Tịnh độ
Một Trăm Ngày Niệm Phật & Một Trăm Bài Pháp (Trọn bộ)
Thích Giác Quang
16/11/2554 09:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


CHƯƠNG THỨ NĂM

10. NGÀY THỨ MƯỜI:

Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật

(Tông chỉ Tịnh Độ Non Bồng)

Bạch Sư! Xin Sư giảng giải về pháp tu niệm Phật của Tịnh độ tông: “Bá Nhựt trì danh hiệu Phật”. Trong quá trình niệm Phật chúng con muốn được hiểu rõ ràng về pháp môn tu của Tịnh Độ Non Bồng?

Đức tôn sư khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, để làm phương tiện cho đại chúng tinh chuyên niệm Phật, dùng yếu chỉ Tịnh Độ làm tâm tông độ chúng, không lập phái để quản chúng, không dùng giáo quyền để hành đạo, lấy xương minh Tịnh Độ làm cương lĩnh, dùng pháp môn tu tứ nhiếp pháp và ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà giáo chúng.

Quá trình khai đạo tại Non Bồng, Đức Tôn Sư thường xuyên khai thị pháp môn Lễ bái niệm Phật, phát nguyện niệm Phật, Kinh Hành niệm Phật, sám hối ba tháng không nhàm trể, trú dạ lục thời tụng kinh không để mất…

Kinh hành niệm Phật trong pháp Bá Nhựt Trì Danh theo kinh Bát Chu Tam Muội: "…mỗi bước chân trái niệm NAM… bước chân phải niệm MÔ… bước chân trái niệm A… bước chân phải niệm DI… bước chân trái niệm ĐÀ… bước chân phải niệm PHẬT… Cứ như thế mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi… Đến ba mươi phút kế tiếp các liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” – rồi đến ba mươi phút kế tiếp lại quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao!) và 30 phút sau cùng, trong đó 15 phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn mười lăm phút cuối chuẩn bị thay đổi người niệm Phật trong hai giờ kế tiếp… Theo phép niệm Phật thì dù đi kinh hành hay đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm, âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẽ oai vệ như “voi chúa” trong mỗi tâm niệm người con Phật đang tham dự khóa tu.

Người dự niệm Phật bao giờ cũng phải chấp tay, gọi là hiệp chưởng, là phong cách chính của người Phật Tử, cũng là tính cách đặc biệt của người Phật giáo. Theo phong cách hiệp chưởng của Tịnh Độ Non Bồng thì “hai ngón tay cái xếp lên nhau” ngón cái phải hay ngón cái trái xếp lên nhau đều được; đấy là phong cách riêng của người Phật Tử Non Bồng biểu hiện: ”một niềm tin vững vàng, không lùi bước”, trước những trở ngại khó khăn gian khổ.

Suốt thời gian ba tháng mười ngày chư Tăng Ni, Phật tử tề tựu luân phiên niệm Phật ngày đêm “hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ”. Khóa tu “Bá nhựt trì danh hiệu Phật” của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thường thì được khai mạc vào lúc 21 giờ ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hằng năm, đến 21 giờ, ngày 17 tháng 11 âm lịch lễ vía Phật A Di Đà thì mãn khóa tu, tức là đúng 100 ngày, nên gọi “Bá nhựt Trì Danh niệm Phật”.

“Bá Nhựt Trì Danh niêm Phật” là phương pháp niệm thể theo lời Phật dạy cho Ngài Bồ Tát Hiền Hộ, trong Kinh Bát Chu Tam Muội. Phật dạy như sau:”Nầy Hiền Hộ! Có bốn pháp thành tựu niệm Phật Tam Muội Hiện Tiền: một là không có tư tưởng chúng sanh dù trong khoảnh khắc – hai là thức trọn ba tháng không ngủ, dù là tạm thời đôi chút – ba là kinh hành niệm Phật trọn ba tháng – bốn là trong lúc ăn, bố thí pháp không mong danh lợi, không mong đáp ơn…”. Bốn pháp nầy nếu người tu thành tựu, sẽ đắc Tam Muội Hiện Tiền (kinh Bát Chu Tam Muội, quyển 2, phẩm 3, Tam Muội Hành, trang 113, bản dịch Minh Lễ, phát hành năm 1968 - HT Giác Quang thuyết giảng tại Quan Am Tu Viện năm 2003).

Xuất phát từ lời Phật dạy trên, ngày xưa năm 1935 Ban Giám Đốc Thích Học Đường Lưỡng Xuyên Phật Học, Trà Vinh, do Trưởng lão thượng Khánh hạ Hòa làm Đốc Học Sư Trường Phật Học, Trưởng lão thượng Khánh hạ Anh làm Pháp Sư - Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Viện Chủ Chùa Chánh Giác, Gia Định và một số Tự Viện có đại chúng tu học đông đã có tổ chức cho chư Tăng Ni, Phật Tử thực hành pháp “Kinh hành Niệm Phật Bát Chu hiện tiền”, tức “khóa tu bá nhựt trì danh niệm Phật”.

Đến năm 1957, sau khi khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, theo lời thỉnh cầu của Chư Tăng Ni trong tông phong, quý chư Tăng đệ tử của Đức Đại lão Hòa Thượng Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh, quý vị cựu Tăng sinh Phật Học Viện Lưỡng Xuyên, Hòa Thượng Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước lần đầu tiên tổ chức khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật” tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Bồng Lai (Non Bồng) theo cách thức “kinh hành niệm Phật”. Nhưng có chế tác đi, đứng, ngồi, quỳ… bố trí sắp xếp chư Tăng Ni, Phật Tử luân phiên niệm Phật suốt 14 tuần lễ và 48 tiếng đồng hồ, tức 100 ngày.

Phương pháp niệm danh hiệu Phật A Di Đà nầy có thể dẫn tâm hành giả đến “nhất tâm bất loạn”, người phước mỏng nghiệp dầy, chướng sâu tội nặng, nếu tinh chuyên thì cũng có thể chứng được, bất niệm tự niệm, vãng sanh Tây phương Cực lạc.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

11. NGÀY THỨ MƯỜI MỘT:

Đạo tràng niệm Phật là thuyết pháp

Bạch sư! Có người hỏi, Nhứt Nguyên Bửu Tự tổ chức niệm Phật không có tổ chức thuyết pháp, có thể gặp trở ngại trong phương pháp truyền thừa? Xin Sư chỉ dạy cho chúng con được rõ? Sinh họat khóa niệm Phật ở Nhứt Nguyên ngày càng lớn lên, đạt đỉnh điểm tầm vóc quy mô, người người đến đăng ký niệm Phật đông dầy, ngày đêm không dứt, chư Tăng Ni khắp các địa phương đến đăng ký niệm Phật và chấp hành đúng quy trình của bổn tự. Nam nữ Phật tử khắp mười phương đến niệm Phật như mùa trẩy hội, không cần phải mời gọi, nhắn gởi thư từ… Nhiều nơi tổ chức niệm Phật, không có quy định thời gian lâu dài như ở đây, tối đa là bảy ngày và mỗi ngày chỉ niệm có mười hai tiếng đồng hồ rồi ai nấy về nhà nghỉ, nhưng có điểm đặc biệt là nghiên về nghệ thuật âm nhạc, thư giản và có tổ chức thuyết pháp cho Phật tử vừa tu vừa học, còn ở đây thì không, xin Ngài giảng giải?

* Khóa niệm Phật Nhứt Nguyên Bửu Tự là do Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước và Ni Trưởng Huệ Giác sáng Tổ, dành cho người có tâm tu hành, tâm cầu đạo (thức tĩnh), tâm muốn thoát tục, có ý thức tu hành (giác ngộ)… những hạng người nầy không ít trong xã hội, nên mọi người đến đây không phải để dòm ngó, xem chừng, mà mọi người đến đây vì để “cầu đạo” niệm Phật, không còn nghĩ suy gì nữa.

* Niệm Phật thì niệm Phật, nghe pháp thì nghe pháp - niệm Phật là một hạnh, nghe pháp là một hạnh – tổ chức khóa tu niệm Phật thì không tổ chức thuyết pháp – tổ chức thuyết pháp thì không tổ chức niệm Phật – theo Kinh nghĩa đại thừa của Phật thì niệm Phật là tu, mà nghe pháp cũng là tu, mà tu chính là sữa đổi, làm mới lại những lối mòn xưa cũ, kiến tạo môi trường sống đạo, thay xấu thành tốt, thay lành bỏ dữ, thay đổi cái chưa tốt thành tốt tòan diện, thay những cố chấp thành phá chấp..để đi đến thiện mỹ… đã nói là tu hành thì phải hướng đến “nhứt hạnh tam muội”, nhứt hạnh là không tạp hạnh, không có nhiều hạnh xen vào, mà tạp hạnh thì khó tập trung, không tập trung được thì làm gì có tam muội (định), không định thì sanh tạp niệm, tức là không niệm chi cả, không còn chánh niệm nữa rồi. Thế nào là Nhứt Hạnh tam muội?

Trong kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Ngài Văn Thù Sư Lợi là bậc đại trí tối tôn tối thượng hỏi Phật “Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là tam muội Nhứt Hạnh? – Phật dạy: “Pháp giới nhứt tướng, chăm chú theo dõi (niệm danh hiệu Phật là đề mục giữ chánh niệm) gọi là tam muội Nhứt Hạnh...

…Đức Phật nói tiếp: “Thiện nam thiện nữ nào muốn thể nhập tam muội Nhứt Hạnh nên ở chổ thanh vắng, xả bỏ những ý nghĩ lọan động không giữ lại bóng dáng ngoại cảnh, nhiếp tâm chuyên nhứt hướng về Đức Phật một lòng xưng danh hiệu Phật, tùy theo phương hướng đức Phật mình xưng danh đang ngự ngồi ngay ngắn lại mặt hướng về phương đó, nếu chuyên chú theo dõi nơi một niệm, niệm được liên tục tức trong niệm đó có thể thấy các Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại… thành tựu niệm Phật”. (Niệm Phật Viên Đốn, trang 50,51, bản dịch Minh Lễ, PL 2512)

Thầy Tổ xưa đã giáo hóa cho Tăng Ni Phật tử tập trung “tinh chuyên niệm Phật”, niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”, đi kinh hành niệm Phật, đứng, ngồi, quỳ niệm Phật, suốt hai mươi bốn giờ, mỗi chúng đăng lâm niệm một giờ bốn mươi lăm phút, rồi thay chúng khác cứ như thế suốt một trăm ngày, không hạnh nào xen tạp (tư huệ), cũng là việc khó làm, mà Thầy Tổ đã dạy Tăng Ni, Phật Tử thực hành, thực hành được thì thành tựu niệm Phật (tu huệ)

Nói về hạnh tu “nghe thuyết pháp” cũng là hạnh lành gia cố cho người phát tâm tu Phật (văn huệ). Trong sách nhan đề:”Tiến trình tu chứng và thực nghiệm của tác giả Người Mây Trắng, trang 112 nói: “…ở Nhứt nguyên tổ chức niệm Phật, nhưng không tổ chức thuyết pháp…” – Thật ra không phải là không tổ chức thuyết pháp, chỉ vì nơi đây là trú xứ “niệm Phật” dành cho các liên hữu từ khắp bốn phương đến tĩnh tu tịnh niệm… vì mọi người muốn thực hành (tu huệ), còn nghe pháp (văn huệ) thì các vị đã nghe rồi, học rồi, vì có học mới biết, nên mới phát tâm đến đây để thực hành niệm Phật. Việc thực hành niệm Phật của Tăng Ni, Phật Tử không khác lời dạy của Phật trong Kinh Văn Thù Sở Thuyết Bát nhã Ba La Mật, trang 51: “..trước khi niệm Phật, nên nghe pháp Bát Nhã Ba La Mật, rồi sau mối đăng lâm đạo tràng niệm Phật…”.

Nghe pháp là gia hạnh niệm Phật (trí)

Thực hành là tinh chuyên niệm Phật (hạnh)

* Trường hợp chư Liên hữu đang tham dự niệm Phật, muốn nghe thuyết pháp, sẽ được giới thiệu về tại Quan Am Tu Viện – Biên Hòa, vào mỗi nữa tháng, lúc nào cũng rơi vào ngày chủ nhật để học Phật pháp và giáo lý Phật học. Quý vị sẽ được nghe kinh từ tám giờ ba mươi phút sáng đến mười giờ ba mươi phút sau đó “thọ thực kinh hành niệm Phật” rồi trở về Chùa Nhứt Nguyên niệm Phật cũng được.

Nghe Sư dạy đến đây tôi thấy lòng mình an lạc lắm, có lẽ từ lực Bồ tát độ trì tôi, nên thấy mạnh mẽ thêm lên, vang vọng đâu đây tiếng pháp lành của Thầy Tổ dạy: “các vị tinh chuyên Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh bất thối chuyển”.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

12. NGÀY THỨ MƯỜI HAI:

Niệm Phật thích nghi với các bạn trẻ

Bạch Sư! Chúng con thường nghe một vài tín đồ bảo là pháp môn niệm Phật ít phù hợp với tuổi trẻ, các gia đình trẻ. Các gia đình trẻ thì thích tu thiền, theo Sư tu thiền hay tịnh có lợi ích ngang nhau không? Pháp nào dành cho tuổi trẻ phù hợp nhất?

Theo giáo pháp Phật, thì pháp môn nào cũng phù hợp với mọi căn cơ trình độ chúng sanh, không có vấn đề pháp môn Thiền phù hợp với tuổi trẻ, Tịnh Độ không phù hợp với tuổi trẻ, hay ngược lại; các pháp môn tu của Phật đều có khế cơ và khế lý, được áp dụng tùy hoàn cảnh người tín tâm mà thực hành, nên không có vấn đề hợp hay không hợp.

Sau đây, chúng tôi xin trích một câu chuyện một gia đình trẻ đi tu theo pháp môn “Bá nhựt trì danh hiệu Phật” của Cư sĩ Thiện Lạc để các bạn tiện đọc và suy gẩm (trích trong sách Trọn Một Niềm Tin, của HT Giác Quang)…

Gia đình Thanh An là Phật Tử truyền thống kính tin Tam Bảo, gia đình bạn có hai cháu: cháu trai là Minh, cháu gái là Tuệ rất ngoan, biết vâng lời Bố Mẹ, học giỏi, siêng năng. Cháu Minh học lớp Ba, cháu Tuệ học lớp Một. Nhà tôi ở gần nhà Thanh An; được biết Thanh An làm việc tại Phòng Văn Hóa của một Thị trấn quê nhà, vợ Thanh An làm Hiệu Trưởng kiêm luôn Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Hướng Dương. Đồng lương hằng tháng vợ chồng thu hoạch ở mức độ trung bình - Đối với một gia đình hạng sang thì không đủ chi dụng, nhưng với gia đình trung lưu như Thanh An thì đủ ăn và dưỡng nuôi hai cháu đi học trong thời gian các cháu còn học ở Trung học. Song nếu tính đến tương lai, khi lên Đại học, thì gia đình Thanh An chỉ tạm đủ để bảo đãm cho các cháu trở thành sinh viên.

Nói gì thì nói, hiện tại tôi biết gia đình bên đó sung túc, các cháu rất yên tâm đi học và vui sống hạnh phúc trong tầm tay Bố Mẹ đỡ nâng.

Chiều nay thứ Bảy, nhằm vào mùa Trung thu, cũng là mùa có khai mở khóa niệm Phật ở Nhứt Nguyên Bửu Tự (nghe nói chư Tăng Ni, Phật Tử đã quen gọi thời gian nầy là: “mùa niệm Phật”). Tôi có dịp đi cùng bạn và gia đình đến Chùa đăng ký dự vào đoàn niệm Phật.

Tôi và Thanh An được bố trí kinh hành niệm Phật từ 18 giờ đến 20 giờ, tôi vui thích lắm, rất hân hạnh được quý Sư Thầy cho nhập chúng niệm Phật!

Đúng giờ, chúng tôi xin phép quý Sư Thầy vào Chính điện lễ Phật, dự vào hàng đại chúng niệm Phật. Đại chúng gồm một đoàn người khoãng 90 vị nam nữ Phật Tử (xếp thành ba vòng tròn, đi kinh hành niệm Phật), thêm vợ chồng Thanh An và tôi nữa là 93 vị, được bốn vị Sư hướng dẫn đi kinh hành, cộng là 97 vị. Còn cháu Minh và Tuệ được Bố Mẹ sắp xếp ngồi cạnh Đại hồng chung, gần chị Phật Tử đang vừa niệm Phật, vừa đóng Đại hồng chung. Với những âm thanh nhặt khoan của Đại hồng chung ngân vang nghe lạ tai, gây chú ý cho Minh,Tuệ thật thú vị vô cùng. Minh,Tuệ cũng rất dạn dĩ, hoan hỷ khi nhìn Bố Mẹ hòa nhịp vào dòng người “vừa đi vừa chấp tay niệm Phật”, cảm tình với Chị Tâm, một Phật Tử trẻ trung đang ngồi đóng Đại hồng chung; các cháu rất ưng dạ vui lòng, cảm thấy gần gũi và chấp nhận được.

Sau ba mươi phút đầu kinh hành niệm Phật: chúng tôi thực hành đi chầm chậm đúng theo lời chỉ dạy của đoàn người tu trước: …mỗi bước chân trái niệm NAM… bước chân phải niệm MÔ… bước chân trái niệm A… bước chân phải niệm DI… bước chân trái niệm ĐÀ… bước chân phải niệm PHẬT… Cứ như thế và với dáng vẻ đoan trang, nghiêm nghị, mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi… Đến ba mươi phút kế tiếp các liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thật trong trẻo, thanh thoát vô cùng; rồi đến ba mươi phút kế tiếp lại quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao!) và ba mươi phút sau cùng, trong đó mươi lăm phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn mười lăm phút cuối chuẩn bị thay đổi đoàn người niệm Phật trong hai giờ kế tiếp… Phép niệm Phật ở đây dù đi kinh hành, đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm, âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo tràng lam, nâu, chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẽ oai vệ như “voi chúa” trong mỗi người con Phật đang tham dự khóa tu.

Người dự niệm Phật bao giờ cũng phải chấp tay, gọi là “hiệp chưởng”, hiệp chưởng là phong cách chính của người Phật Tử, cũng là tính cách đặc biệt của người Phật giáo. Theo phong cách hiệp chưởng của Tịnh Độ Non Bồng thì “hai ngón tay cái xếp lên nhau”, ngón cái nào xếp lên nhau cũng được, đấy là phong cách riêng của người Phật Tử Tịnh Độ Non Bồng, biểu hiện:”một niềm tin vững vàng, không lùi bước”, trước những trở ngại khó khăn gian khổ.

Theo lời của quý Sư trong Ban tổ chức, chúng tôi được biết: suốt một tuần lễ từ thứ hai đến thứ sáu thì chỉ có chư Tăng Ni, chư vị nam nữ Phật Tử lớn tuổi, những bậc cha mẹ rảnh rang việc nhà, nên đăng ký ở lại Chùa suốt thời gian ba tháng mười ngày cùng nhau luân phiên niệm Phật ngày đêm “hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ”. Riêng ngày thứ Bảy, Chủ Nhật thì số người niệm Phật đông dầy, nhất là ngày và đêm Chủ Nhật có khi lên đến hằng năm trăm, sáu trăm vị. Về việc ăn uống hằng ngày, có các Đạo tràng Phật Tử của các Tự Viện, Tịnh xá, Tịnh thất trong tông phong Non bồng, cũng như các Nhà hảo tâm, Nhà mạnh thường quân thường xuyên ủng hộ cúng dường, nên phần lương thực, thực phẩm không bao giờ thiếu.

Vợ chồng Thanh An, sau khi mãn thời niệm Phật đến hướng dẫn hai con vào trước Tam Bảo đảnh lễ Phật, sau đó được mời về phòng khách giải lao. Cháu Minh,Tuệ được quý Sư Cô thương mến, nhận được nhiều tiếng khen và được thưởng hai phần bánh trung thu vừa ý; còn Bố Mẹ thì hầu chuyện vui vẻ với quý Sư… Vợ chồng Thanh An và các cháu Minh,Tuệ ra về vào lúc 21 giờ 40.

Tôi là một công nhân viên của Trung tâm Tin học, cũng là Phật Tử mới quy y còn chập chững lắm, không thuần thục bằng gia đình Thanh An! Cũng phải học từng bước từng bước, cũng như phải học đi kinh hành từng bước theo dòng người niệm Phật bước đi cho đến khi hết giờ. Bước kinh hành của vợ chồng Thanh An thì vững vàng, còn bước kinh hành của tôi thật là lạng quạng, có lúc muốn té qua té lại, nghĩ lại cũng hơi ngại, thật mắc cười!

Khóa tu “Bá nhựt trì danh hiệu Phật” tại Nhứt Nguyên Bửu Tự được tổ chức với thời gian ba tháng mười ngày, và theo truyền thống thì khóa tu được khai mạc vào lúc hai mươi mốt giờ ngày mùng tám tháng tám âm lịch hằng năm. Chư Liên hữu Tăng Ni, Phật Tử đến tham dự vào hàng “thánh chúng tinh chuyên niệm Phật” đến ngày mười bảy tháng mười một âm lịch lễ vía Phật A Di Đà thì bế mạc mãn khóa, tức là đúng một trăm ngày, nên gọi “Bá nhựt Trì Danh hiệu Phật”.

Phương pháp niệm danh hiệu Phật A Di Đà nầy có thể dẫn tâm hành giả đến “nhất tâm bất loạn”, người phước mõng nghiệp dầy, chướng sâu tội nặng, nếu tinh chuyên thì cũng có thể chứng được “vô niệm tự niệm”. Pháp môn niệm Phật cũng rất phù hợp với tuổi trẻ, kể cả tuổi già, trung niên; nói chung pháp Phật thì phù hợp với ba căn, phù hợp với người già, người trẻ.Người biết phát tâm đến với Phật pháp thì gặp pháp nào cũng tu được, người không kỳ thị pháp môn mới là Phật tử chân chính, mà cũng chính là nguồn hạnh phúc vô biên của những người con Phật.

Phật giáo với tuổi trẻ và sự thành đạt:

Nhân bài pháp “Niệm Phật thích nghi với tuổi trẻ” Sư muốn nói thêm đến quý liên hữu về tuổi trẻ với Đạo Phật và sự thành đạt khi các bạn hữu duyên lành trở thành người đệ tử đức Phật và danh dự làm người Phật tử.

Chào các bạn! Trước nhất chúng tôi chân thành gởi tới các bạn lời chào thân ái trong niềm tin Phật Pháp, niềm hoan hỷ tin yêu cùng sống chung trong ngôi nhà giáo pháp Đức Phật (trích trong sách Trọn Một Niềm Tin, Hạnh Niệm Phật của HT Giác Quang)

1/ Nhận định tình hình thực tế:

Trong giai đọan tòan cầu hóa, nền văn minh của khoa học đã lộ dần sự tiến hóa đúng theo quy luật sanh, trụ, dị, diệt, nhiều vấn để đặt ra cho giới trẻ của Đạo Phật có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, môi trường… cần có những định hướng giác ngộ mà giáo lý vị tha vô ngã theo giáo nghĩa đại thừa đã nêu. Trong cuộc sống người con Phật phải có sự “kiên quyết huân tu, tìm cầu an lạc” để đạt quả vị hiện tại và tương lai, cũng như trên bước đăng trình trưởng dưỡng tri thức mưu cầu thoát nẽo vô minh, chắc chắn bạn sẽ đạt được đạo quả. Khi đã thành công trong cuộc sống thì sự đóng góp cho cộng đồng sẽ đạt hiệu quả và đem lại cho bạn một lẽ sống trong môi trường tốt về đạo đức tâm linh.

Đó là những vấn đề mà các bạn và chúng tôi thường quan tâm.

2/ Phát huy tri thức:

Trong thời điểm Đức Phật tại thế, cuộc sống xã hội loài người còn giản đơn, mà biết bao vấn đề như lạc hậu, nghèo nàn, giai cấp, tranh chấp, phân quyền, áp bức… cần phải giải quyết. Trong khi chỉ có một quan điểm duy nhất là phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp phát huy tri thức “tứ diệu đề” và “đạo bát chánh”; đồng thời theo giáo pháp Đức Phật chính con người sẽ là “chủ nhân ông” giải quyết thành tựu tất cả mọi vấn đề. Sự phát huy về tri thức đã từng giúp cho con người “những người đệ tử Phật”, thành tựu Phật đạo, xóa tan giai cấp, mọi người sống bình đẳng an lạc trong Tăng đòan. Thời đại ngày nay lòai người biết phát huy cuộc sống và biết phát triển mọi vấn đề tương quan trong cuộc sống, nhưng lại có phần lãng quên và dẫn đến suy thoái, băng họai về mặt đạo đức; thường thì giới trẻ khi bước chân vào đời khó tìm nơi nương tựa, không có chổ nương thân, tạo điều kiện chỉ biết có bản thân, nên không có niềm tin hay thiếu niềm tin, hay chính tự họ đánh mất niềm tin, mọi sự “xu bồ”, “sát phạt lẫn nhau” đang diễn ra trên khắp hành tinh.

Vậy con người muốn đứng vững trước những tham sân si, phong ba bão táp, trước những môi trường khí hậu đang bị xâm phạm, thường xuyên xảy ra những hiệu ứng nhà kín khói bụi mịt mờ, băng tan, nước dâng, hơi nóng bùng phát, trái đất giận dữ tạo nên những hiện tượng sóng thần, núi lửa, đem bom đạn giết hại lẫn nhau không thương tiếc… các bạn nên tìm cầu tu học Phật Pháp, nép mình vào chơn lý của Đức Phật, chọn cho mình một hướng đi đích thực, trưởng dưỡng phần tri thức nội tâm, làm lại những gì đã mất.

Đạo đức của Đức Phật được phổ cập trong đời, sự tín ngưỡng về Đức Phật sẽ có mặt trong tình cảm thầy trò, bạn bè, vợ chồng, cha con, tư cách làm người… Theo đạo đức Phật giáo thì sự sinh họat của con người thường thì được chia thành hai phần tâm linh và hình thức, chúng ta tạm chia thành bốn nhóm:

1/ Tâm từ bi – tướng hảo quang minh

2/ Tâm từ bi – tướng bất hảo

3/ Tâm bất lương – tướng hảo

4/ Tâm bất lương – tướng bất hảo

Nếu bạn ở nhóm một thì thật tuyệt vời, nhóm hai cũng rất tốt, nhưng nhóm ba và bốn thì nên tinh tấn tu học để chuyển nghiệp, khi tinh tấn tu học Phật thì trí tuệ sẽ phát sinh, cuộc đời thay đổi và mọi việc lành sẽ đến với các bạn. Trong giai đọan hiện nay, xã hội hay đánh giá con người qua hình thức giàu nghèo, có học vị, có tiền của, có quyền thế… nhưng tâm thì không tốt, không biết hướng thiện thì chỉ được đánh giá là những tấn tuồng đang diễn trên một “sân khấu ảo”, sau bức màn vô minh liên tục được kéo lên và các kịch sĩ trình diễn một màn “quên lãng”. Do đó mà các bậc minh sư đạo cao đức trọng thường thuyết pháp hướng thiện mọi người “thấy biết lẽ chánh, tìm nguyên nhân khổ và thoát khổ” vượt ra ngoài cương tỏa của “sân khấu ảo”, hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ tình thương yêu đồng lọai… Cho thấy sự truyền trao đạo lý của nhà Phật từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, chuyển dịch theo không gian và thời gian luôn có lợi ích thiết thực, nhằm giúp cho họ an trú trong chánh pháp.

3/ Chọn pháp tu:

Chắc chắn rằng, khi mang thân người, phải trải qua nhiều thử thách, nên cần phải nuôi chí lớn, gần gủi chư Tăng Ni quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm, chọn pháp tu “Thập thiện,Tứ nhiếp pháp”, thường xuyên đến chùa “niệm Phật,yên lặng” hay “thực tập thiền tụng” các pháp nầy rất cần thiết giúp bạn đạt đến cực điểm an lạc, sự an lạc chỉ xuất hiện khi sự thực tu thực học có mặt trong cuộc sống. Người Phật tử phải tinh tiến tu hành, vượt lên trên chính mình và tự giác mưu cầu hạnh phúc, từ đó khi gặp việc không vừa lòng xứng ý, phiền não sẽ không xuất hiện. Nghiệp báo sẽ không còn trói buộc kéo lê tấm thân khổ đau trong miên viễn. Đấy là chúng ta đã chọn đúng pháp môn giải thoát sanh tử, nghiệp báo luân hồi.

4/ Giải quyết một vài vần đề:

* Với tứ ân:

Khi bạn đã quy y Tam Bảo thọ trì ngũ giới cấm, bạn là người có trình độ học vấn, việc làm ổn định, hạnh phúc trong hôn nhân, cần có sự hiếu thảo với mẹ cha, tôn kính Thầy học đạo, là bạn tốt với quần chúng, bảo vệ quê hương, hộ quốc an dân thì bạn sẽ được chào đón một tương lai huy hòang rực rỡ.

* Công danh và thành đạt:

Đạo Phật là đạo giải thoát, người thực hiện tiêu chí giải thoát là chư tôn đức Tăng Ni, cư gia là những người nối gót, hổ trợ cho chư Tôn Đức Tăng Ni, nên rất có những lực tu hành theo tiêu chuẩn Tam quy ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Thập thiện giới… Ngòai việc trong Đạo các vị Phật tử trẻ hôm nay cần phát huy công danh sự nghiệp cho vững vàng, dù học ít hay nhiều, nhưng các bạn phải chọn cho mình một sự nghiệp vững chắc để được thành đạt.

Các bạn là những bức thành trì kiên cố bảo vệ chánh pháp, trách nhiệm của các bạn phải thành đạt sự nghiệp, thành tựu vai trò cư gia mới xứng danh là “rường cột” và có cơ sở bảo vệ chánh pháp.

* Người con Phật cũng biết làm giàu:

Hãy làm giàu hợp pháp, chân chính, không chỉ vì ham giàu mà làm việc phi pháp, quả báo liền đến cắt đứt tương lai các bạn. Là Phật tử bạn biết cách làm giàu cho bản thân và gia đình, thì cũng phải biết cách làm giàu cho xã hội quần chúng, chính đấy là bốn mươi tám lời nguyện của Đức Phật A Di Đà đã phát thệ nguyện “xây dựng thế giới an vui cho chúng sanh” trong kinh Vô Lượng Thọ. Mình thoát nghèo, dốt nát làm cho mọi người thoát nghèo, dốt nát chính đó là tiêu chí giải thoát tòan diện, y báo và chánh báo của thế giới Tây phương Cực Lạc xuất hiện trước mắt bạn và mọi người.

* Kiến thức và học vị:

Ở vào thời trung cổ, là thời gian văn minh vật chất khoa học chưa cao, sự đòi hỏi cho nhu cầu cuộc sống chưa có, tri thức con nguời còn nguyên vẹn, thiên tài kiến thức hay xuất hiện giải quyết thành tựu mọi vấn đề nhưng học không cao. Ơ thế kỷ 21 là khõang thời gian dành cho các bạn trẻ, kiến thức và học vị là một trong những cấu trúc trọng yếu của xã hội, nếu bạn thiếu nó, không phát huy tri thức ngang với cuộc sống chung trong mọi tầng lớp, thường thì tạo nên lổ hỗng rất lớn, đến độ xảy ra chiến tranh, các quốc gia tranh lấn đường biên giới, tranh chấp quyền bính, thiếu vắng đạo đức…

Vì vậy khi được nuôi lớn lên trong gia đình, bạn cần phải chuyên tâm trì chí đến trường tinh chuyên học tập, theo xã hội hiện nay, bạn mù chữ thì xem như người khiếm thị không thấy ánh sáng, học ít thì chẳng làm được gì, Bạn cần học tập đạo đức, phát huy tri thức đi đôi với học vị, như đảnh ba chân sẽ đứng vững. Đạo đức kiến thức và học vị sẽ giúp bạn thành đạt.

* Việc hôn nhân:

Ngày nay trong xã hội Phật giáo có một vài vấn đề nổi cộm mà mọi người, nhất là Phật tử cần quan tâm, nhưng rất ái ngại trong việc tham vấn học Phật Pháp, nên khi gặp phải hòan cảnh xuất hiện thì âu lo bất ổn, đó là vấn đề hôn nhân với người thuộc “tôn giáo bạn”.

Việc kết hôn với gia đình Phật Tử thì không phải luận bàn, nhưng kết hôn với người bên “tôn giáo bạn” có phạm quy nhà Phật hay không? Nếu vì mưu cầu hạnh phúc mà Phật tử kết hôn với “bạn đời” là người thuộc “tôn giáo bạn” thì Phật tử nên theo “tôn giáo bạn”, nhưng bạn cần phải bảo trì quy giới, năm giới mà các bạn đã phát nguyện thọ trì. Người Phật tử cần có sự hiểu biết về cương lĩnh giáo pháp của Phật, khi bạn trì giới thì dù ở hòan cảnh nào thì bạn vẫn là Phật tử thuần thành. Sau khi kết hôn hãy dùng lòng yêu thương từng bước một mà giúp “bạn đời” tìm hiểu ý nghĩa sâu rộng của Phật Pháp, sống đúng chánh pháp. Làm một Phật tử tốt thì dù sống trong môi trường nào cũng là Phật tử tốt, chính đó là tâm quyết với Phật, cũng chính là sự biểu hiện sự chung thủy của Phật tử càng yêu “người bạn trăm năm của mình”, xóa tan những dị biệt cục bộ, lạc hậu.

5/ Ánh sáng niềm tin:

Quá trình tu học Phật pháp của giới trẻ, là “hành trình của niềm tin”, hãy vượt mọi trở lực dũng tiến theo pháp môn “việc lành nhỏ không bỏ, việc ác nhỏ không làm” để “vượt khó” vững tin mà bước vào “con đường bát chánh”… không gian sông núi Phật pháp sẽ “hừng sáng” theo từng nhịp tim của các bạn:

Bao nhiêu sông nước bao trăng hiện

Mấy dậm mây tan mấy dậm trời

Sự giải thoát thật sự đến với các bạn, giải thoát từng hơi thở, niềm tin yêu xuất hiện trên cuộc đời, không còn một ràng buộc nào có thể giữ bạn lại. Chúng ta cũng không còn “tụt hậu”, bạn đã bước đến tương lai nơi chân trời mới, sau một giấc ngũ dài khi tỉnh dậy

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Cho ta thêm một ngày nữa, sống đễ yêu thương.

Qua phần trình bày, trao đổi nầy dù chưa giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội đặt ra cho các Phật tử trẻ. Tuy nhiên cũng có thể giúp các bạn làm hành trang vào đời sẳng sàng lắng nghe, học tập những kinh nghiệm cách ứng xử hay đẹp để phát triển và thành đạt trong cuộc sống.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

CHƯƠNG THỨ SÁU

13. NGÀY THỨ MƯỜI BA:

Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng

Bạch sư! Chúng con nghe danh hiệu pháp môn tu là Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sao gọi là Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, không dùng danh hiệu Tịnh Độ khác cho phù hợp với thế gian hơn. Nhiều người khi nghe Tịnh Độ Non Bồng thì chưng hửng, không biết pháp phái nầy ở đâu, nghe lạ tai, xin Sư từ bi hoan hỷ giảng giải cho chúng con được am tường?

* Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là một môn phái do Đức Tôn Sư Đại Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, húy Nhựt Ý, thuộc dòng Lâm Tế gia phổ thứ 41 khai sơn vào năm 1957 tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh, xã Phước hòa, quận Long Lễ, tỉnh Phước Tuy; nay thuộc ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Năm 1955, Đức Tôn Sư cầu học Phật pháp với Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, tại chùa Bửu Quang, núi Dài Văn Liên, Châu Đốc. Được Sư Ông truyền trao giáo pháp “Pháp môn niệm Phật. Thời gian học Đạo với Sư Ông không lâu. Một ngày nọ, Tôn Sư đến gần Sư Ông và nói:

- Con muốn giống Đức Ông Ba?

- Muốn thì được! nhưng phải về miền Đông hành Đạo thì nên.

Tôn Sư đảnh lễ Sư Ông, đăng trình về Long Sơn Cổ tự, xã Tân Ba, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa; nay là xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hành đạo. Tại đây Tôn sư cầu pháp với HT thượng Trí hạ Châu, hiệu Hồng An, dòng Lâm Tế gia phổ thứ 40, được ban pháp hiệu là Nhựt Ý.

Đầu năm 1957, Đức Tôn Sư về núi Dinh, vào ở tại điện Phổ Đà ẩn cư tu tịnh. Lúc bấy giờ quý Phật tử thường xuyên về núi non quy y thật đông đảo, Tôn Sư đành phải xuất thân hành đạo, tế Tăng độ Chúng. Được Ngài Trụ trì, gọi tắt là Yết Ma MỐI tín ngưỡng, ký giấy giao Tổ Đình cho Tôn Sư làm phương tiện hành đạo.

Đệ tử quy y Tam Bảo đông, đệ tử xuất gia cũng đông, trong đó có vị Ni tu hành trí tuệ tuyệt vời, nay là Ni Trưởng thượng Huệ hạ Giác, Viện Chủ Quan Am Tu Viện.

Đức Tôn Sư khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng vào ngày 15 tháng 07 năm Đinh Dậu, 1957.

Theo từ ngữ Phật học, thì Liên Tông là tông phái Hoa Sen, tức Tịnh Độ Tông, một Tông phái dạy người tu, tưởng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Về lợi ích thì hiện tiền cũng như tương lai, khi được chánh niệm, sẽ tạo nên một môi trường thân tâm thanh tịnh trong sáng, hạnh phúc, an lạc thực tiển. Cõi an lạc thì không có những cấu uế phiền não thế gian. Không còn có những khổ đau, sống chết, họp tan, giàu nghèo phân ranh giai cấp.

Đức Tôn Sư là người được thừa kế truyền thừa pháp môn niệm Phật, chủ yếu trợ duyên cho những người con Phật dễ chấp nhận, dễ tu dễ chứng. Nên gọi Liên Tông.

Tịnh Độ cũng gọi là Liên Tông, một tông phái dạy về pháp môn quán tưởng niệm Phật, để vãng sanh về cõi Tịnh Độ. Người tu Phật tin có lực cứu độ của Đức A Di Đà và thường niệm danh hiệu của Ngài. Hiện tiền cũng như tương lai được sanh về thế giới của Phật A Di Đà.

Tông Tịnh Độ được Ngài Huệ Viễn Đại Sư sáng lập ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ Bảy, du nhập vào Việt Nam hồi thế kỷ thứ 11 tại miền Bắc Việt Nam (tại chùa Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay).

Năm 1934, Đức Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh, mở trường Phật Học Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, nơi đây đã khai sơn hoằng truyền pháp môn niệm Phật, mở khóa “Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh”
Năm 1955, Đức Đại Lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Tịnh, xương minh Tịnh Độ tại Vạn Đức Tự, Tam Hà, Thủ Đức, Ngài thành lập Cực Lạc Liên Trường, vừa dịch kinh, vừa dạy khuyên người người niệm Phật, khai mở nhiều khóa tu Phật thất, truyền thừa pháp môn đến ngày nay. HT thượng Trí hạ Tịnh là nhà dịch giả dịch các bộ Kinh Đại Thừa được Tăng Ni, Phật Tử tôn kính là Ngài La Thập tái sinh.

Ngoài ra còn có Hòa Thượng Thích Hành Trụ, là nhà dịch giả, cũng hoằng truyền Tịnh Độ, khai khóa “Niệm Phật Bá Nhựt trì Danh” tại Chùa Chánh Giác, đường Phan Văn Trị, Gia Định.

Bên Cư sĩ có Cụ Đoàn Trung Còn, pháp danh Hồng Tại thành lập Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông VN hồi năm 1955, tập họp giới xuất gia và tại gia, gia nhập Hội tu niệm Phật.

Năm 1959, Đức Tôn Sư HT thượng Thiện hạ Phước khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng giáo hóa pháp môn “Lễ Bái Niệm Phật”, liên hữu vừa lạy vừa niệm Phật; pháp môn “Phát nguyện niệm Phật”, đọc bài kệ pháp của Phật hay bài kệ Tịnh độ của Tổ sư rồi niệm Phật. Đến năm 1962 theo lời thỉnh cầu của quý Thầy cựu học Tăng Phật học Đường Lưỡng Xuyên, trong đó có Thầy Như Lý, đệ tử của Đức Pháp chủ thượng Khánh hạ Anh, Đức Tôn Sư khai khóa “Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh”, vừa đi kinh hành vừa niệm Phật đúng một trăm ngày, tạo phương tiện cho chư Tăng Ni Tịnh Độ Non Bồng có phương pháp tu niệm Phật Tịnh độ.

Cùng thời điểm nầy nơi vùng cao nguyên Lâm Đồng sơn dã có HT Thích Thiền Tâm, nhà dịch giả tài ba, soạn dịch kinh sách Tịnh độ, truyền bá pháp môn tu.

Nhìn chung ở thập niên ba mươi đến thập niên sáu mươi, cho đến hôm nay, Tịnh Độ Tông đến thời cực thịnh, đại đa số người tu đều quy y tu pháp môn niệm Phật, chín mươi phần trăm các Chùa đều hành trì theo pháp môn Tịnh Độ.

Non Bồng là thuật ngữ, nói chung là non Bồng nước nhược: dịch từ chữ Bồng Sơn, là núi Bồng Lai, nơi cõi thiêng liêng huyền bí, Bồng Sơn ở trên một hòn đảo gọi là đảo Bồng Lai.

Nước nhược: dịch từ chữ Nhược Thủy là nước yếu. Nước nầy không đỡ nổi một hạt cải. Nghĩa là bỏ hạt cãi trên Nhược Thủy thì hạt cải chìm xuống. Tương truyền, chúng quanh đảo Bồng Lai là Nhược Thủy.

Non Bồng nước nhược là chỉ cõi Tiên, cảnh Tiên (trích trong Từ Điễn Cao Đài của soạn giả Đức Nguyên).
Trong thơ văn Việt Nam: “Non Bồng là tên núi, là chổ Tiên ở, cũng gọi Bồng Lai”.

Ví dụ: “Biết đâu nước nhược, Non Bồng là đâu” (Nguyễn Du)

Những người theo đạo Tiên, những ý tưởng trong thơ văn Việt Nam thì dùng thuật ngữ Non Bồng ám chỉ cho vùng núi non dành cho người tu Tiên Đạo. Cũng đúng thôi, vì việc lánh xa thế tục, xa rời sự tranh đấu, lánh chốn phồn hoa, thích tiêu dao nơi am thanh cảnh vắng là bản chất của người tu Tiên. Cho nên trong Hán nôm, chữ Tiên, gồm có chữ: Nhơn và chữ Sơn cùng đứng chung…

Trên đây là nói về thơ văn và những ngươi tu Tiên đối với từ ngữ Non Bồng. Người Phật Giáo không phải không dùng, chỉ vì đó là thuật ngữ hay phong cảnh của Tiên Đạo!

Người Phật giáo không phải là không dùng từ ngữ Non Bồng; đối với Phật Giáo, Non Bồng là môi trường núi non, nơi vắng lặng thanh tịnh, nơi An Lan Nhã, Tòng Lâm của Phật Giáo. Nơi đây mới thật sự là nơi đào tạo người tu theo hạnh Phật, hạnh Sa môn, bản chất của người đệ tử Đức Phật xưa nay. Tuy nhiên, dù thanh vắng cũng chỉ là phương tiện tạm thời làm trú xứ cho người tu Phật. Cho nên người học Phật sử dụng cảnh trí Non Bồng tạo thành môi trường lành mạnh cho chư Tăng Ni an trú tu hành.

Non Bồng do Đức Tôn Sư sáng lập cũng là một thắng cảnh như là một từ ngữ đối với thắng cảnh núi Thiên Thai, Tổ đình Thiên Thai của Tổ Sư Huệ Đăng, người sáng lập giáo phái Thiên Thai tại Long Điền. Bà Rịa Vũng Tàu.

Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là một môn phái được khai sơn tại núi Bồng Lai, thuộc vùng núi Dinh, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu.

Ngày nay Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có 150 chùa trên toàn quốc. Trong những ngày kỷ niệm húy kỵ Đức Tông Chủ Tôn Sư vào các ngày 27,28,29, 30/07 và mùng 01/08 âl, chư Tăng Ni, Phật Tử các chùa tề tựu đông đủ lên đến hằng trăn ngàn người tham dự.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

14. NGÀY THỨ MƯỜI BỐN:

Những bậc khai sơn

Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng

Bạch Sư! Đức Sư Tổ gọi là Mẫu Trầu? Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác gọi là Đức Ông? Xin Sư giảng giải!

Là hậu duệ, chúng con xin được học hỏi?

- Không có Đức Sư Ông Mẫu Trầu, mà có danh hiệu Đức Tôn Sư Hòa Thượng pháp hiệu Thích Thiện Phước, pháp danh Nhựt Ý, thuộc dòng Lâm Tế thứ 41 (biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai). Chốn Tổ của Hòa Thượng: - một là Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, Am Bửu Quang, Núi Dài, Châu Đốc - hai là đệ tử cầu pháp với Đại lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Châu húy Hồng An, tại Long Sơn Cổ Tự vào năm 1955.

- Từ ngữ Mẫu Trầu không phải là danh xưng, mà là biệt hiệu của Đức Tôn Sư, do các Cư sĩ trong nội bộ thường xuyên tôn kính gọi Đức Tôn Sư trong quá trình xử sĩ (ẩn tu) trong điện Phổ Đà – một phần là do hoạt động Cách Mạng – một phần mai danh ân tích, không muốn ngoại nhân biết mình là ai, không xuất thân hành đạo… chấp nhận cho môn đệ hộ đạo gọi biệt hiệu! Nên chẳng có gì là trái ý đạo!

Tịnh độ Non Bồng gọi nữ nhân là Đức Ông?

Các Bạn không nên thắc mắc, vì có ai là nữ nhân mà trong Tịnh Độ Non Bồng gọi là Đức Ông đâu? – 50 năm qua từ khi xuất gia làm Chú Tiểu đến nay là Hòa Thượng, chúng tôi chưa nghe gọi người nữ nào là Đức Ông?

Có chăng, là Sư Bà Huệ Giác là Tổ Thầy của các thế hệ Tăng Ni sinh “ấu niên xuất gia”, Sư Bà có duyên được làm Thầy của đông đảo Tăng Ni sinh “ấu niên xuất gia” (có từ 600 đến 800 Tăng Ni sinh, tính từ năm 1958 đến nay). Từ số lượng tu sĩ nầy, khi họ tu nên đạo nghiệp, lớn lên có đủ tài năng đi giáo hóa chúng sanh, họ vẫn gọi Sư Bà là Thầy, có khi họ xem Sư Bà như là người Cha, nên gọi từ “Ông Già”.

Do vậy, không có từ “đức ông” nào cả!

Vả lại bên Ni Giới, thường tôn kính những bậc đạo cao đức cả, gần giống như bên Tăng. Quý Sư Bà cũng gọi với nhau bằng “Ông”, nên các môn đệ cũng từ đó mà gọi quý Sư Bà bằng “Ông”.
Từ “Ông” cũng xuất phát từ đây, không có gì phải nghĩ suy…

Kính chúc an lạc! Tinh tiến niệm Phật…

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

CHƯƠNG THỨ BẢY

15. NGÀY THỨ MƯỜI LĂM:

Tông chỉ pháp môn niệm Phật

(Phát nguyện niệm Phật)

Bạch Sư! Chúng con hữu duyên lành được quy ngưỡng pháp môn tu, không ngờ rằng, khi tìm đến con đường tu học Phật lại tìm gặp được thầy lành bạn sáng, gặp được pháp môn tu phù hợp vời bản năng, phù hợp với đời sống thực tiễn trong gia đình, xã hội, thậm chí đến các cơ quan ban ngành, đòan thể nếu phát tâm thọ học, đều có thể thực hiện được mà không làm trở ngại cho công việc làm. Trong quá trình nghe Sư thuyết pháp tại Long An chúng con có nghe giảng đến những phát nguyện lành của Đức tôn sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, chính những hạnh lành ấy trở thành tôn chỉ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng dành cho Tăng Ni, Phật tử thú hướng tu hành giải thoát, xin Sư từ bi trùng tuyên lại cho chúng con được học?

Vâng! Sư sẽ trùng tuyên lại lời của Đức Tôn Sư, tông chỉ môn phong có năm bài phát nguyện, sinh thời Đức tôn sư dùng đây làm kim chỉ nam tu hành mà thành tựu. Nội dung Lời phát nguyện đơn giản, lời văn ngắn gọn, mộc mạc, khác với thế gian, xa hẳn với các môn phong khác… nhưng chính những lời phát nguyện đó giúp cho hằng trăm, hằng ngàn Tăng Ni trải hằng bao thế hệ tụng đọc tu hành hiệu quả, bất thối chuyển, nên đạo, trở thành những vị giáo phẩm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Trưởng, Ni Sư, Sư Cô cầm nắm viềng mối tông phong trong khắp các trú xứ niệm Phật trong cả nước và nước ngòai…

BÀI SỐ 1

LỜI PHÁT NGUYỆN ĐI TU

Nam Mô Nhứt Tâm Đảnh Lễ A Di Đà Phật.

Nam Mô Nhứt Tâm Đảnh Lễ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Nhứt Tâm Đảnh Lễ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ngày nay con là Phật tử tên họ.... Pháp danh.........tuổi....

Ngày nay con đại phát nguyện tu hành theo đạo Phật đời đời kiếp kiếp con không nhàm chán, không thối chuyển.

Ngày nay con biết tu, con nguyện cho bá tánh muôn dân cũng được biết tu như con vậy.

Ngày nay con bỏ dữ về lành, bỏ ác về thiện, con cũng nguyện cho muôn loài vạn vật cũng đồng tu Đạo Phật giống như con vậy.

Ngày nay con quy y Tam Bảo, con xuất gia tu Phật con nguyện vô lượng chúng sanh trong cõi đời cũng đồng đặng như con vậy.

Ngày nay con theo chơn Tiên gốc Phật, con cầu vãng sanh Tịnh Độ, con cũng nguyện cho tất cả chúng sanh trong cõi đời hoặc hữu tình hoặc vô tình cũng đồng đặng như con vậy.

Ngày nay con nguyện theo chơn Phật cầu đạo giải thoát, tu cho thành Thánh, thành Tiên, thành Phật, con đồng nguyện cho tứ sanh, lục đạo, tất cả chúng sanh cũng đồng được giác ngộ như con vậy.

Ngày nay con nguyện xuất gia đi tu, xa lánh ba đường dữ, tu theo đạo chánh đẳng, chánh giác của Như Lai, con cũng đồng nguyện khắp trong tứ Thánh lục phàm cũng đồng đặng như con vậy.
Ngày nay con là Phật tử ……… tên họ ……… Pháp danh………

Thân tâm con cầu vãng sanh Tịnh Độ, con thành tâm đại nguyện nhìn nhận đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát là mẹ chơn thật của con muôn đời vạn kiếp bất thối chuyển. Ngày nay thân tâm con phát nguyện Tây Phương Phật, đức Giáo chủ A Di Đà Phật là cha của con trải qua vô lượng kiếp bất thối chuyển, lời con nguyện chơn thật như vậy, như vậy.

Con nguyện Cha Mẹ Tổ Thầy vi chứng minh cho các con được đắc kỳ hạnh nguyện.

Thân tâm con nguyện xuất gia đi tu đạo Phật được kết quả lành thành đạo, được làm vui cho trăm họ, được sưởi ấm cho bá gia, được an ủi cho muôn loài, lợi lạc cho nhơn thiên đời đời kiếp kiếp bất thối chuyển.

Con nguyện như vậy, con làm như vậy đời đời kiếp kiếp bất thối chuyển.

Nam Mô Nhứt Tâm Đảnh Lễ A Di Đà Phật.

Nam Mô Nhứt Tâm Đảnh Lễ Tam Bảo cảm ứng chứng minh.

Nam Mô Nhứt Tâm Đảnh Lễ Tám Bộ Chư Thiên chứng minh.

BÀI SỐ 2

LỜI PHÁT NGUYỆN GIỮ ĐẠO

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nhứt nguyện ngày nay con đại phát nguyện trước Tam Bảo mười phương chư Phật, bá vạn chư Thiên cảm ứng chứng minh.

Con nguyện trường chay vô lượng ức kiếp bất thối chuyển.Các con nguyện trì chú Đại Bi tụng kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh bất thối chuyển.

Các con nguyện niệm hồng danh chư Phật, niệm danh hiệu A Di Đà Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ vô lượng ức kiếp bất thối chuyển.

Các con nguyện thủ trì tam đề ngũ quán vô lượng ức kiếp bất thối chuyển.

Nay con phát nguyện cả xác lẩn hồn trước Tam Bảo mười phương chư Phật bá vạn chư Thiên.

Kể từ nay nhẫn đến bá thiên vạn kiếp vô lượng ức kiếp vị lai bất thối chuyển.

Con chẳng trái bổn nguyện! Con chẳng trái bổn nguyện.

Các con nguyện thủ trì thần chú Đại Bi vô lượng ức kiếp bất thối chuyển.

Con chẳng trái bổn nguyện trước Tam Bảo Phật Pháp Tăng chư Thiên Hộ Pháp cảm ứng chứng minh.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát (3 lần)

BÀI SỐ 3

LỜI PHÁT NGUYỆN TU THÂN

Các con nguyện trước Tam Bảo mười phương chư Phật bá vạn chư Thiên cảm ứng chứng minh.

Mắt các con nguyện đời đời kiếp kiếp nhìn đức Phật mãi mãi không nhàm chán không thối chuyển.
Tai các con nguyện đời đời kiếp kiếp nghe tiếng niệm Phật và nghe pháp lành mãi mãi không nhàm chán không thối chuyển.

Mũi các con nguyện được ngửi mùi trầm hương thơm vi diệu của chư Phật mãi mãi đời đời kiếp kiếp không nhàm chán không thối chuyển.

Miệng các con nguyện niệm hồng danh chư Phật và nói pháp lành mãi mãi của Phật đời đời không nhàm chán không thối chuyển.

Tâm ý các con nguyện tưởng nhớ đức Phật mãi mãi và trọn tin đức Phật đời đời kiếp kiếp không nhàm chán không thối chuyển.

Thân tâm các con nguyện cúng dường ngôi Tam Bảo, làm tớ cho Tam Bảo, làm con cho Tam Bảo phụng sự cho ngôi Tam Bảo mãi mãi đời đời kiếp kiếp không nhàm chán không thối chuyển.
Từ nay nhẫn đến nghìn thu Phật chẳng trái lời thệ nguyện.

Kể từ nay nhẫn đến bá thiên vạn ức vô lượng nghìn thu Phật chẳng trái Bổn thệ nguyện bất thối chuyển.

Khi nào con có quên bổn nguyện xin mười phương chư Phật, Long Thiên Hộ Pháp đồng nhắc nhở và hộ niệm cho các con được làm tròn bổn nguyện.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát (3 lần)

BÀI SỐ 4

LỜI PHÁT NGUYỆN HỘ ĐẠO

Nam Mô A Di Đà Phật.

Ngày nay thân tâm các con là Phật tử ……… đồng phát nguyện thệ.

Kể từ nay đến vô lượng đời vị lai các con an trụ trong cội lành của Như Lai bất thối chuyển.

Các con an trụ trong pháp lành của Như Lai bất thối chuyển.

Các con an trụ trong hành thiện của thập phương Bồ Tát bất thối chuyển.

Trải qua vô lượng kiếp các con đồng phát nguyện thệ như vậy.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Ngày nay thân tâm các con là Phật tử ………… đồng phát nguyện thệ.

Từ nay đến vô lượng đời vị lai không xa lìa Thiện tri thức. Các con đồng phát nguyện thệ như vậy bất thối chuyển.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Ngày nay thân tâm các con là Phật tử ………… đồng phát nguyện thệ.

Trải qua vô lượng ức kiếp đời vị lai, hiện tại kiếp, quá khứ kiếp.

Các con lễ bái Như Lai, cúng dường Như Lai, xưng tán Như Lai, hộ niệm Như Lai, tôn kính Như Lai.
Quy y Tam Bảo phát Bồ Đề tâm vô lượng ức kiếp bất thối chuyển.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô Tam Bảo Phật Pháp Tăng Chư Thiên Hộ Pháp cảm ứng chứng minh. (3 lần)

Nam Mô A Di Đà Phật.

BÀI SỐ 5

LỜI PHÁT NGUYỆN THỌ TRÌ Y BÁT

Con là Phật tử tên.....tuổi...pháp danh....

Ngày nay con lập hạnh nguyện xuất gia thọ trì Y Bát của Phật.

Con nguyện trước Tam Bảo Phật Pháp Tăng, mười phương chư Phật, tám bộ chư Thiên cảm ứng chứng minh.

Ngày nay thân tâm con nguyện xuất gia thọ giới của Phật.

Con nguyện thọ trì y vô thượng bát chánh đạo của Như Lai vô lượng ức kiếp bất thối chuyển.

Ngày nay thân tâm con tên.....pháp danh......

Con nguyện chấp hành giới luật của Phật đời đời kiếp kiếp bất thối chuyển.

Ngày nay con nguyện làm con của chư Phật, Bồ Tát

Con nguyện làm trò của chư Phật, Bồ Tát.

Con nguyện làm Sứ Giả của Như Lai.

Con nguyện làm Trưởng tử của chư Phật, Bồ Tát.

Con nguyện làm Thích tử của Như Lai.

Con nguyện hộ trì Phật Pháp Tăng Tam Bảo.

Con nguyện giữ vừa hương bát nước của chư Phật.

Con nguyện lễ bái cúng dường Phật Pháp Tăng. Ngày nay thân tâm con nguyện chung thủy, quy y Đức Bồ Tát Quán Thế Âm Phật Mẹ, chung Thủy trải vô lượng ức kiếp bất thối chuyển.

Ngày nay con phát nguyện làm con của Đức Đại Từ, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Con xin phát nguyện mười hai hạnh nguyện của Phật Mẹ, con tín thọ phụng hành một hạnh nguyện được viên mãn.

Thân tâm con thiên bá ức bái, đầu đội vai mang, đấng Đại Từ, Đại Bi, Phật Mẹ chứng lòng thành khẩn phát nguyện.

Ngày nay thân tâm con thiên bá ức bái đảnh lễ Tam Bao Phật Pháp Tăng, thập phương Bồ Tát chư Phật cảm ứng chứng minh.

Hồn xác con phát nguyện phụng thỉnh và cầu xin tám bộ chư Thiên hộ trì cho con được toại nguyện
Nhứt tâm đảnh lễ tám bộ chư thiên bá bái.

Nhứt tâm đảnh lể Phật Mẹ Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm bá bái.

Nhứt tâm đảnh lể Tam Bảo thập phương chư Phật bá bái.
Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngày nay con nguyện tấn đạo nghiêm thân, thủ trì Y Bát của Như Lai vô lượng ức kiếp bất thối chuyển.

Nam Mô A Di Đà Phật

Những bài phát nguyện trên xuất phát từ kim ngôn của Đức tôn sư trong những năm còn hành đạo tại núi Bồng Lai, trung tâm thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Do bài phát nguyện tụng đọc ở non núi, nên lời văn thô kệch, không sắp sẳn không sọan đi sọan lại như các nhà văn, chỉ có ý tứ là dồi dào, cho những người muốn học đạo giải thoát, không còn phân vân, khi người tụng đọc không nghi ngờ, mà còn thêm phát tâm tinh tấn ký gởi trọn niềm tin nơi lời nguyện và cảm thấy được gần gủi Đức tôn sư. Xin mời gọi các bạn thử tụng đọc và nghiên cứu.
Trong sám văn Phát bồ đề tâm của Đại sư Thiệt Hiền, hiệu Tư Tề, đệ Thập tổ của Tịnh Độ Tông, ngài có trứ thuật lại lời kinh dạy:

”Yếu môn nhập đạo

Phát tâm làm trước

Yếu vụ tu hành,

Lập nguyện làm đầu

(Đường về Cực Lạc, Liên tông chư tổ, trang 185)

Đây là con đường duy nhất trong thời kỳ chánh pháp đã qua đi, các bạn tinh tấn niệm Phật, lễ Phật và phát nguyện niệm Phật tinh chuyên.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.