Hãy Là Hải Đảo của Tự Thân
Kinh Hải Đảo Tự Thân (kinh 693), Tạp A Hàm) là một trong những kinh rất quan trọng được Đức Phật nói khoảng 1 tháng trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Trong kinh này Phật đã ân cần dạy các hàng đệ tử rằng: “Này quý vị! Chính tôi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi, vì vậy quý vị phải thực tập làm hải đảo nương tựa cho chính quý vị, hãy biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác hay một ai khác.
Đây là những lời dạy vô cùng thâm thiết mà Đức Phật đã ân cần dặn dò với tất cả chúng ta. Chúng ta phải học hỏi và tu tập như thế nào đề mình có thể là nơi nương tựa an toàn và vững vàng cho chính mình và những người xung quanh. Đó là điều cốt yếu trong tất cả lời dạy của Đức Phật.
Biết được căn bệnh của con người vốn hay quên mất chính mình và chạy trốn chính mình nên Đức Phật đã dạy: “Hãy là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa cho chính mình.” Bởi vì nếu bao giờ ta chưa có khả năng sống với chính mình được thì ta sẽ không thể nào có được nguồn an lạc chân thật cả. Vì vậy học sống trở về với chính mình để làm hải đảo nương tựa an lành cho mình và người là cả một nghệ thuật và công phu. Trong cuộc sống, chúng ta thấy có rất nhiều người không thể sống một mình, họ chỉ có thể sống được khi dựa vào người khác và những sự vật bên ngoài. Người và vật khác ở đây là sách báo, là tiểu thuyết, là điện thoại, là phim ảnh, là tivi. Nếu không có những thứ ấy thì cảm thấy cô đơn, bất an vì vậy họ cầm điện thoại lên để nói cho dù câu chuyện không có gì đáng nói cả. Hoặc nếu không gọi điện thoại cho ai được thì họ mở truyền hình ra xem, nếu trong truyền hình không có gì để xem thì phải đi tìm tờ báo hoặc một cuốn tiểu thuyết hay một cuốn sách, luôn luôn phải có cái gì đó để giúp cho mình đứng vững, nếu không thì họ sẽ không sống nổi. Đây là căn bệnh của thời chúng ta.
Thế giới ngày nay chế tạo ra nhiều tiện nghi vật chất nói là để giúp con người được mở mang kiến thức cũng như sống thoải mái hơn trong đời sống nhưng thực ra con người càng chạy theo những tiện nghi vật chất chừng nào thì càng đánh mất chính mình chừng ấy mà thôi. Năm món dục vọng là những miếng mồi câu con người vào trong đời sống quên lãng, vô tâm và khổ đau mà chúng ta cần nên ý thức rõ rệt để không bị vướng sầu.
Người biết nương tựa hải đảo tự thân, tức là “người biết sống một mình” (ekavihari), nghĩa là sống mà không bị lệ thuộc, không bị ràng buộc nô lệ bởi các thứ trên. Tự họ có thể tạo ra niềm an lạc cho chính họ. Họ tiếp xúc được với sự mầu nhiệm ở trong họ. Người biết sống một mình cũng có nghĩa là người luôn sống trong chánh niệm và tỉnh thức, họ biết an trú trọn vẹn trong mỗi giây phút của cuộc sống một cách sâu sắc và không tự đánh mất mình. Đây là bí quyết hạnh phúc.
Chúng ta cần thấy rõ rằng sống một mình không có nghĩa là phải vào trong rừng sâu hay ở một mình nơi thanh vắng mới gọi là sống một mình. Nếu ở trong rừng hay một nơi thanh vắng mà chúng ta không sống trọn vẹn và an lạc với chính mình, ta không an trú được với giây phút hiện tại thì ta vẫn chưa được xem là người biết sống một mình. Ngược lại, nếu chúng ta sống trong đại chúng với tăng nhân mà ta có hòa hợp, có an lạc và có chánh niệm trong mỗi giây phút tức là ta cũng đang sống một mình. Cũng vậy, khi ta đi vào trong chợ hay làm việc trong công sở mà ta có ý thức minh mẫn về chính mình và sự vật xung quanh, ta biết được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, năng lượng của chánh niệm có mặt và tỏa sáng giúp ta biết được ta đang đi, đang đứng, đang nói, đang cười, đang làm việc và ta sống trọn vẹn với những gì đang là, lúc đó cũng chính là lúc mà ta đang sống một mình.
Đó là những điều mà Đức Phật đã dạy trong kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta Sutta). Đây là một trong những kinh quan trọng mà Đức Phật dạy về nghệ thuật sống chánh niệm và an trú trong hiện tại, bên cạnh kinh Hải Đảo Tự Thân. Trong kinh này, Đức Phật nói một bài kệ tóm tắt:
Đường tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới.
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an vui
Vững chải và thảnh thơi.
Phải tinh tấn hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp.
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu-Ni gọi là
Người biết sống một mình.
- Majjhima Nikaya 131
Người biết sống một mình chính là người sống có tự tin và làm chủ chính mình, không để những phiền não và vọng niệm chi phối, là người quyết tâm tu tập để đạt được tự do, tự tại, để khám phá nội tâm mình, chấp nhận mình và sống sâu sắc từng giây phút với chính mình.
Ước mơ hạnh phúc, ước mơ trở thành một con người an lạc, giải thoát, chính là ước mơ đầu tiên và cuối cùng ở trong tận chiều sâu tâm thức của tất cả chúng ta. Để đạt thành ước mơ thâm sâu đó, mỗi người cần nỗ lực dấn thân trên con đường tu tập thiền quán, trở về quán chiếu nội tâm, làm cho tâm ý mình trở nên thanh tịnh, định tĩnh và sáng suốt qua công phu thiền quán và thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã nhấn mạnh, nhắc nhở chúng ta điều này:
Cha mẹ hay bà con
Không ai làm gì được.
Chính nhờ tâm hướng thượng
Đưa ta lên cao cả
- Pháp Cú 43
Đây là điều mà mỗi người cần ý thức để tự quyết định con đường cho chính mình, tự mình nỗ lực tu tập để xây dựng nguồn an lạc, hạnh phúc cho chính mình. Khi nào bạn có thể sống được với chính mình một cách trọn vẹn, khi đó bạn có thể sống an lành và tự tại với tất cả mọi người và mọi loài quanh bạn.