Một Nơi Để Hướng Về
Sống trong một thời đại văn minh và có nhiều tiện nghi như hiện nay, đôi lúc nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy bơ vơ lạc lõng, vẫn cảm thấy hụt hững, không có một phương hướng nào rõ rệt để đi theo, không có một nơi nào cao đẹp cho mình hướng về. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho cả chúng ta là phải nhìn lại chính con người, hoàn cảnh, xã hội và tôn giáo của mình để tự tìm cho mình một hướng đi đích thực. Cũng như các loài cây cỏ, nếu chúng không có gốc rễ thì không thể nào chúng tồn tại được. Sống trong cuộc đời cũng vậy, nếu chúng ta không có một hướng đi rõ rệt, không có một lý tưởng để theo, một nơi để hướng về, thì chúng ta không thể nào tồn tại được; chúng ta sẽ cảm thấy bơ vơ lạc lõng và hẳn nhiên là sẽ không có hạnh phúc.
Mỗi người cần có một hướng để đi về, một lý tưởng đẹp, lành và thật để đi theo, là điều vô cùng cần thiết. Cho nên, tìm một nơi để hướng về, để nương tựa là một vấn đề rất lớn của con người hôm nay. Nơi nương tựa này phải là một nơi có thể đem đến cho tâm hồn ta sự an tĩnh, niềm vui sống và đức tự tin. Nơi đó có thể giúp cho chúng ta thoát ra khỏi niềm lo âu, thất vọng, chán nản và buồn đau. Bất cứ nơi nào có thể giúp cho chúng ta thực hiện được điều này thì nơi đó cũng đều là nơi đích thực để cho chúng ta hướng về để cho chúng ta nương tựa cả.
Với Phật tử, Tam Bảo là nơi mà họ luôn hướng về để nương tựa tinh thần với tất cả tâm hồn của họ. Điều này trong đạo Phật gọi là quy y. Khi một người phát nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng (Tam Bảo), họ tự chọn cho mình một hướng đi, một nơi để hướng về và nương tựa. Họ lấy ba ngôi báu để làm tấm gương sáng soi chiếu cho cuộc đời mình và nguyện đi theo con đường đó. Họ xem đó là nơi cao đẹp nhất để nương tựa hầu xây dựng an lạc và hạnh phúc cho cuộc đời của họ. Quy y không chỉ là vấn đề tín ngưỡng, mà quan trọng là vấn đề tu tập. Khi một người đã quy y mà biết tu tập nữa thì mới có lợi ích thật sự, và sự an lạc nhiều hay ít đều tùy thuộc vào sự tu tập của họ.
Gọi là Tam Bảo, hay ba ngôi báu, vì đó là nơi giúp chúng ta tìm thấy được con người thật chúng ta, đáp ứng được những thao thức của chúng ta và của thời đại. Khi chúng ta phát nguyện quay về nương tựa Tam Bảo, chúng ta cần xác định rõ:
- Phật (Buddha) là một con người có đầy đủ những đức tánh tốt cho chúng ta noi theo. Ngài là người đã đạt được giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, một người có được sự an lạc và vững chãi thật sự, là bậc Thầy có khả năng đưa đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời.
- Pháp (Dharma) là những lời dạy của Phật đã nói ra, là những phương pháp tu tập có khả năng giúp chúng ta vượt thoát khổ đau và đạt được sự an lạc và vững chãi như Ngài.
- Tăng (Shangha) là một đoàn thể gồm những vị tu sĩ xuất gia sống chung với nhau tại một trú xứ từ bốn vị trở lên. Lý tưởng của tăng là theo gương đức Phật, nguyện sống hòa hợp, thanh tịnh để xây dựng đời sống an lạc, giải thoát cho chính mình, cho đoàn thể mình và cho cuộc đời.
Bởi những đức tánh quý báu đó, Phật, Pháp và Tăng là nơi đáng tin cậy nhất cho chúng ta hướng về, nhất là trong những lúc chúng ta cảm thấy đau khổ, lạc lõng và bơ vơ.
Phật, Pháp và Tăng bao giờ cũng có sẵn đó cho tất cả chúng ta chứ không dành riêng cho một ai. Những lúc ta cảm thấy bất an, nếu ta biết nhớ nghĩ đến Tam Bảo như là một nơi thân thiết đáng tin cậy, như những người thân thương nhất của ta, luôn sẵn sàng đùm bọc ta, thương yêu và che chở cho ta, thì ngay lúc đó tâm hồn ta sẽ được bình an, và ta sẽ không còn cảm thấy bơ vơ nữa. Đó chính là phép mầu của sự thực tập “quay về nương tựa”.
Với tôi, thực tập quay về nương tựa Tam Bảo mang đến cho tôi bình an và niềm tự tin rất lớn. Bất cứ lúc nào tôi nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng thì ngay lúc ấy Phật, Pháp và Tăng có mặt bên tôi, đưa đường chỉ lối cho tôi, nâng đỡ tinh thần tôi. Những lúc ấy, tôi cảm thấy an lạc và vững chải hẳn lên và, từ đó, đức tin của tôi nơi Tam Bảo lớn hơn, vững mạnh hơn. Điều này cho tôi thấy rõ thêm ý nghĩa Phật, Pháp và Tăng không chỉ là đối tượng bên ngoài để chúng ta nương tựa, mà ngay trong tự tâm mỗi chúng ta cũng có sẵn Ba Ngôi Báu rất là mầu nhiệm. Bao giờ chúng ta biết dừng lại những vọng tưởng, mong cầu, để sống trọn vẹn với tâm hồn thanh tịnh, sáng suốt và tràn đầy yêu thương của chúng ta thì lúc ấy “Tự tánh Tam bảo” sẽ hiển bày. Cho nên Tam Bảo mà chúng ta nương tựa bên ngoài vốn không tách biệt với Tam Bảo trong tự tâm. Quy y Ba Ngôi Báu bên ngoài cũng như trong tự tâm đều cần thiết; chúng ta cần luôn thực tập để cho niềm tin và sự an lạc của chúng ta ngày càng thêm vững mạnh.
Phật, Pháp và Tăng là ba nơi nương tựa vững chắc mà một người muốn có hạnh phúc không thể nào thiếu được. Đây chính là gốc rễ của tình thương yêu, của hạnh phúc chân thật, của sự hiểu biết tròn đầy, là cội nguồn của an lạc và giải thoát cho chúng ta, là nơi để chúng ta hướng về trong đời này và đời sau.