Từ khi tôi còn học ở bậc tiểu học, tôi nhớ có một câu nói rằng: “Đường
đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e
sông.”[1]
Đã từ lâu người ta nhận biết rằng sức mạnh của chúng ta không chỉ nằm ở
phần thể lực, mà phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần. Thậm chí, một khi
tinh thần đã sa sút, dù cho thể lực có mạnh mẽ đến đâu người ta cũng tự
cảm thấy yếu đuối và chẳng làm được gì.
Những gì mà chúng ta gọi là ý chí, nguyện vọng, lòng ham muốn... đều là
những nguồn năng lượng tinh thần. Ý chí càng mạnh mẽ, nguyện vọng càng
tha thiết, ham muốn càng mãnh liệt... chúng ta càng có nhiều năng lực
hơn trong việc đạt được mục tiêu đã đề ra.
Nhưng còn có những hình thức năng lượng tinh thần khác nữa mà chúng ta
thường gặp hơn trong đời sống hàng ngày. Lòng ghen tức, sự giận dữ, nỗi
đau buồn, thù hận... đều là những nguồn năng lượng tinh thần. Chúng ta
có thể nói một cách khái quát hơn, tất cả những cảm xúc, tình cảm của
chúng ta thảy đều là những nguồn năng lượng tinh thần. Tùy theo cường độ
phát sinh và tăng trưởng, chúng chi phối vào năng lực hoạt động chung
của cơ thể ta.
Vấn đề cần chú ý ở đây là, nếu mỗi cảm xúc mạnh mẽ đều là một nguồn năng
lượng, chúng ta sẽ không thể làm triệt tiêu chúng.
[2]
Khi chúng ta muốn quên đi một nỗi đau, hoặc dập tắt một cơn giận dữ...
thường thì chúng ta luôn luôn thất bại.
Giống như bất kỳ một loại năng lượng nào khác, chúng ta có thể sử dụng
năng lượng tinh thần vào nhiều mục đích khác nhau. Đó là sự chuyển hóa.
Trong chiến tranh, chúng ta rất thường nghe đến khẩu hiệu: “Biến đau
thương thành hành động.” Đó cũng là một cách chuyển hóa. Người ta không
thể tự nhiên quên đi nỗi đau, nhưng họ có thể chuyển hóa nó thành sự căm
thù, giận dữ.
Để có được cuộc sống hạnh phúc, điều quan trọng là chúng ta cần học biết
chuyển hóa những nguồn năng lượng tinh thần theo một cách tích cực, mang
lại sự yên vui, thanh thản cho tâm hồn ta.
Chúng ta có thể tạm phân chia năng lượng tinh thần của chúng ta thành
hai nhóm. Nhóm năng lượng tích cực là nhóm thúc đẩy cuộc sống yên vui,
hạnh phúc, chẳng hạn như lòng yêu thương, sự cảm thông... Nhóm năng
lượng tiêu cực là nhóm thúc đẩy ta theo chiều hướng ngược lại, nghĩa là
dẫn đến sự khổ đau, buồn chán, chẳng hạn như lòng thù hận, sự giận dữ...
Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện sự phân chia như thế này bằng vào
cảm nhận của riêng mình. Và bằng vào sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn,
chúng ta sẽ có thể chuyển hóa những nguồn năng lượng tiêu cực trở thành
tích cực.
Khi ta tức giận ai, ta cảm thấy sự thôi thúc phải làm một điều gì đó để
giải tỏa sự tức giận. Ta bị cuốn hút về đối tượng đã gây nên sự tức giận
của ta, và cảm thấy bị thôi thúc phải nói hoặc làm bất cứ điều gì để gây
thương tổn cho người ấy. Sự thôi thúc ấy làm ta bị nung nấu trong đau
khổ và cho rằng chỉ khi nào ta làm được điều gì đó gây thương tổn cho
đối tượng ta mới hết tức giận.
Nếu chúng ta bình tĩnh phân tích vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng nguyên
nhân chính của cơn giận không nằm ở nơi đối tượng. Sự giận dữ thường
phát sinh từ một sự bất mãn, không hiểu biết, kiêu ngạo, hay tham
muốn... Vì thế, chúng hoàn toàn nằm ngay trong ta, và đối tượng của sự
tức giận chỉ là một nguyên nhân phụ thuộc.
Lấy ví dụ, một trận lụt xảy ra và tài sản ta bị thiệt hại rất nặng nề.
Ta không hề tức giận trận lụt ấy, vì ta có đủ hiểu biết để hiểu rằng
trận lụt do đâu mà có, và thật là ngây ngô khi nổi giận với trận lụt.
Nhưng một người lái xe hơi bị hỏng thắng đâm vào hiên nhà ta gây ít
nhiều thiệt hại sẽ làm ta tức giận. Bởi vì ta không có đủ hiểu biết để
hiểu rằng do đâu mà người lái xe hơi ấy gây thiệt hại cho ta. Ta không
chịu suy xét để hiểu, cho dù vấn đề rất đơn giản. Bản thân anh ta cũng
chịu đựng sự thiệt hại, và tai nạn xảy ra là ngoài mong muốn của anh ta.
Nếu ta hiểu được như thế, ta sẽ cảm thông và tha thứ, thay vì tức giận.
Một buổi sáng nhiều sương mù, có một người chèo thuyền đi ven sông. Anh
ta nhìn thấy một thuyền khác phăng phăng nhắm hướng mình lao tới. Anh ta
hét lên: “Cẩn thận, cẩn thận, có người ở đây.” Nhưng chiếc thuyền kia
không đổi hướng, vẫn lao nhanh đến. Thuyền anh ta bị đâm vào và lật úp.
Anh ta bơi vào bờ với tâm trạng tức giận vì mình đã cảnh báo mà người
lái thuyền bên kia không chịu nghe. Nhưng khi lên bờ anh ta mới nhận
thấy không còn ai khác, bởi thuyền kia là một chiếc thuyền không người
lái! Cơn giận của anh ta tiêu tan. Anh ta đã có đủ hiểu biết để hiểu
rằng do đâu con thuyền kia không chuyển hướng mà vẫn cứ đâm vào mình.
Trong phần lớn trường hợp, nếu chúng ta chịu suy xét, tìm hiểu về nguyên
nhân một sự việc, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ. Chúng ta sẽ
nhận ra rằng rất nhiều khi đối tượng cơn giận của ta vốn dĩ đã phải chịu
đựng rất nhiều và đáng được thương hại hơn là tức giận.
Có những nguyên nhân gần và xa mà ta đều có thể hiểu được nếu chịu suy
xét. Một người nào đó nói với ta những lời cau có, bởi vì ngay trước đó
anh ta đã hứng chịu những lời tương tự từ người khác. Nếu hiểu được như
vậy, ta sẽ không còn giận anh ta nữa. Đó là một nguyên nhân gần, nhưng
còn có những nguyên nhân xa hơn nữa. Chẳng hạn người ấy đã lớn lên trong
một gia đình mà cha mẹ luôn nói với anh ta bằng những lời cau có, bực
dọc. Anh ta đã tập nhiễm thành thói quen nói những lời cau có, bực dọc,
nhưng không hẳn trong lòng anh ta có gì đáng ghét. Hiểu được như vậy,
chúng ta cũng sẽ không còn giận anh ta nữa.
Khổ đau, buồn chán, thù hận... đều có thể được chuyển hóa bằng vào sự
hiểu biết và cảm thông. Chúng ta luôn có được sự hiểu biết khi ta chịu
suy xét. Chúng ta luôn có được sự cảm thông khi ta chịu nghĩ đến những
đau khổ, bất hạnh mà người khác đang gánh chịu.
Khi chúng ta thiếu sự hiểu biết và cảm thông, chúng ta sống trong đau
khổ và gây ra đau khổ cho người khác. Những gì chúng ta làm mà ta cho
rằng có thể giúp ta vơi đi đau khổ, thật ra chỉ làm tăng thêm khổ đau
nhiều hơn nữa, và càng gây ra nhiều khổ đau cho người khác.
Sự hiểu biết và cảm thông là một kỹ năng cần có quá trình rèn luyện. Hay
có thể nói một cách khác đi, sự thiếu hiểu biết và cảm thông vốn là một
thói quen tập nhiễm từ rất lâu mà ta không dễ loại trừ ngay trong chỉ
một đôi lần. Đôi khi, những cơn giận nổi lên và ta không sao kiềm chế
được cho dù ta biết là mình hoàn toàn vô lý. Nhưng với một sự tỉnh thức
và kiên nhẫn, qua nhiều lần như vậy chúng ta sẽ dần dần kiểm soát được
chúng.
Sự thiếu hiểu biết thường là do không chịu lắng nghe từ người khác. Bởi
vì có những điều chúng ta không thể suy ra được mà cần phải được nghe
người khác giải thích. Nhưng thói quen của chúng ta khi nóng giận thường
là không chịu lắng nghe người khác. Và điều đó dẫn đến sự thiếu hiểu
biết.
Trong câu chuyện nổi tiếng về người thiếu phụ Nam Xương, người chồng đã
thiếu hiểu biết vì không chịu lắng nghe. Qua nhiều năm chinh chiến trở
về, anh ta không thể hiểu hết mọi việc ở nhà. Nhưng khi nghe đứa con nói
rằng: “Ông không phải ba tôi. Ba tôi về đêm mới đến. Mẹ tôi nói chuyện
và khóc với ba tôi. Khi mẹ tôi ngồi, ba tôi cũng ngồi. Khi mẹ tôi nằm
xuống, ba tôi cũng nằm.” Anh ta cho rằng mình đã hiểu hết vấn đề qua lời
nói của đứa con. Nhưng nếu anh chịu lắng nghe, anh sẽ hiểu được sự thật.
Đứa bé đang nói về cái bóng đen trên vách tường mà mẹ nó mỗi đêm vẫn
thường chỉ vào và bảo với nó đó là ba nó. Sự tức giận làm cho anh ta
không còn biết lắng nghe. Và vì thế, anh ta không có đủ hiểu biết để hóa
giải cơn giận. Hậu quả mà chúng ta ai cũng biết là người vợ đã trầm mình
xuống sông tự vẫn.
Người vợ cũng đã sai lầm khi hành động như vậy. Bà đã không cảm thông
được với cơn giận của người chồng. Lẽ ra bà phải hiểu được là người
chồng đang giận, và những lời giải thích của bà có thể đưa ra sau đó, vì
không có cơn giận nào kéo dài vô thời hạn. Bản thân bà cũng có một cơn
giận. Nó là nguồn năng lượng tiêu cực thúc đẩy bà hành động sai lầm khi
không nghĩ đến hậu quả cho người chồng và đứa con. Nếu bà hiểu được và
cảm thông với nỗi đau khổ của người chồng đang tức giận, bà sẽ có thể
kiên nhẫn chờ đợi giải thích vấn đề, và chúng ta hẳn đã có một kết quả
tốt đẹp hơn cho câu chuyện.
Nguyên nhân gây ra những cơn giận cũng thường là nằm trong quá khứ. Khi
có ai đó nói hoặc làm điều gì khiến ta nổi giận, thường là bởi vì điều
ấy có liên hệ nhất định với những điều không hay nào đó trong quá khứ
của ta. Vì thế, nếu ta ý thức được giá trị của hiện tại và không bị chi
phối bởi quá khứ, chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát những cơn giận của mình
hơn.
Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải nhớ là, khi chúng ta tức giận
hoặc hận thù hoặc đau khổ... những cảm xúc ấy là ở nơi ta, không thuộc
về bất cứ một người nào khác. Chúng ta chỉ có thể chuyển hóa những năng
lượng tinh thần tiêu cực ấy bằng chính sự hiểu biết và cảm thông của
mình, không thể bằng cách tác động vào ai đó như một đối tượng của lòng
căm tức, hận thù hoặc đau khổ.
Những năng lượng tinh thần tiêu cực giống như những ngọn lửa. Chúng cần
có gì đó để thiêu đốt. Khi chúng ta thiếu sự hiểu biết, chúng thiêu đốt
chính bản thân ta. Nếu chúng ta chuyển hóa được chúng, chúng sẽ trở
thành lòng yêu thương, sự hiểu biết và cảm thông chia sẻ... những nguồn
năng lượng tích cực thúc đẩy ta làm được những điều tốt đẹp cho chính
mình và cho mọi người chung quanh ta.