rơi nước mắt.
Thế là Chu Thọ Xương liền rước mẹ về nhà, hết lòng hiếu dưỡng. Từ đó ông
mới nhận làm chức quan Tư nông thiếu khanh, ngoài việc triều chính ra
thì dành hết thời gian để chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già, dốc lòng hiếu
thuận.
Không bao lâu, câu chuyện tìm mẹ của Chu Thọ Xương đã trở thành một giai
thoại được truyền đi khắp nơi, ai nghe thấy cũng hết lòng ngưỡng mộ,
kính phục.
(trích Mộng Khê bút đàm)