Mỗi Người Là Chủ Nhân Của Chính Mình
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường ít có thời gian để sống trọn vẹn cho chính mình và cho người thân của mình. Chúng ta nếu không bị những hình ảnh quá khứ lôi kéo thì cũng bị những dự tính, nhũng lo lắng về tương lai dắt dẫn chúng ta đi. Đôi lúc chúng ta đánh mất chính mình, không biết là mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì nữa. Bi kịch của con người thời đại chúng ta là ở chỗ: chúng ta sống mà không thật sự sống và càng ngày chúng ta càng đi xa dần sự sống. Chúng ta đánh mất phương hướng, đánh mất chính mình mà không hay. Chúng ta giao phó thân mạng mình cho hoàn cảnh bên ngoài quyết định, mặc cho tương lai như thế nào cũng được. Chính vì thế mà chúng ta cần phải thức tỉnh trở lại để nhìn lại chính mình và hoàn cảnh của mình để tìm ra con đường cho chính mình và con người của thời đại chúng ta. Chúng ta phải nắm lấy vận mạng của mình bằng chính trí tuệ của chúng ta. Như Đức Phật đã dạy: “Các ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi và cùng thắp đuốc lên để soi rọi cho nhau.”
Sở dĩ chúng ta đánh mất chính mình bởi vì hàng ngày chúng ta quá bận rộn với nhiều công việc và nhiều lo lắng.Vì muốn cho đời sống vật chất có đầy đủ tiện nghi và mức sống sung túc nên chúng ta đã không ngần ngại lao mình vào công việc, tiền tài và danh vọng lôi kéo cho đến lúc chúng ta không có khả năng dừng lại được nữa. Đến một ngày nào đó gia đình chúng ta không có hạnh phúc, con cái của ta hay người thân của chúng ta lâm vào tình trạng khủng hoảng và cô đơn, lúc đó chúng ta mới thấy được sự thật vô cùng quan trọng mà trước đây ta không thấy là: tiền tài và những tiện nghi vật chất xa hoa không thể giải quyết mọi vấn đề, đôi khi chính vì những thứ đó mà chúng ta đánh mất chính mình, đánh mất những người thân thương của mình. Hẳn nhiên là sống thì chúng ta cần phải làm việc, làm việc là một phần của sự sống, nhưng chúng ta cũng phải học cách làm việc như thế nào mà ta vẫn giữ được sự an lạc, sự tự do của mình mới được. Chúng ta phải biết sắp xếp như thế nào để sau thời gian làm việc căng thẳng tại công xưởng, tại sở làm ta vẫn có đủ thời gian để đi bách bộ, bước từng bước chân thanh thản, ngắm từng cánh hoa nở, nhìn bầu trời xanh ngắt, nghe tiếng chim hót, chơi với trẻ thơ và tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi đẹp đang hiện hữu quanh ta. Nghĩa là chúng ta vẫn có được sự an lạc và tự do, vẫn giữ được sự hồn nhiên, vui tươi và hạnh phúc của mình. Đây là điều vô cùng cần thiết mà bạn cần phải lưu tâm. Nếu không bạn sẽ đánh mất mình lúc nào mà không hay.
Để có được một đời sống an lạc thật sự, bạn cần phải biết tu tập để có thể làm chủ chính mình và không để hoàn cảnh bên ngoài lôi kéo. Hơn thế nữa, Đức Phật dạy chúng ta nên sống một nếp sống thiểu dục và tri túc, nghĩa là sống đơn giản, ít tham muốn và biết vừa lòng với những gì mà chúng ta đang có. Một đời sống đơn giản, tiêu thụ ít nhưng có một đời sống tâm linh phong phú để có thể chế tác ra nguồn hạnh phúc chân thật cho chính mình và những người xung quanh. Để làm được điều này bạn cần thực tập hơi thở, thực tập mỉm cười và biết dừng lại những mong muốn không cần thiết, những sự đi hoang trong tâm hồn, bạn mới thật sự có được một đời sống an lạc, tự do được. Chúng ta phải cùng nhắc nhở nhau nhất quyết không để cho nếp sống xa hoa phóng túng làm lung lạc mình và cũng tìm cách giúp mọi người thấy được sự nguy hại của tiền tài vật chất, của ngũ dục có thể làm cho tinh thần ta không sáng suốt, cơ thể ta bạc nhược và đời sống của ta không có được hạnh phúc.
Cuộc đời của chúng ta là do chính chúng ta quyết định. Khổ đau hay hạnh phúc, an lạc hay không an lạc đều do chúng ta định đoạt. Chính chúng ta là chủ nhân của cuộc đời mình. Vậy muốn có một đời sống hạnh phúc chân thật, bạn phải biết lựa chọn môi trường lành mạnh để thân cận sinh hoạt và tu tập. Nơi đó bạn có cơ hội để học hỏi và thực hành theo những điều hay lẽ đẹp, những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống từ thầy, từ bạn, từ những người đi trước. Mọi người đều đến với nhau trong tình thân ái, dưới ánh sáng chiếu soi của Tam Bảo, cùng nhau ngồi thiền, tụng kinh, đọc sách hay đi thiền hành trong chánh niệm. Những giờ phút như thế sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều chất liệu bổ dưỡng và trị liệu.
Cuộc đời tuy có nhiều khổ đau nhưng cuộc đời cũng có nhiều điều mầu nhiệm. Chỉ cần chúng ta mở lòng ra để tiếp nhận thì bao nhiêu phép lạ sẽ hiển bày. Khổ đau hay hạnh phúc đều do nhận thức và cách sống của chúng ta. Nếu chúng ta biết sống trọn vẹn những giây phút của mình trong tỉnh thức thì niềm vui có mặt. Ngược lại, nếu chúng ta sống trong tham đắm, trong thất niệm, mê mờ thì khổ đau sẽ đến với chúng ta.
Vậy sống như thế nào là do chúng ta quyết định và lựa chọn. Thầy, bạn hay cha mẹ, anh chị em chỉ là những người giúp đỡ, hỗ trợ cho ta một phần mà thôi. Chính chúng ta là người thừa tự “nghiệp” của chúng ta. Chúng ta là người chịu trách nhiệm cuộc đời mình, là chủ nhân của chính mình và cũng là người họa sĩ vẽ ra đời sống của mình chứ không ai khác. Cho nên bạn cần cẩn trọng trong mỗi hành động, lời nói và suy tư của mình.
Hãy là nguồn an vui, nguồn hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh.