ĐÁP TÁM CÂU HỎI TỊNH ĐỘ
CỦA CƯ SĨ CUNG TÍCH VIỆN
Hỏi: Vào đạo có nhiều môn, Thiền tông, Tịnh độ đường lối tuy khác, nhưng chỗ về vẫn là một, vốn không phân biệt hơn–kém.
Tuy nhiên, tham thiền lấy tỏ ngộ làm chính yếu, một khi công phu đến mức thì đời này liền được liễu ngộ; tu Tịnh độ lấy vãng sinh làm tiêu chuẩn, trì niệm tuy chuyên nhưng đến lâm chung mới được vãng sinh. Như thế thì cũng có trước sau, mau chậm khác nhau chăng?
Nói về việc tham cứu câu “niệm Phật là ai?”, cùng với việc khán thoại đầu “thế nào là bản tánh Di Đà?”, đây vẫn là công phu tham cứu. Những kẻ căn cơ thấp kém chưa thể làm được.
Nếu chỉ đơn giản trì một câu Phật hiệu mà muốn lúc sống có được lợi ích ngộ đạo, khi chết có được niềm vui vãng sinh. Xin Sư chỉ dạy rõ, tại sao lại được may mắn như thế?
Đáp: Tham thiền, niệm Phật vốn không phải hai pháp, nên tùy theo căn cơ của mình để thực hành sâu một môn. Các pháp ấy chỉ là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh của Phật, Tổ, là lối tắtù để vào đạo mà thôi. Còn như nói về sự mau – chậm, trước – sau, cũng chỉ tùy theo căn cơ ban đầu của mỗi người, thật sự không có pháp nào cố định.
Về pháp tham thiền, có người từ một gậy, một tiếng hét, một lời nói, một cơ dụng liền đốn ngộ. Cũng có người suốt đời chẳng ngộ, hai hoặc ba đời mới được tỏ ngộ, cho nên bậc cao đức ngày xưa dạy người, nói rằng: “Giả sử tham cứu chưa thấu triệt, học chưa thành, nhưng một khi đã lọt vào tai thì mãi mãi thành hạt giống đạo, đời sau trở lại một khi nghe liền thấu suốt, được Đại tổng trì”.
Còn niệm Phật vãng sinh, tuy là việc của thân sau, nhưng người được khai ngộ ở hiện đời cũng không ít. Điều này có thể thấy rõ trong sử sách.
Chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tại, tương lai nhất định thấy Phật”. Nay, không luận đời này ngộ hay không ngộ, trong hai mươi bốn giờ chỉ một lòng niệm Phật, đừng để lãng quên dù trong giây phút. Nếu quên liền phải nhớ, rồi khởi sức mạnh đại nguyện thì chắc chắn được vãng sinh. Thiền sư Vĩnh minh nói: “Chỉ được thấy Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ”. Lời này chính là để răn nhắc những người hay lo lắng niệm Phật chẳng được khai ngộ.
*
Hỏi: Người chấp trì danh hiệu Phật mà còn đọc tụng kinh điển Đại thừa, pháp này vốn thật rất ổn thỏa. Nếu người ở trong trần lao, tuổi già mới biết học đạo, lại bận việc nhà, tiếp đãi khách khứa, đủ mọi công việc không có nhiều thời giờ. Trong một ngày, nếu chỉ đọc tụng kinh điển thì giống như “vào biển đếm cát”, sẽ không thể chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật. Còn nếu chỉ chuyên tâm trì niệm thì ngại rằng chỗ thấy không được chân chính, khó mà thấu suốt. Vậy nên niệm–tụng song tu, hay chỉ trì danh hiệu Phật để khỏi bỏ sót pháp đơn giản nhưng quan trọng này. Cúi mong Ngài dạy rõ?
Đáp: Người tu Tịnh nghiệp đọc tụng Kinh điển Đại thừa, chính vì để thấu rõ Lý Tánh, vững chắc lòng tin chân chánh, sao lại nói “vào biển đếm cát?”. Nếu nói như thế là còn vướng mắc trong từ ngữ, chẳng thấu rõ tâm Phật, chẳng khéo đọc Kinh. Không nên chấp vào một bên, mà phải tùy theo sự tiện lợi của mình mà thực hành. Nếu thích đọc tụng thì bớt một ít thời giờ để đọc tụng, đem công đức hồi hướng Tây phương, còn nếu thích chuyên tâm niệm Phật thì cứ chuyên tâm niệm Phật. Mục đích chỉ làm cho chánh niệm liên tục là được, không nên do dự.
*
Hỏi: Bậc cao đức ngày xưa dạy người niệm Phật, cần phải: “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm. Niệm và vô niệm nhồi thành một khối, đó mới là công phu cao tột”. Hiện nay, người mới học trong lúc rảnh rang có thể trì niệm chẳng quên, nhưng khi gặp việc tiếp duyên bỗng nhiên quên mất. Lúc niệm thì có, khi chẳng niệm thì không. Như thế đã chia làm hai, sao có thể nhồi thành một khối? Nay muốn làm cho lúc rảnh rang, tâm tỉnh giác sáng tỏ không mờ, khi gặp việc tiếp duyên luôn giữ được câu niệm Phật, thì bằng phương pháp nào mới phù hợp?
Đáp: Niệm Phật có hai mặt: niệm về Lý, có niệm về Sự.
Nếu niệm Phật về Sự, thì chỉ nhất tâm niệm, quan trọng là niệm làm sao cho mỗi chữ rõ ràng, từng câu được nối nhau liên tục. Nếu mỗi chữ chẳng rõ ràng tức là bị hôn trầm, từng câu chẳng liên tục tức là tán loạn. Không hôn trầm, không tán loạn, một câu Phật hiệu rõ ràng hiện tiền, lâu dần tự nhiên thành tựu Niệm Phật Tam Muội.
Niệm về mặt Lý, là thấu suốt được tâm hay niệm và Phật được niệm hiện giờ do nhân duyên hợp thành, vốn không có gì, ngay nơi bản thể là tánh không. Như thế là niệm mà vô niệm.
Tuy tánh không mà tâm hay niệm và Phật được niệm luôn rõ ràng ở trước mắt, như thế chính là vô niệm mà niệm.
Tuy nhiên, niệm mà vô niệm là pháp Quán Không. Vô niệm mà niệm là pháp Quán Giả. Không và Giả chẳng hai, thì Pháp thân hiện giờ chính là pháp Quán trung đạo. Nếu có thể hành trì tương ưng với quán hạnh này, thì biết rõ Ta bà và Tịnh độ chỉ ở một nơi, Di Đà và bản thân mình vốn chẳng phải hai người khác biệt.
Niệm Phật như thế, chắc chắn vãng sinh lên thượng phẩm nơi Tịnh độ. Đó gọi là:
“Sinh thì quyết định sinh,
Đi thì thật không đi”.
Nếu chưa rõ lý tánh, thì đều chấp chặt vào mặt “có niệm”, mà không biết đạo lý “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Lý đã chưa tỏ, mà muốn cầu tương ưng, thật là khó khăn.
Nay chẳng luận là Sự hay là Lý, chỉ cần chuyên tâm trì niệm một câu danh hiệu Phật.
Bạch Hương Sơn nói:
“Đi cũng A Di Đà, ngồi cũng A Di Đà, cho dù bận rộn đến đâu cũng chẳng rời câu A Di Đà Phật. Lâu dần thuần thục, thành tựu chánh định. Tự nhiên rỗng rang thì tỉnh giác tỏ sáng không mờ, nên khi tiếp duyên xúc cảnh cũng không quên chánh niệm”.
*
Hỏi: Trì giới là nền tảng của sự tu hành; không sát sinh là căn bản của đại giới. Vả lại: “Nhân giới mà sinh định, nhân định mà phát tuệ”, thì Giới là đứng đầu. Nhưng người tại gia nhiễm sâu nghiệp nặng, tập khí nhiều đời khó đổi dời. Hơn nữa, từ trung niên trở về sau thân thể yếu đuối nhiều bệnh, khổ nỗi chưa dứt được việc ăn mặn, lẽ nào còn nghiệp mà được vãng sinh?
Chư Phật từ bi chẳng ngại mở ra một con đường Tịnh độ, nhưng vẫn còn tâm qua–lại, lấy–bỏ, nên khó thoát khỏi ba đường, nhân–quả trả vay đâu thể lên ngôi thượng phẩm. Như thế làm sao thoát ra được?
Đáp: Không thể trì trai giữ giới là bệnh chung của người giàu sang. Thuở xưa, Liêm Sứ ở Hồng Châu hỏi Ngài Mã Tổ về việc ăn thịt, Tổ đáp rằng:
“Ăn thịt là lộc của ông
Không ăn thịt là phước của ông”.
Không ăn thịt đã là phước, thì ăn thịt ắt mắc tội. Điều ấy quá rõ ràng.
Tô Đông Pha thông minh cái thế, thấu suốt giáo lý nhà Phật, nhưng vẫn không tránh khỏi ăn thịt chúng sinh. Hoàng Sơn Cốc suốt đời trai giới trong sạch, làm văn phát nguyện, tự khích lệ thống thiết, từng làm kệ răn nhắc Tô Đông Pha:
“Thịt ta, thịt chúng sinh
Hình khác, thể không khác
Vốn đồng một chủng tánh
Chỉ cách biệt dáng hình
Khổ đau chúng phải chịu
Vì ta cần béo ngọt
Chớ bảo Diêm Vương phán
Tự xét xem thế nào?”.
Bài kệ này dạy người rất xác đáng, vì vậy hành giả tu Tịnh nghiệp cần phải suy xét cẩn thận: “Ta ăn một miếng thịt, chúng sinh chịu khổ vô cùng, do nghĩ về nỗi khổ của chúng sinh, nên ta không ăn thịt”.
Tuy thế, việc “còn nghiệp mà được vãng sinh”, trong giáo lý có nói rõ ràng, chỉ là phẩm sen không cao mà thôi. Bậc đại trượng phu nên nhắm thẳng đến thượng phẩm, sao lại tự thu mình vào chỗ mang nghiệp vãng sinh?
*
Hỏi: Từ khi tu Tịnh độ đến nay vẫn hiểu thế giới là giả dối, thân thể là huyễn hóa, nên cũng có tỉnh giác đôi phần. Nhưng lại lo lắng bất chợt nương theo giả dối mà sinh khởi vọng tâm. Hoặc trong hoàn cảnh nghèo khó tuy hiểu là huyễn hóa, nhưng vẫn thường phát sinh vọng tưởng. Có thể hiểu mà không thể chứng đạt, nói được nhưng không làm được.
Như vậy, chẳng những khó thành tựu được Tịnh đức này, mà còn dễ làm tăng trưởng tâm nhiễm kia. Nay muốn tâm nhiễm không tăng trưởng, đồng thời thành tựu trọn vẹn được điều khó thành tựu kia, thì phải tu pháp gì mới có thể đạt được mục đích?
Đáp: Chướng có dày–mỏng, ngộ có cạn–sâu. Còn chỗ không tương ưng vì bởi cái thấy chưa thấu triệt, thực hành chưa thuần thục, chạm cảnh gặp duyên vẫn còn dao động. Đó là bệnh chung của người mới tu hành. Chỉ có người trí thì ở ngay chỗ không tương ưng đó, thường xuyên nỗ lực luyện tập khắc khổ, chân thật nhìn thấu rõ, một niệm soi sáng trở lại, ngay đó điều phục an lạc. Lâu dần tự nhiên tập thành tánh, chẳng cần phí sức.
*
Hỏi: Khi niệm Phật, tâm này tuy chưa đạt đến chỗ không loạn, nhưng cũng không đến nỗi lãng quên hoàn toàn. Chỉ về đêm, lúc ngủ nằm mộng còn cảm thấy tập khí từ trước hiện ra đủ thứ, là điều thuần thục khó quên. Nghiệp lực huân tập nhiều đời chẳng phải trong sớm chiều có thể thắng được. Trong chiêm bao còn khó làm chủ, thì đối với việc sinh–tử đâu tránh khỏi nổi chìm.
Nay muốn học theo người xưa ngồi mãi không nằm, nhưng sức lực yếu đuối, có ý nguyện học theo lại chưa được. Con người bình thường thì đêm ngủ, ngày ăn, phân chia thành khi mê–lúc tỉnh, rất khó giữ gìn lúc nào cũng như một. Nay phải dùng phương pháp gì để khiến cho thức–ngủ như một, ông chủ tỉnh giác luôn có mặt?
Đáp: Hành giả tu Tịnh nghiệp, ngay lúc ban ngày đối với cảnh phải–quấy, thương–ghét hỗn tạp, thường thường bị mất chánh niệm, theo cảnh trôi nổi, huống gì trong lúc chiêm bao!
Nói chung, đều do tình Ta bà nặng, niệm Tịnh độ nhẹ. Nếu đem tâm đó ra cân lường, sẽ thấy một bên cao, một bên thấp. Nay chỉ chân thật nhìn thấu rõ mọi việc ở thế giới Ta bà đều là đau khổ, giả dối, không có việc gì chân thật đáng lưu luyến, buông bỏ muôn duyên, dốc hết lòng niệm Phật.
Ban ngày, lúc mở mắt nếu không mất chánh niệm, thì ban đêm khi chiêm bao tự nhiên chánh niệm cũng không mất. Trong chiêm bao đã không mất chánh niệm, thì lúc chết chánh niệm ở ngay trước mắt. Đại Sư Trí Giả ở Thiên Thai nói: “Lúc lâm chung tâm ở nơi định, tức là lúc vãng sinh Tịnh độ”.
Cảnh thức, ngủ như một, giống với chỗ này.
*
Hỏi: Người xưa khi chưa rõ việc lớn, rất quý việc gần gũi bậc minh sư, sớm chiều thưa thỉnh để mong cầu thấu triệt.
Thế nên, mới có việc Ngài Đặng Ẩn Phong “ba lần lên, chín lần đến” hỏi đạo với Thiền sư Thạch Đầu. Ngày xưa có tương truyền, thấy tánh như ngài Triệu Châu, mà lúc tuổi đã tám mươi rồi còn phải hành cước khắp nơi tham vấn các bậc thiện tri thức.
Nay người tu Tịnh độ, tuy chỉ trì niệm danh hiệu của một đức Phật, nhưng cũng mong thấu rõ được tâm tánh mình, thì cũng giống nhau cả thôi. Thời gian và nơi chốn của người tại gia luôn bị giới hạn, không được như người xuất gia có thể đi ngàn dặm để học đạo. Dù có tạm thời gần gũi bậc Đạo sư, cũng không được như người xuất gia thoát tục. Sáng–chiều phải đối diện với vợ con, quyến thuộc, mắt thấy–tai nghe đều là việc chướng đạo nghiệp lụy. Nhất quyết muốn cắt đứt dứt hẳn để thân cận với bậc thiện tri thức, thì phải xuất gia rời thế tục, nhưng nếu còn ở trong nhà cũng cần phải tự mình có phương tiện khéo léo. Nay rất muốn được nghe chỉ dạy về việc này!
Đáp: Hành giả tu Thiền hay tu Tịnh, chẳng luận tại gia hay xuất gia, hãy xem nguyên nhân phát tâm có chân thật hay không.
Nếu như phát tâm chân thật, thì tuy ở nhà đoàn tụ với vợ con, quyến thuộc, nhưng trí tuệ vẫn sáng suốt không bị trở ngại. Xưa nay mắt thấy–tai nghe những người tại gia đắc đạo rất nhiều, rõ ràng có thể khảo sát, đâu cần thiết mọi người đều phải xuất gia tham vấn, sau đó mới có thể học đạo?
Thế nên, phẩm Tịnh Hạnh trong Kinh Hoa Nghiêm bảo: “Hành giả phải khéo dụng tâm, chạm cảnh gặp duyên thường phát một trăm bốn mươi nguyện”. Nguyện thứ nhất nói rằng:
“Bồ tát tại gia
Nên nguyện chúng sinh.
Biết nhà tánh không
Khỏi sự bức bách”.
Nếu quả thật biết rõ bản chất của gia đình vốn rỗng không, thì tất cả tùy duyên, chẳng sinh tâm tham luyến vướng mắc. Khi bồng con, đùa cháu, vui cười, mắng giận đều đủ để khai phát bản tánh, hỗ trợ cái nhìn chân chính. Như thế, đâu cần phân biệt tại gia hay xuất gia!
Còn nếu là người phát tâm không chân thật, thì không chỉ tại gia chẳng đắc đạo, mà ngay cả xuất gia cũng chỉ là “ông Tăng vì cơm áo” mà thôi.
*
Hỏi: Người xưa tham thiền, có vị tu hai, ba mươi năm giữ một câu thoại đầu mà còn chưa thấu triệt. Ngay cả như ngài Triệu Châu còn phải không để tâm xen tạp suốt bốn mươi năm. Thiền sư Hương Lâm hành trì trong bốn mươi năm mà con trâu còn rong chạy, huống gì người khác.
Nay niệm một câu Phật hiệu và tham một câu thoại đầu chỉ là một, nhưng tuổi đã quá năm mươi, sắc thân mỗi ngày suy yếu bởi già bệnh nên càng thêm lụm cụm, rất muốn một đời xong xuôi, nên e rằng từ đây trở về sau, chưa chắc đã có hai, ba mươi năm để công phu đạt đến cảnh giới An Dưỡng.
Cảnh giới An Dưỡng chẳng phải việc dễ dàng, đâu thể chỉ trì niệm qua loa đạt đến được. Vậy phải thực hành thế nào mới toại nguyện? Cúi mong Sư chỉ rõ để nhắc nhở tiến thêm!
Đáp: Tham thoại đầu chính là công phu vào cửa của người mới tu. Còn như ngài Triệu Châu bốn chục năm không dụng tâm xen tạp; Thiền sư Hương Lâm bốn chục năm mà con trâu còn rong chạy, chính là con đường diệu huyền thực hành sau khi ngộ.
Bảo rằng học Phật, học Pháp là dụng tâm xen tạp; rơi vào tình phàm, kiến giải Thánh đều là rong chạy. Như thế đâu thể xét chung với việc khán thoại đầu được!
Thế Tôn ở ngoài pháp môn Tam thừa, mở riêng một môn Tịnh độ, gọi là “phương tiện thù thắng”, là “lối tắt tu hành”, hay còn gọi là “ra khỏi ba cõi theo chiều ngang”. Thiền sư Vĩnh Minh gọi là: “Muôn người tu, muôn người vãng sinh”.
Bởi vì, dựa vào sức mạnh của lòng tin, sự thực hành và tâm phát nguyện của chính mình, lại có thêm sức mạnh từ bi gia hộï của Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Âm và Thế Chí cùng chư Đại Thánh chúng, ví như xuôi buồm thuận gió tiến thẳng đến bờ kia, có gì gian nan hiểm trở. Thế nên, người tạo mười điều ác, chỉ trong mười niệm còn được vãng sinh. Chim Oanh Vũ theo vị Tăng niệm Phật còn được thoát kiếp chim lồng, hoa sen mọc lên từ lưỡi. huống gì bậc nam tử đầy đủ niềm tin chân chánh và phước tuệ, nhất tâm niệm Phật mà không được vãng sinh hay sao?
Cần gì lo lắng phải công phu hai, ba mươi năm sau đó mới được thành tựu. Chỉ e lòng tin không vững chắc, niệm Ta bà sâu nặng, còn tâm Tịnh độ thì cạn mỏng, nên chẳng được tương ưng. Như thế chính là chỉ ở nơi mình tự cố gắng hết lòng mà thôi.
Ngày xưa, có vị quan tên Ngô Tử Tài ở nhà chuyên tu Tịnh độ, tự đặt một chiếc quan tài trong nhà và thường nằm trong đó. Ông sai đồng tử mỗi sáng gõ vào quan tài gọi dậy, ca lên rằng:
Ngô Tử Tài!
Về đi thôi
Ba cõi không an, chớ nên ở.
Tây phương Tịnh độ có Liên Đài!
Đó chính là lo lắng thói quen xấu ác ràng buộc, nên phải tự mình đối trị như thế. Vậy mới mong được dễ dàng thành tựu Niệm Phật Tam Muội.