ĐỔI TUỔI THỌ CHO CHA
Hoàng Đạo Hiền được tôn xưng là một người con chí hiếu vào
triều Nguyên. Từ nhỏ ông đã bất hạnh mất mẹ, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn
gian lao đều do một tay cha ông lo liệu, nuôi dưỡng dạy dỗ ông nên
người. Cảm nhận được công ơn sâu nặng của cha, Hoàng Đạo Hiền luôn hết
lòng chăm lo săn sóc phụ thân, mỗi ngày hai buổi sáng tối đều thành khẩn
hỏi thăm xem cha có được khỏe mạnh không, ăn ngủ có ngon không, xưa nay
chưa một ngày xao nhãng.
Một năm nọ, người cha mắc phải một chứng bệnh trầm kha, đã mời khắp các
danh y đến chữa trị song bệnh tình vẫn không thuyên giảm, ngày càng trầm
trọng hơn, đến nỗi thần thức hôn mê, nằm liệt trên giường. Tất cả danh y
đều đã bó tay đầu hàng.
Hoàng Đạo Hiền thấy bệnh tình của phụ thân rất nguy cấp, ngày đêm buồn
rầu lo lắng, quên ăn mất ngủ. Bấy giờ, ông không còn biết làm sao được
nữa, bèn thắp hương khấn nguyện giữa đất trời, xin đổi 12 năm tuổi thọ
của chính mình để tăng thêm tuổi thọ cho cha.
Quả thật là “tâm thành tất ứng”, ông thành tâm cầu nguyện như vậy suốt
mấy ngày đêm, thần thức của cha ông liền dần dần tỉnh lại, bệnh tật cũng
lui dần. Rất nhiều danh y thấy người cha của Hoàng Đạo Hiền không dùng
thuốc nữa mà lại dần dần bình phục đều ngạc nhiên cho là kì tích.
Sau cơn bệnh ngặt nghèo ấy, quả nhiên cha ông sống thêm được đúng 12 năm
nữa rồi mới qua đời. Còn Hoàng Đạo Hiền, tuy tự nguyện xin đổi tuổi thọ
cho cha, nhưng ngược lại vẫn sống rất thọ, hơn nữa lại có một cuộc sống
giàu sang sung túc, đến lúc lâm chung thân không bệnh khổ, an nhiên lìa
trần.
(trích Vạn thiện chi nguyên)
THAY NHAU NUÔI CHA MẸ
Vào triều Thanh, tại huyện Sùng Minh, tỉnh Giang Tô có người họ Ngô
sinh được bốn đứa con trai. Vì gia đình quá nghèo khổ không đủ sức nuôi
dưỡng nên đành phải cho đi làm tôi tớ cho một người nhà giàu.
Mặc dù vậy, nhờ siêng năng cần mẫn nên khi lớn lên thì cả 4 người con
trai ấy đều dần dần thoát khỏi cảnh tôi tớ và tự lập thân mình. Sau khi
cưới vợ, họ xây dựng được một căn nhà lớn và cả đại gia đình cùng chung
sống.
Lúc đầu, họ bàn nhau rằng bốn anh em phải thay phiên nhau phụng dưỡng
cha mẹ, mỗi người lo trong một tháng. Nhưng có một người con dâu lại
nói:
– Nếu mỗi gia đình phụng dưỡng trong một tháng, hóa ra phải chờ đến 3
tháng sau mới lại có cơ hội hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ. Như vậy tình cảm
đối với cha mẹ chẳng phải sẽ phát sinh khoảng cách hay sao? Chi bằng mỗi
người chỉ lo phụng dưỡng trong một ngày sẽ tốt hơn!
Nhưng rồi những người con dâu khác cũng không chịu. Một người nói:
– Nếu mỗi người phụng dưỡng một ngày, như vậy cũng phải đến 3 ngày sau
mới đến lượt mình, cũng là quá lâu. Thôi thì mỗi người hãy phụng dưỡng
cha mẹ trong một bữa mà thôi.
Và tất cả mọi người đồng ý thỏa thuận với nhau từ đó về sau cứ mỗi người
lo việc phụng dưỡng chu đáo cho cha mẹ một bữa ăn trong ngày, sau đó
đến người khác, cứ luân phiên như vậy.
Thật là kỳ thú, cái vòng xoay luân phiên phụng dưỡng cha mẹ như thế kéo
dài qua nhiều năm mà vẫn trước sau như một, không có ai trong bọn họ tỏ
ra chán nản hay mệt mỏi. Cho đến khi Ngô lão ông đã được 99 tuổi, lão bà
cũng đã 97 tuổi, con trai trưởng 77 tuổi, con trai thứ 76 tuổi, còn con
trai thứ ba và tư cũng đều bạc tóc, mà cả đại gia đình họ vẫn sống
chung ấm êm hòa thuận.
Gia đình họ Ngô này cả năm thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà, cháu
chắt đông đúc, cả thảy đến hơn 20 người, thật là hiếm có trên đời. Đó
đều là do nơi lòng hiếu thuận của những người con và dâu của Ngô lão,
tất cả đều đồng lòng lo việc đáp đền công ơn cha mẹ. Thật đáng kính phục
lắm thay, rất đáng làm tấm gương sáng để mọi người cùng noi theo.
(trích Ngư Dương dạ đàm)