CHƯƠNG THỨ TƯ
7. NGÀY THỨ BẢY:
Do nguồn Bát Quan Trai giới
Bạch Sư! Trong hệ thống tu hành của
môn phong,có nhiều sinh hoạt lớn, thật ích lợi cho Tăng ni, Phật tử. Trong đó
có tác pháp truyền thọ “Bát Quan Trai giới”, chúng con tuy có dự khóa tu “Bá
Nhựt trì danh niệm Phật”, nhưng chưa dự khóa “Bát Quan Trai giới”. Xin Sư giảng
giải cho chúng con và đại chúng được thông suốt để thọ học?
Khóa tu Bát Quan Trai tại Quan Âm
Tu Viện được khai mở vào ngày 15 tháng giêng năm Mậu Thìn (1988), do Ni Trưởng
Thích Nữ Huệ Giác và quý Sư tại Viện tác pháp truyền giới. Theo luật Phật chế,
thì thời gian tu học dành cho Phật tử từ 6 giờ sáng hôm nay, đến 6 giờ sáng hôm
mai là xả giới.
Khóa tu Bát Quan Trai đã được Đức
Phật ban hành vào thời điểm Ngài sinh tiền, dành cho quý các vị từ Vua, Quan,
đến các hàng thứ dân đều có thể đến với Đức Phật thọ học.
Trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo
Ân, quyển thứ sáu, phẩm thứ tám,Ưu Ba Ly hỏi Phật về các vấn đề giới, truyền
giới, thọ giới và giữ giới, trang 411 ngài Ưu Ba Ly hỏi Phật:
Bạch đức Thế Tôn! Nếu không thọ Tam
Quy mà thọ ngay ngũ giới, tám giới có được không? Hoặc không thọ Tam quy mà thọ
ngay Bát giới có thành không?... Phật trả lời: “…Hết thảy đều không được, nếu
muốn thọ năm giới, tám giới đều nên phải thọ Tam quy rồi mới thọ các giới, như
thế mới đúng nghĩa…” Phép thọ Bát Quan Trai.
Như một người Ưu Bà Tắc, trước đã
thọ Tam Quy rồi sau nếu muốn thọ năm giới, tám giới, mười giới thì có cần phải
thọ lại Tam Quy nữa không?... Phật trả lời: “…không cần phải thọ Tam Quy nữa
cũng được thọ các giới, vì trước đã thọ Tam Quy rồi”.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi: “nếu trước không
thọ Tam Quy mà bạch tứ yết ma, thì có được Cụ túc giới không? Phật dạy: “…nếu
thọ năm giới, tám giới và mười giới, thì trước cần phải thọ Tam Quy rồi sau mới
thọ các giới đó, thì mới thành giới”.
Những bài pháp tôn giả Ưu Ba Ly là
vị trì luật đệ nhất thưa thỉnh Đức Phật như trên và ngài đã thuyết giảng tại
thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật trước 28.000 vị Đại tỳ kheo đệ tử của Đức
Phật. Bài pháp trong kinh Đại thừa Phương Quảng, Đại Phương Tiện Đệ Nhất minh
chứng ở thời kỳ ấy đã có tổ chức các khóa tu dành cho các vị Cư sĩ tiến bộ đến
tịnh xá Trúc Lâm hay Linh Thứu Sơn cầu thọ học Bát Quan Trai giới với Đức Phật,
chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về truyền thống tu hành thực tập thiền tụng
của giới cư sĩ ngày xưa cũng như hôm nay.
Lúc bấy giờ Ngài Ưu Ba Ly hỏi Phật:
- Phép thọ Bát Quan Trai giới không
được ăn quá ngọ. Nhưng không ăn quá ngọ là giới thứ chín, vậy tại sao không nói
là Cửu Quan Trai, mà gọi là Bát Quan Trai?
- Phàm phép ăn chay là lấy sự không
ăn quá ngọ làm “thể”, Tám giới cùng giúp đỡ cho thành cái “thể” của phép ăn
chay, gọi là “Trai pháp Bát chỉ”, cho nên nói Tám giới mà không gọi là Chín
giới vậy…
Ưu Ba Ly hỏi:
- Người thọ Bát quan Trai giới,
trong bảy chúng, họ thuộc chúng nào?
Phật trả lời:
- Tuy không thọ giới trọn đời,
nhưng vì họ giữ giới trong một ngày một đêm; thì cũng có thể gọi là Ưu Bà Tắc.
Ưu Ba Ly hỏi:
- Ngòai bảy chúng ra (Tỳ kheo, Sa
di, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di), có giới Ba la đề mộc
xoa không?
Phật đáp:
- Có Bát Quan Trai giới đó. Lấy đấy
mà suy, thì nếu thọ Bát Quan Trai giới không thuộc vào bảy chúng vậy.
Phép thọ Bát Quan Trai giới, chỉ nói
không sát sinh trong một ngày, một đêm thôi, ngòai ra không ngăn cấm...
Ưu Ba Ly hỏi:
- Phép thọ Bát Quan Trai
Do bài pháp trên, có nhiều Phật tử
đến thưa thỉnh Sư Quang giảng giải! Như vậy ngòai đàn Bát Quan Trai giới, người
tín đồ Phật tử có thể sát sinh được hay sao?
Như trên đức Phật đã dạy, người tín
đồ Phật tử muốn thọ Bát Quan Trai giới trước phải thọ Tam Quy… đấy là ý tứ của
Phật dạy: …trước thọ Tam Quy rồi mới thọ đến năm giới, tám giới, tức là phải
thực hiện theo quy trình nầy mới xứng nghĩa là đệ tử đức Phật Thích Ca. Cho nên
thời gian không thọ Bát Quan Trai, người Phật tử vẫn còn có năm giới đã được
giới sư truyền giới trước đó rồi, do đó vẫn có giới cấm “không sát sinh” là
giới thứ nhất dành cho Phật tử giữ gìn trong thời gian không theo khóa tu Bát
Quan Trai.
Ưu Ba Ly hỏi:
- Pháp tu Bát Quan Trai giới, có
được thọ một lúc trong hai ngày, ba ngày cho đến mười ngày không?
Phật trả lời:
- Phật đã chế ra giới một ngày, một
đêm, thì không được quá hạn. Nếu có sức thọ được, thì một ngày xong rồi, lại
lần lượt thọ lại, cứ như thế tùy sức nhiều hay ít, chứ đừng tính số ngày. Phàm
thọ Bát quan Trai pháp, là phải theo người khác dạy, mới được thọ.
Ưu Ba Ly hỏi:
- Theo người nào mà thọ?
Phật trả lời:
- Theo người trong năm chúng xuất
gia mà thọ…
Những lời dạy như trên, cho chúng
ta thấy ở vào thời kỳ đức Phật giáo hóa, Ngài cũng rất quan tâm đến việc tu Bát
Quan Trai giới. Vì giới Bát Quan Trai là khóa tu có phương tiện đủ đầy dành cho
người tại gia, các vị quốc vương, công hầu khanh tướng, những người làm việc
trong chốn công đường, những người mua gánh bán bưng, các sinh viên học sinh,
các thành phần chủ yếu trong xã hội đều có thể tham dự khóa tu dễ dàng.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.
8. NGÀY THỨ TÁM:
Bát Quan Trai giới
Bạch Sư! Xin Sư giảng giải cho
chúng con được am tường về ý nghĩa Bát Quan Trai và tám giới quan trai là giới
nào?
* Trong Tát Bà Đa Tỳ ni Tỳ Bà Sa
quyển 1 nói:”Phàm đắc giới Ba la đề mộc xoa, trong ngũ đạo chỉ có nhân đạo
(người) đắc”. Bát giới cũng là Ba la đề mộc xoa, cho nên trừ lòai người ra,
chúng sanh lòai khác cho đến thiên nhơn cũng không đắc giới. Tuy nhiều chỗ
trong kinh có nói: Long (lòai rồng) thọ trai pháp với thiện tâm công đức, nhưng
không đắc giới. Lại nói:”trong bốn lọai người, một là nam, hai là nữ, ba là
hùynh môn, bốn là người hai căn, chỉ có nam, nữ đắc giới”. Đó là muốn nói ở
trong loài người, chỉ có nữ, nam sinh lý bình thường mới có thể đắc giới.
Bát Quan Trai giới là tám cửa trai
giới. Những người tu tại gia, mỗi tháng vào những ngày trai như: mùng tám, mười
bốn, mười lăm, hăm ba… ở Quan Âm Tu Viện thì tổ chức ngày chủ nhật, và cứ cách
một tuần chủ nhật thì chủ nhật kia là ngày thọ Bát Quan Trai giới dành cho
người Phật tử Quan Âm Tu Viện thọ học tu tập thiền tụng. Người thọ Bát quan
Trai giới bỏ tất cả những sự bận rộn của thế tục, vào chùa nhờ một Thầy Tỳ Kheo
truyền cho tám giới và “một trai” (một trai tức là không ăn quá giờ ngọ) mà
hành trì trong một ngày một đêm. Nếu xa chùa và không có Thầy Tỳ Kheo thanh
tịnh thì tự mình đến trước Phật sám hối tội lỗi phát nguyện thọ trì trai giới
cũng được. Nhưng ngặt nổi người đời nay tâm chí hay buông lung nên thường là
kết thành tập đòan tập chúng cùng chung thọ học Bát Quan Trai, cân nhắc lẫn
nhau mà tinh tiến tu hành, vì vậy mà các nam nữ cư sĩ thường hay tập trung thọ
trì Bát Quan Trai giới là vậy. Thọ trì trai giới là đóng bít cửa ác đạo, a
tu-la, mà mở cửa nhân thiên, cực lạc, niết bàn, nên gọi là tám cửa trai giới.
Giới Bát quan trai chính xác được
gọi là giới cận trụ. Nghĩa là sống gần đời sống xuất gia, gần chùa, tịnh xá,
thiền viện, tu viện, gần nơi thanh tịnh. Tập quen sống với đời sống thanh tịnh
để thấy được giá trị của “đạo giải thoát”, giá trị của cuộc sống “đạo”, giá trị
của đạo Phật là con đường đưa đến sự giải thoát sanh tử luân hồi. Còn có giá
trị cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống đời sống một vị A la hán, là bậc
thánh xuất thế gian.
Ngoài nghĩa cận trụ, giới Bát quan
trai còn được gọi là bố tát hay trưởng tịnh, trì giới làm phát triển phần thanh
tịnh, những đức tính tốt trong thân tâm người con Phật và chúng sanh chung, nếu
chúng sanh ấy biết tiếp nhận các giới của Phật ban truyền.
Giới Bát quan trai nghĩa là “cận
trụ”, còn có nghĩa là sống gần gũi đời sống cao thượng của một bậc Thánh. Với
người xuất gia, giới luật được coi là khuôn mẫu đạo đức, nêu gương lành về một
đời sống của vị Thánh xuất thế gian. Mặc dù tâm tư người ấy còn nhiều hờn giận,
ham muốn, nhưng khi đi đứng nằm ngồi, học tập theo hạnh lành bậc Thánh nhân,
nên tác phong đạo đức người ấy là hình bóng của các bậc Thánh Tăng xa xưa còn
soi sáng lại ở vào thời mạt pháp. Tuy người tập sự xuất gia không được như các
bậc Thánh xuất thế, như các bậc xuất gia, sa môn, đại sa môn, nhưng người ấy sẽ
tập lần, tập sống theo những đạo hạnh tiêu biểu, những tác phong ít có trong
đời thường, tập làm quen với những cuộc sống chay lạt, đạm bạc, xuất thế… xa
hơn nữa, do quá trình công phu tu tập, gần Phật Pháp Tăng, trường chay niệm
Phật, trau giồi tâm linh trở nên thánh thiện, nên hiện tiền và tương lai được
đức Phật gia hộ, thấy Phật không còn bị chìm đắm trong cõi luân hồi đau khổ cho
tự thân và sẽ có cơ hội cầu tha lực Phật giúp cho tha nhân cũng được Phật huệ
như chính mình vậy.
Đức Phật chế “cận trụ luật nghi”
mục đích để cho người tu Phật tại gia có được phương pháp tu học xuất gia tạm
thời, đồng thời xác định sự lợi ích công phu tu tập thiền tụng của người con
Phật, giúp cho họ có cơ sở phấn đấu với nghiệp lực để đi đến sự đắc đạo như
hàng xuất gia. Qua đó còn thực hiện được những lời dạy của Đức Phật xóa tam
những hàng rào giai cấp khi học đã thọ học những giới luật, như ở giới thứ sáu,
giới thứ bảy…
Kinh Thập Thiện giới, đức Phật
dạy:”Bát Quan Trai giới là do chư Phật quá khứ, hiện tại vì hàng Phật tử tại
gia chế pháp xuất gia”.
Qua lời dạy trên, chúng ta thấy
rằng: chẳng riêng Đức Phật Thích Ca chỉ bày pháp xuất gia Bát Quan Trai giới
nầy cho hàng tại gia, mà chư Phật quá khứ cũng đều chỉ dạy như vậy. Pháp Bát
Quan trai giới tuy thấy có vẽ đơn giản, song rất quan trọng, bài pháp rất xứng
đáng người người Phật tử tại gia thường luôn thọ trì. Học tập pháp xuất gia
theo giới Bát Quan Trai để từ từ tiến đến việc chính thức xuất gia.
Trong kinh Dược Sư nói:”Thọ bát
phần trai giới lại phải niệm công đức bổn nguyện của đức Phật Dược Sư, đọc tụng
kinh Dược Sư nầy, tư duy nghĩa lý diễn nói khai thị…” Do đây chứng minh ngày
thọ Bát Quan Trai cũng có thể tụng kinh.
Bát Quan Trai giới là:
* Thứ nhất: Không sát sinh
* Thứ hai: Không trộm đạo
* Thứ Ba: Không bất tịnh hạnh
(không còn sống ái dục hằng ngày như người thế gian)
* Thứ Tư: Không nói dối, khoe
khoang, đâm thọc, rủa sả
* Thứ Năm: Không uống rượu, tham
lam, sân giận, si mê
* Thứ Sáu: Không nghe xem múa hát
đờn kèn chổ yến tiệc vui đông
* Thứ Bảy: Không trang điểm phấn
son dầu hoa và áo quần hàng lụa tươi tốt, nằm giường cao ngồi ghế lớn chổ xinh
đẹp (từ vua cho đến quan lại, cận thần, hòang hậu cung phi mỹ nữ ngày xưa đều
đến với Đức Phật cầu học Phật tu tập pháp xuất gia, sống bình đẳng một ngày một
đêm…)
* Thứ Tám: Không ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai, phải ăn chay.
Đó là tám giới pháp của Phật chế
định, dành cho quý vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di phát tâm đến trước Tam Bảo thọ học tu
hành từ sáu giờ sáng hôm nay đến sáu giờ sáng hôm mai cũng đến trước Tam Bảo,
tụng đọc pháp hồi hướng công đức xả giới, tức là xuất gia trọn đủ hai mươi bốn
tiếng đồng hồ có công đức phước huệ vô lượng từ đời nầy sang đời khác. Trong
Luận Bồ Tát Bản Sinh, Phật dạy:” lợi ích của xuất gia cao cả hơn núi tu di, sâu
hơn biển cả, rộng hơn hư không. Sở dĩ như vậy là do xuất gia mới thành Phật, ba
đời chư Phật chưa có vị nào thành Phật mà không do nhờ tu hành pháp xuất gia
cả…”
Ngài Thái Hư Đại Sư nói:”Đây là
Phật vì người cư sĩ tại gia chế ra giới điều để luyện tập ngắn hạn đời sống
xuất gia…”
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.
9. NGÀY THỨ CHÍN:
Lợi ích của đời sống thọ học Bát
quan Trai giới
Người phát tâm thọ học, tu tập Bát
quan Trai giới không chỉ có xuất gia là cao thượng, lợi ích không đơn giản, mà
còn y cứ theo giới luật Phật thì người ấy còn phải khéo tu nhẫn nhục mười việc
để có cơ sở làm lợi ích nhơn thiên trong ương lai:
Thứ nhất, trời lạnh phải chịu đựng
được hàn khí, chẵng nề mưa tuyết, gió sương.
Thứ hai, trời nóng phải kham nổi
nắng thiêu gay gắt, chẳng quản ngại khí trời oi ả nổi lên như thiêu như đốt.
Thứ ba, phải chịu đựng được các thứ
bức hại từ thiên nhiên, chẳng ngai một thứ nào cả (giãm bệnh não hại)
Thứ tư, phải chịu được ấm sét rung
trời, quyết không vì vậy mà sợ sệt rúc trốn, gặp việc hung hóa ra kiết, việc dữ
hóa ra hiền.
Thứ năm, khi bụng đói cồn cào vẫn
chịu đựng được cơn đói khát.
Thứ sáu, miệng khô, cổ rát vẫn nhẫn
được cơn khát.
Thứ bảy, nghiêm túc tuân thủ không
ăn quá ngọ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa đúng ngọ, hoặc hai bữa sáng và ngọ.
Thứ tám, nghiêm túc trì giữ các
giới hạnh của đức Phật chế ra, cho dù lúc bị đe dọa tánh mạng, cũng không làm
trái giới luật.
Thứ chín, nhẫn nhịn các ác ngữ khi
nghe lời nhục mạ, chế giễu, nói bóng nói gió, nói sàm nói tấu, nói quấy người
khác, phải tảng lờ không nghe, quyết không cho đó là điều ngang ngược.
Thứ mười, nhẫn chịu độc trùng làm
hại. Bởi lẽ, Ấn độ là xứ nhiệt đới, các vị tỳ kheo Sa môn thường ngồi dưới gốc
cây. Trong mười hai hạnh đầu đà, có pháp ngồi dưới gốc cây. Muỗi mòng và độc
trùng đến bức hại, đức Phật chỉ cho phép đuổi loài độc đi, hoặc các vị Tỳ kheo
phải sắp xếp nơi chốn sạch sẽ, tránh làm chổ sanh sản cho độc trùng, tuyệt đối
cấm Tỳ kheo không được giết hại độc trùng, huống gì các lòai chúng sanh khác.
Mười điều ở trên, nghe có vẻ giản
đơn, song biết bao người chịu không nổi mười điều nầy, nên trong Luật, Đức Phật
dạy rằng:”Chỉ có đại trượng phu mới nhẫn nổi…”.
Trong kinh Hiền Ngu, Đức Phật
dạy:”Cho người xuất gia hoặc tự xuất gia, hoặc già hay trẻ phước đức vô cùng…”
Kinh Xuất Gia Công Đức, Phật
dạy:”nếu có người phá họai nhân duyên xuất gia của người khác, tức là cướp đọat
kho báu vô tận phước thiện, hủy họai nhân của 37 phẩm trợ đạo, ở nơi bốn đường
địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nhân, sinh ra thường đui, người nầy không có ngày
giải thoát…”
Theo kinh Thiện Sanh, kinh Tăng
Nhất A Hàm, Phật dạy:” các hàng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di trong những ngày mùng
1,8,14,15,23,30 (lục trai) nên đến trước các bậc xuất gia, phạm hạnh thanh tịnh
để cầu thọ trai giới. Đời nay luật và giới đã bị chuyển theo hòan cảnh quốc độ,
mạng sống con người dần dần suy giảm, tâm niệm hẹp hòi, giải đãi nên càng phải
uyển chuyển, tùy duyên. vì thế sự tu tập phải uyển chuyển tùy duyên phát
nguyện, tiến đến giải thoát.
Thọ học Bát quan Trai giới, tu học
Phật pháp, tu học giáo lý Phật học, nương theo kinh sách Phật, thường xuyên
nghe giảng giáo lý Phật mà tu hành. Lần lần sẽ đưa người tín đồ đến chánh trí,
chánh tri kiến, Phật huệ phát sanh. Các con đường tà kiến, nghèo nàn lạc hậu do
nơi đây mà không phát sinh. Các pháp tứ phủ, đồng cốt, mê tín dị đoan, lỗ ban
ếm đối, bùa ngãi, người tu bị thần thánh đột nhập nói năng phát âm khác người
thường (dị giáo), cho phép làm ăn, lên đồng tiên tri, bói tóan, xem tướng, xủ
quẻ… do nơi thọ học Tam quy, ngũ giới cấm, tu Bát Quan Trai giới mà các tà pháp
trên sẽ chấm dứt không còn xâm phạm trong chốn thiền môn, không còn xâm phạm
tâm tư nguyện vọng cao thượng của người tín đồ Phật tử.
Theo kinh Ưu Bà Tắc, Phật
dạy:”Thiện nam tử, nếu có người tín tâm, lãnh thọ ba pháp quy y, tám trai giới,
trong một ngày một đêm thì người ấy hòan thành trai giới, giới thể được thanh
tịnh dù chỉ tu tập một ngày một đêm nhưng lợi ích rất lớn…”
Người phát tâm thọ trai giới, thì
người ấy được vô lượng an lạc hiện tiền gia đình an cư lạc nghiệp, vinh hiển
giàu sang, hạnh phúc, tương lai cho đến đạt được cảnh giới giải thoát Niết bàn
an lạc.
Mô Phật! Chúng con đã hiểu và xin
thọ pháp quy y, trì giữ Bát Quan Trai giới trong những ngày không có niệm Phật
tại Nhứt Nguyên Bửu Tự.
Người Phật tử Việt Nam
ngày nay dù ở trong nước hay nước ngòai có những bước tiến bộ rõ rệt. Vị nào
cũng muốn phát tâm thọ quy giới Tam quy ngũ giới, tu học Phật pháp, học giáo lý
Phật học, đại đa số người phát nguyện xa lìa, có người phát nguyện không muốn
gần gũi những hủ tục mê tín dị đoan, xem sao bói xăm, xủ quẻ.
Phật tử ngày nay họ không còn tin
vào những ông đồng, bà cốt, những ông Thầy mượn danh đạo, tạo danh đời, giả bộ
giả tịch ông ứng bà hành, tiên tri không sách vỡ. Người Phật tử ngày nay họ
không còn tin vào những người tu nữa dời, tu không ra tu, Sư không ra Sư, Thầy
không ra Thầy, không tu hành gì cả mà xưng hô vẫn biết việc trước việc sau?
Chúng ta tin tưởng rằng, một khi đã
có thọ giới luật, thì tự nhiên người Phật tử sẽ không còn tin vào những việc
không thực tế viễn vông làm cho chính mình phải bị mất phương hướng cả đời lẫn
đạo…!
Phật tử ngày nay chăm học Phật
pháp, giáo lý Phật học, thọ tam quy ngũ giới, thọ Bát quan trai giới, nhẫn đến
tu gia hạnh thập thiện, hộ trì Tam Bảo nghiêm túc, hộ pháp chư Tăng Ni rất mẫu
mực. Phật tử ngày nay họ đã giác ngộ, không còn tin vào tà thuyết mê tín dị
đoan nữa…! Nhưng họ vẫn thành đạt một cách tuyệt đối trên bước đường đời.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.