Tịnh độ
Một Trăm Ngày Niệm Phật & Một Trăm Bài Pháp (Trọn bộ)
Thích Giác Quang
16/11/2554 09:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


63. NGÀY THỨ SÁU MƯƠI BA:

Thân tướng Quan âm bồ tát

Vấn: - Xin Sư từ bi hoan hỷ giảng gải về 32 thân Ðức bồ Tát Quan âm?

Ðáp: - Nói là 32 thân, nhưng thật ra Ðức Bồ tát thị hiện trong đời độ sanh, theo sách Phật tượng Ðồ vựng thì Ðức Bồ tát có 33 thân (Phật học từ điển, HT Minh Cảnh chủ biên, NXB tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh ấn hành)

Ba mươi ba thân là:

1/ Ðường chỉ Quan Aâm: Ðức Quan Aâm thị hiện hóa thân ngồi trên núi, tay phải cầm nhành dương liễu cứu độ chúng sanh.

2/ Long đầu Quan Aâm: Ðức Quan Aâm thị hiện hóa thân cởi rồng trên mây để cứu độ chúng sanh.
3/ Trì thinh Quan Aâm: Ðức Quan Aâm thị hiện hóa thân ngồi trên núi, cầm quyển kinh tụng để cứu khổ chúng sanh.

4/ Viên quang Quan Aâm: Ðức Quan Aâm thị hiện hóa thân phóng ánh sáng, cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh thoát khỏi cảnh khói lữa binh đao

5/ Di hí Quan Aâm: Ðức Quan Aâm thị hiện hóa thân ngồi trên mây, xủ mài cứu khổ chúng sanh.
6/ Bạch y Quan Aâm: Ðức Bồ tát Quan Aâm thị hiện hóa thân trải cỏ để ngồi trên sườn núi để cứu khổ chúng sanh.

7/ Liên ngọa Quan Aâm: Ðức Bồ tát Quan Aâm thị hiện hóa thân chắp tay hướng về bên trái, ngồi trên hoa sen, thị hiện làm vua mà đỡ đầng mọi người, cứu khổ chúng sanh.

8/ Lũng kiến Quan Aâm: Ðức Bồ tát Quan Aâm thị hiện hóa thân dựa lựng vào vách núi, mắt nhìn về bên phải, cứu khổ chúng sanh ra khỏi hầm lữa.

9/ Thi dược Quan Aâm: Ðức Bồ tát Quan Aâm thị hiện hóa thân ngồi bên cạnh ao sen, cứu người bị xô xuống núi.

10/ Ngư lam Quan Aâm: Ðức Bồ tát Quan Aâm thị hiện ngời trên cá lớn, cứu người và chúng sanh không bị nạn rồng.

11/ Ðức vương Quan Aâm: Ðức Bồ tát Quan Aâm thị hiện hóa thân ngồi kiết già, thị hiện thân Phạm vương Ðế thích có oai thế để cứu khổ chúng sanh.

12/ Thủy nguyệt Quan Aâm: Ðức Bồ tát Quan Aâm thị hiện hóa thân đứng trong cánh sen nổi trên mặt nước, thị hiện thân Bích Chi Phật (gặp lúc Phật có ra đời hay Phật không ra đời mà vẫn tu hành đắc đạo) để cứu độ chúng sanh.

13/ Nhất diệp Quan Aâm: Ðức Bồ tát Quan Aâm thị hiện hóa thân ngồi trên cánh sen, thị hiện thân làm quan có thế lực để cứu độ chúng sanh.

14/ Thanh cảnh Quan Âm: Ðức Bồ tát Quan Âm thị hiện hóa thân ngồi dựa sườn núi, thị hiện thân Phật cứu chúng sanh.

15/ Oai đức Quan Âm: Ðức Bồ tát Quan Âm thị hiện hóa thân ngồi cầm hoa sen, thị hiện thân thiên đại tướng quân cứu chúng sanh.

16/ Diên mạng Quan Âm: Ðức Bồ tát Quan Âm thị hiện hóa thân ngồi dựa sườn núi, trên mặt nước, giải độc dược chú trớ cho chúng sanh.

17/ Chúng bảo Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân ngồi bình thản nhìn về trái, hiện thân trưởng giả cứu độ chúng sanh.

18/ Nham hộ Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân ngồi ngay thẳng, hiện thân cứu chúng sanh không bị rắn độc bò cạp làm nhiễm độc.

19/ Năng tĩnh Quan Âm: Ðức Bồ tát Quan Âm thị hiện ngồi giữa vách núi, hiện thân cứu chúng sanh thoát khỏi nạn la sát.

20/ A nậu Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân ngồi trên núi nhìn ra biển, hiện thân cứu chúng sanh không bị chết chìm

21/ A nậu đề Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân ngồi trên núi, hiện thân Tỳ sa môn thiên vương cứu chúng sanh.

22/ Diệp y Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân trải cỏ ngồi trên sườn núi, hiện thân Ðế thích cứu chúng sanh.

23/ Lưu ly Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân đứng trên cánh sen nổi trên mặt nước, hiện thân trời đại tự tại cứu chúng sanh.

24/ Ða la tôn Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân đứng trên mây, hiện thân cứu người bị đánh đập.

25/ Cáp lợi Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân con sò để dùng nhiều phương tiện cứu độ chúng sanh.

26/ Lục thời Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân đứng tay cầm kinh, hiện thân cư sĩ giúp đỡ chúng sanh.

27/ Phổ bi Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân đứng, hiện thân trời đại tự tại cứu chúng sanh.
28/ Mã lang phụ Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân phụ nữ giúp đỡ chúng sanh.

29/ Hiệp chưởng Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân Bà la môn, đứng chắp tay giúp đỡ chúng sanh.

30/ Nhất như Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân bay đi trong mây, cứu chúng sanh khỏi bị mưa giông sấm sét.

31/ Bất nhị Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân hai tay tréo nhau, hiện thân thần kim cang cứu chúng sanh.

32/ Trì liên Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân tay cầm cành sen, hiện thân đồng nam đồng nữ giúp chúng sanh.

33/ Sái thủy Quan Âm: Ðức Bồ tát thị hiện hóa thân đứng, một tay cầm bát, một tay cầm nhành dương liễu cứu chúng sanh bị trôi giạt.

Trong 33 thân trên, ngòai thân Bạch y, thanh cảnh, Ða la tôn, Diệp y và A Nậu đề, còn lại 28 thân đều là hình tượng Quan Âm được lưu truyền, phụng thờ trong dân gian, trong các chùa ở Trung quốc, Triều tiên, Nhật bản, Việt nam từ đời Ðường Lý thái Vân về sau.

Trong 33 thân trên còn có 13 thân được Phật dạy trong phẩm Phổ môn, thuộc kinh Pháp hoa; còn lại trich trong sách Phật tượng Ðồ vựng

Dù thân nào đi nữa, thì cũng là thân Bồ tát Quan Âm thị hiện cứu chúng sanh, cứu đời. Nhìn hình ảnh Quan Âm, chúng ta được biết thâm ý của chư Phật, của Phật Thích Ca có đủ lòng từ bi chí cả như thế nào. Giáo pháp của Phật là vô biên; sự hiện thân đó nói lên giáo pháp Phật phù hợp với từng thời đại, thời điểm nào làm Phật sự gì, thị hiện thân nào để độ sanh cho thích hợp.

Ðạo Phật tồn tại và phát triển trong đời sống con người là tất yếu.

Xin giới thiệu 33 thân Ðức Bồ tát Quan Âm trong phẩm Phổ môn, kinh Pháp hoa và các kinh khác là:

1/ Thân Phật

2/ Thân Bích chi

3/ Thân Thinh văn.

4/ Thân Phạm vương

5/ Thân Ðế thích

6/ Thân Trời Tự tại

7/ Thân Trời Ðại Tự tại

8/ Thân Trời Ðại tu7o1ng quân

9/ Thân Trời Tỳ sa môn

10/ Thân Tiểu vương

11/ Thân Trưởng giả

12/ Thân Cư sĩ

13/ Thân Tể quan

14/ Thân Bà la môn

15/ Thân Tỳ kheo

16/ Thân Tỳ kheo ni

17/ Thân Ưu bà tắc

18/ Thân Ưu bà di

19/ Thân vợ của Trưởng giả

20/ Thân vợ của Cư sĩ

21/ Thân vợ của Tể quan

22/ Thân vợ của Bà la môn

23/ Thân đồng nam

24/ Thân đồng nữ

25/ Th6n trời

26/ Thân rồng

27/ Thân dạ xoa

28/ Thân vàn thát bà

29/ Thân a tu la

30/ Thân ca lầu la

31/ Thân khẩn na la

32/ Thân ma hầu la già

33/ Thân chấp kim cương

Trong kinh Pháp hoa tiếng Phạn và tiếng Tây tạng có 16 thân, phẩm Diệu Âm trong kinh Pháp Hoa nói Bồ Tát Diệu Âm có 36 ứng thân, bản tiếng Phạn và tiếng Tây tạng chỉ nói 33 thân.
Theo hành trạng về đức Quán Thế Âm của Thích Phước Sơn, thì trong kinh Pháp hoa nói Quán Thế Âm có 33 thân, kinh Lăng Nghiêm nói có 32 thân.

Dù 33 hay 32 cũng đều là ứng thân đức Bồ tát cứu khổ chúng sanh. Thân thì thấy có nhiều nhưng chỉ là một; một mà là tất cả. Phật tùy căn cơ trình độ chúng sanh mà thị hiện ứng thân có khác, tùy phương hướng xứ sở mà mang thân chúng sanh nhiều hình hảo, tùy theo tâm niệm của chúng sanh mà ứng hiện, tùy theo nghiệp lực của chúng sanh mà giáo hóa dưới mọi hình thức thân tướng Quán Thế Âm Bồ tát.

Trong sách “Trọn một niềm tin”, nói:” Tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Âm Bồ Tát hay Quan Âm Bồ Tát cũng là danh hiệu của đại sĩ, một công hạnh vĩ đại của bậc Bồ tát đẳng giác. Là pháp thân đại sĩ, hình bóng của Ðức Thế Tôn trải qua nhiều công hạnh độ đời lợi tha. Bồ tát Quan Âm thị hiện nhiều thân, như trong kinh Pháp hoa, phẫm Phổ môn Bồ Tát tùy theo nghiệp lực cơ cảm của chúng sanh mà phân thân ứng hiện.

Ðức Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân, trong đó thường thì thân tướng của Ðức Bồ Tát Quan Âm được hiểu theo nghĩa Ứng hóa thân nhiều hơn…Ứng hóa thân nói đủ là ứng hóa sanh thân, thân ứng hóa là thân có thể tùy cơ cảm của chúng sanh mà thị hiện. Như Ðức Phật muốn độ chúng hữu tình thì Ngài thị hiện vào thế giới chúng hữu tình, độ loài vô tình không hình bóng thì thị hiện vào loài vô tình không hình bóng để độ tha. Nơi đây Ngài thị hiện độ loài người; do đó Ngài thị hiện làm người có tình thương vô biên để tế khổ độ mê, đến đi tự tại vô ngại, có trí thức tuyệt vời, thức tĩnh con người quay về nẽo giác ngộ chấm dứt luân hồi.
Thị hiện trong cuộc đời, Ðức Bồ Tát mang rất nhiều thân, không phải chỉ có thân tướng “Ðức Bồ Tát Quan Âm” như trong các kinh đại thừa thường nói đến, nơi đây không có nói đến tướng nam tướng nữ nào cả. Tuy nhiên căn cứ vào công hạnh độ tha đó mà Bồ Tát cơ cảm hiện thân, như: “Phật Bà Quan Âm, “Phật Mẹ Quan Âm”, “Mẹ Hiền Quan Âm”, “Ðức Mẹ Từ Bi” như hầu hết chúng sanh trong thế giới ta bà nói chung, các quốc gia Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore và các quốc gia Tây phương, mọi người trên hành tinh trái đất nói riêng đang tín ngưỡng phụng thờ… 

Chúng ta có thể tìm hiểu vài nét về thân tướng thật của Bồ tát, thân ứng hiện cơ cảm và các thân khác…!

1/ Thân tướng thật của Bồ Tát: Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì thân của Bồ tát cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, da màu vàng tử kim. Trên đỉnh đầu có nhục kế, có vầng sáng tròn, mỗi phía rộng trăm nghìn do tuần, trong vầng sáng tròn xuất hiện 500 vị hóa Phật, mỗi vị hóa Phật tướng tốt như Phật Thích Ca Mâu Ni và có 500 vị Bồ tát hầu cận.

Toàn thân ánh sáng chiếu suốt 10 phương hình tướng của tất cả chúng sanh trong lục đạo đều hiện rõ bóng trong ánh sáng ấy. Trên đầu Bồ tát có thiên quan. Trong thiên quan có một vị hóa Phật cao 25 do tuần. Mặt Bồ tát sắc vàng diêm phù đàn. Lông trắng giữa đôi mày đủ bảy màu báu đẹp, chiếu tám muôn bốn ngàn thứ tia sáng xuyên suốt khắp 10 phương. Trong mỗi tia sáng có vô số vị Hóa Phật và vô số hóa Bồ tát.

Cánh tay của Bồ tát màu như hoa sen hồng, tám mươi ức tia sáng đẹp kết thành chuổi ngọc. Bàn tay năm trăm ức màu hoa sen hồng. Ðầu ngón tay có tám muôn bốn nghìn lằn chỉ. Mỗi lằn chỉ có tám muôn bốn nghìm màu, mỗi màu có tám muôn bốn nghìn tia sáng. Tia sáng dịu dàng chiếu sáng khắp mười phương. Quán Thế Âm dùng tay báu tiếp dẫn chúng sanh về Cực lạc (Ðường Về Cực Lạc của HT Thích Trí Tịnh biên soạn). Giúp chúng sanh ra khỏi mê lầm giải thoát tử sanh.

2/ Thân ứng hiện cơ cảm của Bồ tát: Chúng sanh trong thế giới ta bà luôn được đón nhận tấm lòng từ sâu rộng như biển cả, vô biên như trời xanh của Ðức Phật. Lòng từ của Ngài đến với chúng sanh như tấm lòng bà mẹ thương con, lòng bi của Ngài luôn nghĩ suy đến chúng sanh như “mẹ hiền che chở cho con”…Lòng từ bi đó là hạnh nguyện của chư Phật, của Ðức Phật Thích Ca qua biểu tượng “Phật Bà Quan Âm, “Phật Mẹ Quan Âm” mà mọi người có được duyên lành tín ngưỡng. (sách Linh ứng Quán Thế Âm, trang 8 của Thích Tịnh Từ, Tu viện Kim Sơn ấn hành)

Khi nói đến Ðức Bồ Tát Quan Âm, thì mọi người theo Phật giáo hay không theo Phật giáo đều cảm niệm đấy là “Phật Bà Quan Âm”, “Phật Mẹ Quan Âm”, “Mẹ hiền Quan Âm”. Thánh tượng “Phật Bà Quan Âm”, cũng chính là biểu tượng được tôn trí thờ phượng tại các Chùa lớn trong cả nước cũng như tại Quan Âm Tu Viện – Biên Hòa.

3/ Thân hạnh nguyện: Dựa trên cơ sở 12 danh hiệu của Ðức Bồ Tát Quan Âm (có trong kinh Nhựt Tụng dành cho Tăng Ni Phật tử tụng đọc hằng đêm) chúng ta thấy mỗi danh hiệu là một hạnh nguyện hải, hạnh nguyện nào cũng nói lên nguyện lực của Bồ Tát Quan Âm hướng về cứu khổ chúng sanh trong thế giới Ta Bà đang lâm khổ nạn. Ðây cũng chính là hạnh nguyện cao cả của Phật qua thâm ý Bồ Tát Quan Âm phát nguyện vì khắp muôn loài mà thị hiện thuyết pháp.

Ðức Bồ Tát Quan Âm còn có những thân tướng pháp thân đại sĩ khác, như: Phật mẫu chuẩn đề, Tiêu diện đại sĩ, Lục độ mẫu…nhất là biểu tượng thị hiện thân ngàn tay ngàn mắt, nói thần chú “Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại bi tâm Ðà ra ni”, tức là chú Ðại Bi (trích Kinh Quán Âm Ðại Bi Tâm Ðà ra ni). Trong 84 câu thần chú đại bi, mỗi câu là một biểu tượng dáng vẽ hiền từ, trang nghiêm nhưng đầy uy lực và dũng mãnh dùng làm phương tiện cứu khổ độ sanh: ”không muốn thấy chúng sanh đau khổ, muốn thấy chúng sanh đều được giải thoát.

Trong kinh quán Vô Lượng Thọ, kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn, Ðức Phật có nói đến hạnh nguyện của của Bồ Tát Quan Âm “Quan Âm vị Cổ Phật Chánh Pháp Minh Như Lai Hạnh nguyện sâu rộng lớn

Cứu độ khắp muôn loài

Nghe tiếng kêu liền đến

Lợi ích chúng hằng sa

Nếu ai thương xưng niệm

Cảm ứng bất tư nghì”

Với bài kệ trên chúng ta thấy: Ðức Bồ Tát Quan Âm là vị Phật cổ có đức hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai.

Chúng ta còn có thể hiểu thêm một danh hiệu khác của Ðức Bồ Tát Quan Âm là “Quán Tự Tại Bồ Tát” trong kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða, nên nói:” Quá khứ Chánh Pháp Minh, hiện tiền Quán Tự Tại” là vậy.

Có bài kệ xưng tán Ðức Bồ tát Quan Âm:

Trí tuệ hoằng khai đại biện tài

Ðoan cư ba thượng tuyệt trần ai

Tường quang thuớc phá thiên sanh bệnh

Cam lộ năng khuynh vạn kiếp tai

Thúy liễu phát khai kim thế giới

Hồng liên dũng xuất ngọc liên đài

Ngã kim khể thủ phần hương tán

Nguyện hướng nhân gian ứng hiện lai

Chư Phật tử nên nhất tâm niệm danh hiệu ngài thật chí thành:”Nam mô Hiển Thánh Viên Thông Tầm Thinh Cứu Khổ Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

64. NGÀY THỨ SÁU MƯƠI BỐN:

Ứng hóa sanh thân trong thơ nôm

Quan Âm Thị Kính

Vấn: Xin Sư hoan hỷ tiếp tục giảng giải thêm về thân ứng hóa Ðức Quan Thế Âm khi ngài thị hiện trong đời nhiều thân để cứu khổ độ sanh? Nhất là thân ứng hóa thật tuyệt vời trong thơ nôm Quan Âm Thị Kính, khi ngài giả trai đi tu có tên là Kỉnh Tâm, chịu nhiều nỗi oan ức cho đến khi bị đánh tuyệt mạng?

Ðáp: Ðức Bồ tát Quan âm luôn thị hiện trong thế giới khổ đau để giúp cho chúng sanh tiến hóa ra khỏi khổ đau, tế khổ độ mê; ngài có hạnh nguyện thị hiện ngàn tay ngàn mắt, thị hiện nhiều thân, thân nào cũng được chúng sanh trong thế giới ta bà rất cảm kích tín ngưỡng tôn kính ngài. Thường là đức Bồ tát hay thị hiện thân nữ lưu, đức hạnh song tòan nên chúng sanh trong thế giới ta bà gọi ngài là Phật mẹ, Phật mẫu,bậc Mẹ Hiền tối tôn tối thượng. Vì chỉ có ngài mới đủ lực từ bi cứu khổ chúng sanh; qua ngài mọi người mọi loài nhận chân được giá trị hành đạo của Ðức Phật Thích ca, vị Giáo chủ cõi ta bà.

Thị hiện trong đời, ngài cũng có rất nhiều cơ cảm tùy duyên hóa độ, có khi thị hiện làm Quan Âm tướng hảo quang minh, có khi thị hiện hình tướng xấu xí như Tiêu Diện đại sĩ; nhất là như trên đã nói, thường hiện thân phụ nữ ở Triều tiên, Trung hoa, Nhật bản rồi Việt nam.

Ðức Quan âm Bồ tát, xưa là một nam nhân tuấn tú, hảo tâm xuất gia, tâm không còn dính bụi trần, trải qua chín kiếp tu như thế và được làm Sa môn tu hành đắc đạo.

Một ngày nọ Ðức Phật Thích ca Mâu ni thị hiện hóa thân một vị nữ lưu đức hạnh vẹn tòan, đẹp như tiên nga non bồng giáng thế để thử lòng vị Sa môn.

Ðức Mâu ni xuống thử lòng

Hiện ra một ả tư dung mỹ miều

Lần khần ép dấu nài yêu

Nhưng vị Sa môn từ chối vì đã trót tu hành, đang thọ giới pháp của Phật, kiếp nầy không thể thương yêu được, có thể xin hẹn lại kiếp khác!

Người rằng: ”vốn đã lánh điều nguyệt hoa”

Có chăng kiếp khác họa là

Kiếp nầy sợi chỉ trót đà buộc tay

Không ngờ do lời hứa hẹn bâng quơ đó mà phải vướng vào vòng lao lý, bị đọa đày trong sanh tử luân hồi ở kiếp thứ mười.

Nào ngờ pháp Phật nhiệm thay

Lỡ lời mà đã vin ngay lấy lời

Chờ cho kiếp nữa đủ mười

Thử cho đày đọa suốt đời xem sao?

Là người tu, họa phước đều xuất phát từ miệng, một lời nói không cẩn ngôn cẩn hạnh phải chịu nhiều khổ đau trong cuộc đời ở kiếp lai sinh; miệng xuất phát từ ý niệm nghĩ suy. Từ đó mà quả báo thay nhau ẩn hình đóng vai trò “ân đền nghĩa trả” trong thế gian và cứ như thế mà trầm luân khổ đế.

Câu chuyện cổ tích thơ nôm Quan Aâm Thị Kính, tác giả là người tu Phật cũng cho chúng ta thấy được cái lý nhân quả trong nhà Phật mà Ðức Phật từng thuyết cho mọi người nghe. Gieo nhân thì hái quả, không có quả nào sai trái với mầm nhân đã gieo.

Bạch Sư! Trong thế gian có lắm điều phi lý:”khi người làm ác mà đời sống của họ vẫn sung túc giàu sang quý phái?”.

Sự việc có nguyên nhân của nó:”theo giáo pháp nhà Phật chắc chắn người làm ác (hạt nhân) thì phải gặp ác (quả báu), nhưng vì cái hạt nhân của việc làm ác ấy chưa chín mùi, chưa đủ yếu tố để tác thành quả...vì vậy mà người làm việc ác vẫn thấy được sung sướng, hạnh phúc...Tuy nhiên đến khi “hạt nhân ác “chín mùi, đủ yếu tố tác thành quả không ai tài nào tránh khỏi họa hại đến nhà.

Chúng sanh thường”theo nghiệp lực mà tái sinh vào thân sau”. Tái sanh vào cõi Thánh, tái sinh vào cõi phàm trần, tái sinh vào cõi A tu la, địa ngục, ngã quỷ, súc sanh...chỉ trừ Ðức Phật là bậc giải thoát toàn chân thiện mỹ ra khỏi sanh tử luân hồi, không tái sanh vào đâu cả, mà thị hiện vào đời cứu khổ, độ chúng sanh. Bồ tát thì vào đời bằng hạnh nguyện, nhưng vẫn còn một chút trở ngại khi mang “ấm thân”. Bậc Thanh văn tái sinh vào đời lại càng trở ngại hơn nữa khi vào bào thai mẹ, nơi huyển thân nhiều ô uế, nên phải chịu kiếp si mê rồi mới giác ngộ tu hành; trong giáo pháp nhà Phật có câu:” Thanh văn còn muội lúc ra thai, Bồ tát còn mê khi cách ấm...”

Thân tướng Bồ tát Quan âm là thân ứng hóa sanh thân, Ngài luôn có trách nhiệm đi vào thế giới ta bà, làm công việc bỏ thân trước, mượn thân sau, nên nói Bồ tát còn mê khi cách ấm...

Tại Việt nam thân nổi bật là thân Quan âm áo trắng,tay cầm nhành dương liễu và tay cầm bình tịnh thủy rưới mát chúng sanh vạn lọai, Quan Âm phục long, Quan Âm hiện trong mây, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm đứng trên một hải đão biển cả cứu người bị nạn, biển cả tượng trưng cho luân hồi, lực của ngài như một bà Mẹ hiền bao dung và từ ái.

Tại Trung quốc, thế kỷ thứ mười, Quan Âm còn được giữ dưới dạng nam giới, thậm chí trong hang động ở Ðôn hòang, người ta thấy tượng Quan Âm để râu, sau đó hình ảnh Quan Âm được vẽ mặc áo trắng có dạng nữ nhân. Có lẽ đều nầy cho thấy có sự pha trộn giữa đạo Phật và đạo Lão. Một cách giải thích khác là ảnh hưởng của Mật tông, trong thời kỳ nầy đó là hai yếu tố từ bi và trí tuệ được thể hiện thành hai dạng nam nữ; mỗi vị Phật hay Bồ tát theo Mật tông đều có người hầu cận thuộc nữ nhân. Vị quyến thuộc của Quan Thế Âm được xem là vị nữ thần áo trắng, và Bạch y Quan Âm là tên dịch nghĩa của danh từ đó. Kể từ thế kỷ thứ mười quần chúng Phật tử Trung quốc tín ngưỡng Ðức Quan Âm áo trắng và kính tôn ngài là vị bồ tát có dạng phụ nữ.

Thường thì người Phật tử Ðông Bắc á còn tín ngưỡng Phật bà “Quan Âm Nam hải”, vì họ luôn cầu nguyện cho được bình an trong các chuyến đi về phương nam đánh cá.

Gia đình tôi, các chị em được giáo dục từ thuở nhỏ; lúc lên sáu, bảy vừa biết chữ là phải thực tập tụng kinh niệm Phật, ăn chay, mỗi tối ai không tụng kinh phải bị Ba (Bố) phạt quỳ hương, hoặc đứng khoanh tay quay vào vách cho đến 23 giờ Ba mới tha cho đi ngủ. Trong khóa lễ tụng kinh niệm Phật gồm có tụng bài Tán Dương chi, tụng bài Chú Ðại bi, tụng bài kinh Cứu khổ, tụng A di đà Phật thân kim sắc, niệm 108 câu danh hiệu Phật A Di đà, hồi hướng, tự quy y…về sau bắt đầu từ tháng giêng năm Kỷ hợi (1959) có tụng bài Pháp kệ Phổ đà sơn, trung bình một khóa lễ như thế chừng 25 phút đến 30 phút là cùng, do vậy mà các chị em tôi ít có ai chán ngán khi đến thời giờ tụng kinh niệm Phật, ngược lại còn rất phấn khởi (tinh tấn).

Trong các bài tụng tôi đều tâm đắc, nhưng tâm đắc đặc biệt là bài: “kinh Quan Âm cứu khổ”

Nam mô Ðại từ Ðại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng đại Linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát.

Ðát chỉ đa,

Án, dà liệp phạt đa, dà liệp phạt đa

Liệp dà phạt đa, liệp dà phạt đa, ta ha

Thiên la thần, Ðịa la thần

Nhơn li nạn, Nạn li thân

Nhứt thiết tai ươn hóa vi trần

Nam mô Ðại từ Ðại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng đại Linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát.

Trên bàn thờ Phật, Ba thờ bức tượng giấy lớn gọi là tượng Hội đồng chư Phật (tam thế là ba đời chư Phật: Di đà tam tôn biểu tượng Phật quá khứ, hiện tại Phật Thích ca, vi lai Phật Di lặc), phía dưới ở giữa thờ tượng Phật Thích ca ngồi thành đạo dưới cội bồ đề có ma vương, ma nữ trêu ghẹo không cho ngài thành Phật, nhưng cuối cùng thì ngài chiến thắng ma vương để thành Phật, bên phải là thờ ba ông Quan công, Quan bình, Châu xương, bên trái thờ Phật Bà Quan Âm (tượng giấy lớn xưa), trong tượng có Phật Bà Quan Âm, Thị Mầu bồng con, chim vẹt ngậm chuổi bay trên cao, phía sau là khóm trúc xanh tươi; cũng có Thiện Tài, Long Nữ đứng hầu trước đức Bồ tát Quan Âm, hai bên hình ảnh Phật Bà có đôi liễn:

Tử trước lâm trung Quán tự tại

Bạch liên đài thượng hiện Như lai

Cả nhà tôi tín ngưỡng Phật Bà tuyệt đối và thuộc bài kinh Quan Âm cứu khổ, lúc nào gặp sự cố như bệnh, nhất là công cuộc chiến tranh Việt Pháp, hai bên thường bắn nhau lúc bấy giờ cũng đều tụng bài kinh Quan Âm Cứu khổ.

Sự linh ứng

Chiến tranh Việt Pháp là một thảm họa chung của dân tộc; vào năm 1953 nhà Ba tôi ở chợ quận, mỗi lần hai bên đánh nhau, Ba tôi dạy các con phải chun dưới bàn thờ Phật mà trốn, các con niệm danh hiệu Nam mô Ðại từ Ðại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng đại Linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát cầu Phật mẹ gia hộ, bom đạn sẽ không quấy nhiễu; thời ấy tôi không hiểu gì cả, nhưng nghe theo lời Ba dạy nên tin, tin lắm! Mà thật sự như thế, nhà tôi được thoát qua nhiều cơn hoan nạn do lính Tây và Việt minh bắn nhau trước đường lộ cách nhà 800 mét, mỗi lần hai bên “đụng trận” súng bắn liên hồi, mọi người cứ tưởng là phải chết!

Cạnh nhà tôi có hai nhà hàng xóm ở cùng một bên đường nhưng cách xa nhà tôi 500 mét nếu tính từ đường lộ lớn đi Mỷ tho- Gò công nhìn vào bên phải thì có nhà Ông Cả (chủ trại hòm), nhìn bên trái là nhà lớn của Duy bạn học, các nhà nầy có làm “trãng-sê” hoặc “sô hào gần giống như công sự” để trốn tránh bom đạn. Một ngày nọ, bên quận đường “lính quận cũng là lính Tây” đi ruồng (hành quân), khi đi vào đầu đường làng tôi lúc 18 giờ 30, hai bên Tây và Việt minh gặp nhau, lính Tây bắn xối xả, bắn ôi là bắn, bắn thẳng thì đạn lạc vào nhà tôi, bắn bên phải thì đạn lạc vào nhà Ông Cả, bắn bên trái thì đạn lạc vào nhà Duy bạn tôi…Lúc bấy giờ Ba tôi bảo các chị em chúng tôi chun dưới bàn Phật nằm “sát-rạc dưới đất”, đồng niệm danh hiệu Bồ tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn cho đến khi chấm dứt trận đánh; vậy mà sau khi ngưng bắn nghe bên nhà Ông Cả có người nhà khóc hu hu, thì ra khi lính quận bắn phía bên nhà Ông Cả, Ông và mọi người chạy đôn chạy đáo ra “trãng-sê” ngoài vườn trốn đạn, nên bị lạc đạn “thương vong”; nhà tôi, Ba tôi thoát nạn, Ba bảo:”nhờ chun dưới bàn thờ và niệm Bồ tát Quan Thế Âm” nên đạn bom biến thành cát bụi (nhứt thiết tai ươn hóa vi trần).

Sự việc cho đến năm 1966, tôi mới nghĩ ra:”nơi bàn thờ Phật là nơi tôn nghiêm, nhà trên nhà trước, ban ngày ban mặt, bộ đội “Việt minh” đi đánh Tây đâu có ai mà núp ở nơi không có “trãng-sê công sự”, nên “lính quận” không bắn vào hướng đó, mà bắn vào nơi đối phương có thể vừa “phục kích đánh Tây” vừa “trốn núp đạn” tức là nơi công sự trãng-sê; vì vậy mà Ông Cả bị “lạc đạn” qua đời, gia đình tôi do núp dưới bàn thờ Phật, niệm Bồ tát Quan Âm nên không ra sao cả.

Chín tháng sau, sau ngày mẹ tôi qua đời, tức là vào ngày 01/7/1954, Ba tôi suy nghĩ phải làm trãng-sê cho các con tránh lạc đạn. Công việc đắp trãng-sê của Ba đến ngày 19/7/1954 mới xong, nhưng ngày hôm sau thì “đình chiến”.

Tâm niệm đến Ðức Bồ tát Quan Âm tôi nhớ lại hồi năm 1955 cũng là năm tiệm buôn Tạp hóa của Ba buôn bán rất thịnh vượng, ăn nên làm ra, nhà tôi là “nhà kê”, tức là nhà số “1” trong làng xã, mọi người rất quý mến Ba, vì Ba là người tu Phật rất điềm đạm từ tốn với mọi người, Ba cũng thường nói với những bà con bạn hàng nên siêng niệm Phật Bồ tát Quan Âm để chấm dứt chiến tranh được tai qua nạn khỏi. Cũng trong năm ấy, Ba có sắm 1 tủ lớn bán sách giáo khoa cung cấp cho các nhà trí thức xưa và học trò trường Tiểu học Chợ Gạo, trong tủ sách có một ngăn trưng bày các lọai truyện xưa tích cũ, như truyện Vua Nghiêu Vua Thuấn, Bích câu Kỳ ngộ, Nhị thập Tứ hiếu, Phạm công Cúc hoa, Thọai khanh Châu tuấn, Thạch sanh Lý thông, trong đó có sách truyện Quan Aâm Thị Kính, lúc nào tôi cũng mãi mê đọc truyện Quan Âm Thị Kính, đọc tới đọc lui đến nổi gần như thuộc lòng, vào những ngày giáp tết Ba thường mua tranh tứ quý về bán chợ tết, trong đó có tranh Quan Âm Thị Kính là nổi bật, tôi vừa nhìn là biết ngay Phật Bà Quan Âm Thị Kính và tỏ lòng ngưỡng mộ Phật Bà trước hơn hết.

Theo tôi biết, tập thơ nôm Quan Âm Thị Kính rất ít được phổ biến trong quảng đại quần chúng, ai có duyên thì gặp không duyên lành thì chịu! Ba tôi, gia đình tôi thì không xem thường cho đến khi quy y Phật vào cuối năm 1957 tại chùa Long Khánh, Thuộc nhiêu, Cai lậy với Bổn sư là Hòa Thượng thượng Quảng hạ Ðức. Rồi đến năm Canh tý (1960) xuất gia đầu Phật với Bổn sư là Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, biệt hiệu Ðức Mẫu Trầu Bồng Lai tại núi Bồng lai (Bà rịa Vũng tàu), thì đức Quan Thế Âm lúc nào cũng ảnh hiện trong đầu của tôi, thỉnh thoảng ngài biến hóa thành đức Bồ tát Di lặc độ trì tôi đi xuất gia.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

65. NGÀY THỨ SÁU MƯƠI LĂM:

Giới thiệu thơ nôm Quan Âm Thị kính

Sư linh ứng

Năm 1967, sau khi đại hội thành lập Ðoàn Du tăng Khất sĩ Non bồng diễn ra vào ngày 23/7 tại Tây viện Quan Âm Tu Viện, tối đến tôi mở một quyển sách đọc một câu chuyện thời chiến tranh đệ nhị thế chiến (1945). Lúc bấy giờ trục phát xít Ðức – Ý – Nhựt chia nhau thôn tính hoàn cầu, Nhựt bản đánh chiếm toàn bộ các quốc gia Ðông Nam á, Ðông Bắc á…tại Myanmar có một Viện Bảo Tàng Phật giáo ở giữa rừng, thờ nhiều phiến đá trong đó có điêu khắc Tam Tạng kinh điển, khi chiến tranh lan đến đây nhưng các bên không đánh nhau nơi có thờ Tam Tạng thánh điển, do vậy mà các gia đình trong vùng có chiến tranh di tản đến nơi thờ kinh điển để tị nạn và trú ngụ an toàn cho đến khi chấm dứt chiến tranh.

Tại Quan Âm Tu viện, pháp tháp Huyền Diệu Quan Thế Âm thờ thánh tượng Quan Âm cao 7,2 mét được xây dựng vào năm 1970, đến ngày 19/6 năm Tân hợi (1971) tổ chức lễ khánh thành, dưới sự chứng minh của Ðức Hòa Thượng Tôn Sư Mẫu Trầu, có khoãng 20.000 Tăng Ni, Tín đồ Phật tử các Tự Viện trong tông phong, từ các nơi về tham dự đông đủ. Thánh tượng là một tượng đài Ðức Phật mẹ Quan Âm mặc áo màu trắng, tay cầm bình tịnh thủy, tay cầm nhành dương liễu đứng sừng sững giữa pháp tháp, nơi đây là biểu tượng của Quan Âm Tu Viện, cũng là sự tín ngưỡng tôn quý đức Bồ tát Quan Âm rất linh hiển, giúp nhiều bà con thoát qua nạn tai trong chiến tranh Việt Mỹ.

Ngày 19 tháng 2 năm Giáp dần (1974), chiến tranh Việt-Mỹ gần kết thúc, Ðức tôn sư và chúng tôi thường xuyên đi núi Sập, thăm viếng Ðức Sư Ông, vì lúc bấy giờ huyển thân ngài yếu, có thể đi về với Tổ Phật không biết lúc nào. Một duyên lành khác tiếp đến, tôi được Sư Giác Nguyên tặng quyển Việt nam Thi văn Hợp tuyển của Giáo sư Dương Quãng Hàm (Trung tâm học liệu xuất bản lần thứ 9, Saigon 1968) để tôi đọc học, trong đó có mục Quan Âm Thị Kính, thơ văn có 786 câu, tác giả Vô Danh, truyện chia ra làm 5 hồi như sau: Thị Kính mắc tiếng oan giết chồng – Thị Kính đi tu – Thị Kính mắc tiếng oan với Thị Mầu – Thị Kính nuôi con Thị Mầu – Thị Kính rữa sạch tiếng oan và thành Phật. tuy sách giới thiệu đủ năm hồi, nhưng trên thực tế chỉ trích giảng từ câu thứ 123 đến câu 344 mà thôi.

Sách có nhắc đến việc Kỉnh Tâm trước khi chết có viết thơ để lại cho mọi người, sau khi xem thư tuyệt mệnh, người nhà mới biết tội mưu giết chồng là oan. Khi liệm thi hài, Sư Vãi trong chùa mới rõ Kỉnh Tâm là phụ nữ (nhưng sách không trích bài thư tuyệt mệnh của Kỉnh Tâm). Vậy là cả hai nổi oan đều được tháo gở.

Bức thơ tuyệt mệnh:

Thị Kính, pháp danh Kỉnh Tâm gởi cho cha mẹ:

Ơn sơn-hải một chút chi chưa báo, ở sao đành dù đi có sao đành. Phận liễu-bồ mười đấy cũng là không, Sống đã tủi dù thác đi cũng tủi. Trăm hơn dặm bỗng xảy ra muôn kiếp,

Một tấm lòng xin gửi lại mươi hàng.

Thị Kính nay:

Hổ Phận nữ-nhi,

Nhờ nền phúc-ấm,

Từ kết tóc sớm trao giây tú-mạc, ba thu vừa mới ấm chăn loan.

Vì cắt râu nên nỗi sóng Ngân-hà, một khắc nào ngờ tan dịp thước.

Tòa Ngưu-Nữ đôi bên cách trở,

Khóm thung-huyên đòi-đoạn bồi-hồi.

Chốn phấn-hương thẹn với nước-non,

Ðặt gánh hiếu phải sa rời dặm khách

Miền Bát-Nhã tìm vào mây khói,

Nương bè Từ cho vượt khỏi sông mê.

Ðuốc quang-minh đốt cháy thành sầu,

Bể khổ-hạnh bỗng nảy lên bãi giác.

Cảnh Văn-Tụ mừng vui miền thứu-lĩnh,

Rảy cành dương chẳng bợn chút trần-ai.

Ả Thị-Mầu đơm đặt chuyện Vu-sơn,

Gầy vóc liễu đã cam lòng giả sở.

Thủa làm vợ để chồng ngờ thất tiết,

Lúc làm trai cho gái đổ oan tình.

Ðoái nghĩ, ơn chín chữ cù-lao, xa-xôi chốc đã sáu thu, khoải-khoắc bận lòng khi đán-mộ.

Tưởng đến nỗi đôi bờ ly-biệt, nuôi-nấng gọi là một chút, viếng thăm thay mặt buổi thần-hôn,

Muôn phần bội bạc đã cam rồi,

Trăm lạy nghiêm từ xin ở lại.

Ðạo Phật là thế đấy, oan ức không cần biện bạch, biện bạch là hèn nhác; Kỉnh Tâm đến khi bỏ xác thân tứ đại mới nói nên lời. Sinh tiền Ðức tôn sư Mẫu Trầu cũng như thế, trong quá trình hành đạo, ngài thường xuyên bị dư luận mạ lỵ khinh chê ngài, nhưng lúc nào ngài cũng lặng thinh mà niệm Phật hay thuyết giảng nhằm giữ vững tinh thần cho môn nhơn đệ tử an tâm tu học. Trải suốt trên năm mươi năm trường cho đến khi viên tịch, được Hội đồng Chứng Minh Trung ương Giáo hội PGVN đến tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng!

Sinh tiền Ðức tôn sư dạy:

Ngàn năm công khó không người biết

Một kỷ siêu thăng thiên hạ hay

Ngày 25/4/1975 bộ đội Mặt trận giải phóng miền Nam tiến chiếm đến Trảng bom, đến ngày 28/4/1975 thì đến sân bay Biên hòa, tại Quan Âm Tu viện có trên 600 người gồm Tăng Ni, Tăng Ni sinh, cô nhi đang cư trú, ngày đêm tụng kinh Phổ Môn cầu nguyện hòa bình, cầu tai qua nạn khỏi cho đến ngày 29/4/1975 Ban Giám đốc Quan Âm Tu viện quyết định đưa một số cô nhi đến nhà Ông Mười Ðiều tại ngã ba Vườn mít lánh nạn, vì bấy giờ thị xã Biên hòa do Quân Giải phóng kiểm sóat rồi. Tuy nhiên tại Quan Aâm Tu Viện còn rất căng thẳng: “…Quân Giải phóng ở phía trước Tu viện, Ngụy quân đã “đầu hàng” rồi, nhưng muốn có thêm trận đánh nữa, nên trốn ở phía ngòai sau Tu viện, bên Giải phóng ở phía trước Tu viện bắt loa kêu gọi “Ngụy quân đầu hàng”, Ngụy quân thì dàn trải chiến xa M113 từ phía núi Châu thới chỉa mũi súng thẳng về bên hông Tu viện, hai bên chuẩn bị đánh nhau một trận cuối cùng; trong khi đó hằng trăm tu sĩ Tăng Ni, cô nhi ở trong Tu viện tụng kinh niệm Phật, treo nhiều lá cờ Chữ Thập Ðỏ lớn bằng chiếc đệm để kêu gọi không đánh nhau. Cuối cùng vào lúc 14 giờ ngày 29/4/1975 có một Ông Sư Khất sĩ xuất hiện cầm súng AK đứng trước cổng Tu viện giữ trật tự, thỉnh thoảng đi vào pháp tháp Quan Âm, rồi lại đi ra cổng, đi đi lại lại “ông Sư cầm súng đứng trước cổng Tu viện như là một thiên thần cứu thế”, tín hiệu về chuyện đánh nhau sẽ không thành việc nữa rồi; cho đến 19 giờ cùng ngày giông bão đến, trời trút một cơn mưa cực lớn đến 23 giờ mới tạnh…thế là chuyện đánh nhau giữa đôi bên sẽ không có, cho đến 11giờ 30 hôm sau, ngày giờ hòa bình đã đến: 30/4/1975.

Việc tụng kinh Phổ Môn, treo cờ Chữ Thập Ðỏ, hình ảnh Ông Sư cầm súng AK và Trời đổ một trận mưa to kéo dài…có bốn sự duyên, phải chăng đây là những pháp lực Quan Âm Bồ tát hộ trì cho Tu viện và Tăng Ni, cô nhi tụng kinh Phổ Môn cầu nguyện tại Quan Âm Tu Viện.

Ðến năm 1988, gặp được quyển sách Quan Âm Thị Kính cũng của tác giả Khuyết Danh, đọc tiếp cho đến ngày 19/2/Tân mão (2011), lại tiếp tục được gặp áng thơ nôm Quan Âm Thị Kính…
Với nhiều nhơn duyên với ngài như vậy, tôi viết lời giới thiệu thơ nôm Quan Âm Thị Kính”, trở thành bài pháp đưa vào sách”Một trăm ngày niệm Phật &Một trăm bài pháp tập II” giới thiệu một hiện thân vi diệu, một siêu nhân vĩ đại với đức hiệu Quan Âm Thị Kính trong văn học Việt nam, văn học Phật giáo Việt nam, trong các sách viết về Phật Bà Quan Âm, Mẹ hiền Quan Âm.

Tập thơ nôm Quan Âm Thị Kính, sở dĩ gọi tên tác giả là Khuyết Danh vì có hai giả thuyết như sau:
1/ Theo nhà nghiên cứu văn học Hoa Bằng (1902-1977) thì tác giả của tập thơ nôm nầy là Nguyễn Cấp, một nhà văn sống vào nửa đầu thế kỷ thứ 19. Ông là người ở thôn Thượng, xã Nguyên khiết, huyện Thọ xương, thuộc Tp.Hà nội. Sau khi đổ Giải Nguyên năm Quý dậu (1912), ông được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tri phủ Thiên Trường (1929). Sau vì một chuyện lôi thôi trong kiện tụng mà vợ ông có dính líu, ông bị bắt giam, nhưng trốn được. Nhờ nguyễn Công Trứ bấy giờ làm quan Tham tán quân vụ ở Lạng giang che chở, nên ông đến ẩn tu hành ở tại đây. Tác phẩm Quan Âm Thị Kính được ông sáng tác vào lúc cuối đời, đã thể hiện phần nào tâm sự u uất của ông.

2/ Theo gia phả nhà họ Ðổ ở Bắc ninh do Dương Xuân Thự cung cấp, thì truyện thơ Quan Âm Thị Kính do Ðổ Trọng Dư (1786-1868) sáng tác. Ông là người xã Ðại mão, huyện Siêu lọai, xứ Kinh bắc, nay thuộc tỉnh Bắc ninh. Ðổ Hương cống năm 1819, ông được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tri phủ Quốc oai. Ở chức nầy ông bị kiện là thu tiền của dân không hợp lệ nên bị bãi chức (có một nho sinh muốn xin ông một chức vị trong phủ nhưng ông không cho, nên làm đơn kiện ông), về nhà dạy học. Chán nản với thế sự, ông đã viết thơ Quan Âm Thị Kính để gởi tấm lòng mình. Năm 1876, con ông là Cử nhân Ðổ Trọng Vĩ chép lại, đến năm 1948, thì tác phẩm in bằng chữ quốc ngữ, trên bản in đề rõ là của Ðổ Trọng Dư.

Trong khi chờ đợi xác định ai là tác giả của tập thơ nôm Quan Âm Thị Kính, các sách Văn học Việt nam vẫn tạm ghi là Khuyết Danh.

Như vậy, một tác phẩm của Khuyết Danh, một tác phẩm của Ðổ Trọng Dư, một của Nguyễn Cấp; theo tôi thì Khuyết Danh cũng là một tác giả, tức là ba tác giả và theo Giáo sư Nguyễn Huệ Chi còn có một tác phẩm có bản in sớm nhất hiện còn là vào năm Tự Ðức thứ 21 (1868) cùng một nôi dung. Dù là của ai tôi vẫn tôn quý trọng thị biết ơn người xưa, các tác giả đã dày công tu hành, nghiên cứu kinh Phật, hiểu biết giáo lý Phật mà biên sọan tập thơ nôm Quan Âm Thị Kính là một công trình vĩ đại trong văn học Việt nam.

Thơ nôm Quan Âm Thị Kính là tập thơ thuộc văn học Việt nam, nhưng nội dung diễn tả câu chuyện của các nhân vật, quê hương của các nhân vật chính là nước Cao ly? Phải chăng tác phẩm ra đời vào triều đại vua Tự Ðức trị vì và những triều đại kế tiếp gần như bị Tây hóa, lòng người chạy theo cuộc sống giàu sang sung túc, quyền thế, mua quan bán chức, giữa một xã hội lọan ly, những người tốt, người yêu nước, người ngay thẳng thường bị hại; các tác giả là người “làm quan trung trực bị hại”, gặp nhiều nỗi oan ức, nên biên sọan tác phẩm Quan Âm Thị Kính nêu lên những nỗi oan ức của Thị Kính để gởi nỗi khổ niềm đau, nổi oan ức của mình vào tập truyện mà hóa giải bằng con đường tâm linh, có lẽ vì vậy mà tác giả lập luận câu chuyện ở xa tít tận Cao ly để cho quan quân triều đình, xã hội không để ý, không còn ám hại nữa?
Một ý nghĩ khác, có thể tác giả là một bậc tu hành đắc đạo, biết được hạnh lợi tha của Bồ tát là vô biên “không phân biệt Việt nam hay Cao ly”. Nhưng nếu nếu cốt truyện Quan Âm Thị Kính là thơ nôm Việt nam, mà nhân vật chính cũng là người Việt nam thì hay biết mấy! Vả lại xứ sở Việt nam là xứ Phật giáo, nếu tác giả diễn tả Phật bà Quan Âm thị hiện ở Việt nam như nhân vật Thị Kính- Kỉnh Tâm thì cũng xứng đáng lắm vậy!

Ở Việt nam còn có thơ nôm Quan Âm Diệu Thiện cũng ít phổ biến trong quần chúng. Một câu chuyện Quan Âm khác nữa, ở vào triều đại nhà Lý, nhà vua Lý Thánh Tông có người phi là Ỷ Lan, mẹ sinh ra Lý Nhân Tông. Khi vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Ỷ Lan phu nhân ở nhà, thay vua trị nước rất giỏi, nhân dân rất mến phục, tôn vinh Bà là Quan Âm nữ (Phật bà Quan Âm). Theo Ðại Việt sử ký tòan thư, thì năm 1096, phu nhân có bày cổ chay ở chùa Khai Quốc, (hiện nay gọi là chùa Trấn Quốc) cúng dường các vị Sư và cùng các vị Sư bàn về lịch sử truyền bá Ðạo Phật vào Việt nam. Nội dung cuộc đàm luận nầy được ghi lại trong cuốn “Thuyền Uyển Tập Anh ngữ lục” đời Trần (Phật học từ điển, trang 811, của Thích Minh Châu, Minh Chi, NXB Khoa học Xã hội, Hà nội năm 1991).

Thơ nôm Quan Âm Thị Kính gồm có 786 câu chính, 2 câu kết luận thành 788 câu, và bức thơ riêng của Thị Kính gởi cho cha mẹ trườc khi ngài liễu đạo thành Phật Bà Quan Âm; trong Việt nam Thi văn Hợp Tuyển của Giáo sư Dương Quảng Hàm chỉ thấy nói 786 câu, tức là Giáo sư không nói đến 2 câu kết luận, e rằng có thiếu sót chăng?

Trong sách Một trăm ngày niệm Phật & Một trăm bài pháp tập II nầy, nhắc đến áng thơ nôm Việt nam Quan Âm Thị Kính để quý Phật tử, đọc giả cùng tìm học đọc vừa là cổ xúy thơ nôm Việt, vừa hiểu biết tận tường về sự thị hiện của đức Bồ tát Quan Âm, đức Bồ tát thể hiện hạnh lành “Thiện hiện hạnh”, trong tam hiền, hay “Pháp Vân địa” trong thập thánh; nêu cao ý chí nhẫn nhục từ bi của người Phật giáo nói chung, người con Phật tại Việt nam nói riêng và góp phần làm tăng trưởng mức độ tín ngưỡng Bồ tát Quan Âm trong cộng đồng Phật tử Việt nam và thế giới.

Phần kết:

Nói về Quan Aâm Thị Kính, người xưa cũng muốn nói đến chổ tu hành thành Phật đắc đạo là không dễ dàng. Quá trình tu hành cần có sự dày công tu tập, thực tập thiền tụng, công phu công quả, thực hành khổ hạnh, nêu cao chí khí nhẫn nhục, học tập và phát huy đức tính từ bi của Ðức Phật, giới luật tròn đầy thì quả vị mới cao. Lời Ðức Tôn sư thường dạy:”Phật dụng tâm (sự quyết chí), không dụng nhiều mâm nhiều quả; chịu khổ hạnh tu hành mới giỏi, công cho dày quả vị mới cao...”

Người phát huy được nội lực tu hành, dù ở trong chốn thâm sơn cùng cốc, Ðức Phật cũng thân hành giáng lâm chứng minh. Người tu hành nhờ công phu tu tập khó khổ trong một đời dù người thế gian không hay biết, nhưng đức Phật biết, Thánh biết, sự quan tâm của Ngài làm cho giáo pháp Ðức Phật ngày càng trong sáng thêm lên, hội nhập phù hợp từng thế kỷ từng thời đại.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

66. NGÀY THỨ SÁU MƯƠI SÁU:

Thân tướng Ðức Di Lặc

Vấn: - Ðức Di Lặc là vị Bồ tát gần gũi chúng con như đức Quán Thế Âm, mỗi lần đi chùa bất cứ nơi đâu ở Việt nam chúng con cũng nhìn thấy dung nhan của Ngài và đảnh lễ nghiêm túc. Trong pháp môn tu niệm Phật Tịnh độ cũng nói đến hạnh lành của Ngài, chúng con chưa biết nhiều về hành trạng của Bồ tát Di Lặc nhiều, kính mong Sư hoan hỷ giảng giải cho chúng con được sáng tỏ để tu hành?

Ðáp: - Chư Tăng Ni Phật tử Việt nam cũng như chư Tăng Ni, Phật tử các nước Ðông Bắc Á đều tín ngưỡng Ðức Bồ tát Di Lặc; mỗi lần đảnh lễ tôn tượng, mọi người thường niệm Nam mô Ðương Lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật, trong dân gian thường gọi Phật Di Lặc, hơn là gọi Bồ tát Di Lặc, Ông Phật cười, Ông Phật bụng bự, Hòa thượng mang túi vải.v.v..chẳng biết gọi các nào cho đúng. Thật ra thì sự hiện thân của ngài quá nhiều, được sử sách nói nhiều, nhưng chỉ tòan là hạnh lành của Bồ tát, truyền thuyết, dã sử…ngay như tiểu sử ngài Bố đại Hòa thượng (Hòa thượng có mang túi vải) trong sách Từ Bi Âm cũng chỉ nói hiện thân của ngài là Bố đại Hòa thượng? Vậy thì tượng thờ tại chính điện của các chùa có phải là Bố đại Hòa thượng? Vì thánh tượng ngài “thì tay lần chuổi, tay cầm một túi vải”?

Sư sẽ nghiên cứu thật kỷ để giảng giải cho các vị tu hành, mà không còn nghi ngờ nữa!

Trong kinh Phật có câu:

Nhất thế Phật bồ tát, hằng dĩ bi tâm cố, Tùy nhơn tùy thế giới, tùy thời tùy duyên hiện.Thục thục bát vô dư, thế gian vô tận cố…

Nghĩa:
Chư Phật và bồ tát, vì lòng từ bi thương xót chúng sanh cứ chìm đắm mãi trong vòng sanh tử, nên các ngài tùy theo trình độ của mỗi người mỗi thế giới, tùy theo thời tiết nhơn duyên, mà hiện thân giáo hóa chúng sanh được thành thục.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thể theo bổn nguyện hiện thân cõi ta bà, trong khãng 49 năm tùy cơ thuyết giáo. Do nhơn duyên có hạn, cơ cảm có thời, bấy giờ ngài trở về Ta la song thọ là nhập Niết bàn. Nối sau Phật Thích Ca có ngài Di Lặc là một vị Phật bổ xứ, sẽ hiện thân thế giới ta bà giáo hóa chúng sanh.

Di Lặc là tiếng Phạn, Tàu dịch là Từ Thị hay Từ Tôn. Người tu tâm đại từ, ấy là hiệu của Ngài. Tiếng Phạn gọi là A Dật Ða, Tài dịch Vô Năng Thắng, không ai hơn ai đó là tôn hiệu của Ngài (kinh Di Lặc hạ sanh, trang 46).

Nói đến Di Lặc, thấy lòng ta vui vẻ, vì tâm ta tưởng tượng đến hình bóng của Ngài to mập, ngổi chiễm chệ, hai tay chống ngữa về phía sau, bụng lớn phình về phía trước, khuôn mặt nở nang đầy đặn, miệng tươi cười mở rộng, má lúm đồng tiền, tỏ vẻ khoan hòa thương yêu hết thảy muôn loài.

Trong bộ “Song Lâm Phó đại Sĩ ngữ lục hành thế” nói: “về đời Ngũ Quý bên Trung Hoa, ở đất Minh Ba, huyện Phụng Hóa (Châu Minh) có một vị Hòa Thượng lùn béo, bụng to da đen, vẻ mặt nhân từ, thường dùng một cây gậy quảy một túi vải, trong đựng bình bát, hành cước từ thôn quê đến thành thị, khất thực, ai cho bất kỳ vật thực, đồ vật gì cũng đều đưa vào trong túi vải, thấy vậy người đời thường gọi là “Bố Ðại Hòa Thượng”.

“Bố Ðại Hòa Thượng” còn làm nhiều điều lạ thường, người nào được Ông nhận quà cúng dường. Thì người ấy làm ăn phát đạt, may mắc. Gia đình nào được Ông quang lâm đến thì gia đình ấy là ăn thịnh vượng, trên thuận dưới hòa. Ông hay nằm đất nhưng mình không nhơ, hoặc có khi ngồi ngoài mưa, sương tuyết mà không hề ướt áo, khi đương nắng gay gắt mà Ngài bỏ dép guốc thì trời đổ mưa, khi đang mưa mà bỏ dép guốc thì trời sắp nắng.Các vị Tăng khác ai có duyên gặp Ngài hỏi đạo, thì Ngài dạy giúp được tỏ ngộ. Ðến niên hiệu Trinh Minh, mùng Ba tháng Ba, Ngài ngồi trên một tảng đá lớn sau chùa Nhạc Lâm thuyết bài kệ:

Di lặc chơn Di Lặc

Hóa thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhơn

Thời nhơn giai bất thức

Nghĩa:

Ta đây thật Di Lặc

Hóa ra ngàn vạn thân

Thường đứng trước mặt người

Mà người chẳng ai biết

Nói xong bài kệ này ngài liền thị tịch. Từ đó trở về sau người đời cảm động cùng nhau đúc tượng “Bố Ðại Hòa Thượng” để thờ, gọi là tượng Phật Di Lặc

Trong kinh “Bất Thực Nhục” chép rằng:”về đời quá khứ, có Phật ra đời hiệu là Phật Di Lặc, thường thể hiện lòng từ bi mà giáo hóa chúng sanh. Một hôm Ngài nói Kinh Từ tam muội quảng đại bi hải vân, lúc bấy giờ trong nước có Ông Tiên tên là Nhứt Thế Chí Quang Minh, sau khi nghe nói kinh nầy rồi thì ngài luôn luôn thọ trì và phát nguyện rằng:

Nhờ công đức nầy, đời sau tôi

Thành Phật cũng hiệu là Di Lặc

Phát nguyện xong Tiên Nhơn bỏ nhà vào núi tu hành, ít lâu sau gặp năm mất mùa, nhân dân đói thiếu, Ông khất thực không được. Lúc ấy trong rừng có hai mẹ con con thỏ, thấy Ông bảy ngày không có gì để ăn cả, sợ Ông chết, mà giáo pháp không có ai truyền bá, nên mẹ con thỏ kia liền xả thân nhảy vào đống lửa tự thui mình cúng dường. Thọ thần thấy vậy liền đến trước Tiên nhơn bạch rằng:

“Hai mẹ con con thỏ, thấy Ngài không có món ăn, nên đã thiêu mình cúng dường, nay thịt thỏ đã chín, xin ngài nhận cho…”

Tiên Nhơn nghe Thọ thần nói như vậy, hết sức buồn thảm thương xót, Ông liền mang bổn kinh mình thường đọc tụng viết vào lá cây gần đấy và viết thêm bài kệ rằng:

Ninh đản hiện thân phá nhãn nhục

Bất nhẫn hành sát thực chúng sanh

Chư Phật sở thuyết Từ Bi kinh

Bi kinh năng thuyết hành từ giã

Ninh phá cốt thể xuất đầu não

Bất nhẫn đạm nhục, thực chúng sanh

Thử nhơn hành Từ bất mãn túc

Ðương thọ đa bệnh đoàn mạng thân

Mê một sanh tử bất thành Phật

Nghĩa là: Thà tự đốt mình, đâm thủng mắt, Chẳng nỡ giết hại chúng sanh mà ăn thịt. Chư Phật đã nói kinh Từ Bi

Kinh dạy: Những người hay ăn thịt là người tu đức từ không đầy đủ, thà tự bổ đầu moi óc ra, chứ chẳng nở ăn thịt chúng sanh.

Nói kệ xong, Ông phát nguyện:

“Tôi nguyện đời đời không nghĩ tưởng sát sanh, không an thịt chúng sanh, cho đến kgi thành Phật, sẽ chế giới đoạn nhục”.

Nguyện xong, Tiên Nhơn cũng chui vào trong đống lửa theo cùng hai mẹ con con thỏ! Bỗng hào quang từ trong đống lửa chiếu khắp một phía trời, người đời thấy vậy theo hào quang ấy tiến đến xem thì chỉ thấy một thân người và hai con thỏ đã chết nằm trong lửa; trông xung quanh thấy trên lá cây có viết một quyển kinh và một bài kệ, họ liền bảo nhau đem về dâng cho nhà vua và tâu hết công chuyện họ vừa thấy. Vua bèn truyền một vị Ðại thần đem ra tuyên đọc cho mọi người nghe. Ai nấy đều phát đạo tâm vô thượng chính đẳng, chính giác.

Khi giảng đến đây, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Ông Thức Can rằng:”Bạch thỏ vương trước kia tức là ta ngày nay, còn thỏ con khi đó, nay là La Hầu La, vị tiên nhơn lúc ấy nay là Di Lặc Bồ tát vậy…” (kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật, trang 50)

Ðức Di Lặc có nhiều hiện thân hóa độ chúng sanh, trong đó có hai thân, một là thân ở Song Lâm thì có tên là Phó Ðại Sĩ; một ở Nhạc Lâm thì có tên là “Bố Ðại Hòa Thượng”. Tôn tượng thờ Ðức Di Lặc Từ Tôn được người đời sau trong Ðạo Phật tưởng nhớ công hạnh, tấm lòng từ cao cả, điêu khắc thờ theo hình dáng Ngài “Bố Ðại Hòa Thượng”.

Còn ngày giờ lễ vía theo kinh “Di Lặc thượng sanh”, trang 51 Ðức Phật Thích Ca nói kinh nầy đến 12 năm, nhằm ngày rằm tháng hai thì Ngài Di Lặc Bồ tát về nước Ba la nại là chổ bổn sanh, ngồi nhập diệt. Nhưng ngày giờ đản sinh thì chưa có. Có phải còn 16.800 năm nữa Ngài mới đản sinh chăng? Nếu chưa đản sinh thì làm gì có nhập diệt?

Tuy nhiên sử Phật, Bồ tát, Thinh văn thật là mênh mông, việc Phật sự cũng có đôi khi phải tùy theo tiền lệ mà làm. Theo lời huyền ký trong kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật, nói về Ðức Di Lặc và Hội Long Hoa như sau:

“…đến khi Phật Thích Ca ra đời, thì ngài Di Lặc Bồ tát lại giáng sanh trong nhà của một vị Bà la môn, tên là Ba Bà Lợi, ở Nam Thiên Trúc vào ngày mùng Một tháng Giêng. Họ ngài là A Ðật Ða (không ai hơn). Tên của ngài là di Lặc (Từ Thị). Tên họ nầy tiêu biểu lòng từ bi, hỷ xả vô lượng vô biên của ngài. Từ bao nhiêu kiếp cho đến thành Phật, ngài cũng vẫn có danh hiệu là Di Lặc.

Về sau nhờ Ðức Thích tôn dạy tu Duy thức quán, ngài quán sát các pháp đều do thức tâm biến hiện, không có một vật nào chơn thật, thấu rõ được lý “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Vì ngài nhận thấy cảnh giàu sang, phú quý danh vọng quyền tước.v.v..đều như bóng trong gương, như trăng dưới nước, do thức tâm biến hiện, nên ngài dẹp trừ được vọng tưởng si mê về giả cảnh, chuyển tánh “biến kế sở chấp” trên “y tha khởi”, trở lại làm tánh “viên thành thật”. Vì thế nên đức Phật thọ ký cho ngài về sau sẽ làm Phật hiệu là di Lặc và được bổ xứ giáo hóa ở thế giới ta bà nầy…”

Một thuyết khác, nói về Ðức Di Lặc giáng sanh: “…Ngài Di Lặc Bồ tát, hiện nay ở nội viện Thiên cung cõi trờ Ðâu suất, đợi đến thế giới nầy hế kiếp giảm thứ chín, qua kiếp tăng thứ mười, trong lúc nhơn lọai hưởng thọ được trên tám vạn tuổi. Khi bấy giờ thời cơ đã đến, nhơn duyên hóa độ đầy đủ, ngài Di Lặc từ nội viện thiên cung trời Ðâu sấut, giáng sanh xuống cõi diêm phù đề nầy, tại nước Ba la nại, trong nhà của một vị Ba la môn, tân là Tu phạm ma, thân mẫu là Bà Phạm ma bạt đề, nhằm đời vua Chuyển luân Thánh vương. Thân phụ ngài thật trí tuệ thông minh bậc nhứt, được vua Chuyển luân Thánh vương phong cho chức Quốc sư. Còn thân mẫu ngài là dòng sát đế lợi, nhan sắc tuyệt vời, tánh tình hòa nhã, đức độ hiền từ. Từ khi ngài giáng sinh rồi, trải qua một thời gian đến lúc trưởng thành. Ngài quán sát thấy tất cả chúng sanh trong tam giới, đều bị cảnh ngũ dục lôi kéo, nên bị đắm chìm trong biển sanh tử, rất đáng thương xót! Ngào liền phát đại nguyện tìm phương pháp cứu vớt hết tảy chúng sanh thoát vòng khổ não.

Ngài liền xin phép song thân đi xuất gia tu hành. Rồi ngài đến ngồi dưới gốc cây Long hoa. Cây nầy cành lá sum sê và cao lớn, che phủ tứ phía như cây Bồ đề của đức Phật Thích ca. ngài ngồi thiền định, biết hết thảy các pháp đều sanh diệt vô thường. Ngài dùng Kim Cang trí, trừ sạch hết vi tế vô minh chứng đạo bô thượng bồ đề. Lúc bấy giờ ngài đến núi Kê túc để nhận lãnh y bát của Ðức Phật Thích ca, do ngài Ma ha Ca diếp cất giữ để truyền lại.

Lãnh y bát xong, đức Di Lặc tán thán Phật Thích ca ở đời ngũ trược ác thế, mà đã từng giáo hóa độ vô số chúng sanh. Ngài lại tán thán ông Ma ha Ca diếp là bậc tinh tấn tu hành thứ nhứt và đã cảm hóa rất nhiều chúng sanh phát tâm bồ đề.

Ðức Di Lặc thuyết pháp độ sanh dưới cây Long hoa chia làm ba hội: hội thứ nhứt độ được chín mươi sáu ức người thành a la hán, hội thứ hai độ được chín mươi bốn ức người thành A la hán, hội thứ ba độ được chín mươi hai ức người thành a la hán, thế nên gọi là “Long hoa tam hội”.
Sau khi ngài Di Lặc nhập diệt, chư thiên và các vị chuyển luân thánh vương thỉnh xá lợi ngàu xây 81.000 bảo tháp cùng khắp trong thiên hạ để thờ (kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật, nói về Ðức Di Lặc và Hội Long Hoa, của Tâm Chính, trang 56)

Do vậy, trong giới thiền lâm xưa nay chư Tôn đức Tăng Ni Trụ trì thường cử hành lễ vía Ngài Di Lặc Tôn Phật vào ngày mùng Một tháng Giêng theo thuyết trên.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.