Đời sống
Nhân quả báo ứng hiện đời
Đường Tương Thanh biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, Đạo Quang dịch
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NIỆM PHẬT CỨU MẸ

Thiền sư Tông Trách sống vào đời Tống, người Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, từ nhỏ đã sớm mồ côi cha. Mẹ thầy là Trần thị liền đưa thầy về nương náu với người cậu, nuôi dưỡng lớn khôn. Thuở thiếu thời thầy thông suốt sách Nho, đọc hiểu khắp sách vở thế gian.

Năm lên 29 tuổi, thầy nhận ra được sự vô thường của kiếp người, liền lập chí nghiên cứu và thực hành Phật pháp. Từ đó tìm đến thiền sư Viên Thông Pháp Tú ở chùa Trường Lô thuộc Trân Châu xin xuất gia tu học, tham cứu thông suốt nghĩa lý huyền diệu, thấu rõ tông yếu.

Sau đó, thầy nghĩ đến ân sâu nuôi dưỡng dạy dỗ của mẹ, muốn tìm cách báo đáp, liền đón mẹ về cùng ở trong chùa, sửa dọn một căn phòng để bà ở về phía đông phương trượng, sớm chiều đều sang hầu hạ phụng dưỡng. Ngoài việc lo cung phụng vật chất đầy đủ ra, thầy còn khẩn thiết khuyên nhủ, hướng dẫn mẹ chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sinh về Tây phương Tịnh độ. Mẹ thầy tin nhận lời thầy, hết lòng tu tập theo pháp môn Tịnh độ.

Bảy năm sau, mẹ thầy an nhiên vãng sinh trong tiếng niệm Phật. Thiền sư còn có trước tác “Khuyến hiếu văn” lưu truyền hậu thế. Toàn bộ bài văn có 120 thiên; 100 thiên đầu nói rõ cách phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất; 20 thiên sau hướng dẫn việc nên khuyên cha mẹ thực hành pháp môn Tịnh độ, cầu được vãng sinh Tây phương Cực Lạc. Cách báo hiếu trọn vẹn như ngài dạy trong văn này chính là ý nghĩa báo hiếu mà tất cả những người con Phật đều phải noi theo.

(trích Tịnh độ thánh hiền lục)

HIẾU NGHĨA THÀNH DANH

Vào triều Thanh, tại làng An Phước, quận Quế Dương có một nho sĩ tên Phan Thanh Quý, nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ là Lý thị hằng ngày vất vả chắp bông kéo vải dành dụm nuôi con ăn học.

Phan Thanh Quý học hành thông minh sáng suốt, lại rất có hiếu với mẹ. Mỗi khi đi học về, chàng đều vội cất sách vở chạy đến bên mẹ thưa rằng:

– Mẹ có việc gì để con làm giúp cho!

Lý thị thấy con ngoan ngoãn, hiếu thảo như vậy, trong lòng rất mừng, nhưng bà luôn tự làm hết mọi việc, không nỡ sai bảo con, muốn con dành trọn thời gian cho việc học hành. Hàng xóm láng giềng thấy Phan Thanh Quý hiếu thuận, ai cũng khen bà Lý thị có phước.

Lý thị là người tin sâu Phật pháp, đã quy y Tam bảo từ thuở nhỏ, thường lên chùa cúng dường Tam bảo. Hơn nữa, bà còn rất thuần thành tin tưởng vào Bồ Tát Quán Thế Âm, thường xuyên trì niệm danh hiệu của ngài.

Hằng tháng, cho dù việc chi tiêu trong nhà có vừa đủ hay thiếu thốn, bà cũng đều dành ra một số tiền để mua hương đèn hoa quả, rồi sai Phan Thanh Quý mang lên chùa Hưng Duyên ở gần đó dâng hương lễ Phật. Phan Thanh Quý luôn vâng lời mẹ, mỗi khi lên chùa đều chí thành lễ Phật. Do được mẹ dạy bảo từ nhỏ như vậy nên chàng trai này cũng hết sức tin sâu Phật pháp, mỗi một việc làm đều luôn biết suy xét nhân quả thiện ác.

Một hôm, Phan Thanh Quý theo lệ thường lên chùa dâng hương lễ Phật, vừa bước ra thì chợt nhìn thấy một tiểu thư trạc tuổi trăng tròn, dung nhan xinh đẹp, thướt tha hiền dịu, đang dắt tay một em bé từ cổng chùa đi vào. Hai người tình cờ gặp nhau, không ai bảo ai mà cùng dừng chân nhìn nhau, dường như đã có chút nhân duyên từ đời trước, khiến cho tuy mới gặp mà cả hai đều thấy trong lòng xao xuyến như đã quen biết nhau tự thuở nào, quả thật là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

Phan Thanh Quý đã mấy lần muốn ngỏ lời chào hỏi nhưng còn ngại ngùng không biết ý nàng thế nào. Còn nàng thì cứ lấy tay vò đầu em, dáng vẻ e lệ, cứ nhớm gót như muốn đi nhưng lại dần dà mãi vẫn không cất bước... Mãi một lúc sau, chàng mới đánh bạo lên tiếng trước:

– Tiểu thư, xin phép được cho kẻ thư sinh này thưa hỏi đôi lời. Chẳng hay nàng ở đâu đến chùa này lễ Phật, sao trước giờ tôi chưa được gặp bao giờ?

Cô gái nghe hỏi, e lệ đỏ bừng mặt, cúi đầu thỏ thẻ đáp:

– Nhà em cũng ở gần đây thôi, nhưng gia phụ vốn giữ nếp nhà nghiêm cẩn nên rất ít khi cho phép em ra ngoài. Hôm nay là lần đầu tiên được đến chùa lễ Phật.

Thấy nàng vui vẻ trả lời, chàng Phan Thanh Quý trở nên bạo dạn hơn, bắt đầu lân la trò chuyện. Hai bên gặp nhau chưa bao lâu mà đã tỏ ra thật là tâm đầu ý hiệp, quyến luyến không rời. Chàng Phan trước khi chia tay liền bạo gan dọ hỏi chuyện lương duyên. Cô gái bẽn lẽn nói:

– Tuy đã có nhiều nơi đến dạm hỏi, nhưng cha mẹ thiếp chưa hứa gả nơi nào.

Chàng nghe như vậy thì không giấu được vẻ vui mừng, liền hỏi tiếp:

– Như ta muốn nhờ người đến dạm hỏi, không biết có chút hy vọng nào chăng?

Cô gái e thẹn cúi đầu im lặng. Chàng nhân dịp đó liền tiếp tục dò hỏi về gia thế, tên tuổi... trong ý đã quyết sẽ nhờ người dạm hỏi để kết duyên Tần Tấn. Nàng chỉ lặng thinh nghe chàng nói, hai gò má càng lúc càng đỏ rần lên... Cuối cùng nàng mới bộc bạch:

– Em tên là Tiêu Bích Hà, thân phụ là Tiêu Nhượng Đức, nhà ở làng Ngọc Thanh. Cha em có người bạn thân tên là Châu Khuyến Thành, ở kế bên nhà, nếu chàng đến nhờ ông ấy mai mối chắc sẽ có nhiều hy vọng.

Phan Thanh Quý nghe được lời ấy thì mừng rỡ vô cùng, lập tức ghi nhớ kỹ trong lòng, nhất định sẽ về thưa với mẹ tiến hành ngay việc dạm hỏi. Hai bên bịn rịn hồi lâu rồi mới chia tay nhau, chàng quay về nhà, còn nàng dắt em vào chùa lạy Phật.

Ngờ đâu ngay sau hôm đó thì mẹ chàng nhận được tin tức về một người em xa cách bặt tin đã lâu, nghe nói ông đã về nhậm chức tri huyện ở Linh Lăng. Bà mừng quá liền lập tức sai Phan Thanh Quý lên đường tìm đến Linh Lăng thăm cậu.

Chàng đi ròng rã suốt cả tháng trời mới đến nơi, nào ngờ người cậu ấy đã qua đời cách đó vài tháng, bà mợ đã đưa cả gia đình về quê, không còn ai ở đó cả! Lúc ấy, Phan Thanh Quý phải lâm vào tình trạng hết sức thảm hại. Muốn quay về nhà thì tiền bạc, lương thực mang theo đều đã cạn; còn ở lại thì bơ vơ đất khách quê người, không một người quen biết, không nơi ăn chốn ở, thậm chí cũng chẳng biết phải làm gì để kiếm miếng cơm ăn qua ngày. Thật khốn đốn thay!

Than ôi, chuyện đời vẫn thường là “họa vô đơn chí”. Trong khi chàng còn chưa biết tính cách nào để nuôi thân qua ngày tạm thời chờ đợi kiếm tiền về quê, thì bỗng đâu nghe tin giặc giã nổi lên khắp chốn, đường về quê cũ giờ đây không một khách bộ hành nào dám đi qua nữa vì giặc cướp ngăn trở nhiều nơi...

Thật may, khi ấy chàng lại gặp được một người hào trưởng tốt bụng, hỏi qua biết chàng là thư sinh, liền mời về nhà để dạy học cho mấy đứa con nhỏ ở nhà ông. Sau đó lại có các nhà hàng xóm cũng mang con đến gửi, thế là chẳng mấy chốc đã hình thành một lớp học nhỏ, chàng Phan Thanh Quế bất đắc dĩ phải làm một thầy đồ gõ đầu trẻ để sống tạm qua ngày chờ khi thời cuộc tạm yên ổn sẽ lên đường về quê.

Những người trong xóm ấy thấy chàng diện mạo khôi ngô, phong thái nho nhã, lại rơi vào cơn khốn bách như thế nên ai cũng động lòng thương xót, liền bàn nhau cất một ngôi nhà nhỏ, vừa làm nơi trú ngụ cho chàng, vừa làm trường học để tiện bề dạy dỗ con cháu của họ. Tuy đã có thể tạm sống yên, nhưng chàng vẫn không một phút nào không nghĩ đến mẹ già nơi quê cũ, lại nhớ đến mối duyên kỳ ngộ đành phải lỡ làng thì trong lòng sầu muộn khôn nguôi.

Một hôm, Phan Thanh Quý đang ngồi buồn nhớ đến mẹ già ở quê nhà, bỗng nghe ngoài ngõ có tiếng người rao lớn rằng:

– Ai mua lão thì lão bán cho!

Nghe tiếng rao kỳ lạ, chàng vội chạy ra ngoài xem thử, nhìn thấy một bà lão tuổi ngoài 60, gương mặt giống hệt mẹ mình. Chàng mừng quá, liền hỏi:

– Bà lão định bán giá bao nhiêu?

– Nếu thật lòng mua lão về làm mẹ thì lão theo về, không cần tiền bạc.

Thấy lạ, Phan Thanh Quý đứng yên nhìn bà dò xét hồi lâu, nhưng thấy bà không có vẻ gì là đùa cợt. Chàng liền nói:

– Con vốn đang xa mẹ, nếu thật vậy thì con xin nhận bà về làm mẹ.

Từ đó, Phan Thanh Quý chăm sóc phụng dưỡng bà lão như mẹ ruột của mình, còn bà cũng xem chàng như con đẻ. Bà tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn có sức khỏe lạ thường, lại siêng năng làm nghề bông vải, đủ kiếm tiền nuôi chàng ăn học cho kịp khoa thi sắp tới. Chàng thấy bà lão khổ cực không đành lòng, muốn đỡ đần cho bà, nhưng lần nào cũng bị bà la rầy không cho.

Mặc dù vậy, cứ thỉnh thoảng bà lại có những lần đau ốm, mỗi lần kéo dài đến năm mười ngày hoặc cả tháng không chừng, khiến chàng phải chăm sóc rất vất vả, song chàng vẫn vui vẻ hết lòng thức khuya dậy sớm, chăm sóc cơm cháo, giặt giũ quần áo cho bà, không bao giờ lộ vẻ chán nản hay mệt mỏi. Chàng thương yêu chăm sóc cho bà không khác chi mẹ ruột của mình. Nhiều lúc bà cố tình giận dữ, rầy la quát mắng những việc rất vô lý nhưng chàng vẫn vui vẻ nhận chịu, chưa bao giờ tỏ ra bực dọc hoặc nhăn mặt chau mày.

Cứ thế, mẹ con sống bên nhau được hơn nửa năm. Một hôm bà lão bảo chàng:

– Con đã lớn rồi, để mẹ kiếm một nơi thích hợp định chuyện đôi bạn cho con.

Phan Thanh Quý giật mình vội thưa:

– Không... không, thưa mẹ! Con phiêu bạt đến đây đã gần năm trời, không biết mẹ ruột con ở nhà thế nào, có được mạnh khỏe an ổn hay không... thật không lòng dạ nào nghĩ chuyện cưới vợ!

Bà lão vẫn nằng nặc nài ép, lại nói:

– Nếu con biết nghĩ đến mẹ già, càng phải sớm lo bề gia thất, mai kia gặp lại có cháu nội ẵm bồng, chẳng phải mẹ con sẽ vui mừng lắm sao? Nếu con trì hoãn việc này, đến lúc mẹ con trăm tuổi vẫn chưa biết mặt dâu con, chưa được thấy tông đường có người nối dõi, chẳng hóa ra là bất hiếu lắm hay sao?

Bấy giờ, chàng Phan Thanh Quý hết đường chống chế, đành phải nói thật:

– Thưa mẹ! Chuyện lương duyên của con vốn lẽ ra đã định từ năm trước, lúc con tình cờ gặp được nàng Tiêu Bích Hà tại chùa Hưng Duyên, chúng con đã có lời hẹn ước. Do hoàn cảnh trớ trêu bất ngờ nên phải bặt đường tin tức, nhưng dù sao con cũng không nỡ phụ nàng!

Bà lão nghe chàng nói, gật gật đầu ra chiều thông cảm, rồi không nói thêm gì nữa.

Từ lúc bà lão nhắc chuyện lương duyên, khiến chàng chạnh lòng nhớ đến người xưa, trong lòng ngổn ngang trăm mối, chẳng biết đến bao giờ mới có thể về lại quê xưa, phần nhớ thương lo lắng cho mẹ già, phần băn khoăn không biết người xưa giờ đã thế nào...

oo0oo

T

rở lại nơi quê hương của chàng Phan Thanh Quý, sau khi mẹ chàng sai con đi Linh Lăng tìm cậu, chờ mãi không thấy trở về, cũng không nghe tin tức. Ngày nào bà cũng lo lắng, thắp hương cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm xin cho mẹ con được gặp lại nhau.

Không bao lâu thì giặc giã nổi lên khắp chốn, chúng cướp bóc giết hại dân lành, đốt phá làng mạc... không một ngày nào còn được yên ổn. Bà con xóm làng lũ lượt rủ nhau chạy trốn giặc, nhưng cũng chẳng biết chạy về đâu. Thật đáng thương thay cho tình cảnh của những người dân nghèo trong cơn biến loạn.

Bà mẹ Phan Thanh Quý cũng không thể một mình ở lại xóm làng, đành phải gắng gượng lê tấm thân già yếu cố sức chạy theo mọi người. Bà chạy từ trưa đến gần tối, té ngã nhiều lần, sức cùng lực kiệt không thể nào theo kịp mọi người được nữa, đành nằm nghỉ lại dưới một gốc cây bên đường, miệng vẫn không ngừng trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, cầu ngài cứu khổ cứu nạn...

Trời vừa sụp tối, bà đang lo lắng giữa cảnh núi rừng cô tịch thì bỗng thấy có một bà già cũng đang băng đường chạy đến. Nhìn thấy bà, bà lão kia nói:

– Trời đã tối rồi, sao bà vẫn còn ở đây! Nếu không biết chỗ nghỉ thì mau đi theo tôi, tôi biết có một nơi có thể nghỉ tạm qua đêm.

Bà lão ấy nói rồi nắm lấy tay bà dắt đi, mỗi lúc một nhanh, mà bà cũng không hiểu sao mình lại vẫn thấy khỏe khoắn lạ thường, bước đi nhẹ như lướt trên mây gió, chẳng mấy chốc mà ước chừng đã vượt qua cả mấy chục dặm đường... Họ cứ thế mà băng đường đi tới.

oo0oo

N

hắc lại việc nàng Tiêu Bích Hà, từ khi gặp chàng Phan Thanh Quý tại chùa Hưng Duyên, về nhà được mấy hôm thì cha nàng bất ngờ lâm bệnh qua đời. Cảnh nhà rối rắm, đôi vai gầy của nàng phải gánh chịu bao nỗi lo toan, lại thêm buồn đau thương nhớ, thật là một cảnh thảm thương không bút nào tả xiết!

Lần hồi rồi việc nhà cũng tạm được yên, nhưng nhớ lại mối duyên kỳ ngộ nơi chùa Hưng Duyên nàng luôn băn khoăn tự hỏi không biết người xưa có nhớ đến mình hay không, sao từ lúc chia tay đến nay vẫn biệt vô âm tín... Nàng không khỏi đêm ngày thầm thương trộm nhớ, đã hơn một năm qua vẫn chưa khuây lãng được. Đã vậy, những công tử quyền quý khắp vùng vì say mê nhan sắc của nàng nên liên tục cậy người mai mối tới dạm hỏi. Mẹ nàng thấy con đã đến tuổi trưởng thành, nhiều lần giục nàng hãy chọn lấy một nơi, nhưng lúc nào nàng cũng lựa lời từ chối, viện cớ là chưa thấy ai thích hợp với mình.

Một hôm, có tên Trương Thủ Hùng là con nhà giàu có ở làng bên, đã nhiều lần cậy người mối mai mà không được, biết là khó được nàng ưng thuận nên liền lập kế đem tiền của mua chuộc người bác của nàng là Tiêu Nhượng Nghĩa, lừa ông này cùng chúng đến nhà nàng gọi cửa vào ban đêm. Mẹ nàng nghe tiếng ông Tiêu Nhượng Nghĩa liền bảo con dậy ra mở cửa cho bác vào. Ngờ đâu bè đảng Trương Thủ Hùng đã chuẩn bị sẵn kiệu nhẹ bốn người khiêng, nàng vừa mở cửa thì chúng lập tức xông đến bắt lấy nàng đưa lên kiệu, khóa cửa lại rồi ào ào khiêng chạy như bay.

Mẹ nàng chẳng biết vì sao con mình bị bắt nên nhào lăn khóc lóc, còn nàng ở trong kiệu giãy giụa kêu cứu, nhưng mấy tên bất lương vẫn cứ thẳng đường mà chạy, không đếm xỉa gì đến tiếng kêu khóc của nàng.

Không ngờ trời xanh có mắt, chẳng giúp kẻ gian manh. Mấy tên lưu manh này vốn là bọn đầu trộm đuôi cướp được Trương Thủ Hùng tìm thuê từ xa đến nên không rành đường sá trong vùng. Trương Thủ Hùng đã chỉ đường cho bọn chúng, bảo chúng khiêng chạy chừng một canh giờ thì sẽ gặp người đón đường đưa về nhà hắn và nhận tiền thù lao. Nhưng phần vì trời tối, phần vì bọn chúng hốt hoảng sợ người đuổi theo, nên mắt nhắm mắt mở thế nào lại chẳng nhìn thấy chỗ ngã ba rẽ về nhà Trương Thủ Hùng, cứ một lèo theo đường lớn chạy riết. Chạy đến lúc trời đã sáng rõ mà không thấy ai ra đón cả, bọn chúng không biết tính sao đành hạ kiệu xuống để bên lề đường rồi kéo nhau bỏ đi mất.

Mấy hôm sau, chúng tìm đến gần nhà Trương Thủ Hùng rình rập, đợi lúc tên này vừa đi chơi về gần tối thì nện cho một trận thiếu sống thừa chết để rửa mối hận bắt bọn chúng khiêng kiệu chạy suốt đêm mà chẳng được gì! Quả thật là làm ác gặp ác, đáng đời cho tên công tử nhà giàu gian manh háo sắc.

oo0oo

B

uổi sáng hôm ấy, chàng Phan Thanh Quý tâm trạng không vui nên bước ra ngoài dạo chơi một lát. Chẳng biết thế nào lại vui chân đi mãi theo con đường trước nhà một quãng khá xa. Đến lúc chàng vừa định quay về thì bỗng nghe có tiếng người khóc than văng vẳng từ xa vọng đến. Chàng liền theo hướng ấy mà tìm đến, liền nhìn thấy một chiếc kiệu đặt bên đường, cửa khóa chặt, có tiếng một người con gái than khóc vọng ra từ trong ấy. Nhìn quanh nhìn quất lại chẳng thấy người khiêng kiệu đâu cả.

Thấy lạ, Phan Thanh Quý liền bước đến sát bên rồi lên tiếng hỏi:

– Cô nương con cái nhà ai? Vì sao kiệu bỏ ở đây lại không có người khiêng? Hay có chuyện gì không may đã xảy ra chăng?

Cô gái nghe tiếng người hỏi thì nín bặt một lúc, rồi lên tiếng hỏi lại:

– Chàng là ai? Nghe câu hỏi của chàng thì xem ra chắc không thuộc bọn người đã bắt tôi đến đây. Nếu quả đúng vậy thì xin ra ơn cứu giúp, đưa tôi về nhà.

Chàng Phan Thanh Quý vừa nghe tiếng nói bỗng như bủn rủn cả tay chân, tim đập liên hồi thình thịch. Đúng là giọng oanh vàng thỏ thẻ ngày xưa, dù xa cách mấy năm nhưng chàng chưa lúc nào quên được. Chàng đánh bạo hỏi thẳng:

– Trời ơi! Có phải là cô nương Tiêu Bích Hà đó chăng?

Nàng nghe giọng nói cũng đã nhận ra là quen thuộc, nhưng còn e dè chưa dám vội vã, liền hỏi lại:

– Người là ai sao lại biết tên tôi?

Phan Thanh Quý mừng rỡ kêu lên:

– Đúng là cô nương rồi. Cô nương không nhớ lúc gặp nhau nơi sân chùa Hưng Duyên năm xưa đó sao?

Đôi bên nhận biết được nhau, mừng mừng tủi tủi. Chàng Phan Thanh Quý lập tức phá kiệu cho cô ra ngoài, lại đưa về nhà để giới thiệu với bà mẹ nuôi của mình.

Nhưng hai người về nhà thì không thấy bà cụ đâu cả. Chàng Phan Thanh Quý mời nàng ngồi nghỉ một lát trong gian nhà tranh, rồi nhân dịp đó hai bên cùng kể lể tâm sự những nổi nhớ nhung mong chờ trong mấy năm qua... Khi hiểu ra được những trắc trở của nhau, đôi bên càng thêm yêu quý, kính mến lẫn nhau, mối duyên kỳ ngộ bỗng chốc trở nên nồng nàn tha thiết hơn cả buổi ban đầu...

Đang lúc vui chuyện, chợt nghe có tiếng người nói lớn trước sân:

– Nhà này có thể nương náu được, bà hãy vào nghỉ lại ở đây, tôi còn có việc phải đi.

Phan Thanh Quý nghe vậy liền mở cửa bước ra xem. Ô kìa! Một bà lão gầy ốm đang đứng trước sân, thân hình tiều tụy, dáng người khắc khổ, nhìn kỹ hóa ra chính là mẹ ruột của chàng! Chàng mừng quá chạy bay ra ôm chầm lấy mẹ rồi òa khóc:

– Mẹ ơi! Con quả thật là đứa con bất hiếu, bỏ mẹ mà đi suốt mấy năm nay. Nhưng sao mẹ lại đến được nơi này?

Bà mẹ chàng cũng mừng vui nghẹn ngào không nói được nên lời, hồi lâu mới lắp bắp nói:

– Đúng là Bồ Tát ra ơn cứu độ. Mẹ đang trên đường chạy giặc, gặp một bà già dắt mẹ cùng đi. Bà ấy đưa mẹ đi suốt đêm qua, sáng nay thì đến đây, lại bỏ mẹ ở đây mà đi mất rồi!

Chàng Phan Thanh Quý vội hỏi xem bà lão ấy dung mạo thế nào. Mẹ chàng vừa tả lại, chàng nhận biết ngay đó là bà mẹ nuôi của mình. Chàng vội chạy khắp quanh nhà tìm kiếm, không còn thấy mẹ nuôi đâu cả. Đến đây thì cả hai mẹ con đều hiểu ra mọi chuyện, tin chắc rằng suốt mấy năm qua họ đã luôn được Bồ Tát Quán Thế Âm âm thầm gia hộ che chở.

Kể ra cũng thật lạ kỳ! Từ quê chàng Phan Thanh Quý đi đến nơi đây đường xa diệu vợi, chí ít cũng mất cả tháng trời. Vậy mà bà lão kia nắm tay mẹ chàng dắt đi chỉ qua một đêm thì đến! Lại nữa, mấy tên lưu manh khiêng kiệu chẳng biết đường xá chỉ nhắm mắt đi bừa cả đêm, chẳng hiểu sao lại đưa được nàng Tiêu Bích Hà đến đúng chốn này. Quả thật là “hữu thành tất ứng”, nhờ có sự nguyện cầu tha thiết thành khẩn nên cảm ứng được mọi sự tốt lành như thế.

Hôm sau, Phan Thanh Quý lập tức mượn thêm mấy người hàng xóm, cùng khiêng kiệu đưa Tiêu Bích Hà trở về nhà, đồng thời mang lễ vật đến xin hỏi cưới nàng.

Trải qua sự việc kinh hoàng con gái bị cướp đi, bà mẹ nàng Tiêu Bích Hà không hỏi han gì nhiều nữa, lập tức gật đầu ưng thuận, chỉ mong nàng có nơi gửi gắm, có chỗ yên thân để không còn bị bọn lưu manh côn đồ dòm ngó nữa.

Thế là bà Lý thị nhanh chóng thu xếp tổ chức lễ cưới ngay cho con trai. Buổi lễ tuy chẳng có trà lang rượu cúc, đũa ngà chén ngọc như các đám sang giàu, nhưng người trong xóm đến dự rất đông, vì hầu như ai cũng có con em được Phan Thanh Quý hết lòng dạy dỗ. Thật là một mối duyên lành, người người đến dự đều mừng thay cho họ, cùng nhau hoan hỷ chuyện trò, nói cười vui vẻ.

Từ đó về sau, mẹ con sum vầy, chồng vợ hòa thuận. Năm sau, nàng Bích Hà sinh được một đứa con trai, diện mạo khôi ngô, giống tạc như cha. Sau đó, chàng Phan Thanh Quý thi đậu cử nhân, ra làm quan, xây dựng nhà cửa thênh thang, giàu sang vinh hiển.