Phật học cơ bản
Kiến thức căn bản Phật giáo
26/06/2553 00:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG 5

CÁCH XƯNG HÔ

 

 2.- Hòa Thượng Là Gì ? Ai Được Tôn Xưng Danh Hiệu Nầy?  

Hòa-Thượng (the most venerable) dịch là "lực sanh" nghĩa là nhờ đời sống tâm linh thanh tịnh của vị đó khiến cho đạo lực của giới tử (người theo học) được phát sanh. 

Hòa-Thượng còn có nghĩa là "thân giáo sư" tức là thầy gần gũi nhất của mình để học hỏi, vì thế cũng có nghĩa là "y học" tức là người mình nương tựa để học đạo. Hòa-Thượng còn là người chứng minh tối cao trong hội đồng truyền giới Tỳ-kheo, Bồ-Tát... 

Những Tăng sĩ nào mới được tôn xưng là Hòa-Thượng ? 

Trong Phật giáo vốn không có giai cấp, tuy nhiên, trong khi truyền giới để làm tăng sự trang nghiêm cho buổi lễ cũng như gây được cho người thọ giới một ấn tượng tốt và đặc biệt khó quên trong đời tu học nên phải cung thỉnh một vị Hòa-Thượng lớn tuổi chứng minh. Hòa-Thượng phải là người đã thọ giới Tỳ-kheo và có an cư kiết hạ từ 20 năm trở lên. Những tăng sĩ tuy đã thọ giới Tỳ-kheo, nhưng không sống theo tăng đoàn tu học mỗi năm 3 tháng vào mùa mưa để tinh chuyên giới hạnh thì không đủ tư cách để tôn xưng Hòa-Thượng. Hòa-Thượng khác với Thượng-Tọa ở tuổi đạo và tuổi đời, vì nhiều kinh nghiệm tu hành và giới đức tinh nghiêm hơn. 

Ở trong một xã hội vô trật tự thì giới nhà tu cũng nảy sinh ra một hiện tượng mới là những Hòa-Thượng trông có vẽ luộm thuộm thiếu tư cách, thiếu tác phong đạo đức như phá giới và tự xưng là bậc thánh có thể làm được phép nầy phép nọ để làm thay đổi dược hoàn cảnh hay các hiện tượng thiên nhiên. Người tăng sĩ chân chánh tu hành không cần đề cao về mình như thế. Giá trị đạo đức và tư cách sống là thước đo đúng đắn nhất về một người. Kẻ giả danh đạo đức và cao ngạo, tự tỏ ra khinh khi mọi người để lừa bịp sự dễ tin của quần chúng, sẽ bị gán cho nhiều danh từ không mấy tốt đẹp. 

Người Phật tử chân chánh phải phân biệt rõ ràng để khỏi nhầm lẫn khi xưng hô các thầy lãnh đạo tinh thần một cách quá đáng. 

3.- Đại Đức Phải Đủ Những Đức Tánh Gì ?  

Đại-Đức (Reverend, Reverand) là người xuất gia tu hành đã thọ đủ 250 giới Tỳ-kheo và tuổi từ 20 trở lên. Ở trong đạo, vị ấy là người đã thông suốt được kinh luật, có khả năng ứng dụng Phật Pháp trong quần chúng một cách linh động. 

Như vậy, danh từ Đại-Đức chỉ người có cả phước lẫn huệ dầy đủ, xứng đáng nhận lãnh vai trò lãnh đạo tinh thần cho hàng Phật tử tại gia. 

Khi Phật còn tại thế, các Tỳ-kheo cũng xưng Phật là Đại-Đức Thế-Tôn hay bạch Đại-Đức ... mỗi khi có việc cần thưa thỉnh. Vì danh từ Đại-Đức Thế-Tôn dùng để gọi chung cho các đức Phật về đời quá khứ, nên cũng còn có nghĩa là mẫu người đáng kính và đáng tôn trọng. Đại-Đức dùng để tôn xưng các giáo sĩ, các nữ tu thuộc các tôn giáo khác mà không riêng gì Phật giáo. Ví dụ : La Reverende Mère superieure : Đức Mẹ bề trên. 

Với ý nghĩa cao đẹp đó, nếu những tu sĩ tuổi đời tuy cao, nhưng khi vào đạo chưa thọ giới Tỳ-kheo cũng như chưa có khả năng thâm hiểu về đạo Phật thì chưa đủ tư cách Đại-Đức được. Tuy nhiên, việc tôn xưng còn tùy thói quen ở mỗi nơi như ở một số những ngôi chùa không mấy đông Tăng chúng, thầy Bổn-Sư thu nhận đệ tử xuất gia có khả năng về trình độ học thức ngoài đời, đã lớn tuổi có tác phong đứng đắn cũng được bổn đạo chùa tôn kính vào hàng Đại-Đức. 

Thật ra cách xưng hô trong Phật giáo không mang tính cách chức vị, quyền uy như các phẩm trật ngoài đời. Trong Phật giáo còn một tính cách hết sức dân chủ là chúng Tỳ-kheo tự tôn trọng nhau về tuổi đạo hơn tuổi đời, như trường hợp vị lớn tuổi hơn nhưng thọ giới Tỳ-kheo sau người nhỏ tuổi cũng phải kính vị nhỏ tuổi kia như người đi trước, bậc đàn anh. 

Khi dùng cách xưng hô đối với nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, chúng ta phải thật thận trọng để khỏi phải hạ mình cách quá đáng và nhiều khi tạo cho người đối tượng một vách ngăn cách biệt ! 

4.- Hãy Phân Biệt Chú Tiểu, Điệu Hoặc Ông Đạo ? 

Chú tiểu, điệu hay ông đạo là những danh từ mà người tín đồ Phật tử thường dùng để gọi những Tăng sinh mới xuất gia ở trong giai đoạn bắt đầu thực hành Phật giáo. 

Miền Bắc Trung Nam có một số từ khác biệt nhau, dĩ nhiên chỉ có người trong cùng một miền mới biết rành mà thôi. Chú tiểu là danh từ người miền Bắc hay dùng để gọi các chú bé mới xuất gia vào chùa tu, đầu đã cạo tóc nhưng còn chừa lại một chỏm tóc dài ở phía trước, còn điệu là tiếng của người miền Trung để gọi chú bé vừa mới tập sự học Phật. Trong khi đó, ông đạo là tiếng được dùng ở miền Nam cũng chỉ cho người mới xuất gia vào ở chùa. Chú tiểu là thời kỳ chưa phải làm việc gì nặng nhọc cả, ngay cả giới luật cũng chỉ có mới thọ 5 giới như người tu tại gia mà thôi. Trường hợp các em bé ở chùa lâu năm, cho tới khi thọ giới Sa-di, tín đồ bổn đạo vẫn gọi là điệu hoặc chú tiểu như thường, vì quen miệng và thân thiết chăng ! Ở miền Bắc còn có danh từ "Sư Bác" để gọi các tăng sinh đã thọ giới Sa-di và đã lớn tuổi. Thay vì gọi Đại-Đức hay Thầy, còn danh từ ông Đạo của người miền Nam gọi trong thời kỳ mà thầy tăng còn tuổi nhỏ, mới thọ 10 giới Sa-di thật đàng hoàng và đúng nghĩa. 

Một vài khác biệt về cách xưng hô đối với người tăng sĩ trẻ tuổi là như vậy, trên thực tế ngày nay mọi người đều hiểu được ý nghĩa và cả cách dùng nữa. 

Biết được thói quen của mỗi nơi, chúng ta mới dùng đúng cách và chính xác được những danh từ trong Phật giáo rất phổ thông nầy. 

Cả ba cách xưng hô trên cũng đều nằm trong cùng một ý nghĩa, do thói quen của mỗi nơi mà tên gọi có khác. 

5.- Đệ Tử Là Gì ?  

Đệ tử là người học trò, người nhỏ tuổi hơn tự xưng với người lớn tuổi và những bậc thầy dẫn đạo có đủ tư cách chỉ dẫn cho mọi việc để học hỏi. 

Trong Phật giáo, danh từ đệ tử được dùng chỉ tất cả mọi người theo học hỏi giáo lý giải thoát và tôn xưng đức Phật là bậc thầy sáng suốt, kẻ chỉ đạo đúng đắn để nương theo. Ở các bài Sám Nguyện thường hay mở đầu bằng tiếng đệ tử như : 

Đệ tử chúng con từ vô thỉ 

Gây bao tội ác bởi lầm mê. 

Đắng trong sanh tử đã bao lần, 

Nay đến trước đài vô thượng giác ... 

Hoặc : Đệ tử hôm nay gặp ngày Khánh-Đản, hay : Đệ tử kính lạy đức Phật Thích-Ca v.v... 

Như thế, chữ đệ tử mang một ý nghĩa bao quát và có hàm ý rằng y như pháp mà thành tựu được việc tu hành của kẻ khao khát muốn tìm về chân lý của Đức Phật. Đức Phật có đủ mọi đức tính : Từ bi, bình đẳng, bao dung ... đáng để cho chúng ta nương theo học hỏi, cũng như người học trò quý mến thầy và tự nhận mình là đệ tử. Không những trong phạm vi Phật giáo tiếng đệ tử được dùng mà ngay trong các lãnh vực sinh hoặc ngoài đời cũng vẫn áp dụng nói một cách tự nhiên. 

Các nhà mô phạm, những bậc thánh nhân, các giáo chủ của tôn giáo là thước đo giá trị đạo đức cho đời sống tinh thần đúng đắn nhất mà người theo học là kẻ đến sau, như là học trò vậy. 

6.- Nam Mô Có Nghĩa Là Gì ? Và Tại Sao Trước Danh Hiệu Phật VÀ Bồ Tát Đều Có Tiếng Nầy ?  

Nam-mô vốn là tiếng Phạn đã quen dùng trong giới Phật tử và trở nên phổ thông nên ít có ai để ý tìm hiểu ý nghĩa. Mỗi khi chúng ta niệm chữ Nam-mô, thiết tưởng nên biết rõ để việc làm nầy thêm phần lợi ích thiết thực. 

Nam-mô tiếng Trung-Hoa dịch ra thành sáu nghĩa như : Cứu ngã, độ ngã, quy mạng, đảnh lễ, sám hối, độ thoát ; tức là chúng ta đang sa ngã vào cõi đời trần tục phải cầu chư Phật, Bồ-Tát cứu độ ra khỏi cảnh khổ, sự mê lầm để nhờ đó ta nương về với các đấng giác ngộ, học theo hạnh từ bi và nguyện với lòng thành lễ lạy cầu được phước đức cho chính ta và những người liên hệ. Vì tin tưởng vào sự nhiệm mầu ấy, chúng ta thành kính, nguyện đem lòng thành hướng về với chư Phật, Bồ-Tát để học hỏi, nương tựa theo những lời giáo huấn sáng suốt làm kim chỉ nam cho việc tu hành hầu xây dựng một đời sống tốt đẹp. Do đó, khi đi đường, lúc vào chùa gặp một vị Tăng Ni, chúng ta thường chắp tay niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật. Người đối diện cũng đáp lễ lại bằng câu niệm ấy. Cách chào hỏi của người Phật tử, thay vì bắt tay như người Tây-phương mỗi khi gặp nhau, lại dùng câu niệm Phật, thật đầy đủ ý nghĩa. 

Nói khác hơn, Nam-mô là tiếng xưng hô dùng cho Phật, Bồ-Tát và các bậc tu hành đã giác ngộ để tỏ ra cung kính, tán dương mà người học Phật luôn luôn có tâm niệm muốn noi dấu chân Phật. 

7.- Cho Biết Tứ Hoằng Thệ Nguyện Là Gì ?  

Tứ hoằng thệ nguyện là bốn lời phát nguyện rộng lớn của người Phật tử để cầu cho tất cả chúng sanh đạt đến đạo Vô-thượng Bồ-đề. 

Bốn điều thệ nguyện đó như sau : 

- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ : Chúng sanh có muôn loài, xin thề nguyện cứu độ tất cả. 

- Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn : Phiền não không cùng tận xin nguyện đều dứt sạch. 

- Pháp môn vô lượng thệ nguyện học : Các pháp môn có nhiều và sâu rộng như biển cả mênh mông nhưng người tu học nguyện học hỏi để đạt tình thấu lý. 

- Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành : Cầu mong tu hành đạt đến giác ngộ, giải thoát an vui. 

Đây là phần tụng trước khi hồi hướng (trong các khóa lễ kỳ an hay kỳ siêu) và người hành trì nguyện đem tất cả phước lành đã tạo được, hướng về tất cả nhân loại chúng sanh, mong cho đều được hạnh phúc, an vui. Xin gợi ý, bốn lời phát nguyện nên dịch sang vần để dễ dàng thuộc và nhớn lúc tụng đọc : 

Chúng sanh độ khắp xa gần 

Não phiền rũ sạch lòng trần nhẹ lâng 

Pháp mầu số lượng chuyên tâm 

Đạo Phật vô thượng thậm thâm nguyện thành. 

Kinh điển của Phật giáo rất nhiều không kể xiết, mỗi lời, mỗi câu đều mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Khi đã hiểu được trọng vẹn mạch ý của cả bài, lúc tụng đọc chúng ta mới thấy được lý thú. 

8.- Thất Chúng Trong Phật Giáo Là Thế Nào ?  

Đệ tử của Phật gồm 2 thành phần là xuất gia và tại gia mà trong đó còn chia ra thành bảy chúng khác nhau. 

Đoàn thể xuất gia gồm có 5 chúng và Phật tử tại gia có 2 chúng như sau : 

Xuất gia gồm : Sa-di (nam giới thọ 10 giới căn bản) Sa-di-ni (nữ giới), Tỳ-kheo (nam giới thọ 250 giới và phải trên 20 tuổi), Tỳ-kheo-ni (nữ giới 348 giới) và Thức-xoa-ma-na (nữ giới xuất gia phải thọ 6 giới Thức-xoa trước khi thọ giới Tỳ-kheo-ni). Còn thành phần của Phật tử tại gia có 2 chúng là Ưu-bà-tắc hay Cận-sự-nam, tức nam giới Phật tử thực hành Phật giáo tại gia và Ưu-bà-di hay Cận-sự-nữ hoặc thiện nữ nhơn, để chỉ cho người Phật tử đã quy y Tam-Bảo và giữ năm giới cấm. Tuy nhiên, gọi 6 chúng đệ tử Phật cũng không sai vì giới Thức-xoa-ma-na chỉ dự bị cho giới Tỳ-kheo của bên Ni mà thôi. Dù tu tại gia hay xuất gia, người Phật tử vẫn làm được việc Phật sự. Hai thành phần đệ tử của Phật bày hợp nhau lại để chung sức chung lòng phát triển ngôi nhà Phật giáo. Một đời vua Asoka của Ấn-Độ sau Phật Niết-Bàn 300 năm, vua Trần-Thánh-Tông của Việt-Nam ... là những vị Bồ-Tát hiện thân cư sĩ tu tại gia đã tạo nên cho Phật giáo những công trình thật vĩ đại, đáng ghi nhớ đời đời. Do đó, việc duy trì và phát triển Phật giáo là vai trò của người xuất gia và bổn phận của người Phật tử tại gia. 

Người tu sĩ hay cư sĩ Phật tử cũng đều là đệ tử của Phật nên việc hợp lực nhau để làm việc Phật sự thì không còn lãnh vực tại gia hay xuất gia mà tùy thuộc vào khả năng, thiện chí và phương tiện thực hiện. 

9.- Hãy Giải Thích Ý Nghĩa Của Cổng Tam Quan Chùa ?  

Ở những ngôi chùa cổ phía trước chánh điện, nơi mặt tiền, cách một cái sân, nơi lối ra vào có một cửa chính chia ra làm 3 lối đi gọi là cửa tam quan. 

Tam quan là 3 cửa hay 3 lối đi dẫn vào phía bên trong chùa. Chính giữa rộng, hai lối đi hai bên thường hẹp, chỉ đủ cho một người vào lọt. Cổng chỉnh thường đóng kín lại, mỗi khi có lễ lạc gì lớn mới được mở ra để cho khách vào chùa chiêm bái. 

Ngày xưa, những ngôi quốc tự do nhà nước lập ra, cổng chính dành riêng cho các quan chức cao và vua chúa mỗi khi đến lễ Phật, còn dân chúng và hàng quan lại cấp nhỏ chỉ được phép vào chùa bằng lối đi hai bên cổng mà thôi. 

Những ngôi chùa lớn có lối kiến trúc cổng tam quan cũng đồ sộ để cho được cân xứng, mỹ thuật. Những ngày thường nhật cửa tam quan thường đóng và chỉ mở một cổng bên phía tay phải để cho khách vào ra lễ Phật, ngoạn cảnh. Cổng chùa không lập quá xa với chánh điện thờ Phật, nghĩa là tùy theo phạm vi rộng hẹp của mỗi nơi và cổng tam quan chỉ cách điện Phật một cái sân thôi. Những ngôi chùa ở trên núi cao, cũng có lối kiến trúc cổng tam quan gần với chánh điện mà không quá xa, cách biệt ở dưới chân núi. 

Ngày nay, việc xây chùa và cổng chùa không còn giữ được theo lối kiến trúc thuần túy mỹ thuật cổ điển nữa mà đã bị pha trộn theo đủ lối, đủ kiểu Âu Á lẫn lộn. Do đó danh từ cổng tam quan không còn mấy thông dụng cũng như ít có người biết đến, như trường hợp những ngôi chùa trong các đô thị theo hình thức mới nầy. 

Nếp sinh hoạt tăng viện thay đổi cho phù hợp với thời đại, nhưng hình thức cổ điển của cổng chùa và mái chùa tượng trưng cho dân tộc tính cần được duy trì thì hay hơn cả. 

 10.- Mười Hiệu Xưng Tán Đức Phật Gồm Có Những gì ? 

Phật thường đầy đủ phước đức, tướng mạo trang nghiêm với 80 vẽ đẹp và 32 tướng tốt, xứng đáng là bậc thầy của nhân loại. Mười hiệu xưng tán đức Phật là : 1- Như-Lai, 2- Ứng-cúng, 3- Chánh-biến-tri, 4- Minh-hạnh-túc, 5- Thiện-thệ, 6- Thế-gian-giải, 7- Vô-thượng-sĩ, 8- Điều-ngự-trượng-phu, 9- Thiên-nhơn-sư, 10- Phật, Thế-Tôn. 

Tại sao phải dùng 10 hiệu khác nhau để xưng tán đức Phật ? Đức Phật ra đời vì muốn chỉ bày cho chúng sanh tìm thấy Phật tánh của mình do công phu tu tập để đạt đến giác ngộ hoàn toàn như Phật. Như hoa sen trong bùn lầy mà vẫn có mùi thơm ngào ngạt. Đức Phật cũng như thế, dù ở trong cõi đời khổ đau mà vẫn giác ngộ nên đáng ca tụng là bậc thầy của cả trời và người. Chữ Như-Lai có nghĩa là thừa cái đạo như thật để chứng quả Chánh-đẳng Chánh-giác nên gọi là Như-Lai. Ứng-cúng tiếng Phạn là A-la-ha tức là thọ nhận của trời và của người cúng dường. Chánh-biến-tri là giác ngộ. Minh-hạnh-túc là do tu tập ở túc mạng nhiều đời mà tỏ ngộ. Thiện-thệ dịch là Tu-già-đa tức là lấy trí huệ sáng suốt chứng được Niết-Bàn. Thế-gian-giải dịch là Lộ-già-bị tức giải bày rõ về pháp "Hữu" và "Vô" ở thế gian. Vô-thượng-sĩ, tiếng Phạn gọi là A-nậu-đa-la tức giải thoát mọi ràng buộc. Điều-ngự-trượng-phu : Điều phục mọi ý niệm xấu ác dũng mãnh không sợ sệt. Vì Đức Phật là bậc thầy soi đường cho cả trời và người và hiệu sau cùng để tán tụng bậc trí giác toàn vẹn được đời chiêm ngưỡng. 

Ở bài kinh sám hối có 10 hiệu Như-Lai để tán dương công đức tu hành của Đức Phật và người học Phật nguyện học hành theo các công đức lành ấy. 

11.- Lục Độ Là Những GÌ ? 

Lục độ hay 6 pháp độ được người qua khỏi bể sanh tử mà hàng Bồ-Tát chọn làm pháp môn tu tập là : 

- Bố thí : Ban cho kẻ khác niềm an lạc. Không cứ cho đồ vật mới gọi cho mà có thể cho cả lời nói, cử chỉ để an ủi người cô thế, tức là ta đã thực hiện được hạnh bố thí rồi. 

- Trì giới : Giữ gìn giới cấm, trước là để răn mình làm điều phi pháp, sau để làm gương cho người khác noi theo. 

- Nhẫn nhục : Nhịn chịu mọi nghịch cảnh không có nghĩa là người dại dột mà để thể hiện sức cố gắng của người mà tâm địa đã đạt được một trình độ cao mới thực hiện nổi. 

- Tinh tấn : Tiến tới không lùi sụt hay ngừng nghỉ khi bắt tay vào làm một việc gì khó khăn. 

- Thiền định : Dùng con mắt quan sát, suy tư trong yên tịnh và lắng lòng để gạn lộc phiền não nơi tâm. 

- Trí huệ : Là sự nhận thức đúng, suy đoán lanh lợi, như con dao sắt cạnh của mỗi người dùng cắt mọi ràng buộc, chi phối trong đời sống nội tâm. Trí huệ cũng còn là sự nghiệp hành đạo của người tu hành (duy huệ thị nghiệp). 

Người nào thực hành đúng theo phép 6 độ một cách trọn vẹn tức là thể hiện được phần não hạnh Bồ-tát trong đời nầy. 

12.- Tứ Vô Lượng Tâm Là Gì ?  

Bồ-Tát tu hành pháp bố thí trong 6 độ (bố-thí, trì-giới, tinh-tấn, nhẫn-nhục, thiền-định, trí-huệ) và Tứ-vô-lượng-tâm là một trong muôn hạnh lành. 

Tứ-vô-lượng-tâm là tâm-từ, tâm-bi, tâm-hỷ, tâm-xả, tức là lòng quảng đại, thương xót, vui thuận và tha thứ là bốn yếu tố cần thiết làm tư lương cho việc tu tập tâm từ bi thường gắn liền với nhau, nhưng trong ý nghĩ có sự khác biệt rất xa. Vì cái tâm rộng khắp không lường có thể làm Phật, Thánh Hiền, ma quỷ cũng từ đó phát sanh. Để diễn tả cái tâm, cổ nhân có tác bốn câu thơ như vầy : 

Tam điểm như tinh tượng 

Hoành câu tợ nguyệt tà 

Phi mao tùng thử đắc 

Tác Phật giả do tha. 

Dịch : 

Ba chấm như vì sao 

Cong vòng vành trăng khuyết 

Lông sừng từ đây đội 

Làm Phật cũng do tâm. 

Tâm tạo ra sơn hà đại địa, thế giới muôn loài, cho nên người tu cần phải vận dụng hết lòng ngay thật của mình vào việc tu niệm để giúp đỡ cho kẻ khác. Đây là hạnh nguyện độ sanh mà hàng Bồ-tát thường xả thân làm việc thiện. 

Bốn thứ tâm lành rộng lớn chỉ có được khi nào người Phật tử biết hy sinh cả thân mạng để làm việc lợi ích cho kẻ khác mới có được. 

13.- Chùa Và Tự Viện Khác Nhau Ra Sao ? 

Chùa là tiếng rất phổ thông ai cũng biết cả. Chùa do chữ Tự (pagoda hay temple) có từ thế kỷ thứ 2 thứ 3 Tây-lịch. Các ngài Ca-Diếp Ma-Đằng và Trúc-Pháp-Lan từ Ấn-Độ qua Giao-Châu ở Hồng-Lô tự dịch kinh Tượng-Đầu-Báo-Nghiệp Sai-Biệt và kinh Tứ-Thập-Nhị-Chương. 

Chùa và Tự Viện khác nhau ra sao ? Cho tới nay cả 2 danh từ đều được dùng lẫn lộn, ít có ai phân biệt được chỗ khác nhau. Tuy nhiên, hiểu theo văn hiện đại người ta ưa dùng chữ Tự Viện hơn Chùa, nhất là trên các văn thơ về phương diện ngoại giao. Chữ Tự Viện ngoài ra, còn hàm ý rằng nơi rộng rãi khoảng mát, do một Tăng sĩ trẻ tuổi trụ trì. Nói chung, Chùa hay Tự Viện đều chỉ có một người trông coi. Vị nầy là Viện-chủ, tức là người giữ mối giềng thể thống của tông môn mà duy trì mạng mạch của Phật giáo cho các thế hệ kế tiếp. 

Chùa đối với người Việt-Nam có tín ngưỡng là nơi nương tựa tinh thần cần thiết không thể thiếu được. Nó cũng như chất dinh dưỡng cho các mầm non của các lớp tuổi trẻ mai sau. Chùa vì thế rất quen thuộc đối với người dân quê, như gắn liền vào đời sống của họ. Trong khi đó, ở thành thị được nhắc tới danh từ Tự Viện hơn chùa. Nói một cách khác, theo thói quen người ta dùng Chùa hay Tự Viện, nhưng chữ Tự Viện có phần văn vẽ hơn nhiều. 

Chùa là hình ảnh quen thuộc khó quên trong đời người. Dù có đi đâu xa, ngôi chùa làng vẫn như còn ngự trị nơi tâm tư của người lữ thứ. Do ý nghĩa nầy, các nhà thơ, nhà văn không tiếc lời để diễn tả nỗi niềm cảm mến cảnh chùa của mình thật đậm đà và chan chứa tình nước tình quê. Đây ta hãy nghe nhà thơ Nguyễn-Bính bộc lộ ý nghĩ chân thành nầy qua mấy câu thơ sau : 

Quê tôi có gió bốn mùa, 

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm. 

Sương khuya, gió sớm, trăng rằm, 

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi. 

Mai nầy tôi bỏ quê tôi, 

Bỏ trăng, bỏ gió chao ôi bỏ chùa ! 

Chùa hay Tự Viện là nơi công cộng cho tín đồ làm chỗ sinh hoạt vào những dịp lễ vía hay sám hối và hội họp v.v... Như vậy, nơi nào có vị Sư trụ trì, có tổ chức đoàn thể như gia đình Phật tử, ban-hộ-niệm, ban-tương-tế xã-hội ... đều được gọi là chùa cả. 

Người Việt hải ngoại ngày nay đều lập ra các hội Việt kiều Phật tử, phần nhiều lại thiếu thầy lãnh đạo, nhưng các hội nầy là bước đầu trong việc lập các ngôi chùa trong tương lai. 

14.- Thiền Thất Hay Thảo Am Là Gì ?  

Phật giáo Thiền-tông rất quen thuộc với danh từ thiền thất hay thảo am. Vậy, ý nghĩa của nó là gì ? 

Thiền thất là nhà thiền nơi mà vị Tăng sĩ lập ra để tu tập, nhưng lấy việc tọa thiền làm chánh. Thiền thất vì thế không lớn, chỉ vừa đủ một người tu tập thôi. Bên trong thiền thất, thiền sinh thường không trang hoàng gì nhiều, ngoài những hình ảnh và cách tu thiền như mười bức họa chăn trâu (thập mục ngưu đồ), hình Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, hình con trâu đen hoặc trắng có một người dắt trong tư thế đã hàng phục được trâu, tượng trưng cho tâm hành giả cũng được chế ngự mọi phiền não do công tu luyện mà thành. Bên ngoài thiền thất thường có sân rộng với cây cảnh mát mẻ, nhất là vườn có trồng hoa cho bông đơm nở tốt tươi để làm trợ duyên cho việc tu thiền. 

Thảo am không là danh từ Phật giáo thuần túy, vì những nhà thơ văn muốn có một đời sống biệt lập với mọi người, cũng như cần sự yên tỉnh để làm việc viết lách, đọc sách nên lập ra một túp lều tranh nho nhỏ xinh xắn để sinh hoạt trong đó. Thảo am vì thế thường không rộng mà chỉ đủ cho một người ở để việc sinh hoạt về lý trí được yên tỉnh, không bị hoàn cảnh chung quanh chi phối. 

Ngày nay chúng ta không tìm thấy thảo am nào ở trong xã hội văn minh vật chất nầy cả, một phần do cuộc sống hiện tại đã bị nhiễm độc bởi tiếng động cơ, hơi độc của chất hóa học phóng ra khắp nơi trong vũ trụ, một phần tâm thức con người cũng đã bị mất thăng bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, nên ít ai nghĩ tới việc tìm về nơi núi sâu rừng thẳm để luyện trí chăng ? Song song với danh từ thảo am còn có "cốc" cũng giống như thiền thất, do các thiền sinh lập để làm nơi tham thiền, biện đạo. 

Thiền thất, thảo am, cốc là những nơi dành riêng cho người nào có một tâm thức sáng ngời và muốn sống gần gũi với thiên nhiên để phát triển tinh thần trong phạm vi tu tập rất thích hợp. 

15.-  Chánh Điện và Đại Hùng Bảo Điện Khác Nhau Như Thế Nào ? 

Chánh điện (sanctuary) là nơi tôn trí, thờ phụng hình tượng Phật, Bồ-Tát thường được xây ở gian giữa của ngôi chùa. 

Khách từ ngoài vào cổng chính bước vào chùa liền thấy ngay được hình ảnh đức Phật tọa trên tòa sen trong tư thế bán già hay kiết già đang nhìn ra hướng sân chùa. Chánh điện chữ Hán đã được dùng theo nghĩa tiếng Việt tức là điện thờ Phật. Nếu gọi một cách thành kính trang nghiêm là Đại-hùng-bảo-điện, điện báu thờ đức đại hùng, tức là đức Phật có đại-hùng, đại-lực, và đại-từ-bi. Chữ bảo là báu như ngọc ngà châu báu, trong ý nghĩa của 3 ngôi báu : Phật, Pháp, Tăng, tức là Tam-Bảo được thờ trong chùa vậy. Mỗi khi ở ngoài vào lễ Phật, ta gọi là lên chánh điện, ít người gọi điện đại hùng, vì danh từ chỉ dùng để khắc bản trước điện thờ Phật. Trong ý nghĩa đó, người Nhật-Bản không gọi điện thờ Phật là chánh điện mà gọi là Hondo (bổn đường). Hondo có nghĩa là gian nhà chánh giữa, cũng đồng nghĩa với chữ chánh, trong nghĩa của chữ chánh điện vậy. 

Chánh điện có lối trang trí như thế nào còn tùy thuộc vào khả năng tài chánh của mỗi ngôi chùa và theo khiếu thẩm mỹ của người lập nên nữa. Có nhiều ngôi chánh điện chúng ta mới bước vào đã cảm thấy tâm trí nhẹ nhàng thư thái như trút bớt được những phiền não ưu tư của cuộc sống phức tạp ngoài đời. Việc tôn trí chánh điện cho được trang nghiêm cũng thu hút nhiều người quy về với chánh pháp của Phật Tổ ... Trong điện thờ Phật thật đơn giản và chỉ một tôn tượng của đức Thích-Ca, hay Bồ-Tát Quán-Thế-Âm hoặc tượng Phật A-Di-Đà mà thôi. 

Người hành trì Phật giáo nhờ sự mới thấu đạt lý, cho nên ngôi chánh điện phải thật gọn gàng, nhưng không kém phần trang nghiêm và mỹ thuật. 

16.- Bát Công Đức Thủy Là Thế Nào ?  

Cảnh giới Cực-Lạc của đức Phật A-Di-Đà an vui thanh tịnh mà ở đó, theo kinh A-Di-Đà, bốn mùa cây cối xanh tươi và nhạc trời tấu khúc, chim hót líu lo vang lừng suốt ngày đêm, có ao thất bảo, trong ao chứa nước đủ 8 thứ công đức. Nước 8 thứ công đức đó là : 

1.- Nước lóng trong 

2.- Lạnh mát không cáu bợn 

3.- Vị ngọt thơm ngon 

4.- Uống vào tâm hồn nhẹ nhàng khoan khoái 

5.- Thấm nhuần 

6.- An hòa 

7.- Nước uống vào trừ được đói khát 

8.- Nước uống vào các căn lành đều tăng trưởng. 

Một đoạn trong kinh Di-Đà nói về nước tám công đức như sau : "Hữu thất bảo trì, bát công đức thủy sung mãn kỳ trung trì để thuần dĩ : Kim sa bố địa, tứ biên giai đạo kim ngân, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, nhi nghiêm sức chi ..." 

(Có ao bảy báu với nước tám thứ công đức đầy đủ. Trong đáy ao thuần toàn cát vàng trải ra. Mặt đất và quanh bốn bên lát toàn vàng bạc, lưu-ly, pha-lê, xa-cừ, ngọc mã-não để trang sức cho cảnh Tịnh-độ ...) 

Cõi Tịnh-độ do tâm tạo nên, vì thế, những gì diễn tả trong kinh Di-Đà đều là điều có thật. Ngoài ra, con người ở đó được sống lâu, không già, không bịnh, không chết. Món ăn, thức uống của người ở cảnh giới Cực-Lạc toàn bằng thiền định mà được no đủ vui say nên không cần tới thức ăn. 

Ở đời, chúng ta gắng công tu hành cho tinh tấn và niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà nhất tâm tới khi chết được sanh vào thế giới Cực-Lạc là bi nguyện của đức Phật A-Di-Đà. 

 17.- Y Phục Thường Dùng Của Tăng Sĩ Có Chia Ra Thứ Loại Nào Không ?  

Trong Phật giáo không có giai cấp và chức vị song giới hạnh và đạo đức được chú trọng tới nhiều hơn. Y phục cũng chia ra làm 4 loại như sau : 

* Áo dài 5 thân : Áo gồm 5 mãnh vải ráp lại và có 3 hột nút cài chéo trước ngực từ cổ bên trải qua nách bên phải. Loại áo dài nầy dùng cho các em bé mới tập sự xuất gia ở chùa và tuổi từ 8-15 còn trong thời kỳ hành điệu (chú tiểu) 

* Áo nhật bình : Áu mầu nâu hoặc lam mà trước ngực có một mãnh vãi cắt thành hình chữ nhật có chiều dài từ ngang vai xuống tới trên rốn độ vài phân (2cm) với bề dài 25cm x 10cm ngang. Loài áo nầy dùng cho thầy nào đã thọ 10 giới, với số tuổi từ 16-20. Đặc điểm là một hàng nút từ ngực xuống tới chân gồm 5 hoặc 7 hột. 

* Áo tràng : Áo có tràng vắt ngang qua phía trước ngực từ vai bên trái qua nách bên phải và 3 hột nút cài bên nách phía tay phải. Các thầy Tỳ-kheo (Tăng đã thọ 250 giới) thường mặc loại áo tràng khi đi đường và lúc giảng đạo. 

Dù y phục có phân ra như thế, nhưng một số các thầy lớn tuổi vẫn thích mặc áo nhật bình hơn, nhất là khi tiếp khách và lúc làm việc trong chùa. 

* Áo vạt hò : Loại nầy ngắn và trông giống như áo bà ba của người nông dân Việt-Nam. Tuy hình thức có phần khác hơn áo bà ba, vì áo của người thường có hàng nút thẳng từ cổ xuống giữa bụng, trong khi đó áo vạt hò thường dài tới quá gối lại có hàng nút nằm phía tay phải gần bên hông tay phải. Áo vạt hò ngắn gọn rất tiện lợi lúc làm việc, khi nhổ cỏ, tưới hoa trong vườn chùa. 

Đại loại về y phục của người tu sĩ Phật giáo được phân ra như thế để chúng ta dễ nhận thức. Còn riêng về phẩm phục lúc hành lễ lại có hình thức khác hơn nhiều. 

18.-  Y Phục Của Tăng Sĩ Về Mầu Sắc Tại Sao Có Sự Khác Nhau ?  

Y phục của hàng tăng sĩ mầu sắc tuy có nhiều song mầu thông dụng nhất vẫn là mầu vàng cam. Chính đức Phật Thích-Ca vẫn thường mặc chiếc y vàng để đi du thuyết hóa độ chúng sanh khi Ngài còn tại thế. 

Mầu sắc y phục được thay đổi theo mỗi quốc gia để được phù hợp với phong tục, địa lý của từng nơi, do đó người Tăng sĩ Phật giáo không hẳn bắt buộc phải theo đúng một khuôn mẫu cố định nào. Tuy nhiên, trên hình thức chúng ta phân biệt được hai hạng tu sĩ : Quấn y vàng khi họ đi đường và một số khác mặc y phục mầu đà hoặc mầu lam. Khi ra đường đắp y mầu vàng là hình thức của người tu theo phái nguyên thủy Phật giáo hay phái Therevada. Như ở các nước Tích-Lan, Thái-Lan, Cambodia, Lào một số chư Tăng thực hành Phật giáo theo hạnh khất thực nầy. Trong khi đó, mầu lam hay mầu khói hương lại rất thông dụng với người tu hành các nước như Trung-Quốc, Triều-Tiên, Việt-Nam. Phật giáo Nhật-Bản tùy theo mỗi tông phái và cấp bậc của họ mà mầu sắc y phục cũng thay đổi. Theo phái Thiền-tông, mầu đem rất thông dụng, và các mầu vàng, tím, xanh lá mạ cũng dùng cho y phục lúc hành lễ. 

Câu nói : "Chiếc áo không làm nên thầy tu" thì mầu sắc của y phục cũng chỉ là trên mặt hình thức và thói quen của mỗi dân tộc. 

Việc quan trọng và cần thiết đối với người học Phật là nghiên cứu giáo điển để cầu đạt ngộ chân lý, còn hình thức chỉ là sự tướng mà thôi. 

19.-  Phẩm Phục Của Tăng Sĩ Phật Giáo Ra Sao ?  

Phẩm phục là áo dùng khi hành lễ và người Tăng sĩ gọi là chiếc y và cái áo hậu (áo mặc trong). 

Có 3 loại y như sau  : 

- Y năm điều : Vải may y cắt thành từng ô ráp lại, mỗi ô hình chữ nhật dài và ngắn xen kẻ nhau trên toàn thể chiếc y chia thành 5 đường dọc và 2 đường ngang (chữ nhật dài 40 cm x 20 cm, khung chữ nhật ngắn 30 cm x 20 cm). 

- Y bảy điều : Trên toàn thể chiếc y chia thành bảy phần dọc và 3 phần vải cắt ngang 2 khung dài 1 khung ngắn. Tiếng Phạn gọi là Uất-đa-la-tăng và tiếng Trung-Hoa dịch là Thượng-trước-y : Cái y ở ngoài và mặc lúc làm lễ trong chùa. 

- Y chín điều : Gồm 9 khung dọc và 3 khung ngang với 2 mãnh hình chữ nhật dài liền nhau rồi tiếp theo một mãnh ngắn trên toàn thể chiếc y, gọi đây là Tăng-già-lê cũng dùng trong việc lễ bái, khi đi đường hoặc các cuộc gặp gỡ quan trọng. Ngoài 3 loại phẩm phục, người Tăng sĩ còn 2 loại y phục nữa là y 12 điều và y 25 điều. Y 9 điều gọi là hạ phẩm của đại y, y 12 điều là trung phẩm và y 25 điều là đại phẩm của đại y. Y 25 điều hay y bách nạp gồm có 100 mãnh vải khác màu sắc kết lại mà thành. Người Tăng sĩ coi chiếc y như mạng sống, vì y pháp bất ly thân. Do đó, lúc đi xa, khi có công việc cần cấp họ đều mang y theo bên mình để tùy cơ ứng pháp, Vì Phật pháp bất ly thế gian pháp. 

Chiếc y là ruộng phước đức để hàng Phật tử gieo trồng vào mãnh vườn của ngôi nhà Phật giáo, nên người mang y không thể không cẩn trọng giữ gìn. 

20.-  Tăng Già Có Phải Là Tăng Sĩ Lớn Tuổi Không ?  

Tăng-già không có nghĩa là các vị tu hành đã lớn tuổi như có một số người giải thích. Danh từ Tăng-già, chư Tăng hay chúng Tăng chỉ một đoàn thể hòa hợp từ 4 thầy Tỳ-kheo trở lên mới gọi được là Tăng-già. 

Tăng-già còn dùng chỉ các tu sĩ Phật giáo có học thức, đạo đức và giữ gìn giới luật của Phật Tổ được thanh tịnh, trọn vẹn không sái phạm. Chư Tăng sống chung nhau trong cùng một tự viện có sự hòa hợp nhường nhịn nhau từ lời nói, ý nghĩ, hành động, nhờ đó có thể giải quyết được mọi tranh chấp, cải vả ... vô ích để cùng nhau răn nhắc tu hành giới đức trang nghiêm, ngỏ hầu thực hành Phật giáo một cách đầy đủ theo phương pháp khoa học và sau đem áp dụng giáo lý vào đời sống xã hội. Những Tăng sĩ ưa tranh chấp, ngã mạn, tự cao không còn đủ tư cách xứng đáng để gọi là Tăng-già được nữa, vì chính bản thân các Tỳ-kheo ấy đã không có sự hòa hợp chung với các bằng hữu đồng tu khác thì việc hòa mình của họ với tín đồ khó thành tựu được. 

Ngoài ra Tăng-già không có nghĩa hòa hợp trong phạm vi đoàn thể chư Tăng mà nó còn chỉ cho cái cung cách gương mẫu, đạo đức nơi họ đối với hàng Phật tử tại gia nữa. Có người lấy làm thắc mắc rằng một thầy Tỳ-kheo trụ trì trong một ngôi chùa thì không đủ tư cách để gọi được Tăng-già chăng ? Như đã nói ở trên, nhưng riêng cá nhân vị ấy cũng đủ tác phong đạo đức để cho hàng Phật tử cung kính, học hỏi. Nếu trong trường hợp chỉ có một Tăng sĩ độc nhất thì chỉ gọi được Tăng sĩ hoặc tu sĩ mà không thể xưng Tăng-già được, vì chưa đủ số chúng Tăng trong phép hòa hợp. 

Nơi nào có chư Tăng cùng nhau tu học và giữ gìn giới hạnh thật trang nghiêm, nơi đó chứng tỏ đạo Phật được hưng thịnh và giáo pháp Phật-Đà được xiển dương sâu rộng trong quần chúng để nhiều người có cơ hội tu học. 

 21.-  La Hán Là Quả Vị Thứ Mấy Trong Việc Tu Chứng ?  

La-hán nói cho đủ là A-la-hán (Arahan), quả vị tu chứng cao tột đỉnh của hàng Tiểu-thừa Phật giáo. 

Trong 4 quả vị Thánh của bậc Tiểu-thừa là Tu-đà-hoàn, (mới nhập vào dòng Thánh gọi là Dự-lưu), Tư-đà-hàm (còn một lần sanh trở lại thế gian nữa nên gọi là Nhất-lai), A-na-hàm (phiền não hoặc nghiệp đã đoạn trừ và không vào đời nầy nữa ở kiếp sau gọi là Bất-hoàn) và A-la-hán (không còn bị dòng sanh tử chi phối nên gọi là Bất-sanh). A-la-hán có 3 nghĩa : 

1- Sát-tặc : Tức là đoạn diệt tất cả giặc phiền não nơi tự thâm tâm và giặc ngoại cảnh. 

2- Ứng-cúng : Bậc đã giác ngộ có thể thọ nhận của trời người cúng dường. 

3- Bất-sanh : Tức nhập Niết-Bàn vĩnh viễn không còn thọ quả báo trong vòng sanh tử nữa. 

A-la-hán còn gọi Bích-chi-Phật, vì hàng Tiểu-thừa chí đạt tới quả vị tu chứng cuối cùng là A-la-hán mà thôi. Ngoài ra, 18 hình tượng La-Hán được thờ trong một số các chùa là chững vị nào ? Đó là : 

1- Tân-Đỗ-La-Bạt-La-Đọa-Xà tôn giả 

2- Tân-Đầu-Lư-Phả-La-Đọa tôn giả 

3- Ca-Nặc-Ca-Phạt-Tha tôn giả 

4- Tô-Tần-La-Dà tôn giả 

5- Nặc-Cự-La tôn giả 

6- Bạt-Đà-La tôn giả 

7- Ca-Lý-Ca tôn giả 

8- Phạt-Xà-La-Phất-Đa-La tôn giả 

9- Thú-Bác-Ca tôn giả 

10- Bán-Thát-Ca tôn giả 

11- La-Hầu-La tôn giả 

12- Na-Già-Tê-Na tôn giả 

13- Nhơn-Yết-Đà tôn giả 

14- Phạt-Na-Bà-Tư tôn giả 

15- A-Thị-Đa tôn giả 

16- Chú-Trà-Bán-Thác-Ca tôn giả 

17- Châu-Lợi-Bàn-Đặc (Châu-Lợi-Bàn-Đà) tôn giả. 

18- Khánh-Hữu (Nan-Đề-Mật-Đa-La) tôn giả. 

Những vị La-hán thường được nhắc tới tên là ngài Tân-Đầu-Lư tôn giả, ngài Châu-Lợi-Bàn-Đà hay ngài Nan-Đề-Mật-Đa tôn giả. Kinh Trung-A-Hàm có nói về sự tích của các vị A-la-hán nầy. 

22.- Phật Học Viện Và Phật Học Đường Khác Hay Giống Nhau ?  

Nơi nào chư Tăng hay Ni cùng nhau tập trung lại một chỗ để tu học dưới sự lãnh đạo của một Ban-giám-đốc gọi là Phật-Học-Đường. 

Nhìn tổng quát ta vẫn tưởng rằng giữa Phật-Học-Viện và Phật-Học-Đường giống nhau, nhưng phân tích để tìm hiểu ta sẽ thấy sự khác nhau. Phật-Học-Đường vốn có một lịch sử lâu dài như Phật-Học-Đường chùa Quán-Sứ Hà-Nội, Phật-Học-Đường Báo-Quốc (Huế), Phật-Học-Đường Lưỡng-Xuyên (Vĩnh-Bình). Phật-Học-Đường chỉ cho nơi nào có từ 10 Tăng sĩ sinh hoạt trở lên và tổ chức thành lớp học với một ban giảng huấn hẳn hoi, cũng như giảng đường, trai đường, thiền đường và chánh điện thờ Phật nơi đó gọi là Phật-Học-Đường. Ngoài ra, việc giáo dục ở trong các Phật-Học-Đường phải theo một hệ thống giáo dục thuộc Giáo-Hội, tức là có chia ra thành nhiều cấp bậc từ thấp đến cao như : Sơ-đẳng, Trung-đẳng và lớp Cao-đẳng Phật-giáo. Trong khi đó, Phật-Học-Viện cũng có lối tổ chức giống nhau, nhưng có tính cách quy mô rộng lớn hơn nhiều. Phật-Học-Viện chỉ mới xuất hiện sau nầy vào thập niên 1960-1970 như Phật-Học-Viện Hải-Đức (Nha-Trang), Phật-Học-Viện Huệ-Nghiêm (Sàigòn), Phật-Học-Viện Nalanda (Ấn-Độ) ... là những nơi có thể dung nạp được từ 50 Tăng sinh trở lên đến 300 Tăng sinh trở lại. Trong lịch sử Phật giáo Việt-Nam có lẽ lần đầu tiên tại Phật-Học-Viện Huệ-Nghiêm có tới con số dưới 300 tăng sinh cùng nhau ở chung tu học (1964-1965). 

Ngoài ra, Phật-Học-Viện còn theo chương trình giáo dục song phương, tức là ngoài Phật học ra, chư Tăng còn theo học cả chương trình của bộ giáo dục nữa. Sau khi chư Tăng tốt nghiệp Trung-đẳng Phật giáo, đồng thời cũng tốt nghiệp Trung-học đệ nhị cấp, nếu tiếp tục việc học họ sẽ vào các Đại-học ngoài đời hay Đại-học Phật giáo hoặc theo học ở một lớp cao đẳng Phật học chuyên khoa. 

Phật-Học-Viện và Phật-Học-Đường đều là những nơi đào tạo tăng tài để cung ứng cho nhu cầu Phật sự những cán bộ trung kiên của Phật giáo. 

23.-  Nhị Giáo Là Gì ?  

Danh từ nhị giáo do tông Chân-ngôn Thiên-Thai phân biệt từ Hiển-giáo và Mật-giáo mà thành nhị giáo. 

Dựa vào giáo pháp của đức Phật Thích-Ca mà thành lập Hiển-giáo hay Mật-giáo hay tiệm và đốn-giáo. Căn cứ vào đâu để chia ra tiệm và đốn ? Các vị Bồ-Tát thuộc hàng Đại-thừa trực tiếp lãnh hội giáo pháp của đức Phật để tu hành và được giải thoát ngay trong đời nầy gọi là đốn-giáo, trong khi đó hàng Tiểu-thừa y cứ vào các kinh điển tu tập tức là tự tu tự độ, do đó việc giải thoát có phần chậm hơn gọi là tiệm-giáo. Tiệm có nghĩa là dần dần theo cấp độ của bài tính cộng. 

Những nhà Phật-học Trung-Quốc còn chia thành Nội-giáo và Ngoại-giáo. Phàm phu chúng ta muốn thoát ly khỏi tam giới cần phải nương vào giáo pháp thực hành gọi là Nội-giáo. Các bậc Bồ-Tát tu theo các pháp lục-độ vạn-hạnh (xem bài riêng) để thoát được ba cõi gọi là Ngoại-giáo. Ngài Đàm-Vô-Sấm đời Tây-Tấn còn chia nhị giáo như sau : Bán-tự-giáo và mãn-tự-giáo cũng để chỉ phiền não và Bồ-đề vậy. 

Theo như kinh Pháp-Hoa Huyền-Nghĩa lại chia làm Biên-giáo và Viên-giáo hay Quyền và Thật. Nhưng nếu căn cứ vào Luận Chỉ Quán lại chia thế-gian-giáo và xuất-thế-gian-giáo. Theo Luận Đại-Thừa Nghĩa-Chương thì gọi liễu-nghĩa và bất-liễu-nghĩa, gọi là nhị-giáo để chỉ cho sự giải thoát của Đại-thừa và Tiểu-thừa. 

Sự lập luận tuy có nhiều trình độ tu tập của các chúng đệ tử Phật, và do sự đạt ngộ cao hay thấp để phần Đốn hoặc Tiệm, Quyền và Thật v.v... 

Phật giáo cần nhất ở thực hành, còn hình thức phân chia dù có nhiều hơn nhị giáo đi nữa, cái tinh thần giải thoát và giáo pháp của đức Phật không vì đó mà tăng hay giảm. 

24.-  Bảy Cách Lễ Phật Ra Sao ?  

Lễ Phật có nhiều cách khác nhau, nếu để ý phân biệt ta sẽ thấy rõ ý nghĩa của mỗi cách như dưới đây : 

- Lễ Phật vì tâm cống cao ngã mạn 

- Lễ Phật để cầu danh 

- Đem cả thân tâm lễ Phật 

- Lễ Phật do lòng thanh tịnh 

- Lễ Phật để cầu nhập vào cõi pháp giới 

- Thành tâm tu quán các pháp mà lễ Phật 

- Vì thật tướng bình đẳng nên lễ Phật. 

Hai cách lễ đầu tiên do tâm trí tạp loạn của những người chưa thật tâm trong việc lễ bái đúng nghĩa. Có nhiều lý do khiến người lạy Phật mà ngay chính nơi thâm tâm họ không thật sự cung kính, với mục đích khác ngoài việc phát tâm tu hành theo Phật đạo. Còn 5 cách lễ sau mới thật sự là người có thật tâm lễ Phật trong cung cách của kẻ tu hành học đạo. Cách lễ Phật cung kính nhất là từ đầu mặt, cho tới chân tay và cả tâm tư đều chí thành đảnh lễ mới đúng nghĩa lạy đối với người thực hành Phật giáo. 

Hành giả muốn tu có kết quả, tức là muốn đạt đến giải thoát, việc trước tiên trong khi lạy Phật phải thật tâm để tỏ "sự" rồi mới đạt đến lý sâu xa. Nếu còn nuôi dưỡng tâm cống cao ngã mạn hay để cầu được tiếng tăm mà lễ Phật, thì việc lễ bái đã không có lợi ích gì lại còn làm trò cười cho người khác nữa. 

Lễ Phật chỉ có một lòng chí thành cung kính và tập trung tư tưởng trong chánh niệm mới đạt được lợi ích thiết thật cho người thực hành. 

25.-  Mười Đại Nguyện Trong Bài Sám Phổ Hiền Là Gì ?  

Tại các chùa chư Tăng mỗi buổi sáng, sau khi tụng kinh Lăng-Nghiêm xong, thường tụng bài Sám-Thập-Nguyện của ngài Phổ-Hiền. Mười nguyện đó là gì ? 

1- Kính lễ chư Phật. 

2- Xưng tán các đức Như-Lai 

3- Cúng dường chư Phật 

4- Sám hối tội lỗi 

5- Vui, ưa làm việc công đức 

6- Thỉnh cầu chư Phật chuyển nói chánh pháp độ sanh. 

7- Cầu Phật an trụ lâu nơi đời. 

8- Thuận theo Phật Pháp để tu hành. 

9- Hòa thuận, lăn xã vào đời để làm việc lợi ích chung. 

10- Hồi hướng công đức đến tất cả mọi loài chúng sanh. 

Trong 10 lời phát nguyện trên, gồm có 5 phần quang trọng, gọi là ngũ hối (5 điều ăn năn hối lỗi) được chia thứ tự nhau sau : 

1- Nguyện thứ 1-3 : Quy mạng tức đem thân mạng nương về với Phật, Pháp, Tăng. 

2- Sám hối tội chướng cho việc ác tiêu trừ. 

3- Vui theo việc thiện của người khác làm. 

4- Nguyện thứ 6-8 : Cầu thỉnh Phật nói pháp và nguyện theo học. 

5- Nguyện thứ 9-10 : Hồi hướng công đức lành đến mọi loài chúng sanh đều được lợi lạc, an vui. 

Người Tăng sĩ sống trong Tự Viện luôn luôn tâm niệm những ý nguyện cao cả độ sanh và thực hành lòng đại bi như ngài Phổ-Hiền vậy. 

26.-  Nhị Môn Là Gì ?  

Có rất nhiều lý luận và định nghĩa về danh từ nhị môn. Nhị môn là hai cửa theo nghĩa thông thường. Còn theo Phật giáo, nhị môn là gì ? sau đây là một số những định nghĩa : 

- Cửa Thánh đạo và cửa Tịnh-độ. 

- Cửa che lập (phàm tục) và cửa mở rộng (Thánh môn) 

- Cửa lưu chuyển và cửa hoàn diệt. 

- Cửa chân như và cửa sanh diệt. 

- Cửa phước đức và cửa trí huệ. 

Trở lên qua những cách phân chia hai cửa cho thấy rằng cửa của phàm phu và cửa của bậc Thánh nhân là một sự đối nghịch nhau. Nếu biết tu sửa những hành vi thô xấu của con người trần thế, ta có thể từ nơi phàm mà vào dòng Thánh là hai lối đi, tuy không có hình tướng nhưng luôn mở rộng để đón tiếp những người nào chuyên cần tinh tấn trong việc tu niệm. Tùy theo người chọn phương pháp (pháp môn) tu để đạt được chân lý mà có phân ra thành nhiều nghĩa khác nhau, thật ra cũng chỉ để phân biệt giữa kẻ phàm tục và người đã giác ngộ mà thôi. Vì tất cả đều chỉ sự giải thoát và mê lầm vậy. Con người khi chưa tu hành tức còn những phiền não, nhiễm trước gọi là phàm phu và những kẻ đã dày công tu niệm lại tìm thấy được niềm an vui, tự tại, đó là các bậc siêu phàm hay là Thánh nhân. 

Như vậy, nhị môn là chỉ cho hai cánh cửa đang mở tung ra để cho người nào khéo xếp đặt có thể bước vào được ngôi nhà rộng của chánh pháp, còn như đối với kẻ lơ là sẽ bị lạc đường đi vào những ngỏ ngách tối tăm nguy hiểm của đọa lạc, tối tăm. 

27.-  Bụt Là Gì ? Danh Từ Nầy Ở Đâu Hay Dùng ?  

Người bình dân Việt-Nam gọi Phật là Bụt. Chữ Bụt có lẽ do chữ Buddha, Buddhi đọc ra có nghĩa là giác ngộ, sáng suốt. Tiếng Bụt cũng còn có nghĩa là hiền lành, từ bi như Bụt. 

Phương ngôn còn ví von : Để làm hòn đất, cất lên ông Bụt. Ngoài ra, chúng ta cũng thường nghe những câu tục-ngữ, ca-dao nói đến danh từ Bụt rất phổ thông như sau : 

- Hiền như Bụt. 

- Đi với Bụt mặc áo cà-sa, 

- Đi với ma mặc áo giấy. 

- Gần chùa gọi Bụt bằng anh v.v... 

Đó là những cách nói quen thuộc mà người bình dân ưa dùng một cách tự nhiên. Chữ Bụt nghe có vẽ gần gũi và thân thiết với người dân quê hơn là Phật. Tuy nhiên, Bụt hay Phật cũng đều có nghĩa là những bậc đã giác ngộ hoàn toàn về cả 3 khía cạnh : Tự-giác, giác-tha và giác-hạnh viên-mãn, tức là cả hai sự giác ngộ bên trên hoàn toàn tròn đầy vậy. Lòng từ bi của Phật cũng vô lượng vô biên rộng tỏa khắp nơi để cứu giúp cho muôn loài vạn vật đều được lợi ích an vui. Như vậy, danh từ Bụt đã xuất hiện lâu lắm trong giới bình dân, nên đã thâm nhập vào trong tâm não của mọi người như chất keo hay sợi dây vô hình gắn liền với đời sống hằng ngày. 

Trong văn chương cổ điển và người miền quê ưa dùng chữ Bụt, trong khi đó tiếng Phật vẫn thông dụng hơn trong mọi giới. 

28.- Thập Huyền Môn Hay Thập Huyền Duyên Khởi Lý Sự Vô Ngại Pháp Môn Là Gì ?  

Lập luận của Đại-thừa Phật giáo đưa người tu hành đạt tới chỗ chứng đắc cần hiểu rõ cả sự và lý mà 10 pháp môn huyền diệu sau đây là cửa ngỏ để đi vào ngôi nhà Chánh-pháp của chư Phật. 

Có nhiều cách trình bày 10 pháp môn, song cách phổ thông hơn cả mà nhiều người biết tới là : 

1.- Đồng thời cụ túc tương ưng môn (các pháp tương ứng hòa hợp) 

2.- Quảng hiệp tự tại vô ngại môn (rộng, hẹp đều tự tại không gì ngăn ngại) 

3.- Nhất đa tương dung bất đồng môn (một và tất cả đều tương dung nhau) 

4.- Chư pháp tướng tức tự tại môn (thật tướng của các pháp đều như vậy) 

5.- Bí mật ẩn hiện câu thành môn (mật, hiển đều thành hình sự vật) 

6.- Vi tế tương dung an lập môn (mọi vật dù nhỏ đến đâu cũng hình thành tự nhiên) 

7.- Nhân Đà-la-ni cương cảnh giới môn (Cảnh giới Đà-la-ni là cảnh bao la vô tận, các bậc giác ngộ chứng đắc và lấy đó làm khuôn mẫu cho người tu hành) 

8.- Thát sự hiển pháp sanh giải môn (nương vào sự vật để đạt tới lý hầu giải thích sự vật) 

9.- Thập thế cách pháp dị thành môn (các pháp môn tu tập khác nhau phải trải qua nhiều đời mới đạt được) 

10.- Chủ bạn viên minh cụ đức môn (không còn phân biệt chủ và khách nữa mà đồng viên thành các đức tánh đầy đủ) 

Nói tóm lại, Mật-giáo căn cứ vào lập trường theo lý chân không của kinh Bát-Nhã, sắc tức thị không, không tức thị sắc ... và triển khai tư tưởng nầy mà lập thành 10 cửa huyền diệu để dẫn hành giả đạt tới lý mầu của Đại-thừa Phật giáo. 

*********** 

Sách tham khảo : 

- Tư-Tưởng Việt-Nam của Nguyễn-Đăng-Thục. Nhà xuất bản Khai-Trí, Sàigòn 1964. 

- Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt-Nam của Vũ-Ngọc-Phan. Nhà xuất bản Khoa-Học Xã-Hội, 1978. 

 29.-  Pháp Quán Ngũ Đình Tâm Là Gì ?  

Ngũ-đình-tâm-quán là một pháp tu quán tưởng để cho tâm dừng các vọng niệm mà hàng Tiểu-thừa thực hành trong 5 pháp quán. Đây là quả vị đầu tiên hàng Thanh-văn chứng nhập có 2 loại : 

1.- Bất-định-quán : Quán sát tướng trạng của các cảnh giới đều bất tịnh để làm đình chỉ việc tham dục, đối với người tu có tâm nhiều tham trước. 

2.- Từ-bi-quán : Hướng về các loài hữu tình chúng sanh đều có sự liên quan với nhau, là một pháp làm dứt tâm sân hận. 

3.- Nhân-duyên-quán : Quán pháp 12 nhân duyên liên tục cả quá-khứ hiện-tại và tương-lai để đình chỉ ngu si đối với người tu hành nhiều ngu tối. 

4.- Giới-phân-biệt-quán : Theo các pháp phân ra 6 giới hay 18 giới là pháp làm dứt ngã kiến áp dụng cho người tu kiến chấp sai lầm. 

5.- Sổ-tức-quán : Cách đếm và điều hòa hơi thở để làm cho tâm loạn động trở thành thanh tịnh. Còn một lối phần ngũ-đình-tâm như sau : Bất-định, từ-bi, nhân-duyên, niệm Phật và sổ-tức-quán (đếm hơi thở). 

Nhờ quán sát kỹ các tướng trạng hay mặt thật của vũ trụ muôn loài mà tu tập đạo giải thoát để thấy rõ chân lý, thật tánh của các pháp do tâm đã gạn lọc sạch vọng niệm. Hành giả trải qua 5 phép quán niệm như thế gọi là 5 cách dừng tâm tạp niệm. 

Quán sát đến khi nào tâm ta lắng trong như mặt nước không bị cáu bợn và không còn vẫn đục nữa, lúc đó là giai đoạn tỏ rạng được lý mầu của đạo sáng tỏa mười phương. 

30.-  Thập Mục Ngưu Đồ LÀ Gì ?  

Thường thường tại các trung tâm tu thiền, nơi vách tường có trưng bày 10 bức họa chăn trâu. Cái tâm ta buông lung theo ngoại cảnh và nhờ tu thiền định mà hàng phục được, nhưng phải trải qua 10 giai đoạn như người chăn dắt con trâu hung dữ : 

1- Tìm trâu 

2- Thấy được dấu chân trâu 

3- Nhận ra đúng là trâu 

4- Bắt trâu trở lại 

5- Trâu đã bị xỏ mũi 

6- Cưởi trên lưng trâu trở về nhà 

7- Quên trâu, chỉ còn thấy bóng dáng người chăn 

8- Cả người và trâu đều không ai cần để ý tới nữa. 

9- Trở về với nguồn gốc, tức tìm lại bản chân tâm. 

10- Xông xáo đi vào đời một cách an nhiên không trở ngại. 

Mười bức họa tượng trưng nầy không rõ do ai tạo ra và có từ lúc nào, nhưng căn cứ vào tranh vẽ hội họa do Quách-Am Thiền-sư (?) làm ra đồ hình và có kèm theo 10 bài tụng để giải thích rõ mỗi giai đoạn trong bức họa. Còn nếu ta khảo cứu kỹ ở các bộ ngữ lục thì 10 bức họa chăn trâu do ngài Thanh-Cư Thiền-sư tác (điều nầy cũng chưa lấy gì làm chắc chắn), vì 10 bức họa do ngài Thanh-Cư tạo khác với nét vẽ ở những đồ hình ngày nay. Song căn cứ vào thứ tự hình thức trong các hình vẽ thì chính ngài Quách-Am đã sửa đổi lại các bức họa cho phù hợp với các giai đoạn chuyển biến của tâm để lưu hành cho tới ngày nay chăng ? 

Nhìn vào 10 bức tranh, chúng ta thấy có sự tiến bộ rõ rệt trong việc tu tập vì hành giả phải vận dụng rất nhiều công phu. Con người từ chỗ vô minh (lúc đi tìm trâu), tìm thấy dấu chân và nhận ra không lầm trâu, đến chỗ hàng phục được mọi khó khăn (ở bức họa số 4 và 5) của dục vọng, phiền não khuấy động từ tâm thức. Từ đó hành giả cần phải gia công tu tập mới đạt được trạng thái an tỉnh tâm hồn (hình 6) mà không còn bị giặc phiền não chi phối nữa. Đến đây là giai đoạn đã khá vững vàng trên đường tu tập và có thể hòa nhập vào chân tâm, tức tìm lại được bản lai diện mục của mình (bức họa 8 và 9). Cuối cùng là nắm được trọn vẹn bí pháp để lăn xả vào đời cứu độ chúng sanh mà không ngại bất cứ một chướng duyên nào có thể ngăn chặn được chí hướng của ta cả. 

Đó là tất cả ý nghĩa của 10 bức họa. Người tu hành chịu khó nhìn vào nơi mỗi bức họa quan sát và suy nghĩ sẽ rõ được ý nghĩa sâu sắc trong việc tu thiền cũng chẳng khác gì người tìm trâu vậy. 

--- o0o ---