CHUYỂN TƯỚNG XẤU THÀNH TỐT
Tào Bân là vị đại tướng nổi tiếng triều Tống, giúp Tống
Thái Tổ bình định thiên hạ, có công lao chinh chiến rất lớn. Có một lần,
Tào Bân gặp Trần Hi Di là một người có học vấn rất uyên bác, giỏi xem
tướng thuật. Ông này xem qua tướng mạo của Tào Bân rồi nói:
– Hai bên thành xương của ông lồi lên, ấn đường rộng, mắt dài phóng ánh
sáng, chắc chắn sớm trở nên giàu có, song có tướng xấu là quai hàm cao,
miệng trệ, xem ra ông không được hưởng phước khi tuổi già. Cứ theo đây
mà nói, mỗi khi xuất binh chinh chiến ông nên đối xử khoan hồng, gieo
trồng phước đức cho lúc tuổi già.
Tào Bân nghe Trần Hi Di nói liền cúi đầu cảm tạ, ghi nhớ lời ấy.
Một lần, khi Tào Bân xuất trận, phó tướng Toại Ninh và rất nhiều tướng
sĩ thuộc hạ đều chủ trương giết sạch dân trong thành để thị uy. Tào Bân
biết được liền ra lệnh nghiêm cấm giết hại dân lành, cấm xâm hại phụ nữ
hoặc cướp bóc tài sản của dân. Sau khi chiến sự kết thúc, ông còn cấp
lương thực cho những người xa quê muốn trở về, dân chúng không ai không
cảm tạ tấm lòng nhân đức của ông.
Sau đó, Tào Bân nhận lệnh dẫn binh đánh Giang Nam. Bởi không nỡ nhìn
thấy cảnh dân tình khốn khổ lầm than vì chiến cuộc nên ông cáo bệnh
không đi. Các võ tướng dưới quyền ông lúc đó đều kéo đến thăm hỏi bệnh
tình của ông trước khi xuất chinh. Tào Bân nói với tất cả những người
đến thăm bệnh:
– Bệnh của tôi không thuốc gì chữa khỏi, nhưng chỉ cần tất cả anh em
thành tâm thành ý cùng thề rằng ngày tiến công Giang Nam tuyệt đối không
được tùy tiện giết hại dân lành, như thế thì bệnh của tôi sẽ tự nhiên
thuyên giảm thôi.
Các tướng sĩ vốn hết sức kính trọng Tào Bân, nên họ liền cùng nhau phát
lời thệ nguyện đúng như vậy. Đến ngày đánh Giang Nam, nhờ đó mà có vô số
dân thường được thoát khỏi sự lạm sát. Tấm lòng từ bi của vị tướng quân
họ Tào được truyền rộng khắp Giang Nam, dân chúng ai nấy đều cảm kích.
Vì thế, mọi người cùng rủ nhau mang lương thực đi đón quân triều đình.
Sức chống cự của phản quân vì thế rất yếu ớt. Nhờ vậy mà trận chiến này
không phải tốn hao nhiều nhân mạng, hơn nữa còn bảo vệ được tài sản của
nhân dân không bị tàn phá.
Sau đó ít lâu, Tào Bân có dịp tình cờ gặp lại Trần Hi Di. Ông ta nhìn tiên sinh một lúc rồi nói:
– Lạ thật! Năm trước tôi xem tướng của ông thấy quai hàm cao miệng trệ,
lúc đó tôi khẳng định ông không có phước về già, nhưng hiện tại đã biến
đổi, miệng mép đầy đặn xinh đẹp, ánh kim quang thù diệu nhìn thấy khắp
mặt và râu tóc, nhất định sẽ được sống lâu nhiều phước lộc.
Tào Bân hỏi lại:
– Sao gọi là kim quang?
– Đó là ánh sáng hiển hiện của phước đức, nếu người có âm đức thì mặt
hiện ánh sáng màu vàng y, mắt sáng, cả khuôn mặt đều tỏa ra khí sắc tốt
lành. Người như vậy không chỉ tăng tuổi thọ, con cháu nhiều đời về sau
cũng đều hưởng nhờ phước đức.
Quả nhiên, về già Tào Bân sống trong cảnh an nhàn thư thái, lúc ra đi
cũng hết sức nhẹ nhàng, thọ 69 tuổi, sau khi chết được truy phong tước
hiệu Tể Dương quận vương. Tiên sinh có cả thảy 9 người con trai, con
trưởng là Vĩ, con thứ là Tông, con thứ ba là Xán, đều là những tướng
lãnh nổi tiếng; nhiều đời con cháu về sau đều vinh hiển không ai sánh.
(trích Lịch Sử Cảm Ứng Thống Ký, Đức Dục Cổ Giám và Pháp Tướng Bí Truyện)