KHÉO TU TRONG CHỐN PHỦ ĐƯỜNG
Tiên sinh Hồ Phong Ông là cha của Thái thú Hồ Hướng Sơn,
sống vào triều Thanh. Ông đảm nhiệm chức quan Giám sát ở huyện Kim Sơn,
tỉnh Giang Tô, có phẩm hạnh cao thượng, thuần khiết, công minh chính
đại, từ trước đến nay chưa từng làm bất cứ chuyện gì mờ ám.
Năm ấy, tại huyện Kim Sơn xảy ra một vụ trộm cướp tài sản được xem là
rất nghiêm trọng vì người bị mất tài sản đã thiệt mạng. Huyện quan ra
lệnh truy lùng, kết quả bắt được 2 tên chủ mưu và hơn 30 người tòng
phạm.
Luật pháp thời ấy quy định hết sức nghiêm khắc, những kẻ phạm tội giết
người cướp của thì dù là chủ mưu hay tòng phạm cũng đều phải xử chém như
nhau. Nhưng tiên sinh Hồ Phong Ông sau khi điều tra kỹ vụ án này thì
biết được hơn 30 người tòng phạm đều là những người nghèo đói thất
nghiệp, trong cảnh khốn cùng nên mới nhất thời sa vào con đường phạm
pháp. Trong khi vụ trộm xảy ra, chủ nhà phát hiện nhưng thấy bọn trộm
quá đông nên không dám manh động, bèn lẻn ra cửa sau chạy đi báo quan.
Không may hôm đó trời tối đen như mực, ông ta không nhìn thấy đường đi,
vấp ngã xuống một cái hố cạn bên đường mà chết.
Hồ Phong Ông sau khi hiểu rõ sự tình, không nỡ nhìn thấy những người
nghèo khổ kia bị chém đầu nên phán quyết chỉ xử chém hai tên chủ mưu,
còn những người khác phạt đi lao dịch ở biên giới. Quan huyện xem qua
bản án liền cho rằng phán quyết như vậy quá nhẹ. Tiên sinh ôn tồn giải
thích:
– Tuy trong vụ án trộm cướp này có người thiệt mạng, nhưng điều tra kỹ
thấy những kẻ tòng phạm trước đây đều chưa từng phạm pháp, do nghèo khổ
bức bách nên mới nhất thời sai lầm; còn người chết là do nguyên nhân
phóng chạy lầm đường trong lúc tối trời, té ngã mà chết, khám nghiệm thi
thể không có dấu vết đánh đập hay dao chém, như vậy không thể xem là
tội cố ý giết người. Với sự tình như vậy, làm sao có thể một lúc giết
sạch 30 mạng người?
Nhưng quan huyện sợ bị quan trên quở trách nên không dám phê chuẩn phán
quyết của Hồ Phong Ông. Phong Ông lại cố sức thuyết phục:
– Nếu như bị quan trên quở trách việc này, đại nhân cứ bắt tôi giải lên
quan tỉnh, khép tôi vào tội phóng thích tội nhân cũng được.
Quan huyện nghe Hồ Phong Ông nói quyết như thế hết sức cảm động, ôn tồn nói:
– Ông vì mạng sống của người khác mà bất chấp mạng sống của chính mình, làm sao tôi có thể không chuẩn thuận?
Liền phê chuẩn phán quyết của Hồ Phong Ông và ra lệnh y theo đó thực hiện.
Khi hồ sơ vụ án này được trình lên quan trên, quả nhiên quan Tuần phủ
không tán thành với phán quyết như vậy, liền ra lệnh mở cuộc điều tra
lại và yêu cầu quan huyện phải giải trình rõ sự việc.
Hồ Phong Ông liền soạn một bản văn trình bày rõ lý do đã đưa ra phán
quyết như vậy, rồi gửi lên quan Tuần phủ. Nhưng quan phủ vẫn không cho
là hợp lý, lại tiếp tục phái người về cật vấn. Qua ba lần bảy lượt trình
tấu, quan Tuần phủ cuối cùng hạ lệnh triệu người xử án, đồng thời triệu
cả quan huyện cùng đến phủ đường để đích thân tra xét.
Quan huyện sợ xanh mặt, liền đổ hết tội lỗi lên đầu Hồ Phong Ông. Nhưng
Phong Ông tự thấy việc mình làm không thẹn với lòng nên hết sức bình
tĩnh, thản nhiên cùng quan huyện đi đến phủ đường. Tiên sinh còn trấn an
quan huyện:
– Nếu quan phủ khép tội đồng lõa với tội phạm, tôi sẽ đứng ra nhận hết tội này, xin đại nhân cứ yên tâm!
Quan huyện khi ấy mới cảm thấy yên tâm phần nào. Khi đến trước phủ
đường, quan Tuần phủ lập tức trách mắng quan huyện đã không làm đúng
trách nhiệm của mình, xem nhẹ kỉ cương pháp luật. Tuần phủ khi ấy lời
nói khó chịu, sắc mặt giận dữ, quan huyện chỉ biết cúi đầu không dám
biện bạch gì. Tuần phủ lại cật vấn:
– Ông mới nhậm chức chưa được bao lâu, hẳn là có ai bảo ông làm như thế?
Quan huyện nghe hỏi thì mừng rỡ như người lạc đường tìm được lối ra, vội vã thưa lên:
– Xin đại nhân minh xét, tất cả vụ án này quả là do Hồ phán quan xét xử, hạ quan không thể làm khác được.
Tuần phủ liền quát hỏi:
– Vậy họ Hồ có đến cùng ông không?
– Thưa có! Hiện ông ấy đang đứng chờ ngoài cửa.
Tuần phủ cười nhạt nói:
– Ta đã sớm nghi vụ án này có uẩn khúc. Hẳn là các ông đã nhận hối lộ nên cố tình xử nhẹ bọn tội phạm. Ta nhất định sẽ làm rõ.
Tuần phủ liền sai người triệu gấp Hồ Phong Ông vào công đường, vặn hỏi một cách khó chịu:
– Ông đảm nhiệm chức phán quan, lẽ nào không biết luật pháp quy định
những vụ án trộm cướp gây chết người thì không phân biệt chủ mưu hay
tòng phạm đều phải xử tội chết chém?
Hồ Phong Ông vẫn không hề sợ sệt, bình tĩnh đáp:
– Thưa đại nhân! Hạ quan có biết luật pháp quy định như vậy, nhưng vụ án
này có nhiều điểm khác biệt, không thể không xem xét kỹ trước khi phán
xử tội chết.
Vừa nghe nói vậy, quan Tuần phủ càng tức giận hơn nữa, mặt ông chuyển từ
đỏ sang tái, run run đôi môi, tay chân bắt đầu chuyển động, quát hỏi:
– Nếu đã xác định là trộm cắp, giết người cướp của thì còn có gì gọi là khác biệt?
Hồ Phong Ông ôn tồn giải thích:
– Xin đại nhân minh xét! Đối với bọn trộm cướp cố tình giết người cướp
của thì cố nhiên không thể tha thứ, nhất định phải xử tội chết. Nhưng
trong vụ án này, tất cả những người tòng phạm đi theo bọn chủ mưu đều là
dân nghèo thất nghiệp, do nghèo đói bức bách mới nhất thời lầm lỗi. Hơn
nữa, nạn nhân bị chết là do trên đường đi báo quan, trời tối chạy nhanh
vấp ngã xuống hố mà chết chứ không có dấu vết bị đánh đập hay đâm chém,
như vậy không phải do kẻ trộm cố sát. Căn cứ vào những tình tiết như
vậy nên thiết nghĩ không thể cứng nhắc theo quy định của pháp luật mà
giết chết một lúc 30 mạng người.
Tuần phủ nghe Hồ Phong Ông biện luận như thế thì trong lòng đã nhận hiểu được sự việc, nhưng vẫn giả vờ hùng hổ đập bàn quát:
– Ông đã nhận tiền hối lộ của bọn tội phạm kia bao nhiêu mà dám xảo ngôn
lừa bịp cả ta? Nếu không thành thật khai báo, ta sẽ cho ông nếm mùi cực
hình.
Hồ Phong Ông vẫn bình tĩnh ứng đáp:
– Thưa đại nhân! Có đất trời làm chứng, nếu nói hạ quan cố ý xin giảm
nhẹ tội cho bọn tòng phạm, quả thật hạ quan không dám phủ nhận; còn nếu
nói hạ quan nhận hối lộ của bọn chúng thì tuyệt đối không hề có. Cho dù
không sợ pháp luật trừng trị thì hạ quan cũng không thể làm trái với
lương tâm của mình.
Tuần phủ nghe xong, đột nhiên mỉm cười vặn hỏi tiếp:
– Ông nếu thật không nhận hối lộ của bọn chúng, vậy tại sao lại xử nhẹ như thế?
Hồ Phong Ông im lặng không trả lời. Tuần phủ gạn hỏi thêm lần nữa, tiên sinh mới ôn tồn đáp:
– Thưa đại nhân! Vốn chẳng có nguyên nhân nào khác, chỉ là hạ quan đang thực hành việc tu tập trong chốn quan trường.
Quan Tuần phủ trong lòng nhận biết những gì Hồ Phong Ông nói đều rất hợp
đạo lý, thể hiện một tấm lòng nhân đức, chính trực, liền gọi ông đến
gần để quan sát thật kỹ, quả nhiên thấy rõ người này dung mạo hết sức
hiền từ, phong cách thư thái, làm cho người khác phải cảm thấy ấm áp
thân thiện khi gần gũi tiếp xúc. Quan Tuần phủ khi ấy liền vui vẻ cười
hỏi tiên sinh:
– Ông có mấy người con, hiện tại đang làm gì?
Hồ Phong Ông đáp:
– Hạ quan có bốn người con, đứa con đầu may mắn đã thi đỗ cử nhân thượng khoa, ba đứa còn lại vẫn còn đang học.
Quan Tuần phủ nghiêm giọng nói:
– Ông quả là rất khéo tu tập trong chốn quan trường, ta tự xét mình
không bằng ông được. Nay vụ án trộm cắp này ta quyết định phê chuẩn theo
phán quyết của ông. Lòng từ bi, trí tuệ và sự dũng cảm của ông đã cứu
sống một lúc 30 mạng người, ta quả thật chưa làm được việc gì có thể so
bì với ông được!
Kết thúc vụ án, như vậy chỉ xử chém hai tên chủ mưu, 30 người còn lại đều được thoát chết.
Năm sau, con trai Hồ Phong Ông là Hồ Hướng Sơn thi đậu tiến sĩ. Người
con thứ hai và thứ ba về sau cũng đều đỗ đạt làm quan. Người con trai út
còn tỏ ra tài năng xuất chúng hơn hẳn nên ngay trong lúc còn đi học đã
được vua ban thưởng. Cho đến nhiều đời sau, con cháu của Hồ Phong Ông
đều nối nhau đỗ đạt vinh hiển.
(trích Tọa Hoa Chí Quả)