Đời sống
Sống Thức Tỉnh Trong Cuộc Đời
Tu Viện Kim Sơn ấn hành năm 2003 - Phật lịch 2547 Thích Nhuận Hải
08/06/2554 06:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giới - Định - Tuệ Con Đường Xuất Thế  

Rải rác trong Tam tạng Giáo điển, chúng ta gặp những lời dạy của Đức Phật cho chúng đệ tử về Tam Vô Lậu Học; đó là Giới, Định và Tuệ. Sỡ dĩ gọi là Tam Vô Lậu Học vì đây là ba môn giúp hành giả tu tập để thoát khỏi khổ đau, phiền muộn ngay trong hiện tại. Giới Định Tuệ là con đường xuất thế của những bậc thượng sĩ mà người xuất gia đệ tử Phật luôn quan tâm học hỏi, tu tập để đạt mục tiêu tối hậu của mình là thực chứng Niết Bàn.

Giới (Sanskirt: sila), nói đủ là Giới luật, thường được hiểu là những quy tắc đạo đức, phù hợp với sự thật. Khởi nguyên lúc mới thành lập giáo đoàn xuất gia, Đức Phật chưa chế định ra các giới luật cho các vị Tỳ-kheo, mà chỉ khích lệ tu tập Phạm hạnh bằng bài kệ bốn câu:

Không làm các việc ác

Luôn làm các việc lành

Giữ tâm ý thanh tịnh

Là lời chư Phật dạy.

- Luật Tứ Phần

Về sau, do nhu cầu thực tế và sự phát triển của giáo đoàn xuất gia cũng như tại gia, nên Đức Phật đã chế định ra các loại Giới luật để phù hợp với căn cơ của các hàng đệ tử.

Mục đích của Giới là “chỉ trì, tác phạm,” có nghĩa là ngăn ngừa, giữ gìn để không phạm vào các hành vi xấu ác do thân, miệng, ý gây ra. Từ đó giúp hành giả có được một đời sống an lạc, tỉnh thức. Nếu hỏi hỏi về Giới và hành trì về Giới đúng phương pháp, chúng ta thấy rằng những Giới luật mà Phật đã chế ra chính là những chỉ dẫn về nghệ thuật sống mà không phải là những điều cấm kỵ ràng buộc. Khi chúng ta nhận ra điều đó thì trong mọi cử chỉ, hành động và tâm ý, chúng ta sẽ tự động sống theo Giới luật chớ không vì một sự bắt buộc nào cả. Nói cách khác, bản chất của Giới là đời sống chánh niệm, có nghĩa là sống tự chủ, tỉnh thức và an lạc ngay trong giờ phút hiện tại mà không bị quá khứ hay tương lai lôi kéo. Chính vì tầm quan trọng của Giới nên trước lúc nhập Niết Bàn, Đức Phật đã dạy:

Này các Tỳ-kheo, sau lúc Ta nhập diệt, các ngươi hãy lấy Giới luật làm vị Đạo sư. Giới luật còn ở đời chẳng khác gì Ta còn ở đời vậy. Giới luật là chỗ nương tựa vững bền nhất cho các ngươi.

- Kinh Di Giáo

Chúng ta có thể nói: Giới là nền tảng không thể thiếu cho tất cả các Pháp môn tu tập giải thoát của đạo Phật. Giới chính là cánh cửa đi vào thiền định và trí tuệ giải thoát. Có một số người cho rằng Giới chỉ là bước đầu của sự tu tập chứ chưa phải là tinh hoa của toàn bộ giáo lý Đức Phật. Nói như vậy vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của Giới trong sự tu tập để tiến đến giải thoát.

Định (Sanskrit: samàdhi) trong ý nghĩa chung là Thiền Định (Sanskrit: dhyàna). Samàdhi có nghĩa là sự tập trung, sự nhất tâm, định tâm, được dùng để chỉ cho phương pháp tu tập tâm, nhiếp tâm và quán chiếu tâm để loại trừ các phiền não do vô minh, vọng tưởng tạo nên, đồng thời làm cho tâm mình trở nên vắng lặng, tịch nhiên. Từ đó, thấy rõ con người thật của mình. Đức Thế Tôn nhờ vào công phu thiền định nên đã chặt đứt được sợi dây trói buộc của 12 nhân duyên, thành tựu được chánh trí, trở thành bậc Giác Ngộ. Chính nhờ tu tập thiền định nên hành giả có thể sống tự chủ và tỉnh thức trong từng giây phút của thực tại để chứng đạt giác ngộ và giải thoát. Định là hệ quả tất yếu của Giới.

Kinh Tứ Niệm Xứ là một bản kinh quan trọng về thiền định, đã được Đức Phật dạy cho các vị Tỳ-kheo. Mở đầu kinh, Đức Phật đã khẳng định:

Này các Tỳ-kheo! Đây là con đường duy nhất dẫn đến Chánh trí, chứng đạt Niết Bàn, đưa chúng sinh ra khỏi khổ não. Đó là con đường của phương pháp quán niệm về bốn tĩnh lực quán chiếu.

Thiền định là công hạnh không thể thiếu nên lộ trình tiến đến giải thoát của hành giả.

Tuệ (Pali: pannà, Sanskrit: prajnà), nói đủ là Trí tuệ hay Tuệ giác. Tuệ là cái nhìn sáng về thực tại, là cái nhìn đúng với sự thật và vượt thoát ra ngoài vọng thức mê mờ. Nói đến đạo Phật là nói đến Trí tuệ, chính nhờ có Trí tuệ hành giả mới thấy rõ được vạn pháp như thật, không còn bị sai sử và ràng buộc bởi nhận thức sai lầm, từ đó thành tựu Trí tuệ giải thoát. Đây chính là chân Trí tuệ mà Đức Phật đã cống hiến cho nhân loại. Trí tuệ là hoa trái của sự thực tập Chánh niệm, Giới luật và Thiền định; mà Trí tuệ cũng là nhân để đưa đến Giác ngộ, Giải thoát.

Như vậy, Trí tuệ mà Đức Phật đã đạt được và muốn nhắn gửi đến chúng ta hẳn là Trí tuệ của sự tu tập, hành trì Giới và Định mà có được, chứ không phải là một số kiến thức do học hỏi từ kinh điển sách vở mà có, đó chưa phải là Tuệ mà đó chỉ gọi là kiến thức mà thôi. Có kiến thức đã là rất quý, nhưng muốn đạt được Tuệ giác chúng ta cần phải bước thêm một bước nữa, đó là hạ thủ công phu hành trì Thiền quán, mớ có thể đạt được Trí tuệ chân thật. Thành tựu được Trí tuệ này, chúng ta mới đạt được tự tại hoàn toàn.

Giới, Định và Tuệ vốn là ba mặt của một thực tại. Nếu tu tập đúng pháp chúng ta sẽ thấy rằng trong Giới luôn có Định và Tuệ; cũng vậy, trong Tuệ vốn có sẵn Giới và Định. Kinh Trường Bộ IV, Kinh Sonadanda, Đức Phật dạy:

Ở đâu có Giới hạnh, ở đó có Trí tuệ. Ở đâu có Trí tuệ, ở đó có Giới hạnh. Người có Giới hạnh nhất định có Trí tuệ, người có Trí tuệ nhất định có Giới hạnh. Giới hạnh và Trí tuệ là tối thắng nhất trên đời.

Trong quá trình tu tập Giới Định Tuệ, chúng ta thấy mức độ thăng tiến của ba chi phần này luôn có sự liên quan hỗ tương lẫn nhau. Khi Giới được tăng trưởng thì Định và Tuệ cũng sẽ tăng trưởng theo.

Đối với người Phật tử tại gia, Giới luật được xem là nền tảng của một đời sống hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội. Đối với người xuất gia, Giới luật mang theo một nội dung cao cả hơn là đưa hành giả lên địa vị xuất thế của bậc thánh nhân, là con đường thoát khổ của các bậc xuất trần thượng sĩ. Vì vậy, khi phát nguyện thọ Cụ túc giới hay Tỳ kheo giới (Upasampada-Sila), quý vị xuất gia nên ý thức rõ về địa vị và thắng duyên của mình, bởi Cụ túc giới chính là nấc thang đưa hành giả đạt đến Định, Tuệ và giải thoát của một bậc giác ngộ.

Giới Định Tuệ được xem là nội dung cốt yếu cho sự tu học của các vị Tỳ-kheo trong thời Đức Phật còn tại thế. Đây là con đường duy nhất mà một vị Tỳ-kheo phải kinh qua để tiến đến Giác ngộ, Giải thoát. Tu học chính là tu học về Giới, Định và Tuệ. Có thể nói rằng Giới Định Tuệ là cốt lõi của toàn bộ giáo lý đạo Phật nên vào những ngày cuối cùng của đời mình, trên đường từ thành Vương Xá đến thành Câu Thi Na để nhập Niết Bàn, Đức Phật luôn giảng đi giảng lại về Giới Định Tuệ cho các Tỳ-kheo và các hàng đệ tử.

Trong những trình bày trên, chúng tôi chỉ bàn đến đôi nét khái quát về Giới, Định và Tuệ để cùng nhau thấy được tầm quan trọng về nội dung của Tam Vô Lậu Học. Đây là một đề tài rất rộng và vô cùng quan yếu trong kho tàng kinh điển của đạo Phật mà chúng ta cần chú tâm học hỏi, tu tập để khám phá những châu báu mà đức Thế Tôn để lại.

Kinh nghiệm bản thân trải qua những năm học Phật và thực hành lời Phật dạy cho chúng tôi thấy rằng: Đạo Phật là con đường của sự tu tập, là sức sống linh động mà mỗi người phải tự mình sống, hành trì và khám phá mới thấy được chân giá trị của những lời Phật dạy. Đạo Phật không phải là một triết thuyết trừu tượng để cho chúng ta nghiên cứu và giảng giải, mà chính là những hướng dẫn cho ta ứng dụng vào sự tu tập hằng ngày. Chính vì lẽ này nên chư Tổ mới dạy: “Khi một vị thọ giới Tỳ-kheo thì 5 năm đầu nên để tâm học và hành trì Giới luật, rồi 5 năm sau đó nên học hỏi và thực hành Thiền định” (Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh Giới luật. Ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền).

Muốn cho Giới Định Tuệ được thành tựu, trước tiên mỗi người cần có tinh thần tự giác và nỗ lực tu tập để không phụ chí nguyện xuất gia của mình. Thứ đến, người xuất gia trẻ cần nên tha phương cầu tìm những bậc chân tu có đầy đủ Giới Định Tuệ để nương tựa tu học. Nếu như vì hoàn cảnh không thể thân cận nương tựa các bậc Minh sư đầy đủ giới đức để tiến tu trong đạo nghiệp được, thì các bạn cần phải nương tựa trong một đại chúng tu tập đúng chánh pháp, có quy củ. Người xuất gia còn trẻ không nên sống riêng lẻ không có bạn đồng tu, vì sống một mình không những sự tu tập của ta khó được tiến bộ mà ngược lại Bồ Đề Tâm của ta rất dễ xói mòn bởi hoàn cảnh. Câu nói “Tăng ly chúng tăng tàn, Hổ ly sơn hổ bại” là kinh nghiệm rất thiết thực mà người xuất gia trẻ cần khắc cốt ghi tâm trên bước đường tu tập và hành đạo của mình.

Làm sao để cho Giới Định Tuệ trở nên một hương thơm đích thực tỏa ra từ công phu tu tập của mỗi chúng ta, đó là hương Giới, hương Định và hương Tuệ. Khi hương Giới, hương Định và hương Tuệ đã được bay tỏa thì tự nhiên hương Giải thoát và hương Giải thoát tri kiến sẽ được thấm nhuần lợi lạc. Đây là phẩm vật cao quý nhất mà người xuất gia cần khai phá, vun bồi để dâng lên cúng dường chư Phật, liệt vị Tổ sư, cũng như làm đẹp cho cuộc đời.