Ai biết?
Chúng ta đã thấy sự khác biệt giữa hiểu và biết, hay giữa khả năng suy
tư và trực giác. Như thế, khi ta nói “tôi hiểu” hay “cô ấy hiểu”, vấn đề
không có gì gợi nên sự thắc mắc. Nhưng với tính chất bao trùm của cái
biết thì những phát biểu đại loại như “tôi biết”, “cô ấy biết” dường như
có gì đó không thỏa đáng.
Khi thấy được cái biết hiện diện bàng bạc khắp trong vạn vật, thì việc
giới hạn nó vào một chủ thể rõ ràng là không hợp lý. Khi nói “tôi biết”,
chúng ta hàm ý là tâm nhận biết chứ không phải thân thể bằng xương thịt
này nhận biết. Nhưng tâm ta chính là cái biết, không biết thì sao gọi là
tâm? Vì thế, nói “tôi biết” cũng như nói “cái biết biết”, và điều này
cũng vô lý tương tự như ta thường nói “mưa rơi”. Mưa là hiện tượng nước
rơi trong không trung. Không có nước rơi thì không có mưa, nên nói mưa
rơi suy cho cùng là vô nghĩa. Ta chỉ cần nói mưa ở đây, mưa ở kia... là
đã đủ để diễn đạt đúng sự việc. Tương tự, ta chỉ cần nói “cái biết ở nơi
tôi”, “cái biết ở nơi cô ấy”... Và cũng tương tự, ta có “cái biết nơi
con ong”, “cái biết nơi con kiến”...
Khi ta nói “cái biết biết”, ta đã cho rằng “cái biết” là một thực thể
tồn tại độc lập nằm trong ta, để biết về những gì ở bên ngoài ta. Khi
nhận thức theo cách đó, cái biết lập tức bị đóng khung vào chính những
gì nó đã tạo ra và không còn là cái biết thật sự nữa.
Chúng ta không đưa vấn đề ra chỉ để hình thành thêm những khái niệm mới,
khác lạ hơn hoặc phức tạp hơn. Thực ra những phân tích này là nhằm cho
thấy sự vô lý trong thói quen phân biệt các chủ thể độc lập và tách biệt
trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Khi nói đến cái biết, chúng ta
luôn đi kèm theo với câu hỏi “ai biết?”, và điều đó ngay lập tức giới
hạn phạm vi của cái biết vào một khuôn khổ, khiến cho chúng ta biết mà
không còn là biết nữa. Sở dĩ như vậy là vì ta đã không nhận thức đúng về
cái biết. Như khi nói đến mưa, ta chẳng bao giờ thắc mắc là “ai mưa?”,
vì ta nhận thức được mưa là gì. Khi ta nói “trời mưa”, ta cũng không
thật sự hàm ý chỉ đến một chủ thể nào cả.[7]
Chúng
ta cũng nên nhận thức về cái biết theo cách tương tự như vậy, để không
vô tình nhốt chặt cái biết vào trong những lớp vỏ khái niệm hoặc bóp méo
đi bởi sự phân biệt.
Trong cuộc sống hàng ngày, sẽ không có vấn đề gì khi chúng ta tiếp tục
đặt ra câu hỏi “ai biết?”, cũng như duy trì những khái niệm phân biệt
các chủ thể độc lập và tách biệt. Nhưng một khi muốn chuẩn bị cho cái
nhìn toàn diện và thể nhập vào thực tại, thì việc xem xét lại vấn đề là
hết sức cần thiết để có thể chấp nhận và bước vào một thế giới chân thật
vô phân biệt.