Đới nghiệp, tiêu nghiệp sinh độ
Siêng niệm Phật, siêng tu cúng dường, rộng gieo ruộng phước, không những đời này có thể tiêu trừ một phần tội nghiệp, mà phẩm vị hoa sen ở phương Tây cũng được cao lớn hơn.
1. Tu tịnh nghiệp và tiêu tội nghiệp
Quý vị thiện tri thức thân mến, chúng ta trong thời gian Phật thất, mỗi chiều sau khi tiến hành đại hồi hướng đều có lễ bái phát nguyện cầu sinh Tịnh độ. Như vậy có thể sinh Tịnh độ không? Đương nhiên không cho phép hoài nghi, thế nhưng người tu pháp môn Tịnh độ, thiện căn có sai biệt sâu cạn, thời gian tu hành có khác là sớm hay muộn, công phu tu trì có siêng năng hoặc biếng nhác, nghiệp chướng cũng có nhiều ít không đều. Cho nên, lúc phàm phu vãng sinh Phật quốc, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói, hoa sen chia ra làm chín phẩm. Kinh Vô Lượng Thọ nói, những chúng sinh vãng sinh Phật quốc chia làm hai loại hoa sen hóa sinh và biên địa thai sinh. Hoa sen hóa sinh chia làm ba hạng; còn Biên địa thai sinh là tiếp nhận người không tin Phật trí, nhưng tin tội phước mà nguyện sinh về nước kia. Vãng sinh Phật quốc có cao hạ trung biên bất đồng, điều kiện vãng sinh tự nhiên cũng có tiêu nghiệp vãng sinh và đới nghiệp vãng sinh không đồng.
Căn cứ theo yêu cầu của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thì: “Tất cả phàm phu, muốn tu tịnh nghiệp, để được sinh về cõi nước Cực lạc phương Tây, phải tu ba phước”. Ba phước tức là nhân chính tịnh nghiệp để được vãng
sinh Tịnh độ. Ba phước tịnh nghiệp ấy là:
1. Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười thiện nghiệp.
2. Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm uy nghi.
3. Phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người tu hành.
Phần phát Bồ đề tâm trong mục thứ ba, y cứ vào “Tịnh độ luận” của Ca Tài đời Sơ Đường nói là hàm nhiếp toàn bộ nội dung tam tụ tịnh giới, dừng tất cả việc ác, tu tất cả điều thiện, hóa độ tất cả chúng sinh.
Trong kinh A Di Đà cũng nói: “Không thể có chút ít nhân duyên phước đức căn lành mà được sinh về cõi kia”. Tuy có các vị Đại đức xưa kia cho rằng, chỉ cần nhất tâm niệm Phật liền có được nhiều nhân duyên phước đức thiện căn. Nhưng nếu đối chiếu với ba phước tịnh nghiệp đã nêu trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, thì đó chính là phước đức căn lành trong kinh A Di Đà. Đủ chứng tỏ điều kiện tiên quyết để được vãng sinh về cõi kia là tự tu ba phước tịnh nghiệp và khuyên người khác cùng tu ba phước tịnh nghiệp.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật phần Thượng phẩm thượng sinh có nói: “Nếu có chúng sinh, nguyện sinh về cõi nước kia phát ba loại tâm thì được vãng sinh”. Ba loại tâm ấy là:
1. Chí thành tâm.
2. Thâm tâm.
3. Hồi hướng phát nguyện tâm.
Kinh cũng nói: “Có ba loại chúng sinh sẽ được vãng sinh”.
1. Từ tâm bất sát, đủ các giới hạnh.
2. Đọc tụng kinh điển Đại thừa Phương Đẳng.
3. Tu hành lục niệm (niệm Phật, niệm
Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên) hồi hướng phát nguyện nguyện sinh cõi nước Cực lạc. Một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sinh. Điều kiện vãng sinh của hạng mục này, ngoài việc dụng tâm và tu lục niệm ra, cũng cần phải trì giới, để trợ giúp cho phước đức căn lành thêm lớn.
Đương nhiên điều kiện vãng sinh cũng vẫn còn có xưng danh niệm Phật như trong ba kinh Tịnh độ cùng đề xướng, cho đến quán tượng, quán tưởng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nêu. Pháp môn chỉ dẫn trong ba kinh này, dù pháp môn niệm Phật quán tượng, quán tưởng, thật tướng hoặc xưng danh đều có công năng tiêu trừ tội chướng. Nếu ta quán thành tựu thì có thể tiêu trừ bao nhiêu kiếp tội nặng trong đường sinh tử. Cho đến nghe được đề kinh xưng danh hiệu Phật cũng có thể tiêu nghiệp. Như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật phần Hạ phẩm thượng sinh có nói: “Như người ngu này tạo nhiều điều ác, không biết hổ thẹn, lúc sắp mạng chung, gặp được thiện tri thức, vì người ấy mà nói danh tự đầu đề của 12 bộ kinh Đại thừa, người ấy nghe được tên của các kinh này rồi có thể trừ được hàng ngàn kiếp nghiệp ác cực nặng. Người trí lại dạy chắp tay xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật, người ấy xưng danh hiệu Phật rồi, trừ được tội trong đường sinh tử 50 ức kiếp”. Kinh lại nói: “Người ấy xưng danh hiệu Phật rồi, các tội tiêu diệt, ta đến đón tiếp người ấy”. Từ kinh văn mà xét thì tựa hồ như nói, phàm là chúng sinh vãng sinh Tịnh độ, trong khoảng một niệm trước lúc vãng sinh Phật quốc, tất cả tội nghiệp đều đã tiêu diệt hết. Tuy nhiên, một số câu cuối trong phần Hạ phẩm hạ sinh của kinh lại nói, sau khi vãng sinh Phật quốc, ở trong hoa sen trụ mãn 12 đại kiếp, hoa khai được thấy hai vị đại Bồ tát là Quan Âm và Thế Chí, vì người ấy mà rộng nói thật tướng các pháp, cách trừ diệt tội chướng. Như thế đủ biết, chúng sinh ở Hạ phẩm hạ sinh lúc vãng sinh cõi nước Cực lạc tội nghiệp vẫn chưa tiêu hết. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, bộ kinh này cũng gọi là kinh Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Sinh Chư Phật Tiền, vả lại còn có một quyển Thần chú Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni do Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La xứ Thiên Trúc dịch từ thời đại Lưu Tống, dạy người ta thọ trì pháp môn A Di Đà Phật, thọ trì chú pháp này, “nên súc miệng sạch sẽ, ở trước tượng Phật quỳ gối chắp tay, ngày đêm sáu thời, mỗi lần tụng 37 biến diệt được bốn tội nặng (Tỳ kheo giới), ngũ nghịch, thập ác, hủy báng Đại thừa, đều được diệt trừ, hiện đời sở cầu đều được như ý đến lúc lâm chung theo nguyện vãng sinh”. Tụng đủ 20 vạn biến, cảm được mầm Bồ đề sinh trưởng, nếu tụng đủ 30 vạn biến liền thấy được Phật A Di Đà. Đây là sự cường điệu về việc dụng tâm trì tụng chú này, có thể hiện tại bạt trừ tất cả nghiệp chướng, hiện đời được lợi ích, vị lai được vãng sinh Phật quốc. Thảo nào gần đây có một vị học giả tạng Mật tên là Trần Kiện Dân chủ trương tiêu nghiệp vãng sinh, rất phù hợp với tinh thần trên.
Bậc Thánh giả Đại Tiểu thừa đồng ý rằng sau khi tiêu diệt tội nghiệp vãng sinh Tịnh độ, người ấy thành tựu tam muội, thành tựu lý sám thân chứng thực tướng vô tướng, tiêu nghiệp vãng sinh, còn có thể lý giải được. Đến như kẻ phàm phu phiền não ràng buộc chỉ nhờ niệm danh hiệu Phật, tín nguyện vãng sinh về nước kia, cũng có thể tiêu nghiệp vãng sinh, càng không dễ gì được người ta chấp nhận. Cho nên, chỉ có cách cường điệu nương nhờ vào bản thệ nguyện lực của đức Phật A Di Đà cứu giúp và cả sự gia trì của thần chú Mật thừa.
2. Tiêu nghiệp, đới nghiệp đều được độ
Căn cứ vào bốn loại Tịnh độ mà tôi đã giảng thì chúng ta hễ tin Phật, học Phật đều có thể sinh Tịnh độ. Thế nhưng, Tịnh độ ở thế giới Cực lạc phương Tây là do nguyện lực của Phật A Di Đà mà hình thành, nên phải nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà mới có thể vãng sinh. Như vậy có phải ai cũng đều được vãng sinh không? Căn cứ vào lời nguyện thứ 18 trong 48 nguyện mà kinh Vô Lượng Thọ chép thì: “Muốn cầu sinh Tịnh độ của Phật A Di Đà, cho đến chỉ cần niệm danh hiệu Phật mười lần, nhất định được vãng sinh, đó là nhờ nguyện lực gia trì của Phật A Di Đà”. Thế nhưng, nếu căn cứ vào kinh A Di Đà thì phải niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, kinh còn nói: “Không thể có chút ít nhân duyên phước đức căn lành mà được sinh về cõi nước kia”. Ý nói nếu có người niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, lại thêm căn lành cạn cợt, phước đức thiếu kém thì không thể sinh Tịnh độ của Đức Di Đà. Nguyện thứ 19 trong kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Trừ người phạm tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp, tất cả chúng sinh hễ muốn sinh về nước kia đều được như nguyện vãng sinh”. Tuy nhiên, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật lại nói, người phạm ngũ nghịch thập ác tu pháp môn niệm Phật A Di Đà cũng được Hạ phẩm hạ sinh ở cõi nước Cực lạc. Do đó, trong pháp môn Tịnh độ sản sinh quan niệm của hai phái. Một phái cho rằng, người ta có thể đới nghiệp vãng sinh Hạ phẩm hạ sinh nơi cõi Phật, phái khác thì cho rằng lúc vãng sinh nghiệp chướng phải được tiêu trừ hết.
Có một ông cư sĩ nói với tôi: “Kính bạch thầy! Sau khi con chết, con hy vọng sẽ được vãng sinh thế giới Cực lạc”. Tôi hỏi: “Đi như thế nào?”. “Xin thầy trợ giúp cho con”. “Ai đi trước?”. Ông ta suy nghĩ một lát rồi nói: “Bạch thầy, đương nhiên là thầy phải đi trước”. Ông mong muốn tôi vãng sinh trước rồi sau đó đem ông cùng sinh về Tịnh độ phương Tây. Kỳ thật chỉ có Phật A Di Đà mới có loại sức mạnh ấy. Kinh Vô Lượng Thọ nói, đó là do kiếp lâu xa về trước, thời đức Phật Thế Tự Tại Vương, có một vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng, đã phát lời thệ nguyện ấy, nguyện rằng sau khi thành Phật thành tựu quốc độ thanh tịnh, tiếp dẫn tất cả chúng sinh và Pháp Tạng chính là Phật A Di Đà.
Câu “Nguyện sinh chín phẩm sen ở phương Tây”. Ýù nói hoa sen chín phẩm đều nương nhờ bản nguyện của Phật A Di Đà, tiếp dẫn chúng sinh phàm phu, vì thế giới hóa thân bằng hoa sen, là thế giới sinh tồn của phàm phu, đương nhiên vẫn còn phiền não, đó tức là đới nghiệp vãng sinh, chứ không phải tiêu nghiệp vãng sinh. Phải nhờ nguyện lực cứu bạt của Phật A Di Đà, dù tự mình tu hành không đầy đủ, không thể giải thoát, nhưng vẫn có thể vãng sinh Tịnh độ. Thật ra được sinh về Hạ hạ phẩm trong chín phẩm hoa sen còn tốt hơn không.
Nếu tín tâm của chúng ta không đủ, thời thường có ý nghĩ không biết có thế giới Cực lạc phương Tây không. Nửa tin nửa nghi, rồi cũng theo gót người khác hành thiện, niệm Phật, tu cúng dường bố thí. Xin hỏi loại người này có thể vãng sinh Tịnh độ phương Tây được không? Đương nhiên là có thể, nhưng chỉ có thể vãng sinh ở biên địa của Tịnh độ. Thế nào là biên địa? Là thai cung, cũng là thai sen, tức là chỉ cho hoa sen vẫn chưa nở, ngồi trong thai hoa sen thời gian rất lâu dài. Không có tội báo, hưởng phước như cõi trời, nhưng lại thiếu cơ duyên nghe pháp tu hành.
Tuy nói lúc lâm chung niệm danh hiệu Phật A Di Đà mười lần thì có thể vãng sinh Tịnh độ. Nếu chúng ta bình thời không tin Phật, không niệm Phật, không tu cúng dường, không trồng căn lành, chỉ chờ đến lúc lâm chung cầu nguyện được vãng sinh là điều rất mạo hiểm. Lúc sống không niệm Phật, khi sắp chết thỉnh đoàn trợ niệm đến trợ niệm cầu vãng sinh, đương nhiên cũng có tác dụng nhưng rốt ráo không bằng tự mình kịp thời niệm Phật vẫn tốt hơn. Một khi chúng ta nghe được Phật pháp dù tuổi già hay trẻ nên lập tức niệm Phật, trì giới, tu cúng dường, trồng căn lành, tu phước đức mới có hy vọng vãng sinh phẩm vị sen cao.
Người tu hành pháp môn Tịnh độ không nên tự tư tự lợi chỉ cầu cho mình được vãng sinh Tịnh độ, mà không thiết gì đến thế gian này còn có rất nhiều chúng sinh đang chịu khổ nạn, chúng ta cần phải lấy từ bi và trí tuệ để giúp đỡ cứu tế họ. Đó chính là phát tâm Bồ đề, thực hành tam tụ tịnh giới của Bồ tát đạo.
Các vị Tổ sư đời xưa giải thích thiện căn, phước đức trong kinh A Di Đà là muốn chúng sinh niệm Phật nhiều, niệm Phật thường và niệm Phật chuyên cần. Niệm Phật cũng có hai loại phương pháp: 1. Dùng miệng niệm ra tiếng, là niệm Phật hữu tướng; 2. Dùng tâm tưởng niệm, thời thời khắc khắc cùng với lòng từ bi và trí tuệ của Phật tương ưng. Dù niệm Phật ra tiếng hay không, niệm niệm cùng với Phật tương ưng mới gọi là chân thật niệm Phật. Công phu sâu sẽ thành niệm Phật thật tướng, niệm Phật vô tướng. Niệm Phật hữu tướng vẫn là niệm đới nghiệp, niệm Phật vô tướng thì thành tiêu nghiệp vãng sinh.
Thật ra người chuẩn bị đới nghiệp vãng sinh cũng cần nên học tiêu nghiệp, tiêu trừ dần dần chút nào hay chút đó, đời nay tuy không có biện pháp toàn bộ đoạn trừ tội nghiệp đã có, nhưng tội nghiệp tiêu trừ càng nhiều thì phẩm vị sen lên càng cao. Trái lại, thiết nghĩ được Hạ phẩm hạ sinh vẫn có vấn đề.
Có một nữ cư sĩ đến hỏi tôi rằng: “Bạch sư phụ, có người nói định nghiệp không thể chuyển được, nếu quả thực như thế thì chúng con sám hối, niệm Phật, tu thiện đều không có tác dụng, lúc thọ quả báo vẫn phải thọ, vậy thì tu hành căn bản không có tác dụng sao?”. Tôi hỏi cô ta: “Lời hỏi này là ý gì?”. “Bạch sư phụ, cha của con bệnh đã hơn một năm nay, con đã làm mọi thứ như đến chùa dâng hương cầu nguyện, thếp vàng lên tượng Bồ tát, cúng dường Tăng chúng, thỉnh thầy tụng kinh Địa Tạng, lễ lạy kinh Thủy Sám, cũng tích cực tham gia pháp hội Lương Hoàng Bảo Sám, thế nhưng cha của con vẫn không thuyên giảm”. Tôi hỏi: “Cha của cô hiện nay bao nhiêu tuổi?”. “Dạ thưa 83 tuổi”. Tôi nói: “Nghiệp tuy có hữu định và bất định, nhưng tính tội vốn không, bản tính của tội nghiệp là không, chỉ vì tâm của mình chẳng không cho nên phải thọ báo. Nếu tâm của ta thật chứng chư pháp vô ngã thì không tội, không nghiệp ngay lúc ấy là giải thoát”.
Vì thế, cô muốn tôi dạy cho cha cô phương pháp tâm không, nếu tâm không nghiệp tiêu thì bệnh sẽ dứt. Vấn đề là ở chỗ cha của cô có thể quán sắc tức là không? Có thể quán pháp vô ngã được không? Nếu không thể quán được thì tâm chẳng không, nghiệp cũng chẳng thể tiêu. Như bóng theo hình, không thể nói chỉ quan trọng nơi thân thể mà không quan trọng nơi hình bóng. Trừ phi tâm không chấp trước, không phân biệt, cũng không hữu tâm, vô tâm là vô ngã, đã vô ngã đương nhiên cũng không có quả báo của tội nghiệp, một khi tâm bệnh trị khỏi thì bệnh của thân cũng sẽ chuyển biến tốt đẹp. Đó là pháp môn tối cao để tiêu tai kéo dài tuổi thọ. Vị nữ cư sĩ sau khi nghe xong rất vui mừng, hy vọng trở về nhà sẽ nói lại cho cha cô biết, tâm không là phương pháp tốt có thể tiêu nghiệp trừ bệnh. Song tôi cũng nói với cô ta, nếu theo pháp môn niệm Phật, dù chưa được tâm không, cũng có thể nghiệp tiêu bệnh trừ.
Đối với người thường, hy vọng cầu sinh thế giới Cực lạc phương Tây, thì lúc sống cần phải niệm Phật, siêng tu cúng dường, rộng gieo ruộng phước, dùng quan niệm báo ân để tiêu nghiệp chướng của mình. Đó cũng là lý tưởng mà Pháp Cổ Sơn chúng ta đề xướng “Đề cao phẩm chất con người, kiến thiết Tịnh độ nhân gian”. Dùng pháp này để trợ giúp cho phàm phu tiêu trừ một ít tội nghiệp, lúc sống tiêu trừ được một phần tội nghiệp thì phẩm vị hoa sen ở phương Tây cũng cao thêm một tí và rộng lớn ra thêm.