Nghệ thuật phản đối
Chúng ta ai ai cũng đều mong muốn một cuộc sống yên ổn, và thậm chí để
có được sự yên ổn, đôi khi chúng ta sẵn sàng nhẫn nhục, nhân nhượng đôi
chút với người khác. Nhưng những vấn đề trong cuộc sống không phải lúc
nào cũng có thể giải quyết bằng nhân nhượng. Đôi khi chúng ta cần thiết
phải phản đối.
Nhưng phản đối như thế nào là cả một nghệ thuật.
Thường thì khi chúng ta muốn phản đối điều gì, chúng ta hay quên đi mục
tiêu của việc phản đối. Ta chỉ còn chú tâm vào đối tượng phản đối, và vì
thế mà bản thân việc phản đối trở thành mục tiêu của ta, thay vì chỉ là
phương tiện để đạt đến kết quả mà ta cần có. Chính điều này gây trở ngại
rất nhiều cho bất cứ ý đồ hòa giải, thương lượng nào.
Chẳng hạn như một người sống cùng phòng có thói quen đi chơi về rất
khuya. Điều này làm bạn rất khó chịu. Vì cửa ra vào được khóa ở bên
trong, nên mỗi khi anh ta về bạn phải thức dậy để mở cửa. Trường hợp này
kéo dài rất lâu và bạn quyết định phải phản đối.
Vấn đề ở đây là, bạn cần xác định mình đang phản đối việc anh ta đi chơi
về quá khuya, chứ không phản đối bản thân anh ta. Bạn không nên xem anh
ta như một kẻ đối nghịch theo bất kỳ ý nghĩa nào. Mục tiêu của sự phản
đối là chấm dứt việc anh ta đi chơi về khuya. Khi mục tiêu này đạt được,
đừng để bất kỳ một định kiến nào có thể tồn tại giữa tình cảm hai người.
Khi cần phải phản đối ai điều gì, chúng ta nên nhớ rằng vấn đề ở đây là
sự bất đồng, không phải là đối nghịch. Nhờ đó, chúng ta sẽ sẵn sàng chấp
nhận bất kỳ giải pháp nào được đưa ra, miễn là đạt được mục tiêu của sự
phản đối.
Tâm lý chung là không ai thích những lời cứng rắn hoặc đe dọa. Nhưng khi
muốn phản đối ai điều gì thì ta lại thường có khuynh hướng đưa ra trước
hết là những lời cứng rắn hoặc đe dọa. Đây là một nghịch lý, và thường
là dẫn đến những kết quả không hay.
Nếu chúng ta cứng rắn với người có thể giải quyết vấn đề phản đối của
chúng ta, đó là một bất lợi. Bản thân họ, vốn dĩ đang bất đồng với chúng
ta, sẽ dễ dàng trở thành đối nghịch vì sự cứng rắn. Và nếu hai bên đều
cứng rắn, rõ ràng là vấn đề chỉ được giải quyết khi một trong hai bên đã
hoàn toàn bị khuất phục, còn sự thương tổn thì chắc chắn sẽ nằm cả về
hai phía.
Một sự phản đối ôn hòa sẽ hoàn toàn khác hẳn. Khi chúng ta trình bày vấn
đề một cách ôn hòa, chúng ta có đủ sáng suốt và bình tĩnh hơn. Người
nghe ta trình bày cũng sẽ có một tâm trạng tiếp nhận tốt hơn và sẵn sàng
hợp tác hơn. Điều này là tốt đẹp cho cả hai phía.
Trong các vụ thương lượng làm ăn, phụ nữ thường dễ đạt kết quả tốt hơn
chính là nhờ họ có khuynh hướng ôn hòa hơn nam giới.
Trong trường hợp vừa nói trên, giả sử bạn nổi nóng lên và phản đối bằng
cách túm cổ áo anh chàng đi chơi về khuya kia, và dọa sẽ cho anh ta một
trận hoặc tống cổ anh ta ra đường nếu anh ta còn về quá khuya như thế,
chắc chắn anh ta cũng sẽ không dễ dàng khuất phục, cũng sẽ nổi nóng lên
và đưa ra lời thách thức, vì biết chắc là dù sao bạn cũng không thể đi
đến chỗ tống anh ta ra khỏi nhà được. Chưa nói đến điều tệ hại hơn, nếu
anh ta là người nóng tính và to khỏe, bạn có thể phải lãnh đủ một trận
ra trò chứ không phải là anh ta.
Ngược lại, nếu bạn chọn giải pháp ôn hòa, đợi đến sáng hôm sau, trong
giờ ăn điểm tâm chẳng hạn, mới ôn tồn đặt vấn đề với anh ta. Bạn có thể
nói rõ sự khó chịu của mình, và tất nhiên là trong tâm trạng bình tĩnh
anh ta dễ dàng hiểu được điều đó. Trừ trường hợp bạn đang gặp phải một
con người sắt đá và thô lỗ, bằng không thì kết quả chắc chắn sẽ là một
sự nhận lỗi và sửa chữa.
Khi chúng ta phản đối vấn đề gì, điều cần thiết nhất là phải đảm bảo
những người có trách nhiệm giải quyết phải được giải thích đầy đủ về ý
kiến phản đối của chúng ta. Rất nhiều trường hợp phản đối không đi đến
kết quả chỉ đơn giản là vì vấn đề đã không được trình bày rõ ràng.
Phản đối đôi khi cũng là điều bắt buộc phải có để hoàn thiện môi trường
sống của chúng ta và mọi người quanh ta. Nhưng nếu chúng ta có đủ hiểu
biết, ta sẽ không để cho việc phản đối trở thành một nguyên nhân làm mất
đi những niềm vui trong cuộc sống.