Muốn chết tốt đẹp chúng ta phải
sống tốt lành. Nếu chúng ta đã sống tốt lành chúng ta có thể chết êm ả. Sẽ
không còn nuối tiếc. Chúng ta sẽ ra đi một cách an bình, mãn nguyện rằng chúng
ta đã làm cái chúng ta có thể, rằng trên con đường mà chúng ta đã gieo rắc cảm
thông và hạnh phúc, rằng chúng ta đã sống theo nguyên tắc và lời cam kết trước
những lý tưởng về thương yêu và từ bi.
Thương yêu là hiểu biết. Thương yêu
không phán xét hay kết tội. Thương yêu lắng nghe và cảm thông. Thương yêu quan
tâm và đồng tình. Thương yêu chấp nhận và tha thứ. Thương yêu không biết đến
chướng ngại. Nó không phân biệt mà nói: Tôi là Nguyên Thủy, bạn là Ðại Thừa hay
Tây Tạng. Nó không nói: Tôi là Phật tử và bạn là Cơ Ðốc, Hồi Giáo hay Ấn Giáo.
Hay tôi là người Trung Hoa, bạn là người Mã Lai, người Ấn Ðộ hay người Lai Âu
Á. Hay tôi là người Phương Ðông và bạn là người Phương Tây; hay tôi là người Mã
Lai, bạn là người Nhật Bản, Hoa Kỳ, Miến Ðiện, Thái và vân vân...
Thương yêu vượt qua tất cả chướng
ngại. Thương yêu thấy và cảm thấy chúng ta đều là một giống nòi, một giống
người. Nước mắt của chúng ta đều giống nhau; chúng đều mặn, và máu của chúng ta
đều đỏ. Khi có loại tình yêu và từ bi này chúng ta có thể có cảm tình với người
khác. Chúng ta có thể thấy chúng ta cùng đi trên một con thuyền trong biển dông
bão của cuộc đời. Chúng ta là những bạn đau khổ trong luân hồi, cái bất tận xẩy
ra trong vòng sinh tử. Chúng ta là anh em và chị em.
Khi chúng ta nhìn thấy và cảm thấy
điều này, thì tất cả những chướng ngại về nòi giống, tôn giáo lý tưởng vân
vân... sẽ biến mất. Chúng ta có thể vươn tới bằng con tim của tình thương yêu
thanh khiết. Chúng ta có thể hiểu và cảm thông với đau khổ của người khác. Từ
bi sẽ tăng lên và tràn đầy trong lòng chúng ta. Và trong bất cứ cái gì chúng ta
nói hay làm, tình thương yêu và từ bi này cũng sẽ in dấu. Nó sẽ xoa dịu và làm
lành. Nó sẽ góp phần vào hòa bình và hiểu biết.
CON NGƯỜI VÀ CON BỌ CẠP
Tình thương đi đôi với từ bi. Khi
chúng ta có một trái tim thương yêu, từ bi nảy sinh dễ dàng nơi chúng ta. Bất
cứ lúc nào chúng ta nhìn thấy một người khổ đau, chúng ta cảm thấy muốn chìa
tay ra làm cho người ấy đỡ đau. Từ bi có đặc tính là muốn loại bỏ khổ đau. Nó
có thể đặc biệt được cảm thấy khi chúng ta tự ý hành động để loại bỏ hay làm
giảm bớt khổ đau của người khác. Có một câu chuyện làm sáng tỏ vấn đề: Một
người trông thấy một con bọ cạp sắp sửa bị chìm trong vũng nước. Ý muốn cứu con
bọ cạp đột nhiên nổi lên trong tâm, và không lưỡng lự chìa tay ra nhấc con bọ
cạp ra khỏi vũng nước và để nó trên mặt đất. Con bọ cạp đốt người đó. Và muốn
qua sang bên kia đường con bọ cạp lại bò đi và đi thẳng vào vũng nước. Nhìn
thấy nó quờ quạng và sắp bị chìm lần nữa, người ấy bắt nó lần thứ hai và lại bị
nó đốt. Một người khác đến và nhìn thấy tất cả sự việc xẩy ra liền nói với
người ấy: "Tại sao bạn ngu đần đến như thế? Bây giờ bạn thấy bạn bị đốt
không những một lần mà bị đốt đến hai lần! Thật là ngu dại đi cứu con bọ
cạp". Người ấy trả lời: "Thưa Ngài, Tôi không thể chịu được việc này.
Ngài thấy, bản tính của con bọ cạp là đốt. Nhưng bản tính của tôi là cứu. Tôi
không thể chịu được ngoài việc cố gắng cứu con bọ cạp".
Ðúng, đáng lẽ người ấy có thể dùng
trí tuệ và sử dụng một cái gậy hay một thứ gì đó để nhấc con bọ cạp ra khỏi.
Nhưng người ấy có lẽ đã nghĩ rằng có thể nhấc con bọ cạp ra bằng tay theo cách
ấy mà không bị nó đốt. Hay người ấy có lẽ đã nghĩ rằng con bọ cạp ở trong cơn
hoạn nạn khốc liệt như vậy sẽ không đốt mình. Dù sao, tinh thần của câu chuyện
là phản ứng tự phát của người ấy trong việc muốn cứu một chúng sinh khác, mặc
dầu chúng sinh ấy chỉ là một côn trùng. Câu chuyện cũng cho thấy người từ bi là
như vậy mặc dù có thể nhận được sự bội ơn của người mình đã cứu giúp, điều đó
không thành vấn đề. Ðó chính là bản tính muốn giúp đỡ và nếu có thể giúp nữa
thì người ấy vẫn làm. Người ấy không biết nuôi dưỡng niềm cay đắng hay ác cảm
ra sao!
Từ bi là tiếng nói của con tim. Ở
vào lúc khi chúng ta bị thúc đẩy bởi tình thương và từ bi, chúng ta chìa tay ra
giúp đỡ không phân biệt nòi giống, tín ngưỡng, hay quốc tịch của người khác.
Dưới ánh sáng của từ bi, sự nhận dạng về nòi giống, tín ngưỡng vân vân trở
thành thứ yếu; chúng trở thành vô nghĩa. Hơn nữa, từ bi như vậy không phải chỉ
giới hạn ở con người mà còn trải rộng tới tất cả những vật sống gồm có súc vật
và côn trùng. Song hàng với đề tài từ bi như tiếng nói của con tim, tôi muốn
kinh gửi quí vị một bài thơ
TIẾNG NÓI CỦA TỪ BI
Ðại Thừa Nguyên Thủy Kim Cang Thừa
Cơ Ðốc Phật Hồi Ấn Ðộ Giáo
Người Mã Hoa Ấn Ðộ Lai Âu Á
Mã Lai Nhật Bản Mỹ Phi Châu
Người Da trắng Da đen Da vàng Da nâu
và vân vân... và vân vân...
như bạn muốn.
Vấn đề đó là gì?
Tiếng nói của từ bi
là tiếng nói con tim.
Khi con tim nói
Ngàn hoa đua nở
Và tình thương tràn ngập
như mặt trời bình minh
ùa qua cửa sổ
Không cần lời
một cái nhìn, một tiếp xúc
đủ để nói
mà ngàn tiếng không bằng.
Và Từ bi rực sáng
như vì sao sáng lạn
trong bầu trời ban đêm.
Chướng ngại sụp đổ
lay động thành kiến
Giành lại ưu thế
Tình thương và từ bi,
chế ngự mọi sợ hãi, hoài nghi
chữa lành các vết thương,
bao trùm.
Tôi cảm thấy nếu chúng ta cố gắng
trau dồi loại tình thương ấy và từ bi ấy, và đến lúc cái chết tới, chúng ta sẽ
ra đi an bình. Cho dù chúng ta không thành công 100 phần trăm ở trong tình
thương yêu toàn hảo, chúng ta vẫn sung sướng và mãn nguyện rằng chúng ta đã cố
gắng. Và chắc chắn chúng ta đã thành công ở một mức độ nào đó.
NĂM GIỚI
Nếu chúng ta cố gắng trau dồi loại
tình thương này, thì việc giữ năm giới không khó khăn gì. Giới thứ nhất như các
bạn biết là không giết, không lấy mạng sống cho dù là con vật hay côn trùng. Ðó
là một giới đẹp đẽ. Giới đó có nghĩa chúng ta tôn trọng sự sống. Nói đúng hơn
là chúng ta không những tôn trọng sự sống mà chúng ta còn trân quý nó. Ðời sống
quý giá cho tất cả. Khi chúng ta cho sự sống là chúng ta cho một tặng phẩm cao
quí nhất. Khi chúng ta giữ được giới này chúng ta trở nên tử tế hơn Không những
chúng ta kiềm chế không giết, chúng ta còn kiềm chế không làm hại bất cứ chúng
sinh nào.
Ðúng, trong cái thế giới bất toàn
hảo này, người mạnh cuớp bóc kẻ yếu, giết chóc lan tràn. Chúng ta có thể nhìn
thấy điều này trong thế giới động vật, con hổ ăn thịt con nai ra sao, con rắn
bắt con nhái, con nhái bắt chuồn chuồn, con chim bắt sâu, và cá lớn nuốt cá bé.
Và con người chúng ta giết thú vật và cá và thậm chí giết lẫn nhau. Nhưng chúng
ta ở đây không phải để xét xử hay kết tội. Chúng ta hiểu những nhược điểm của
con người và bản chất không hoàn chỉnh của cuộc sống. Ðức Phật cũng hiểu như
vậy. Ngài nói khi chúng ta có thể thanh tịnh tâm của chúng ta và đạt Niết bàn
thì chúng ta có thể không chọn cuộc sống bất toàn hảo, cái vòng sinh tử này.
Chính chúng ta sẽ kiểm tra xem liệu chúng ta có thể làm được điều này không.
Khi chúng ta đã tẩy sạch được tất cả tham, sân si trong tâm chúng ta, chúng ta
sẽ biết chắc bằng kinh nghiệm trực tiếp liệu Ðức Phật nói đúng hay không. Cho
đến lúc đó, tôi có niềm tin chẳng là gì tốt hơn là đi theo con đường của Ðức
Phật, con đường thanh tịnh tâm.
Mỗi người trong chúng ta phải đi
theo con đường phát triển của chúng ta. Hãy để cho mỗi người chúng ta cố gắng
giữ giới thứ nhất với khả năng tốt nhất của mình: chúng ta không nên giết;
chúng ta nên dung nạp sự sống, cho sự sống.
Giới thứ hai là không trộm cắp hay
lừa đảo, không lấy bất cứ thứ gì với ý định bất lương. Chúng ta lương thiện
chúng ta kiếm sống bằng đường lối thật thà. Có một số người nói rằng một con
người thành thật không thể thành công hay không thể giàu có. Tôi không đồng ý
với điều này. Tôi chắc chắn có rất nhiều người chân thật giữ đúng nguyên tắc
của họ đã thành công. Và hơn thế nữa họ vui hưởng hạnh phúc của một lương tâm
trong sạch và tâm an lạc. Mặt khác những người lừa đảo đều bị lộ chân tướng và
cuối cùng bị trừng phạt. Cho dù họ có thể tìm cách thoát khỏi sự phát hiện, họ
vẫn bị khổ vì sợ bị phát hiện và những day dứt của lương tâm tội lỗi. và khi họ
chết, cái khổ đau của tái sinh thống khổ chờ đợi họ. Như vậy, thành thật đã
luôn luôn và sẽ luôn luôn là cách xử sự tốt nhất. Ðừng nghe những kẻ nói ngược
lại. Người thành thật sẽ thành công hơn. Cho dù chúng ta phải đương đầu với những
chướng ngại to lớn hơn, chúng ta cũng không lừa đảo để thành công. Chúng ta thà
thành thật mà nghèo còn hơn là giàu có mà không thẳng thắn. Không có gì hạnh
phúc hơn khi có một lương tâm trong sạch nhất là lúc chúng ta đương đầu với cái
chết.
Giới thứ ba là có trách nhiệm trong
vấn đề tình dục. Nếu hai người hôn phối gìn giữ mối quan hệ đứng đắn, ân cần,
thương yêu và trung thành với nhau, thì tình yêu của họ được bảo vệ. Không có
người thứ ba nào có thể xen vào giữa. Trách nhiệm tình dục rất quan trọng. Vì
nếu không có trách nhiệm, sự đối xử tàn nhẫn sẽ xẩy ra. Bọn chủ chứa ma cô hủy
hoại đời sống của các thiếu nữ; và những người bị gục ngã bởi tính ham nhục dục
là những kẻ tiếp tay cho những hành vi ác độc. Nhưng ở đây chúng ta sẽ không
phán xử mà là biện hộ cho tình thương yêu và từ bi thực sự. Ðúng, nếu chúng ta
có thể thanh tịnh tâm chúng ta và kiềm chế những ham muốn nhục dục, thì sẽ có
ít đau khổ và ít bị lợi dụng hơn trong thế giới này. Và bệnh AIDS đáng sợ nay
đã trở thành một tai họa trên khắp thế giới cũng có thể bị ngăn chặn.
Giới thứ tư là không nói dối mà nói
sự thật. Một lần nữa chúng ta không nên nghe những kẻ nói rằng ta sẽ không
thành công nếu không nói dối và đóng vai giả dối. Lòng chân thật là một trong
thập pháp (mười đức hạnh) được triệt để tuân theo bởi một Bồ Tát (một người
muốn đạt Phật quả). Tất cả những người Phật tử cũng phải phát triển những đức
hạnh đến một mức độ đáng kể nếu muốn đạt được A La Hán quả - giải thoát khỏi
vòng sinh tử. Ðức Phật muốn chúng ta hết sức ngay thẳng nên đã khuyến cáo chúng
ta không nói dối thậm chí khi nói đùa chơi. Cho nên chúng ta nên cố gắng hết
mình để giữ giới cao quý không nói dối này. Hơn nữa mặc dù chúng ta không đi
tìm nó, thanh danh của một người chân thật vẫn lan tràn xa rộng. Thâm chí người
gièm pha cũng phải thừa nhận và kính trọng người chân thật.
Giới thứ năm là không uống rượu và
dùng ma túy vì chúng làm tâm đần độn. Và chúng cũng có hại cho thân thể. Một số
người nghĩ rằng giới này cho phép uống một chút có tính cách giải trí nhưng tôi
không nghĩ như vậy. Ðức Phật không muốn chúng ta làm hại chánh niệm có thể quay
về khiến chúng ta làm hại những giới khác. Ngoài ra, rượu rất có hại cho sức
khỏe của chúng ta. Về ma túy tất cả chúng ta đều đồng ý những chất ma túy mạnh
như heroin (bạch phiến) rất có hại. Nhưng thuốc lá được một số người nghĩ rằng
không ở trong giới này. Ở thời đại Ðức Phật, thuốc lá rõ ràng chưa được khám
phá ra. Tuy nhiên dưới ánh sáng của ngày nay, chứng cớ y khoa quá mạnh về sự
tai hại của thuốc lá và những cố gắng của các chính phủ trên khắp thế giới cấm
hoặc cắt bớt sự sử dụng thuốc lá, chúng ta tin tưởng để nói rằng nếu Ðức Phật ở
đây ngày nay thì Ngài cũng khuyến cáo chúng ta đừng hút thuốc lá, vì Ngài không
muốn chúng ta làm hại đến sức khỏe thể chất chúng ta và Ngài cũng chẳng muốn
chúng ta bị nghiện ngập với chất ma túy nhẹ nhưng đã được chứng tỏ có hại này.
Có thể nói nhiều hơn nữa về tai hại
của rượu và thuốc lá đã trút và vẫn còn đang trút lên đầu xã hội nhưng điều đó
không nằm trong phạm vi cuốn sách này để đi vào một cuộc thảo luận dài về đề
tài này. Chỉ cần rằng chính quan điểm của chúng ta ngay cả đến cái gọi là uống
chơi và hút sách cũng có phần vi phạm đến tinh thần của giới thứ năm này. Cho
nên tốt hơn là tuyệt đối giữ giới nhất là trường hợp về rượu khi đã xét kỹ đến
những lời dạy của Ðức Phật: Này các tỳ kheo, dùng các chất say trong lúc tu
tập, phát triển, và thi hành lặp đi lặp lại, khiến chúng ta đi vào đia ngục,
thế giới thú vật, và thế giới ngã quỷ, và kết quả tối thiểu ta cũng phải tái
sanh làm người bị mất trí".
Khi chúng ta giữ năm giới, chúng ta
đem hạnh phúc và yên ổn đến cho người khác. Bằng cách nào? tại sao không một ai
còn phải lo lắng về chúng ta. Họ không còn phải lo sợ chúng ta. Họ sẽ thấy an
toàn và thoải mái với chúng ta. Vì họ có thể thấy được bảo đảm là chúng ta
không làm hại họ, trộm cắp của họ hay lừa đảo họ. Chúng ta sẽ không ngoại tình
với vợ chồng của họ. Chúng ta không nói dối họ. Và gì nữa chúng ta không uống
rượu không hút thuốc lá, họ không phải lo lắng về con cái họ bắt chước chúng ta
quen thói rượu chè hay hút thuốc lá hay nguy hiểm mà họ phải đối đầu bởi phảiï
hít các làn khói thuốc. Họ sẽ cảm thấy họ có thể tin chúng ta vì chúng ta không
còn uống rượu. Chúng ta là người có đạo lý và giữ vững cách sống trung thực và
đạo đức. Chúng ta không làm hại ai. Những kẻ say đắm dục lạc có thể nghĩ rằng
chúng ta sống một cuộc đời buồn tẻ và chúng ta khờ dại. Nhưng điều đó không
thành vấn đề. Chúng ta hạnh phúc vì chúng ta là thế. Chúng ta hạnh phúc vì
chúng ta hạnh phúc. và nói thật, chúng ta sẽ được tán dương bởi người hiền.
Cho nên thật tốt lành khi chúng ta
giữ năm giới cơ bản. Hơn nữa chúng ta tu tập sự khoan dung và tử tế. Chúng ta
quan tâm và chia sẻ bất cứ gì chúng ta có thể. Chúng ta cũng trau dồi chánh
niệm như lời Ðức Phật khuyên. Chúng ta cố gắng sống một cuộc đời có chánh niệm.
Chúng ta hành thiền để đạt nhiều hiểu biết hơn nữa về bản chất cuộc sống của
chúng ta, đặc tính của nó là vô thường, khổ đau và vô ngã. Bởi vậy khi chúng ta
thực hành những điều ấy, chúng ta đã sống một cuộc sống thiện, thì ta có gì
phải sợ khi chúng ta chết? Chúng ta có nuối tiếc gì?
Ðó là lý do tại sao chúng ta nói để
chết êm ả chúng ta phải sống tốt đẹp và rằng khi chúng ta sống tốt đẹp, chúng
ta có thể chết êm ả. Chúng ta có thể ra đi an lạc, mãn nguyện rằng chúng đã làm
tất cả những gì chúng ta có thể. Ðúng, chúng ta thể mắc một số sai lầm trên
đường đời. Nhưng ai mà không lầm lẫn? Jesus Christ có lần đã nói: "Hãy để
cho kẻ không tội lỗi ném hòn đá đầu tiên". Cho nên trước khi chúng ta học
hỏi và trở nên chín chắn, chúng ta có thể đã có một số hành vi xấu. Việc đó có
thể hiểu được, vì tất cả chúng ta đều không hoàn hảo. Nhưng vấn đề là một khi
chúng ta nhận thức được những lỗi lầm của chúng ta, chúng ta bắt đầu trau dồi
tình thương yêu và từ bi, chúng ta bắt đầu giữ giới và thanh lọc tâm trí. Chúng
ta có thể có hạnh phúc vì chúng ta có thì giờ thay đổi để đi đúng đường. Như
người tạ thường nói muộn còn hơn không. Chúng ta đễn muộn một chút sau những
người khác nhưng ít nhất chúng ta cũng vẫn tới.