CHƯƠNG 2
CẢNH GIỚI
1.-
CON NGƯỜI THEO QUAN
NIỆM PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO ?
Con người là
một trong những loài động vật có lý trí ở trên thế gian. Chung
quanh thế giới chúng ta đang sống còn có nhiều loài khác nữa. Vậy
thì theo quan niệm của Phật giáo, con người chiếm một địa vị ra
sao
?
Ở trong sáu
đường (thiên, nhân, A-tu-la, địa-ngục, ngạ-quỷ, súc- sanh), con
người đứng hàng thứ hai sau chư thiên thần, như thế hẳn nó phải
mang một tính chất gì đặc biệc ! Chư Thiên do tu 10 điều thiện mà
thành, còn con người nhờ biết giữ gìn giới (không trộm
cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) mà được
báo thân trong đời nầy. Trong trường hợp người không tin theo
Phật giáo thì sao ? Đây là luật tự nhiên hình thành, dù tin hay
không, cái nhân làm người vẫn đều do các yếu tố kia kết nạp
lại, không ai chối cải được cả.
Có thể nói con
người có lý trí, tư tưởng để cân nhắc việc lợi hại, đúng
sai, trong khi đó loài động vật cũng có trí hiểu biết nhưng lại
thiếu phần tư tưởng. Sự khác nhau là ở điểm nầy. Con vật nhiều
lúc cũng biết mừng giận ghét thương như người và chúng cũng
quý đời sống hơn là phải đi vào chỗ chết, như con heo, con chó,
gà, vịt ta nuôi trong nhà lâu ngày là một điều dễ hiểu.
Mặt khác, con
người rất khôn ngoan nhưng lại là con vật yếu đuối không thể
tưởng tượng được, nhất là lúc mới sanh.
Con người không
biết tu nhân tích đức, sau khi chết cũng phải bị đọa lạc như các
giống vật khác.
2.-
THẬP NHỊ XỨ LÀ GÌ ?
Thập nhị xứ là
mười hai xứ hay nơi chốn tùy thuộc vào các yếu tố như : sáu yếu
tố thuộc về cơ thể và sáu phần còn lại thuộc về hoàn cảnh bên
ngoài (sáu nội xứ và sáu ngoại xứ) hợp thành con người và
cuộc sống hiện tại.
Sự phân biệt
của ta do 5 yếu tố như màu sắc, lãnh thọ, tư tưởng (nghĩ), hành vi
và phần quan trọng là nhận thức, gọi là năm uẩn (chỗ chứa
nhóm), hợp lực với 6 căn (1) hay là 6 nội xứ là mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân và ý cùng với 6 trần (2) là màu sắc, âm thanh, mùi
vị, tiếp xúc hay đụng chạm và các pháp hay còn gọi là 6 ngoại
xứ hình thành mười hai xứ.
Mắt để nhìn và
phân biệt màu sắc, tai để nghe các âm thanh động tịnh, mũi để
hửi mùi hôi, tanh, thơm, thối, lưỡi nếm qua các vị ngọt, lạt,
chua,
cay, thân thể phải đụng chạm với hoàn cảnh trong hàng ngày, ý
hợp với các pháp bên ngoài tức là cảnh trần và được gọi
một cách nôm na là thập nhị xứ.
Có thể tóm
lược 6 nội xứ và 6 ngoại xứ trong bản sau :
12 xứ
6 nội xứ 6
ngoại xứ
mắt tai mũi
lưỡi thân ý sắc thanh hương vị xúc pháp
Xứ còn có
nghĩa là nơi hay điểm phát xuất, tức là điểm tựa để cho tâm
phân biệt được thế giới vạn vật bên ngoài.
(1) Căn là gốc,
căn cứ, điểm phát sinh.
(2) Trần là cảnh
trần, bụi bặm.
3.-
THẬP BÁT GIỚI LÀ GÌ ?
Như trên đã
trình bày, 12 xứ gồm 6 nội xứ và 6 ngoại xứ cộng thêm với 6
thức hợp thành 18 giới.
Chữ Giới có
nghĩa là giới hạn hay phạm vi nào đó mà mỗi phần của tâm, cảnh,
thức hay thân nương gá vào nơi mỗi cơ quan hoạt động để hoàn
thành được việc nhận thức.
Mười tám giới
được chia ra làm 3 phần như dưới đây :
Sáu thức : Nhãn
thức, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý thức tức là cái biết hay điều
phân biệt của mỗi cơ quan.
Sáu nội xứ :
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Sáu ngoại xứ :
màu sắc, âm thanh, mùi, vị, tiếp xúc và các pháp.
Như vậy, 6 thức
và 6 nội xứ giống hay khác nhau ? Về hình thức giữa 6 thức và 6
nội xứ tuy giống nhau, nhưng về sự phân biệt nhận thức thì hoàn
toàn khác biệt. Trong mỗi cơ quan : Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý
còn có chữ thức kèm theo, tức là hàm ý nói do sự nhận thức
bên trong. Còn 6 nội xứ là phần tự nhiên, mặc dù không ý thức
tới ngoại cảnh chúng ta cũng có thể biết được mọi vật một
cách tổng quát.
Hiểu biết và
phân biệt là 2 khía cạnh khác nhau, nếu rõ được điều đó tức
là ta phân biệt được dễ dàng 18 giới.
4.-
THEO QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO TAM GIỚI LÀ GÌ ?
Hầu hết chúng ta
sống ở cõi nầy và chỉ biết được những gì trong phạm vi hữu
hạn mà thôi. Theo như khoa học cho biết thì ngoài thế giới nầy,
còn
có những thế giới khác mà Phật giáo gọi là tam giới.
Tam giới gồm có
Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới. Giới hay cõi đều có nghĩa
như nhau. Con người ở cõi Dục luôn luôn nghĩ tới những thỏa mãn
vật chất, danh vọng hay địa vị cao sang và chính chúng ta đang
sống trong
cõi dục nầy. Sắc-giới cao hơn một bậc, ở đó không còn có
những ham muốn thô như cõi dục mà chỉ có những hình sắc, âm thinh
làm cho con người say đắm, nhưng vẫn còn bị sa đọa một khi hết
phước như các tiên nhân chẳng hạn. Vô-sắc-giới là cảnh giới
không còn có hình sắc, tướng mạo và là cõi trời như
phi-tưởng, phi-phi-tưởng-xứ. Con người nhờ tu hành 10 điều thiện
mà đạt được phước báo ở cõi nầy và vẫn còn bị vướng
mắc vào sự chấp có, chấp không nên chưa hoàn toàn thoát ra khỏi
ngoài vòng sanh tử luân hồi. Nói một cách khác, tất cả các
chúng sanh trong 3 cõi đều còn phải bị kiếp luân hồi, tức là khi
hưởng hết phước vẫn phải bị sa đọa. Tuy nhiên con người sống
ở cõi Sắc và cõi Vô-sắc nhờ đã dày công tu luyện mà thành,
nhưng còn bị một phần của nghiệp lực chi phối, do đó chưa giác
ngộ hoàn toàn được.
Ở mỗi cảnh
giới đều có sự sinh hoạt khác nhau. Chúng ta ăn uống bằng thức
ăn, người ở cõi Sắc thọ thực bằng nhạc trời và muôn ngàn
chất hoa thơm thiên nhiên khác và cõi Vô-sắc thưởng thức món
ăn qua giác quan là đủ. Con người ở đó bay đi tự tại qua lại
trong các cõi khác.
Hưởng được
phúc đức như các cõi trời gọi là sung sướng nhưng vẫn còn bị
luân hồi, người Phật tử chân chánh không cầu mong như thế.
5.-
CỬU PHẨM LÀ GÌ ?
Cửu phẩm là
chín bậc sắp xếp theo thứ tự 9 bậc cao thấp khác nhau cho việc tu
giải thoát và dùng cánh hoa sen để tượng trưng. Cửu phẩm hay chín
phẩm hoa sen phân ra như sau :
Thượng phẩm :
Thượng sanh, trung sanh, hạ sanh.
Trung phẩm :
Thượng sanh, trung sanh, hạ sanh.
Hạ phẩm :
Thượng sanh, trung sanh, hạ sanh.
Trên hoa sen có 9
cánh, xen kẻ vào nhau, gồm có 3 tầng : Tầng trên cùng, tầng giữa
và tầng dưới.
Người nào khi
chết thoát sanh vào được phần trên hết gọi là Thượng-phẩm
thượng-sanh, cho đến cánh hoa sau chót là Hạ-phẩm hạ-sanh. Dù có
phân ra Hạ, Trung, Thượng nhưng đều trong cùng một cánh hoa sen.
Tu
hành được lên cửu phẩm sen, sau khi lìa cõi đời nầy là người
đã dày công thực hành Phật giáo lúc sống. Chín phẩm hoa sen chỉ
có ở thế giới Cực-Lạc của đức Phật A-Di-Đà. Trong các lễ
cầu siêu, chúng ta thường nghe chư Tăng phục nguyện "thoát hóa
liên đài" (thoát sanh vào cánh hoa sen) hay trong bài Hồi-Hướng
có câu "Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ
vô sanh, Bất-thối Bồ-Tát vi bạn lữ" (chín phẩm hoa sen là cha
mẹ, Hoa nở ta gặp được Phật và ngộ đạo mầu chứng lý vô sanh,
vì tất cả các bậc Bất-thối Bồ-Tát là bạn hữu). Ở đời
chúng ta chỉ cần thành tâm niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà và
tụng kinh, trì chú, đến lúc quá vãng sẽ được Ngài tiếp rước
thần hồn đưa về thế giới Cực-Lạc, tùy theo công tích của
người để được định lượng vị trí nơi chín phẩm hoa sen.
Phật tử chúng
ta nên cố gắng tu phước huệ thế nào để sau khi trả báo thân nầy
có thể lên được đài hoa sen báu nơi cõi An-Lạc Tây- phương.
6.-
NIẾT BÀN LÀ CẢNH GIỚI NHƯ THẾ NÀO ?
Niết-Bàn (Nirvana)
là trạng thái vắng lặng an vui mà chỉ có các bậc tu chứng mới
đạt ngộ được.
Chỗ cứu cánh
của Phật giáo là tu để đạt đến Niết-bàn. Cảnh giới Niết-bàn
không phải là thế giới Cực-Lạc của đức Phật A-Di-Đà, lại
cũng không phải là cảnh sung sướng tuyệt đỉnh như một số người
nghĩ mà là nơi tịch tịnh vượt ra ngoài ngôn ngữ nghĩ bàn của
chúng ta. Chư Phật và các vị Bồ-Tát đã chứng đắc mới biết rõ
được trạng thái của cảnh ấy mà thôi. Muốn diễn đạt theo ngôn
ngữ thường của chúng ta để chỉ rõ Niết-bàn thì cảnh giới ấy
ra sao ?
Căn cứ theo tư
tưởng Đại-thừa Phật giáo, Niết-bàn không ở đâu xa lạ mà ngay
trong đời sống hiện tại cũng có thể chứng minh được. Chẳng
hạn, nơi mỗi hành động, ngôn ngữ, cử chỉ của ta làm việc lành,
tự nhiên tâm hồn được thoải mái an vui, đó chính là trạng thái
không ràng buộc, là cảnh giới Niết-bàn, giải thoát rồi vậy.
Thật vậy,
Niết-bàn đồng nghĩa với giải thoát, chỉ khi nào tâm tư chúng ta
không bị câu thúc bởi phiền não, tham đắm và vọng chấp mê lầm
thì đó là Niết-bàn. Nói như thế không có nghĩa là chủ trương
xóa bỏ cảnh Niết-bàn thật sự mà để chứng minh cho dễ hiểu cái
lý thú của trạng thái giải thoát thôi. Đối với người đã
nghiên cứu nhiều về Phật giáo có thể hiểu tinh thần của
Niết-bàn không câu chấp, nhưng người chưa có cơ duyên với Phật
Pháp phải có một cảnh giới thực thể ở ngay trước mắt và bên
kia nhãn giới, vì có được như vậy thì những kẻ thực hành
đúng mức tinh thần lợi tha, vô ngã của Phật giáo mới có
được điểm tựa nhắm tới sau khi bỏ Báo thân nầy.
Phật giáo không
chủ trương ru ngủ con người, bằng cách đưa ra một cảnh giới hoàn
toàn an vui giải thoát để mê hoặc sự dễ tin của quần chúng mà
chính chúng ta phải đích thân thực hành rồi tùy theo trình độ hiểu
biết của mình mà cảnh Niết-bàn sẽ là đáp số cho việc tìm hiểu
của mỗi người.
Niết-bàn được
quan niệm như là một thực thể chỉ có khi nào chúng ta đã diệt
trừ được mọi phiền não vi tế mới có thể chứng biết được
trọn vẹn.
7.-
HÃY NÓI VỀ CẢNH GIỚI CỰC LẠC CỦA ĐỨC PHẬT A-DI-ĐÀ ?
Người tu theo
pháp môn "Tịnh-độ" chuyên việc tụng kinh và niệm danh hiệu
đức Phật A-Di-Đà luôn luôn nghĩ tới cảnh giới Cực-Lạc và
cầu mong được sanh về đó sau khi chết.
Nơi đó, theo như
kinh A-Di-Đà diễn tả, thì có ao bảy báu, nước tám công đức,
trong nước có cát vàng trải làm đất, bốn bên có mành lưới bao
bọc, cây cối xanh tươi suốt quanh năm. Ngoài ra còn có cả ngọc
xa-cừ, lưu-ly, pha-lê lót dưới lối đi để trang sức cho cảnh trí
nữa. Mặt khác, con người cảnh Cực-Lạc đẹp đẽ, tướng mạo
trang nghiêm, thường được trẻ mãi không già. Chính đức Phật
A-Di-Đà có phát lời thệ nguyện là cứu độ hết tất cả chúng
sanh để đưa về cảnh giới Cực-Lạc rồi Ngài mới thành đạo
chứng quả. Ở Việt-Nam pháp môn Tịnh-độ thịnh hành nhất từ
đời Lý Trần. Thời kỳ nầy Phật giáo phái Thiền pha lẫn lộn
với Tịnh-độ và Mật-giáo. Pháp môn tu Tịnh-độ rất đơn giản
bằng phương pháp niệm Phật. Đức Phật A-Di-Đà thường được xưng
niệm danh hiệu trong lúc niệm Phật. Người thực hành miệng niệm,
tâm nhớ nghĩ tới Phật, gạt bỏ mọi ý niệm xấu ác khác xen tạp
vào trong tâm tưởng, tức là phải có sự chí thành thì mới có
sự cảm ứng để gần gũi được thế giới Cực-Lạc và niệm cho
tới khi thuần thục mới đạt được điều lợi ích.
Việc niệm Phật
rất dễ thực hành, ai cũng có thể làm được, không luận già
trẻ lớn bé. Nhất là những vị lớn tuổi thường để ra hằng
giờ mỗi ngày để niệm Phật. Nhờ công đức niệm Phật mà có
người biết trước được giờ chết và dặn dò con cháu những
điều tâm phúc hay tắm rửa sạch sẽ trước khi nhắm mắt lìa đời.
Đối với kẻ làm ác thì khó mà hưởng được phút vui hiếm có
nầy, như những người lúc sống làm việc mổ thịt trâu bò, cắt
tiết heo, dê đến khi chết như có ai tới đòi đền mạng nên họ
không thể nào nhắm được mắt, lại còn phải chịu vậy vùng đau
đớn, có khi còn la rống lên lớn tiếng rồi mới tắt hơi thở.
Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà chúng ta không tu để được về
thế giới giải thoát an vui của cảnh Cực-Lạc. Ở đó có nhạc
trời tấu khúc, chim hót líu lo suốt bốn mùa và mọi phiền lo như
đều được lắng sạch, cho đến món ăn đều hoàn toàn bằng pháp
thiền định vui vẻ.
Tu mau kẻo trễ
là một cách khuyến khích mọi người cố gắng thực hành theo pháp
môn niệm Phật cầu vảng sanh sau khi chết đã được nhiều người tin
tưởng, áp dụng.
8.-
THEO PHẬT GIÁO ĐỊA NGỤC LÀ CẢNH NHƯ THẾ NÀO ?
Cảnh địa ngục
có phải là một cái cớ để dọa nạt mà đạo Phật cố tình đưa
nhân sinh vào con đường cùng không lối thoát hoặc lợi dụng lòng
tin của người đời để ru ngủ như đã có người nghĩ không ?
Địa ngục là
cảnh có thật với đủ các hình phạt để xử trị kẻ nào ở thế
gian làm việc ác, khi chết oan hồn đi vào đó nhận lấy quả báo.
Các hình phạt được ghi nhận là : Ngục thiết-hoàn (vòng sắt
nóng), cưa xẻ, đập (đánh, tra tấn, xiềng, kẹp v.v..). Do đó, nhiều
người khi nghĩ tới cảnh địa ngục liền phát rợn tóc gáy lên.
Có nhiều sự tích còn chứng minh đầy đủ có cảnh giới tối tăm
bẩn thỉu nầy. Ngay cả những người ngồi đồng thiếp hồn cũng đi
vào chốn địa ngục và chứng kiến được cảnh tra tấn rùng rợn
ở đó về thuật lại. Sư Từ-Đạo-Hạnh tìm cách báo thù cho cha,
ông Từ-Vinh bị chết oan do tay Pháp-sư Đại-Điên trù yếm, sau đó
món nợ máu đã trả xong mới được yên chuyện. Bà Thanh-Đề bị
hành hạ trong kiếp đói khát ở cảnh địa ngục ... là những chứng
minh cho thấy được hình tướng của cảnh giới địa ngục như thế
nào. Nói về sự tướng thì luận như thế, còn đứng về mặt lý,
nhất là căn cứ theo hành vi thiện ác trong đời hiện tại, thì
chính những việc đau đớn, đọa đày, ức hiếp, bị tù hảm giữa
xã hội loài người bây giờ, chúng ta cũng có quyền kết luận
được đó là thế giới của đọa lạc, đau thương. Đối với
người nào chưa hiểu về lý, chúng ta phải chỉ ra được địa ngục
có hình tướng dài ngắn, lớn nhỏ ra sao để hướng dẫn họ cách
tu và tìm ra con đường thoát khỏi sự ràng buộc u tối kia.
Chỉ có tư
tưởng của Đại-thừa Phật giáo mới chứng tỏ được cái viên
dung vô ngại mà người bình dân cũng như giới trí thức đều học
hỏi tu tập để mong thoát khỏi địa ngục.
Tùy theo trình
độ của người cao thấp mà đạo Phật hướng dẫn cho kẻ tu hành
đạt đến giải thoát khỏi vòng sanh tử để chứng nhập Niết-bàn
tịch tịnh, tức là không còn bị đọa lạc vào cảnh giới khốn khổ
lầm than ...
9.-
CẢNH GIỚI CỦA NGẠ QUỈ Ở ĐÂU ?
Cảnh ngạ quỉ
tức là cảnh giới mà nơi đó chúng sanh phải chịu đói khát, bị
hành phạt đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.
Những ai sống
ở đời có tính tham lam, keo kiệt như có tâm bòn rút của người
để thu lợi về cho mình, lúc chết phải chịu cảnh đọa đày, lạnh
lẽo đói khát. Hành động bẩn thỉu của con người nơi trần thế
kéo theo cho tới lúc chết phải bị đọa vào kiếp đói khát trong
loài quỉ để trả cho xong món nợ truyền kiếp ở đời. Loài quỉ
đói được kể rằng có nhiều hình tướng khác nhau như quỉ một
giò, quỉ sứ, quỉ hóa đá, quỉ đoạt mệnh, quỉ đói, quỉ ưa phá
phách v.v... Con quỉ có thể không giống với hình người. Chúng có
hình lông lá dễ sợ và thường sinh sống cạnh thế giới loài
người, vì nghiệp nặng, những hồn oan của người khi chết không đi
đầu thai được nên hóa thành quỉ và ở lơ lững giữa từng
không như một thế giới vô hình mà mắt thường của ta khó hình
dung ra được.
Không luận Phật
giáo mới nói tới cảnh ngạ quỉ, nhiều người cũng kể lại rằng
chính họ đã thấy được loài quỉ dữ. Có một điều lạ lùng là
trong thời buổi chiến tranh, có nhiều tiếng vũ khí nên loài quỉ
cũng ít thấy xuất hiện nơi thế giới loài người, có lẽ chúng
sợ binh khí chăng ?
Quỉ là một vấn
đề lớn mà các nhà khoa học không thể nào giải thích nổi, theo
Phật giáo, những người chết oan ức linh hồn không đi đầu thai
được và còn vất vưởng nơi đình miếu, gốc cây để khuấy phá
người đời. Do đó, Phật giáo có những cuộc lễ như chẩn tế cô
hồn vào dịp lễ Vu-Lan rằm tháng bảy để nhờ lời kinh kệ và hơi
hương khói mà các hồn oan được ấm lòng đi đầu thai ở kiếp
khác.
Muốn biết sau khi
chết chúng ta thành kiếp gì, chỉ cần nhìn vào hành vi của việc làm
hiện tại để có thể đoan chắc đúng được 90% theo luật nhân quả
luân hồi, không hề sai lệch.
10.-
SÚC SANH LÀ LOÀI GÌ VÀ CHÚNG SINH HOẠT Ở ĐÂU ?
Súc sanh là
giống thú hay còn gọi là loài lục súc như : Trâu, dê, heo, ngựa,
chó, gà là sáu loài vật được người ta nuôi dưỡng trong nhà
để chúng phục vụ cho người.
Mỗi khi giận
người nào ta thường nghe kẻ ấy dùng câu chửi rủa là : "Đồ
súc sanh", tức có ý ám chỉ cho kẻ đối diện là thứ trâu bò
ngu ngốc không ra gì cả. Con trâu và con ngựa được coi là loài
động vật nặng nghiệp nhất phải mang kiếp kéo cày, kéo xe để trả
nợ, vì kiếp trước chúng vốn đã tạo ra nhiều ác nghiệp. Do đó,
để thỏa mãn cơn giận của mình, người ta ưa dùng lời độc địa
nặng nề đối với kẻ khác. Nhưng tất cả loài người đều ghét ai
gắn cho mình điều xấu xa, sỉ nhục ấy, vì đó là một sự xúc phạm
đến danh dự kẻ khác một cách trầm trọng và như thế cũng có
nghĩa rằng chính mình không muốn bị gán ghép cho những lời bất hão
hạ cấp ấy, thì đừng mở lời độc ác xấu xa để làm cho người
phải buồn khổ. Mặc dầu những giống vật nầy được chúng ta nuôi
dưỡng, bảo hộ. Người Nhật cấm ăn thịt chó, nếu ai phạm sẽ bị
phạt nặng. Người Ấn-Độ cấm ăn thịt bò, vì bò được xem như
vật tổ, nên tuyệt đối cấm giết hại chúng. Người Việt-Nam theo
đạo "Ông" không ăn thịt trâu v.v.. là những hình thức tôn
trọng loài vật.
Lục đạo,
theo Phật giáo, thì loài súc sanh được liệt vào hàng thức sáu
(Nhơn, Thiên, A-tu-la, địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh) vì được xem
như
giống dơ dáy, xấu xí nhất vậy. Chúng ta phải biết tôn trọng loài
vật, đừng đánh đập hành hạ chúng cách tàn nhẫn mà phải bảo
vệ tất cả mọi loài.
Kiếp của loài
súc sanh rất khổ sở, vì chúng phải chịu đủ mọi cực hình do loài
người và các loài vật mạnh khác lấn hiếp.
11.-
CÁC CÕI THIÊN CÓ LỐI SINH HOẠT NHƯ THẾ NÀO ? (^)
Thiên là trời,
tiếng dùng để gọi chung cho tất cả các cảnh giới trên thế giới
của loài người. Các cõi trời được ghi nhận gồm có 33 cảnh
giới khác nhau.
Nhờ tu theo pháp
Thập thiện (10 điều lành), sau khi mãn báo thân nầy ở đời, con
người được sanh lên các cõi trời Sắc-giới và Vô-sắc-giới.
Cõi trời Vô-sắc-giới có các trụ xứ như : Phi-tưởng,
phi-phi-tưởng-xứ, thức-vô-biên-xứ, vô-sở-hữu-xứ ...
Con người sống
nơi các cõi trời được hưởng mọi sự sung sướng, nhưng vẫn
còn phải bị đọa lạc như con người ở thế gian nầy, nếu hết
phước báo mà không lo tu thiện. Do đó, việc lấy 10 điều lành làm
nhân trong việc tu tập là điều cần thiết để hưởng được quả
nơi các cõi trời. Ngoài ra, thì giờ ở các cõi trời cũng dài
hơn ở thế giới chúng ta. Cõi phi tưởng, con người nơi đó không
còn tưởng nghĩ như chúng sanh cõi dục nữa. Vượt cao hơn thêm một
bậc, người ở cõi phi-phi-tưởng xa lìa tất cả mọi việc nói năng
nghĩ bàn. Cho đến món ăn của họ đều bằng thiền định, thức mặc
cũng do thiên y tạo thành. Cõi thức-vô-biên-xứ, con người không
còn trụ tâm vào nơi ý thức nữa mà đã vượt ra ngoài ngôn
ngữ luận bàn của chúng ta. Xa hơn một từng nữa, cõi
vô-sở-hữu-xứ, con người ở đó lìa tất cả mọi ý nghĩ, sống
bằng trực giác, cũng như việc giao thiệp với nhau đều do trực
giác cả.
Người nơi các
cõi trời có thể bay đi tự tại từ thế giới nầy qua thế giới
khác trong khoảnh khắc thời gian chừng một bửa ăn mà không cần
thủ tục thông hành rắc rối lôi thôi. Mỗi sáng, mọi người tụ
tập hội lại một nơi do hiệu lệnh báo giờ ăn. Thức ăn toàn
bằng hương hoa, mỹ nhạc trổi lên để mọi người tới đó hưởng
cái hương vị cũng đủ no, không cần phải ăn uống thô tục như
chúng ta. Sau khi thọ thực xong, mỗi người ai về cõi nấy và hẹn
ngày hôm sau lại gặp nhau ở một nơi đã định.
Dù được
hưởng phước báo sung sướng trên các cõi trời, nhưng chưa phải
nơi đã được giải thoát hoàn toàn, cho nên người Phật tử chân
chánh cần nên có thái độ dứt khoát để chọn nghiệp sau
nầy.
12.-
HÃY NÓI RÕ CẢNH GIỚI CỦA LOÀI A-TU-LA NHƯ THẾ NÀO ?
Trong ba đường
ác là địa-ngục, ngạ-quỷ và súc-sanh được coi là những nơi xấu
xa, bẩn thỉu nhất, và trên đó một bậc có cảnh giới của loài
A-tu-la, cũng còn nằm trong vòng trầm luân của sáu đường dữ.
A-tu-la là loài
quỷ thần ở giữa thế giới của loài người. Thần có khi là
thiện thần và có khi là ác thần. Thiện thần thường hay gần gũi,
ủng hộ người, nhưng ác thần lại tìm cách khuấy phá cuộc sống
của dân gian. Con người phần nhiều đều không hiểu nổi loài thần,
nên phải cúng cấp, cầu khẩn để mong được gia hộ, chở che.
Những anh hùng, chí sĩ khi chết trên tên đạn một cách oan ức
thường hiện thành thần và được dân chúng cúng bái đầy đủ,
cũng có những ý niệm về loài quỷ thần, không còn xa lạ đối
với chúng ta.
Cảnh của A-tu-la
không có hình tướng nhất định và loài quỷ thần cũng biến dạng
thay hình rất nhanh chóng. Ngoài ra, thần cũng có thể bay đi tự
tại
được trong thế giới như chỗ không người mà ít có ai thấy
được hình dung.
A-tu-la nhiều khi
được người ta kính nể, có lẫn sự căm thù do nhiều nguyên nhân
khác nhau, cho nên dù được coi trọng, chúng cũng phải ở dưới
loài người một bậc.
13.-
TỨ SANH LÀ GÌ ? (^)
Tứ sanh là bốn
loài động vật có sanh mạng và hình thành trong một thân xác không
đồng nhau.
Bốn loài động
vật là :
- Thai sanh
- Thấp sanh
- Noản sanh
- Hóa sanh
Thai sanh là loài
động vật thọ hình bằng bào thai như người, trâu, bò, heo, chó ...
Con người từ khi thọ thai cho tới lúc sanh ra phải ở trong bụng mẹ
hơn 9 tháng, trong khi đó loài trâu, bò, ngựa có khoảng thời gian
thọ thai lâu hơn lên tới một năm từ lúc bắt đầu tượng hình
cho đến khi ra đời.
Thấp sanh là
loài vật sanh nơi ẩm thấp như trùn, dế, sâu, bọ, rắn, rết ...
Những loài nầy có thân hình lớn nhỏ không đồng nhau, hoặc có 4
chân hoặc không chân hay nhiều chân ...
Noản sanh là
loài đẻ trứng như gà, vịt, chim, cá ... Sau khi đẻ trứng, con mẹ
phải ấp trứng một thời gian 20 ngày như gà, chim hoặc 30 ngày như
vịt để sau đó trứng nở thành con. Có một điều đặc biệt hơn
cả là loài đẻ trứng khi vừa nở ra con là có thể chạy nhảy,
ăn uống được tự nhiên rất mạnh khỏe. Trong khi đó loài mang thai
cũng có một hoàn cảnh tương tự, trừ loài người. Người là
loài động vật yếu đuối nhất trong muôn vật. Con người từ lúc
sanh ra cho tới khi biết đi đứng, nói năng phải trải qua từ 8 đến
12 tháng mới thành được. Lúc đầu con người không tự ăn uống
được mà phải do người mẹ săn sóc sú mớm sữa, cơm hay cháo
cho độ 6 tháng sau, em bé mới tập ăn uống dần dần được.
Hóa sanh là loài
biến hóa như loài ấu trùng, loài bướm, nhộng, muỗi, ve ... Chúng
phải thay hình đổi xác như lột da hay vỏ để thành một giống vật
khác như con ngài hóa nhộng, tằm hóa bướm, lăng quăng hóa muỗi
v.v...
Trong bốn loài
động vật đó, loài người được ghi nhận là khôn lanh hơn cả,
biết biến chế đồ vật để sử dụng và có trí khôn tuyệt vời.
Nhưng nếu không tu, con người cũng sẽ bị đọa làm thú sau khi chết.
Đó là luật nhân quả tất định.
14.-
THAI SANH LÀ LOÀI SINH SỐNG Ở ĐÂU ?
Chúng sanh có
rất nhiều loài như sanh bằng cách biến hóa thay hình đổi xác, hoặc
do trứng nở thành, con ở trong bào thai sanh ra gọi là thai sanh.
Cùng loại với
thai sanh, con người được coi như là giống vật tinh vi nhất, biết
biến chế đồ vật thành đồ sử dụng, đồ trang sức và biết sống
nương tựa lẫn nhau. Con người thời cổ cũng đã biết sử dụng
lửa để nung chín các thức ăn. Trí khôn của loài người đã
đạt được đến chỗ tuyệt đỉnh, biết khám phá ra màn bí mật của
vũ trụ và những hiện tượng thiên nhiên như sấm, chớp, gió,
mưa, động đất ... để dự phòng những tai họa xảy đến. Ngày nay
khoa học tiến bộ, con người đã lên được cung trăng mà năm,
mười thế kỷ trước được xem như là việc quá xa vời và khó
khăn. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận rằng loài người yếu đuối
nhất trong các loài động vật sinh trưởng trong lốt thai bào. Thật
vậy, lúc em bé vừa cất tiếng khóc chào đời, đã phải do sự
săn sóc của người mẹ và trải qua trong vòng 8 tháng, 12 tháng hoặc
hơn nữa, trẻ mới tập đi và học nói cũng như tự ăn uống
được một vài thức mềm nhẹ, dễ tiêu hóa. Chính nhà bác học
Pascal (1623-1662) cũng đã nhận xét về con người qua câu nói bất
hủ
như sau :
"L'homme est un
roseau faible dans l'universe, mais un roseau en pensant".
(Con người là
một cây sậy yếu đuối trong vũ trụ, nhưng là một cây sậy biết suy
nghĩ).
Thế nhưng các
loài động vật khác có cùng lối sinh nở giống loài người như
trâu, bò, heo, ngựa v.v... khi vừa mới sinh ra là đã biết chạy và
ăn uống mạnh khỏe như thường.
Loài người chỉ
khôn hơn muôn vật về khía cạnh tư tưởng, nhưng chưa chắc đã giỏi
bằng loài đồng vật về bản năng sinh tồn, làm tổ, di động ...
15.-
THẤP SANH LÀ LOÀI VẬT NHƯ THẾ NÀO ?
Muôn loài, vạn
vật đều ở trong 4 loài sanh sản khác nhau, nhưng cùng là giống
động vật. Phật giáo gọi những loài nầy trong một danh từ tổng
quát là chúng sanh.
Thấp sanh là
giống vật sanh ra dưới những nơi ẩm thấp, dơ dáy như trong bùn,
trong đất cát có loài trùng, giun (trùn), rắn, rết ... Chúng có
thân hình nhỏ, thường là loài bò sát có chân hoặc không chân.
Khoảng thời gian sanh ra và tồn tại của loài động vật ở những
nơi ẩm ướt thường ngắn ngủi. Chúng thường bị đe dọa, khủng
bố, sát hại bởi các loài vật lớn hơn như là thứ mồi dinh
dưỡng. Khi Thái-tử Tất-Đạt-Đa chưa xuất gia, Ngài có lần đi
ngoạn cảnh và chứng kiến cảnh một người nông dân đang cày
ruộng, những loại côn trùng vừa từ luống đất cày mới lật
lên, liền bị loài chim mổ bắt, đàng sau bầy chim, người thợ săn
đang rình bắt chúng.. Cứ như thế mà sự tranh nhau để sống giữa
các loài vật tiếp tục diễn ra thành một trường tranh đấu chém
giết không ngừng. Đây là một trong nhiều động cơ khiến Thái-tử
lìa bỏ ngôi báu để xuất gia tầm đạo.
Chúng ta vì nhân
danh trí khôn của loài người để sát hại các loài khác không
cùng giống loại. Chư Phật, các vị Bồ-Tát vì lòng bi nguyện, xem
muôn loài, vạn vật đều bình đẳng như nhau. Từ loài bò, bay, cựa,
động thấp nhất như giống côn trùng nhỏ nhoi cho đến các loài cao
đẳng động vật như người đều có thể tiến hóa được nếu biết
tu sửa theo thuyết nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo để được
thoát kiếp đi đầu thai ở kiếp sau. Còn như con người nếu không
biết tu thiện vẫn bị đọa làm giống vật như thường.
Muôn loài vạn
vật nếu biết nhìn nhau bằng con mắt tương ái, không cạnh tranh
chém
giết nhau, thì thế giới sẽ bớt cảnh nồi da xáo thịt và các cuộc
chiến tranh đẩm máu không còn xảy ra nữa.
16.-
LOÀI NOÃN SANH SANH SỐNG Ở ĐÂU ?
Như trong bài Tứ
Sanh đã trình bày, noãn sanh là một trong bốn loài động vật có
sanh
mạng và sống ở trên không, trong đất, dưới nước ...
Noãn-sanh là
loài đẻ trứng. Từ trứng nở ra thành con như gà, vịt, chim, cá ...
là những loài động vật lớn ta có thể nhìn thấy dễ dàng, nhưng
còn có những loài vật nhỏ hơn cũng sinh nở theo lối để trứng
như chí rận, dán, nhện, kiến, tuy chúng vẫn sống lẫn lộn chung
quanh
loài người, lại ít có ai để ý hay lưu tâm tới. Nếu chịu khó
tìm tòi, chúng ta sẽ thấy rằng loài đẻ trứng đông hơn loài
người, chúng sống rải rác thành đoàn thể có tổ chức như kiến,
nhện, cá ... hay sinh hoạt rời rạc như dán, chí ... Loài đẻ trứng
thường có mạng sống ngắn ngủi như loài gà, vịt chỉ sống lâu
nhất được 5 năm là cùng. Dù cho sanh mạng ngắn hay dài, đẹp hay
xấu, đạo Phật vẫn tôn trọng mọi loài đều có một giá trị như
nhau. Vì câu nói "Tứ sanh chi từ phụ" (cha lành của bốn
loài) có một giá trị từ bi và bình đẳng mà chỉ có người Phật
tử mới quan niệm được như thế mà thôi.
Tại sao đạo
Phật lại chủ trương bình đẳng để hạ thấp giá trị con người ngang
xuống với hàng hạ đẳng động vật như thế ?
Thật ra cái giá
trị không được căn cứ nơi một thân hình to lớn, cũng không
phải do quyền lực và trí khôn để tự nhận mình có giá trị hơn
mọi loài mà là do nơi sức mạnh của tinh thần mới thực tiển,
đáng kể. Con người có giá trị đáng quý thật, nhưng lúc sống ta
chỉ biết làm những việc ác, tới khi chết còn thua kiếp của con
vật, thì cái giá trị nào hơn ?
Chúng ta đừng
vì cậy thế, ỷ quyền mà coi rẻ sinh mạng của các giống vật khác,
nếu không khéo tu con người cũng sẽ đọa làm loài động vật
không khác.
17.-
LOÀI HÓA SANH CÓ SỰ SANH SỐNG RA SAO ?
Các loài động
vật do sự xếp loại mà thành bộ loại khác nhau. Theo Phật giáo,
chúng sanh là chỉ chung cho 4 loài động vật từ nhỏ đến lớn.
Hóa-sanh được xếp và hàng thứ tư trong 4 loài.
Hóa-sanh là loài
vật có lối sinh nở bằng cách biến, tức không do từ bao thai mà
ra, cũng không do trứng nở, lại cũng không phải từ nơi ẩm thấp
để thành hình. Chúng từ một giống vật nầy mà hóa ra giống vật
khác như con tằm hòa thành bướm, con lăng quăng hóa muỗi, con ve
hóa hình từ con sùng trong lòng đất mà ra. Loài động vật trong
lớp hóa sanh thường có thân hình nhỏ và mạng sống rất ngắn
ngủi như con lăng quăng chỉ sống được một ngày một đêm, con ve
sanh tồn trong vòng một tuần lễ, mặc dù chúng phải ở trong kiếp
trùng dưới đất suốt từ 5 đến 6 tháng mới hiện được nguyên
hình.
Dù là một sinh
vật nhỏ đến đâu, Phật giáo vẫn quan niệm rằng giữa chúng có
một giá trị ngang nhau. Con người vì không biết hay do khinh
thường
các giống vật khác mà không tôn trọng mạng sống của nhau. Cái
điểm cao cả nhất, theo Phật giáo, không phải căn cứ vào sức
mạnh hay mưu mẹo để hơn được các loài động vật khác mà do nơi
giá trị tinh thần mới là điều đáng quý. Loài hóa sanh không
nhiều như các loài đẻ trứng, loài sanh nơi ẩm thấp bẩn thỉu, nhưng
không phải ít đối với chúng ta. Con vật nào có sanh mạng cũng
đều biết tham sống và sợ chết như người cả. Tại sao chúng ta
không chịu tìm hiểu ở điểm nầy giữa các loài vật khác mà chỉ
nhìn thấy riêng thế giới của con người là tối linh, quan trọng
?
Các loài đều
được coi như có sự bình đẳng trong việc cấu tạo nên thân mạng,
dù chúng mang lớp gì đi nữa, chỉ có đạo Phật mới chủ trương
được như thế mà thôi.
18.-
TAM THỪA, TỨ QUẢ LÀ GÌ ?
Quả vị tu chứng
của hàng Tiểu-thừa và Đại-thừa có 3 bậc là Thanh-văn,
Duyên-giác và Bồ-Tát thừa.
Cả 3 thừa,
Thanh-văn, Duyên-giác, và Bồ-Tát tu theo pháp môn gì để chứng
đắc ?
Hàng Thanh-văn hay
còn gọi là Độc-giác nhờ quan sát âm thanh của vạn vật mà thành
tựu, như quan sát chiếc lá rơi, cành cây gãy, sấm chớp v.v... nói
chung, các hiện tượng vũ trụ ... để tìm ra chỗ rốt ráo của lý
duyên sinh trong muôn loài vạn vật. Việc quan sát đến khi được
thành tựu viên mãn, tức là tự giác ngộ hoàn toàn (độc
giác).
Duyên-giác tu
quán pháp 12 nhân duyên để tìm ra chân lý của sự vật. Pháp 12
nhân duyên là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ,
ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Con người và muôn vật ở trong vòng
lẩn quẩn của pháp 12 nhân duyên. Do từ vô minh, con người đi đầu
thai làm thân xác, rồi do hoàn cảnh chung quanh kéo lôi phải lăn
lộn
trong cuộc đời để thọ nhận các nghiệp báo từ nhiều đời, mãi
cho tới khi già và chết. Khi chết rồi lại tái sanh và cứ như thế
tiếp tục không lúc nào ngừng nghỉ như bánh xe quay trong vòng
tròn,
hễ giáp chu kỳ lại quay tiếp. Người tu quán các pháp ấy để
thành đạo tức hàng Duyên-giác.
Bồ-Tát nhờ tu
các pháp Lục-độ : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền
định, trí tuệ và vạn hạnh mà thành Chánh-giác. Bồ-Tát luôn xả
thân vì người để thực hành hạnh lợi tha. Nơi nào cần tới bàn
tay cứu giúp, vị Bồ-Tát xả thân, ngay trong hiểm nạn cũng vẫn xong
xáo thi hành hạnh nguyện của mình. Hàng Bồ-Tát thế không tiếc
thân mạng. Chúng sanh nào cần tai, mắt, mũi, lưỡi, chân tay để
cứu mạng nguy cấp, Bồ-Tát cho không tiếc, đúng theo hạnh bố thí
không sợ sệt, không so đo, tính toán như ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát
đã hiện đủ mọi thân hình để cứu độ chúng sanh.
Tứ quả là 4
quả vị tu chứng của riêng hàng Tiểu-thừa gồm có : Tu-đà-hoàn,
Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Cách tu tập và dư báo của 4 quả
thánh nầy sẽ nói riêng ở mỗi bài sau.
Người tu muốn
đạt được quả vị cao phải do cái nhân tu tập cũng như người bỏ
vốn đầu tư nhiều hay ít để được kết quả lớn hoặc nhỏ.
19.-
TU-ĐÀ-HOÀN LÀ QUẢ VỊ NÀO TRONG HÀNG THÁNH ?
Trong hàng Thánh,
tức là bậc đã chứng đắc được đạo quả giác ngộ của Phật
giáo có 4 quả vị thuộc hàng Tiểu-thừa mà Tu-đà-hoàn là quả vị
tu chứng đầu tiên.
Tu-đà-hoàn hay
còn gọi là Dự-lưu, tức là chỉ cho người mới tu đắc và bắt
đầu nhập vào quả Thánh, nhưng vì còn các trần sa nghiệp (nghiệp
quả vi tế của nhiều đời) nên chưa giải thoát trọn vẹn được.
Ngoài ra, còn có các tên gọi khác cũng để chỉ quả vị
Tu-đà-hoàn như Nhập-lưu hay Nghịch-lưu, tức từ chỗ phàm phu chứng
vào được bậc Thánh, vì đi ngược lại với dòng lưu chuyền của
sanh tử để chứng Thánh. Mới nhập vào dòng Thánh cho nên hành
giả còn phải gia công tu tập các pháp lành để được tiến xa hơn
lên ở các quả vị khác trong hàng Thánh.
Bậc Tu-đà-hoàn
thực hành pháp môn gì mà đạt được, cũng như phải trải qua
thời gian tu tập bao lâu để thành ?
Tu-đà-hoàn tu
theo pháp Tứ-đế và quán pháp Nhân-duyên, đã đoạn sạch được
kiến-hoặc (cái thấy biết do cố chấp) mà thành. Theo kinh Đại-Thừa
Nghĩa-Chương nói rằng Tu-đà-hoàn là tiếng ngoại quốc, dịch ra
thành
3 nghĩa :
Thứ nhất, dịch
theo nguyên nghĩa, gọi là Vô-Lậu, tức tu pháp môn vô lậu mà
thành.
Thứ hai, theo
nghĩa phóng dịch là Nghịch-Lưu, tức là vĩnh viễn không còn chịu
sanh
tử trong 3 đường dữ nữa.
Nghĩa thứ ba, là
Xúc-Trái, tức do cái nhân đã xa lìa 3 đường mà không còn thọ
quả báo trong ấy nữa.
Trí-Độ-Luận
gọi quả Tu-đà-hoàn là "LƯU", tức là nhập vào một phần
trong Bát-thánh-đạo, cũng có nghĩa là lưu nhập vào cõi Niết-bàn
an lạc vĩnh viễn.
Từ phàm phu,
muốn chứng nhập vào dòng Thánh, quả Dự-lưu, phải trải qua 3
a-tăng-kỳ-kiếp hay còn gọi là vô-số-kiếp mới thành tựu viên
mãn. Vì phàm phu cho nên chúng ta nghĩ số kiếp như thế là lâu,
nhưng
các bậc đã chứng quả Thánh nghĩa đó chỉ là khoảng cách như lúc
khảy móng tay mà thôi.
Các quả vị tu
đạt được, ta cần phải thực hành mới chứng nghiệm được lời
trong kinh điển, cũng như có uống nước ta mới cảm được vị và
việc đả khát như thế nào.
20.-
LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT ĐƯỢC LÀ TU CHỨNG QUẢ ?
Sống trong một
xã hội có nhiều xáo trộn, tranh chấp diễn ra mỗi ngày, chúng ta ít
thấy có ai tu hành chứng quả ngay trong đời nầy. Trừ những vị
Bồ-Tát ra đời do một nguyện lực để lẫn lộn trong chúng ta, rồi
tu hành đắc đạo, nhưng vì con mắt phàm của người đời khó ai
biết được.
Việc chứng quả
chỉ có chư Phật và Bồ-Tát mới đạt tới được, còn các vị Tổ
cũng tu chứng, nhưng trong hiện thế chúng ta không thấy được sự
nhiệm mầu mà phải đợi lúc các vị ấy viên tịch (lìa đời) mới
hiện ra những điềm lành. Ví dụ, khi sắp tịch, các vị Tổ thường di
chúc lại cho các đệ tử một ngón tay hay chừa lại cả cánh tay, sau
khi đốt xong mà vẫn không cháy. Gần đây nhất, vào năm 1963,
Hòa-Thượng Quảng-Đức ngồi trong lửa hồng tự thiêu để cúng
dường Phật Pháp mà không hề nao núng trước sức nóng của lửa,
điều đó đủ chứng tỏ Ngài chính là vị Bồ-Tát do một nguyện
lực kim cương mới đạt được. Có những trường hợp, người tu
hành thấy mình đi trên hoa sen và thấy trước mắt hiện ra những
thế giới muôn hình đẹp đẻ, đó không phải là chứng quả mà do
ma lực hiện ra để thử thách, cũng như để đo trình độ tu tập
của người ấy đạt tới chỗ thuần thục hay chưa. Cũng có người
phát điên hoặc tâm trí tán loạn do bị ác ma cám dỗ trong lúc quá
chú tâm vào cảnh huyễn tướng để bị lạc mất chánh niệm. Người
nào tu hành đến một trình độ cao như kêu mưa, hú gió và sai sử
được người khác làm theo mệnh lệnh vẫn chưa có thể gọi là
người chứng quả mà phải gọi rằng kẻ đó nhờ tập trung tinh
thần nhất quán mới đạt được thành công như thế trong việc tu
niệm.
Do đó, ta cần
phân biệt giữa chứng quả với những cảnh giới huyễn do mã hiện
để thử thách người tu hành, bằng cách thực hành pháp môn tu
quán để khỏi bị nhận lầm chân và giả.
21.-
TƯ-ĐÀ-HÀM LÀ GÌ ?
Tư-đà-hàm là
quả vị tu chứng thứ hai trong 4 bậc Thánh của hàng Tiểu-thừa, và
do tu nhân gì mà đạt thành ?
Tư-đà-hàm,
người Tàu dịch nghĩa là Nhất-Lai, tức là còn thọ sanh lại làm
người một lần nữa để tu hành, những nghiệp lực của "tư
hoặc" trong cõi dục còn lại một phần nên chưa hoàn toàn ra
khỏi cảnh giới trần ai được (chín phẩm tư-hoặc : Dục giới, sơ
thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô
biên xứ, vô sỡ hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ). Do
vướng mắc 3 phẩm tư-hoặc sau cùng chưa đoạn sạch nên quả tu chưa
trọn vẹn, hành giả phải tấn tu thêm một lần nữa. Chín phẩm
tư-hoặc ở trong 3 cõi gồm có 3 bậc thượng, trung và hạ được
nhân lên thành 81 món tư-hoặc cả thảy. Quả vị của Tiểu-thừa hay 4
quả Thánh của Thanh-văn mà Tư-đà-hàm là bước thứ nhì trên
đoạn đường tu giải thoát vậy. Cũng như người học viên học cấp
bậc Cao-học, còn phải trải qua 2 năm lao lực nữa mới tiến lên
Tiến-sĩ được. Ví dụ như thế có lẽ dễ hiểu cho tất cả những
người quan tâm tới việc nghiên cứu, để biết lý do tại sao
người sinh viên phải vất vả lắm trong việc học hỏi mới thành
công. Tu hành cũng phải trải qua nhiều giai đoạn luyện tập công
phu
như việc học mới đạt được kết quả tốt.
22.-
A-NA-HÀM LÀ GÌ ? (^)
Quả vị thứ ba
trên đường tu thuộc hàng Thanh-văn là A-na-hàm. Vậy A-na-hàm là gì
?
A-na-hàm, Tàu
dịch là Bất-Lai, tức là không thọ sanh trở lại nơi đời nầy
nữa, vì đã dứt sạch tất cả tư-hoặc ở cõi dục. Quả vị nầy
cũng ví như một người học sinh, bắt đầu từ vở lòng đi nốt
đoạn đường dài suốt 22 năm để lấy được mãnh bằng Tiến-sĩ.
Người đổ xong Tiến-sĩ còn có thể lấy thêm Thạc-sĩ, cũng như
thế, hành giả muốn đi nốt đoạn đường tu niệm phải đạt tới
quả A-la-hán sau cùng mới thành công viên mãn. Người tu đã
chứng tới quả A-na-hàm thuộc hàng Tiểu-thừa Phật giáo, cũng có
nghĩa là không còn bị chi phối bởi dòng sanh tử luân hồi của cõi
dục nữa. Cũng cần nói rõ về nghĩa của chữ tư-hoặc là cái mê
lầm về sự, do mê muội nơi sự vật mà ra. Ví dụ : 3 nhu cầu tối
thiểu trong đời sống là sự ăn, mặc và ở khiến cho ta tham
trước. Ý niệm nẩy sinh cùng trong một thân nầy cho nên nó còn có
tên là mê lầm về câu sanh. Muốn tận diệt sự mê lầm đó, cần
phải gắng chí tu trì để từ từ dứt bỏ những điều mê lầm căn
bản đó gọi là tư hoặc.
A-na-hàm đã
trừ bỏ hẳn những mê lầm căn bản ấy từ thô đến tế để
dũng mãnh đứng vào hàng Thánh mà không sợ bị chi phối bởi
nghiệp lực nữa.
Muốn tu hành
chứng quả, chúng ta phải tinh tấn không ngừng trải quả nhiều đời
nhiều kiếp mới đạt được.
23.-
A-LA-HÁN LÀ GÌ ?
Giai đoạn sau
cùng để đạt được mục đích của quả Thanh-văn thuộc Tiểu-thừa
Phật giáo là A-la-hán. A-la-hán là gì, và tu pháp môn gì mà thành
tựu ?
A-la-hán Tàu dịch
là vô sanh hay Ứng-Cúng, tức là không còn thọ sanh làm người
trong cõi dục nữa mà là bậc đã giác ngộ sáng suốt xứng đáng
thọ nhận của trời và người cúng dường. A-la-hán cũng như cấp
bậc Thạc-sĩ, tức là người đã đạt được quả tu rốt ráo của
việc tu tập. Thế thì quả vị của hàng Thanh-văn đâu có khác với
Bồ-Tát ? Chỗ cứu cánh của bậc Thanh-văn là tu giải thoát lấy
mình, trong khi đó Bồ-Tát không những tự độ cho chính bản thân
mà còn cứu độ cho nhiều người khác đồng tu và đồng chứng
quả. Khi đạt đến quả A-la-hán, hành giả không trở lại trần gian
nữa nhưng Bồ-Tát mang hạnh nguyện từ bi và lăn xã trong đời gần
gũi chúng sanh để cứu giúp cho họ.
Ví dụ : Hai
Bác-sĩ cùng học tốt nghiệp ra từ một Đại-học Y-khoa. Sau 10 năm
một người giàu có dư dã, còn một người làm việc chỉ vừa đủ
tiêu nhưng thân chủ của ông ta lại là những người rất có nhiệt
tình và thường hay lui tới. Vì tư cách của ông một phần và giá
cả phải chăng cũng là một khía cạnh tâm lý quan trọng.
Quả tu của bậc
Thánh thuộc Tiểu-thừa cũng như vậy mà A-la-hán là một chứng
minh.
24.-
CHÚNG SANH CHỈ CHO NHỮNG LOÀI NÀO ?
Chúng sanh chỉ
chung cho các loài động vật sống trên mặt đất, trên không, kể cả
những loài côn trùng nhỏ nhất như loài bò bay, cựa động ...
Chúng sanh hiểu
theo Phật giáo có 4 loài : Thai-sanh (loài sanh sản bằng bào thai)
như
người, trâu bò, chó, ngựa, heo ...,
Noãn-sanh (loài
đẻ trứng) như gà, vịt, chim muông ...,
Thấp-sanh (loài
sanh nới ẩm thấp) như trùng, dế, rắn rết ...,
Hóa-sanh (loài
sanh bằng cách thay hình đổi lớp) như các loại côn trùng, bướm,
tằm, ngài (nhộng)...
Như thế, danh từ
chúng sanh dùng để chỉ chung số đông các loài động vật có thân
xác ở trong thai bào sanh ra hoặc do từ trong trứng mà thành hình
hay
do nơi ẩm thấp để phát triển. ngoài ra, có loài còn do sự biến
hình đổi xác mà thành được mạng sống.
Tất cả các
loài chúng sanh đều phải trải qua 4 thời kỳ : Sanh, trụ, dị, diệt
(sanh ra, tồn tại trong một giai đoạn hữu hạn, thay đổi, và cuối
cùng mất đi) hay nói cách khác theo danh từ thông thường cho dễ
hiểu là sanh, già, bịnh và chết, để chỉ cho một giai đoạn từ khi
một động vật có ra cho tới khi tan hoại vào trong lòng đất.
Loài người
nhân danh có trí khôn hơn các giống khác và có một đời sống
lâu hơn mọi vật khác, phải biết lợi dụng ở điểm nầy để xây
dựng xã hội ngày thêm tốt đẹp theo như tinh thần từ bi của Phật
giáo biết tôn trọng mạng sống của tất cả mọi loài, như bốn đại
nguyện của người hành Bồ-Tát hạnh.
- Chúng sanh không
số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.
- Phiền não
không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.
- Pháp môn không
kể xiết, thệ nguyện đều tu học.
- Phật đạo
không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.
25.-
NGŨ ẤM GỔM CÓ NHỮNG GÌ ?
Ngũ-ấm hay
Ngũ-uẩn là sự chứa nhóm và kết hợp lại của 5 yếu tố căn
bản để hoàn thành con người nơi trần thế.
Ngũ-ấm gồm có
sắc (mầu sắc), thọ (nhận lãnh), tưởng (tưởng nghĩ), hành (hành
động) và thức (nhận thức hay sự hiểu biết). Nói một cách khác
5 ấm chia ra thành :
- Vật chất :
Đất, nước, gió, lửa (tứ đại) tức phần cấu tạo nên thân
xác.
- Cảm giác : Như
các việc vui, buồn, mừng, giận, ghét, thương, việc nhận lãnh, từ
chối ... đều thuộc về phần cảm giác của một người.
- Tư tưởng : Tư
tưởng là phần quan trọng nhất trong đời người. Tư tưởng còn
có tư tưởng hướng thượng, tư tưởng thấp hèn, tư tưởng bi quan
v.v... đều nhắm tới phần quyết định sự thành bại nên hư trong
cuộc đời hiện tại và cho tương lai hay nói rộng hơn cho cả kiếp
sau
nữa. Vì thế, người có tư tưởng đúng sẽ làm việc theo con
đường chính nghĩa và đem lại nhiều lợi ích thực tiển. Còn
người có tư tưởng bạc nhược luôn luôn gieo rắc sự ủy mị
chán nản đến cho mọi người và ngay chính họ cũng đã sóng một
cuộc đời bê tha, lây lất.
- Hành nghiệp :
Tức là hành động và nghiệp lực song hành với nhau. Ta biết làm
điều lành và tâm luôn hướng tới việc thiện thì tự nhiên
đời sống nội tâm sẽ được thư thái dễ chịu. Một khi lỡ làm
một việc trái với lương tâm, ta cảm thấy đau nhói, cắn rứt.
Điều đó chứng tỏ rằng người biết hối lỗi và có thể sống
hòa mình với cộng đồng xã hội để cùng nhau xây dựng một đời
sống lành mạnh và tin yêu.
- Nhận thức
: Phần quan trọng số một đối với người biết thăng tiến cuộc
đời mình. Việc nhận thức lệch lạc sẽ dẫn ta đến bờ vực thẳm
của thất bại, đau khổ. Nhận thức chính là đội quân tiền đạo,
thành trì giữ vững được mọi giá trị tinh thần cho đời
sống.
Năm ấm là đầu
dây mối nhợ dẫn dắt con người vào mọi nẽo đường đời. Muốn
cho khỏi rơi vào một thế giới đen tối sau khi chết, ta phải phát
khởi lòng từ bi rộng lớn đối với mọi loài.
26.-
THẬP PHƯƠNG LÀ GÌ ? CHÚNG TA ĐANG Ở PHƯƠNG NÀO ?
Thập phương nói
cho đủ là thập phương pháp giới chúng sanh, danh từ thường dùng
trong phạm vi Phật giáo để chỉ cho khoảng không gian rộng lớn bao
la,
tức là cái vô giới hạn của vũ trụ, vạn vật.
Thập phương là
10 phương hay 10 hướng là đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam,
đông bắc, tây bắc, trên và dưới. Có người còn gọi là 9
phương trời và 10 phương Phật cũng để chỉ cho cái vô hạn của
vạn loại hữu tình. Sở dĩ gọi 9 phương trời là vị hạ phương
tức hướng phía dưới ta không có ánh sáng mặt trời chói rọi
chăng ? Tất cả mọi loài chúng sanh đều ở khắp trong 10 phương. Từ
loài động vật hạ đẳng cho đến loài Người, Trời, Thần, Tiên,
Phật v.v... đều hiện hữu ở trong các hướng nầy. Chúng ta đang ở
phương nào ? Thật khó ai có thể xác định đúng được vị trí
chúng ta ở phương nào. Nhưng căn cứ vào các cõi thể giới cấu
tạo thì thế gian nầy tức là thế giới Ta-bà mà ta đang sanh sống
nằm trong hướng Nam của 4 châu lớn (Bắc-cu-lô-châu,
Tây-ngưu-hóa-châu, Nam-thiệm-bộ-châu, Đông-thắng-thần-châu). Ngoài
ra, trong 10 phương ấy, chư Phật ở phương nào ? Phật là do
Ứng-thân
và Hóa-thân mà thành cho nên có thể hiện thân ở khắp trong 10
phương được tự tại, không có sự ngăn ngại nào cả, nghĩa là
chư Phật qua lại trong 10 phương do sức hiện thần thông để cứu độ
chúng sanh. Chỗ nào cần các Ngài liền thị hiện ngay đến đó để
thuyết pháp và giáo hóa chúng sanh ngay trong khoảnh khắc. Trong
kinh
Pháp-Hoa, Phẩm Phổ-Môn thứ 25 có đoạn nói rằng người đáng
dùng thân Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la,
Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân để được độ thoát
thì ngài Quán-Thế-Âm liền đều hiện ra mà vì đó nói pháp. Đức
Bồ-Tát Quán-Thế-Âm do thành tựu các công đức như thế, dùng
các thân hình dạo đi trong 10 phương các cõi nước để độ thoát
chúng sanh, cho nên người nào một lòng chuyên niệm đến danh hiệu
Ngài sẽ được như nguyện.
Tóm lại, khi
muốn diễn tả một việc rộng lớn ta thường dùng chữ thập phương,
như người ấy ưa làm việc thập phương, vị Tỳ-kheo đi khất thực
của thập phương v.v...
27.-
ĐẠI-HỔNG-CHUNG CÓ Ý NGHĨA RA SAO ?
Đại-Hồng-Chung
là cái chuông lớn hay còn gọi là chuông U-minh. Chuông U-minh mang
một ý nghĩa tinh thần rất lớn lao.
Tiếng vang của
chuông có thể nghe thấu suốt được đến cõi tối tăm u ám nơi
địa ngục, nhờ đó, chúng sanh nào bị đọa vào đó, khi nghe liền
được giải thoát. Ở các ngôi chùa cổ thường có quả chuông
lớn để gióng mỗi ngày hai buổi sáng và tối cho việc cầu nguyện.
Giờ gióng chuông buổi sáng lúc 5 giờ, trước khi tụng thời công
phu buổi sáng. Người thỉnh chông vừa đánh vừa đọc bài
kệ.
Nguyện thử chung
thinh siêu pháp giới,
Thiết vi u ám
tất giai văn.
Văn trần thanh
tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết
chúng sanh thành chánh giác.
Nghĩa là :
Nguyện cầu cho
tiếng chuông thấu suốt tới các cảnh giới, nơi tối tăm vây phủ
bởi sắt nóng thảy đều nghe. Khi nghe chuông thì lòng trần (phiền
não) nhẹ, chứng được đạo giải thoát và tất cả chúng sanh cùng
thành chánh giác.
Chuông thường
gióng 108 lần tượng trưng cho 108 phiền não nơi mỗi chúng sanh mà
cần cầu cho tất cả đều được siêu thoát.
Buổi sáng sớm
là giờ yên tỉnh, khi gióng lên, tiếng chuông ngân vang có thể nghe
thấu suốt được các cỏi. Buổi tối, giờ ăn của loài quỷ đói,
khi nghe chuông, chúng được nhẹ bớt lòng sân hận mà giải thoát
khỏi kiếp ngạ quỷ.
Về lịch sử của
Đại-Hồng-Chung, không thấy có sách nào đề cập tới. Theo truyền
thuyết cho rằng chuông do Lương-Võ-Đế (thế kỷ thứ 6) khởi xướng
đầu tiên để cầu nguyện cho các oan hồn bị đọa trong chốn U-minh do
đạo nhãn của ông Chí-Công nhìn thấu suốt được và báo cho vua
biết điềm ấy.
Việc gần nhất
của công dụng tiếng chuông là đánh thức dân chúng trong làng dậy
để chuẩn bị ra đồng làm việc và giờ tan việc, ở thời buổi mà
chiếc đồng hồ chưa được thông dụng ngày xưa trong các xã hội
nông nghiệp.
(^)28.-
THẤT TÌNH LỤC DỤC LÀ GÌ ?
Bảy thứ tình
cảm biểu lộ ra bên ngoài và sáu việc ham muốn của con người gồm
chung trong câu nói ngắn gọn là "thất tình lục dục". Vậy 7
thứ tình cảm và 6 điều ham muốn đó là những gì ?
Bảy thứ tình
cảm mà mỗi chúng ta đều có như : Vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui
vẻ, yêu thương, ghét và ham muốn hay nói cách khác là hỉ, nộ, ai,
lạc, ái, ố và dục vậy.
Bảy trạng thái
tâm lý nầy luôn luôn tiềm ẩn ở nơi tâm thức chúng ta, hễ khi
nào gặp một cơ hội thuận tiện, tự nhiên cái tình cảm ấy sẽ
hiện nguyên ra bên ngoài như bộc lộ ra nơi nét mặt hay nơi cử chỉ,
trong lời nói v.v... Như khi vui, người ta có bộ mặt tươi tắn, lúc
buồn mặt ủ dột, lạnh nhạt. Còn giận thì mặt tái mét, xanh xao ;
yêu thương mặt đỏ, nóng bừng v.v... Một trong 7 thứ tình cảm trên
thái quá cũng khiến cho tâm sinh lý con người xáo trộn mất quân
bình và gây ra những hành động thiếu ý thức và tai hại. Để
đối trị lại với thất tình, Phật giáo đưa ra Thất-giác-chi tức
là 7 điều hiểu biết đúng đắn là : Chọn lựa phương pháp, chuyên
cần, mừng vui, nhẹ nhàng, suy nghĩ, định tĩnh tâm thức và xã bỏ
những ý tưởng thấp hèn.
Còn lục dục là
gì ? Lục dục là 6 điều ham muốn đã trở thành thói quen khó sửa
đổi :
- Sắc dục : Ham
muốn sắc đẹp.
- Dung mạo dục :
Ưa thích diện mạo đẹp đẽ.
- Tư thái dục :
Mong có dáng chững chạc, dịu dàng.
- Muốn đụng
chạm vào thân xác giữa nam nữ.
- Say đắm lời
ngọt ngào êm dịu.
- Thích người cao
lớn đẫy đà, phương phi, gọn gàng.
Ngoài ra, còn
một định nghĩa khác là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến cũng nằm
trong khía cạnh xấu của lục dục, nhưng theo thiển ý của bút giả,
định nghĩa nầy không thể chấp nhận được. Đối với người tu,
không phải dứt 7 thứ tình cảm, lìa 6 dục mà đạt được đạo,
nhưng nương vào đó mà chuyển hướng tình cảm, ý muốn bất chánh
trở lại với con đường thiện, tức là tự làm một cuộc cách
mạng ngay chính bản thân.
Cá nhân tốt,
xã hội sẽ được cải thiện mà Phật giáo chủ trương phải hướng
thiện ngay nơi mỗi ý nghĩ, lời nói.
29.-
TỘI NGŨ NGHỊCH TRONG PHẬT GIÁO LÀ TỘI GÌ ?
Trong Phật giáo,
tội ngũ nghịch là một tội nặng như ngoài đời là tội bị tử
hình vậy. Tội ngũ nghịch còn gọi là tội vô gián bị đọa vào địa
ngục, vì trái với luân thường đạo lý nên gọi là nghịch.
Năm tội cực
ác ấy như là : Giết cha, giết mẹ, giết bậc A-la-hán, hủy phá thân
Phật ra máu, phá hoại hòa hợp Tăng.
Căn cứ vào kinh
ngũ nghịch tội do vua A-Xà-Thế hỏi Phật, thì có năm tội thật nặng
nề mà người tu hành phải tránh để khỏi gây ra hậu quả xấu, bị
đọa vào địa ngục. Trong năm tội nghịch nầy, tội nào cũng nặng
tầy trời cả. Theo truyền thuyết cho rằng khi đức Phật Thích-Ca còn
tại thế, Đề-Bà-Đạt-Đa cố tâm hại Phật như cho lăn đá đè, cho
voi dữ cán lên mình Phật, nhưng nhờ sức thần thông, đức Phật
đã thoát ra được các nạn dữ đó. Những tội như thế được
liệt vào tội thứ tư trong năm tội nghịch nầy. Cũng trong cùng một
ý nghĩa đó, việc hủy phá hình tượng Phật như bắn phá, đâm
đục đều có tội rất nặng. Cả năm tội nghịch nầy đều có chung
hình tướng cho cả ba thừa (Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-Tát), tức bao
gồm cả Đại-thừa và Tiểu-thừa.
Người não đã
lỡ phạm vào một trong năm tội trên, còn cách nào cứu thoát
được không ?
Những kẻ phạm
phải tội nghịch ác như thế, tâm sinh lý họ đã có sự mất quân
bình nên gây ra sự lầm lỗi quá nặng. Muốn giải cứu, phạm nhân
phải tự mình phát nguyện sám hối trước Tam-Bảo, hứa chừa bỏ
những hành vi, ý nghĩ xấu ác thô bỉ kia và quyết tâm thực hành
điều thiện thì mới có thể xóa bỏ được lỗi phạm trước, để
bắt đầu làm lại mọi việc đổi mới hoàn toàn và phải cảnh
giác việc ác trong mỗi ý niệm, trong hành vi, tư tưởng ...
Người Phật tử
khi đã biết lý nhân quả và tội phước báo ứng rồi thì đừng
nên gây ra cho kẻ khác bất cứ một tội nhỏ nào, huống chi trong
năm tội nghịch ác lại cần phải tìm cách lánh xa.
30.-
NGŨ THỪA TRONG PHẬT GIÁO LÀ NHỮNG GÌ ?
Thừa có nghĩa
là cái xe chuyên chở đưa người đi tới nơi chốn. Trong Phật giáo,
thừa dùng chỉ cho giáo pháp để người tu đạt đến quả vị giải
thoát. Ngũ thừa là 5 cổ xe vận chuyển người vào bến bờ định
hướng.
Ngũ thừa là :
Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-Tát thừa.
1- Nhơn thừa : Do
tu hành theo năm giới mà được làm người ở trong cõi nhân
gian.
2- Thiên thừa :
Do tu theo 10 điều thiện để được sanh lên các cõi trời.
3- Thanh-văn : Tu
theo pháp tứ đế cầu đạt đến quả A-la-hán.
4- Duyên-giác : Tu
theo pháp 12 nhân duyên hoàn thành quả Bích-chi-Phật.
5- Bồ-Tát thừa
: Tu theo pháp Lục-độ mà chứng được đạo mầu giải thoát.
Trong năm thừa
gồm chung cả hàng Đại-thừa và Tiểu-thừa. Nói một cách khác,
năm thừa còn phân loại theo cách thứ hai như :
- Bồ-Tát
- Duyên-giác
- Thanh-văn
- Các loài hữu
tình tánh căn chậm, lẹ khác nhau.
- Nhơn Thiên
thừa.
Như trong kinh
Đại-Thừa Trang-Nghiêm Công-Đức và kinh Lăng-Già thì phân 5 thừa
như cách trình bày thứ nhất ở trên. Giữa Bồ-Tát và Phật do tu
nhân hành theo nhân quả "quyền", trong khi đó Phật tu hành theo
nhân quả "Thật" và do đó có sự tu chứng đạt ngộ cũng
khác nhau. Ngoài ra, các thừa khác chỉ biết áp dụng giáo lý của
Phật một cách triệt để theo mẫu mực sẳn có, còn Bồ-Tát biết
quyền do sức sáng tạo trong việc tu hành, nên quả vị tu chứng
không
đồng nhau.
Theo trình độ và
căn cơ của mỗi chúng sanh tu tập mà quả vị có cao thấp cũng đều
do sức cố gắng là nhân đưa đến quả hiển nhiên.
31.-
THẬP ĐỊA LÀ GÌ ? HÃY PHÂN BIỆT CHỖ KHÁC NHAU GIỮA QUAN NIỆM CỦA BA
THỪA ?
Thập-địa hay còn
gọi là Thập-trụ là 10 giai đoạn tu đạt được của 3 thừa :
Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-Tát. Thập-địa có nhiều cách phân
chia.
Bồ-Tát thừa
quan niệm về Thập-địa như sau :
1/. Hoan-hỉ-địa.
2/. Ly-cấu -ịa. 3/. Phát-quang-địa. 4/. Diệm-huệ-địa. 5/.
Cực-ly-thắng-địa. 6/. Hiện-tiền-địa. 7/. Viễn-hành-địa. 8/.
Bất-động-địa. 9/. Thiện-huệ-địa và 10/. Pháp-vân-địa.
Ngoài ra, còn
một cách phân chia khác :
1/.
Càng-huệ-địa, càng là khô khan. Dùng phép quán ngũ đình tâm (bất
tịnh quán, từ bi quán, nhân duyên quán, giới phân biệt quán, sổ
tức quán, tức quán hơi thở).
2/. Tánh-địa,
từ nơi phàm phu mà thành.
3/. Nhẫn-địa, do
nhẫn nhục mà đạt được chân lý.
4/. Kiến-địa,
đoạn được kiến hoặc của 3 cõi và ngộ được chân lý của
pháp Tứ-đế.
5/. Bất-địa,
đoạn lìa các dục vọng của Dục-giới, chứng được Nhất-lai tức
là quả Tư-đà-hàm và còn phải sanh trở lại nơi đời một lần
nữa.
6/. Ly-dục-địa :
Chứng quả A-na-hàm hay Bất-hoàn và không còn sanh vào thế gian nầy
nữa.
7/. Dĩ-biện-địa :
Đã trừ được kiến-hoặc và tư-hoặc trong 3 cõi, chứng thành
A-la-hán.
8/ Chi Phật-địa :
Tức quả Bích-chi-Phật của hàng Tiểu-thừa.
9/ Bồ-tát-địa :
Do tụ lục độ, vạn hạnh trải qua vô số kiếp đã tròn đủ và
chứng được quả vị Bồ-tát.
10/ Phật-địa :
Thân rốt sau của Bồ-Tát được hoàn toàn giác ngộ. Còn nếu phân
chia theo Thanh-văn-thừa Thập-địa lại là quy y Tam- Bảo, Tấn,
Tín-pháp, Nội-phàm-phu, Học-tín-giới, Bác-nhân-địa, Tu-đà-hoàn,
Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.
Nhưng đối với
hàng Duyên-giác lại quan niệm Thập-địa có khác :
1.- Khổ hạnh
đầy đủ
2.- Ngộ pháp 12
nhân duyên
3.- Ngộ được
pháp Tứ-đế
4.- Trí tuệ thậm
thâm
5.- Chứng được
cửu thánh
6.- Quan sát
tường tận cỏi hư không pháp giới và cõi chúng sanh
7.- Nhập vào chỗ
tịch tĩnh an vui
8.- Đạt được 6
phép thần thông
9.- Thấu triệt
được chân lý bí yếu của vạn pháp
10.- Tập khí và
tưởng nghĩ của kiếp hiện tại còn lại một ít nơi tâm niệm.
Tóm lại, 10 cấp
bậc tu chứng nầy chung cho cả hàng Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-Tát
đã dày công tu tập trong nhiều đời mà thành tựu Phật đạo.
32.-
KIẾP LÀ GÌ ? CÓ KHÁC VỚI ĐỜI KHÔNG ?
Chữ kiếp
thường dùng để chỉ kiếp sống con người, tức khoảng thời gian
lâu dài mà chúng ta không biết được đích xác là bao nhiêu năm.
Nhưng theo sự đo lường của khoa học hiện đại đã cho một con số
rõ ràng về kiếp như sau :
Thế giới thành
hình và hoại diệt luôn luôn xoay chuyển không ngừng. Mỗi một thế
giới đều trải qua bốn thời kỳ là thành, trụ, hoại, không hay
thành hình, tồn tại trong một thời gian, thay đổi và tiêu diệt.
Mỗi
thời kỳ đều có 20 tiểu kiếp, mỗi tiểu kiếp độ khoảng 16,000,000
năm. Chữ kiếp nói đủ, theo tiếng Phạn là Kiếp-ba (Kalpa) nghĩa là
thời phận, tức việc phân chia ranh giới của thời gian có hai
trường hợp : Đại thời và Trường thời.
Kiếp-thành là
thời kỳ thế giới thành lập. Kiếp-trụ là sau khi thế giới đã
thành hình và có các loài hữu tình chung sống lẫn lộn ở đó.
Kiếp-hoại là giai đoạn phá hủy và kiếp không là thời kỳ bị
tiêu diệt hoàn toàn không còn lại gì cả. Do đó, khi nói tới một
kiếp là chỉ cho khoảng thời gian lâu xa thăm thẳm ! Các vị Bồ-Tát
tu hành từ lúc phát tâm cho tới khi chứng quả phải trải qua 3
a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật. Một kiếp khoảng thời gian đã
lâu, lại còn phải qua 3 lần nhiều hơn như thế để hành giả thực
hành đạo giải thoát, đủ cho thấy rằng công phu tu tập lâu xa đến
chừng nào !
Tóm lại, một
đại kiếp gồm có 4 thời kỳ tức là 4 trung kiếp. Mỗi thời kỳ
có 20 tiểu kiếp. Mỗi tiểu kiếp là 16,000,000 năm. Như vậy, số năm
của một đại kiếp là :
Đ = tk x Tk = (20 x
4) = 80 x 16,000,000 = 1,280,000,000 năm.
(một ngàn hai
trăm tám mươi triệu năm)
33.-
A TĂNG LÀ GÌ, SỐ LƯỢNG CÓ THỂ TÍNH ĐẾM ĐƯỢC KHÔNG ?
Chữ A-tăng-kỳ
có nghĩa là vô số, dùng để chỉ cho số nhiều như số cát sông
Hằng không thể nào tính đếm hết được. A-tăng-kỳ kiếp là kiếp
sống hay sự tồn tại của thế giới qua hàng ngàn triệu năm.
Theo như sự
ước tính của khoa học thì một đại kiếp gồm có 4 trung kiếp, một
trung kiếp có 20 tiểu kiếp và một tiểu kiếp là 16,000,000 năm. Như
vậy, câu nói 3 a-tăng-kỳ kiếp gồm một tiểu kiếp, một trung kiếp
và một đại kiếp mà thành. Số năm giữa một kiếp với
a-tăng-kỳ kiếp khác nhau hàng triệu triệu năm vậy.
Đức Phật mỗi
khi thuyết pháp gặp con số nhiều thường ví với số các của sông
Hằng hay là a-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ kiếp là khoảng thời gian
để cho các hàng Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-Tát tu tập đạt đến
đạo giải thoát, và như thế số năm trong thời gian thực hành Phật
giáo phải dài lâu biết bao nhiêu !
Chúng sanh vì
không thấy được hết sự cấu tạo nên thế giới vũ trụ và do
đó cũng lại càng mù mịt hơn khi nói tới niên số để hình thành
các cõi. Con người chỉ biết hạn hẹp trong phạm vi nơi thế giới
đang tồn tại, ngoài ra chung quanh chúng ta còn có biết bao nhiêu
thế
giới khác cũng hoạt động và người ta phải đợi đến một giai
đoạn mà khoa học tiến bộ như ngày nay mới khám phá ra được màn
bí mật của vũ trụ ! Nhưng khoa học cũng chưa đạt được tới chỗ
sau cùng của những công cuộc thăm dò, thám hiểm, tìm tòi ... mà
hiện còn có vô lượng vô số thế giới đang trãi qua các thời
kỳ thành hình, tồn tại, hoại diệt và không. Chư Phật và các vị
Bồ-Tát nhờ dày công tu luyện đã chứng minh được sự hiện
hữu của muôn ngàn cõi khác nhau và số lượng niên đại trong mỗi
thời kỳ mà con mắt thường của chúng sanh không thể hình dung hay
tính đếm được.
Con người chỉ
biết được khoảng thời gian qua các thế hệ (một thế hệ 30 năm),
đời, thế kỷ chứ không thể nào xác định rõ được số năm
nhiều hơn ở mỗi thời kỳ thành hình của các thế giới khác
nhau.
34.-
CỬU-ĐỊA LÀ GÌ ? CÓ KHÁC NHAU VỚI THẬP-ĐỊA ?
Trong 3 cõi : Dục,
sắc và vô-sắc lại chia thành Cửu-địa. Vậy Cửu-địa là gì ?
1- Ngũ-thú
tạp-cư-địa : 5 loài hữu tình chung nhau ở cõi dục.
2- Ly-sanh
hỷ-lạc-địa : Các bậc tu hành đã chứng được sơ quả và các
khổ ở cõi dục đã dứt nên sanh tâm vui mừng.
3- Định-sanh
hỷ-lạc-địa : Bậc nhị thiền ở cõi sắc do sức thiền định mà
được an vui.
4- Ly-hỷ
diệu-lạc-địa : Người tu chứng được quả tam thiền ở cõi trời
sắc giới, vì đã xa lìa sự vui ở cõi dục và cõi sắc để có
được cảnh vui mầu nhiệm hơn.
5- Xả-niệm
thanh-tịnh-địa : Chứng được quả tứ thiền và ở cõi sắc đã
dứt trừ được tâm niệm xấu ác, hành giả chỉ còn lại thuần
tự tánh thanh tịnh, bình đẳng và an trú được trong chánh niệm,
không còn nhiễm trước các tạp niệm, vọng tâm nữa.
6-
Không-vô-biên-xứ : Thuộc về cõi trời thứ nhất của cõi
vô-sắc, không còn các hình sắc nữa, người tu an trú trong thiền
định.
7-
Thức-vô-biên-xứ : Cõi trời thứ hai thuộc về vô-sắc-giới và
chúng sanh ở đó thường an trú trong cảnh định thức an ổn.
8-
Vô-sở-hữu-xứ : Cõi trời thứ 3 thuộc về vô-sắc-giới, chúng
sanh nơi đó an định trong phép thiền quán sát, không còn có chỗ
sở hữu.
9- Phi-tưởng
phi-phi-tưởng-xứ : Cõi trời thứ 4 thuộc vô-sắc-giới chúng sanh
phần nhiều đều an trú với cảnh định phi-tưởng và
phi-phi-tưởng.
Nói một cách
dễ hiểu hơn, cõi dục gọi là tán địa tức là nơi gây ra nhiều
xáo trộn, loạn động do tâm thức vẫn đục của chúng sanh tạo ra.
Cõi sắc và vô sắc gọi là định địa, nhờ tu tập thiền định mà
cảm thọ được quả báo an vui. Như vậy, cữu địa đây có khác
với thập địa không ?
Trong thập địa
có cả hàng Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác và Phật địa và dung
thông cho tất cả các bậc Thánh. Trong khi đó cữu địa chỉ là
những bước tu tập từ thấp đến cao của hàng Tiểu thừa mà
thôi. Đó là sự khác biệt nhau giữa hai trường hợp, mặc dù cả
2 đều có dùng chữ "Địa", nhưng ta không thể lầm lẫn
được.
Muốn đạt đến
đơn vị rốt sau trên bước đường tu tập, hành giả phải tinh tấn tu
tập để mới có thể thành tựu viên mãn.
35
TỨ ĐẠI LÀ NHỮNG GÌ ?
Mỗi một cá
nhân có được thân nầy một phần do tinh huyết của cha mẹ tạo
thành, một phần do các yếu tố vật chất bên ngoài nuôi
dưỡng.
Nếu phân tích
kỹ ta sẽ thấy rõ thân xác nầy gồm có 4 phần hợp lại như đất,
nước, gió, lửa cấu thành. Các phần : Xương, thịt, da, tóc, răng,
móng trong cơ thể thuộc về chất đất. Trong khi đó các chất lỏng
như đờm, nước mũi, nước miếng, nước tiểu, nước mắt, máu
huyết ... thuộc về chất nước. Còn gió chỉ cho hơi thở, cơ quan hô
hấp, các lỗ bài tiết ... Phần còn lại là chất nóng trong người,
tức là nhiệt lượng tỏa khắp toàn thân thể để bảo tồn được
xác thịt đứng vững, đó gọi là hỏa.
Thân xác ta
thành hình do 4 yếu tố kia gắn chặc vào nhau để tồn tại. Nếu một
trong bốn yếu tố của tứ đại nầy thay đổi hoặc mất sự quân
bình, tự nhiên cơ thể không thể giữ được thăng bằng, trái lại
còn gây ra những triệu chứng bất bình thường, như khi thân thể bị
thương thì toàn thân phải chịu ảnh hưởng. Người bị tăng huyết
áp có những triệu chứng đau nhói khó chịu, hơi thở không điều
hòa là dấu hiệu của người bịnh hoạn. Khi nào cả 4 yếu tố đều
ngưng hoạt động thì cuộc đời của một người coi như đã mãn
phần ở thế gian nầy.
Lúc thân xác tan
rã, các phần đất, nước, gió, lửa đều hoàn nguyên trở về
trạng thái cũ, rốt cuộc con người không còn lưu lại được gì cho
chính mình cả.
Những người
lúc sống biết tu phước làm thiện, khi chết được an lành. Với ý
niệm đó, theo Phật giáo mỗi khi có người nhà sắp tắt hơi thở
lìa đời thì mọi người thân thuộc nên hợp nhau lại cầu nguyện
bằng lời kinh, để cho thần thức của người sắp chết được nhẹ
nhàng đi đầu thai kiếp khác.
Với thân tứ
đại nầy không có gì đáng quí trọng cả, mà chúng ta chỉ lưu ý
hướng thượng tinh thần mới là điều quyết định trong kiếp lai sinh
!
36.-
THẬP TRỤ TRONG PHẬT GIÁO LÀ GÌ ?
Thập-trụ là
chỗ của các bậc tu hành nương vào để an trụ. Chỗ an trụ ấy từ
thấp đến cao có chia ra làm 10 thứ bậc như dưới đây :
1- Phát-tâm-trụ
: Lúc đầu mới phát tâm tu tập.
2- Trị-địa-trụ :
Chọn điểm tựa để nương náu.
3- Tu-hành-trụ :
Gia công thực hành việc tu tập.
4- Sanh-quy-trụ :
Phát tâm quy hướng.
5-
Phương-tiện-trụ : Do nơi pháp phương tiện mà hành đạo.
6- Chánh-tâm-trụ
: Tâm an định trong chánh niệm.
7- Bất-thối-trụ
: Lòng không thối chuyển.
8- Đồng-chơn-trụ
: Thiết thạch trong lành, tâm như gương sáng không bị vẫn đục.
9-
Pháp-vương-tử-trụ : Dũng mãnh phi thường như vua của các
pháp.
10-
Quán-đảnh-trụ : Quán chiếu nơi đảnh đầu phát ra điện quang.
Các bậc Bồ-Tát
ra đời để trên cầu Phật đạo, dưới cứu độ chúng sanh
(thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh) mà an trụ tâm. Đây
là giai đoạn thứ nhất trong 3 a-tăng-kỳ kiếp của hành giả trên
đường tu. Ngoài ra, để thành tựu được 10 nơi trụ tâm vững
chắc, người phát tâm tu hành cần phải có thêm lòng tin tưởng
nữa. Đó là :
1- Tín tâm, 2- Tinh
tấn, 3- Niệm tâm, 4- Định tâm, 5- Huệ tâm, 6- Thí tâm, 7- Giới
tâm,
8- Hộ tâm, 9- Nguyện tâm, 10- Hồi hướng tâm.
Trước hết
người hành trì Phật giáo phải tin rồi phát tâm tu tập thì mới
đạt được kết quả như điều mong muốn. Khi định và huệ đã đủ,
bèn khởi lòng từ bi bố thí và răn nhắc, ngăn ngừa tâm loạn
động để giữ cho điều hòa từ nội thân đến ngoại cảnh. Nguyện
cho mình được tròn đầy phước trí để hồi hướng về cho tất cả
chúng sanh đồng thành Phật quả.
Phát lòng tin
tưởng để an trụ tâm trong chánh pháp mà tu tập cho tới khi đạt
được đạo, và việc tu hành vì chưa được thành tựu tới chỗ
rốt ráo nên hành giả phải cần nương trụ.
37.-
THẬP HẠNH LÀ GÌ ?
Người phát tâm
tu tập đã trải qua được giai đoạn đầu và tiến lên xa hơn nữa
trong pháp sáu độ (bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn,
thiền-định, trí-tuệ) và vạn hạnh tức là tu các hạnh khác nhau,
trong đó có 10 hạnh như dưới đây :
1- Hoan-hỷ-hạnh :
Vui vẽ tự nhiên không có gì vướng bận tâm.
2- Nhiêu-ích-hạnh
: Làm cho nhiều người được lợi ích.
3- Vô-nhuế-hạnh
: Không để cho tâm vẩn đục, não loạn.
4- Vô-tận-hạnh :
Không cùng tận, tức không ranh giới, chướng ngại.
5- Ly-si-loạn-hạnh
: Lìa xa sự si mê ám chướng.
6-
Thiện-hiện-hạnh : Nghĩ và làm các việc thiện.
7-
Vô-trước-hạnh : Không tham trước mọi vật hay không đắm
nhiễm.
8-
Tôn-trọng-hạnh : Tự tôn trọng mình và kính nhường người
khác.
9-
Thiện-pháp-hạnh : Các pháp lành đều đầy đủ để trợ lực cho
hành giả.
10-
Chơn-thật-hạnh : Lòng ngay thẳng, tánh cương trực.
Bậc Bồ-Tát tu
theo phép vạn hạnh để hoàn thành đạo nghiệp và đặc biệt chú
trọng tới 10 hạnh căn bản trên đây mà đạt đến chân lý. Trong
10 hạnh có thể chia ra thành 2 bậc : Thấp và cao. Từ hạnh hoan hỷ
tới hạnh thiện hiện, do nơi tự tâm hành giả phát sanh và chỉ cần
sự gia công tu tập là có thể đạt được ; trong khi đó các hạnh
không tham đắm trước mọi vật, lòng tôn kính, thực hiện các pháp
lành và tánh ngay thật cần đòi hỏi cả một trời công phu ! Đây
là một bước quan trọng trong suốt hành trình tiến và đường đạo
rất khó khăn trở ngại, nếu không thật thận trọng rất dễ bị
thối chí nản lòng nên nó đòi hỏi phải có sự cương quyết và
dũng mãnh để chiến thắng được những cạm bẩy từ bên trong tâm
thức cho tới bên ngoài cảnh vật.
Khi thực hành
trọn đủ 10 hạnh như vậy, bậc Bồ-Tát đã có một tâm niệm không
thối chuyển để tiến lên được xa hơn trong các bậc thang kế tiếp
của đạo giải thoát.
38.-
THẬP-HỔI-HƯỚNG LÀ GÌ ?
Thập-hồi-hướng
là 10 việc lợi lành hướng về tất cả muôn loài để chia sớt
bớt phước báo và cùng nhau hướng tới Phật quả.
Mười công
đức để hồi hướng là :
1- Cứu hộ chúng
sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng : Ra ân giúp đỡ cho chúng sanh,
nhưng không vì đó mà chấp trước việc cứu giúp.
2- Bất hoại hồi
hướng : Không có một thế lực hay sức mạnh nào phá nổi để
thoát lui việc giúp đỡ chúng sanh của hành giả.
3- Đẳng chư Phật
hồi hướng : Do lòng từ bi rộng lớn như chư Phật xin nguyện cứu
giúp tất cả chúng sanh.
4- Chí nhứt
thiết xứ hồi hướng : Hoàn tất trong việc cứu giúp muôn
loài.
5- Vô tận công
đức tạng hồi hướng : Có ngần nào công đức xin đem san sẽ ra cho
tất cả chúng sanh.
6- Tùy thuận
nhất thiết kiên cố thiện căn hồi hướng : Tất cả những căn
lành vững bền có được, tùy theo đó mà cứu giúp chúng
sanh.
7- Đẳng tâm tùy
thuận chúng sanh nhứt thiết hồi hướng : Đem tâm bình đẳng để
hòa nhập vào trong tất cả chúng sanh.
8- Như tướng
hồi hướng : Quay về với tánh thật của mình.
9- Vô trước vô
phược giải thoát tâm hồi hướng : Không chấp trước, không ràng
buộc, tâm được giải thoát tự tại.
10- Pháp giới
vô lượng hồi hướng : Hướng về pháp giới chúng sanh để cầu
cho trọn thành Phật đạo.
Trong 10 chỗ trụ
tâm, 10 hạnh an lạc và 10 việc lợi lành hồi hướng gọi là tam
hiền. Trong 3 bậc nầy hành giả đều nhất tâm hướng về đạo
Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Do tu tập các công đức lợi
lành mầu nhiệm ấy như là rường cột của việc tu nên gọi là tư
lương vị hay là món ăn tinh thần cao khiết.
Từ chỗ sơ tâm
tiến lên tới cấp bậc nầy hành giả đã trải qua bao nhiêu việc
thực hành khó khăn trong suốt một đại a-tăng-kỳ kiếp.
39.-
THẤT PHẬT LÀ NHỮNG VỊ PHẬT NÀO ?
Thất Phật là
bảy đức Phật trong quá khứ tính cho đến Phật Thích-Ca, giáo chủ
cõi Ta-Bà, Đản-sanh năm 624, Tịch-diệt năm 544 trước kỷ nguyên
Tây-lịch.
Quá-khứ
Trang-Nghiêm kiếp có ba đức Phật :
- Phật
Tỳ-Bà-Thi, Phật Thi-Khí, Phật Tỳ-Xá-Phù
Hiền-kiếp
quá-khứ có bốn đức Phật :
- Phật
Câu-Lưu-Tôn, Phật Câu-Na-Hàm Mâu-Ni, Phật Ca-Diếp, Phật
Thích-Ca-Văn.
- Phật Tỳ-Bà-Thi
hay Phật Di-Vệ.
- Phật Thi-Khí
cũng đọc là Thức-Khí
- Phật
Tỳ-Xá-Phù dịch là Biến-Nhất-Thiết Tự-Tại. Ba vị Phật này ở
vào kiếp chót của kiếp Trang-Nghiêm đời quá-khứ.
- Phật
Câu-Lưu-Tôn dịch là Sở-Ưng-Đoạn, ra đời đầu tiên trong 1000
đức Phật.
Lúc đó thọ
mạng con người là 6 vạn tuổi, trong tiểu kiếp thứ chín thuộc Hiền
Kiếp hiện tại.
- Phật
Câu-Na-Hàm Mâu-Ni dịch là Kim-Tịch, ra đời lúc con người sống bốn
vạn tuổi.
- Phật Ca-Diếp
dịch là Ẩm-Quang, ra đời lúc con người sống hai vạn tuổi.
- Phật Thích-Ca
Mâu-Ni dịch là Năng-Nhân Tịch-Mặc, ra đời lúc con người sống 100
tuổi.
Phật Thích-Ca ra
đời thuyết giáo chia thành ba thời kỳ : Chánh-pháp ; khoảng 500
năm
sau đức Phật nhập diệt, Tượng-pháp từ khoảng sau 500 năm đến
2000 năm, và cuối cùng là thời kỳ Mạt-pháp, sau Phật nhập diệt
khoảng 2000 năm. Chúng ta đang ở trong đời Mạt-pháp, tuổi thọ mạng
giảm dần từ 100 xuống 80 như hiện tại.
Bảy đức Phật
ra đời cứu độ chúng sanh, và kế tiếp đức Phật Di-Lặc xuất
thế đem an vui cho nhân loại chúng sanh trong pháp giới.
40.-
THẾ GIỚI THEO QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO RA SAO ?
Thế giới là
nơi có loài người và muôn vật sinh tồn nên còn gọi là Thế-gian.
Do đó chữ thế gian được chia ra làm 2 loại : Hữu tình thế gian và
môi sinh của các loài chúng sanh.
Thế nào là
hữu tình và môi sinh thế gian ?
Loài hữu tình
có thân hình, có cảm giác, còn môi sinh như sông ngòi, núi rừng,
biển, cơm ăn, áo mặc và những tiện nghi vật chất cống hiến cho
loài động vật sanh tồn. Do chánh-báo, tức tạo nhân gì chúng sanh
sẽ cảm thọ nên nghiệp ấy mà thành hình hài và phải nương vào
y-báo (các tiện ích) để hiện hữu.
Theo quan niệm của
Phật giáo, trong vũ trụ có những thế giới khác nhau, hợp nhau 1000
thế giới thành một Tiểu-thiên thế-giới, gồm chung 1000 Tiểu-thiên
thế-giới lại là một Trung-thiên thế-giới, gồm chung 1000
Trung-thiên
thế-giới lại thành Đại-thiên thế-giới. Đó là Tam-thiên
Đại-thiên thế-giới, tức là bao dung cả Tiểu, Trung và Đại mà
thành hình 3 ngàn cõi khác nhau.
Theo các nhà khoa
học ngày nay, ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có vô số thế
giới nhỏ li ti như hạt bụi ở khắp các cõi trong mười
phương.
Thế giới ngày
nay nơi mà chúng ta đang tồn tại đây gọi là thế giới Ta-Bà. Chữ
Ta-Bà vốn nghĩa là kham nhẫn, tức có ý nói rằng loài chúng sanh
ở đó phải chịu đựng tất cả những điều thống khổ.
Muốn thoát
được sự thống khổ ở thế gian, chúng ta phải biết tu nhân lành
và tạo điều phước đức mới cảm thọ được chánh báo an
lạc.
---
o0o
---