Hạnh phúc trong sự hòa hợp
Khi nghĩ đến một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta thường nghĩ nhiều về các
yếu tố liên quan đến chính mình, chẳng hạn như sự đầy đủ vật chất, thỏa
mãn những mong ước tinh thần...
Nhưng chúng ta thường quên mất một điều là chúng ta không bao giờ có
được hạnh phúc chân thật khi những người quanh ta vẫn còn nhiều đau khổ.
Trong trường hợp đó, chúng ta cần phải biết chia sẻ hạnh phúc của chính
mình với người khác như một phương pháp đối trị.
Nếu hai người bạn sống chung một phòng trọ mà không đạt được sự hòa hợp
với nhau, sẽ hoàn toàn vô ích khi một trong hai người mong muốn làm gì
đó để đạt được hạnh phúc cho riêng mình. Trường hợp của một gia đình,
một cộng đồng, một xã hội cũng đều tương tự. Điều đó giúp ta hiểu được
vì sao có những người có thể dành trọn cuộc đời mình để mưu tìm hạnh
phúc cho người khác. Bản thân họ không cần đi tìm hạnh phúc, bởi chính
cuộc sống như vậy của họ đã là một biểu hiện của hạnh phúc rồi!
Bởi vậy, xây dựng sự hòa hợp trong cộng đồng chúng ta đang sống cũng là
một phần trong những nỗ lực để có được một cuộc sống hạnh phúc. Điều đó
tất nhiên đòi hỏi sự tham gia cố gắng của mỗi người trong cộng đồng,
nhưng quá trình ấy cần phải được khởi đầu từ chính bản thân ta.
Thường thì những bất đồng hay gút mắt giữa những người sống chung được
khởi đầu từ những chuyện không quan trọng lắm. Chỉ vì chúng ta không có
đủ nhận thức về tầm quan trọng của chúng, nên ta thường buông thả để cho
chúng tích tụ nhiều ngày đến mức không sao cứu vãn được.
Những chuyện thông thường như sự hiểu lầm, sự bất đồng hoặc nghi ngờ lẫn
nhau cần được giải quyết triệt để ngay từ khi chúng vừa sinh khởi. Cha
mẹ đối với con cái, vợ chồng đối với nhau, hay anh chị em trong một
nhà... đều phải thường xuyên lưu ý đến điều này. Sự thẳng thắn bộc lộ và
cùng nhau bàn bạc vấn đề bao giờ cũng là giải pháp tốt nhất.
Đôi khi chúng ta thường không hiểu được chính mình khi đánh giá một vấn
đề là nhỏ nhặt và cho rằng mình hoàn toàn có thể bỏ qua không lưu tâm.
Thật ra, bao giờ chúng cũng tạo thành một gút mắt vô hình trong tâm hồn
chúng ta, chờ đợi thêm nhiều gút mắt tương tự hoặc một dịp thuận tiện
nào đó để bùng lên thành một mâu thuẫn lớn, làm tổn hại đến tình cảm.
Vấn đề chỉ có thể thật sự được giải quyết hoàn toàn sau khi chúng ta đã
cùng nhau đối diện với nó và đạt được một cách nhìn chung. Bằng không,
nó sẽ là một khối u ngầm chờ đợi ngày phát tác.
Vì thế, người biết xây dựng cuộc sống hòa hợp là người luôn luôn đối
diện với mọi vấn đề, dù lớn hay nhỏ. Chủ động đưa ra vấn đề để cùng nhau
bàn bạc giải quyết, đó là cách tích cực nhất để xây dựng một cuộc sống
hòa hợp trong cộng đồng.
Bí quyết xây dựng cuộc sống hòa hợp còn nằm ở sự nắm hiểu được bản chất
của nhau và sống nhân nhượng cùng nhau. Không có con người nào là không
thể sống chung hòa hợp, vì nếu không có ai để sống chung, chúng ta biết
rằng tình hình sẽ còn bi đát hơn thế nữa. Vì vậy, được sống chung với
những người khác là một niềm hạnh phúc cần được trân trọng. Hiểu được
như thế, chúng ta sẽ dễ dàng hài lòng khi sống chung với bất cứ hạng
người nào.
Khí đốt là độc hại, nếu bất cẩn có thể gây chết người. Nhưng chúng ta
hiểu rõ bản chất độc hại của nó và có những bình chứa, ống dẫn an toàn.
Ta mang nó vào nhà để sử dụng và có những biện pháp cẩn thận để đảm bảo
nó sẽ không gây hại. Nhờ hiểu rõ bản chất của khí đốt, ta có thể sống
chung cùng nó. Dòng điện cũng là một ví dụ tương tự, có thể giật chết
người. Hiểu rõ được bản chất nguy hiểm đó, ta vẫn có thể sử dụng nó với
những biện pháp cẩn thận cần thiết. Nếu ta không hiểu được bản chất của
nó, ta có thể sẽ chết vì bị điện giật.
Khi sống chung với bất cứ ai, chúng ta cần thiết phải hiểu được bản chất
của người ấy. Khi hiểu được, ta dễ dàng cảm thông và chia sẻ. Ví dụ như
một người bạn có tính tham ăn, nhưng thật sự rất tốt bụng. Ta có thể
thông cảm và nhường cho anh ta phần ăn nhiều hơn khi có dịp. Ta không
đòi hỏi anh ta phải bỏ tính tham ăn, dù rằng điều đó có thể là tốt hơn.
Nhưng vì bản chất của anh ta là như thế, và trước hết chúng ta cần hiểu
được để cảm thông và có thể sống chung hòa hợp.
Mỗi người có thể có một hoặc nhiều thói xấu. Bản thân chúng ta cũng vậy.
Không có ai là hoàn thiện về mọi mặt.
Khi hiểu được bản chất của người sống chung, ta không ngạc nhiên và khó
chịu khi người ấy bộc lộ những thói xấu. Ngoài ra, ta còn dễ dàng cảm
thông khi biết rằng chắc chắn bản thân ta cũng có những thói xấu nhất
định nào đó, và đã được những người sống chung hiểu và cảm thông.
Hơn thế nữa, ta cũng nên nhớ một điều là loại trừ những thói xấu ra, bất
cứ con người nào cũng đều còn có những mặt tốt đẹp tuyệt vời để ta hài
lòng khi chung sống. Người bạn tham ăn có thể là một anh chàng rất sốt
sắng giúp đỡ người khác khi cần đến. Cô bạn lắm lời nhưng thực chất có
thể là rất quan tâm đến người khác...
Nói chung, sự hiểu biết giúp ta cảm thông với những mặt xấu và đồng thời
cũng giúp ta nhận ra được những mặt tốt đẹp. Điều này là quan trọng. Bởi
vì khi chúng ta không hài lòng với ai đó về một điểm xấu nào, ta thường
bị ảnh hưởng của sự không hài lòng đó và không nhận ra được ở người ấy
có điểm nào là tốt đẹp nữa cả.
Hiểu biết và cảm thông không hề đồng nghĩa với việc bảo vệ hay dung
dưỡng cái xấu. Ta cần biết chỉ ra và phê phán những thói xấu một cách
thích hợp vào bất cứ khi nào có dịp. Nhưng điều đó phải được thực hiện
hoàn toàn trong tinh thần xây dựng, không xuất phát từ một sự khó chịu
hay ghét bỏ nào. Ta cảm thông với cái xấu vì hiểu được rằng sự khiếm
khuyết vốn là bản chất tự nhiên của hết thảy mọi con người, nhưng ta
cũng phê phán, xây dựng để cải thiện cái xấu cho tốt hơn, vì điều đó
giúp hướng đến một cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Một cuộc sống hòa hợp trong cộng đồng không bao giờ là điều tự nhiên có
được. Đó là kết quả của sự hiểu biết và nỗ lực xây dựng. Mỗi thành viên
đều có trách nhiệm, nhưng bản thân ta bao giờ cũng nên nhận lấy phần
khởi xướng đầu tiên và tích cực trong xây dựng.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, nếu những người khác trong cộng đồng không
có được ý thức và quan niệm giống như ta, liệu nỗ lực của bản thân ta có
mang lại được ích lợi gì chăng? Có đấy. Sự thật là, nếu sự khiếm khuyết
đã là bản chất tự nhiên của mỗi con người, thì nó cũng là bản chất tự
nhiên của mỗi cộng đồng con người. Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng của chúng
ta tự thân nó đã là một phương tiện để chúng ta đạt được hạnh phúc.
Chúng ta sẽ không bao giờ đòi hỏi một sự hoàn thiện tuyệt đối, nhưng
chính trong quá trình vươn đến sự hoàn thiện ta sẽ có được hạnh phúc
chân thật.