QUYỂN V
Phẩm 14: CẢM MỘNG
Lúc bấy giờ Đức Phật bảo vị Tỳ-kheo:
-Sau khi chư Thiên khuyên phát Bồ-tát xuất gia, lúc ấy Bồ-tát ứng mộng nơi vua cha. Trong mộng vua Du-đầu-đàn trông thấy Bồ-tát râu tóc cạo nhẵn, đi ra khỏi hoàng cung có vô lượng chư Thiên vây quanh đi cùng. Vua thức giấc liền hỏi người hầu:
-Thái tử hiện đang ở trong cung nào hay đang ra ngoài du ngoạn? Người hầu thưa:
-Thái tử đang ở trong cung, không đi dạo chơi bên ngoài. Lòng vua vẫn còn nghi ngại Bồ-tát đã đi nên đâm ra buồn bã sầu não, lo lắng bồn chồn tợ như bị tên ghim trong lòng. Vua thầm nghĩ: “Nếu đúng như những điều ta thấy trong mộng thì chắc chắn Thái tử sẽ xuất gia. Vua lại nghĩ tiếp: “Từ nay trở đi ta sẽ không cho phép Thái tử đi dạo bên ngoài nữa và sai các thể nữ dốc sức chiều chuộng để Thái tử đắm say trong năm dục”.
Khi đó vua Du-đầu-đàn vì Thái tử nên cho xây dựng ba tòa cung điện thích hợp với ba mùa, tòa cung điện thứ nhất rất ấm áp dùng để ở vào mùa đông giá; tòa cung điện thứ hai mát mẻ dùng để ở vào mùa nóng bức; tòa cung điện thứ ba thì trung bình không lạnh không nóng. Vua lại cho xây nhiều lớp cửa, đóng hoặc mở rất khó khăn; lúc mở, đóng phải cần đến năm trăm người và tiếng động vang xa đến bốn mươi dặm. Vua còn cho mời các vị thầy giỏi thiên văn, thông thạo tướng pháp, cùng các vị Tiên đã chứng được ngũ thông để hỏi kỹ những sự việc liên quan đến Thái tử, tất cả mọi người đều thưa:
-Thái tử sẽ từ nơi cửa chính của hoàng cung vượt thành ra đi.
Vua cha nghe như thế càng thêm lo buồn.
Này các Tỳ-kheo, sau đó một thời gian Bồ-tát lại muốn đi dạo xem bên ngoài nên sai xa phu chuẩn bị xe ngựa. Người xa phu liền trình tâu lên nhà vua về ý định của Thái tử. Vua Du-đầu-đàn nghe xong lập tức ra lệnh cho người sửa sang, quét dọn các nơi rừng vườn, và truyền lệnh cho các sở ty tu bổ đường sá, dùng nước thơm rưới khắp mặt đất, tung rải các thứ danh hoa; treo nhiều cờ phướn, lọng dù màu sắc đủ loại trên các cây quý; dùng các thứ châu báu, chuỗi ngọc, vàng bạc, chuông quý giăng mắc khắp nơi mỗi khi gió nhẹ lay phát ra vô vàng âm thanh vi diệu. Từ trong thành cho đến các khu lâm viên, mọi nơi đều được trang hoàng, sửa soạn rất tươi đẹp thanh tịnh chẳng khác gì chốn Thiên cung. Nhà vua còn ban lệnh hai bên đường không được bày ra những hiện tượng xấu xa như người già yếu, bệnh tật, xác chết, kẻ bị đui mù câm điếc, sáu căn chẳng đủ... Tất cả các điều gì không tốt lành vua đều ra lệnh phải lánh xa đường Thái tử đi qua.
Bấy giờ Bồ-tát cùng đoàn tùy tùng thứ lớp chỉnh tề ra khỏi cửa thành phía Đông. Lúc ấy vị Thiên tử ở cõi trời Tịnh cư bèn hóa làm một cụ già tóc bạc thân gầy, da dẻ nhăn nheo, người chỉ còn da bọc xương, còng lưng lê chiếc gậy nặng nhọc bước đi, ho hen từng cơn, răng đều rụng, nước dãi chảy ra, mặt lem luốc, lúc bước lúc nghỉ từng bước xiêu vẹo chậm chạp. Bồ-tát trông thây liền hỏi người xa phu:
-Đó là người gì mà hình tướng như thế?
Lúc đó vị trời Tịnh cư dùng thần thông khiến người xa phu trả lời Bồ-tát:
-Thưa Thái tử, đó là người già.
Bồ-tát lại hỏi:
-Sao gọi là già?
Người xa phu đáp:
-Người già là những người đã từng trải qua tuổi trai trẻ, khí lực sung mãn rồi dần dần đến lúc suy yếu, khí lực giảm sút các căn suy nhược, ăn uống chẳng tiêu, thân thể gầy gò, đi đứng khó khăn chịu bao nỗi thông khổ, bị nhiều kẻ coi thường, thọ mạng chẳng còn được bao lâu nữa. Do tất cả những điều ấy nên gọi là già.
Thái tử hỏi:
-Chỉ một mình người ấy chịu cảnh già yếu hay ai cũng phải chịu?
Đáp:
-Tất cả mọi người trên thế gian đều phải chịu cảnh già yếu như thế.
Bồ-tát lại hỏi:
-Như thân của ta đây rồi có như thế không?
Ngự xa đáp:
-Đã là người sinh ra dù sang hay hèn cũng đều phải chịu cảnh già yếu khổ sở như vậy.
Bấy giờ, Bồ-tát ưu sầu, không còn vui vẻ nữa, liền bảo xa phu:
-Ta hiện giờ làm sao còn vui thú nhàn hạ dạo chơi thưởng ngoạn cảnh vật vườn rừng đây đó nữa, phải suy nghĩ để tìm phương cách lìa khỏi nỗi khổ kia.
Bồ-tát liền truyền quay xa giá trở về hoàng cung. Lúc ấy, vua Du-đầu-đàn truyền gọi người xa phu đến hỏi:
-Hôm nay Thái tử đi du ngoạn các chốn rừng vườn có vui không?
Người xa phu tâu:
-Tâu Đại vương, Thái tử vừa ra khỏi cửa thành, đi đến giữa đường bỗng dưng gặp một ông lão già yếu, thân thể gầy còm tiều tụy. Thái tử vì vậy mà lòng chẳng vui nên cho xa giá lui về cung.
Vua cha nghe tâu như vậy liền suy nghĩ: “Đây có thể là hiện tượng báo hiệu con ta có thể đi xuất gia chăng? Lời tiên A-tư-đà nói ngày trước có lẽ đúng”. Nghĩ ngợi như vậy nhà vua liền cho tăng thêm các thú vui năm dục trong cung để mong ràng buộc, làm mê đắm Bồ-tát.
Này các Tỳ-kheo, lúc ấy chư Thiên ở cõi trời Tịnh cư thấy Bồ-tát lại sống trong cảnh ngũ dục liền suy nghĩ cho rằng cần phải thị hiện một số sự kiện khiến Bồ-tát giác ngộ mà mau chóng xuất gia.
Bấy giờ Bồ-tát lại cho gọi kẻ hầu đến bảo là mình muốn đi du ngoạn các chốn, nên tâu với vua đồng thời chuẩn bị xa giá. Vua cha nghe tâu liền cho mời các quan đại thần đến bảo:
-Lần trước Thái tử đi ra cửa thành phía Đông, trên đường gặp một ông lão già yếu khiến Thái tử trở về cung ưu sầu chẳng vui. Nay Thái tử lại muốn đến vườn rừng ngoạn cảnh, các khanh phải cho người dọn dẹp từ trong thành cho đến ngoài thành thật sạch sẽ, treo cờ phướn, dù lọng, đốt hương rải hoa, chớ để bày ra mọi thứ dơ uế hoặc những kẻ già yếu bệnh chết, những hiện tượng chẳng lành... trên đường chính, phải truyền lệnh cho các sở ty gấp rút thực hiện trang nghiêm hơn lần trước.
Lúc đó, Bồ-tát cùng đoàn tùy tùng thứ lớp chỉnh tề đi ra cửa thành phía Nam. Vị thiên chủ cõi trời Tịnh cư liền hóa thành một người bệnh nặng, sắc da vàng vọt, hơi thở thoi thóp, thân hình gầy yếu như bộ xương khô, nằm trên đống phân dơ dáy gớm ghiếc, chịu khổ não vô cùng. Có hai người trông coi cạnh đường đi. Bồ-tát hỏi người đánh xe:
-Đây là người gì?
Xa phu thưa.
-Đó là người bệnh.
Bồ-tát lại hỏi:
-Bệnh là thế nào?
Thưa:
-Những người bị đau ốm do ăn uống không có chừng mực, ham muốn quá độ nên tứ đại không điều hòa làm sinh ra trăm thứ bệnh khiến cho nằm ngồi chẳng an, cử động khó nhọc, hơi thở suy kiệt, mạng sống thật mong manh. Do tất cả điều đó nên gọi là bệnh.
Bồ-tát liền hỏi:
-Chỉ mỗi người ấy chịu cảnh bệnh tật hay ai cũng phải chịu?
Thưa:
-Tất cả mọi người thế gian không ai tránh khỏi cảnh ấy.
Bồ-tát lại hỏi:
-Như ta đây rồi cũng phải chịu bệnh tật như thế phải không?
Xa phu đáp:
-Phàm đã có sinh ra thì dù người sang giàu hay hèn kém cũng đều phải chịu cảnh khổ như vậy cả.
Thái tử nghe tâu như thế lòng đầy Ưu sầu, chẳng vui liền nói với người hầu xe:
-Nay Ta chẳng còn thích thú gì với việc đi du ngoạn nữa, cần phải suy nghĩ tìm ra phương cách xa rời nỗi khổ ấy.
Nói rồi liền cho quay xa giá trở về hoàng cung. Vua Du-đầu-đàn cũng cho gọi ngự xa đến hỏi về chuyến du ngoạn của Thái tử ra cửa thành phía Nam. Người ấy thưa:
-Tâu Đại vương, Thái tử ra khỏi cửa thành, đang đi bỗng thấy bên đường có một người bệnh, khí lực suy kiệt chịu thông khổ vô cùng, Thái tử thấy cảnh ấy lòng chẳng vui nên truyền cho xa giá hồi cung.
Vua cha nghe xong liền nghĩ: “Đây có thể là hiện tượng báo hiệu con ta sẽ xuất gia chăng? Lời tiên A-tư-đà nói ngày trước quả là không sai”. Thế rồi, nhà vua lại cố sức tìm mọi cách để ràng buộc Thái tử với những thứ vui dục lạc.
Này các Tỳ-kheo, lúc đó chư Thiên ở cõi trời Tịnh cư thấy Thái tử trở lại với cảnh sống hoan lạc trong năm dục nên cũng suy nghĩ tìm cách thị hiện các hiện tượng nhằm giúp Thái tử giác ngộ, mau chóng xuất gia.
Một thời gian sau, Bồ-tất lại cho gọi người đánh xe đến bảo là mình muốn xuất thành du ngoạn nên lo sửa soạn ngựa xe. Quan ngự xa vội tâu lên vua, vua cha nghe tâu xong liền bảo:
-Thái tử hai lần trước đi ra cửa thành phía Đông và Nam thấy kẻ già yếu và người bệnh tật nên trở về cung rất buồn bã. Lần này đi ra cửa thành phía Tây, lòng ta lo lắng, đến khi trở về thì mới có thể an vui được. Phải lệnh cho các nơi trong, ngoài thành lo dọn dẹp phố sá, trang hoàng cờ phướn, lọng dù, hương hoa mọi thứ, phải hơn hẳn các lần trước và lại cũng cấm những kẻ già bệnh chết lai vãng gần đường đi, những sự việc chẳng lành không được để xảy ra... Các sở ty, công quán gấp rút thực hiện lệnh ban thật chu đáo gấp bội.
Lúc ấy Bồ-tát cùng quan quân tùy tùng thứ lớp chỉnh tề ra khỏi cửa thành phía Tây. Vị Thiên tử cõi trời Tịnh cư liền hóa thành một người chết nằm trên xe tang có đầy hương hoa bày biện, những người thân đi tống táng theo sau khóc than thảm thiết. Bồ-tát thấy cảnh ấy động lòng trắc ấn hỏi xa phu:
-Đây là người gì mà trên xe có hương hoa bày biện, lại có nhiều quyến thuộc đi theo khóc than như thế?
Lúc ấy vị Thiên tử cõi trời Tịnh cư liền dùng thần thông khiến quan ngự xa đáp lời Bồ-tát:
-Thưa đó là người chết.
Bồ-tát lại hỏi:
-Sao gọi là chết?
Thưa:
-Chết tức là thần thức lìa khỏi thân xác, các căn cũng ngưng hoạt động, vĩnh biệt cha mẹ, vợ con, anh em thân quyến không thể nào gặp lại nữa. Sau khi chết rồi tinh thần một mình đi về một cảnh giới khác, mọi thứ liên hệ trước kia đều dứt bỏ, cảnh vĩnh biệt thật đáng buồn thương.
Bồ-tát liền hỏi:
-Chỉ mỗi người ấy chịu cánh chết chóc, hay là ai cũng phải chịu cảnh ấy?
Thưa:
-Phàm đã sinh ra thì con người ai cũng phải chịu cảnh chết chóc.
Bồ-tát nghe tâu như vậy, lòng áy náy chẳng an nói:
-Thế gian lại còn có cảnh khổ này nữa, vậy mà nơi vương cung chỉ toàn cảnh vui chơi. Ta nay còn thích thú gì mà đi du ngoạn, cần phải suy nghĩ tìm ra phương cách để mong dứt nỗi khổ kia.
Thái tử liền truyền cho xa giá trở về cung. Lúc đó, vua Du-đầu-đàn cũng cho gọi người xa phu đến hỏi về chuyên du ngoạn ra cửa thành phía Tây của Thái tử. Người xa phu thưa:
-Tâu đại vương, Thái tử ra khỏi cửa thành đi được một quãng thì thấy bên đường có một người chết nằm trên một chiếc giường nhỏ có bốn người khiêng, thân quyến đi theo sau gào khóc thảm thiết. Thái tử nhìn thấy cảnh tượng ấy tự dưng buồn bã chẳng vui nên cho xa giá quay về.
Vua cha nghe tâu như thế liền suy nghĩ: “Đây chính là hiện tượng báo trước con ta sẽ đi xuất gia, đúng như lời tiên A-tư-đà nói ngày trước chăng?” Suy nghĩ như vậy rồi nhà vua càng cho tăng thêm các thú vui trong hoàng cung hơn trước.
Này các Tỳ-kheo, khi ấy chư Thiên ở cõi trời Tịnh cư lại thấy Thái tử sống trong cảnh vây hãm của năm dục, liền suy nghĩ tìm cách thị hiện các hiện tượng để giục Bồ-tát mau chóng xuất gia.
Bấy giờ Bồ-tát lại cho gọi kẻ mã phu đến bảo là mình muốn xuất thành du ngoạn nên lo sửa soạn ngựa xe. Vị ấy vội trình tâu lên vua, vua cha nghe tâu xong liền bảo ông ta:
-Ba lần trước, Thái tử đi ra cửa thành các hướng Đông, Nam và Tây đều gặp cảnh người già, bệnh, chết khiến tâm ưu sầu, không vui. Lần này nên đi ra theo hướng Bắc; cũng phải ra lệnh các sở ty, công quán chú ý tới việc dọn dẹp đường sá, mọi thứ trang hoàng bày biện cũng phải hơn trước, không để xảy ra các hiện tượng chẳng lành, cấm những kẻ già cả, bệnh tật, chết chóc lai vãng gần các trục lộ chính.
Lúc ấy Bồ-tát cùng quan quân theo hầu thứ lớp chỉnh tề ra khỏi cửa phía Bắc của kinh thành. Vị Thiên tử cõi trời Tịnh cư liền hóa thành một vị Tỳ-kheo mang y hoại sắc, râu tóc cạo nhẵn, tay cầm tích trượng, mắt khép nhẹ nhìn xuống đất bước đi, dung mạo đoan nghiêm, oai nghi khác tục. Thái tử từ xa trông thấy liền hỏi người ấy là ai.
Bấy giờ vị Thiên tử cõi trời Tịnh cư liền dùng thần thông khiến mã phu đáp lời của Bồ-tát:
-Người ấy là vị tu sĩ xuất gia.
Thái tử nghe tâu liền xuống xe, đến trước vị Tỳ-kheo vái chào, nhân dịp đó liền hỏi:
-Xuất gia thì đạt được những lợi ích gì?
Vị Tỳ-kheo đáp:
Tôi nhận thấy con người sống trong cảnh sinh, lão, bệnh, tử tất cả đều vô thường biến chuyển hoại diệt, không an ổn; vì thế mà rời bỏ thân tộc, chọn nơi thanh vắng, tinh cần tìm phương tiện để dứt các khổ kia. Pháp môn tôi tu tập là các Thánh đạo vô lậu; thực hành các pháp, chế ngự các căn; khởi tâm đại Từ bi, năng thể hiện tinh thần vô úy; tâm luôn bình đẳng hộ niệm chúng sinh; không nhiễm theo thế gian nên vĩnh viễn đạt được giải thoát. Đó gọi là xuất gia.
Bồ-tát chăm chú nghe nói xong, lòng đầy hoan hỷ, liền ca ngợi: -Lành thay, lành thay! Trong các cõi trời, người, chỉ có phương cách này là cao hơn hết. Ta sẽ quyết tâm tu học theo con đường này.
Sau đó, Bồ-tát lên xe và truyền cho xa giá trở về hoàng cung. Vua cha cũng cho gọi mã phu đến hỏi về chuyến du ngoạn vừa rồi của Bồ-tát. Vị ấy thưa:
-Tâu Đại vương, Thái tử rời thành, trên đường đi tất cả mọi việc đều được thực hiện chu đáo như lệnh ban, không có các hiện tượng chẳng lành. Chỉ có một người mặc áo hoại sắc, râu tóc đều cạo sạch, tay chống tích trượng lần bước, oai nghi trang nghiêm, dáng hình thanh thoát. Thái tử trông thấy liền xuống xe vái chào, thưa hỏi nhau, thần cũng không rõ bàn nói về chuyện gì. Sau đó Thái tử lên xe ra lệnh quay về cung.
Vua Du-đầu-đàn nghe tâu xong trong lòng thầm nghĩ: “Lời tiên A- tư-đà nói trước đây quả là không sai”. Rồi cũng như lần trước, nhà vua cho tăng thêm các thú vui trong hoàng cung nhằm ràng buộc Bồ-tát.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy chư Thiên ở cõi trời Tịnh cư muốn làm cho Bồ-tát mau chóng xuất gia nên đã ứng mộng cho vua cha thấy bảy sự việc lạ.
-Thứ nhất, nhà vua nằm mộng thấy có nhiều người, xe mang cờ Đế Thích cùng nhau từ cửa Đông kinh thành Ca-tỳ-la đi ra.
-Thứ hai, nhà vua nằm mộng thấy Thái tử cỡi con voi quý có kẻ theo hộ vệ từ cửa Nam kinh thành Ca-tỳ-la đi ra.
-Thứ ba, nhà vua nằm mộng thấy Thái tử ngồi trên xe tứ mã từ cửa Tây kinh thành Ca-tỳ-la đi ra.
-Thứ tư, nhà vua nằm mộng thấy một bánh xe quý giá từ cửa Bắc kinh thành Ca-tỳ-la đi ra.
-Thứ năm, nhà vua nằm mộng thấy Thái tử ở bốn con đường lớn tay đưa cao dùi thúc mạnh vào chiếc trông lớn.
-Thứ sáu, nhà vua nằm mộng thấy trong kinh thành Ca-tỳ-la có một tòa lầu cao, Thái tử ở trên đó, ném ra bốn phía vô số châu báu, đông đảo chúng sinh cùng nhau nhặt rồi đi.
-Thứ bảy, nhà vua nằm mộng thấy cách kinh thành Ca-tỳ-la không xa có sáu người cùng kêu gào khóc lóc.
Bấy giờ, vua Du-đầu-đàn nằm mộng thấy bảy sự việc như thế trong lòng vô cùng sợ hãi, giật mình thức giấc. Nhà vua cho gọi các vị đại thần về cung kể lại sự việc mình nằm mộng, bảo các quan tìm người giỏi việc đoán mộng đến để giải mộng. Lúc ấy vị Thiên tử ở cõi trời Tịnh cư hóa làm một vị Bà-la-môn, mặc áo da hươu đứng ngoài cửa thành nói lớn là mình có thể giải được các điềm mộng của nhà vua. Các vị đại thần nghe thế liền tâu lên vua, nhà vua liền truyền đưa vào cung. Vua Du-đầu-đàn thuật lại đầy đủ các sự việc mình nằm mộng cho vị Bà-la-môn nghe và hỏi:
-Các mộng ấy có phải là điềm lành chăng?
Vị Bà-la-môn thưa:
-Tâu Đại vương, về điềm mộng thứ nhất thấy đông đảo dân chúng cầm cờ Đế Thích từ cửa Đông của thành cùng nhau đi ra là hình tượng Thái tử xuất gia được vô lượng trăm ngàn chư Thiên cung kính vây quanh.
-Về điềm mộng thứ hai thấy Thái tử cỡi con voi quý có kẻ hộ vệ từ cửa thành phía Nam đi ra, đó là hình tượng sau khi Thái tử xuất gia sẽ chứng Tuệ giác Vô thượng, đầy đủ Mười lực.
-Về điềm mộng thứ ba thấy Thái tử ngồi trên xe tứ mã từ cửa thành phía Tây đi ra, đó là hình tượng Thái tử sau khi xuất gia sẽ chứng Tuệ giác Vô thượng, đầy đủ Bốn vô úy.
-Về điềm mộng thứ tư thấy bánh xe báu từ cửa Bắc của thành đi ra, đó là hình tượng Thái tử sau khi xuất gia sẽ chứng Tuệ giác Vô thượng Bồ-đề và chuyển bánh xe pháp để giáo hóa chúng sinh.
-Về điềm mộng thứ năm thấy Thái tử ở nơi bốn con đường đưa cao dùi thúc vào chiếc trống to, đó là hình tượng Thái tử sau khi xuất gia sẽ chứng đắc Tuệ giác Vô thượng được chư Thiên loan truyền lên tới cõi trời Phạm thế.
-Về điềm mộng thứ sáu thấy một tòa lầu cao, Thái tử ở trên ấy ném xuống nhiều vật báu và vô số chúng sinh cùng nhau nhặt lấy rồi đi, đó là hình tượng Thái tử sau khi xuất gia, chứng Tuệ giác Vô thượng rồi, sẽ giữa chúng hội trời, người, tám bộ chúng đem pháp bảo truyền bá giáo hóa như các pháp Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh đạo và vô số các pháp khác.
-Về điềm mộng cuối cùng thấy cách hoàng cung thành không xa, có sáu người cất tiếng gào khóc, đó là hình tượng Thái tử sau khi xuất gia sẽ chứng Tuệ giác Vô thượng Bồ-đề khiến cho nhóm lục sư ngoại đạo sinh lòng buồn bã lo sợ.
Bấy giờ người giải mộng sau khi đã giải thích rõ về các điềm mộng của vua Du-đầu-đàn, liền tâu với nhà vua:
-Tâu Đại vương, Đại vương phải nên vui mừng chớ sinh lo buồn. Vì sao vậy? Vì các điềm mộng ấy đều là điềm tốt đẹp, chứng tỏ vương cung đạt được nhiều phước báo lớn lao.
Tâu vua xong, vị ấy đột nhiên biến mất.
Lúc ấy vua Du-đầu-đàn nghe vị Bà-la-môn giải rõ các điềm mộng, lòng càng sợ Thái tử sẽ đi xuất gia nên càng cho gia tăng các món dục lạc trong vương cung để ràng buộc Bồ-tát.
Lúc ấy, nàng Da-du-đà-la cũng nằm mộng thấy mười hai việc đáng lo sợ, liền thức giấc trong lòng lo lắng, bồn chồn. Bồ-tát hỏi thì Da-du-đà-la khóc lóc thưa:
-Tâu Thái tử, thiếp nằm mộng thấy tất cả mặt đất rộng lớn tự nhiên chấn động; lại thấy cái lọng trắng đẹp thường che phủ bên trên chỗ thiếp nằm, Xa-nặc đến đoạt lấy và đi mất; lại thấy nhiều cờ Đế Thích bị xé rách bày la liệt khắp mặt đất; thấy những xâu chuỗi anh lạc trên người thiếp bị dòng nước cuốn trôi; thấy mặt trời, mặt trăng cùng tinh tú rơi rụng hết cả; thấy tóc của thiếp bị một người cầm dao báu cắt mất rồi bỏ đi; thấy thân thể mình đoan nghiêm thanh tịnh bỗng trở nên xấu xí dơ dáy, thấy chân tay trên thân mình tự nhiên đều gãy hết; thấy hình tướng dung mạo mình không còn hồng hào, tươi sáng như xưa; thấy nơi chiếc giường mình thường nằm bị lún sâu vào đất; thấy chiếc giường thiếp vẫn cùng với Thái tử nằm nghỉ bốn chân đều bị gãy; thấy một ngọn núi báu bốn bề cao vút bị lửa đốt cháy sụp xuống đổ nát; thấy một cây báu trong cung vua bị gió thổi mạnh đổ nhào; thấy ánh sáng mặt trời bị che khuất, trời đất tối tăm; thấy trăng sáng trên không, cùng các ngôi sao chiếu sáng khắp cả trong cung này rồi tự nhiên lặng mất hết; thấy có ngọn đuốc sáng rực hiện ra nơi kinh thành Ca-tỳ-la; thấy vị thần hộ thành dáng vẻ đoan nghiêm, nhân từ đứng dưới cửa thành kêu khóc lớn tiếng thảm thiết; thấy thành này tự nhiên biến ra một vùng đất hoang vắng; thấy tất cả cây cối, ao suối đều héo tàn khô cạn; thấy một tráng sĩ tay cầm một cây côn lớn chạy nhanh khắp bốn phương.
Thái tử, thiếp nằm mộng thấy sự việc như vậy lòng thật bồn chồn lo lắng, không an. Phải chăng thân mạng thiếp chẳng thọ hay tình yêu mặn nồng giữa thiếp và Thái tử sắp đến lúc biệt ly? Đây là những điềm gì? Là dữ hay lành?
Bồ-tát lúc ấy nghe Da-du-đà-la kể lại mọi điềm mộng liền suy nghĩ: “Thời điểm xuất gia đã đến nên mới biểu hiện ra các điềm như vậy và khiến ứng mộng cho chánh phi”. Bồ-tát an ủi Da-du-đà-la:
-Nàng chẳng nên mang lòng lo lắng sợ hãi, vì sao vậy? Vì các mộng tưởng vốn điên đảo chẳng thật. Nếu những gì nàng mộng thấy là thật thì núi non, cờ xí đã nghiêng ngã, mặt trời mặt trăng đã rơi rụng, thân thể của nàng nào có thương tổn gì đâu, Xa-nặc cầm chiếc lọng đi lại mộng thấy là đoạt lấy. Tất cả mộng mị ấy đều là giả dối, không thật. Nàng nên yên nghĩ đừng quá lo buồn.
Đêm ấy Bồ-tát cũng nằm mộng thấy năm sự việc:
-Một là thấy thân mình nằm trên đất liền, đầu gối lên núi Tu-di, tay nâng biển rộng còn chân thì giẫm lên cá đại dương.
-Hai là nằm mộng thấy loại cỏ tên Kiến lập từ chỗ mục nát mọc lên, ngọn của nó cao tới tầng trời A-ca-ni-trá.
-Ba là nằm mộng thấy bốn con chim từ bốn phương bay lại, lông cánh rực rỡ nhiều màu, nương theo chân của Ngài mà hóa thành màu trắng.
-Bốn là nằm mộng thấy con thú màu trắng nhưng đầu thì màu đen chạy đến quỳ gối liếm thân Ngài.
-Năm là nằm mộng thấy một ngọn núi cao lớn đầy những phân dơ dáy, Ngài đang ở trên núi ấy, dạo quanh nhiều vòng giẫm lên mà không hề bị ô nhiễm.