Thiền Trong Mọi Hoàn Cảnh
Hành thiền trong mọi hoàn cảnh có nghĩa là bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi và ngay cả khi làm việc. Bạn luôn thắp sáng hiện hữu bằng ý thức sáng tỏ để có thể thấy rõ thực tại, làm chủ chính mình và sống sâu sắc, trọn vẹn với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Khi tâm bạn có sự tỉnh thức, trầm tĩnh và tự chủ, thì bạn sẽ không bị đánh mất mình bởi sự thất niệm và bởi hoàn cảnh bên ngoài. Đó là tác dụng đầu tiên mà Thiền có thể mang đến cho bạn.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường có thói quen chia thời gian ra thành nhiều ngăn, như là: ngăn cho công việc, ngăn cho người thân, cho bạn bè và ngăn cho ta. Nếu chia thành nhiều ngăn như vậy thì thời gian trong ngày của chúng ta sẽ bị phân tán hết, thành ra thời gian để cho ta sẽ không còn là bao nhiêu cả. Chúng ta phải biết phân chia như thế nào để tất cả thời gian đều là thời gian của chính mình, đều là thời gian để cho chúng ta sống an lạc và tỉnh thức mới được. Nếu như một người tập thiền mà chỉ đợi đến giờ ngồi thiền mới thực tập để có được sự định tâm và nguồn an lạc thì người ấy chưa phải là một người thiền giỏi. Chúng ta phải mang thiền ra khỏi thiền đường và đem thiền vào trong đời sống thì mới thật sự có nhiều lợi lạc. Nếu như ở trong thiền đường chúng ta ngồi im lặng, an tĩnh và theo dõi hơi thở vào ra để cho tâm tư ta trở nên định tĩnh, thư thái và sáng tỏ, thì chúng ta cần nên biết ứng dụng thiền như thế nào để khi làm việc trong nhà bếp, trong công xưởng, trong văn phòng, tâm của chúng ta cũng được định tĩnh, tự chủ và an lạc là điều rất quan trọng.
Làm sao để thiền có tác dụng cả đến những lúc ta không ngồi thiền? Đây là điều mà bạn cần nên xem xét và thực tập. Cũng như khi một vị bác sĩ tiêm một mũi thuốc vào cánh tay bệnh nhân thì không phải chỉ riêng ở cánh tay mà cả toàn thân người ấy đều được hưởng mũi thuốc đó. Khi bạn ngồi thiền được một giờ đồng hồ, sự an lạc và định tĩnh mà bạn có được trong một giờ đó phải được tỏa rạng và ảnh hưởng trong suốt 24 giờ, chứ không phải chỉ trong lúc ngồi thiền mà thôi. Mỗi nụ cười, mỗi hơi thở là để dùng cho trọn cả ngày chứ không phải chỉ trong thời gian ngồi thiền. Chúng ta phải biết ứng dụng thiền trong mọi lúc mọi nơi để không còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi thiền và không ngồi thiền, thì sự thiền tập mới thật sự có tác dụng cho thân tâm của mình và mọi người xung quanh.
Trong các khóa tu, mỗi khi đi thiền hành, chúng ta thường đi từng bước chân chậm rãi, khoan thai và có ý thức. Nhưng tại sở làm, khi ở nhà hay lúc ở ngoài đường, chúng ta trở thành một con người khác: chúng ta không còn giữ được chánh niệm và sụ trầm tĩnh, chúng ta đi đứng một cách vội vã và không có ý thức; ta đánh mất mình bởi hoàn cảnh bên ngoài. Người hành thiền thật sự thì bất cứ ở đâu cũng giữ được chánh niệm, giữ được sự trầm tĩnh và tự chủ, không bị ngoại cảnh phân tâm. Làm sao để mỗi hơi thở, mỗi bước chân trở nên mỗi hơi thở và mỗi bước chân tỉnh thức, thì đời sống của ta mới thật sự có ý nghĩa, nếu không ta đánh mất tất cả.
Sống giữa cuộc đời vốn có nhiều điều bất như ý và phiền toái, để có đủ khả năng đối diện với chúng, chúng ta cần phải biết dừng lại để trở về với chính mình. Khi muốn dừng lại để trở về với chính mình, bạn không cần phải đi nhanh về nhà, hay đến một trung tâm thiền để ngồi thiền, thì mới có thể trở về với chính mình được. Bất cứ ở đâu, bạn cũng đều có thể trở về với chính mình được. Khi làm việc tại hãng xưởng, khi mua sắm ở phố chợ, khi chờ chuyến bay ở phi trường … nếu bạn cảm thấy bực dọc, bất an thì hãy thực tập nhiếp tâm với hơi thở, với nụ cười để giữ thăng bằng cho thân tâm.
Bạn có thể ngồi xuống và trở về an trú với từng hơi thở nhẹ nhàng có ý thức, hoặc bước đi từng bước chân khoan thai, trầm tĩnh, thì lập tức bạn sẽ khôi phục lại con người của bạn một cách trọn vẹn. Ở đâu, trong tư thế nào, đi - đứng - nằm - ngồi, ta cũng đều thực tập thiền được.
Thiền sư Huyền Giác vẫn thường nói”
Hành diệc thiền, tọa diệc thiền
Ngữ, mặc, động, tịnh, thể an nhiên
Nghĩa là: Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền. Khi nói hay khi im lặng, khi động, khi yên tĩnh, nếu tâm của mình luôn được an nhiên, tự tại, đó chính là thiền.
Để việc hành thiền có được kết quả, bạn cần phải thực tập chuyên cần mỗi ngày. Bất cứ lúc nào, làm gì, bạn đều thắp lên ngọn đèn chánh niệm để có ý thức sáng tỏ về mọi hành động, ngôn ngữ và tâm ý của mình. Khi thực tập thiền tọa, thiền hành để nhìn sâu vào lòng của tự thân và của mọi sự, mọi vật một cách tinh tế, thì tuệ giác của bạn ngày càng lớn mạnh và bạn có thể khám phá được bản chất của cuộc đời. Khi định và tuệ vững mạnh thì bạn có thể tiếp xúc một cách sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng, biến đổi vô thường.
Hàng ngày, nếu như lúc ăn cơm, lúc nói năng, lúc làm việc và lúc nghỉ ngơi, khi nào bạn cũng sống tỉnh thức, thì đời sống của bạn là một đời sống thiền và điều này mang đến cho bạn một sự chuyển hóa kỳ diệu, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của mọi người xung quanh. Đây là công trình tu tập của chúng ta hôm nay và ngày mai.