Đối tượng thiền quán
Thiền học truyền thống thường chọn đối tượng thiền quán là các công án
thiền. Công án thiền là những đề tài được nêu lên có tính cách như thách
thức khả năng luận giải, suy diễn của thiền giả, mà thực chất là chẳng
bao giờ có thể dùng khả năng suy luận để tìm ra được đáp án. Chính vì
thế, công án thiền giống như một công cụ mà người thầy dùng để bẻ gãy,
đập tan mọi khái niệm của người học thiền, khiến cho thiền giả phải trực
nhận ra được rằng năng lực của lý trí không bao giờ có thể đưa mình đến
tiếp cận được với thực tại tối hậu.
Do tính chất như thế, nên người tham công án phải tập trung mọi nỗ lực,
chú tâm hoàn toàn vào công án, và không phải nhắm đến thành công trong
việc giải quyết công án mà là để đạt đến sự thất bại tận cùng, xuôi tay
đầu hàng của khả năng suy tư lý luận. Chính sau khi đã bế tắc hoàn toàn
vì tính chất giới hạn của những khái niệm, hành giả mới hé mở được cánh
cửa đến với thực tại bằng trực giác.
Tham công án là một phương tiện trong rất nhiều phương tiện thiền quán.
Bởi vậy, công án thiền không phải là những đối tượng duy nhất cho việc
thiền quán.
Nếu bạn đến với thiền qua việc quán niệm hơi thở, bạn cũng có thể duy
trì đề tài ấy cho việc thiền quán của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng có
thể chọn những đề tài thiền quán khác nữa. Bất kỳ đề tài nào mà bạn thấy
là lôi cuốn được sự chú ý, quan tâm nhiều nhất của bạn cũng đều có thể
trở thành một đề tài thiền quán. Các đối tượng thiền quán này là những
mục tiêu để chúng ta tập trung sự chú ý và duy trì chánh niệm. Chúng
không gợi nên những thắc mắc và đòi hỏi giải quyết bằng lý trí. Chúng
chỉ là một phần không chia cắt của thực tại mà chúng ta thông qua đó để
thể nhập vào cái toàn vẹn. Bằng vào việc quán chiếu nguyên lý duyên khởi
nơi đề tài thiền quán, chẳng hạn như đỉnh núi, dòng sông, chiếc lá, đám
mây... chúng ta sẽ thể nhập trọn vẹn vào thực tại vốn không chia cắt với
đỉnh núi, dòng sông, chiếc lá, đám mây ấy.
Bất cứ đề tài nào khi được tập trung nỗ lực để quán niệm cũng đều có thể
giúp chúng ta gặt hái những kết quả tốt đẹp, miễn là chúng ta duy trì
được chánh niệm. Chúng ta cần duy trì sự quán niệm về đề tài cho đến khi
nào phá vỡ được sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. Khi ấy, chúng ta
sẽ thấy được sự hiện hữu của tất cả trong chính mình, và cũng thấy được
sự hiện hữu của chính mình nơi tất cả.