Tuy hai mà một
Đến đây, bạn có thể sẽ đặt ra một câu hỏi. Chúng ta ngồi thiền để tỉnh
thức và nhận biết những chuyển biến trong dòng tư tưởng, như vậy thì sự
tỉnh thức và nhận biết đó là ta, hay dòng tư tưởng đó là ta?
Đa số người mới học thiền thường có ác cảm với những niệm tưởng luôn dao
động, và cho rằng đó chính là “kẻ thù” của tâm tỉnh thức. Trong nhà
thiền gọi các tư tưởng dao động đến và đi, sinh và diệt liên tục ấy là
vọng niệm, hay tạp niệm. Còn sự tỉnh thức và nhận biết mà chúng ta vừa
bàn đến được gọi là chánh niệm. Sự phân biệt gọi tên như thế cũng làm
cho không ít người đi đến chỗ chia tách chánh niệm và vọng niệm như là
hai đối tượng trái ngược nhau. Và cũng thật dễ hiểu khi chánh niệm được
xem là “phe ta” mà vọng niệm tất nhiên là “phe địch”.
Thật ra, nếu bảo chánh niệm là ta mà vọng niệm chẳng phải là ta, vậy khi
chưa thực hành thiền quán, chưa có chánh niệm, “cái ta” lẽ nào chưa từng
hiện hữu hay sao? Và khi thực hành thiền quán, có được chánh niệm, nếu
bảo chánh niệm ấy là ta, vậy “cái ta” đó là từ đâu sinh ra? Rõ ràng sự
phân biệt này đã đi đến chỗ bế tắc.
Tuy nhiên, chánh niệm nhận biết vọng niệm là điều có thật. Vậy lẽ nào
cùng lúc có cả hai “cái ta”, một “cái ta vọng niệm” và một “cái ta chánh
niệm”? Cách hiểu này cũng không ổn.
Vì thế, đi sâu vào thiền quán chúng ta sẽ nhận ra chánh niệm và vọng
niệm thật ra cũng chỉ là từ nơi tâm sinh khởi, không thể chia tách ra
thành hai đối tượng khác nhau. Chính điều này giải thích được lý do vì
sao khi chúng ta càng cố gắng dẹp bỏ các vọng niệm đi thì chúng lại càng
sinh khởi mạnh mẽ hơn, nhưng một khi ánh sáng chánh niệm bắt đầu soi rọi
thì tự nhiên dòng sông tạp niệm sẽ trở nên hiền hòa, dễ chịu.
Chánh niệm hay vọng niệm, hay gọi tên theo một cách khác, chân tâm hay
vọng tâm, không phải là hai đối tượng để chúng ta có thể lấy hoặc bỏ. Bỏ
vọng tâm đi thì cũng không có chân tâm. Chúng chỉ là hai biểu hiện khác
nhau của cùng một tâm. Trong nhà thiền thường dùng hình ảnh sóng và nước
để minh họa cho điều này. Sóng hiện ra trên mặt nước như những hình ảnh
cá biệt, cụ thể, nhưng sóng đó cũng chính là nước. Mặt nước yên lặng
kia, tuy nhìn thấy có sự khác biệt, nhưng cũng chính là sóng. Sóng và
nước tuy hai mà một. Có thể có những lúc “sóng lặng” để “nước yên”,
nhưng từ chối không thừa nhận sóng thì cũng chẳng còn có nước.
Tương tự như thế, khi chúng ta duy trì được chánh niệm, thường xuyên
tỉnh thức và nhận biết, thì “sóng vọng niệm” sẽ dần dần lắng xuống, và
mặt “nước chân tâm” hiển hiện yên bình. Còn khi chánh niệm bị mất đi,
ngoại cảnh tác động vào tâm sẽ dễ dàng làm cho những đợt “sóng vọng
niệm” nối tiếp nhau mà nổi lên không cùng tận.
Hiểu được như vậy, người ngồi thiền sẽ không còn ác cảm với vọng tâm, mà
sẽ có thái độ ôn hòa hơn, cảm thông hơn. Ngay từ thái độ đó, ánh sáng
chánh niệm mới có thể bắt đầu tỏa chiếu để mang lại sự sáng suốt cần
thiết giúp chúng ta nhận ra vấn đề.
Hình ảnh sóng và nước còn cho thấy tính chất đồng thể giữa chân tâm với
vọng tâm. Khi chúng ta hình dung chánh niệm như ngọn đèn soi sáng vào
những chuyển biến, thay đổi của dòng sông tư tưởng, chúng ta thường nhầm
lẫn một điều là, nhận thức về tâm nhận biết với tâm vọng động như hai
tính chất khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Tuy vậy, thật ra thì
chúng chỉ là một, đồng nhất với nhau về bản chất. Vì thế, chánh niệm
không phá tan hoặc diệt trừ vọng tưởng như nhiều người vẫn thường nói,
mà là chuyển hóa chúng, đưa chúng trở về với bản chất yên tĩnh, sáng
suốt vốn đã sẵn có.
Vào buổi sáng khi mặt trời lên, chúng ta nhìn thấy cây lá trong vườn tỏa
sáng một màu xanh tươi mát. Màu lá xanh ta nhìn thấy đó có được là nhờ
nơi ánh nắng mặt trời. Tuy về mặt hiện tượng chúng ta nhìn thấy ánh nắng
và màu xanh của lá là hoàn toàn khác nhau, nhưng về mặt bản chất chúng
chỉ là một. Ánh nắng đã đi vào lá cây, có tác dụng chuyển hóa để tạo ra
màu xanh của lá, nên lá xanh với nắng thật ra chỉ là một. Không có ánh
nắng thì không có màu lá xanh. Cũng vậy, tâm an tĩnh sáng suốt có được
nhờ vào chánh niệm, cũng là quá trình chuyển hóa do “ánh nắng chánh
niệm” tác động lên “lá cây vọng tưởng” mà sinh ra. Vì thế, về bản chất
của chúng là tuy hai mà một.
Nhưng chúng ta cũng đừng vội vã đồng nhất cả hai thành một, bởi vì chúng
tuy là một mà vẫn là khác nhau. Nếu có thể đồng nhất chúng hoàn toàn với
nhau thì việc ngồi thiền chẳng còn lý do gì để tồn tại. Nắng là nắng mà
lá xanh là lá xanh. Chánh niệm là chánh niệm mà vọng tưởng vẫn là vọng
tưởng. Ánh sáng chánh niệm cần phải được thắp lên, không chỉ để soi sáng
vào dòng sông vọng tưởng, mà cũng là để soi sáng cho chính nó. Vì thế mà
chúng ta có thể “biết là đang biết”, có thể “ý thức được trạng thái đang
ý thức”. Nói cách khác, “cái biết” và “đối tượng của cái biết”, hay nói
theo Duy thức học là tâm năng quán và tâm sở quán, là không thể tách rời
nhau, vì cái biết cũng là đối tượng của chính nó.
Vì thế, một khi chúng ta nhận ra được chánh niệm vừa bị mất, thì lập tức
chánh niệm sẽ trở về với chúng ta cũng ngay trong lúc đó. Nói một cách
khác, tâm chánh niệm không chỉ giúp ta nhận biết vọng tưởng, mà nó còn
giúp vào việc duy trì chính nó.