Chủ thể và đối tượng
Một trong những điểm cần nhấn mạnh của thiền quán là mối quan hệ không
chia tách giữa chủ thể và đối tượng, hay giữa tâm và đối tượng quán
chiếu của tâm. Khi nói “vạn pháp duy tâm” thực ra cũng là nói lên ý này,
mặc dù không ít người đã diễn dịch câu này theo nhiều ý nghĩa kỳ bí
khác.
Khi chúng ta nhận thức về một sự việc, nhận thức đó bao hàm cả chủ thể
nhận thức và đối tượng nhận thức. Nếu ta quán chiếu về một đối tượng nào
đó, ta giới hạn nhận thức trong phạm vi của đối tượng, cho dù là đối
tượng ấy vốn không thể tách rời như một thực thể tồn tại độc lập trong
thực tại. Vì giới hạn nhận thức của ta chính là đối tượng nhận thức, nên
đối tượng ấy trở thành một phần không thể tách rời với nhận thức.
Một cách khác, khi nói nhận thức tất nhiên là phải nhận thức về một đối
tượng nào đó. Vì thế mà nhận thức phải bao hàm cả chủ thể nhận thức và
đối tượng nhận thức.
Trong thiền quán, khi ta quán niệm về một đối tượng, ta trở thành đồng
nhất với đối tượng quán chiếu đó. Khi quán niệm về dòng sông, ta là dòng
sông. Khi quán niệm về đỉnh núi, ta là đỉnh núi. Khi quán niệm về hư
không, ta là hư không... Bạn có thể chọn các đề tài quán niệm khác nhau,
nhưng cần nhất là đừng bao giờ gạt bỏ các đối tượng nhận thức ra khỏi
nhận thức của bạn. Đó là điều không thể làm được nhưng đã có không ít
người đã cố gắng làm. Hãy nhớ rằng, dòng sông, đỉnh núi, hư không... hay
bất cứ đối tượng nào mà chúng ta nhận thức cũng đều là tâm của ta.