Tịnh độ
Tịnh độ chỉ quyết
Tác giả: Thích Minh Thành
07/05/2553 03:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHÁT NGỮ
KHAI THỊ TU TỊNH NGHIỆPCHO CƯ SĨ CUNG TÍCH VIỆN
 
   Các Kinh thảy đều khen ngợi pháp môn niệm Phật. Trong kinh A Di Đà, chư Phật sáu phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn thế giới nói lên lời thành thật. Đó chính vì sợ chúng sinh không tin nổi, nên các Ngài mới làm như thế để bảo chứng cho lời nói đó không giả dối, và làm cho chúng sinh phát sinh lòng tin chắc chắn, bởi vì đây là pháp sâu rộng khó tin.

   Kinh A Di Đà có nói: “Không thể dùng chút ít nhân duyên phước đức căn lành, mà được vãng sinh Tịnh độ”.

   Pháp khó tin mà tin được thì biết người đó có nhiều nhân duyên, nhiều phước đức và nhiều căn lành.

   Chỉ trong một môn niệm Phật mà bao gồm đầy đủ vô lượng pháp môn. Bởi vì Phật có ba thân, cõi có bốn loại. Người tu Tịnh nghiệp tùy theo sức mình mà tu hành:

 Hoặc niệm Phật Pháp Thân, nguyện sinh về cõi Thường Tịch Quang.

 Hoặc niệm Phật Báo Thân, nguyện sinh về cõi Thật báo Trang nghiêm.

 Hoặc niệm Phật Hóa Thân, nguyện sinh về hai cõi Phương Tiện Hữu Dư và Phàm Thánh Đồng Cư.

Tuy nói Phật có ba thân nhưng thật sự chỉ là một thân, nói có bốn cõi nhưng vốn chỉ là một cõi, vì đều lấy Pháp giới làm thể. Thế nên, hàng căn cơ viên đốn chỉ từ nơi một mà xuyên suốt tất cả. Như Đồng Tử Thiện Tài, ở núi Diệu Phong tham kiến vị thiện tri thức đầu tiên là Tỳ kheo Đức Vân được pháp Niệm Phật Tam Muội của ngài Phổ Hiền, đây chính là hạng người ấy.
 Niệm Phật Hóa Thân thì có Hòa thượng Đại Hạnh ở Cao Tề rất tôn sùng và chuyên tu trì theo pháp môn niệm Phật này. Ngài nói: “Tứ tự giáo chiếu”. Nghĩa là nơi tâm thường luôn “tin nhớ”, nơi miệng thường luôn “xưng kính”.

Bảo rằng vãng sinh Tịnh độ cần phải có lòng tin, ngàn người tin ngàn người được vãng sinh; muôn người tin, muôn người về Tịnh độ.

Tâm luôn tin, miệng thường niệm danh hiệu Phật, thì chư Phật liền cứu, chư Phật liền độ. Tâm thường nhớ Phật, miệng thường niệm Phật, thân thường kính Phật, như thế mới gọi tin sâu. Dù cho sớm hay muộn, nhưng sau cùng cũng không còn lý do gì ở lại Ta bà nữa. Đây chính là đứng về mặt Niệm Phật Hóa Thân, vãng sinh nơi cõi Phương Tiện và Đồng Cư. Vì vậy, nhắc nhở người mới phát tâm nên xem trọng và siêng năng thực hành.

 Niệm Phật Báo Thân thì sáu mươi vạn ức Na do tha hằng hà sa do tuần đều là thân của Phật. Vô lượng vô biên bất khả tư nghì A tăng kỳ kiếp là thọ mạng của Phật. Nước bốn biển trong ngần mắt biếc, năm Tu Di uyển chuyển bạch hào, ánh sáng không có bờ mé, quyến thuộc nhiều vô số. Người hầu cận bên trái là Bồ tát Quán Âm, bên phải là Bồ tát Thế Chí, vừa xưng danh hiệu thì diệt trừ được tội nặng của sự sinh–tử trong tám mươi ức kiếp, thoáng nhìn Thánh tượng liền được tám vạn bốn ngàn tướng hảo. 

Ôi! Đã bảo rằng thân Phật to lớn sáu mươi vạn ức Na do tha hằng hà sa do tuần thì Ta bà cách Cực lạc chẳng qua chỉ mười muôn ức cõi. Nếu vậy thì ba đường đen tối, sáu nẻo luân hồi, tất cả chúng sinh trong thế giới Ta bà đều ở trong tâm của Phật A Di Đà, luôn luôn nuôi ta lớn, luôn luôn thâu nhận ta, luôn luôn phóng quang minh soi sáng ta. Không biết tại sao chúng sinh chẳng hay, chẳng tin,  chẳng thấy? 
      
Nếu người thiện nam có phước đức căn lành, thấy biết như thế, tin tưởng hướng về, phát nguyện rộng lớn, nguyện vãng sinh cõi nước ấy thì toàn thể dung thông, vừa khởi niệm liền đến ngay. Như vậy nào có xa xôi gì? Nếu có thể Niệm Phật Báo Thân được như thế, chắùc chắc sinh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm.

 Niệm Phật Pháp Thân, trong Luận Đại Thừa Khởi Tín nói:

“Như trong Kinh nói nếu người chuyên niệm Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc Tây phương; tu mọi căn lành để hồi hướng nguyện vãng sinh về thế giới ấy, thì chắc chắn được vãng sinh, vì thường thấy Phật nên rốt cuộc không thối chuyển. Nếu quán xét về Pháp thân Chân như của đức Phật ấy và thường siêng năng tu tập, thì nhất định được vãng sinh, trụ nơi chánh định”.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói:

“Phật A Di Đà là Thân Pháp Giới vào khắp trong tâm tưởng của tất cả chúng sinh. Thế nên, khi tâm các ông tưởng Phật, tâm ấy tức là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”.

Trời đất đồng cội gốc, muôn vật cùng một thể. Pháp thân của chư Phật là chân tâm bản giác của chúng sinh. Chư Phật không có chứng ngộ chi khác, chỉ là chứng ngộ chân tâm của chúng sinh.

Tâm, Phật và chúng sinh cả ba không khác biệt. Bảo rằng “tâm này làm Phật” là nói rõ do tâm biến hiện, từ nơi bản tánh mà tu hành. Bảo rằng “tâm này là Phật”, nghĩa là ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm.
Pháp quán này không chỉ quán xét bản tánh, mà chính là nương vào quả Phật để hiển bày nơi bản tánh. Bởi vì đồng thể nên trước nói rõ Hóa Phật ở nơi tâm tưởng của ta, tiếp theo trình bày Pháp thân Như Lai chính là tâm thể bản giác của hành giả, không hai không khác.

Kinh Đại Phẩm Bát Nhã còn nói:

“Tánh như của các pháp tức là Phật”.

Kinh Kim Cang nói:

“Như Lai nghĩa là tánh như của các pháp”.

Đã biết “NHƯ” là Phật, mà tất cả pháp đều “NHƯ”, thì pháp gì chẳng phải Phật. Cho nên vô minh, vọng tưởng điên đảo phan duyên của chúng sinh; cho đến non sông quả đất, cây cối rừng rậm, trâu ngựa heo dê, côn trùng vi tế đều là Pháp thân chân thật thanh tịnh của Phật A Di Đà. Hành giả nếu có thể Niệm Phật Pháp Thân như thế, thì trụ ở nơi chánh định, chắc chắn được sinh về cõi Thường Tịch Quang.

Kinh Duy Ma Cật nói:

“Muốn được cõi nước thanh tịnh, nên làm thanh tịnh tâm mình. Tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh”.

Nhưng phương pháp tịnh tâm thì không có thuật nào khác, chỉ có thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm niệm Phật là điều thiết thực nhất.

Thế nên, bậc cao đức ngày xưa nói:

“Thanh châu gieo vào nước đục, nước đục không thể không trong. Danh hiệu Phật gieo vào tâm loạn, tâm loạn tất nhiên an định”.

Tiên Sư nói:

“Tâm tịnh cõi Phật tịnh
Lý này chẳng đổi dời
Tơ sen nếu chưa đứt.
Lôi kéo voi lớn đi”.

(Tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, lý này muôn vạn lần khó đổi dời. Nếu còn nghi ngờ sẽ chướng ngại sự tiến tu, cũng như sợi tơ sen nhỏ bé, nhưng có thể lôi kéo được voi lớn đi).

Đây đều là những lời chân thật.

Thân do cha mẹ sinh ra, tâm từ bóng duyên nơi sáu trần. Cả hai đều phải chịu sự sinh–trụ–dị–diệt, dời đổi trong từng niệm, biến hoại ở mỗi sát na, không thể nào nương tựa được lâu. Thế nên, tự mình cần nhìn thấu rõ thân–tâm hiện giờ.

Bát Nhã Tâm Kinh nói:

“Quán chiếu thấy năm uẩn đều rỗng không, vượt qua tất cả khổ đau”.

Bài kệ của Phật Câu Lưu Tôn nói:
“Thấy thân không thật là thân thật
Rõ tâm như huyễn là tâm thật
Rõ được thân–tâm vốn tánh không
Người này với Phật nào khác biệt”.

Hành giả tu Tịnh nghiệp, nên quán chiếu như thế, hiểu rõ như thế, quán xét thật tướng của thân–tâm như thế, quán xét Phật cũng như thế. Bởi vì chúng sinh và Phật đều cùng một thể không hai, không khác.

Một bộ Kinh Hoa Nghiêm là lời nói đầu tiên trong năm thời của Như Lai, là lời bàn tột cùng xứng với tự tánh thênh thang bao dung rộng lớn và đầy đủ, mà sau cùng thâu về mười đại nguyện vương của ngài Phổ Hiền, dẫn về Cực lạc. Thế nên biết, Cực lạc là lối tắt dạo biển thế giới trang nghiêm Hoa Tạng, là ngôi nhà an ổn để các bậc Tam hiền Thập thánh, chư đại Bồ tát nghỉ ngơi. Phật tử chân chánh phải nên gắng sức tu hành không nên hứa hẹn lần hồi.

Hợp Luận của Lý trưởng giả thường lấy sự Quyền và Thật của Tịnh độ để so sánh lẫn nhau, là bởi vì muốn dựa vào Lý mà nói để hiển bày Tam thừa, chỉ rõ Tịnh độ ở phương khác là phương tiện quyền biến, còn Tịnh độ duy tâm của giáo lý Nhất thừa trong kinh Hoa Nghiêm là chân thật.

 Nhưng nếu chẳng có chân thật thì không thể lập bày quyền biến, chẳng có quyền biến thì không thể hiển bày chân thật. Quyền biến và chân thật đều để chỉ bày Tịnh độ Hoa Nghiêm, còn Đông–Tây–Nam–Bắc, nhơ–sạch, lớn–nhỏ, mỗi sự mỗi vật đều là pháp giới vô tận luôn chứa đựng và dung thông lẫn nhau. Dùng Thập Huyền  Lục Tướng  dung thông mới vào được tận cùng đạo lý. Người đọc nên khéo được ý, đừng vướng mắc vào nơi ngôn ngữ.