Lời tựa
Tôi thường niệm Phật, cũng thường dạy người niệm Phật, khuyên người niệm Phật.
Hơn 30 năm trước, tôi từng được mời chủ trì Phật thất Di Đà tại chùa Đông Sơn, thành phố Bình Đông, Nam bộ Đài Loan. Từ năm 1980 về sau, tôi ở Nông Thiền tự Bắc Đầu, Đài Bắc, mỗi năm chủ trì một lần Phật thất Thanh minh báo ân, và cũng tại Nông Thiền tự này thành lập hội niệm Phật Phước Huệ mỗi tuần cộng tu một lần. Cho nên, tôi đã từng khai thị pháp môn niệm Phật cho đại chúng, tôi cũng đã từng đảm nhận các khóa giảng về Tịnh độ học nhiều năm tại Trung Hoa Phật học Nghiên cứu Sở, nhưng tôi chỉ viết một thiên “Khảo sát tư tưởng Tịnh độ” cho “Hoa Cương Phật học học báo” mà thôi, chứ chưa xuất bản tác phẩm giới thiệu về pháp môn niệm Phật.
Lý do vì tôi ở nước ngoài nên bất kỳ là diễn giảng hay viết bài đều được người ta yêu cầu, phần nhiều là lấy phạm vi thiền làm chủ đề, chưa gặp cơ hội người ta yêu cầu khai thị pháp môn niệm Phật.
Mãi đến năm nay (1993) từ ngày 27–03 đến 04–04, trong thời gian Phật thất Thanh minh báo ân tại Nông Thiền tự, mỗi ngày tôi đều khai thị pháp môn niệm Phật sinh Tịnh độ, nói rõ Phật pháp xem trọng việc tri ân báo ân, mọi người nên đem tấm lòng cảm ân tiếp nhận cuộc sống hiện thực, lại đem tấm lòng báo ân phụng hiến tất cả chúng sinh. Làm thế nào mới có thể biểu đạt sự cảm ân và báo ân chính xác? Phải nên tu học pháp môn niệm Phật, vì pháp môn này chân tục toàn thâu, sự lý viên dung, thế xuất thế pháp, cho đến phước lợi hiện đời hoặc cảnh giới tốt đẹp ở thân sau đều bao dung trong đó cả.
Tu học pháp môn niệm Phật như thế nào, mỗi ngày tôi đều giới thiệu một hạng mục bao gồm bảy hạng mục:
1. Báo ân cha mẹ người thân nên niệm Phật.
2. Niệm Phật nên đầy đủ bốn thứ tâm: tín tâm, chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm.
3. Tịnh độ có bốn loại: nhân gian, thiên quốc, Phật quốc, tự tâm.
4. Siêu độ có hai loại: đối với vong linh, đối với người sống.
5. Phải nên tu hành sám hối nghiệp chướng làm thường khóa mỗi ngày.
6. Mang nghiệp (đới nghiệp), tiêu nghiệp đều sinh Tịnh độ.
7. Vãng sinh Tịnh độ phương Tây, nên kiến thiết Tịnh độ nhân gian làm cơ sở.
Sau khi băng ghi âm của tôi lưu truyền, nhiều người nghe được rất hoan hỷ. Có một vài đệ tử nhiệt tâm, từ trong băng ghi âm viết lại thành văn tự, đưa tôi duyệt lại, tôi nhận rồi đem về Mỹ quốc. Cho đến ngày 22 tháng 11 tôi mới rảnh rỗi đem ra duyệt và phát hiện nội dung rỗng tuếch, cách hành văn cũng không giống tôi chút nào. Vì thế, tôi phải tốn mất mười ngày để viết lại và sửa chữa bổ sung. Cũng nhờ nhân duyên này khiến tôi đọc kỹ lại ba kinh Tịnh độ, ôn lại những tác phẩm của các đại sư Tịnh độ hơn 30 loại, hơn 70 cuốn.
Sau khi viết xong thấy ý vẫn chưa tận, cho nên thêm vào hai tiết “Nguồn gốc Phật thất” và “Phương pháp niệm Phật”. Văn chương hơn bốn vạn lời, ngoài giá trị thực dụng cũng rất giàu về giá trị tham khảo.
Đông Sơ Thiền tự tại Nữu Ước
Ngày 02 tháng 12 năm 1993
Thích Thánh Nghiêm