Tỉnh thức và nhận biết
Có nhiều phương pháp thực hành việc ngồi thiền khác nhau dành cho những
người vừa mới bắt đầu đến với thiền. Nếu bạn tìm đến một thiền viện hoặc
tự viện nào đó để học thiền, có thể bạn sẽ được dạy cho phép đếm hơi thở
hoặc theo dõi hơi thở. Cũng có người bắt đầu bằng việc niệm Phật. Cách
quán sát một đề tài nào đó cũng có thể thực hiện nhưng rất ít khi được
áp dụng cho người mới học...
Nói chung, mục tiêu đầu tiên được đặt ra cho người học thiền là quay
nhìn lại chính mình, nhận biết được những thay đổi, biến động của dòng
tư tưởng, mà không có bất cứ một sự tác động nào đến chúng.
Nhiều người thất bại ngay trong bước đầu khi tư tưởng của họ không sao
lắng đọng được ngay cả sau nhiều giờ thực hành thiền quán. Vấn đề không
hoàn toàn giống nhau ở mỗi người, nhưng thông thường thì sai lầm hay mắc
phải nhất vào lúc này là sự nỗ lực không đúng hướng.
Hãy quan sát một em bé ngủ. Em vừa được mẹ cho bú xong, khuôn mặt nở một
nụ cười vô tư thỏa mãn. Mẹ đặt em vào trong nôi. Có thể em khoa tay đập
chân trong một vài cử chỉ phản đối nhẹ vì phải rời xa mẹ, nhưng mẹ biết
là em đang buồn ngủ. Và em ngủ thật, trên khuôn mặt vẫn còn phảng phất
nụ cười vô tư.
Hầu hết trong chúng ta không mấy ai có được những giấc ngủ đến dễ dàng
như thế. Đôi khi, chúng ta cần có năm hoặc mười phút yên tĩnh trước khi
ngủ; và có thể là đến một vài giờ khi đang có điều phải lo nghĩ. Và nếu
như có một hôm nào đó chúng ta biết mình cần phải ngủ nhiều để chuẩn bị
cho một ngày mai làm việc căng thẳng chẳng hạn, chúng ta sẽ cố gắng để
giấc ngủ đến càng sớm càng tốt. Oái ăm thay, chúng ta thường thất bại
trong những cố gắng như thế. Càng nỗ lực cố gắng, giấc ngủ càng đi xa và
thậm chí có vẻ như không bao giờ chịu đến...
Vấn đề ở đây là sự cố gắng. Chúng ta càng cố gắng bao nhiêu thì tư tưởng
chúng ta càng phản kháng mạnh mẽ bấy nhiêu. Và vì thế, thay vì cảm giác
buồn ngủ, chúng ta lại càng ngày càng thấy tỉnh táo hơn.
Những người lần đầu tiên ngồi thiền cũng thường rơi vào một hiện tượng
tương tự. Càng ngăn chặn, dập tắt, thì những dòng tư tưởng càng tuôn
chảy đến mạnh mẽ hơn. Chuyện hôm qua, chuyện ngày mai, chuyện gia đình,
chuyện xã hội... trăm ngàn muôn thứ chuyện dường như đều rủ nhau kéo đến
như thể sợ rằng sẽ không có dịp nào khác để được ta quan tâm...
Hình ảnh tách trà có thể trở lại với chúng ta vào lúc này. Tách trà được
lắng đọng một cách hoàn toàn tự nhiên khi ta đặt nó nằm yên trên bàn.
Không cần đến bất cứ một sự tác động nào, một nỗ lực can thiệp nào từ
bên ngoài. Và nếu bạn cố ý muốn can thiệp vào, bạn sẽ chỉ có thể làm cho
nó động đậy và ngăn cản quá trình lắng đọng thay vì là thúc đẩy.
Tư tưởng của chúng ta cũng chỉ có thể được lắng đọng một cách hoàn toàn
tự nhiên. Mọi nỗ lực, cố gắng càng căng thẳng càng gây thêm khó khăn cho
sự lắng đọng của tư tưởng. Vì thế, quá trình ngồi thiền xét cho cùng là
không làm gì cả. Tuy không làm gì, mà việc ngồi thiền lại có một mục
đích rõ ràng là làm lắng đọng tư tưởng, vì thế nó phải được xuất phát từ
chỗ biết rõ là tư tưởng chúng ta đang dao động, và trong suốt quá trình
ngồi thiền cũng phải duy trì được sự nhận biết về những dao động, biến
chuyển, phát sinh hay diệt đi của từng niệm tưởng. Vì thế, tuy nói là
không làm gì cả mà thật ra là làm được rất nhiều.
Chúng ta có thể hình dung ra một dòng sông đang cuộn chảy để so sánh với
dòng tư tưởng liên tục biến động của chúng ta.
Dòng sông không thể nào ngăn chặn được. Dòng chảy đang hiền hòa kia sẽ
trở nên dữ dội, mạnh mẽ nếu chúng ta tìm cách ngăn nó lại. Nó sẽ tìm ra
mọi ngõ ngách để thoát đi, tìm mọi cách để công phá, làm sụp đổ tất cả
những gì ngăn chặn nó...
Dòng tư tưởng của chúng ta cũng vậy. Từ bao lâu nay nó đã quen chuyển
động, tuôn chảy... không có bất cứ một sự ngăn chặn nào. Và sự tuôn chảy
đó vốn dĩ đã là tính chất tự nhiên của nó, chúng ta làm sao ngăn cản
được?
Vấn đề đặt ra cho chúng ta không phải là ngăn chặn hoặc tiêu diệt mọi
niệm tưởng. Đó là điều không thể làm được, và cũng không cần thiết phải
làm. Chúng ta không chặn đứng “dòng sông tư tưởng” lại, mà là cần phải
làm chủ được nó, làm cho nó chảy theo đúng hướng mà chúng ta mong muốn.
Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta ngồi thiền bằng cách lặng lẽ quán sát
dòng sông tư tưởng của mình, tỉnh thức nhận ra mọi sự biến chuyển và
sinh diệt của từng niệm tưởng, và quá trình đó giúp chúng ta làm chủ
được tình thế, làm cho lắng đọng “tách trà tư tưởng” của chúng ta xuống
một cách hoàn toàn tự nhiên.
Khi nhận thức đúng về vấn đề này, chúng ta sẽ thấy việc ngồi thiền ngay
lập tức trở nên thoải mái, dễ chịu hơn. Mọi sức phản kháng trong tâm
tưởng lập tức bị triệt tiêu. Chúng ta trở nên hòa hoãn hơn trong mục
tiêu nhắm đến. Vì thế, chúng ta không cảm thấy căng thẳng hoặc thúc
bách. Chúng ta không tự trách mình là vọng động, nhiều tạp niệm, hoặc
nghiệp chướng nặng nề... như rất nhiều người thường mắc phải. Ta không
là ai cả, ta chỉ là ta, cái ta đang hiện hữu tất nhiên với tất cả những
mặt tốt cũng như mặt xấu mà ta đã biết, và không có gì phải trách cứ nó.
Ít nhất thì chúng ta cũng đang trên con đường vươn lên sự hoàn thiện và
nhất định chúng ta sẽ làm được điều đó với quyết tâm của mình.
Như vậy, vấn đề trước hết đặt ra cho người ngồi thiền chính là phải tỉnh
thức và nhận biết. Mọi nỗ lực, cố gắng của chúng ta phải hướng đến mục
tiêu ấy. Lặng lẽ theo dõi và quán sát từng ý niệm khởi lên, thay đổi và
mất đi, không lúc nào buông thả quá trình ấy. Người ngồi thiền mà không
liên tục tỉnh thức và nhận biết là đánh mất chính mình, không có hy vọng
gì đạt đến những kết quả mong muốn.
Khi chúng ta tỉnh thức và nhận biết, dòng tư tưởng của ta có thể là vẫn
như cũ không có gì thay đổi, vì thật ra chúng ta không tác động gì đến
chúng. Tuy nhiên, những biến chuyển, dao động của dòng sông tư tưởng giờ
đây được soi rọi dưới ánh sáng của sự tỉnh thức và nhận biết. Khi ta
tỉnh thức và nhận biết những dao động trong tư tưởng, chúng không còn có
thể lôi cuốn ta dao động theo với chúng, mà giờ đây một cảm giác an ổn,
yên tĩnh bắt đầu hình thành trong chúng ta: cảm giác an ổn, yên tĩnh khi
biết mình đã làm chủ được tình thế.
Từ đây, ta nhận ra sự yên tĩnh mà ta đạt đến hoàn toàn không phải là do
dứt bỏ mọi tư tưởng, mà chính là do nơi sự tỉnh thức và nhận biết. Tuy
chỉ mới là một bước khởi đầu, nhưng người học thiền chỉ cần nhận ra được
điều này là đã có thể thực sự bắt đầu nếm trải mùi vị của một cuộc sống
thiền.
Nhưng đối tượng của chúng ta cũng không chỉ là những niệm tưởng như vừa
đề cập đến. Trong thực tế, chúng ta sẽ dần dần học cách đối phó với
những cảm xúc như buồn, vui, thương, ghét, giận, hờn... Nói chung, tỉnh
thức và nhận biết bao giờ cũng là những điều mà chúng ta phải luôn duy
trì. Hơn thế nữa, trong việc ngồi thiền thì đây vừa là phương tiện mà
cũng vừa là mục đích nhắm đến. Tỉnh thức và nhận biết giúp ta thoát khỏi
sự lôi cuốn của dòng tư tưởng xao động, mà cũng giúp ta làm chủ cả những
cảm xúc trong tâm hồn, và chính trong sự tỉnh thức và nhận biết mà chúng
ta mới có được sự an ổn và yên tĩnh.