Học Hạnh Lắng Nghe
Trong đời sống hàng ngày, khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, làm sao để ta tạo được mối quan hệ thật tốt đẹp là điều rất quan trọng. Nếu ta và những người xung quanh có sự cảm thông, hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nhau trên con đường tu tập thì nguồn vui sống và niềm hạnh phúc của ta sẽ được giàu có thêm lên. Ngược lại, ta sẽ đau khổ, lạc lõng. Sở dĩ đôi lúc giữa ta và người thân của ta có những sự hiểu lầm, hay những xung đột bất hòa, bởi vì ta không hiểu được họ, không biết lắng nghe họ. Vì vậy, học hạnh lắng nghe để ta có thể hiểu được người khác và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người xung quanh và điều rất cần thiết. Chúng ta cần học hỏi, thực tập và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm thiết thực để giúp nhau có được nguồn an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống vốn có nhiều bất trắc này.
Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa có đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitésvara) được gọi là: “Vị Bồ Tát có khả năng lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời với tâm từ bi.” Ngài là người biết thông cảm với nỗi khổ của tất cả mọi loài chúng sanh. Học theo hạnh Ngài Quán Thế Âm, chúng ta hãy thực tập lắng nghe một cách sâu sắc, lắng nghe với lòng thông cảm, lắng nghe với tiếng gọi của cha mẹ tổ tiên ta, lắng nghe bạn bè ta. Ngay cả với con cái của ta, ta cũng nên tạo cơ hội để lắng nghe những tâm tư, nỗi niềm của chúng. Nếu không lắng nghe, ta khó có thể thiết lập được những mối dây cảm thông và sự hiểu biết được, và như vậy sẽ dẫn đền sự hiểu lầm và đổ vỡ.
Học hạnh lắng nghe có nghĩa là nghe với lòng cảm thông, với tâm từ bi và không có thành kiến. Đây là điều chúng ta cần thực tập vì phần đông chúng ta không có khả năng lắng nghe. Do trong lòng của chúng ta đã có sẵn rất nhiều khổ đau, nhiều bực bội, nên ta không thể lắng nghe một cách kiên nhẫn, với từ tâm. Nhiều người giống như một quả bom lúc nào cũng sẵn sàng nổ, khiến ta sợ đến gần họ, sợ phải tiếp xúc với học và không muốn lắng nghe họ. Chỉ một sơ sót nhỏ của người khác, cũng có thể khiến họ Phật lòng, mất bình tĩnh. Nhưng khi người khác tránh tiếp xúc với họ, họ lại nghĩ như là mọi người ghét bỏ họ. Vì thế ta phải học cách tiếp xúc với họ, đến với họ, để có thể lắng nghe họ.
Trong gia đình đôi khi ta biết là con cái của ta, người thân của ta có những khổ đau riêng, cần giải bày với chúng ta, nhưng chúng ta không muốn đến với họ để lắng nghe họ, bởi chính trong lòng chúng ta cũng đầy đau khổ, bất an. Khi lắng nghe người khác tỏ bày nỗi niềm của họ, nếu trong lòng ta cũng tràn đầy nỗi đau khổ thì nỗi khổ của ta sẽ lớn mạnh thêm khiến ta không còn đủ kiên nhẫn để nghe người khác nữa. Những lúc đó ta cần phải lắng đọng tâm tư của mình, trở về với hơi thở chánh niệm để nuôi dưỡng sự chút tâm và lòng từ trong ta. Ta cần phải làm cho tâm tư của mình được định tĩnh, lắng yên trước đã, rồi với tâm từ, với sự bình an ta mới có thể ngồi yên để lắng nghe, để giải tỏa những niềm đau, nỗi khổ của người đối diện với ta. Ngay cả khi người đối diện với ta đầy tà kiến, buộc tội ta một cách oan ức, ta vẫn phải nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta, để ta có thể tiếp tục lắng nghe họ một cách trầm tĩnh. Việc của ta là chỉ lắng nghe, ngay cả khi họ nói những điều khó nghe, sai với sự thật và vô lý. Chúng ta cần thực tập thật tinh chuyên mới có thể làm được điều này.
Trong kinh, Đức Phật thường dùng danh từ “đế thính.” Nhữ đẳng Tỳ-kheo dương đế thính. Này các thầy, hãy lắng nghe tôi nói đây. Đế thính là lắng nghe cho kỹ, là lắng nghe với tất cả tấm lòng của mình, nghe với một tâm hồn lắng dịu, không sôi động, không thành kiến. Ta phải nghe bằng trái tim rỗng không, nghe như vậy mới có thể hiểu được. Tâm lý học Tây phương có phương pháp nghe gọi là emphatic listening, nghĩa là nghe một cách thẩm thấu, nghe và để lời nói thấm vào. Tức là vừa nghe vừa đồng nhất mình với người nói, không lên án, không có thành kiến. Khi lắng nghe những người đau khổ thì ta phải nghe với tất cả tâm hồn. Lắng nghe như vậy thì người nói họ sẽ tin tưởng ở ta, họ sẽ nói sự thật khổ đau của họ. Muốn nghe được như vậy thì trong lòng phải đạt một trình độ tĩnh lặng và một tâm từ bi. Khi chúng ta ngồi nghe, cũng như một người bác sĩ tâm lý trị liệu, ta cần phải có trầm tĩnh, có từ bi, có tuệ giác ở trong lòng thì phẩm chất của sự trị liệu mới cao. Nếu thực tập thiền hành, thiền tọa thì trong một tuần lễ, ta sẽ phát triển được khả năng lắng nghe một cách sâu sắc, ta sẽ giúp được người đối thoại vơi đi rất nhiều nỗi khổ đau trong lòng họ. Chỉ cần ngồi nghe thôi, bạn đã là sứ giả của Như Lai rồi.
Lắng nghe là một phép thực tập sâu sắc, để có thể hiểu được người và có thể làm vơi bớt nỗi khổ của người nói rất nhiều. Lắng nghe là pháp môn vi diệu của Bồ Tát Quán Thế Âm mà chúng ta cần học theo. Đây là bài quán niệm về pháp môn lắng nghe:
Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin chân tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con xin tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của người khác rồi.