Phật học cơ bản
Kiến thức căn bản Phật giáo
26/06/2553 00:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG 4

SINH HOẠT


1.- Cầu An Có Phải Là Một Hình Thức Mê Tín ?  

Sống trong đời không một ai trong chúng ta tự thỏa mãn cả, từ người giàu có cho đến kẻ nghèo khó đều mang tâm trạng hồi hợp lo sợ, bất an. 

Ngoài phạm vi hiểu biết của con người, nhưng chúng ta tin tưởng vào tha lực tức sự huyền bí nào đó và như vậy, khi gặp sự đau khổ, nguy nan ... mọi người đem lòng cầu cho tai qua nạn khỏi. Việc làm nầy phải chăng là một hình thức mê tín, dị đoan ? Cầu an theo một nghĩa bi quan tức là phó mặc mọi việc rủi may cho các đấng linh thiêng định đoạt, với người mang tâm địa như thế, việc cầu an hoàn toàn nằm trong khía cạnh mê tín, vì trông mong vào sự cứu rỗi hoàn toàn, trong khi đó vẫn làm việc bất chánh một cách mù quáng. Nếu chúng ta cầu an cho người đi xa đi đến nơi về đến chốn trong sự yên ổn, và cầu cho người bịnh chóng được lành, cầu cho cảnh gia đình sum họp, đoàn viên ... Tại chùa, chúng ta cầu cho dân tộc thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp ... đều là điều mong ước có hàm ý tích cực như lời trông mong và hiệp lực đẩy mạnh cho lời nguyện của ta thành sự thật. Cũng cần nói thêm trong việc cầu an, có người nghĩ rằng cầu cho mau giàu có, cầu để thắng kẻ thù ... những cách cầu an như thế chứng tỏ ra người cầu đã mang một tâm trạng bất an rồi. Cầu an ngoài việc tin tưởng vào tha lực ra, chúng ta cần phải nổ lực nhiều hơn mới mong hoàn thành được lời mong ước. 

Một người Phật tử khi đã hiểu được lý nhân quả rồi thì việc cầu an mới thật lợi ích và đúng nghĩa. 

2.- Ý Nghĩa Của Việc Cầu Siêu Trong Phật Giáo Ra Sao ?  

Cầu siêu là do sự góp lời cầu nguyện của nhiều người để mhờ đó linh hồn của người chết được siêu thoát và sanh vào một cảnh giới lành. 

Cầu siêu có nghĩa là mong cho vượt lên và thoát khỏi. Vượt ở đây là lên được một nơi cao hơn, vì Phật giáo quan niệm có 6 cõi khác nhau để con người đi đầu thai. Đó là : Thiên, Nhân, A-tu-la, địa-ngục, ngạ-quỉ (quỉ đói), súc-sanh. Việc cầu siêu tốt nhất là vào lúc người chết sắp tắt hơi thở, vì giữa thân xác và thần thức lúc đó sắp tách rời nhau, nếu mọi người đọc kinh nhắc cho người ấy biết con đường thiện nên theo, thần thức theo đó mà thoát kiếp đi đầu thai trong kiếp khác dễ dàng. Thần thức chưa đi đầu thai ngay, do đó chúng ta hay tổ chức cúng tuần 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 35 ngày, 49 ngày, và 100 ngày để mong cho người qua đời được nhẹ nghiệp đi đầu thai. Ngoài ra, tại các chùa còn có tổ chức lễ cầu siêu tập thể vào ngày rằm tháng 7 của mỗi năm trong dịp lễ Vu-Lan hay cũng còn gọi là ngày xá tội vong nhân rất trọng thể. 

Mọi việc khóc kể, thương tiếc người vừa mới mất là một cách níu kéo thần thức người ấy trở lại với người thân thật hết sức tai hại, cho nên Phật giáo khuyên người Phật tử khi có người nhà chết không nên khóc than là như vậy. Đây không phải là một việc bất hiếu, bất nghĩa mà là có ảnh hưởng tới động lực tinh thần rất lớn. 

Cầu siêu còn là một hình thức trợ lực giữa hai thế giới sống - chết qua một mối dây vô hình, nhưng lại là việc làm thật thiết thực cho người Phật tử lúc lâm chung. 

3.- Việc Dâng Sớ Điệp Lúc Cầu Siêu Có Tác Dụng Gì ?  

Lá sớ, tờ điệp ghi đầy đủ tên tuổi năm sinh, mất như là lời thưa thỉnh để bạch Phật cầu cho người đã chết được nhẹ nghiệp sớm đi thọ sinh ở kiếp khác. 

Tuy nhiên, sớ không phải để cầu siêu thuần túy, đôi khi sớ còn dùng cho việc cầu an nữa. Về hình thức của lá sớ được chia ra làm 7 phần : 

1.- Lời bạch Phật, 2.- Địa điểm tổ chức lễ, 3.- Tên, tuổi, năm sinh, năm mất, 4.- Danh hiệu đức Phật A-Di-Đà cầu tiếp độ hương linh vãng sanh về cảnh giới Cực-Lạc, 5.- Lời chí thành cầu nguyện của người cầu xin, 6.- Năm, tháng, ngày làm lễ, 7.- Ấn dấu chứng thực. 

Lúc dâng sớ thường là vị sư trụ trì của một ngôi chùa đọc, trong khi đó chủ nhà quỳ ở phía sau và đội bì sớ nhiếp tâm cầu nguyện, chờ cho đến khi nào thầy đọc xong mới hạ bì sớ xuống. Sớ bằng giấy màu vàng, xếp thành 6 mảnh tượng trưng cho lục đạo : Thiên, nhân, A-tu-la, địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh, có hàm ý rằng con người không thoát ra được khỏi 6 đường ấy. Còn điệp không đọc trước bàn thờ Phật mà chỉ đọc trước bàn vong. Trên là điệp cũng có ghi rõ tên tuổi của người chết và ngày giờ hẳn hoi. Sớ gồm cả cầu an và cầu siêu, trong khi đó điệp chỉ có trong dịp lễ cầu siêu mà thôi. Điệp thường thì màu trắng. Có người cho rằng việc cầu khẩn như thế là quá đáng, vì nó có tính chất mơ hồ. Thật ra, việc cầu siêu còn tùy thuộc vào quan niệm và ý hướng của người cầu xin, còn bản chất của sớ, điệp vốn không là gì cả để ta phê phán hết. 

Người Đông-phương chọn chữ hiếu đứng đầu trong muôn hạnh, cho nên cha mẹ hoặc người thân lúc chết được con cháu tổ chức cầu siêu là một việc cần được duy trì. 

4.- Ý Nghĩa Của Việc Phóng Sanh Và Vật Được Thả Là Gì ?  

Phóng sanh là giải phóng những con vật bị nhốt và sắp bị đem giết chết để lấy thịt. 

Phóng sanh thường được tổ chức vào các dịp lễ vía quan trọng trong năm như ngày Phật-Đản, lễ Vu-Lan, ngày vía đức Quán-Thế-Âm v.v... Những loài vật thường được cứu sống như chim, cá, rùa, ba ba ... Vì loài động vật cũng biết ham sống sợ chết như loài người, không thể vô cớ làm cho chúng mất tự do, mất mạng sống. 

Do lòng từ bi thúc đẩy, ta có thể bỏ tiền mua những con vật sắp bị giết oan để thả cho chúng tự do, nhờ đó tạo được phước như thêm tuổi thọ, cũng như gặp nhiều may mắn ở đời. Người ưa phóng sanh thường được thiên thần ủng hộ trong mọi trường hợp. Muốn phóng sanh phải nhờ tăng sĩ chú nguyện cho những con vật được thả mới được nhiều lợi ích hơn là mình tự đem thả. Cũng có nhiều trường hợp việc thả loài động vật không do nghi thức Phật giáo mà diễn ra vào dịp lễ Quốc-Khánh, ngày Cách-Mạng ... 

Ý nghĩa của việc giải phóng loài vật cũng giống như việc phóng thích những tội phạm bị giam trong lao ngục lâu ngày và có cơ hội tốt để họm tìm thấy lại được sự tự do. Mặt khác, phóng sanh còn nói lên một khía cạnh tinh thần của lòng từ bi bao la không phân biệt giữa người và vật. 

Phóng sanh để làm tăng trưởng lòng thương muôn loài vạn vật, vì tự nghĩ chúng cũng khao khát sống đời tự tại như người. 

5.- Nói Qua Ý Nghĩa Của Việc Phóng Đăng Và Sự Lợi Ích ?  

Phóng đăng là thả đèn cho trôi trên hồ hoặc trên sông để cầu nguyện cho những người chết oan trên sóng nước được siêu thoát. 

Việc thả đèn cần đòi hỏi cơ hội thuận tiện. Những cây đèn được thả trôi trên mặt nước phần nhiều cần bảo đảm nước khỏi lọt vô. Đèn dùng vào việc nầy thường hình hoa sen để khi gặp gió đèn không bị tắt, vì thế thả đèn ban đêm thì rất thích hợp. Đèn thả trước sau thứ tự theo dòng nước chảy, để người xem như có cảm tưởng rằng đó là những con thuyền nhỏ đang chở những linh hồn lạc lõng về bến an lạc. 

Vào năm 1979 khoảng hạ tuần tháng 7, tại Geneve, có một hội nghị thượng đỉnh của các nước để giải quyết vấn đề tỵ nạn của người Đông dương. Các đoàn thể tôn giáo các nước Việt - Miên - Lào đã tổ chức một cuộc tuyệt thực suốt trong ba ngày tại ngay cổng chính của trụ sở Liên-Hiệp-Quốc để đưa thỉnh nguyện thư nhờ can thiệp giúp đỡ các đồng bào tỵ nạn. Vào đêm cuối cùng cuộc tuyệt thực có một người đàn bà Nhật tổ chức lễ thả đèn trên hồ "Le Man" để cầu nguyện cho những người vượt biên thiếu may mắn bị chết đắm trong lòng đại dương. Việc làm nầy đã gây được tiếng vang rất lớn và tầm ảnh hưởng quốc tế rất có lợi cho người tỵ nạn. 

Xem một cuộc thả đèn trên sông hồ ta thường hay liên tưởng tới những oan hồn đã chết mà còn vất vưởng chưa đi đầu thai được nên phải cần có sự trợ niệm của chúng ta. 

6.- Nói Rõ Ý Nghĩa Của Việc Rước Vong, Vong Và Linh Theo Phật Giáo Khác Hay Giống Nhau ?  

Theo Phật giáo, người chết được quan niệm như là một sự thay đổi, cũng như kép lớp trong vở tuồng trên sân khấu của trường đời. 

Chết không phải là chấm dứt mà chỉ tiếp tục đóng một vai trò khác của kiếp người. Do đó, sau khi tắt thở con người còn lại phần thần thức ; riêng phần thân xác bị tan rã và hoàn nguyên trở về bốn trạng thái cũ là đất, nước, gió, lửa của bốn đại tạo thành cơ thể. 

Rước vong là tiếp dẫn bằng lời kinh tiếng kệ để đưa vong của người chết trở lại nhà hay chùa để an trí. Sau khi chôn cất hay thiêu xác người chết xong, thân nhân của người ấy mời chư Tăng trở lại nhà với bài vị và di ảnh để thiết lập bàn thờ qua một nghi thức ngắn gọn. Chữ vong ( ) có nghĩa là quên hay mất như trong nghĩa của chữ vong hồn, linh hồn, oan hồn. Trong khi đó, chữ linh mang tính cách trừu tượng hơn để ám chỉ trường hợp người nào bị chết oan ức như bị ép ngặt, bị tra tấn cho đến chết hay tự tử đều gọi là linh cả. Chữ linh có hoàm ý là linh thiêng. Đối với người chết lớn tuổi gọi là hương linh, còn người chết nhỏ tuổi gọi là vong linh. Chữ vong linh theo nghĩa sau nầy gồm chung lại thành một nghĩa, có ý nói rằng thần thức của kẻ chết oan chưa được toại nguyện, vì còn đang nuối tiếc như vợ con, gia đình, bè bạn, của cải nên phải được cúng cấp để vong hoặc linh khỏi về phá phách con cháu. 

Việc thờ cúng do đó, theo Phật giáo rất quan trong để tưởng niệm người chết cũng như lúc còn sống, vì chết chưa phải là đoạn tuyệt mà còn kiếp tái sanh. 

7.- Hộ Niệm Là Gì ? Vai Trò Và Tổ Chức ?  

Hộ niệm là góp sức, phụ lực cho việc niệm Phật của nhiều người để cầu nguyện cho người thân trong gia đình được nhẹ nhàng đi đầu thai đến một cảnh giới an lành lúc sắp trút hơi thở cuối cùng để lìa đời. 

Với ý nghĩa nầy, chúng ta thường thấy trong những gia đình khi có người sắp chết, được mọi người thân thuộc hợp nhau lại để đọc kinh và niệm Phật cho tinh thần người ấy được tỉnh táo, không bị mê muội. Do đó Phật giáo chủ trương người thân không được than khóc mỗi khi có người nhà mất là do ý nghĩ nầy, chứ không phải là điều bất hiếu như có một số người đã nghĩ. 

Để trợ lực cho người chết được siêu thoát, trong Phật giáo thường thường ở mỗi chùa đều có lập thành một ban-hộ-niệm. Ban nầy có ý nghĩa như một hội-tương-tế. Ngoài việc tang ma ra, các ban viên còn có thể dự vào các việc hôn lễ và chung vui của nhau để chia xẻ nỗi vui buồn trong đời sống. Việc nầy được quan niệm như là sự liên đới chặc chẽ giữa những cá nhân với nhau trong đại gia đình Phật giáo. Một ban-hộ-niệm được nhiều Phật tử nhiệt tâm tham gia và tổ chức có qui tắc hẳn hoi là điều ưu tư số một của các vị lãnh đạo tinh thần Phật giáo. Nhờ sự trợ sức hộ niệm của nhiều người mà cứu thoát được các vong linh ra khỏi cảnh đọa lạc trầm luân sau khi chết. 

Mỗi một ngôi chùa cần có một ban-hộ-niệm và kết nạp cho được ít nhất là 10 người lập thành một tổ chức do vị sư trụ trì hướng dẫn trong việc tụng niệm là điều cần thiết và cấp bách không thể thiếu được. 

8.- Hãy Cho Biết Sự Khác Nhau Giữa Tín Chủ Và Tang Chủ ?  

Tín chủ là người tin Phật, tin Pháp và chư Tăng, đem vật dụng cúng vào chùa để tạo phước lành trong đời nầy và mai sau. 

Người ra của có tạo được phước đức hay không còn tùy thuộc vào thái độ và tâm lý của người ấy nữa. Người Phật tử thường cúng dường chư Tăng như dịp lễ trai-tăng (mời chư Tăng tới dùng cơm chay rồi cúng đồ thường dùng như y phục, xà phòng, thuốc thang, đồ trãi ngồi thiền ...) các dịp lễ lớn trong năm như việc sắm sẵn thức ăn và cung đón chư Tăng về nhà hay tại chùa và lễ Trung-Nguyên, rằm tháng 7 chẳng hạn.

Còn tang chủ là người có thân nhân vừa mới qua đời. Tức là gia đình đang có tang và mọi người đều để tang hay mang tâm trạng buồn rầu. 

Tín chủ và tang chủ không hề liên hệ gì cả, mặc dù cả hay đều là tín đồ Phật giáo. Những danh từ Phật giáo phần nhiều đều nằm trong chữ Hán, người ít có dịp tiếp xúc với tiếng cổ rất khó phân biệt nổi. Việc hiểu lầm danh từ hay hiểu lờ mờ cần phải chấm dứt, nếu không, đó là một lỗi rất lớn mà các vị lãnh đạo tinh thần phải chịu trách nhiệm. Vì tăng sĩ phần nhiều đều có học qua kinh điển bằng Hán văn lúc mới nhập môn, không nên để tình trạng nầy kép dài nữa. 

Ngày nay, một số các thầy đang có mặt ở ngoại quốc phải chịu trách nhiệm trước lịch sử Phật giáo về việc truyền bá chánh pháp sâu rộng trong đời. 

9.- Thiện Nam, Tín Nữ Là Những Thành Phần Nào Trong Phật Giáo ?  

Thiện nam, tín nữ là danh từ chỉ cho hai giới Phật tử tại gia, phái nam và phái nữ đã quy y Tam-Bảo và thọ năm giới cấm. 

Thiện nam gọi đủ là thiện-nam-tử, là người trai lành gần gũi Phật - Pháp - Tăng để học hỏi giáo lý giải thoát. Người nam được gọi là thiện-nam-tử phải hội đủ hai điều kiện : Đã thọ trì năm giới Phật tử tại gia, tuổi thích hợp và có khả năng gánh vác được công việc của Phật giáo. Thiện nam hay còn gọi là thiện tín, tức người tín đồ tu theo các pháp lành của Phật đã chỉ dạy. Còn người tín nữ hay thiện-nữ-nhơn là nữ giới Phật tử tốt gần gũi đạo Phật và cũng hội đủ các điều kiện như nam giới. 

Thiện nam, tín nữ là 2 thành phần Phật tử có khả năng phục vụ đắc lực cho Phật giáo phát triển về mặt chiều rộng, tức là họ chỉ có khả năng vận động quần chúng, đóng góp tích cực vào các công tác từ thiện xã hội như việc xây dựng chùa chiền, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách v.v... để cầu phước. Còn chư Tăng lo việc phát triển đạo Phật về chiều sâu như giảng dạy giáo lý cho hàng Phật tử, khuyến khích con em Phật tử sinh hoạt trong các đoàn thể hầu giúp chúng tạo một đời sống tinh thần lành mạnh, trẻ trung theo châm ngôn Bi - Trí - Dũng của đạo Phật. Tuy nhiên người Phật tử tại gia cũng có thể có đủ khả năng trong việc phát triển Phật giáo ở chiều sâu nữa. 

Ngoài ra, trong mỗi gia đình của người Phật tử, chúng ta nên thu xếp cho gọn gàng, ngoài thì giờ làm việc ra cũng nên để tâm tới việc học Phật và làm công việc tạo phước để khi nhắm mắt lìa đời mới thừa hưởng quả báo lành được. Đạo Phật phát triển mạnh được là nhờ các hàng Phật tử không phân biệt nam hay nữ, tùy theo hoàn cảnh và địa vị của mỗi người mà hiệu quả việc đóng góp nhiều hay ít. 

Một người Phật tử đã quy y rồi mà chưa có dịp đóng góp vào ngôi nhà Phật giáo nên cố gắng tinh tấn nhiều hơn nữa để thực hành, vì có công mới mong có quả vậy. 

10.- Thế Nào Gọi Là Công Quả ?  

Công quả là những người Phật tử tự nguyện làm việc giúp cho chùa không nhận bất cứ một phần thù lao nào cả. 

Người hy sinh làm việc phước đức nầy gồm có 2 thành phần : Lực sanh công quả và phước điền phụ nhơn công quả. 

Thế nào gọi là lực sanh công quả ? Những người trai trẻ có đủ sức khỏe làm việc năng nhọc như xây tường, làm vườn, cày ruộng ... gọi là lực sanh công quả tức là do sức lực làm nên công việc. 

Còn nghĩa thứ hai là gì ? Phần nhiều những người đàn bà lớn tuổi và công việc gia đình đã có người sắp xếp, nên có thì giờ và họ phát tâm muốn vào chùa làm việc như lo cơm nước cho chư Tăng để cầu gieo trồng được phước đức, như kẻ làm ruộng bón phân tốt vào cho được mùa về sau. Trường hợp nầy, có người còn xin ở luôn tại chùa cho đến khi chết và chôn xác luôn tại chùa (nếu là người không con trai thờ cúng). 

Ngày nay, chúng ta ít thấy người nào phát tâm làm công quả cho chùa dài hạn, vì đời sống vất vả không đủ điều kiện, thì giờ. 

Do ý nghĩa nầy, ta thường nghe nói tới tiếng "chùa" như là một việc miễn phí hoàn toàn như : Cơm chùa, đồ chùa ... đã được dùng quen trong dân chúng. 

Việc làm công quả còn tùy theo thói quen của mỗi dân tộc. Ở Nhật không bao giờ có việc làm thí công cho chùa cả, vì chùa lúc nào cũng giàu có hơn người đời. 

11.- Muốn Niệm Phật Phải Cần Những Điều Kiện Gì Và Niệm Danh Hiệu Đức Phật Nào ?  

Niệm Phật là một phương pháp tu hành dể thực hành nhất cho tất cả mọi người thuộc bất cứ ở hạng tuổi nào cũng có thể làm được. 

Người niệm Phật cần phải hội đủ hai điều kiện sau đây : 

- Tâm thanh tịnh tức tư tưởng phải an định, không thể dùng tâm tán loạn để niệm Phật được. 

- Khoảng thời giờ thích hợp, tức là đòi hỏi giờ giấc phải thuận tiện như vào ban tối, trước khi đi ngủ, buổi sáng trước khi mọi người trong gia đình thức dậy. 

Việc niệm Phật có thể xảy ra bất cứ ở đâu và bất cứ nơi nào cũng đều được cả, miễn sao người niệm có chú tâm mới đạt được lợi ích. Cách niệm Phật dễ hơn cả là lần tràng hạt. Cứ mỗi một tiếng niệm Phật lần qua một hạt và cứ như thế tiếp tục mãi trong khoảng nữa tiếng hoặc một giờ do ta phát nguyện. Niệm Phật có hai cách ngồi : bán già (để bàn chân trái lên đùi bên phải) và kiết già (bàn chân trái lên đùi bên phải và bàn chân phải trên đùi bên trái). Chúng ta thường niệm đức Phật A-Di-Đà và đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát. Vì các Ngài phát lời thệ nguyện cứu độ chúng sanh nào niệm đến danh hiệu sẽ hiện ngay tới đó để cứu giúp. Ngài Quán-Thế-Âm thường hiện đủ hình tướng và lăn xã vào xã hội loài người để cứu độ, mỗi khi nghe tiếng kêu cầu là Ngài hiện thân ngay trước người đó để ban vui, cứu khổ, nhờ đó tai qua nạn khỏi. 

Danh hiệu đức Phật nào cũng niệm được cả, nhưng do thói quen và theo hạnh nguyện ta kêu cầu đúng thì việc cảm ứng mới có hiệu quả. 

12.- Ăn Chay Và Cách Thức Ăn Chay Ra Sao ? 

Phật giáo lấy Bi - Trí - Dũng làm phương châm hoạt động, vì lòng từ bi là một yếu tố quan trọng nhất trong các hạnh lành. 

Ăn chay là ăn các loại rau cải, hay nói một cách khác những vật nào không có máu huyết, để nuôi dưỡng lòng thương đối với các loài động vật khác. Ăn chay có 2 trường hợp : Ăn chay kỳ và ăn chay trường hay trường trai. Ăn chay kỳ là chỉ ăn chay mỗi tháng đúng kỳ vào 2 ngày rằm và mồng một gọi là nhị trai, 4 ngày như : 14, 15, 30, và mùng 1 gọi là tứ trai, 6 ngày gọi lục trai là : Mùng 1, 8, 14, 15, 23, và 30 ; có khi ăn chay kỳ theo tháng như trọn tháng giêng, tháng 7 và tháng 10, tùy theo tâm thành của người phát nguyện. Còn ăn chay trường là phát tâm ăn chay suốt đời. Có nhiều động cơ khiến phải ăn chay để cầu nguyện cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc an lành do một sự khủng hoảng tinh thần nào đó. Vì thế, việc ăn chay không phải để khoe khoang với mọi người như là niềm hãnh diện rằng mình đã làm được một việc ít có trong đời. Nếu mang lòng tự cao như thế thì việc ăn chay chẳng đem lại được một lợi ích nào cả. 

Có nhiều cách biến chế thức ăn chay như xào, chiên, kho, luộc, nướng ... để thức ăn luôn luôn được thay đổi. Đừng nên có quan niệm cho rằng ăn chay là phải kham khổ, chịu đựng. Mỗi bửa ăn chỉ cần muối, dưa, tương, chao đơn sơ là đủ. Điều nầy không thích hợp cho sức khỏe của ta. 

Việc ăn chay rất quý, nhưng ta thể hiện được tâm thanh tịnh trong việc ăn uống lại càng cao khiết hơn, vì : "Ăn mặn nói ngay, hơn ăn chay nói dối" là như vậy. 

13.- Tràng Hạt Ý Nghĩa Và Hình Thức Ra Sao ?  

Tràng hạt khác với chuỗi cườm đeo cổ mà những người giàu có thường dùng để trang sức. Tràng hạt trong Phật giáo dùng để niệm Phật. 

Tràng hạt có nhiều tên gọi khác nhau như chuỗi tràng, lần tràng là những hạt rời rạc được xâu lại thành vòng đeo cổ hoặc đeo tay. Trong lúc miệng niệm danh hiệu Phật một lần, tay lần sang một hột và cứ thế tiếp tục mãi cho đến khi nào muốn nghỉ mới thôi. Khi ta phát nguyện niệm Phật vào mỗi đêm là bao nhiêu lần thì phải niệm và lần chuổi cho đủ số, còn như niệm Phật tính theo điểm thời gian như đếm hơi thở thì niệm cho tới khoảng thời gian đã ấn định. Chuỗi tràng có 4 loại : 

1.- Chuỗi 12 hột dùng để đeo tay 

2.- Chuỗi 18 hột 

3.- Chuỗi 54 hột dùng để đeo cổ 

4.- chuỗi 108 hột 

Về chất lượng, tràng hạt có thể bằng hột bồ-đề, hột huyền, bằng đá mài, gỗ, chất kim khí v.v... Người nào chuyên lần tràng, tự nhiên xâu chuỗi và hạt tràng càng ngày càng thêm bóng láng thấy rõ. Mỗi ngày chúng ta nên cố gắng dành thì giời để lần chuỗi cho được sáng suốt. Niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà hay đức Quán-Thế-Âm đều được cả. Lúc niệm phải cho thật chú tâm vào việc niệm được chuyên nhất, đừng để những tạp niệm xen vào, tức là những ý nghĩ trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu niệm đến chỗ nhất tâm, trí huệ sẽ sáng suốt và lòng nhẹ nhàng an vui. 

Việc lần tràng không dành riêng cho một người nào cả, tất cả mọi người Phật tử đều thực hành được cả. 

Ở chùa, các nhà sư mới chuyên xử dụng tới chuỗi tràng, thường chuỗi 18 hột là được thông dụng, vì gọn và tiện lợi. 

Chúng ta lần tràng mỗi ngày nhiều lần được càng tốt, suốt quanh năm xâu chuỗi luôn luôn ở bên mình là dấu hiệu chứng tỏ người tinh tấn thực hành việc niệm Phật. 

14.- Đàn Gia VÀ Đàn Việt Có Nghĩa Là Gì ?  

Đàn-gia hay đàn-na hoặc đàn-việt đều chỉ cho người tín đồ của Phật giáo đem đồ vật cúng vào chùa để cầu phước. Như thế giữa danh từ đàn-na, đàn-gia và đàn-việt khác nhau ra sao ? 

Cả 3 danh từ đều mở đầu bằng chữ Đàn, có nghĩa là mùi thơm của một thức gỗ trầm rất quý để chỉ cho sự phát tâm thơm sạch mà người đem của cúng muốn cầu được an lạc như là bổn phận. Đàn-gia là nhà người tín đồ Phật giáo, tu tại gia và thường lui tới chùa lễ bái, học hỏi ; còn đàn-na để nói lên sự hòa hợp, dung thứ, thuận theo. Đàn-việt là một cách nói khác hơn cũng để chỉ người Phật tử tu tại gia. Chữ Việt có nghĩa là vượt qua, để chỉ cho người có lòng cao thượng biết ra ơn giúp đỡ cho kẻ khác mà chẳng cần ai biết đến mình, đó là hạnh nguyện của Bồ-Tát trong đời nầy vậy. Ở mỗi ngôi chùa đều có một số đàn gia trung tín giúp đỡ khi cần thiết, gọi là những kẻ hộ trì Phật Pháp. Người cúng dường theo Phật giáo phái Tiểu-thừa là những kẻ hộ vệ chư Tăng trong bốn thứ cúng dường như : Áo quần, đồ ăn thức uống, thuốc thang, đồ trãi ngồi thiền (tọa cụ) để giúp nhà tu thực hiện việc tu được trọn vẹn. 

Học hỏi giáo lý, tu hành và làm việc phước là 3 công đức lớn hàng đầu mà hàng Phật tử không thể bỏ qua. 

Bổn phận của người Phật tử là hộ đạo mà việc giúp cho chùa được phát triển là công đức không thể nghĩ bàn. 

15.- Chuông Có Khác Với Đại Hồng Chung Không Và Có Công Dụng Gì ?  

Chuông là vật dùng làm hiệu khi tụng kinh ở chùa hay ở nhà, nhờ tiếng chuông để phân biệt được đoạn mạch, văn kinh. 

Khi tụng kinh có phần khai chuông mõ rất dơn giản như nhập chuông - cốc - cốc - cốc - cốc. 

Sau đó tiếp tục : cốc - boong - cốc - boong - cốc - boong - cốc - cốc - cốc - cốc - nhập chuông và bắt đầu tụng kinh. 

Chuông hay còn gọi là chuông gia trì, vì nhờ tiếng chuông có thể khiến cho người nghe được thanh thoát, nhẹ nhàng và lòng buồn phiền vơi bớt. Tiếng chuông còn dùng cho việc hòa âm theo với lời tụng kinh quyện vào trong không trung như một duyên lành gần gũi với chư Phật. Ngoài ra, chuông còn có công dụng làm chấm dứt ý của mỗi đoạn kinh để báo cho người đọc biết tới đâu phải dứt. Chuông khác xa với đại hồng chung về hình thức và ý nghĩa. Chuông thường nhỏ, hình bầu dục, nhẹ dễ di chuyển, thường để nơi bàn kinh trước điện Phật, trong khi đó Đại-hồng-chung lớn, hình quả bí đao, nặng khó di chuyển, thường để nơi gác chuông trước hiên chùa. 

Người đứng điều khiển bên chuông gọi là "duy-na". Duy-na nghĩa là ra hiệu cho việc đọc tụng nên tiếp tục hay ngừng. Tiếng chuông như một hiệu lệnh nên ít gõ có ai để làm trò đùa, chỉ khi nào có lễ bái hay đọc kinh chúng ta mới được nghe tiếng chuông mà thôi. 

Chuông phần nhiều đều bằng đồng để có được tiếng vang ấm và thanh. 

Chuông gõ lên để hòa với nhịp tụng kinh, đồng thời là âm thanh cầu nguyện cho kẻ còn người mất được lợi ích an vui. 

16.- Nhương Sao Giải Hạn Là Một Hình Thức Mê Tín Dị Đoan ?  

Trong Phật giáo có nhiều sự tướng mà khi mới nhìn vô ta thấy rườm rà như việc nhương sao giải hạn, đoán xăm, coi tướng v.v... 

Do đâu có sự việc hình như quá phức tạp nầy ? Phật giáo khi đi tới đâu dân chúng ở đó tôn sùng và những lúc bị bài xích, người Phật tử vẫn tin tưởng nơi đạo giáo một cách tín thành, chí kính. Để đức tin ấy không bị giảm sút, một số các hình thức pha trộn tạp nhạp giữa các đạo khác như phù thủy, tướng số ... được xen vào trong Phật giáo. Từ đó trở đi mới thành thói quen, nên trong giới chùa chiền nảy sinh ra một hiện tượng mới, là cầu xin cứu rỗi. Điều nầy cũng hết sức dễ hiểu, mỗi khi con người bất lực trước cuộc sống đa diện khó khăn, nhất là cảnh vũ trụ bao la, thiên nhiên hùng vĩ, và những đau ốm bất thường do trái thời đổi tiết gây ra. từ nhận xét đó, chúng ta đi vào sự tướng trong việc cúng cấp của Phật giáo để tìm ra một lối giải thích thỏa đáng, bằng một cái nhìn khách quan, khoa học. Nếu chỉ căn cứ vào lý mà bỏ sự thì các hình thức như cầu an cầu siêu, nhương sao giải hạn, xem quẻ, đoán tướng v.v... trong Phật giáo đều nhuốm mầu mê tín dị đoan, vì thái độ cầu xin là một việc làm lệ thuộc hoàn toàn vào tha lực mà không có phần tự lực. Điều nầy có nghĩa là ở trong đời ta chưa một lần làm được việc phước thiện, thì việc cầu an làm sao cho an được ! Theo quan niệm của Phật giáo, con người hiện hữu hôm nay là do nghiệp lực dẫn dắt, chi phối để kết quả là thọ nhận quả khổ hoặc vui. Tuy nhiên, Phật giáo còn có việc ứng lý, hợp cơ tức là thích hợp chân lý, cũng như trình độ của người tin mà pháp tu có thay đổi. Đối với người căn trí còn thấp kém, cạn cợt có thể nhờ những sự tướng như vừa nêu trên để làm chỗ nương tựa cho đến khi thấu suốt được chân lý giải thoát. Do đó, việc cúng bái, cầu an, nhương sao... không trái với giáo lý của đạo Phật mà còn là một việc làm cần thiết ở buổi đầu đáng khuyến khích, duy trì. Phật giáo không chấp vào sự mà bỏ lý, cũng như tùy thuận theo chúng sanh để đem ánh sáng đạo gần với quần chúng. Ngược lại, chúng ta chỉ chấp lý mà bỏ sự thì đạo Phật phải đi xa rời dần với quần chúng. Nhận xét nầy có được chỉ có người Phật tử chân chánh mới hiểu được lý đạo nhiệm mầu mà thôi. Người duy vật chỉ dựa theo sự tướng trong Phật giáo để đưa ra kết luận cho rằng tôn giáo, trong đó có ám chỉ Phật giáo, là thuốc phiện làm mê hoặc lòng người thì thật là điều nhận xét phiến diện, mơ hồ. 

Việc làm của người tín đồ đạo Phật theo mọi hình thức cúng bái có là mê tín, dị đoan hay không đều do thái độ của mỗi cá nhân, còn ý nghĩa và kết quả của hành động mới là điều quan trọng. 

17.- An Vị Phật Xảy Ra Lúc Nào ?  

Một ngôi chùa mới, niệm Phật đường, thiền thất mới đều có một pho tượng được thỉnh về thờ. Ngay cả người Phật tử tại gia muốn thờ Phật cũng đều phải tổ chức lễ an vị.

An vị Phật có nghĩa là tôn trí đức Phật vào một nơi cố định để ngày ngày chúng ta đến trước đốt nhang đọc kinh kỳ nguyện. Lễ an vị lớn nhỏ tùy theo khả năng của mình. Trong các lễ an vị tốt nhất nên thỉnh được chư Tăng đến chú nguyện, tụng kinh để được thêm công đức lành. Về hình thức lễ an vị gồm có : Sau khi lễ Phật, khai chuông mõ, khai kinh, tới lúc tụng chú đại bi, người chủ lễ (Tăng) cầm một cành hoa và ly nước đi chung quanh tượng Phật vừa đọc chú, vừa rảy nước. Việc làm nầy có nghĩa là tẩy rửa, tiêu trừ mọi phiền não, nghiệp chướng để cầu an lạc cho tất cả mọi người. Người Phật tử tin tưởng rằng, từ khi có tôn tượng đức Phật, như là một biểu tượng gần gũi với các sinh hoạt hằng ngày của chúng ta lúc vui buồn, khi mừng giận, chán nản, khổ tâm ... ta cũng mong đức Phật chứng minh cho với nụ cười hỹ xã, đức tánh từ bi mà tha thứ cho việc làm do vô minh của mình gây ra. Do sự tin ấy, có một số người đi tới chỗ mù quáng như việc thần thánh hóa tượng Phật và kiêng cử những việc vô ích như không cho đàn bà, trẻ con đi qua trước tượng Phật, hoặc dùng vải che khuất mặt bức tượng lại. 

Thờ Phật là do lòng thành kính. Người Phật tử tin Phật không đặt ở sự cứu rỗi tuyệt đối thì ý nghĩa của việc làm mới hợp tình hợp lý. 

18.- Bình Bát Xử Dụng Vào Việc Gì ?  

Bình bát tiếng Phạn là Bát-đa-la, tàu dịch là Ứng-lượng-khí, là cái bát để đựng vừa lượng. Thức ăn của chư Tăng và ngay chính đức Phật Thích-Ca cũng đã dùng bình bát mỗi khi đi khất thực. 

Cái bát ăn cơm của nhà sư hình tròn có nắp đậy hẳn hoi, lớn bằng cái tô đựng canh đủ chứa chừng 2 - 3 lon sữa bò gạo. Về phẩm chất, bình bát có thể bằng đất sét nung, bằng gỗ, thau, chì, và có thể bằng đồng. Tuy nhiên, chất đồng thau, nhôm, thiếc dễ nóng khi cho cơm vào thành khó bưng lên tay lâu được, nhất là trước khi ăn cơm chư Tăng phải bưng bát cơm lên ngang tới chân lông mày trước trán để cúng dường. Loại bình bát phổ thông hơn cả là thứ bằng đất sét nung. 

Giới tăng sĩ khất thực thường dùng cái bình bát có kích thước lớn hơn để thu nhận đồ cúng nhiều chỗ đều dồn vào đó. Sau khi thức ăn đã đầy bình các vị ấy trở về chùa, chia ra cho các bạn đồng liêu cùng nhau thọ dụng của cúng dường để cầu cho người cúng được phước đức, kẻ nhận vì muốn làm nên được việc đạo. 

Bình bát có thể được lưu truyền lại đời đời cho các thế hệ kế tiếp để nối dòng Phật Pháp gọi là truyền y bát. Người đệ tử nào được Bổn-Sư truyền cho y bát thay thầy duy trì tông phái là mang cả sứ mạng lớn lao trong công cuộc truyền pháp độ sanh. Người nhận y bát phải có đủ nhân duyên, đã được thầy tín cẩn mới giao phó cho trọng trách. Tổ Huệ-Năng nhận lãnh y bát từ tổ Hoằng-Nhẫn (tổ thứ 5) để truyền bá phái thiền Lâm-Tế tại Trung-Quốc. Ngài Ca-Diếp mĩm cười khi thấy Phật đưa hoa sen lên giữa đại chúng tại hội Linh-Sơn, do đó được đắc truyền tâm pháp. Y bát hay tâm pháp hẳn cũng chỉ là một, nhưng vì căn cơ và trình độ ngộ đạo có khác, cho nên chúng ta phân biệt như thế cho người căn trí thấp thấu hiểu rõ chỗ rốt ráo của Phật Pháp. 

Ngày nay, chư Tăng ít dùng tới bình bát để ăn cơm, chỉ còn một vài nơi giữ được hình thức cổ truyền nầy vào mùa an-cư kiết-hạ. Việc duy trì và bảo vệ cái cổ là điều cần thiết, các vị tăng sĩ trẻ không thể không nghĩ tới điều nầy. 

19.- Chuông Trống Bát Nhã Có Công Dụng Gì Trong Chùa ?  

Tại mỗi chùa khi cử hành lễ, trước giờ khởi sự và sau khi chấm dứt cuộc lễ đều có thỉnh chuông trống bát nhã. 

Chuông trống bát nhã dùng để thỉnh Phật tổ và thỉnh chư Tăng cùng nhau hướng về điện Phật để chứng minh cho buổi lễ sắp diễn ra được thanh tịnh trang nghiêm. 

Bài kệ thỉnh chuông trống bát nhã như sau : 

Thỉnh Phật thượng đường 

Đại chúng đồng văn 

Bát nhã âm 

Nhập bát nhã ba la mật đa (đọc 3 lần) 

Nghĩa là : 

Thỉnh chư Phật vào chánh điện, 

Xin tất cả quý vị hiện diện lưu ý 

Âm vang của chuông trống bát nhã sẽ hòa nhập theo cùng với trí tuệ sáng suốt của chư Phật thành một thể tánh duy nhất. 

Thường thường chuông trống bát nhã được cử lên ba hồi lúc bắt đầu cuộc lễ, nhưng khi chấm dứt có thể chỉ thỉnh một hồi và cũng đọc bài kệ như trên. Ngoài việc đón rước và đưa chư Tăng, chư Phật, Hộ Pháp.., việc đánh chuông trống bát nhã còn tượng trưng cho ý nghĩa tinh thần rất lớn là nhân tiếng chuông trống để mọi người có mặt trong giờ sắp hành lễ đều chú tâm vào việc nhiếp tâm cầu nguyện. 

Thật vậy, khi nghe tiếng chuông trống bát nhã gióng lên ai nấy trong chánh điện đều đứng dậy chấp tay cầu nguyện, đồng thời tâm hồn người nghe cũng cảm thấy như lắng lặng thanh thoát. Về lịch sử, chuông trống bát nhã không do ai bày ra, nhưng Phật giáo các nước thuộc vùng Đông-Nam-Á châu đều xử dụng trống cùng một mục đích và với một ý nghĩa về tinh thần rất lớn lao vậy. 

Muốn cho cuộc lễ được tươn tất và thành kính, chuông trống bát nhã không thể thiếu được lúc bắt đầu và khi chấm dứt lễ. 

20.-  Mõ Hình Thức Và Ý Nghĩa Như Thế Nào ?  

Mõ là Phật cụ dùng trong việc tụng kinh để dẫn tiếng tụng đọc của nhiều người hòa âm lên xuống cho được nhịp nhàng. 

Trong lúc tụng kinh có người phụ trách việc gõ mõ gọi là duyệt chúng. Duyệt chúng có nghĩa là làm cho mọi người có mặt đều được vui vẽ. Về hình thức, mõ hình tròn đục phổng trong ruột, chỉ chừa một đường kẻ hở độ 1 - 2 cm, làm bằng gỗ, mít, dâu ... phía trên mặt có chạm nổi hình con cá mở to đôi mắt, khi gõ mõ, dùi mõ chạm ngay vào hình con cá ấy. Tại sao lại chạm hình con cá vào trong mõ ? Loài cá lúc ngũ cũng như khi thức đều mở mắt cả, tức là lúc nào cũng như vậy, cũng như người tu hành phải luôn luôn tỉnh táo, không mê muội, u ám để chú tâm vào việc nhiếp tâm an định trong tinh thần tỉnh thức. 

Tiếng mõ lúc đánh lên còn làm lấn át mọi sự xen tạp ngoài đời vào tâm trí người đọc kinh trong giờ phút yên tỉnh trang nghiêm trước bàn thờ Phật. Ngoài ra, người phụ trách thủ mõ còn phải rành để đưa được âm điệu lên xuống điều hòa theo nhịp đọc kinh làm cho mọi người thơ thới tâm tư nên gọi là "duyệt chúng" vậy. 

Mõ có hình thức lớn nhỏ tùy theo vị trí của mỗi chùa. Tại tư gia cũng sử dụng mõ vào việc tụng kinh, bái sám. Tiếng vang của mõ phải thanh thản, nhẹ nhàng. Ở các ngôi chùa lớn phải chọn cái mõ cho cân xứng với chuông để vừa với tầm nhìn cho được đẹp mắt. 

Chùa không thể thiếu mõ được, vì đó là một vật cần thiết trong các buổi lễ trong Phật giáo. Ngoài công dụng dẫn tiếng tụng kinh ra, mõ còn để nhắc nhở người tu hành luôn luôn phải định tỉnh tâm thức. 

21.- Người Phật Tử Nào Được Gọi Là Bổn Đạo Trong Phật Giáo ?  

Bổn đạo khác với đạo hữu, vì chỉ dùng giới hạn trong phạm vi của một ngôi chùa nào đó, như bổn đạo chùa A, chùa B chẳng hạn, là người tin Phật - Pháp - Tăng và hướng về với ánh sáng Phật-đà. 

Nghĩa nguyên thỉ của danh từ thì không có gì để người khác ganh ghét, đố kỵ cả, nhưng trong thực tế đã có một số Phật tử do thành kiến, cố chấp, lòng nhỏ mọn đã đưa tới một vấn đề tranh chấp trầm trọng với nhau giữa chùa nầy với chùa kia hay giữa thầy nầy với các thầy khác. Tất cả đều do óc địa phương, bè phái và sự kỳ thị vô ích là nguyên nhân chính làm cho đôi bên không phân biệt được phải trái, chánh tà, do đó mới nảy sinh ra nhiều cuộc xung đột trầm trọng đáng tiếc. Ở Việt-Nam năm 1964, có 2 Viện-Hóa-Đạo Ấn- Quang và Việt-Nam Quốc-Tự cũng do mối bất bình vì sự hẹp hòi gây nên. Việc chia rẽ trên không do người Phật tử bổn đạo thuần túy mà do chư Tăng tạo ra. Trên danh nghĩa thì người bổn đạo nên lấy lòng từ bi đối xử với tất cả mọi người, nhưng trong thực tế, những việc quá đáng gây ra ngoài ý muốn như sự kình chống của người đệ tử 2 chùa và 2 thầy khác nhau, đều khó mong tránh được. 

Chỉ khi nào chúng ta biết cố gắng khắc phục mọi khó khăn để cùng ngồi lại với nhau chung lo công việc Phật sự và mỗi người đều tâm niệm rằng đó là việc chung thì mới tạo được niềm hòa khí, để vui vẻ bắt tay thực hiện trong tinh thần hoan hỷ hầu xây dựng ngôi nhà Phật giáo. 

Trong nội bộ có sự chia rẽ cũng chứng tỏ rằng tác phong đạo đức và tư cách của người học đạo từ bi và con đường giải thoát khó mong đạt tới đích. 

22.- Cúng Dường Để Cầu Nguyện Việc Gì ?  

Cúng dường là dâng lễ vật cúng để tỏ lòng biết ơn chư Phật, chư Tăng, do lòng thành của mình, mong rằng sự chí thành nầy sẽ đạt được như lời cầu nguyện. 

Cúng dường gồm có vật chất, cộng với thái độ của ta, tức là yếu tố tinh thần. Đồ dâng cúng không cao quý bằng lòng thành thực hiến dâng. Những người phát tâm cúng dường là hàng Phật tử có đạo tâm muốn gieo trồng phước đức cho đời hiện tại và trong tương lai. Người nhận của cúng là hàng tăng chúng đã sống trong tăng đoàn với tinh thần hòa hợp. Việc cúng nầy thường được tổ chức vào dịp lễ Vu-Lan, rằm tháng 7. Vì chư Tăng sau 3 tháng tịnh tu giới đức tinh nghiêm, nhờ đó khiến cho người phát tâm cúng dường tăng thêm phước đức và lợi ích. Thể thức cúng dường gồm 4 món đồ thường dùng gọi là tứ sự cúng dường như : Y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược (quần áo, thức ăn, đồ ngủ, thuốc men) để hồi hướng công đức lành về cho cha mẹ hiện tiền được sống lâu và mạnh khỏe, cha mẹ trong nhiều đời được siêu sanh vào cảnh giới an lành. 

Tăng sĩ nhận vật cúng phải nhiếp tâm cầu nguyện và người đem của cúng tới dâng không cầu mong gì hơn là mong cho cả đôi bên đều được phước lành, lợi lạc. 

23.- Nói Qua Hình Tướng Của Việc Bố Thí Như Thế Nào ?  

Bố thí là ban phát cho những gì mà ta nghĩ là có lợi cho kẻ khác. Trong nghĩa của chữ cho nầy theo Phật giáo có hai khía cạnh : cho pháp và đồ vật. 

Bố thí là một páp tu thuộc hạnh Bồ-Tát trong 6 độ như : Bố-thí, Trì-giới, Nhẫn-nhục, Tinh-tấn, Thiền-định, và Trí-tuệ. Đem pháp lành hay đồ vật ban cho kẻ khác để trừ được lòng tham. Một khi lòng tham đã dứt thì mọi tánh tốt đều thể hiện. Việc bố thí có rất nhiều hình thức khác nhau : Bố thí vật chất như tiền bạc, thuốc men, cơm áo cho người nghèo khổ ; còn bố thí tinh thần là dùng lời êm nhẹ đẹp đẽ khuyên răn mọi người tu theo pháp lành để giúp họ cùng nhau thực hành pháp giải thoát sự khổ để được an vui. Ví như nhà tu là kẻ đem pháp giải thoát ra bố thí cho mọi người, còn người Phật tử là người bố thí vật như áo quần, thức ăn, thức uống ... Bố thí có hai ý nghĩa : Bố thí bất vụ lợi và bố thí vụ lợi. Bố thí mà không mong kẻ nhận đền ơn trả nghĩa, nhưng tự nghĩ rằng đó là bổn phận phải làm ; còn bố thí mà chỉ mong có lợi cho mình và muốn được đền ơn xứng đáng, nhưng một khi sự mong mỏi không thành lại đâm ra chán nản, kém vui, như thế gọi là việc đem cho có hàm ý còn vụ lợi. 

Phần nhiều ở đời mọi người muốn giúp ai một việc từ nhỏ tới lớn đều có ý tưởng mong cho họ giúp trở lại, đó là người làm việc chỉ mới thực hiện trong sự tướng của việc bố thí mà thôi. 

Khi nào ta thực hành theo hạnh Bồ-Tát thì việc ban cho kẻ khác mới không còn trụ vào hình thức, là đã thể hiện cách cho đúng theo pháp không vụ lợi. 

24.- Trong Phật Giáo Có Chẩn Tế Cô Hồn Và Thí Thực Cô Hồn Sự Khác Biệt Nhau Như Thế Nào ? 

Chẩn tế cô hồn là lập đàn cúng chay thật trọng thể để cầu nguyện những vong hồn chết oan được siêu độ. Thời gian lập đàn chay một tuần hoặc 3 ngày, thường thường vào dịp rằm tháng 7, lễ Vu Lan, nên cũng gọi mùa chay hội. 

Lễ chẩn tế có ít nhất ba tăng sĩ giới đức ngồi đàn. Người chủ đàn phải lớn tuổi, có tu hành đạo hạnh nghiêm chỉnh mới lãnh trọng trách được. Cô hồn thường hay hung dữ, phá phách, nếu người thiếu đạo đức đứng vai chủ lễ, chẳng những không thuyết phục được những hồn bị sa đọa, trái lại còn bị cô hồn làm hại nữa là khác. Ở trong thôn xóm có những bóng ma hay quỉ dữ thường hiện về ban đêm để khuấy phá dân làng, do đó dân chúng hay lập đàn cúng cầu siêu độ. Tại Việt-Nam có tục lệ chẩn tế cô hồn vào tiết Trung-Nguyên, mà Phật giáo gọi là ngày xá tội vong nhân. Địa điểm thường ở những nơi có nhiều người bị chết oan như tai nạn, do tự tử hoặc tại các nhà thương. Lễ chẩn tế vì thế rất tốn kém, trong khi đó thì thí thực cô hồn không cần tổ chức linh đình. Chẩn tế xảy ra bất thường và thí thực cô hồn là việc làm hàng ngày của mỗi chùa, chỉ cần cháo lỏng và nước trong là đủ. 

Tuy cả hai việc làm đều cùng chung mục đích để cầu siêu thoát các oan hồn, nhưng chẩn tế có hàm ý nói rằng nhiều người chết tập thể, linh hồn có tầm hoạt động mãnh liệt hơn, khiến cho dân chúng phải lo sợ. 

Trong bài : Chiêu hồn thập loại chúng sinh của Nguyễn-Du có đoạn tả như sau : 

"Trong trường dạ tối tăm trời đất, 

Có khôn thiêng phảng phất u minh. 

Thương thay thập loại chúng sinh, 

Hồn đơn, phách chiếc lênh đênh quê người. 

Hương khói đã không nơi nương tựa, 

Hồn mồ côi lần lửa đêm đen. 

Còn đâu ai khá, ai hèn, 

Còn chi mà nói ai hiền, ai ngu..." 

Vào dịp các lễ chẩn tế cô hồn tổ chức lớn lao, thường có lễ rước vong hồn. Hình thức nầy có lẽ đã pha trộn với đạo phù thủy, và trở thành tập tục trong Phật giáo. Cuộc rước diễn ra như : Có một hai hay ba chiếc ghe và một thiền sư đứng tụng các bài thần chú, tay bắt ấn để phá 10 cửa ngục cho các oan hồn ra khỏi. 

Việc làm có đạt được kết quả hay không chưa ai chứng minh được cả, và nó chỉ có trong thời buổi chiến tranh, dân chúng lầm than, khổ sở. 

25.- Trí Tự Là Gì ?  

Phần nhiều ở những ngôi chùa lớn đều có tài sản như đất ruộng, nhà cửa, trường trại ... Những của cải vật chất ấy một phần đều do của trí tự mà ra.  Trí tự nghĩa là gì ? 

Trí tự là để (cúng hiến) vào cho chùa những tài vật, cầu phước đức cho con cháu mai sau. Người giàu có thường phát nguyện cúng cho chùa những bất động sản để chùa thu lợi chi cấp vào việc nuôi dưỡng tăng chúng. Có những trường hợp người sắp chết nhóm họp con cháu lại dặn dò lời cuối cùng như để mẫu đất A hay ngôi vườn B cúng cho chùa mà lúc còn sanh tiền người ấy thường lui tới. Tài sản đã cúng vào chùa rồi, con cháu không có quyền lấy lại, dù dưới bất cứ hình thức nào. Việc trí tự trước đây rất được nhiều tín đồ Phật giáo áp dụng tại Việt-Nam, nhưng ngày nay đã trở thành xa lại đối với lớp người trẻ, có lẽ chúng ta đang sống trong xã hội đầy đủ văn minh vật chất, ai cũng phải ra sức làm việc mới có sống, hình như ít người nghĩ tới việc tạo phước đức nầy. Ngoài ra, ở những ngôi chùa mới hiện tại, việc lui tới lễ bái của hàng Phật tử cũng không đông đảo lắm, vì một phần bị ảnh hưởng bởi cuộc sống vật lộn bon chen ở ngoài xã hội gây nên. Người Phật tử khi đã biết việc phước thiện là thế nào rồi thì nên chú tâm làm phước và tu huệ. 

Ở những ngôi chùa tại Việt-Nam xưa như Quán-Sứ (Hà-Nội), chùa Linh-Mụ (Huế), Non-Nước (Đà-Nẵng), Chúc-Thánh (Hội-An), Thập-Tháp (Bình-Định), Hải-Đức (Nha-Trang), Giác-Lâm (Gia-Định), Vĩnh-Tràng (Mỹ-Tho) v.v... đều là những nơi có đất ruộng để cho người canh tác. Khi đến mùa thu hoạch chùa thu về được một số lợi tức khá lớn. Số ruộng đất đó một phần lớn đều do của trí tự và một phần do chùa bỏ tiền ra mua làm kinh tế tự túc. 

Trí tự là một hình thức tu phước đối với người Phật tử biết đầu tư của cải cho các thế hệ con cháu mai sau, bằng cách hy sinh một phần tài sản hiện tại đem hiến vào chùa, và của ấy khó lấy ra nhưng rất chắc chắn, an toàn. 

26.- Trụ Trì, Tọa Chủ, Viện Chủ Khác Nhau Thế Nào ?  

Một số các danh từ trong Phật giáo có nghĩa gần giống nhau như dưới đây : 

Trụ-trì là một tăng sĩ coi sóc, điều hành một ngôi chùa với một số tín đồ để duy trì và phát triển Phật giáo. Tọa-chủ là người là chủ chốt của một ngôi chùa. Viện-chủ là vị trông coi tổng quát một cơ sở Phật giáo. Nói chung cả 3 cách gọi đều chỉ chung cho vị lãnh đạo tinh thần nắm quyền đầu não của một trung tâm Phật giáo. Tuy nhiên chữ Trụ-trì và Tọa-chủ đã được sử dụng lâu và thành thói quen để chỉ các vị sư lớn tuổi chủ của ngôi tự viện, còn trường hợp chữ Viện-chủ mới có sau nầy, nhằm chỉ cho hàng tăng sĩ trẻ tuổi lãnh trách nhiệm duy trì phát triển trung tâm Phật giáo nơi vị ấy cư trụ. Chữ Viện còn hàm cái nghĩa lớn hơn chùa và có lối kiến trúc hiện đại, không theo lối cổ điển. Trụ có nghĩa là trụ Như-Lai sứ, và trì là trì Như-Lai sự, tức là người lãnh trọng trách thay đức Phật để giữ gìn và phát huy đạo pháp. Danh từ Như-Lai sứ giả (sứ giả của đức Như-Lai) cũng cùng trong ý nghĩa nầy vậy. Viện-chủ, ngoài việc trông coi ngôi chùa ra, vị ấy còn có khả năng lập thêm các cô ký-nhi-viện hay trường tiểu-học Bồ-Đề ở trong phạm vi của mình đảm trách. Chính vị Viện-chủ đồng thời cũng là giám đốc của các cơ sở phụ thuộc nầy. Trong một vài trường hợp chùa không có đủ những điều kiện như trên, nhưng thầy cả là người hoạt động đắc lực, đã được nhiều người biết qua tên tuổi, vị ấy cũng được tôn xưng là Viện-chủ. 

Nói khác hơn, người giữ vai trò lãnh đạo tinh thần, duy trì và phát triển nguồn mạch của đạo Phật một cách đắc lực, được tôn kính là sứ giả của đức Phật mang lại tinh thần hòa bình nhập thế cho nhân quần xã hội. 

27.- Cúng Ngọ Và Ngọ Trai Khác Nhau Thế Nào ?  

Các tự viện có đông tăng chúng ở tu học, mỗi ngày có bốn khóa lễ, mà cúng ngọ là một trong các thời tụng kể trên. 

Tại sao phải cúng ngọ ? 

Cúng để tưởng nhớ tới Phật, vì khi còn tại thế Phật chỉ thọ mỗi ngày có một bửa trưa vào đúng giờ ngọ. Trong khi đó giờ ăn của chư Thiên vào buổi sáng và giờ ăn của loài quỷ đói và buổi tối. 

Cúng ngọ là dâng cơm lên bàn cúng Phật vào đúng 12 giờ trưa, còn ngọ trai là bửa ăn của chư Tăng cũng vào giờ ngọ, nhưng sau khi khóa lễ cúng Phật xong. Trước giờ ngọ trai chư Tăng tập họp ở Tổ đường với y áo chỉnh tề và bắt đầu bằng một nghi thức ngắn trước khi dùng cơm. Vào bàn ăn, mỗi người cùng đọc bài "cúng dường thanh tịnh pháp thân". Mọi người tay mặt bắt ấn Cam-Lồ, tay trái bưng chén cơm đưa lên ngang trán, vừa với tầm chân lông mày. Sau khi đọc kinh xong độ 15 phút, ai nấy bắt đều ăn trong sự chí tâm cầu nguyện bằng 3 "miếng và" nhỏ gọi là tam đề (3 muổng), sau đó nâng chén trong lòng 2 tay để tưởng tới 5 phép quán (*) để mong cho nơi nơi chốn chốn an lạc, thái bình và tự nghĩ rằng hột cơm có ra là do mồ hôi nước mắt của nhiều người phải lao động vất vả. 

Cúng ngọ và thọ trai là 2 công việc khác nhau nhưng cùng diễn ra trong giờ ngọ. Hình thức nầy chỉ có ở các chùa có tăng chúng đang tu học mà thôi. 

* Xem bài Ngũ Quán. 

28.- Mỗi Ngày Có Mấy Thời Công Phu Ở Chùa ?  

Công phu hay nói cho đủ là công phu bái sám là một hình thức tu hành theo pháp môn Tịnh-độ bằng cách tụng kinh, lạy Phật mỗi ngày trong các tự viện Phật giáo. 

Có 2 thời công phu căn bản cho các chùa là công phu buổi sáng và công phu buổi chiều. Thời công phu hay tụng kinh buổi sáng vào lúc 5 giờ, gồm các bài kinh : 5 đệ Lăng-Nghiêm, 1 bài chúc tán Phật Thích-Ca, 10 bài thần chú như : Đại-Bi, Như-Ý Bảo-Luân- Vương, Tiêu-Tai Cát-Tường, Công-Đức Bảo-Sơn Thần-Chú, Chuẩn-Đề, Dược-Sư Quán-Đãnh Chân-Ngôn, Quán-Âm Linh-Cảm, Thất-Phật Diệt-Tội Chơn-Ngôn, Vãng-Sanh Tịnh-Độ, Đại-Cát-Tường Thiên-Nữ. Sau đó tới bài kinh Bát-Nhã, đảnh lễ Chư Phật, 1 bài sám như : "Quy mạng thập phương" hoặc,"Thập Nguyện Phổ-Hiền" và tụng Tự-Quy-Y, Hồi-Hướng. Thời khóa tụng buổi chiều gồm các kinh như A-Di-Đà Kinh, thần chú Vãng-Sanh Tịnh-Độ, 108 danh hiệu chư Phật, Thí-thực Cô-hồn, Tâm Kinh Bát-Nhã, niệm Phật, Hồi-Hướng và sau cùng đọc ba quy y. Hai buổi công phu còn gọi là nhị thời khóa tụng. Đây là một sự tổng hợp giữa Thiền-tông, Tịnh-độ-tông và Chơn-ngôn Mật-giáo. Có nhiều chùa tăng chúng phải lễ sám 6 lần trong một ngày gọi là lục thời nghi. Theo sách "Tam Tổ Thực Lục" thì tự viện của Thiền-sư Pháp-Loa áp dụng nghi thức 6 thời khóa tụng một ngày. Tuy nhiên, 2 thời khóa lễ mỗi ngày đã được hầu hết các chùa ở Việt-Nam hành trì. Do đâu có sự tổng hợp giữa 3 tông phái để trở thành nghi thức tụng niệm ? Sau các thời kỳ thịnh đạt vào các đời Đinh - Lê - Lý và đến đời nhà Trần, Phật giáo dần dần mất thế đứng. Vào cuối đời nhà Trần, Phật giáo phái Thiền được đồng hóa với Mật-giáo và Tịnh-độ-tông. Do đó, việc trì tụng thần chú thuộc Mật-giáo, niệm Phật là của tông Tịnh-độ và chí tâm chuyên nhất thuộc về Thiền-tông. 

Tụng niệm là một công tác thường nhật tại mỗi chùa để chúng tăng chuyên tâm vào việc tu tập, nhờ đó phát chiếu được trí tuệ. 

29.- Cho Biết Mộc Dục Là Gì ? Việc Nầy Có Ảnh Hưởng Ra Sao ?  

Mộc dục là tắm gội hay rửa sạch những bụi bặm bám víu vào để vật trở nên trong sáng, sạch sẽ. 

Trong Phật giáo lễ mộc dục rất quan trọng. Đây là nghi thức tắm Phật trước ngày lễ Phật-Đản-Sanh hay vào các lễ vía quan trọng khác. Lễ tắm Phật thường bằng một thứ nước bông hoa thơm sạch. Chữ mộc dục còn có nghĩa là gội nhuần hay thấm cho ướt. Theo như truyền thuyết cho rằng có người tin tưởng vào sự thiêng liêng nhiệm mầu đã dùng nước tắm Phật uống để trị bịnh nan y. Việc làm nầy, ngày nay ta thấy trái với khoa học, vì mất tính cách vệ sinh và thiếu tính cách tự nhiên. Một thứ nước dơ do bụi bặm bám víu vào lâu ngày đã đóng thành hạt mà lại có được công năng diệu kỳ đến như thế ? 

Nhưng ở đời, việc gì xưa tin thì nay cũng cho là đúng với sự thật. Còn hiệu quả có ra sao thì lại là một việc khác. Đó là một việc làm sai lệch và tin tưởng một cách mù quáng thật tai hại vô cùng. 

Về khía cạnh tinh thần thật khó giải thích thỏa mãn mọi người được, vì hẳn có đôi trường hợp đã có sự linh diệu nào chăng ? Có một điều chúng ta nhận thấy là lễ tắm Phật vẫn còn được các chùa duy trì vào các dịp lễ vía Phật trong năm. 

Tắm Phật cũng còn có nghĩa là chúng ta tự tay rửa phiền não tự thân tâm và mong cho hình tượng Phật cũng sạch như lòng để tìm thấy bản tâm thanh tịnh của mình. 

30.- Thí Thực Cô Hồn Là Thế Nào ?  

Thí thực cô hồn là cúng cháo lỏng cho các hồn ma đã chết không có ai săn sóc hương khói, chưa đi đầu thai được, nên còn vất vưởng ở lại thế gian để quấy phá người sống, nếu không ai cúng. 

Thí thực cô hồn diễn ra ở các ngôi chùa vào buổi chùa sau thời công phu. Thường trước cửa chùa có thờ bàn cô hồn để cúng kẻ chết oan nhờ vào nơi hương khói và thức cúng mà được ấm lòng. Cúng thí thực cô hồn không cần gì nhiều, ngoài một chén cháo lõng và ly nước trong là đủ. 

Sau đây là một đoạn trích trong bài văn tế thập giới cô hồn của tác giả khuyết danh mà có người cho là của Lê-Thánh-Tôn, qua các câu : 

"Riêng xét vậy : Ngựa cửa sổ, kiến đầu cành, 

Xem ngày tháng dễ qua thoăn thoắt, 

Bọt ghềnh sông vờ mặt nước, 

Tựa thân thời kíp biến mờ mờ, 

Cổ tới nhẫn kim, sinh thời có hóa. 

Ấy vậy, hồn là thần, phách là quỷ, 

No nên Bụt, đói nên ma. 

Khó miễn song mặc há khác nhau, 

Đói cùng rách lòng thời cũng vậy..." 

và bài văn tế Thập-Loại Chúng-Sanh của Nguyễn-Du trong phần mở đầu như sau : 

"Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt, 

Toát hơi mây lạnh buốt xương khô. 

Não người thấy buổi chiều thu, 

Ngàn lau nhuốn bạc, lá ngô rụng vàng. 

Đường bạch dương bóng chiều man mác, 

Díp đường lê lác đác sương sa. 

Lòng nào lòng chẳng thiết tha, 

Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm..." 

Đó là những bài văn tế cô hồn rất nổi tiếng từ trước đến nay. Trong thời chiến tranh cơ khí, ta ít thấy bóng dáng cô hồn, nhưng việc cúng bái vẫn còn được duy trì liên tục.

31.- Lãnh Chúng Là Ai ?  

Lãnh chúng là coi sóc chúng tăng đang tu học ở trong một tu viện hay tại một Phật-học-viện về mọi sinh hoạt hàng ngày như công tác tu học. 

Việc lãnh trách nhiệm đôn đốc chư tăng nầy ngoài ban giám đốc ra, còn có một ban lãnh chúng mà thành phần như sau : Một liên chúng trưởng, trông coi tổng quát toàn viện nơi chúng tăng ở tu học. Một phó liên chúng trưởng, phụ giúp liên chúng trưởng trông việc sắp xếp công việc, phân công trong chùa cho hợp lý. Một tổng thư ký phụ trách việc sổ sách và các chúng trưởng. Mỗi chúng độ 10 tăng sinh và bầu ra một chúng trưởng. Đây là việc phân công hợp lý để cùng nhau nhắc nhở việc tu học cho chư tăng trong viện Phật học có đông người. Những việc mà các trưởng chúng phải làm như phân công tác về gánh nước bửa củi, đi chợ, nấu ăn, tiếp khách, làm vườn, tưới hoa, trồng cây, hương đèn bàn Phật, và việc chi thu của chùa. Về phần tu học, ban lãnh chúng đôn đốc việc tu thiền, việc tụng niệm công phu, giờ học. Ngoài ra, ban nầy còn thay ban giám đốc giải quyết mọi việc tranh chấp nhỏ trong chúng. Như vậy, vai trò của ban lãnh chúng không nhỏ cho việc điều hành đều đặn việc chư tăng trong viện. 

Trong chúng được yên vui hòa nhã để tu hành cũng làm cho ban giám đốc rãnh thì giờ lo nhiều việc khác. Những người xuất gia từ các nơi đỗ về tu viện, họ vốn không bà con thân thiện gì với nhau, nhưng từ khi bước vào ngôi chùa, lại trở nên thương yêu nhau hơn tình anh em trong cùng một nhà. 

Tinh thần hòa nhã có được ở các chùa là nhờ chúng tăng biết giữ đúng theo 6 pháp hòa kính trong Phật giáo. 

32.- Vận Thủy Có Phải Là Bộ Thủy Cục Không ? Dùng Trong Trường Hợp Nào Và Ở Đâu ?  

Ngày xưa trong những ngôi chùa phần nhiều đều không có hệ thống dẫn nước như bây giờ. Mỗi ngày chư tăng phân phiên nhau đi lấy nước về để dùng trong việc ăn uống. Phụ trách việc nầy là vai trò của ban vận thủy. 

Vận thủy là chuyên chở nước hay mang, gánh nước từ xa lại cung cấp cho chùa. Ở các ngôi chùa trên núi, nước là một vấn đề khó giải quyết, tăng sinh phải xuống tận dưới đất liền lấy nước đem về chùa xài trong giờ công tác vào buổi sáng. Việc chuyên chở nước vì thế, chỉ có trong phạm vi của một tự viện, trong khi đó thủy cục là chỉ chung cho cả một hệ thống chuyên chở nước của cơ quan nhà nước cung cấp cho mọi gia đình. Tuy cả hai danh từ đều có liên hệ tới việc chuyển nước, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Chùa có đông tăng chúng thường chia ra thành nhiều ban để lo mọi việc như nấu nướng, củi than, nước uống ... Mỗi ban phải lo tròn bổn phận của mình trong một ngày để phục vụ đại chúng. 

Ban lấy nước quan trọng hơn cả. Đây là một việc nặng nề, cần đòi hỏi nơi những người có sức lực khỏe mạnh mới đủ khả năng đem nước lại đủ cho toàn viện dùng suốt trong ngày. Việc xây hồ lộ thiên (Xitặc) trên núi để chứa nước mưa là điều hiển nhiên như ta thường thấy nới các ngôi chùa cổ tại miền Trung và một vài nơi ở miền Nam. 

Khi nào hệ thống dẫn nước đầy đủ, mới tránh được nạn chuyên chở khó khăn do sức người, như đã từng xảy ra trong các chùa ở xa thành phố và ở trên núi đồi hẽo lánh. 

Nước là một nhu cầu cần thiết không thể thiếu được, cũng như thức ăn, nên chùa tìm ra nhiều cách để ngăn chặn không cho nạn khan hiếm nước xảy ra, nhất là chùa có đông tăng chúng. 

33.- Ban Sài Là Gì ?  

Ban sài, tiếng mới nghe qua ta lấy làm khó hiểu, vì ngày nay hầu như không ai còn dùng tới nữa. 

Ở các ngôi chùa lớn ngày xưa, nhứt là chùa trên núi hay ở miền quê làm gì có hệ thống bếp gas, lò điện như ngày nay. Do đó, chùa thường đun bếp bằng củi và chư Tăng phải lặn lội vào trong núi sâu để đẵn cây, cưa ra từng đoạn ngắn phơi khô, rồi chở về chất lại thành đống để dùng vào việc nấu nướng. Ban sài chính là người giữ vai trò bửa củi vậy. Bửa củi, đốn cây làm chất đốt trong việc cơm nước chỉ có tại các chùa thuộc về xã hội nông nghiệp kém mở mang. Hầu hết các chùa hoặc nhà xa thành phố đều phải vất vả trong vấn đề nhiên liệu bằng chân tay nầy. Việc bửa củi vì thế cần người có sức khỏe cho thật lực lưỡng mới kham nổi được việc. 

Ban phụ trách việc củi than cho chùa tối thiểu phải từ 3 người trở lên mới lo chu toàn được công việc. 

Ở trong các xã hội văn minh, khi nghe nói tới việc bửa củi, gánh nước người ta lấy làm khó hiểu, nhưng đó lại là một công việc thật. Chính tác giả khi còn là một chú tiểu cũng đã từng giữ các vai trò như gánh nước, bửa củi, đi chợ, nấu ăn khi xưa tu ở chùa trên núi Non-Nước. Sau nầy vào Nam, việc làm quen thuộc nầy vẫn còn được tái diễn như ăn cơm bửa. 

Đây là cái thú vui mà các thiền sư thường lấy đó làm đề tài trong việc khai tâm cho người đệ tử. 

Theo thiển nghĩ, ngày nay ngôi chùa còn giữ cho tăng chúng làm việc bửa củi là thể hiện đúng theo tinh thần của Phật giáo cổ truyền vậy. 

34.- Có Thể Giải Thích Rõ Trị Nhật Hay Trực Nhựt Là Gì ? 

Ở một tự viện quá đông chư Tăng cư trú, việc cơm nước không thể giao cho một vài người lo liệu được, do đó chư Tăng phải cắt đặt người phụ lực vào việc nấu ăn, là vai trò của trị nhật. 

Trị có nghĩa là điều khiển, trông coi chu đáo, nhật là ngày, tức là trong một ngày, những viên có bổn phận làm việc bếp nước phải làm cho đầy đủ để phục vụ cho đại chúng. Còn chữ trực có nghĩa là thường xuyên có mặt suốt trong một ngày để lo việc cơm cháo cho chư Tăng trong tự viện. Ban-trị-nhật, ngoài việc làm phận sự hỏa đầu quân ra, còn phải đi chợ mua sắm các thứ cần thiết để cung cấp đủ cho một ngày. Trường hợp gặp phải những ngày bận học, ban phụ trách cơm nước trong ngày phải lo sắp đặt trước như nhờ người khác phụ giúp thế vai trò cho họ. Trị nhật có bổn phận phải lo đầy đủ các bửa ăn cơm trong ngày như việc đúng giờ và khéo tay cũng là điều kiện cần thiết để làm đẹp lòng đại chúng. Sau khi nấu nướng các thức ăn xong, đồ ăn phải được cho vào bát đĩa, sắp ra ngay hàng và chờ cho đúng giờ, ban-trị-nhật có phận sự báo hiệu bằng 3 tiếng bảng để cho ban hành đường (dọn cơm) đến bưng sắp đồ ăn ra bàn. Ngoài việc nấu nướng ra, ban-trị-nhật còn phải dọn dẹp, rửa ráy sạch sẽ nồi chảo chén bát sau bửa ăn. Khi đâu vào đó xong, ban-trị-nhật mới xử dụng thì giờ còn lại trong ngày cho sinh hoạt cá nhân. Đây là một việc làm luân phiên có tính cách công bằng và hợp lý. 

Những tăng sinh xuất gia buổi đầu phải nhờ những người đi trước có kinh nghiệm hướng dẫn cho công việc trị nhật. Tăng sinh nào ở trong các tự viện đông người ra mà không biết nấu ăn, cũng chứng tỏ chưa thấm nhuần được tương chao của tu viện. 

Nhờ được huấn luyện như kiểu quân sự, các tăng sĩ trẻ phần nhiều không còn cảm thấy ngỡ ngàng hay vụng về trong việc bếp núc nữa. 

35.- Hãy Giải Thích Tri Viên ? 

Những ngôi chùa có đất rộng, nhất là sân vườn chùa dùng vào việc trồng cây kiểng để làm tăng thêm vẽ đẹp cho cảnh trí chốn thiền môn. 

Tri-viên là người coi sóc vườn cây và hoa cảnh của chùa. Ở các ngôi chùa cổ hay tại các thiền viện, thường trước sân có trồng nhiều loại hoa đủ mầu sắc hay các loại cây cảnh như cau, dừa, trúc, ngọc lan ... Việc săn sóc cây như nhổ cỏ, bón phân, bắt sâu, tỉa lá cho hoa kiểng xanh tươi là nhiệm vụ của người trông coi vườn chùa vậy. Người được cắt đặt phụ trách việc nầy phải biết rành về lối sinh trưởng của từng loại cây, cũng như phải khéo tay trong việc cắt tỉa, tưới bón để cho cây đâm chồi, kết hoa đúng theo thời tiết trong năm. 

Khách viếng chùa, đầu tiên là ngắm cảnh trí toàn diện mà vườn hoa lại đập vào nhãn quang trước nhất. Ngôi chùa có vườn hoa đẹp, cũng có nghĩa là nếp sống đạo hạnh của tăng chúng nơi tự viện cũng được đàng hoàng. Vì thế, khách chỉ cần nhìn thoáng qua cách chơi hoa kiểng là có thể đoán được phần nào cách tổ chức bên trong của một ngôi chùa. Vườn hoa còn là trợ duyên cho các thiền sinh trong việc tu tập thiền định. Ngoài giờ tham thiền ra, hành giả có thể đi dạo quanh vườn để vừa niệm Phật, vừa quán tưởng lý vô thường như những cành hoa rơi trước cơn gió thoảng và cuộc đời cũng chỉ tồn tại trong mấy chốc rồi tàn dần theo tuổi tác với thời gian. 

Tri-viên là một công việc tuy đơn giản, nhưng phải cần đòi hỏi người có đầu óc biết tổ chức, nhiều thiện chí và khéo tay mới đảm trách được công việc có tính cách nghệ thuật hòa hợp giữa lý - tình - cảnh nầy. 

36.- Tri Liêu Phụ Trách Công Việc Gì ?  

Mỗi một ngôi chùa có một số những công việc được chia ra cho mỗi người phụ trách một phần. Tri-liêu cũng cùng trong ý nghĩa đó. Vậy Tri-liêu là gì ? 

Tri-liêu là người phụ trách việc chi thu hàng ngày như việc chợ, gạo thóc của chùa. Chữ liêu vốn có nghĩa là nhà chứa đồ lặt vặt đặt ở kế bếp. Như vậy tri liêu là người lo về thủ quỷ, nhất là việc hết còn cho ngân khoản của chùa để báo cáo cho thầy trụ trì hay thầy giám đốc biết. Nhiều ngôi chùa lớn, người giữ việc biên chép sổ sách tài chánh, làm việc do thầy tri sự chỉ định (người coi sóc tổng quát việc chùa). Người tính toán với kế hoạch khéo làm cho tăng chúng trong chùa hoan hỷ, nhất là trong các bửa cơm hàng ngày, phải được thay đổi do người phụ việc bếp núc một phần, nhưng còn phải tùy thuộc vào vật liệu nữa, để được đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, liêu cũng còn có nghĩa là cái phòng nhỏ dùng cho một người ở, gồm có sách vở và vật dụng cần thiết khác. Danh từ tri liêu không mấy thông dụng. Ngày nay ta có thể gọi bằng mấy tiếng đồng nghĩa như quản lý, thủ quỷ, tài chánh ... đều chỉ người lo việc chi, thu. Còn một số mấy từ ngữ thường dùng khác như đồng liêu, để chỉ người cùng làm một nơi hay học chung trường, trà liêu chỉ nơi các bạn bè, thân hữu hay lui tới để uống trà và mạn đàm, khách liêu là phòng dùng để tiếp đó khách. 

Những tên gọi thuộc về sự tướng mà chùa xưa thường hay dùng, nếu không phải là người đã từng kinh nghiệm trong thiền môn thì ít có người biết rành được. 

Sách vở Phật giáo cũng không ghi chép về các sinh hoạt chùa rành mạch, người tín đồ nhiều lúc tới chùa như đi vào trong khu rừng mờ mịt qua một lô danh từ tiếng Hán. 

37.- Hành Đường Là Thế Nào ? 

Ở những ngôi chùa lớn hay tại các Phật-học-đường có đông chư Tăng cư trú mới có sự luân phiên trong việc hành đường. 

Hành đường là làm việc dọn cơm, pha nước trong bửa ăn cho chư tăng, từ lúc bắt đầu cho tới lúc mãn giờ ăn. Khi tới giờ cơm ban hành đường vào ngay trong nhà bếp bưng cơm canh ra sắp đặt trên bàn ăn tại trai đường, đâu đó xong xuôi rồi mới cử một hồi và cử ba tiếng kiểng để tập trung chúng tăng lại. Trong tự viện, trừ vị Thượng-Tọa và các vị Tỳ-kheo lớn tuổi ra, tăng chúng ai cũng phải làm việc phân công đều đặn liên tục và kéo dài. Trong trường hợp của một tu viện có 50 tăng sinh đang tu học thì việc hành đường chia thành bốn hoặc năm ban. Mỗi ban ba hay bốn người tùy theo sự sắp xếp trong chư Tăng. Ban hành đường làm việc trong suốt một ngày trong các bửa cơm. Công việc nầy được tiếp tục luân phiên mãi như thế. Sau khi nghe kiểng báo hiệu, tăng chúng y áo chỉnh tề hướng về phía nhà tổ, nơi có trai đường, để dùng cơm. Trong lúc chư Tăng ăn cơm, ban hành đường có bổn phận phải coi xem việc thiếu đủ ra sao để tiếp tế thêm thức ăn tới hay mang bớt chỗ thừa tới bàn đang cần cơm, canh, tương, rau ... Sau khi mọi người đã dùng bửa xong, ban hành đường phải đến từng người để pha nước. Tiếp đó lo dọn dẹp chén bát, trong lúc chư Tăng tụng kinh hồi hướng. Hành đường cũng còn có nghĩa là đi chung quanh phòng ăn của chúng tăng để coi sóc và dọn dẹp cho gọn gàng và chu đáo. Ban hành đường luôn luôn phải ăn sau giờ ăn của đại chúng. 

Việc luân phiên nhau dọn cơm cho chư Tăng trong tự viện ngoài tinh thần bình đẳng ra, còn giữ gìn các oai nghi trong bửa ăn được thanh tịnh trang nghiêm. 

38.- Tri Khố Có Nghĩa LÀ Gì ?  

Chùa có đất ruộng nên tới mùa lại thâu hoa lợi về chứa vào kho, nhất là kho dùng để dựng lúa, bắp, đậu v.v... Người chịu trách nhiệm trông coi việc xuất nhập nầy gọi là Tri-khố. 

Những ngôi chùa lớn có từ 5 đến 10 mẫu ruộng thường cho người khác canh tác, tới mùa thu hoạch hoa mầu về chứa vào kho để chi dụng hàng ngày trong tự viện. Muốn cho việc hết còn được phân minh chùa phải cắt đặt sẵn một người trông coi về việc nầy. Người ấy có bổn phận báo cáo cho thầy trụ trì biết rõ sổ sách việc xuất kho, tồn kho để dự tính ngân sách sắp tới. Người biết tính toán sổ sách và rành về tiền bạc có thể phụ trách việc nầy. Ngoài ra, Tri-khố còn là người giữ tài chánh cho chùa nữa. Như mỗi ngày phải chi bao nhiêu và trong một tháng số tiền chi, thu phải được ghi vào sổ sách rành mạch để dễ dàng quyết định được khả năng kinh tế cho chùa. Trong trường hợp, có những việc bất thường trong tự viện như việc tu bổ phòng xá, đám tiệc cũng do viên Tri-khố biết tính toán khéo là mọi việc có thể chạy đều. 

Tri-khố ngoài việc giữ sổ sách và chi, thu ra, còn có bổn phận phát triển cho ngân quỷ của chùa để có được một vị thế kinh tế quân bình và hợp lý cho tự viện. Trong một tu viện có từ 10 tăng sĩ trở lên là vai trò của Tri-khố phải có để lo về việc tiền bạc. Theo danh từ phổ thông ngày nay, Tri-khố chính là thủ quỷ, tức là người giữ tài chánh trong việc thu, xuất mỗi ngày của chùa. Chùa có tổ chức kinh tế tự túc, tức là vai trò của người trông coi về tài chánh rất nặng nề và quan trọng. Tuy nhiên, cho tới nay chúng ta vẫn chưa có được một nền kinh tế tự lập hoàn toàn cho chùa mà phải còn nhờ vào sự hão tâm đóng góp của người tín đồ để nuôi dưỡng tăng chúng, là một hình thức không tiến bộ cần phải được cải đổi. Tại Nhật-Bản, các ngôi chùa có nền kinh tế tự túc thật dồi dào và việc chi thu ở các ngôi chùa trung bình có thầy trụ trì quyết định, còn ở các trung tâm Phật giáo lớn hơn có thủ quỷ phụ trách việc tài chánh. 

Phật giáo Việt-Nam cho đến khi nào có ngân quỷ tự trị hoàn toàn về phương diện tài chánh mới mong phát triển tổ chức giáo hội đúng mức được. 

39.- Cho Biết Tri Tạng Là Gì ?  

Để cung ứng cho nhu cầu tri thức, tại các chùa lớn thường có thiết lập một hệ thống thư viện, nơi tàng trữ những kinh sách giá trị. 

Tri-tạng là người trông coi về thư viện. Chữ Tạng có nghĩa là kho tàng dùng để chỉ cho kinh, luật, luận của Phật giáo. Như thế, chùa có nhiều kinh điển giá trị cần phải có người coi sóc. Người được đề cử trông coi việc nầy gọi là Tri-tạng, nếu gọi theo danh từ ngày nay là viên quản thủ thư viện. Kinh sách phải xếp đặt theo thứ tự để dễ tìm mỗi khi có người muốn tìm đọc tới loại nào, cũng như để xem chừng sâu mọt nhấm gậm tới các quyển kinh sách quí, phải có người chịu trách nhiệm trông coi tủ sách của tự viện. 

Tri-tạng hay người quản thủ thư viện có nhiệm trao đổi sách quí, thay đổi vị trí sách trong tủ vào làm dồi dào tủ sách cho độc giả có sách mới để đọc là việc làm rất cần thiết và hữu ích vậy. Tri-tạng ngoài việc trao đổi bằng kinh nghiệm để duy trì và phát triển tủ sách của chùa ra, còn phải nghiên cứu xem loại kinh điển, sách báo nào phù hợp với trình độ tri thức của chư Tăng trong tự viện, bằng mọi cách phải vận động mua thêm sách mới về làm phong phú cho kiến thức của đại chúng là điều thật lợi ích vô cùng. 

Trong mỗi một ngôi chùa đều cần phải có một tủ sách để làm món ăn tinh thần là điều cần thiết. Kinh sách càng nhiều, vai trò của người coi sóc càng lớn, nhất là việc sắp xếp thứ loại theo mục lục để được dễ dàng trong việc tra cứu. 

Việc phụ trách một thư viện như vậy, không cần đòi hỏi người có kiến thức cao mà cần nơi khả năng chuyên môn cũng như người nhiều thiện chí đảm trách. 

40.- Vai Trò Của Tri Khách Trong Tự Viện Như Thế Nào ? 

Vai trò của Tri-khách rất quan trọng đối với một ngôi chùa, đó là bộ mặt đối ngoại, cũng như trong một quốc gia là bộ Ngoại giao vậy. 

Tri-khách là người đại diện cho chùa tiếp đãi, hướng dẫn, giải thích các nghi vấn trong mọi trường hợp, mỗi khi khách cần. Ở trong các tổng bổn sơn (tổ đình) của chùa Nhật thường có ít nhất là hai người Tri-khách, ngoài ra còn có một ban tiếp tân phụ lực, cũng giống như các tổ chức đám tiệc quan trọng khác. Viên Tri-khách có thể giải thích, tường trình rõ ràng mọi sinh hoạt của tự viện, để khách nhờ đó có một khái niệm chính xác về cách tổ chức là việc cần thiết. 

Người phụ trách việc tiếp đãi khách của chùa phải cho thật khéo léo và niềm nỡ từ lời nói cho tới thái độ tiếp đón mời mọc khách, nếu không tế nhị trong việc nầy khó mà gây được cảm mến của người viếng thăm. Tại các ngôi chùa nhỏ, việc tiếp khách thường do vị trụ trì đảm trách luôn. 

Một ngôi chùa có phát triển lớn mạnh hay không, một phần đều do thái độ ngoại giao khéo của người tri khách, nhất là việc giao tế cần thiết. Ngôi chùa chỉ có một hay hai vị tăng sĩ và do một ban quản trị điều hành mọi việc thì vai trò của tri khách không còn cần thiết nữa, trong trường hợp nầy do một ủy viên giao tế hoặc ban ngoại giao trông coi. Viên tri khách của chùa phải biết qua lịch sử tạo lập chùa, các vị Tổ sư kế thừa tông phái, các di tích lịch sử có liên hệ v.v.., cũng như những bút tích, thi kệ của các vị Tổ để lại (nếu có) phải tìm hiểu cho thật tường tận để khỏi phải lúng túng khi bị chất vấn. 

Theo một tinh thần mới, chúng ta lần lần phải tìm cách thoát xác khỏi những danh từ chữ Hán, nhưng vẫn giữ nguyên được ý nghĩa của tiếng khó hiểu trong phạm vi của Phật giáo như tri khách có nhiều người biết, còn như thư trạng, tri tạng v.v... cần phải thay đổi cho được thích hợp và dễ hiểu. 

Muốn được nhiều người biết đến ngôi chùa cho được chính xác cần cắt đặt người tiếp đãi khách thật nồng hậu, vì đó là bộ mặt nổi của tự viện. 

41.- Thị Giả Có Phải Là Dùng Một Người Hầu Như Nô Lệ Cho Mấy Nhà? Tu ?  

Ở trong các chùa ngày nay hầu như danh từ thị giả không còn dùng nữa. Đây là tiếng Hán cổ cho nên chúng ta cần phỉ biết qua ý nghĩa. 

Các Hòa-Thượng, Thượng-Tọa, Đại-Đức lớn tuổi thường tu nhập thất có khi 10 ngày, 2 tuần lễ. Mọi việc tiếp xúc với bên ngoài đều cắt đứt, do đó phải có người giúp đưa cơm nước, giặt giũ quần áo và mỗi khi các thầy cần điều gì. Người phụ trách, lo công việc nầy gọi là thị giả. Người hầu thầy thường là một chú tiểu lanh lẹ và đàng hoàng, để giúp các Thượng-Tọa đang cần nhiều thì giờ cho việc viết sách, trì kinh, tọa thiền v.v... trong các việc lặt vặt, nhờ đó người đệ tử tạo thêm phước đức. 

Ngay ở những ngôi chùa trong phố mà không phải tọa lạc trên núi non xa xôi hẽo lánh, các thầy lớn tuổi đều phải có người giúp đỡ. Hình thức hầu thầy không có nghĩa kẻ được sai nhờ là nô lệ mà là kẻ mong làm việc thiện để giúp cho đạo hạnh tròn đầy, vì người mới xuất gia lúc nào cũng phải nương theo thầy để học hỏi. Việc đi sát gần thầy để săn sóc, người đệ tử có cơ hội tốt học được nhiều điều bổ ích cho mình. 

Việc hầu thầy là bổn phận của người đệ tử mới tập sự xuất gia, để nhờ đó học được những kinh nghiệm trong việc tu hành rất có lợi. 

42.- Cho Biết Ý Nghĩa Và Vai Trò Của Hương Đăng Là Gì ? 

Hương-đăng là người được đề cử để lo việc hương đèn, hoa quả nơi chánh điện thờ Phật cho được tươm tất, trang nghiêm. 

Thường mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều, người phụ trách đèn nhang lo việc quét dọn chánh điện thờ Phật, thay đổi, sắp xếp, trang hoàng bàn thờ Phật, bàn thờ tổ, bàn kinh có ngăn nắp gọn gàng. Người lo việc hương đèn phải coi sóc, báo cáo để người giữ tài chánh mua sắm những thứ cần dùng cho chùa. Nhiệm vụ hay vai trò của Hương-đăng vì thế không có gì nặng nhọc cả. Tuy nhiên, về mặt hình thức của ngôi chánh điện rất quan trọng cho việc bài trí, người phụ trách hương đèn ít nhất có cặp mắt thẩm mỹ hay nghệ thuật là điều rất cần thiết. Ở trong các ngôi chùa nhỏ, nhiệm vụ nầy là của thầy trụ trì, hay chùa ít người thì việc cắt đặt riêng một người giữ việc hương đèn không cần thiết. Việc sắp xếp bàn thờ Phật cho đẹp cũng làm tăng thêm giá trị tinh thần để mọi người trong chánh điện phấn khởi, tinh tấn tu hành. 

43.- Hãy Nói Rõ Danh Từ Thư Trạng Và Cách Xử Dụng Ra Sao ? 

Thư-trạng là người lo việc giấy tờ hay sổ sách ở trong một ngôi chùa. Danh từ nầy đồng nghĩa với thư ký ngày nay. 

Trước đây trên các công văn, sớ giấy của chùa chỉ có ấn dấu, không ký tên. Đây là một hình thức khác hẳn với bây giờ. Nói khác hơn, Thư-trạng là người chuyên giữ việc hành chánh cho công việc điều hành của chùa. Người lãnh nhiệm vụ nầy cần có khả năng về nhiều mặt, nhất là có khả năng biết tổ chức. Trước đây, trong thời kỳ các chùa còn xử dụng chữ Hán, Thư-trạng là người phải cần được chọn lựa kỹ lưỡng mới làm việc được. Viên thư ký làm việc dưới sự điều hành của thầy trụ trì. Tuy nhiên, thư ký có quyền thay thầy điều hành mọi giấy tờ cần thiết khi thầy vắng mặt. Thư ký của chùa hay của bất cứ một tổ chức nào cũng đều quan trọng cả, nhất là về mặt điều hành tổ chức, một phần lớn công việc làm đều có ảnh hưởng sâu rộng tới quần chúng. Thường các chùa lớn có đông tín đồ nên việc cúng kiến như cầu an, cầu siêu, cưới xin ... rất bận rộn, do đó một người lo việc giấy tờ không kịp nên phải có thêm một người phụ tá để giúp việc. 

Những danh từ khó hiểu trong các kinh sách của Phật giáo dần dần được dịch sang tiếng Việt. Đây là một điều mà mọi Phật tử đều mong muốn. 

44.- Duy Na Là Người Phụ Trách Việc Gì ?  

Duy-na là người thủ chuông trong thời khóa tụng ở chùa hay nơi nào có thờ Phật.

Ở hai bên tả hữu của chánh điện thờ Phật có hai người, một bên chuông và một bên mõ ngay trước bàn kinh. Khi nào có người chủ lễ đứng giữa thì người thủ chuông khỏi phải xướng lễ. Trong trường hợp thiếu chủ lễ, bên thủ chuông kiêm luôn chủ lễ. Việc gõ chuông cũng phải đúng với nhịp dứt của mỗi đoạn kinh. Duy-na chỉ điểm tiếng chuông khi nào biết là ý của đoạn trên dứt và sang một đoạn khác, nhờ đó mọi người theo đúng nhịp mõ đễ tụng. Lời kinh, tiếng kệ khi lên bỗng lúc xuống trầm theo tiếng ngân cũng do người thủ chuông một phần. Chúng ta cần phải luyện tập cho nhiều mới gõ chuông rành được. Một người có nhiều kinh nghiệm trong việc tụng kinh khi điểm tiếng chuông khiến người nghe thanh thoát nhẹ nhàng, ngược lại, chúng ta sẽ cảm nghe như âm thanh làm chát tai, mệt óc lúc tụng kinh. 

Một sự tướng tuy rất nhỏ trong chùa như việc thỉnh chuông cũng rất tế nhị như vậy, vì mọi người lúc vào chánh điện hay nơi thờ Phật đều lắng lòng chăm chú vào bài kinh đang đọc. 

Âm thanh của tiếng chuông nhẹ lâng đưa lời hòa âm của người tụng vào trong không gian tĩnh lặng như lời cầu nguyện cho chúng sanh đều được gội nhuần công đức. 

45.- Duyệt Chúng Nghĩa Là Gì ?  

Người đứng phụ trách việc gõ mõ cho mọi người tụng kinh theo một nhịp điều hòa gọi là Duyệt-chúng, tức làm mọi người hòa vui. 

Thường bên mõ ở về phía tay trái của chánh điện, phía ngoài ngó vào. Tiếng mõ phải hòa theo lời kinh của mọi người, có nghĩa là lúc giọng lớn, phải nâng tiếng mõ lên cao, còn khi giọng của mọi người xuống thấp, tiếng mõ cũng nhỏ lại. Việc gõ mõ tuy không khó, nhưng có người cầm tới dùi mõ là khiến mọi người đọc muốn đứt hơi, mệt mỏi. Duyệt-chúng có nghĩa là làm cho tâm lý mọi người phơi phới vui vẽ. Như vậy, một người thủ mõ giỏi là biết giữ thật điều hòa hơi lên xuống của mọi người với tiếng mõ để có sự hòa nhịp từ tâm cho tới cảnh bên ngoài. Tiếng chuông lúc thỉnh lên, ta còn nhận ra được tâm của người gõ, thì nhịp mõ lại là thước đo đúng nhất về người giữ việc làm phấn khởi tâm lý mọi người trong giờ phút trang nghiêm của buổi lễ. 

Ngày xưa các chùa quan niệm rằng, chùa nào giữ tiếng mõ cho thường xuyên, cũng có nghĩa là vấn đề tài chánh khỏi phải lo lắng, có ý nói rằng, tăng chúng của chùa biết lo tinh tấn tu hành. 

Mỗi tôn giáo có một hình thức riêng về các nghi thức. Giữ nhịp mõ cho khoan thai trong nghi lễ Phật giáo, cũng là một cách cảm hóa người nghe như tiếng pháp âm vi diệu ... 

46.- Tọa Cụ : Hình Thức Và Công Dụng Ra Sao ?  

Tọa-cụ là tấm vải dùng để ngồi thiền hay lạy Phật của tăng sĩ Phật giáo, nhất là Phật giáo phái thiền. Mỗi khi trải tấm vải để ngồi thiền, phải đọc bài kệ như sau : 

Tọa cụ ni sư đàn 

Trưởng dưỡng tâm miêu tánh 

Triển khai đăng thánh địa 

Phụng trì Như-Lai mạng 

Án đàn ba, đàn ba tóa ha. 

Dịch nghĩa : Tấm tọa cụ bằng một thứ vải bền chắc nuôi dưỡng tâm niệm thiện, ngõ hầu bước lên thềm thang của bậc Thánh, nhờ đó vâng giữ giáo pháp của Phật. 

Khi thọ giới Tỳ-kheo, người thọ giới phải sắm đủ các pháp cụ cần thiết như : Y hậu, bình bát, một tấm tọa cụ và một đảy lọc nước. Nếu thiếu một trong các thứ cần dùng nêu trên, thầy Sa-di không thể thọ được giới Tỳ-kheo. 

Tấm vải nầy thường vuông vức bằng 1m x 1m, xếp gọn lại và bỏ trong xách tay hay cặp táp. Thầy Tỳ-kheo khi đi đâu cũng không rời y hậu và tọa cụ, vì lúc lễ Phật đều phải cần tới các thứ ấy. 

Ngày nay, chúng ta ít thấy tăng sĩ Việt dùng tới miếng vải lót trải khi ngồi thiền hay vào chánh điện lạy Phật tụng kinh, phải chăng họ đã đi xa rời với hình thức của Phật giáo cổ truyền ? Tấm vải nầy về mầu sắc thường là mầu đà hay vàng lợt da cam. 

Duy trì nếp sống và hình thức cố hữu trong Phật giáo, cũng có nghĩa là giữ gìn được mạng mạch của Phật pháp, vì cái gì hễ "phi cổ bất thành kim" vậy. 

47.- Kiết Già Và Bán Già Khác Nhau Thế Nào ?  

Người tu thiền trong tư thế ngồi có hai cách : Ngồi kiết già hay bán già. 

Thế nào là kiết già và thế nào là bán già ? 

Những ai có thể ngồi thiền theo lối kiết già và những người nào ngồi theo lối bán già hay cả hai đều thực hành được ? 

Thế ngồi bán già tức là ngồi vắt bàn chân trái để lên trên đùi bên chân phải. Thế ngồi nầy dễ đối với người mới tập sự tu Thiền, vì ít mỏi hơn so với thế ngồi kiết già. Người mới bắt đầu học theo phép tu Thiền định có thể ngồi theo lối bán già, rồi dần dần để cho việc ngồi được thục luyện, sau đó mới tập ngồi theo lối kiết già được. Kiết già là thế ngồi vắt bàn chân trái để lên trên đùi của chân bên phải và bàn chân phải để lên đùi của chân trái, ngồi hướng thẳng người đúng 90 độ, rồi bắt đầu tập trung tư tưởng. 

Người nào chưa từng tập luyện bao giờ mà bắt đầu bằng thế ngồi nầy đều cảm thấy nhức mỏi khó chịu và chỉ cố gắng chịu đựng được trong vòng 10 hay 15 phút. Sau đó chân bị tê cóng và bước đi khập khểnh loáng choáng, vấp ngã. Những Thiền-sư chuyên tâm vào việc tọa thiền thường chú tâm ngồi thiền định suốt trong 5 đến 10 tiếng đồng hồ vẫn không biết mỏi. Một người trung bình có thể ngồi theo thế kiết già trong vòng một hoặc hai tiếng đồng hồ cũng không thấy có gì thay đổi cả. 

Chúng ta có thể ngồi thiền theo lối kiết già và bán già cùng một thời gian thiền định đều được cả, nghĩa là lúc đầu ta ngồi theo cách kiết già, sau đó độ 20 phút hoặc nữa tiếng, tự cảm thấy mỏi và khó chịu thì đổi sang cách bán già cũng không có gì trở ngại cả. 

Việc ngồi kiết già hay bán già không quan trọng mà điều cần thiết hơn cả là trong lúc ngồi như vậy, ta có tập trung được tư tưởng hay không mới đáng đề cập tới mà thôi. 

48.- Du Tăng Khất Thực Và Hành Khất Khác Nhau Ở Điểm Nào ?  

Du tăng khất thực là người tăng sĩ sống đúng theo hạnh của Phật, ngày ăn một bửa, tối ngủ dưới gốc cây, không nhà cửa, chùa, thất mà cứ đi ta bà như thế suốt quanh năm để xin ăn và truyền bá Phật Pháp. 

Chữ du trong du tăng có nghĩa là đi chu du hay vòng quanh tới nhiều nơi chốn khác nhau để xin của cúng. Do đó, bài thơ diễn tả ý nầy, có đoạn như sau : 

Gót đạo sĩ bốn phương trời rải bước, 

Cõi Ta-bà đâu chẳng phải nhà ta. 

Một mình đi với bình bát, cà sa, 

Đói xin ăn, nơi gốc cây nằm ngủ. 

Mùi phú quí mặc ai người hưởng thú, 

Bả vinh hoa ta nào có sá gì. 

Chỉ một lòng tu niệm đạo từ bi, 

Diệt phiền não cõi lòng thường thanh tịnh... 

Đó cũng là hạnh nguyện của người tăng sĩ khất thực, thực hành đúng theo như Phật lúc còn tại thế. Phái Phật giáo quấn y vàng không chủ trương lập chùa, thiền viện, cơ sở ... mà chỉ có một tấm lòng hiến dâng cho đạo trong hạnh đi du phương cầu thực và lấy việc lợi sanh làm sự nghiệp. Họ biết bỏ cái "ngã" làm kẻ ăn xin, khiến cho người phát tâm đem lòng kính phục. Nếu có dịp chứng kiến thái độ kiên nhẫn của các sư khất thực nơi các khu phố, chợ có đông người để xin đồ, chúng ta mới thấy được là một việc rất khó thực hành đối với kẻ tầm thường. 

Tuy nhiên, việc tu hành và truyền bá đạo Phật như thế, không thể nào gây được ảnh hưởng lớn được, vì thiếu cơ sở, thiếu tổ chức cũng như ít người hậu thuẩn, thì việc phát triển đạo Phật cũng bị thu hẹp và chậm chạp. 

Chữ khất thực có nghĩa là khất cầu Phật Pháp để đổi lại thức ăn nuôi lấy pháp thân huệ mạng, do nơi phát tâm cao thượng của người thực hành mà có, trong khi đó, hành khất có nghĩa là xin ăn theo một ý nghĩa xấu hoàn toàn, nhằm gán cho kẻ tồi trong xã hội. 

Trong hiện tại, ta ít thấy các nhà sư tu theo hạnh khất thực, có lẽ một phần vì tập quán các nơi có khác, một phần vì người tu theo hạnh du phương đã ít, và một số các nước theo truyền thống nguyên thủy Phật giáo lại nằm trong vùng kiểm soát của Cộng-sản. 

49.- Tham Thiền, Thiền Định Và Tọa Thiền Khác Nhau Thế Nào ?  

Phật giáo phái Thiền-tông chủ trương tu thiền hay thiền quán, tức là ngồi định tâm để tập trung tư tưởng vào một điểm cố định theo ý muốn của hành giả. 

Việc tu thiền có nhiều căn cơ và trình độ khác nhau, tùy theo công phu tu tập của người thực hành nhiều hay ít mà có chỗ đạt ngộ cao thấp không đồng nhau. Những danh từ tham thiền, thiền định và tọa thiền đều có nghĩa là tu theo phép quán tưởng để tập trung tư tưởng cả, tuy nhiên ý nghĩa có sự khác nhau, ta cần phân biệt : 

Tọa thiền mà Phật giáo phái thiền Nhật-Bản gọi là Zazen, dùng để chỉ chung cho mọi trình độ cao thấp khác nhau về việc thực hành, kể cả người mới bắt đầu tu cũng đều gọi là tọa thiền được vậy. 

Thiền định chỉ cho một người có trình độ tu tập cao và đã đạt được đến giai đoạn thuần thục, trong việc tập trung tư tưởng rất dễ dàng, như đức Phật Thích-Ca ngồi thiền định (nhập định) suốt 49 ngày dưới cây Bồ-đề cho tới khi giác ngộ tức là chứng quả thành Phật. 

Tham thiền hàm chứa 2 ý nghĩa khác nhau : 

1.- Đại tham là một cuộc tập họp đại chúng rộng rãi do vị Thượng- Tọa Thiền-sư chủ xướng để mọi thiền sinh có cơ hội tham cứu về lý thuyết lẫn thực hành việc tu thiền. Tuy nhiên, trong trường hợp có mặt đông đảo các thiền sinh nầy, những người nào có căn cơ khá vững chắc về thiền mới dám đặt câu hỏi. Vì vị thiền sư thường hay lật ngược các câu hỏi để khám phá ra trình độ tu chứng của người hỏi. 

2.- Tiểu tham là việc tham cứu về thiền một cách bán chính thức. Trong những giờ rãnh rỗi, vài ba người gặp vị Thượng-Tọa Thiền-sư nơi sân cỏ hoặc ngoài vườn hoa đều có thể lợi dụng cơ hội tốt để hỏi thêm về những cách thức tu tập. Những người mới bắt đầu học tu thiền nên theo lối tham cứu nầy rất lợi ích vậy. 

Môn thiền ngày nay rất thịnh hành ở Âu Mỹ, vì con người sống trong các xã hội văn minh cơ khí nên đầu óc luôn luôn bận rộn, họ cần có thì giờ để tập trung tư tưởng mà thiền Phật giáo là pháp môn hữu hiệu nhất. 

50.- Tự Viện Có Khác Với Chùa Không ?  

Tự viện là tiếng gọi chung cho ngôi chùa, nơi ấy tăng chúng tu học và sống trong tinh thần lục hòa (xem bài 6 phép lục hòa) của Phật giáo. 

Tự viện nói cho đủ là chùa và Phật-học-viện hay Phật-học-đường gồm có một số đông tăng sĩ cùng nhau chung sống để học hỏi và thực hành Phật giáo dưới sự chăm sóc và điều hành của một Giám-viện hay Ban-giám-đốc. Danh từ tự viện còn được dùng theo lối kính ngữ, như trong trường hợp người đối diện với ta là trụ trì của một ngôi chùa. Khi muốn hỏi thăm về cách sinh hoạt của ngôi chùa ấy chẳng hạn, ta dùng tiếng "quý tự" hay "quý viện" rất đẹp vô cùng. 

Cũng cần phân biệt giữa "tự" và "viện". Tự thường nhỏ hơn viện, trừ những ngôi cổ tự (chùa cổ) còn hầu hết các ngôi chùa kiến trúc theo lối tân đều có cả trường học, có sân rộng, vườn hoa ... Như vậy, nơi nào có đông tăng chúng ở tu học, với một ban giảng huấn điều hành việc giảng dạy được gọi là Phật-học-viện, còn ngược lại, thiếu hai yếu tố trên gọi là chùa hay tự. 

Hiện tại ở hải ngoại, chùa và viện Phật học lần lượt được thiết lập tại nhiều nơi như Hoa-Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Úc-Đại-Lợi. Đây là công tác Phật sự quan trọng của cộng đồng người Việt từ sau năm 1975, vì ở trong nước các ngôi chùa, các Phật-học-viện đã bị đóng cửa vĩnh viễn, tăng sĩ phải hoàn tục hay đi vùng kinh tế mới. Hiện tại các Phật-học-viện cho mở lại dưới kế hoạch của nhà nước. 

Nhiều chùa và Phật-học-viện càng được xây thêm, càng chứng tỏ rằng tiếng pháp âm của Phật giáo còn được tiếp tục duy trì và phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. 

--- o0o ---