Tình cảm chân thật và sự hiểu biết
Rất nhiều trong số những cảm xúc không tốt của chúng ta xuất phát từ sự
thiếu hiểu biết. Ở đây, tôi không nói đến sự hiểu biết về những kiến
thức tâm lý học hay bất cứ một khoa học nào khác. Tôi muốn nói một cách
đơn giản đến sự hiểu biết về đối tượng mà những tình cảm của chúng ta
nhắm đến.
Một buổi sáng, bạn đến văn phòng làm việc và nhìn thấy một người bạn
đồng nghiệp với nút áo sơ mi cài lệch. Nhẹ nhàng và từ tốn, bạn nói nhỏ
cho anh bạn ấy biết để sửa lại. Thay vì cảm ơn về sự nhắc nhở tế nhị
này, anh ta lại cau có và gắt lên với bạn: “Thế thì lại việc gì đến
anh?”
Thật dễ dàng để nổi giận với một cách ứng xử thiếu lịch sự như thế. Bạn
có thể sẽ cho anh ta một trận ra trò để hiểu thế nào là phép lịch sự.
Nhưng nếu như bạn hiểu được anh bạn kia đang ở trong một tâm trạng bấn
loạn, lo âu đến như thế nào, có thể bạn sẽ cảm thông và tha thứ. Mới
chiều hôm qua anh ta đã bị ông chủ gọi vào phòng quát tháo vì một sơ
suất nào đó, và đe dọa cho nghỉ việc. Có lẽ suốt đêm qua anh ta đã không
ngủ được vì lo lắng. Và trong một tâm trạng như thế, anh dễ dàng cau có,
gắt gỏng một cách vô lý.
Sự hiểu biết về anh chàng tội nghiệp này sẽ giúp bạn triệt tiêu hoàn
toàn cơn giận dữ. Ngược lại, bạn còn sẽ mở lòng ra cảm thông và chia sẻ
hoàn cảnh khó khăn anh ta đang gánh chịu. Có thể bạn sẽ đề nghị nhường
một công việc ngoài giờ mà mình đang có được cho anh ta, như một sự giúp
đỡ tạm thời nếu như anh ta bị mất việc...
Hầu hết những trường hợp nóng giận của chúng ta đều xuất phát từ sự
thiếu hiểu biết về đối tượng. Vì thế, nếu chịu khó tìm hiểu về hoàn cảnh
riêng của mỗi người, chúng ta sẽ giảm bớt được rất nhiều những cơn giận
dữ. Một người bạn ăn nói cộc cằn, thô lỗ sẽ không đáng giận nếu như ta
hiểu được rằng anh ấy đã mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ và không hề được cắp
sách đến trường. Một cô bạn luôn bủn xỉn, keo kiết từng đồng xu trong
giao tiếp sẽ không đáng giận chút nào nếu như bạn hiểu được cô đang phải
nuôi dưỡng cha mẹ già bệnh tật chỉ nhờ vào đồng lương ít ỏi của mình.
Chúng ta trách móc, hờn giận người khác cũng xuất phát từ sự thiếu hiểu
biết. Nếu như nhà bạn có một cây xoài rất lớn mà năm nay chẳng có trái
nào, hẳn bạn sẽ không trách móc cây xoài. Đó là vì bạn hiểu được cây
xoài không có trái vì nhiều lý do, nhưng không có lý do nào trong đó
đáng để bạn trách móc cây xoài. Có thể năm tới bạn cần bón thêm phân,
tưới nước hoặc tỉa bớt cành lá... Còn việc trách móc cây xoài là vô lý
và không mang lại bất cứ kết quả nào.
Những mối quan hệ không tốt đẹp của chúng ta trong cuộc sống cũng cần
được xem xét tương tự như thế. Sự trách móc lẫn nhau không đưa lại kết
quả gì. Nếu một người bạn không thật sự hết lòng giúp bạn, điều đó có
nghĩa là bạn đã chưa chăm sóc đúng mức cho mối quan hệ giữa hai người.
Nếu bạn trách móc người ấy, thì cũng giống như bạn trách móc cây xoài.
Thay vì vậy, bạn nên suy nghĩ lại và tìm ra những biện pháp tốt hơn để
hoàn thiện hơn nữa mối quan hệ ấy.
Ngay cả lòng yêu thương chân thật cũng cần phải xuất phát từ sự hiểu
biết. Nếu bạn thương yêu ai đó mà không chịu tìm hiểu về người ấy, bạn
sẽ không thể gìn giữ tình cảm được lâu dài. Chúng ta cần có sự hiểu biết
mới có thể yêu thương chân thật, bởi vì sự hiểu biết giúp ta diệt trừ
những mầm mống của sự nghi ngờ, đố kỵ hay hờn giận, trách móc...
Để hiểu được người mình thương yêu, bạn cần phải chân thành tiếp xúc và
chủ động tìm hiểu. Bạn cần biết được người ấy đang có những tâm sự gì,
hoặc người ấy cảm thấy như thế nào về bạn... Những hiểu biết như vậy
giúp bạn vun đắp tình thương yêu của mình ngày càng tốt đẹp.
Ngay cả những tình cảm thân thiết trong gia đình như cha mẹ với con cái,
anh chị em, hoặc vợ chồng... cũng cần phải có sự hiểu biết lẫn nhau. Hầu
hết những sự rạn nứt hay tan vỡ trong tình cảm đều xuất phát từ sự thiếu
hiểu biết. Một người chồng gặp khó khăn trong công việc nhưng không chia
sẻ được gì với vợ, sẽ âm thầm nuôi dưỡng sự bực dọc, cau có... Nếu người
vợ không hiểu được anh ta, sẽ cho rằng những bực dọc, cau có của anh ta
là vô lý, và do đó cũng đáp lại bằng thái độ giận dỗi, bực tức. Quan hệ
giữa hai bên vì thế sẽ ngày càng xấu đi cho đến khi không còn cứu vãn
được. Chỉ cần họ biết quan tâm tìm hiểu lẫn nhau, thảm kịch bi đát ấy sẽ
có thể dễ dàng được ngăn chặn ngay từ đầu.
Tôi biết có nhiều bậc cha mẹ thương yêu và hết lòng lo cho tương lai con
cái. Họ làm việc quên cả bản thân mình. Nhưng càng ngày họ càng xa cách
với các con, vì bọn trẻ không có nhiều cơ hội để hiểu biết về họ, và
ngược lại họ cũng không hiểu mấy về con cái mình. Những gia đình như thế
rất khó có được sự hòa hợp và yên vui, hạnh phúc.
Tình thương yêu chân thật có hai biểu hiện rõ ràng nhất. Đó là mang lại
niềm vui, hạnh phúc cho người mình thương yêu, và chia sẻ những nỗi đau
khổ, khó khăn với người ấy.
Để có thể mang lại niềm vui cho ai, bạn không thể không hiểu được người
ấy. Một món quà sinh nhật mang lại được nhiều niềm vui nhất là món quà
được chọn đúng theo với ý muốn của người được tặng. Và để làm được điều
đó cần phải tìm hiểu về người ấy. Cũng vậy, để chia sẻ được nỗi đau khổ
của ai, bạn cần hiểu được về họ. Một lời an ủi có thể làm vơi đi rất
nhiều đau khổ, nhưng nếu người nói không hiểu biết có thể sẽ còn làm gợi
lên nhiều niềm đau hơn cả trước đó.
Điều kỳ diệu ở đây là, một khi bạn có tình thương yêu chân thật, bạn sẽ
luôn biết cách làm thế nào để tìm hiểu về người mình thương yêu. Bạn
cũng sẽ tinh tế hơn trong việc nhận ra những biểu hiện khổ đau hay hờn
giận của người ấy.
Tình thương như một dòng suối ngầm luôn âm ỉ chảy trong mỗi chúng ta.
Chỉ cần ta biết khơi nguồn đúng cách, mạch suối sẽ tuôn trào ngày càng
mãnh liệt hơn.
Khi bạn hiểu được thế nào là tình thương yêu chân thật, bạn sẽ nuôi
dưỡng được những hạt giống thương yêu và học biết cách để yêu thương
người khác. Nói lời thương yêu với người khác là điều rất tốt, nhưng chỉ
nói không thôi thì chưa đủ. Bạn cần phải biết cách thể hiện tình thương
yêu ấy bằng hành động cụ thể, và qua đó mà bạn nuôi lớn được năng lực
yêu thương, tha thứ của chính mình.
Tình thương cũng cần được biểu lộ. Nếu bạn không biểu lộ tình thương yêu
của mình, người khác đôi khi sẽ khó nhận biết được. Hơn nữa, mỗi một
hành vi biểu lộ lòng thương yêu cũng chính là sự ươm mầm cho nhiều hạt
giống thương yêu khác.
Những lời nói hoặc cử chỉ chăm sóc dù nhỏ nhặt nhưng với sự khéo léo đôi
khi cũng có thể là sự biểu lộ rất tốt tình thương yêu. Người phương Tây
có tập quán ôm nhau để tỏ tình thương yêu. Đó là một tập quán tốt mà
ngày nay có rất nhiều người phương Đông đã học làm theo. Nhiều người cho
rằng như thế là ảnh hưởng văn hóa ngoại lai. Tôi không nghĩ vậy. Những
tập quán tốt đẹp dù phát sinh ở đâu cũng đều là vốn quý của nhân loại,
và cần được lan rộng. Người phương Tây cũng đã học theo rất nhiều tư
tưởng, tập quán của phương Đông.
Đôi khi bạn cho rằng lập lại những lời yêu thương ai đó quá nhiều lần là
một sự nhàm chán. Điều đó không đúng. Bằng chứng là chẳng có ai thấy
nhàm chán mà không trân trọng khi người khác thành thật nói ra lời yêu
thương mình. Chúng ta nên duy trì tập quán hỏi han, quan tâm đến nhau và
nói những lời yêu thương nhau hàng ngày trong gia đình. Điều đó giúp vun
trồng cho hạnh phúc ngày càng tăng trưởng. Cuộc sống quá bận rộn của
thời đại công nghiệp này đang cướp dần đi của chúng ta những giây phút
quý giá được gần gũi bên nhau. Nếu chúng ta không khéo léo nhận ra để
sớm bù đắp lại, có thể sẽ là quá trễ khi tình cảm trở nên lạnh giá và
mọi người không còn ai hiểu được ai.
Tình cảm chân thật và sự hiểu biết luôn đi đôi với nhau. Thật ra là
chúng cần đến nhau. Làm sao bạn có thể thương yêu ai đó khi không hiểu
được họ? Cũng như khi bạn đã hiểu rõ một con người, làm sao bạn lại có
thể không mở lòng yêu thương?