Bảy Pháp Để Xây Dựng Một Hội Chúng Hưng Thịnh
Như chúng ta đều biết, Đức Phật đến với cuộc đời chỉ vì một mục đích duy nhất, cùng với một hạnh nguyện bao la, là đem nguồn an lạc, hạnh phúc đến cho nhân loại. Mục đích ấy, hạnh nguyện ấy được Ngài cưu mang và thể hiện suốt trong 49 năm hành đạo của Ngài. Sự nghiệp văn hóa và giáo dục mà Ngài đã để lại cho nhân loại hôm nay được xem là một đóng góp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.
Thể hiện lòng bi nguyện và sự ưu tư của một bậc Thầy, một nhà giáo dục chân chính rõ nét và cảm động nhất là lúc nhập Niết Bàn, Ngài đã ân cần dạy bảo những đồ đệ của mình nhiều điều cặn kẽ, hữu ích trong công cuộc tu tập và hoằng dương chánh pháp. Trong đó chúng ta thấy Đức Phật có dạy bảy pháp làm cho một hội chúng hưng thịnh, đặc biệt là hội chúng Tỳ-kheo. Bảy pháp này được xem là kim chỉ nam áp dụng vào đời sống của một đoàn thể Tăng già trong mọi thời đại.
Kinh Trường Bộ, quyển 2, phẩm kinh Đại Niết Bàn, thuộc Nam Tạng, chép rằng: Hôm đó Đức Phật bảo ngài A Nan mời tất cả Tỳ-kheo tụ họp lại và Ngài đã dạy như sau: “này các Tỳ-kheo! Hãy nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ giảng về bảy pháp bất thối làm cho chúng Tỳ-kheo được hưng thịnh.”
1. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
2. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
3. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thì, này cá Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
4. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ-kheo Thượng tọa, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha mẹ của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
5. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
6. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo thích sống chỗ nhàn tịnh, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
7. Này các Tỳ-kheo! Khi chúng Tỳ-kheo tự thân an trú chánh niệm, các bạn đồng tu chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở được sống an lạc, thì, này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
(Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trường Bộ Kinh, trang 547)
Qua bảy pháp mà Đức Phật đã giảng cho các thầy Tỳ-kheo, chúng ta thấy rằng, để xây dựng một hội chúng được hưng thịnh, không bị suy giảm, cần phải có các điều kiện sau:
* Điều kiện tiên quyết và cốt yếu: Mọi người phải hòa hợp, đoàn kết với nhau, cùng sống chung với nhau trong tinh thần thương yêu và hiểu biết. Cùng tập họp và giải tán trong tinh thần đoàn kết. Làm việc trong ý niệm đoàn kết và xây dựng thì chắc chắn mọi sự sẽ đước tốt đẹp.
* Điều kiện thứ hai: Mọi thành viên đều phải sống đúng và tuân thủ theo những học giới đã được ban hành, không được hủy bỏ vi phạm. Đồng thời phải biết tôn trọng, kính lễ và nương tựa các bậc trưởng thượng đức độ, nương theo giới đức và những lời dạy của các vị để tu học hành đạo.
* Điều kiện thứ ba: Chúng Tỳ-kheo phải thật sự là những vị xuất gia chân chánh, không bị chi phối bởi tham ái, dục vọng, bản ngã vị kỷ, sống đời phạm hạnh tự chủ, không bị lôi cuốn theo dòng chảy của cuộc đời. Người xuất gia phải luôn là những người biết nhìn thẳng sự thật, nói lời như thật, sống với sự thật dù đó là sự thật đầy phũ phàng, ngang trái. Sống luôn đối diện với sự thật của hiện tại để sửa đổi và hoàn thiện chứ không né tránh, lẩn trốn. Luôn an trú trong chánh niệm và trải lòng yêu thương đến với các vị đồng phạm hạnh. Làm cho mình và người được an lạc.
Thiết nghĩ, Đức Phật dạy bảo bảy pháp trên không ngoài mục đích nhắc mỗi chúng ta ý thức rằng: Mỗi người là một thành viên của cộng đồng xã hội, sự an lạc hay đau khổ của mỗi người đều có sự liên quan ảnh hưởng đến xã hội. Cho nên để xây dựng một xã hội tốt đẹp cũng như một hội chúng hưng thịnh, trước tiên mỗi người đều phải tự soi rọi lại chính mình, xem đã sống đúng với sự thật, với những lời Đức Phật dạy hay chưa, để tự hoàn thiện lấy mình, loại trừ dần các vọng tưởng, các tham muốn thấp hèn làm khổ đau, chia rẽ giữa mình và người. Xây dựng và sửa đổi tự thân của mỗi người là yếu tố quan trọng trong các yếu tố để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Nếu một hội chúng Tỳ-kheo khi tụ họp lại mà không được hòa hợp, đoàn kết, thì mỗi thành viên trong đó đều tự phải xét lại chính mình xem đã sống đúng theo bảy pháp mà Đức Phật đã dạy hay chưa.
Hơn bất cứ ai hết, chư Đại đức Tăng Ni là những vị trưởng tử (người con đầu) của đức Thế Tôn, cần phải tỏ rõ tinh thần hòa hợp, đoàn kết và tương thân, tương ái cùng nhau tu tập, để xây dựng một hội chúng xuất gia vững mạnh, hầu đem giáo pháp truyền bá vào cuộc đời làm cho cuộc đời bớt đi những đau khổ. Mọi người cần phải nỗ lực loại bỏ những tư kiến, thiên kiến, ngã chấp để cùng xây dựng đạo Phật Việt Nam ngày càng vững mạnh, hưng thạnh. Có như thế chúng ta mới không phụ lòng ưu tư, thương yêu chỉ dạy của đức Thế Tôn.