Phương pháp niệm Phật
Pháp môn niệm Phật vốn xuất phát từ chữ Phạn “Phật Đà Na Tức Lặc Đế”, ý là nhớ niệm đức Phật, chuyển dần thành phương pháp tu trì quán tướng hảo Phật, xướng danh hiệu Phật v.v… Tại các tông phái Đại thừa Phật giáo Trung Quốc, ngoài các Thiền sĩ phái Tam Luận (Trung Quán) cho đến bộ phận tông Lâm Tế ra, không một phái nào không học pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ Cực lạc phương Tây.
1. Niệm Phật là pháp tu cộng đồng đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc
Phật giáo Đại thừa dù là hiển hay mật gần như đều xiển dương pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà. Mật giáo có nghi quỹ tu trì của họ. Hiển giáo chủ yếu y cứ vào kinh điển như ba bộ kinh nói về Tịnh độ là:
1. Phật thuyết A Di Đà Kinh.
2. Phật thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, cũng gọi là Thập Lục Quán Kinh.
3. Phật thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, lại còn gọi là Đại A Di Đà Kinh. Kinh này từ đời Hán đến đời Tống trước sau cộng có 12 bản dịch, từ Tống Nguyên về sau chỉ còn 5 bản, Cư sĩ Vương Nhật Hưu triều Tống, y cứ vào bốn bản dịch trong số đó, tổng hợp thành “Phật thuyết Đại A Di Đà Kinh”. Năm Dân Quốc thứ 35 (1946) lại có Cư sĩ Hạ Liên Cư tập hợp năm bản dịch đời Hán, Ngụy, Ngô, Đường, Tống thành Phật thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh tổng cộng 48 chương. Kinh này giới thiệu rất tường tận y chính trang nghiêm, nhân quả sự lý đối với pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà.
Lại có học giả Tịnh độ khác như đại sư Ấn Quang cho rằng, chương Đại Thế Chí Bồ Tát niệm Phật viên thông trong kinh Lăng Nghiêm, cho đến phẩm Phổ Hiền Bồ Tát hạnh nguyện trong kinh Hoa Nghiêm cũng thuộc kinh điển trọng yếu hoằng dương pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà. Do đó, cùng với ba kinh trên hợp lại gọi là năm kinh Tịnh độ.
Tại Trung Quốc các tông phái Đại thừa Phật giáo, ngoài các thiền sĩ phái Tam Luận (Trung Quán) cho đến bộ phận tông Lâm Tế ra, không dùng pháp môn niệm Phật Tịnh độ, còn lại những nhà khác gần như không một phái nào không học pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ Cực lạc phương Tây. Do đó đủ biết niệm Phật là pháp tu cộng đồng đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc.
2. Phương pháp niệm Phật trong kinh A Hàm
Pháp môn niệm Phật vốn xuất phát từ Phạn ngữ Phật Đà Na Tức Lặc Đế (Buddhanusireti), ý là nhớ niệm đức Phật, chuyển dần thành phương pháp tu trì quán tướng hảo Phật, xướng danh hiệu Phật v.v… Trong kinh Tạp A Hàm thứ 33, niệm Phật thuộc về pháp môn lục niệm. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm thứ 2 thuộc về pháp môn thập niệm, phương pháp niệm Phật ấy là:
“Thân ngay ý chính, ngồi thế kiết già, buộc niệm phía trước, không nghĩ gì khác, chuyên tinh niệm Phật, quán hình tướng Phật, chưa từng rời mắt. Đã không rời mắt, lại còn nhớ công đức của Như Lai. Thể của Như Lai, do kim cương tạo thành, đầy đủ thập lực, tứ vô sở úy, dũng kiện trong chúng. Diện mạo Như Lai, đoan chính vô song, nhìn không biết chán, thành tựu giới đức, cũng như kim cang, không thể hoại được. Thanh tịnh không tỳ vết, cũng như lưu ly. Tam muội Như Lai, chưa từng có giảm, đã thường tịch tịnh, không một niệm khác, kiêu mạn hung tàn, các thứ lo sợ, ý muốn oán giận, tâm ngu mê hoặc, đều được trừ hết. Huệ thân Như Lai, trí không ngằn mé, chẳng còn chướng ngại. Thân của Như Lai, thành tựu giải thoát, dứt bặt các đường, không sinh trở lại, vì nguyện độ sinh, mới sinh trở lại. Thân của Như Lai, vượt thành tri kiến, biết căn cơ người, nên độ hay không, chết đây sinh kia, xoay vần qua lại, trong khoảng sinh tử, có người giải thoát, người không giải thoát, đều biết rõ hết. Cho nên, tu hành niệm Phật, sẽ được khen ngợi, thành quả báo lớn, điều lành đều đến, được cam lộ vị, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa môn, đến nơi Niết bàn”.
Phương pháp niệm Phật này là buộc tâm nhớ niệm, chuyên tâm quán tưởng công đức vô lượng của Phật, bao quát quán tưởng thân thể, nhan sắc của Phật và năm phần pháp thân Phật như: giới đức, tam muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Nếu có thể theo đó mà tu hành pháp môn niệm Phật, thì được thành tựu quả báo lớn, cho đến tự đến Niết bàn, tự được giải thoát. Đây là pháp môn niệm Phật của Tiểu thừa.
3. Phương pháp niệm Phật trong kinh Ban Chu Tam Muội
Nếu y theo Hành Phẩm trong kinh Ban Chu Tam muội đã nêu thì: “Trì pháp nào được vãng sinh Cực lạc quốc? Phật A Di Đà nói rằng: “Muốn sinh về nước kia, nên niệm danh hiệu ta, không lúc nào dừng nghỉ, thì sẽ được vãng sinh”. Phật lại nói rằng: “Chuyên niệm thì sẽ được vãng sinh. Thường nhớ thân Phật có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, quang minh chiếu suốt, đoan chính không thể sánh, ở trong Bồ tát Tăng mà nói pháp… Muốn thấy được mười phương chư Phật hiện tại nên nhất tâm niệm cõi Phật kia, không được nghĩ khác, như thế sẽ thấy được”.
Qua kinh Ban Chu Tam Muội ta thấy, phương pháp tu hành là niệm danh hiệu Phật, niệm thân Phật tướng hảo quang minh, niệm tưởng cõi Phật. Nếu thành tựu được Tam muội, thì sẽ thể nghiệm được “Điều ta hằng tâm niệm là thấy tâm thành Phật. Nếu tâm tự thấy biết chính nó thì tâm ấy chính là Phật, tâm Phật ở ngay nơi thân của ta. Nếu tâm còn thấy Phật (bên ngoài), thì tâm ấy không tự biết không tự thấy chính mình, tâm mà có tưởng thì đó là si tâm. Tâm không có tưởng chính là Niết bàn”. Đó là pháp môn Đại thừa từ niệm Phật mà thật chứng chân như thật tướng.
4. Phương pháp niệm Phật trong kinh Vô Lượng Thọ
Căn cứ vào quyển hạ kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ có nói rằng: “Có chúng sinh nào, nghe danh hiệu Phật A Di Đà, tín tâm hoan hỷ, cho đến một niệm, chí tâm hồi hướng, nguyện sinh về nước kia, liền được vãng sinh, trụ nơi bất thối chuyển, chỉ trừ kẻ ngũ nghịch hủy báng chính pháp”. Theo kinh này thì điều kiện vãng sinh cõi nước Cực lạc rất giản đơn, không giống như kinh Ban Chu Tam Muội cần phải niệm danh hiệu Phật không được dừng nghỉ mới được vãng sinh Phật quốc. Chỉ cần nguyện sinh cõi nước kia, ngoại trừ người phạm tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng) và người hủy báng chính pháp Đại thừa, thậm chí chỉ cần một niệm tin nguyện đều có thể vãng sinh về cõi kia.
Chẳng qua kinh này dạy vãng sinh nước Cực lạc có ba hạng người thượng trung hạ, hai hạng thượng và trung điều kiện niệm Phật vãng sinh là “chuyên niệm một hướng, đức Phật Vô Lượng Thọ”, điều kiện niệm Phật vãng sinh của bậc hạ là “chuyên ý một hướng, cho đến mười niệm, niệm đức Phật Vô Lượng Thọ… thậm chí một niệm niệm đức Phật kia, dùng tâm chí thành, nguyện sinh về nước của Phật A Di Đà, người này lúc lâm chung, mộng thấy đức Phật A Di Đà cũng được vãng sinh”. Từ “chuyên niệm một hướng” đến “thậm chí một niệm”, đều có thể vãng sinh nước Phật. Vậy phải niệm Phật như thế nào? Phải chí thành tưởng nhớ Phật, buộc tâm vào danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ (Phật A Di Đà).
Nguyện thứ 18 trong 48 nguyện của kinh này tại quyển thượng có nói: “Khi ta được thành Phật, chúng sinh trong mười phương, chí tâm tín nguyện, muốn sinh về nước ta, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sinh, ta không thành Chánh giác”. Lúc đức Phật A Di Đà phát nguyện này, vẫn còn ở giai đoạn hành đạo Bồ tát. Nay đã thành Phật, nguyện lực của Ngài đương nhiên biến thành sự thật, cho nên khuyến khích chúng sinh, chỉ cần mười niệm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhất định vãng sinh về cõi Phật, nhưng kinh này cũng hai lần nêu thêm “thậm chí một niệm” cũng được vãng sinh nước Phật.
5. Phương pháp niệm Phật trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và các kinh khác
Căn cứ theo yêu cầu trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đầu tiên là: “Cột niệm quán kỹ tịnh nghiệp của cõi Cực lạc”, kế đến dạy: “Cột niệm một chỗ, tưởng cõi Tây phương”. Rồi tưởng mặt trời, tưởng nước, tưởng đất, tưởng bảy hàng cây, tưởng ao nước bát công đức, tổng quán cây báu, ao báu cõi nước kia, quán y báo trang nghiêm của Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ tát, quán thân pháp giới của chư Phật Như Lai nhập trong tâm tưởng của tất cả chúng sinh (quán tưởng thành tựu, ngay trong đời hiện tại, được niệm Phật tam muội, tức là thân chứng thật tướng). Quán ánh sáng thân Phật Vô Lượng Thọ, quán Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí, quán ngồi ở trong hoa sen và tưởng hoa sen khép nở, quán thân tướng Phật Vô Lượng Thọ một trượng sáu đang đứng trên ao nước.
Phần trên là tiêu chuẩn niệm Phật quán tưởng, niệm Phật quán tượng, niệm Phật thật tướng, kế đến kinh này lại nói pháp môn niệm Phật vãng sinh chín phẩm, trong đó đề cập chỗ niệm Phật có:
1. Thượng phẩm thượng sinh, tu hành lục niệm (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thiên, niệm giới, niệm thí) hồi hướng phát nguyện một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sinh.
2. Bậc Hạ phẩm thượng sinh, nghe được đầu đề của 12 bộ kinh Đại thừa, trừ được ngàn kiếp ác nghiệp cực nặng, lại dạy: “Hai tay chắp lại xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật, xưng danh Phật rồi”. Phật A Di Đà dùng hóa Phật, hóa Quán Thế Âm, hóa Đại Thế Chí, đến trước người ấy nghinh tiếp vãng sinh về cõi Phật.
3. Bậc Hạ phẩm hạ sinh, “Hoặc có chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, ngũ nghịch thập ác, đủ các điều bất thiện”, đến lúc lâm chung, gặp được thiện tri thức vì người ấy nói diệu pháp, chỉ dạy niệm Phật, nếu chúng sinh này bị khổ bức bách, “không thể niệm đức Phật kia, nên xưng danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ chí tâm niệm Nam mô A Di Đà Phật, niệm liên tục không dứt, đầy đủ mười niệm, xưng danh hiệu Phật rồi, ở trong mỗi niệm trừ được tội nặng trong đường sinh tử 80 ức kiếp… ở trong khoảng một niệm liền được vãng sinh thế giới Cực lạc, ở trong hoa sen mãn 12 đại kiếp hoa sen mới nở”. Thấy được hai vị đại Bồ tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí vì người ấy mà nói pháp.
Theo kinh văn đã nêu, trừ ba loại niệm Phật quán tưởng, quán tượng và thật tướng, đối với chúng sinh phàm phu nói chung vẫn có thể dùng pháp môn lục niệm, xưng danh niệm Phật, đặc biệt đối với chúng sinh vãng sinh Hạ phẩm nên dùng xưng danh niệm Phật là thích hợp nhất.
Phương pháp xưng danh niệm Phật, như phẩm Phương tiện trong kinh Pháp Hoa có nói: “Chỉ xưng Nam mô Phật, đều đã thành Phật đạo”. Lại nói: “Tiếng vi diệu rất tịnh,
xưng Nam mô chư Phật”.
Trong kinh Phật Thuyết A Di Đà thì nói: “Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào, nghe nói Phật A Di Đà, chấp trì danh hiệu của Ngài” một ngày cho đến bảy ngày đạt đến trình độ “nhất tâm bất loạn” thì lúc lâm chung, liền được Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng đến trước người ấy tiếp dẫn vãng sinh về cõi Cực lạc. Cho nên, có người dùng tâm ghi nhớ niệm Phật, xưng danh hiệu Phật, trì danh niệm Phật đều gọi là pháp môn niệm Phật.
6. Phương pháp niệm Phật từ một niệm đến mười niệm
Trong nhiều đời các vị đại sư ở Trung Quốc, người tuyên dương pháp môn niệm Phật tương đối nhiều, vả lại mỗi vị tự đề xuất phương pháp cụ thể niệm Phật sinh Tịnh độ.
Đại sư Đàm Loan thời Bắc Ngụy, chú giải “Vãng sinh luận” của ngài Thế Thân giải thích mười niệm vãng sinh như sau: “Tâm không nghĩ gì khác, nhất tâm tương tục, niệm Phật A Di Đà đủ mười số gọi là mười niệm”. Lại nói: “Niệm mười niệm này, dùng ghi nhớ niệm làm nghĩa, duyên theo tướng hảo của Phật, xưng danh hiệu Phật, dùng tâm niệm mười niệm tương tục, chuyên tâm vào Phật A Di Đà, rất là quan trọng”.
Trong An Lạc Tập quyển thượng của đại sư Đạo Xước triều Đường có nói: “Chỉ nhớ niệm Phật A Di Đà, hoặc tổng tướng hoặc biệt tướng, tùy duyên mà quán, thẳng tắt mười niệm, không xen tạp niệm khác gọi là mười niệm”.
Tập “Vãng Sinh Lễ Tán Thích Bổn Nguyện Văn” do đại sư Thiện Đạo triều Đường viết có nói: “Mười phương chúng sinh xưng danh hiệu ta, cho đến mười tiếng, nếu không được vãng sinh, ta không thành chính giác”. Tức là dùng miệng niệm mười tiếng Phật, để giải thích phép tu mười niệm.
Trong “Vô Lượng Thọ Kinh Tông yếu” của đại sư Tân La Nguyên Hiểu, giải thích mười niệm tức là xưng niệm danh hiệu, duyên theo tướng hảo, không tạp niệm khác, không chút gián đoạn, niệm đủ mười số. Thuyết này với thuyết của ngài Đàm Loan giống nhau.
Học giả Nhật Bản cận đại là Vọng Nguyệt Tín Hạnh khảo sát chữ niệm dùng trong niệm Phật bằng chữ Phạn ý là tâm niệm (chữ Phạn là Citta), ở trong kinh Vô Lượng Thọ nói chỗ của ba hạng niệm Phật vãng sinh, chữ niệm trong niệm Vô Lượng Thọ Phật ý là Tùy niệm (chữ Phạn là Anusmrti) hoặc có ý là tư duy (chữ Phạn là Mansikr).
Đủ chứng tỏ chữ niệm trong mười niệm cho đến một niệm vốn là tâm ghi nhớ, tư duy thêm vào xưng danh niệm hoặc trì danh niệm, tức là trong miệng tuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà, đồng thời ở trong tâm cũng biết rõ là đang tuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà, trong tâm rõ ràng không có vọng tưởng tạp niệm, chỉ biết từ trong miệng mình đang tuyên xưng danh hiệu Phật, một tiếng Phật hiệu này cũng là một niệm niệm Phật, trong miệng niệm liên tục không gián đoạn cho đủ mười tiếng, trong tâm không có xuất hiện tạp niệm nào khác, đó là mười niệm tương tục cũng là niệm Phật mười niệm.
7. Ngũ niệm môn
Đại sư Đàm Loan thời Bắc Ngụy được tôn là thủy tổ tu pháp Tịnh độ tại Trung Quốc có chú thích “Vãng sinh luận” của Bồ tát Thế Thân, giải thích Ngũ niệm môn của Bồ tát Thế Thân chủ trương như sau:
1. Lễ bái môn: Trong tâm nguyện sinh về cõi nước an lạc, cần phải lễ bái Phật A Di Đà.
2. Tán thán môn: Xưng niệm danh hiệu Tận Thập Phương Vô Ngại Quang Như Lai (tên khác của Phật A Di Đà)
3. Tác nguyện môn: Như thật tu hành Xa Ma Tha (tu chỉ).
4. Quán sát môn: Như thật tu hành Tỳ Bà Xá Na (tu quán).
5. Hồi hướng môn: Đem tất cả công đức căn lành có được, vì muốn bạt trừ tất cả khổ của chúng sinh, mà nguyện nhiếp thủ họ đồng sinh về cõi nước an lạc.
Phương pháp niệm Phật ngũ niệm môn này kỳ thật là: lễ bái đức Di Đà tin nguyện được vãng sinh, xưng danh niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, phát tâm Bồ đề quảng độ chúng sinh.
8. Ngũ phương tiện niệm Phật môn
Ngũ phương tiện niệm Phật môn của đại sư Trí Khải tông Thiên Thai triều Tùy giới thiệu tu pháp niệm Phật môn như sau:
1. Xưng danh vãng sinh niệm Phật tam muội môn: Hành giả lúc miệng xưng Nam mô A Di Đà Phật, tâm phải nguyện sinh về Tịnh độ nước Phật. Môn này là vì chúng sinh thích xưng danh hiệu Phật mà nói.
2. Quán tướng diệt tội niệm Phật tam muội môn: Hành giả tưởng hình tượng Phật chuyên chú không thôi, bèn được thấy Phật, các tội chướng đều được tiêu diệt. Môn này là vì người ưa thích thấy thân Phật, lo sợ tội chướng mà nói.
3. Chư cảnh duy tâm niệm Phật môn: Hành giả quán tưởng thân Phật là từ tự tâm sinh khởi, không có cảnh giới nào khác. Môn này là vì người tâm mê chấp cảnh mà nói.
4. Tâm cảnh câu ly niệm Phật môn: Hành giả quán tưởng tâm này, cũng không phải tự mình có thể được. Môn này là vì người hay suy tính tự tâm thật có mà nói.
5. Tính khởi viên thông niệm Phật tam muội môn: Hành giả lúc này vào sâu định vắng lặng, sắp nhập Niết bàn, nương nhờ vào sự gia bị hộ niệm của chư Phật mười phương, hưng khởi công năng trí tuệ, trong khoảng một niệm thanh tịnh cõi nước của Phật, thành tựu chúng sinh. Môn này là vì người ưa thích định vắng lặng nhập cảnh giới Niết bàn mà nói.
Ngũ phương tiện niệm Phật môn đã nêu trên, thứ nhất là xưng danh niệm Phật, thứ hai là quán tướng niệm Phật, thứ ba và thứ tư là nhân hành và quả cảnh của thật tướng niệm Phật, thứ năm là phát đại Bồ đề tâm.
Đại sư Trí Giả từ trong văn này, đặc biệt cường điệu: “Nếu dùng một lời nói mà đầy đủ các môn, thì không gì qua niệm Phật”. Lại nói: “Nếu lúc niệm Phật, nên biết người này, cùng với đức Văn Thù Sư Lợi không có khác biệt”.
9. Pháp tu trì niệm Phật tam muội
Trong Đại Tạng Kinh, giới thiệu kinh luận về niệm Phật tam muội và các trứ thuật của lịch đại Tổ sư tương đối nhiều, chẳng hạn như: Ban Chu tam muội trong kinh Ban Chu Tam muội, kinh Đại A Di Đà quyển hạ, phẩm Nhập pháp giới trong kinh Hoa Nghiêm dịch đời Tấn, Nhất hạnh tam muội trong kinh Văn Thù Sư Lợi sở thuyết Ma ha Bát nhã Ba la mật, Đại Trí Độ Luận quyển 21, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận quyển 12, Tư Duy Lược Yếu Pháp, Nhiếp Đại Thừa Luận quyển hạ, Ngũ Phương tiện niệm Phật môn của Trí Khải tông Thiên Thai, Hoa Nghiêm Kinh Hạnh Nguyện phẩm Biệt hành sớ sao quyển 4 của Ngũ Tổ Tông Mật tông Hoa Nghiêm, An Lạc Tập quyển hạ của Đạo Xước, Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận quyển 7 của Hoài Cảm.
Y cứ theo các tư liệu trên thì tu pháp niệm Phật tam muội phải đầy đủ: 1. Phải có chỗ nhất định, kỳ hạn nhất định; 2. Phải có tín nguyện vãng sinh cõi Phật; 3. Phải dùng tâm chí thành thường niệm Phật không dứt; 4. Niệm Phật phải có thứ lớp tiến dần, có thể chia làm bốn cấp:
1. Xưng danh niệm Phật: Buông bỏ các ý tạp, mỗi tiếng mỗi câu, niệm niệm tương tục, miệng niệm danh hiệu Phật, tâm buộc vào tiếng niệm Phật.
2. Quán tượng niệm Phật: Buông bỏ các tạp ý, niệm niệm quán sát 32 tướng 80 vẻ đẹp của thân hình đức Phật, phóng ra ánh sáng lớn, ở trong chúng nói pháp.
3. Quán tưởng niệm Phật: Buông bỏ các ý tạp, niệm niệm hướng tâm về cõi nước của Phật, quán tưởng y chính trang nghiêm của Tịnh độ Phật quốc, cùng tất cả công đức pháp thân, bi trí giải thoát của Phật, Bồ tát và La hán.
4. Thật tướng niệm Phật: Buông bỏ các ý tạp, không giữ tướng mạo trong ngoài, niệm niệm tương tục, quán tưởng thể nghiệm, tâm Phật chúng sinh, tất cả các pháp, thật tướng vô tướng, chân tâm vô tâm, chẳng không chẳng có, tức không tức có, chân tục không hai, vạn pháp bình đẳng.
Bốn thứ lớp nêu trên, hàng phàm phu tốt nhất nên từ xưng danh niệm Phật khởi tu, nếu được thân tâm an ổn tiến tu tầng cấp thứ hai, thứ ba, cho đến thật tướng niệm Phật thì tương đương với minh tâm kiến tánh của Thiền tông. Cần phải tiêu trừ nghiệp chướng, thân tâm an ổn, không sinh phiền não nhân ngã mới có thể tu trì được, trái lại chỉ luống công nhọc mệt, lại còn tự dối mình dối người. Làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng? Xưng danh niệm Phật, lễ bái, sám hối, phát tâm Bồ đề là phương pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, đại sư Ấn Quang thời gần đây cho rằng người hạ căn ở thời đại mạt pháp này, trong bốn loại niệm Phật nói trên, thật tướng niệm Phật là pháp môn khó trong khó. Thế nhưng, đời Minh Thanh, vẫn có không ít Tăng tục đại đức, chuyên tu niệm Phật tam muội như đại sư Liên Trì (Vân Thê Châu Hoằng) cuối đời Minh, ngài Tỉnh Am (Thật Hiền) triều Thanh đều từng khắc kỳ tu trì niệm Phật tam muội, lấy 100 ngày làm kỳ hạn. Đại sư Liên Trì từng nói: “Một câu A Di Đà Phật, gồm đủ tám giáo, viên nhiếp năm tông, nên biết niệm Phật tam muội tức là căn nguyên một đời giáo hóa của Phật”. Lại đem trì danh niệm Phật chia làm: 1. Minh trì, niệm ra tiếng; 2. Mặc trì, niệm không ra tiếng; 3. Bán minh bán mặc trì (giống như Kim Cang trì của Mật tông) niệm hơi khẽ động môi. Hoặc ký số niệm, hoặc không ký số niệm đều được.
Đại sư Liên Trì lại chủ trương chấp trì danh hiệu trong kinh A Di Đà. Chấp là nghe danh hiệu, trì là nhận và giữ lấy danh hiệu Phật, không lúc nào quên, mà chấp trì này cũng có thể chia ra:
1. Sự trì, nhớ niệm không gián đoạn.
2. Lý trì, thể cứu không gián đoạn. Cùng cực của chấp trì là được nhất tâm, cũng có thể chia làm: 1. Sự nhất tâm, tức là nghe danh hiệu Phật, thường nhớ thường niệm, chữ chữ phân minh, tương tục không dứt, chỉ có một niệm này; 2. Lý nhất tâm, nghe danh hiệu Phật, không chỉ nhớ niệm, mà còn nên phản quan, xem xét tỉ mỉ, nguồn gốc sâu xa, nơi bản tâm mình, hốt nhiên được khế hợp.
Còn đại sư Ngẫu Ích thì giải thích chấp trì danh hiệu là chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn. Nếu có thể niệm niệm hằng nhớ danh hiệu Phật tạm không lúc nào quên gọi là chấp trì. Cũng có thể chia làm hai giai đoạn:
1. Sự trì, chưa đạt được lý tâm này là Phật, tâm này làm Phật như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đã nêu.
2. Lý trì, tin đức Phật A Di Đà ở phương Tây trong tâm ta vốn đủ, là do tâm ta tạo, đem danh hiệu vốn đầy đủ trong tâm mình mà làm cảnh để buộc tâm, khiến cho tạm không quên. Nếu từ chỗ hàng phục được phiền não cho đến kiến hoặc tư hoặc trừ hết, đều gọi là sự nhất tâm, nếu niệm đến chỗ tâm khai, thấy được bản tánh Phật, đều gọi là Lý nhất tâm. Ngài không đồng ý cái lý thể cứu của đại sư Liên Trì, vì cho rằng lý nhất tâm đem làm phương pháp thể cứu niệm Phật hoặc tham cứu niệm Phật, chẳng qua là một loại phương tiện nhiếp Thiền tông về Tịnh độ mà thôi.
Trên sự thật đại sư Liên Trì dựa vào kinh nghiệm tu thiền mà đem lý nhất tâm và lý trì, giải thích cho là minh tâm kiến tánh của Thiền tông. Đại sư Ngẫu Ích thì từ trên lý luận phân biệt thuyết minh Thiền là Thiền, Tịnh độ là Tịnh độ, không nên lẫn lộn. Lời pháp của đại sư Liên Trì là từ sự kết hợp thể nghiệm tu chứng và luận điểm Thiền Tịnh, mà đưa ra pháp môn tu niệm Phật như thế nào để không trái với pháp môn tu Thiền.
Lại do đại sư Trí Giả tông Thiên Thai từng nói: “Có bốn loại tam muội (thường đi, thường ngồi, nửa đi nửa ngồi, chẳng đi chẳng ngồi), đồng gọi là niệm Phật tam muội, niệm Phật tam muội là vua trong tam muội”. Vì thế, đại sư Ngẫu Ích cuối đời Minh cũng nói: “Niệm Phật tam muội gọi là Bảo Vương tam muội, là vua trong tam muội”, còn cho rằng niệm Phật Tịnh độ của phái Lô Sơn là niệm tha Phật (Phật ngoài), còn Đạt Ma truyền lại là niệm tự Phật (Phật chính mình), phái của Vĩnh Minh Diên Thọ là niệm tự tha Phật lý sự song tu, Thiền Tịnh đều đủ. Chẳng qua bản thân của đại sư Ngẫu Ích chưa điều lý được phương pháp thật tiễn của niệm Phật tam muội, Ngài từ chỗ tổng hợp quan điểm của các nhà Thiền Tịnh lại mà nói.
Tóm lại, niệm Phật tam muội là Bảo Vương tam muội, vua trong tam muội. Chúng ta nên khuyến khích hành giả tịnh nghiệp nên tu hành theo pháp niệm Phật này. Hành pháp 90 ngày theo Ban Chu tam muội thì phải thường đi, không nằm, không ngồi, không được nghỉ, đối với người bình thường mà nói rất khó mà hành trì được. Nhưng ở vào thời đại của đại sư Liên Trì từng khích lệ không ít cư sĩ tu hành niệm Phật tam muội đạt được kết quả, cũng lấy 90 ngày làm kỳ hạn.
Do đó, nên đem bốn cấp tu pháp niệm Phật tam muội như đã nêu trên, phối hợp với kỳ hạn 90 ngày để tu tập rất thích hợp.
10. Niệm Phật lớn tiếng (cao thanh niệm Phật)
Xưng danh niệm Phật lại còn gọi là trì danh niệm Phật, xưng danh cần dùng miệng niệm ra tiếng, trì danh hoặc có thể ra tiếng cũng có thể niệm thầm, hoặc có thể khẽ động môi. Xưng danh niệm Phật tại Trung Quốc thực hành đã lâu. Đại sư Phi Tích đời Đường có soạn quyển Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận. Trong quyển Trung của luận này đặc biệt đề xướng phương pháp “niệm Phật lớn tiếng”. Tiếng vang của âm thanh niệm Phật được hình dung là “tiếng vang dội thôn xóm, chấn động cả núi rừng”. Xét về lý thì phương pháp niệm Phật lớn tiếng có năm đặc điểm như sau:
“Điều cốt yếu của sự nhiếp tâm hay tán loạn chính là ở âm thanh. Sự phát thanh mà không cố gắng dụng công thì tâm thức sẽ nông nổi, hời hợt, phiêu dạt khó có thể kiên định được. Nếu khi phát thanh mà cố gắng dụng công âm thanh dìu dặt, đôn đốc nhau, sau đó đạt đến chỗ dốc cạn hết bình sinh, buông xả bao phiền muộn. Đó là đặc điểm thứ nhất, nếu nói một cách đơn giản trước mắt thì khi âm hưởng của câu niệm Phật rền trong tâm khảm, muôn ngàn tai họa thảy tiêu trừ, công đức tu hành vòi vọi như đỉnh tùng trên Thiên lãnh. Đó là đặc điểm thứ hai. Nếu nói xa hơn nữa, niệm Phật lớn tiếng có thể chiêu cảm từ quang rạng ngời chiếu diệu, tầng không hoa báu như mưa, tất cả đều nhờ âm thanh mà cảm được như thế. Đó là đặc điểm thứ ba. Lại nữa, giống như người lăn đá, hòn đá quá nặng không dễ gì nhích tới được. Nếu họ hét to lên một tiếng thì có thể nhấc lên dễ dàng hơn. Đó là đặc điểm thứ tư. Khi cùng chiến đấu với ma quân, cờ xí phất phới, tiếng chiêng vang vọng, dùng thanh thế hiên ngang để phá tan cường địch. Đó là đặc điểm thứ năm. Đầy đủ năm nghĩa này thì còn sợ gì nữa? Nếu không thể song toàn ở hai trạng thái tĩnh và động thì song tu chỉ quán, hiệp với Phật ý há chẳng được sao? Khi định huệ quân bình thì đó chính là Phật tâm bặt hết năng sở?
Ngài Phi Tích cường điệu niệm Phật lớn tiếng có năm nghĩa, chứng minh công năng kỳ diệu của tiếng, có thể định được tâm, trừ lo âu, tiêu tai họa, nhấc vật nặng, hàng phục ma, thậm chí đạt được trình độ thật tướng niệm Phật, chỉ quán song vận, định tuệ ngang nhau, tâm Phật đều quên v.v…
11. Niệm Phật ngũ hội
Đại sư Pháp Chiếu triều Đường y cứ vào kinh Vô Lượng Thọ quyển thượng, có soạn một quyển “Tịnh độ ngũ hội niệm Phật lược pháp sự nghi tán”, đề xướng niệm Phật ngũ hội.
“Hoặc có cây báu, xa cừ làm gốc, vàng tía làm thân, bạch ngân làm nhánh, lưu ly làm cành, thủy tinh làm lá, san hô làm hoa, mã não làm quả. Hàng cây trồng đều nhau, thân đối với nhau, cành có khoảng cách đều nhau, lá cùng hướng, hoa trổ có thứ lớp, quả ra đều đặn, sắc tươi tỏa sáng, nhìn không thể xiết, gió thường nổi lên, phát ra năm thứ tiếng, cung thương vi diệu, hòa hợp tự nhiên”.
Lại kinh A Di Đà cũng miêu tả các thứ động thực vật trong nước Cực lạc giống như kinh Vô Lượng Thọ như: “Gió nhẹ thổi động các hàng cây báu, và lưới báu, phát ra tiếng vi diệu, ví như trăm ngàn thứ nhạc, phát ra cùng lúc, người nghe âm thanh này đều sinh tâm niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng”. Đại sư Pháp Chiếu dựa theo đây mà đề xướng phát minh phương pháp niệm Phật ngũ hội.
Kỳ thật trong kinh chỉ nói: “Phát ra năm thứ tiếng” là chỉ cho “cung, thương, giốc, chủy, vũ” loại âm nhạc xưa dùng để phổ nhạc, chứ không có ý là ngũ hội.
Ý của ngài Pháp Chiếu sử dụng ngũ hội có nghĩa là: “Ngũ là số, hội là tập họp. Năm loại âm thanh ấy từ hưỡn đến gấp, chỉ niệm Phật Pháp Tăng, không có tạp niệm, niệm tức là không niệm, Phật không có hai môn, tiếng thì vô thường là đệ nhất nghĩa”. Ngài lại nói: “Người nghe âm thanh ấy được vào sâu pháp nhẫn, trụ nơi bất thối chuyển, cho đến thành Phật đạo”.
Đủ biết niệm Phật ngũ hội chính là dùng năm thứ âm phổ nhạc niệm Phật, trầm bổng, ngừng ngắt hưỡn gấp, khiến cho người niệm Phật không đến nỗi rơi vào hôn trầm tán loạn, mà còn tùy theo tiết tấu âm nhạc, sản sinh cảm giác thú vị khiến cho tâm thần an định và vui vẻ. Nếu có thể chuyên tinh trì danh niệm Phật liên tục cũng có thể hoàn thành niệm Phật tam muội. Ngũ hội là theo thứ tự từng giai đoạn niệm Phật, tiến hành theo phương pháp như sau:
Hội thứ nhất, niệm chậm tiếng bình Nam mô A Di Đà Phật.
Hội thứ hai, niệm chậm tiếng cao Nam mô A Di Đà Phật.
Hội thứ ba, niệm không chậm không nhanh Nam mô A Di Đà Phật.
Hội thứ tư, niệm nhanh dần Nam mô A Di Đà Phật.
Hội thứ năm, chuyển niệm nhanh bốn chữ A Di Đà Phật.
Thật ra, phương pháp niệm Phật của các tự viện tại Trung Quốc hiện nay, trên đại thể đều áp dụng giống như niệm Phật ngũ hội này, chẳng qua có đôi chút khác biệt mà thôi. Có một số nơi tổ chức tương đối khá, khiến người ta đến tham dự cộng tu niệm Phật, cảm được trạng thái an lạc và mát mẻ. Thế nhưng, hiện nay tại Đài Loan cũng có phổ thành nhạc khúc, do niệm Phật ngũ hội đệm nhạc cụ vào, khiến cho người nghe có cảm giác thư thái nhẹ nhàng, hưng phấn đầy đạo vị, nhưng dường như lại đánh mất đi phong cách Phạm Ca, khiến cho người ta rất khó thành tựu được niệm Phật tam muội.
12. Niệm Phật ký số mười niệm
Đại sư Ấn Quang năm đầu Dân Quốc, là vị Tổ sư vĩ đại sau cùng hoằng dương Tịnh độ Di Đà tại Trung Quốc cho đến nay, trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, có một chương “chỉ bày phương pháp tu trì”, rất thực dụng đối với người tu tịnh nghiệp, mà Ngài đã đặc biệt khai thị về phương pháp niệm Phật. Độc giả nên tìm đọc để hiểu thêm. Hiện tại, chỉ rút ra hai loại phương pháp niệm Phật mà người niệm Phật hiện nay đều có thể ứng dụng được:
1. Pháp môn mười niệm: Nếu vì công việc đa đoan, không có cách gì sinh hoạt theo thời khóa công phu sớm tối như tự viện được, nên vào lúc sáng sớm thức dậy súc miệng xong, lễ Phật ba lễ, ngồi ngay thẳng chắp tay, niệm Nam mô A Di Đà Phật, dứt một hơi là một niệm, niệm đến mười hơi, rồi niệm văn Tịnh độ ngắn, hoặc chỉ niệm bốn câu kệ: “Nguyện sinh Tây phương Tịnh độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh, bất thối Bồ tát vi bạn lữ”. Niệm xong lễ Phật ba lạy là hoàn thành công khóa pháp môn mười niệm buổi sáng. Nếu không có tượng Phật thì xoay mặt về hướng Tây xá ba xá. Pháp này do ngài Tuân Thức triều Tống sáng lập, vì đương thời vua quan quá bận rộn với việc triều đình nên Ngài mới soạn ra phương pháp này. Pháp này có thể giúp cho tâm gom về một chỗ, nhất tâm niệm Phật, quyết định được vãng sinh.
2. Pháp môn niệm Phật ký số mười niệm: Nhiều người niệm Phật thích dùng chuỗi hạt dài hoặc ngắn để ký số, thế nhưng đại sư Ấn Quang dạy hành giả tịnh nghiệp ký số mười niệm là không nên lần hạt, chỉ dùng tâm ghi nhớ.
Đại sư Ấn Quang nói: “Ký số mười niệm là dùng sức toàn tâm để vào một tiếng Phật… đây là diệu pháp cứu cánh nhiếp tâm niệm Phật, các vị hoằng dương pháp môn Tịnh độ xưa kia chưa từng nói đến”. Ngài lại nói: “Bậc lợi căn thì không phải nói, như đối với hàng độn căn chúng ta, bỏ qua pháp ký số mười niệm này, muốn nhiếp được sáu căn, tịnh niệm nối luôn, thật là khó lắm”. Ngài lại nói: “Cái mầu nhiệm của pháp này là thực hành nhiều thì hiệu nghiệm nhiều”. Thế nào là ký số mười niệm? Tức là đang lúc niệm Phật, từ khi xưng niệm câu thứ nhất Nam Mô A Di Đà Phật đến câu thứ mười Nam Mô A Di Đà Phật, mỗi lần xưng niệm một câu phải niệm cho được rõ ràng, ghi nhớ cho được rõ ràng, niệm cho đến mười câu là hoàn tất, rồi lại ký số niệm Phật từ câu thứ nhất đến câu thứ mười, cứ như thế dứt mười câu rồi lại niệm từ một đến mười.
Nếu suốt mười câu thấy khó nhọc thì có thể chia làm hai hơi, từ 1 đến 5, từ 6 đến 10. Nếu lại tổn sức thì chia làm ba hơi, từ 1 đến 3, từ 4 đến 6, từ 7 đến 10. Xưng niệm danh hiệu Phật như thế, niệm cho được rõ ràng, nghe cho được rõ ràng, vọng niệm sẽ không còn chỗ đứng, lâu dần sẽ tự nhiên đạt được nhất tâm bất loạn.
Phương pháp ký số mười niệm này, lúc tôi hướng dẫn tu thiền và phương pháp niệm Phật cũng thường giới thiệu cho những học giả mới, những người tu thiền nếu tu pháp sổ tức thấy khó thì nên dùng pháp ký số mười niệm này rất là thuận lợi. Cho nên, bản thân tôi cũng rất cảm ân đại sư Ấn Quang đã phát minh ra diệu pháp niệm Phật ký số mười niệm này.
Dịch xong ngày 10 tháng 08 năm 2001