Bốn loại tịnh độ tuỳ bạn thích
Người có trí tuệ biết rằng phàm sự việc gì đều có nguyên nhân của nó, không nên oán trời trách người, vì có oán trách cũng không bổ ích gì, tuy sinh nơi ác thế ngũ trược của thế giới Ta bà, nhưng vẫn có thể hưởng được sự tự tại vô ngại của Tịnh độ nước Phật.
Hôm nay, tôi sẽ giảng cho quý vị về các loại Tịnh độ, tổng hợp từ trong các kinh luận thì có thể chia làm bốn loại là: Tịnh độ nhân gian, Tịnh độ thiên quốc, Tịnh độ Phật quốc, Tịnh độ tự tâm. Tôi đã viết một bài khảo sát tư tưởng Tịnh độ đăng trong Hoa Cương Phật học học báo, giới thiệu và so sánh rất rõ về bốn loại Tịnh độ trên, về sau lại được trích đăng trong “Mục ngưu dữ tầm kiếm”. Quý vị muốn tham khảo thêm nên tìm đọc.
Hôm nay tôi sẽ từ góc độ của cuộc sống hiện thực mà bàn về bốn loại Tịnh độ này.
1. Tịnh độ nhân gian
Ý của Tịnh độ nhân gian là chỉ cho hoàn cảnh sinh hoạt hiện thực của chúng ta tức là Tịnh độ. Nơi chúng ta đang ở trong kinh Phật gọi là thế giới Ta bà đầy dẫy khổ nạn. Kinh A Di Đà hình dung là kiếp, kiến, phiền não, chúng sinh, mạng đều là “ngũ trược ác thế” không trong sạch. Thế nhưng, lúc chúng ta nghe pháp Phật, tu hành giới định huệ, thậm chí chỉ cần có một người tu hành, người ấy liền thấy Tịnh độ, nếu có hai người tu hành, hai người ấy có thể thấy Tịnh độ, nhiều người tu hành thì nhiều người đều có thể thấy được Tịnh độ nhân gian. Nếu do tu hành mà thể nghiệm được sự thanh tịnh của thân tâm thì Tịnh độ hiển hiện trước mặt của bạn.
Hay trì tịnh giới thì không tạo nghiệp ác, ba nghiệp thân khẩu ý dần dần thanh tịnh, tuy ở tại nhân gian nhưng trong tâm không còn lo sợ cảm thọ khổ báo, đã không sợ thì không có ưu sầu, không nghĩ đến việc trốn thoát, cõi đời này há chẳng phải là Tịnh độ ư!
Hay tu thiền định, nội tâm tự nhiên bình an. Bình an là không bị hoàn cảnh quấy rối mà khởi phiền não, không vì sự động loạn của hoàn cảnh mà nội tâm khởi sóng gió không yên. Tâm định như nước lặng yên, như gương trong sáng, như khoảng trời xanh biếc vạn dặm không mây, thì thân thể tuy trụ cõi đời xấu ác năm trược cũng không khiến chúng ta cảm thấy phiền não bất an, có thể xem thế giới dơ bẩn này là Tịnh độ nhân gian.
Ví như có một lần chiếc xe hơi của chúng tôi đang chạy trên đường cao tốc, đột nhiên phát hiện bên cạnh có một chiếc xe hơi chạy rất nhanh đang vượt qua chiếc xe của tôi, ngoài ra, phía sau lại có một chiếc xe hơi tăng tốc chạy bám sát cũng muốn vượt vào con đường phía trước mặt chúng tôi, kết cuộc khiến cho xe của chúng tôi tiến thoái không được, nếu chạy nhanh sẽ đâm vào xe trước, còn chạy chậm sẽ bị xe sau đâm vào xe mình. Đệ tử của tôi quá sợ hãi, người thì la lên, người thì tái mặt, tâm lo sợ không yên. Tôi ngồi kế bên người lái xe trước sau vẫn giữ thái độ trầm mặc. Một lúc sau qua khỏi nguy cơ rồi, họ bèn hỏi tôi: “Bạch sư phụ, sư phụ không sợ sao, còn một chút xíu nữa là bị xe tông chết rồi?”. Tôi nói: “Đã có sư phụ ở trên xe rồi còn gì phải lo sợ xe tông”. Trên thực tế câu nói ấy là để cho họ an tâm thôi. Tôi lại nói: “Đã chết thì không chết cũng không được, sợ cũng chẳng có tác dụng gì. Không chết, dù thế nào cũng không chết, cho nên chẳng có gì phải sợ”. Về sau quý vị phải học tập thái độ như vậy, giữ tâm bình khí hòa cẩn thận khi lái xe. Họ lại nói: “Bạch sư phụ, chúng con chưa có cách gì công phu được như vậy”. Tôi bèn khuyến khích họ: “Quý vị mỗi ngày phải tập ngồi tịnh, giữ cho tâm được bình tĩnh, khi gặp phải tình huống như vừa nãy sẽ không bị hoảng hốt, biết cách ứng phó xử lý vấn đề. Nếu gặp việc nguy cấp mà la toáng lên thì không giải quyết được gì cả”.
Phải tùy cơ ứng biến, gặp việc nguy không được rối loạn, nếu có định lực biết rằng thiên hạ vốn vô sự thì mọi việc sẽ xử lý tốt.
Nếu hay tu trí tuệ thì không khởi phiền não. Trí tuệ vô ngã có thể từ chỗ nghe Phật pháp, thể nghiệm Phật lý, phản quan tự ngã, nhìn thấu nhân sinh mà có được. Cũng có thể từ tu hành bố thí, rộng kết thiện duyên, thường biết hổ thẹn, và từ trong chỗ tu thiền định mà có được. Người có trí tuệ thì không dùng tâm phiền não để xử lý việc của chính mình, lại khéo dùng tâm bình thường để đối diện với hoàn cảnh trước mắt. Đã chấp nhận xem nhân gian là hoàn cảnh tu hành đạo Bồ tát, thì việc thiện ác, được mất, phải trái, lợi hại xem như những hiện tượng do nhân duyên giả sinh giả diệt, không vì vui quá phát cuồng, cũng không phải đau khổ mà muốn chết.
Người có trí tuệ biết rõ sự phát sinh của tất cả hiện tượng trên thế gian, đều có nguyên nhân của nó, nếu có thể nỗ lực đem sự việc trước bổ cứu cho sự việc sau thêm hoàn thiện thì rất tốt, oán trời trách người thì vô ích, việc gì phải si mê phiền não cho mệt.
Cho nên, người có trí tuệ tuy sống nơi đời ác năm trược của cõi Ta bà này, nhưng vẫn có thể hưởng thụ được sự tự tại vô ngại của Tịnh độ Phật quốc.
2. Tịnh độ thiên quốc
Tu hành thập thiện thì sinh lên cõi trời (thiên quốc). Cõi trời vẫn nằm trong phạm vi tam giới, vẫn còn hữu lậu hữu hạn. Do nhờ tích phước mà hưởng thụ dục lạc ở cõi trời Dục giới, hoặc nhờ tu thiền định mà hưởng thụ định lạc ở các cõi trời Thiền. Song lúc hưởng thụ hết phước báo ở cõi trời Dục, lúc định lực thối thất ở cõi trời Thiền, lại phải từ cõi trời rớt xuống nhân gian hoặc có thể đọa lạc nơi tam đồ ác đạo. Cho nên, dù cõi trời đáng ưa nhưng một ngày nào đó lại trở thành khói mây qua mắt. Chẳng qua sinh lên cõi trời hưởng thụ phước trời một thời gian nào thôi, so với các hiện tượng tai nạn, những khổn ách ở nhân gian thì cõi trời đã là một mảng Tịnh độ rồi. Trong cõi trời Dục giới không có loạn lạc, không có tội phạm, không có tai biến, không có bệnh tật, muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, bay đi tự tại, đến đi tùy ý, thân nhẹ như hư không, sở cầu như ý, kỹ nhạc tùy thân, tuyệt không tối tăm. Cho nên, có rất nhiều tôn giáo khuyến khích tín đồ cầu sinh thiên quốc. Chỉ có điều họ không biết khi được sinh lên trời rồi một ngày nào đó cũng hưởng hết phước, lúc ấy có năm thứ tướng suy hiện ra trước mắt, cho dù quý như vua trời Đao Lợi, cũng chung số phận như kinh Niết Bàn quyển 19 đã nói: “Thích Đề Hoàn Nhân, mạng sống sắp hết, có năm tướng hiện: 1. Y phục dơ bẩn; 2. Hoa trên đầu khô héo; 3. Thân thể hôi hám; 4. Nách ra mồ hôi; 5. Không ưa chỗ ngồi”. Cho nên, đối với người thông thường, cõi trời là Tịnh độ. Còn đối với tín đồ Phật giáo thì cho rằng thà sinh tại nhân gian tu học Phật pháp, còn hơn là sinh về thiên quốc để hưởng phước trời.
Căn cứ theo kinh Phật, cõi trời có hai loại, một là chỗ ở của hàng phàm phu hữu lậu, hai là chỗ ở của hàng Bồ tát bổ xứ. Như đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật thân sau cùng của Bồ tát ở trên trời Đâu Suất, đồng thời Ngài cũng giới thiệu đức Bồ tát Di Lặc sẽ đến nhân gian thành Phật, hiện nay cũng đang ở cõi trời Đâu Suất tầng thứ tư của cõi trời Dục giới. Cõi trời này chia thành hai viện nội ngoại, ngoại viện là nơi ở của hàng phàm phu dục lạc, nội viện là khu giáo hóa của đức Di Lặc, thật là Tịnh độ thiên quốc thanh tịnh. Ở đây khác với phàm phu cõi trời Dục là thấy được pháp tướng của đức Di Lặc, thân nghe Ngài thuyết pháp, không chỉ hưởng thụ phước trời mà còn tu hành Phật pháp. Cho nên, nếu đại chúng muốn sinh về cõi trời thì khuyên quý vị nên chọn nội viện Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc thì tốt hơn. Đợi đến lúc Di Lặc hạ sinh nhân gian thành Phật, chúng sinh ở nội viện Đâu Suất đều theo đức Di Lặc giáng sinh nhân gian, đều trở thành đệ tử của Phật, cùng chung tu hành, tịnh hóa nhân gian, Long hoa tam hội, người người ở trong hội chúng đều được giải thoát. Chỉ cần sinh lên nội viện Đâu Suất của Di Lặc thì đã bảo đảm được giải thoát rốt ráo. Vì trong kinh Di Lặc Hạ Sinh có nói Di Lặc sẽ ở dưới cây Long Hoa. Hội đầu thuyết pháp có 96 ức người đắc A la hán, đại hội thứ hai nói pháp có 94 ức người đắc A la hán, đại hội thứ ba nói pháp có 92 ức người đắc A la hán. Trong ba hội độ thoát tất cả chúng sinh hữu duyên. Cho nên, Phật giáo sử Trung Quốc, từ lúc Pháp sư Đạo An thời Đông Tấn khai thủy, trải qua đại sư Huyền Trang, đại sư Khuy Cơ đời Sơ Đường, đại sư Thái Hư thời cận đại cho đến Pháp sư Từ Hàng viên tịch tại Đài Loan, các Ngài đều phát nguyện vãng sinh Tịnh độ thiên quốc nội viện Đâu Suất.
3. Tịnh độ Phật quốc
Phật quốc tại đâu? Là chỉ cho quốc độ do phước đức trí tuệ và bản thệ nguyện lực của chư Phật tạo thành, Tịnh độ này có hai tác dụng: một là thị hiện công đức quả báo của Phật, hai là tiếp dẫn hóa độ tất cả chúng sinh hữu duyên, tu học Phật pháp, đồng thành Phật đạo, cho nên gọi là Tịnh độ Phật quốc.
Đức Thích Ca tại thế giới uế độ này thành Phật, nhưng kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 24 thì nói: “Chớ nói chư Phật xuất hiện nơi thế giới bất tịnh”. Kinh Pháp Hoa quyển 5 cũng nói: “Núi Linh Thứu ở Ấn Độ nằm trong cõi Tịnh độ”. Đủ chứng tỏ hễ chỗ nào có Phật nơi đó là Tịnh độ Phật quốc. Song tổng hợp trong các kinh luận thì Tịnh độ Phật quốc chia làm ba, chỗ ở Pháp thân Phật tự tính, chỗ ở Báo thân tự tha thọ dụng, chỗ ở Ứng hóa thân Phật, cho nên mới có luận về ba thân, bốn độ. Như các ngài Pháp Thường, Trí Nghiễm, Đạo Tuyên, Đạo Thế đời Đường, có thuyết bốn loại Tịnh độ là: Pháp tính, Thật báo, Sự, Hóa như: Pháp thân Phật ở tại Pháp tính độ, Tự thọ dụng thân Phật ở tại Thật báo độ, Tha thọ dụng thân Phật ở tại Sự Tịnh độ, Ứng hóa thân Phật ở tại Hóa Tịnh độ. Ngài Thiên Thai Trí Khải thì chủ trương: 1. Phàm Thánh đồng cư độ như thế giới Cực lạc phương Tây; 2. Phương tiện hữu dư độ, là chỗ ở của Bồ tát địa tiền và hàng Thánh nhân nhị thừa; 3. Thật báo vô chướng ngại độ, là chỗ ở của Pháp thân Bồ tát từ Sơ địa trở lên; 4. Thường tịch quang độ là chỗ qua lại của chư Phật Như Lai. Bốn độ phối hợp với ba thân là lấy Ứng hóa thân Phật trụ ở Đồng cư độ và Phương tiện hữu dư độ. Báo thân Phật trụ ở Thật báo độ, Pháp thân Phật vĩnh trụ ở Tịch quang độ.
Từ kinh A Di Đà có thể thấy được Tịnh độ chư Phật sáu phương, cho đến quốc độ Cực lạc của Phật A Di Đà, nếu theo chỗ thấy của ngài Trí Khải đều là chỗ ở của Ứng hóa thân Phật, trên thực tế có Tịnh độ chư Phật mười phương vô lượng vô số, và chúng ta có nhân duyên rất lớn với cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc phương Tây. Nương bản nguyện của Phật, phàm phu có thể vãng sinh Phật quốc còn ba cõi Tịnh độ kia đều phải tự tu phước trí mới được kết quả hiện tiền.
Điều kỳ lạ là chúng ta ở thế giới này, thường thường lúc sống cầu xin đức Phật Dược Sư độ cho được trường thọ bất tử, tiêu tai khỏi nạn, nhưng lại không nghĩ đến về cõi Tịnh độ Lưu Ly Quang phương Đông, lúc sắp chết chỉ mong cầu vãng sinh thế giới Cực lạc phương Tây của Phật A Di Đà, dường như hai vị Phật này, một vị là thọ tinh, một vị là thần chết. Loại quan niệm này đã đem tín ngưỡng Tịnh độ làm sai lệch đi. Thật ra, trong “Đông phương Tịnh độ phát vi” của Pháp sư Ấn Thuận có nói: “Sự nhiếp hóa của Tịnh độ phương Đông đối với hàng chúng sinh ở cõi này, không những sau khi chết được an ổn, mà hiện đời cũng có thể miễn trừ các loại tai nạn nguy ách”. Ngài lại nói: “Cầu vãng sinh phương Tây mà không thành tựu, cũng có thể thừa uy quang của Phật Lưu Ly Quang, lúc sắp mạng chung, được sự nhiếp dẫn của tám vị đại Bồ tát mà đến được phương Tây”. Pháp sư Ấn Thuận còn nói: “Phật và Tịnh độ là sư phạm, là thế giới lý tưởng của chúng ta, nhưng đồng thời chẳng phải chỗ hướng ngoại tìm cầu mà là thể hiện đức hạnh ở bên trong”. Ngài lại nói: “Nếu giác ngộ được pháp tính thanh tịnh, viên mãn rốt ráo, đó là Lưu Ly Quang Phật”. Đủ chứng tỏ tu pháp môn Dược Sư cũng có thể tương thông với Tịnh độ của Phật A Di Đà phương Tây. Kẻ phàm phu công cạn chướng sâu, tu Tịnh độ phương Đông và Tịnh độ phương Tây đều được vãng sinh Phật quốc. Nếu là chúng sinh công sâu chướng ít, dù chuyên tu pháp môn Tịnh độ nào cũng sẽ tự thân thấy được Di Đà Như Lai tự tính, Phật Lưu Ly Quang Pháp thân.
Song mục đích Tịnh độ Phật Dược Sư, ở chỗ khích lệ nhân gian, tịnh hóa nhân gian, đó là sự thật, vậy mà trong kinh Dược Sư cũng vẫn tán thán Tịnh độ phương Tây. Vì Tịnh độ của Phật A Di Đà là ba căn thượng trung hạ đều độ tận. Bất luận thượng trí hạ ngu chỉ cần tin vào nguyện lực của Phật A Di Đà, nguyện sinh về Tịnh độ phương Tây liền được đức Phật từ bi nhiếp thọ, tiếp dẫn vãng sinh. Do đó, trong các kinh điển, đức Phật Thích Ca đều hết sức tán thán nguyện lực rộng sâu của Phật A Di Đà. Nhất là khiến cho rất nhiều chúng sinh nghị lực yếu kém, không đủ tự tin đều có thể nhờ nguyện lực này mà được bảo đảm vãng sinh Phật quốc. Nhờ nguyện lực này mà lòng người được an định, tín tâm được tăng trưởng, được công đức lớn. Cho dù trình độ tu hành của mình như thế nào đi nữa, chỉ cần đầy đủ đức tin vào bản nguyện lực của Phật Di Đà, cho đến niệm Phật mười tiếng thì có thể vãng sinh cõi nước Cực lạc. Đủ chứng tỏ pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà có chỗ thù thắng độc đáo như thế.
4. Tịnh độ tự tâm
Tịnh độ tự tâm tức là nói ở trong tâm của mỗi người, dù phàm hay Thánh vốn đầy đủ Phật tính. Cũng tức là từ xưa tới nay chưa từng xa lìa Tịnh độ Phật quốc. Hôm qua đã nói đến thâm tâm, tức là tâm chúng sinh và tâm Phật tương đồng, thế giới chúng sinh và cõi Phật không khác. Chẳng qua tâm chúng sinh bị phiền não ngăn che, không cách gì thấy được bản tâm thanh tịnh bất động, cũng không cách gì thể hội được sinh hoạt ở Tịnh độ Phật quốc. Nếu có thể soi thấu phiền não lưới trần, xét rõ chỗ sâu xa của tâm thì sẽ phát hiện tâm Phật tức là tâm mình, thế giới này với Phật quốc giống nhau. Bởi vì nếu tâm thanh tịnh nhìn thế giới này cũng thanh tịnh, nếu tâm không thanh tịnh thì hoàn cảnh sinh hoạt sẽ là khổ hải vô biên.
Thế giới Hoa Tạng trong kinh Hoa Nghiêm, pháp môn Tâm địa Bồ tát trong kinh Phạm Võng, Tịnh độ Linh Sơn trong kinh Pháp Hoa, chân tâm, thâm tâm trong kinh Duy Ma là Tịnh độ Bồ tát. Lại nói: “Tùy tâm mình tịnh thì quốc độ tịnh” v.v… đều là chỉ cho Tịnh độ tự tâm. Ngay như tại Trung Quốc, các vị như Tri Lễ và Nguyên Chiếu đại học giả Thiên Thai đời Tống, các bậc thầy như Duy Tắc đời Nguyên v.v… đều chủ trương tư tưởng duy tâm Tịnh độ, đề xướng thuyết “Duy tâm Tịnh độ, bản tính Di Đà”. Và nói, mười phương vi trần quốc độ chỉ là cõi trong tâm của ta. Lại nói: “Cực lạc há chẳng phải duy tâm Tịnh độ sao?”. Đại sư Ngẫu Ích cuối đời Minh cũng chủ trương: “Tâm này là Phật, tự tâm làm Phật”. Dùng niệm Phật tam muội mà vượt thẳng tam giới liền thấy duy tâm Tịnh độ. Dùng phương tiện tha lực mà vượt ngang tam giới, thì sinh Tịnh độ phương Tây. Điều này cũng rất giống với chỗ nói trong Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng bên Thiền tông như: “Người mê niệm sinh cõi kia, người ngộ tự tịnh tâm mình”.
Làm thế nào để tự tịnh tâm của mình? Người thường không dễ gì thể hội được, đương nhiên cũng không làm được. Nếu người tu pháp môn niệm Phật, ngay lúc niệm Phật đem tất cả tạp niệm trong tâm buông bỏ hết, chỉ chuyên tâm niệm Phật, tâm này với Phật tương đồng, trong tâm lúc ấy không có tạp niệm như lo sợ, hoài nghi, tham, sân, kiêu ngạo v.v… Nếu có thể tiến thêm một bước, trong khoảng nhất thời toàn bộ tạp niệm lìa bạn mà đi, lúc ấy cùng với Tịnh độ của Phật tương ưng. Một niệm tương ưng một niệm thấy Tịnh độ, hai niệm tương ưng hai niệm là Tịnh độ, niệm niệm tương ưng niệm niệm trụ nơi Tịnh độ.
Tuy ở giai đoạn phàm phu không thể niệm niệm tương ưng với Phật, không thể niệm niệm trụ nơi Tịnh độ. Nhưng nếu bạn niệm niệm niệm Phật, niệm niệm đặt nền tảng ở tín tâm, thâm tâm, chí thành tâm, hồi hướng phát nguyện tâm thì sẽ dần nhập cảnh diệu, thiên hạ vốn vô sự, vọng tưởng từ đâu khởi. Niệm niệm đều ghi nhớ danh hiệu Phật, giữ cho thường hằng, thời gian không lâu có thể tu thành niệm Phật tam muội, Tịnh độ tự tâm hiện bày rõ ràng. Người công phu cạn có thể cảm ứng được Tịnh độ phương Tây, người công phu sâu thì thấy được Phương tiện độ và Thật báo độ, cho đến Thường tịch quang Tịnh độ, chỉ có Phật với Phật mới qua lại thấy được.
Tôi có một người đệ tử tu hành ở trong núi sâu, ban ngày thì rất tốt, chiều tối khi ngồi thiền nghe rất nhiều chúng sinh ở gần đó dọn nhà, nhóm họp, cãi nhau bèn mở cửa ra quan sát rất kỹ, nhưng không thấy gì cả, lúc trở lại ngồi thiền tiếp thì lại nghe những tiếng ấy. Ông ta nghĩ: “Hiện tại tâm ta bị cảnh chuyển, phải làm sao cho cảnh tùy tâm chuyển mới đúng”. Vì thế, ông ta quán tưởng những tiếng quấy nhiễu kia đều là y chính trang nghiêm của thế giới Cực lạc, đều là tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, nghe âm thanh này cũng giống như nghe âm thanh của thế giới Cực lạc phương Tây. Quán tưởng như thế chẳng bao lâu những âm thanh kia không còn nghe nữa.
Lấy một ví dụ khác xuất phát ở Nghị viện Văn hóa, có một vị nhân viên cao cấp của chính phủ đương nhiệm, mới vừa học Phật nhưng lại học chú Chuẩn Đề. Mỗi lần ông đến nghị viện, các nghị viên đều dùng đủ loại ngôn từ để chọc giận ông, làm nhục ông, phê bình ông. Trước đây ông rất dễ nổi nóng, thậm chí có lúc muốn từ quan không làm nữa, nhưng nay, ông đã định tâm bình tĩnh lắng nghe tất cả, thuật hàng phục của ông là mặc niệm chú Chuẩn Đề, viết chú Chuẩn Đề, một bên nghe nghị viên chỉ trích, một bên tâm niệm một bên tay chép. Lúc nghị viên trách mắng ông, vẫn cho là ông đang ghi chép rất nghiêm chỉnh. Lúc bị trách mắng đã không phản bác, lại còn mỉm cười vui vẻ. Sau khi các nghị viên la mắng xong, ông chỉ đứng lên nói: “Xin đa tạ các nghị viên, tôi xin tiếp thu hết tất cả!”. Lần nào ông cũng làm như vậy và cảm thấy phiền não ít đi, các nghị viên đối với ông cũng hòa nhã lại, thật là đạt được mục đích cảnh tùy tâm chuyển.
Đủ chứng tỏ, nếu không bị hoàn cảnh làm cho dao động trong tâm mình chính là Tịnh độ. Tịnh độ tự tâm tuy không ở ngoài tâm, song hoàn cảnh bên ngoài cũng tùy theo tâm bạn mà chuyển. Đây là điều rất thiết thực, cứ làm rồi sẽ thấy.
Niệm Phật liền thấy Phật, tâm tịnh quốc độ tịnh.