Người giàu cũng khổ...
Phần lớn trong chúng ta ai cũng mong muốn được giàu có. Đôi khi, chúng
ta bỏ cả nửa cuộc đời hoặc nhiều hơn thế nữa để có thể trở nên giàu có.
Sự đầy đủ về vật chất quả thật mang lại cho ta rất nhiều sự thoải mái
trong cuộc sống, và cũng bớt đi những nỗi lo toan chuyện cơm áo hàng
ngày...
Nhưng nhìn sâu vào vấn đề, người giàu nói chung cũng vẫn có những khó
khăn nhất định trong cuộc sống, nhất là khi ta xét từ góc độ đi tìm một
cuộc sống hạnh phúc.
Phần lớn người giàu, nếu không nói là tất cả, đều đã nỗ lực rất nhiều để
có thể trở nên giàu có. Và dù họ có thành công đến mức độ nào đi nữa, để
có được và củng cố vị trí của mình trong xã hội, quả thật với họ cũng
không dễ dàng gì.
Vấn đề đối với hầu hết những người giàu là sự khan hiếm thời gian dành
cho bản thân và gia đình. Suốt một quá trình nỗ lực lâu dài đã tạo cho
họ thói quen làm việc căng thẳng, tích cực, và rất ít người cho rằng
điều đó có gì cần phải thay đổi. Kèm theo đó, người giàu có nhiều cơ hội
để làm việc. Phần lớn họ là những người làm việc độc lập, có đủ vốn
liếng để phát triển công việc không giới hạn. Hoặc nếu họ đi làm cho
người khác thì cũng là những cương vị tốt, có thu nhập cao và do đó đòi
hỏi trách nhiệm cũng nặng nề.
Những điều ấy dẫn đến một thực tế là người giàu thường có quá nhiều cơ
hội tốt để dành thời gian cho công việc. Điều đó mang lại cho họ thu
nhập ngày càng lớn hơn, nhưng cũng thu hẹp thời gian họ dành cho bản
thân và gia đình ngày càng hiếm hoi hơn.
Ngược lại, những người ở tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó thường có
những giới hạn nhất định trong công việc. Họ thường làm việc theo mức độ
trung bình, với số giờ lao động thông thường và một mức thu nhập khiêm
tốn. Dù họ có muốn làm việc nhiều hơn nữa, cũng ít khi có đủ may mắn để
tìm được việc làm thêm thuận tiện. Và như vậy, cách duy nhất để họ tồn
tại là phải biết gói gọn cuộc sống theo với mức thu nhập thực tế của
mình. Tuy vậy, họ luôn có thời gian dành cho chính mình và cho những
người thân trong gia đình.
Xuất phát từ thực tế này, trong những gia đình giàu có, việc quan tâm lo
lắng cho con cái thường là đồng nghĩa với việc đáp ứng những nhu cầu vật
chất. Con cái được sống sung túc, học hành đầy đủ và không phải thiếu
thốn gì. Tuy nhiên, thường thì cha mẹ có ít thời gian dành ra để trực
tiếp chăm sóc con cái. Điều này khiến cho con cái lớn lên trong sự thiếu
thốn phần lớn tình cảm. Bởi vì, nhu cầu tình cảm của chúng là cần được
sự gần gũi, chăm sóc bởi chính bàn tay cha mẹ, không chỉ là được đáp ứng
đầy đủ về vật chất.
Ngay cả trong quan hệ giữa vợ chồng với nhau cũng vậy, khuynh hướng
chung là trong những gia đình giàu có người ta luôn quá bận rộn để có
thể dành thời gian thỏa đáng cho nhau. Và thật không may là điều này
không sao có thể bù đắp lại bằng tiền bạc, vật chất. Nếu bản thân bạn là
một người giàu có và tránh được tình huống rất thường gặp này, bạn có
thể tự hào về điều đó.
Mặt khác, có một tâm lý chung là người ta thường gần gũi, quan tâm đến
nhau nhiều hơn trong những hoàn cảnh thiếu thốn. Vợ chồng, con cái trong
những gia đình nghèo thường có tình cảm gắn bó rất sâu đậm với nhau. Họ
cùng nhau trải qua những giai đoạn khó khăn của gia đình. Họ biết là
những người chung quanh lúc nào cũng cần đến sự quan tâm chia sẻ của họ.
Sự thiếu thốn vật chất chung của cả gia đình khiến cho họ có những nhu
cầu thiết yếu giống như nhau và dễ cảm thông nhau. Ngược lại, trong
những gia đình giàu có, người ta không có gì thiếu thốn mà thường chỉ
chạy theo những ham muốn riêng tư của mỗi người. Vì nhu cầu không giống
nhau nên họ cũng ít gần gũi nhau.
Tất nhiên chúng ta chỉ đang nói đến cái chung chung, không đề cập đến
từng trường hợp cụ thể. Nếu người giàu tự ý thức được những điều này, họ
có thể có sự điều chỉnh thích đáng để tạo một không khí gia đình ấm cúng
hơn, trong đó các thành viên đều quan tâm và dành thời gian thỏa đáng
cho nhau. Điều chắc chắn là như thế ta sẽ bớt giàu hơn đôi chút, nhưng
môi trường tình cảm sẽ tốt đẹp hơn và gia đình vì thế được hạnh phúc
hơn.