QUYỂN X
Phẩm 24: THƯƠNG NHÂN ĐƯỢC PHẬT THỌ KÝ
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Thế Tôn lúc mới thành Bậc Chánh Giác, vô lượng chư Thiên khắp cõi đều đến ca ngợi công đức của Như Lai. Lúc bấy giờ Thế Tôn luôn quán tưởng cây Bồ-đề lớn nhất ấy, mắt không lúc nào rời, lấy niềm vui thiền định làm món ăn, không nghĩ tới chuyện ăn uống, suốt trong bảy ngày không rời khỏi chỗ ngồi. Vô lượng vị Thiên tử của các cõi trời Dục giới bưng mười ngàn bình quý đựng nước thơm đến chỗ Phật, lại có vô lượng các vị Thiên tử ở các cõi trời sắc giới cũng bưng mười ngàn chiếc bình quý đựng đầy nước thơm đến chỗ Phật, tất cả nước thơm ấy dùng để Như Lai tắm rửa cùng rưới trên cây Bồ-đề.
Khi Như Lai tắm rửa xong, có vô số Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già... tranh nhau lấy thứ nước tắm của Như Lai để tẩy rửa thân mình. Sau khi tắm xong, tất cả đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, còn chư Thiên sau khi làm nhiệm vụ xong đều trở về Thiên cung, hơi thơm của nước đem cúng dường Phật còn lưu mãi nơi thân khiến họ chỉ còn nghe mùi hương của Phật chứ không còn nghe mùi thơm nào khác, tất cả đều sinh tâm hoan hỷ cho là việc chưa từng có, đạt Bất thoái chuyển đối với đạo Vô thượng Bồ-đề.
Lúc đó có vị Thiên tử tên Phổ Hoa từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ ngang chân Phật và thưa:
-Bạch Thế Tôn, Ngài đã an trụ vào pháp Tam-muội gì mà trải qua bảy ngày ngồi kiết già nhập định thân tâm bất động?
Này các vị Tỳ-kheo, lúc ấy Ta đã đáp lời của Thiên tử Phổ Hoa:
-Như Lai đã dùng Hỷ duyệt tam-muội làm tư lương thực mà an trụ, do diệu lực của pháp định ấy mà trải qua bảy ngày ngồi kiết già nhập định như vậy.
Lúc ấy Thiên tử Phổ Hoa đứng phía trước Phật đọc bài kệ:
Thế Tôn chân có ngàn vòng tròn
Ví như hoa sen rất thanh tịnh
Thường được chư Thiên luôn tôn quý
Vì thếcon nay xin lễ kính.
Bấy giờ Thiên tử lễ Phật xong
Lại dùng Già-tha để tán dương.
Vì muốn trời người khỏi nghi ngờ
Hoan hỷ chắp tay đến thưa hỏi
Như Lai giáng sinh dòng vương Thích
Khiến cho Thích tộc đều mừng vui
Năng diệt ba độc cùng nghi hoặc
Xin giải chỗ ngờ của Thiên nhân
Do mười lực nào thành Chánh giác
Trải qua bảy ngày quán cây to
Mắt sen xanh Bậc Sư Tử chúa
Kiết già quán cây không chuyển dời
Tất cả chư Phật đều như vậy
Hay riêng Thế Tôn quán cây kia
Diên mạo đoan nghiêm không cất tiếng
Răng trắng đều đặn, miệng ngát hương
Xin vì lợi ích của trời người
Khiến sinh hoan hỷ rõ sự thật.
Bấy giờ Như Lai đáp Thiên tử
Ta nay lược nói điều ông hỏi
Cũng như phép nước lên ngôi vua
Phải qua bảy ngày lo dời đổi
Chư Phật là Bậc Đại Pháp Vương
Thuận thế bảy ngày không chuyển dịch
Lại như dũng tướng tự giữ mình
Sau mới nghĩ mưu để thắng nhân
Chư Phật hàng ma cũng như thê'
Bảy ngày kiết già không khởi thân
Ngã mạn, ba độc cùng phiền não
Là những thứ tổn hại muôn loài
Tất cả nhân hữu lậu phiền não
Với chúng, Ta đều đã trừ tận
Lửa trí vô lậu từ đó khởi
Đốt cháy sạch hết ba thứ độc
Ta ở nơi này dùng dao trí
Quyết phá Lưới sinh tử dày chắc
Hiểu đúng uẩn thân đều không thật
Đều do mê vọng từ vô thủy
Chấp ngã, ngã sở hai vô minh
Cùng với tà kiến đều đoạn tận
Bốn điên đảo như rừng chướng ngại
Căn lành, lửa trí thiêu đốt hết
Vọng chấp tham đắm từ tưởng sinh
Đạt đến giác ngộ đều trừ bỏ
Sáu mươi lăm thứ vô minh hiểm
Bốn mươi bất thiện, ba mươi cấu
Mười sáu buông lung, mười tám giới
Hai mươi lăm hữu đều diệt tận
Hai mươi trần cấu đều lìa xa
Hai mươi tám thứ đời luôn sợ
Ta ở nơi đây luôn tinh tấn
Tất cả Ta đều đã vượt qua
Chứng đắc năm trăm pháp âm Phật
Cùng đạt viên mãn trăm ngàn pháp
Chín mươi tám sử, các tùy miên
Là lá, là cành, là tội gốc
Ta dùng trí tuệ làm lửa hồng
Thiêu đốt cháy tan bao nhiêu thứ
Ái, nghi tích chứa như sống cuộn
Dòng nước kiến chấp thường đầy tràn
Ta ở đây dùng mặt trời trí
Ánh sáng nung chiếu đều cạn khô
Tà ngụy, ác hiểm bao tật xấu
Rừng phiền não lỗi lầm như vậy
Ta ở nơi đây dùng lửa trí
Thiêu sạch tất cả thành tan hoang
Phỉ báng Thánh hiền gây bao tội
Là gốc đưa đến đọa cõi ác
Ta dùng thuốc trí tuệ trị liệu
Khiến mọi độc ác nôn ra sạch.
Ta ngồi ở nơi này
Đạt định tuệ công đức
Mọi khổ não lo buồn
Trừ diệt không còn sót
Cũng chính ở nơi này
Ta đạt lý chân thật
Mọi tên độc ngã mạn
Nhổ sạch không hề sót
Cũng chính ở nơi này
Dùng đao bén trí tuệ
Cắt đứt ngã, ngã sở
Cội rễ của tử sinh
Cũng như trời Đế Thích
Đánh phá đám Tu-la
Cũng chính ở nơi này
Đạt trí nhãn thanh tịnh
Mà muôn loài chúng sinh
Bị mê mờ che lấp
Ta dùng thuốc trí tuệ
Rửa sạch mọi mê lầm
Cũng chính ở nơi này
Dùng nước trong giải thoát
Tưới rừng cây khắp nơi
Khói lửa tham đều tắt
Cũng chính ở nơi này
Dùng gió đại tinh tấn
Xua tan mây phiền não
Cùng sấm chớp phân biệt
Cũng chính ở nơi này
Đạt pháp Từ tam-muội
Mọi kho chứa công đức
Hàng phục đám ma quân
Cũng chính ở nơi này
Đạt được định vô nguyện
Kho chứa công đức lớn
Dứt sạch mọi phiền não
Cũng chính ở nơi này
Đạt được pháp định Không
Trừ hết mọi phân biệt
Đạt dược định Vô tướng
Kho tàng của công đức
Diệt trừ mọi hý luận
Cũng chính ở nơi này
Kho chứa mọi công đức
Cũng chính ở nơi này
Đạt được ba giải thoát
Sức thần thông trí tuệ
Phá tan lưới tử sinh
Ta cũng dứt sạch hết
Vô thường tưởng là thường
Đời khổ tưởng là vui
Vô ngã tưởng là ngã
Ta dùng lực tinh tấn
Đưa qua biển sinh tử
Phá trừ mọi lưới ái
Ví như cá Ma-kiệt
Ta ở đây giác ngộ
Rõ mọi tham, sân, sỉ
Ví như đám lửa lớn
Thiêu đốt đám phù du
Ta ở trong đêm dài
Vô lượng vô biên kiếp
Đường sinh tử nhọc nhằn
Xoay vòng không ngừng nghỉ
Nay đã được dừng dứt
Hết mọi nỗi lo sợ
Những điều ta giác ngộ
Ngoại đạo nào vươn tới
Từng câu, nghĩa cam lộ
Năng dứt bao ưu não
Ta vào thành vô úy
Trừ hết giới, xứ, uẩn
Mọi tham ái đã tận
Không còn thọ thân sau
Ta vì đạo giác ngộ .
Nơi vô lượng ức kiếp
Làm tất cả hạnh lành
Thí cả đến thân mình
Công đức đều viên mãn
Cho nên ở nơi này
Đạt pháp thắng cam lộ
Bồ-đề vô thượng giác
Phật Như Lai quá khứ
Chứng đắc pháp chân thật
Tùy căn cơ chúng sinh
Phân biệt truyền giảng pháp
Ta nay cũng như vậy
Đắc pháp diệu chẳng khác
Chỉ trong một sát-na
Biết rõ khắp thế gian
Nhân duyên hòa hợp sinh
Không tịch giả hợp có
Như thành Càn-thát-bà
Như ảo ảnh trên không
Pháp nhãn ta đạt được
Thấy suốt khắp mọi nơi
Như thể nhìn bàn tay
Cầm quả A-ma-lặc
Pháp Tam-muội ta đạt
Thông tỏ hết tất cả
Nhớ rõ vô lượng kiếp
Như từ mộng choàng tỉnh
Mọi người trời các cõi
Bị tưởng điên đảo thiêu
Ta chính ở nơi này
Thấu tỏ mọi sự thật
Ta từ vô lượng kiếp
Cầu vô thượng Bồ-đề
Tu tập hạnh đại Từ
Tâm Từ duyên các pháp
Hàng phục đám ma quân
Ta từ vô lượng kiếp
Tu tập hạnh đại Bi
Tâm Bi duyên các pháp
Trừ sạch mọi lo phiền
Ta từ vô lượng kiếp
Tu tập hạnh đại Hỷ
Tâm Hỷ duyên các pháp
Chứng đắc đạo vô thượng
Ta từ vô lượng kiếp
Cầu vô thượng Bồ-đề
Tu tập hạnh đại Xả
Tâm Xả duyên các pháp
Chứng đắc pháp cam lộ
Ta đối trước ma quân
Phát thệ nguyện như vầy
Nếu chẳng thành Phật quả
Quyết không rời tòa này
Ta dùng trí kim cang
Phá trừ vô minh ám
Đạt đủ mười loại lực
Nơi tòa này nay hiểu
Chưa đạt nay đều đạt
Các lậu vắng sạch hết
Quân ma cũng tận trừ
Nơi tòa này nay rõ
Cửa năm uẩn phá tan
Mầm ba ái đều diệt
Do vậy mà hiện nay
Mới ngồi kiết già vậy.
Bấy giờ Bậc Tối Thắng
Từ tòa kim cang dậy
Lại ngồi nơi bảo tòa
Các trời dâng nước tắm
Chư Thiên dùng bình báu
Trong chứa đầy nước thơm
Hiến Bậc Chúng Trung Tôn
Tắm rửa khắp thân thể
Lúc ấy chư Thiên chúng
Cũng với nhiều Thiên nữ
Tấu bao khúc nhạc trời
Dốc lòng để dâng cúng
Này các vị Thiên tử
Phải biết rõ như thế
Ta trải qua bảy ngày
Chẳng hề rời tòa ấy.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Vì sao lúc mới thành Bậc Chánh Giác suốt trong bảy ngày Như Lai không rời khỏi tòa ngồi? Vì Như Lai ngồi trên tòa ấy để đoạn trừ hoàn toàn vòng sinh, già, bệnh, chết nối tiếp nhau không đầu không cuối. Qua bảy ngày quán cây Bồ-đề không rời tòa, đến tuần thứ hai, Như Lai đã kinh hành trong khắp cõi Tam thiên đại thiên thế giới. Trong tuần thứ ba, Như Lai quan sát khắp Bồ-đề tràng, mắt không hề rời bỏ, cũng chính vì ở nơi đây Ta đã đoạn trừ sinh tử, chứng Tuệ giác Vô thượng. Trong tuần thứ tư, Như Lai kinh hành đến các vùng lân cận dọc theo bờ sông, lấy biển lớn làm giới hạn.
Bấy giờ ma vương Ba-tuần đến chỗ Thế Tôn thưa:
-Bạch Thế Tôn, Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tinh cần tu khổ hạnh nay mới được thành Phật. Nay đã đúng lúc để Ngài nhập Niết-bàn. Cúi xin Như Lai mau nhập vào Niết-bàn. Cúi mong Bậc Thiện Thệ mau nhập Niết-bàn.
Đức Phật nói:
-Ba-tuần, Ta vốn phát đại nguyện muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh nên cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, trải qua vô lượng kiếp tinh cần gian khổ tích lũy bao công đức. Hiện tại tất cả chúng sinh đối với đạo pháp của Ta chưa đạt được lợi ích gì, sao ngươi lại xúi giục Ta nhập Niết-bàn? Hơn nữa trong thế gian này Tam bảo chưa có đủ, chúng sinh chưa được giáo hóa, thần thông cùng diệu pháp chưa được hiển bày truyền bá, vô lượng các vị Bồ-tát chưa có dịp để phát tâm Vô thượng Bồ-đề, sao ngươi lại hối thúc Ta sớm vào Niết-bàn?
Lúc ấy ma vương Ba-tuần nghe Phật nói như vậy liền thoái lui đứng qua một bên, dùng gậy vạch xuống đất mà suy nghĩ, than thở:
-Ở trong cõi Dục giới này, từ nay trở đi ta là người chịu nhiều sầu khổ hơn ai hết.
Lúc đó ba nàng con gái của ma vương thấy cha sầu khổ liền hỏi:
Đại vương do cớ gì
Mà tâm cực sầu khổ?
Nay khiến đại vương phiền
Xin hỏi rõ là ai?
Chúng con dùng dục kéo
Như dùng dây dắt voi
Khiến kẻ ấy tham đắm
Đem về cung Tự tại.
Ma vương đọc bài kệ trả lời các ma nữ:
Thế gian chẳng hề nhiễm
Cõi tham cũng không buộc
Bậc ấy vượt mọi dục
Vì thế ta buồn khổ.
Ba nàng ma nữ này lúc Như Lai còn là Bồ-tát ngồi nơi tòa Bồ-đề đã đến và dùng mọi vẻ đẹp quấy nhiễu Bồ-tát, tạo ra vô số những trò huyễn hoặc mà chẳng được việc gì, nhưng vốn là hạng nữ nhân nặng nề đắm nhiễm, phiền não sâu nặng, nên lúc đó ba nàng đều tự biến dạng, một nàng hóa làm thanh nữ, một nàng hóa làm thiếu phụ, một nàng hóa làm một phụ nữ trung niên, cả ba cùng nhau đến chỗ Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền dùng diệu lực thần thông biến ba nàng ấy thành ba bà lão khiến chúng hổ thẹn vội lui về chỗ ma vương Ba-tuần nói kệ thưa:
Cha nói người lìa dục
Cõi tham không làm nhiễm
Chúng con đã biến hóa
Nhằm mê loạn Sa-môn
Lắm kẻ thấy chúng con
Lòng dục luôn dấy khởi
Nay hiện sắc mỹ miệu
Bậc ấy tâm chẳng động
Dùng đại thần thông biến
Chúng con thành bà lão
Xin vương dùng uy lực
Cho trở lại nguyên hình.
Khi ấy ma vương đáp lời con:
-Ta nhận thấy không có ai dù là trời hay người có thể chế ngự được Phật. Các con phải tự mình đến nơi đó xin sám hối mọi tội lỗi trước nay của mình, mong Phật thư lại thần lực thì mới có thể trở lại thân hình cũ được.
Ba nàng ma nữ vâng lời cha, đến chỗ Như Lai đọc bài kệ:
Chúng con không trí tuệ
Muốn mê hoặc Như Lai
Chưa tường việc tốt xấu
Chẳng rõ việc dữ lành
Chúng con cùng sám hối
Mong tội được tiêu trừ
Cúi xin lực từ bi
Cho hiện lại thân cũ.
Lúc đó Như Lai vì lòng từ bi nên thu lại thần thông khiến ba ma nữ được trở lại thân hình như trước.
Trong tuần lễ thứ năm, Như Lai trụ nơi chỗ ở của Mục-chân-lân^đà Long vương. Lúc ấy gió lạnh thổi dữ, mưa dầm suốt bảy ngày không ngớt, Long vương lo sợ gió mưa làm thương tổn Như Lai nên đã lìa khỏi cung của mình đến trước chỗ Phật, quấn thân mình thành bảy vòng quanh Phật để che chở, dùng đầu mình làm lọng che phủ phía trên đầu Phật, lại có vô lượng Long vương ở bốn phương cùng đến bảo vệ Phật. Thân của Long vương vòng cao rắn chắc như núi Tu-di. Khi đó các Long vương đều được uy lực và hào quang của Phật tác động nên thân tâm đều đạt được niềm an lạc chưa từng có.
Qua bảy ngày mưa tạnh gió dừng, các Long vương cùng đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu theo phía tay phải ba vòng rồi trở về cung điện của mình.
Vào tuần lễ thứ sáu, Thế Tôn đi dưới bóng cây Ni-câu-đà gần dòng sông Ni-liên là chốn có nhiều nhóm ngoại đạo. Các nhóm này đều đến làm quen, gần gũi thăm hỏi Thế Tôn trong bảy ngày mưa gió vừa qua có được an ổn, vui vẻ không.
Đức Thế Tôn đọc bài kệ đáp:
Tịch tĩnh mà biết đủ
Tư duy nên chứng pháp
Lợi ích cho chúng sinh
Từ bi thương tất cả
Lìa xa mọi tội nhiễm
Chẳng đắm việc thế gian
Tâm dứt hẳn ngã mạn
Đó là an lạc nhất.
Vào tuần lễ thứ bảy, Thế Tôn đi vào rừng Đa diễn ngồi kiết già dưới một cội cây quán tưởng về chúng sinh đang bị nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử bức bách, rồi cất tiếng xướng kệ:
Chúng sinh ở cõi thế
Mãi bị năm dục thiêu
Nên thường nhớ bỏ ái
Vì ái làm tăng khổ.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc bấy giờ có hai anh em người miền Bắc nước Thiên trúc, đều là chủ đoàn thương nhân, một người tên Đế-lý-phú-bà, còn người kia tên Bà-lý. Cả hai đều là người có trí tuệ, rất giỏi về việc kinh doanh làm ăn, tính tình hiền lành hòa nhã, khéo giao tiếp nên công việc buôn bán khấm khá dần và trở nên giàu có.
Lúc đó hai anh em đang đưa năm trăm chiếc xe trâu kéo chở các hàng trân phẩm quý giá quay về quê cũ. Trong đoàn thương nhân có hai anh em lo việc điều khiển trâu kéo, một người tên Thiện Sinh, một người tên Danh Xứng. Hai anh em này rất thông thạo đường sá, biết rõ những chỗ an toàn hoặc hiểm trở, dùng cành hoa ưu-bát-la giơ lên cho trâu thấy mà đi, khỏi phải dùng roi gậy đánh đập. Đi đến Nhũ lâm, đường sá rất bằng phẳng nhưng chân một con trâu giẫm mạnh làm mặt đường bị lún khiến một càng xe bị gãy và cả đoàn xe năm trăm chiếc bị đùn lại bên đường, hai con trâu đi đầu cũng không chịu tiến tới, dùng roi gậy đánh mấy nó cũng chẳng chịu cất bước. Đoàn thương nhân đâm lo sợ, cùng nói với nhau:
-Hai con trâu chẳng dám đi tới nữa, chắc hẳn có điều gì làm chúng kinh sợ chăng?
Họ liền cử người cỡi ngựa cầm binh khí đi về phía trước thăm dò. Người này đi một lát rồi trở lại thưa với vị chủ đoàn:
-Tôi đã đi tới phía trước xem xét kỹ nhưng chẳng thấy có gì là hiểm trở khó khăn, không rõ vì sao mà hai con trâu lại không chịu đi tiếp?
Lúc đó vị thần giữ rừng hiện ra nói với đám thương nhân:
-Các vị thương nhân chớ nên sợ hãi! Các ông ở trong đêm dài tối tăm mãi trôi lăn theo nẻo sinh tử, hôm nay các ông sắp được phúc lợi lớn. Vì sao mà ta nói thế? Vì có Đức Phật đã xuất hiện ở cõi đời này, mới thành Chánh giác đang an trụ trong khu rừng kia, chẳng ăn uống gì đã hơn bốn mươi chín ngày. Các ông nên đem các món ăn, nước uống đến để cúng dường Ngài.
Hai vị điều khiển trâu liền cho xe tiến lên, hướng về phía có Đức Phật và cả đoàn xe cùng theo sau. Đi được một quảng đường, từ xa họ đã trông thấy; Như Lai với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, hào quang từ thân chiếu sáng rực rỡ như mặt trời mới hiện. Đoàn thương nhân trông thấy Phật, đều tỏ ra cung kính cho là điều ít có, cùng bảo nhau:
-Đây là Phạm vương, Đế Thích, Tứ Thiên vương hay là trời Nhật Nguyệt hay là thần Núi, thần Sông?
Lúc ấy Đức Thế Tôn liền đưa cao tấm ca-sa lên cho đám thương nhân trông thấy khi đó họ mới biết Như Lai là người xuất gia tu hành, nên họ đều sinh tâm hoan hỷ nói với nhau:
-Theo pháp xuất gia thì ăn uống phải đúng lúc, vậy chúng ta nên sửa soạn các thứ ăn ngon quý như đề hồ, mật, sữa, cháo sữa... để kịp thời cúng dường.
Cả đoàn khách buôn bày biện cấc thứ trai phẩm ăn uống xong liền cùng đến trước Như Lai, nhiễu quanh theo phía phải ba vòng rồi đứng sang một bên thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, xin hãy thương xót chúng con mà nhận món cúng dường ít ỏi này.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc sắp sửa thọ nhận trai phẩm cúng dường của đoàn thương nhân ấy, Như Lai liền suy nghĩ: “Chư Phật quá khứ đều dùng bình bát để thọ trai, còn ta nay dùng vật gì để nhận món ăn này”.
Lập tức Tứ Thiên vương mỗi vị đem một bình bát vàng dâng lên Như Lai và thưa:
-Cúi mong Thế Tôn nhận bát này của chúng con để đựng các món ăn cúng dường kia. Cúi xin Thế Tôn thương tưởng đến chúng con để cho trong cõi sinh tử này, chúng con gặp được nhiều an lạc.
Lúc ấy Thế Tôn nói với bốn vị Thiên vương:
-Pháp của hàng xuất gia không được cùng nhận các bình bát vàng quý giá như thế, kể cả trường hợp bát làm bằng bảy món báu cũng không được nhận.
Bấy giờ Tỳ-sa-môn Thiên vương ở phương Bắc nói với các vị Thiên vương kia:
-Tôi nhớ lại thời xa xưa có vị Thiên tử Thanh Thân đem đến bốn cái bát làm bằng đá cho chúng ta, lại có vị Thiên tử tên Biến Quang tới bảo:
-Không nên dùng cái bát ấy, cần phải tạo tháp thờ và cúng dường, bởi vì trong tương lai, khi có Đức Phật xuất hiện ở đời hiệu là Thích-ca Mâu-ni thì nên đem những bát này cúng dường vị Phật ấy. Vậy nay chính là lúc chúng ta đem những bát ấy cúng dường Phật.
Các vị Thiên tử mỗi vị vội trở về Thiên cung, cùng với quyến thuộc mang theo chiếc bình bát bằng đá, dùng hương thơm xoa lên, đựng đầy các thứ thiên hoa, hòa tấu Thiên nhạc, cùng đến nơi chỗ Phật. Mỗi vị đều dâng bình lên Như Lai và thưa:
-Bạch Thế Tôn, cúi xin Ngài thương xót nhận bình bát của chúng con để đựng các thức ăn của những thương nhân cúng dường. Cúi xin thương tưởng đến chúng con để chúng con thành bậc Pháp khí và được nhiều an lạc trong cõi sinh tử này.
Bấy giờ Thế Tôn liền suy nghĩ: “Bốn vị Thiên vương đã có tín tâm thanh tịnh cúng dường bình bát cho Ta nhưng Ta không thể nhận và giữ hết bốn chiếc bát. Tuy nhiên, nếu ta chỉ nhận bát của một vị thì những vị kia sẽ buồn lòng, vì vậy Ta nên nhận hết các bình bát ấy”. Đức Thế Tôn nhận bình bát của Bắc phương Tỳ-sa-môn Thiên vương và đọc bài kệ:
Ông dâng Ta bát này
Sẽ được pháp tối thượng
Nay Ta thọ ông cúng
Khiến ông đủ tuệ niệm.
Đức Thế Tôn nhận bình bát của Đề-đầu-lại-trá Thiên vương và đọc bài kệ:
Đem bát cúng Như Lai
Niệm tuệ được tăng trưởng
Nhiều đời được an vui
Mau chứng thành Giác ngộ.
Đức Thế Tôn nhận tiếp bình bát của Tỳ-lâu-bác-xoa Thiên vương và đọc bài kệ:
Ta đem tâm thanh tịnh
Nhận bát thanh tịnh này
Khiến tâm ông trong lành
Được trời người hiến cúng.
Đức Thế Tôn lại nhận tiếp bình bát của Tỳ-lâu-lặc-xoa Thiên vương và đọc bài kệ:
Như Lai giới thanh tịnh
Bát ông dâng trọn lành
Do tâm ông thuần khiết
Được quả cũng sạch trong.
Sau khi nhận bốn bình bát của các vị Thiên vương, Thế Tôn lần lượt đem đặt chồng lên nhau, rồi dùng tay phải ấn mạnh xuống hợp thành một bát, đường viền còn in rõ.
Bấy giờ Đức Như Lai nhớ nghĩ về việc quá khứ và đọc bài kệ:
Ta xưa từng đem hoa đầy bát
Cúng dường vô lượng chư Như Lai
Nên nay được bốn vị Thiên vương
Cúng ta bát thanh tịnh bền chắc.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy đoàn thương nhân cáo từ Phật rồi thúc đàn trâu kéo xe đi tiếp. Sáng sớm hôm sau, người lo việc chăn dắt trâu đi vắt sữa, sữa được vắt ra liền thành Đề hồ, người ấy cho là việc lạ, liền đem Đề hồ đó về thưa với vị thương chủ là sữa hôm nay mình vắt không hiểu sao đều biến thành Đề hồ cả, không rõ đây là việc lành hay dữ. Trong đoàn thương nhân có một người Bà-la-môn tính tình tham lam thưa với vị thương với chủ:
-Đó là điềm chẳng lành, thứ đề hồ kia nên đem cho hết đi.
Người thương chủ vốn có vị tổ xa xưa được sinh lên cõi trời Phạm thế, lúc đó hiện thân thành Bà-la-môn nói với đoàn thương nhân:
Các ngươi từ xưa phát nguyện lớn
Nếu Như Lai chứng đạo Bồ-đề
Sẽ xin đem thức ăn dâng Phật
Thọ thức ăn rồi chuyển pháp luân
Nay Như Lai thành Bậc Chánh Giác
Sở nguyện các ngươi cũng hoàn thành
Thế Tôn đã nhận món ăn đó
Sẽ chuyển bánh xe pháp vô thượng
Sữa vắt hôm nay thành Đề hồ
Chính do uy lực của Bậc Thánh
Sáng sớm đã hiện ra điềm lành
Do đó mọi việc đều tốt đẹp
Phạm thiên nói xong bài kệ rồi
Lại hiện nguyên hình về Phạm thế.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy những thương nhân nghe xong bài kệ rất vui mừng, lấy đề hồ đó rồi chọn thứ gạo tốt nhất nấu thành cháo nhuyễn, hòa thêm mật thơm, đựng đầy trong bát bằng Chiên-đàn trở lại rừng Đa diễn cúng dường Phật và thưa:
-Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn thương xót chúng con mà nhận món ăn này.
Bấy giờ Thế Tôn nhận món ăn của những thương nhân. Sau khi độ xong, Ngài cầm bát bằng Chiên-đàn vốn rất quý giá làm bằng trăm ngàn thứ châu báu, ném lên không trung. Khi ấy có vị Phạm thiên tên Thiện Phạm đón lấy chiếc bát Chiên-đàn đem về Thiên cung xây tháp cúng dường. Tháp đó đến nay luôn được chư Thiên dâng hương hoa cúng dường không bao giờ dứt.
Cùng lúc đó, Thế Tôn cũng chú nguyện cho đoàn thương nhân và nói bài kệ:
Các ông sẽ gặp nhiều an lành
Tài sản quý giá thêm sung mãn
Muôn việc làm sẽ được an lành
Cả đến thân mạng đều cũng vậy
Của báu mong cầu tự nhiên đến
Dùng vòng an lành đeo lên đầu
Chư Thiên, tinh tú và Nhật Nguyệt
Đế Thích Tứ vương theo hộ trì
Nơi chốn đi đến đều bình yên
Trở về cũng gặp nhiều may mắn
Nhờ công đức cúng thức ăn này
Về sau sẽ đắc quả Chánh giác
Hiện là Vị Độ Tam Phần Phật
Được thọ ký, thương nhân hoan hỷ.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Sau khi thành Chánh giác, đầu tiên Như Lai đã được hai vị thương chủ và những thương nhân cúng dường thức ăn và đã thọ ký cho họ như thế. Những thương nhân khi được Phật thọ ký đều nhận thấy đây là việc chưa từng có nên đều cung kính chắp tay thưa:
-Từ nay chúng con xin quy y Như Lai.