Bước đi không cần nơi đến...
Trong nhịp sống hối hả ngày nay, chúng ta luôn cảm thấy không có đủ thời
gian để thực hiện việc này hay việc khác... Điều đó dẫn đến một khuynh
hướng là chúng ta luôn sử dụng quỹ thời gian của mình theo cách phải đạt
được một cái gì đó. Hay nói cách khác, mỗi hành động của chúng ta đều
nhắm đến một mục tiêu vật chất nhất định.
Nhưng những nhu cầu vật chất mà chúng ta nhắm đến, xét cho cùng cũng chỉ
là để đạt được một cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Nhiều người không hiểu
được điều đó, nên họ rất thành công trong công việc nhưng chẳng bao giờ
có được những phút giây yên vui thật sự. Họ đã nhầm lẫn giữa phương tiện
và mục đích.
Để nhắc nhở mình về điều đó, thỉnh thoảng chúng ta nên làm một số việc
gì đó mà không cần nhắm đến các mục tiêu vật chất. Hay nói khác đi, ta
hành động chỉ vì để được hành động, không phải vì để đạt được gì khác.
Một ví dụ tiêu biểu cho điều này là việc đi bách bộ. Mỗi ngày chúng ta
có thể là đã đi lại đến hàng chục cây số, hoặc chạy lăng xăng trong các
quày bán hàng, hoặc hối hả phục vụ trong một cửa hàng ăn nào đó... Nhưng
mỗi bước chân đi của chúng ta đều có mục đích. Ta không có thời gian rỗi
rãnh để thưởng thức niềm vui được bước chân đi trên mặt đất này, nên với
ta điều đó nghe ra có thể là hoàn toàn xa lạ.
Việc đi bách bộ thì khác hẳn. Ta có thể dành khoảng mười hay mười lăm
phút vào buổi sáng, hoặc buổi chiều, để bước chân đi mà không cần nghĩ
về nơi đến. Ta chọn một lối mòn quanh nhà, hay một đoạn đường vắng vẻ...
ở đâu càng yên tĩnh và thoáng mát càng tốt. Ta bước đi chậm rãi, vì ta
không nôn nóng để đến nơi đâu cả. Ta buông bỏ hoàn toàn mọi âu lo suy
nghĩ, thong thả bước đi và chỉ chú tâm vào hơi thở. Thân thể ta chuyển
động một cách êm ái, nhịp nhàng theo hơi thở, tâm trí ta không ưu tư lo
nghĩ, ý thức tỉnh táo nhận rõ sự hiện hữu của mình trong từng bước chân.
Ta có thể đi chân trần, để bàn chân tiếp xúc dịu dàng với mặt đất ấm áp.
Như thế ta càng cảm nhận được rõ hơn sự gần gũi hòa hợp với thiên nhiên.
Với nhiều người sống trong thành phố, cảm giác đi chân trần trên một con
đường đất đôi khi là hiếm có hoặc chưa từng trải qua. Và nếu đi như thế
trong một tâm trạng hoàn toàn thư thái không trói buộc, bạn sẽ cảm nhận
được một niềm vui không sao tả xiết. Ta cảm thấy như có thể chia sẻ tất
cả những gánh nặng cuộc đời mình với mặt đất êm ái. Ta được nâng niu,
được che chở bởi lòng đất mà ta đã từ đó sinh ra và sẽ trở về trong đó.
Ta cảm thấy gần gũi, tin cậy thiên nhiên. Ta tìm thấy niềm vui và hạnh
phúc trong từng bước chân thong thả không cần nơi đến.
Mỗi ngày nếu bạn có thể đi bách bộ như thế một hoặc hai lần, tôi tin
rằng bạn đã là người hạnh phúc nhất trên đời. Bởi vì hạnh phúc không nằm
xa xôi ở những tòa nhà cao rộng mà chúng ta suốt đời mơ ước hoặc làm
việc điên cuồng để có được, nó nằm ngay chính trong phương thức mà chúng
ta sử dụng, tận hưởng thời gian sống của mình. Việc đi bách bộ trong
tinh thần tỉnh thức là một bước khởi đầu cực kỳ tốt đẹp để bạn xây dựng
một cuộc sống yên vui hạnh phúc, chỉ bằng vào những gì hiện có của mình
mà không cần phải chờ đợi, cầu mong gì khác.
Bạn cũng có thể thực hành làm nhiều việc khác trong tinh thần tương tự
như thế. Nghĩa là không cần nghĩ đến mục đích của việc làm. Nói đúng
hơn, bản thân việc làm của chúng ta đã chính là mục đích, ta không còn
bị thúc bách bởi một mục đích nào khác.
Như khi bạn rửa chén bát chẳng hạn. Khi bắt đầu rửa chén, ta vẫn quen
nghĩ rằng mục đích của ta là phải hoàn tất việc rửa chén sau mười hoặc
mười lăm phút, vì sau đó ta còn cần phải làm việc này, việc nọ...
Lần tới đây khi bạn rửa chén, hãy thử từ bỏ đi ý tưởng ấy. Hãy nghĩ
rằng, mục đích của việc rửa chén chính là rửa chén. Bạn thong thả ngắm
nhìn chậu chén bát trong năm mười giây đồng hồ để gạt bỏ hết mọi lo
toan, suy nghĩ khác... Bây giờ, bạn chỉ còn biết đến việc rửa chén mà
thôi!
Thật tỉnh táo, bạn chuẩn bị nước rửa chén, khăn lau... và bất cứ vật
dụng nào bạn thường dùng theo thói quen. Bắt đầu cọ rửa từng cái chén,
bạn nhận thức rõ hành động chính xác của đôi tay mình. Bạn nhận rõ từng
cái chén khi chưa rửa, đang được rửa và sau khi rửa xong. Bạn làm mọi
việc với sự thong thả, thận trọng và hoàn toàn tỉnh thức.
Nếu bạn làm được như thế, tôi tin là bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhận
thấy việc rửa chén hóa ra lại cũng vô cùng thú vị. Bạn không còn hối hả
làm cho xong việc để chuyển sang việc này, việc nọ... Bởi vì không còn
có việc nào khác quan trọng hơn việc bạn rửa chén theo cách như thế.
Không chỉ là việc rửa chén mà là bạn đang thực hành tiếp xúc với đời
sống trong từng giây phút quý giá mà mình hiện hữu. Thời gian dành cho
việc rửa chén chính là thời gian bạn đang sống trong cuộc đời này, và
bạn không hề phí bỏ một giây phút nào cả khi có thể thực hành cách sống
tỉnh thức trong từng phút giây như thế.
Những bữa ăn hàng ngày cũng là thời gian tốt để bạn thực hành lối sống
tỉnh thức. Bạn cũng sẽ không nghĩ đến việc ăn để được no bụng, hoặc để
sau khi ăn sẽ làm việc này, việc khác... Ngồi vào bàn ăn, bạn biết là
mình sắp ăn và việc ngồi ăn trong tỉnh thức chính là mục đích của bạn.
Bạn có thể quan sát các món ăn, nhìn sâu vào để thấy được cội nguồn, bản
chất của chúng. Bằng cách này, bạn sẽ nhận ra được những thức ăn nào là
độc hại hoặc không có lợi cho sức khỏe của mình.
Trong thời đại ngày nay, khi mà chủng loại các món ăn ngày càng nhiều
đến mức không sao kể xiết, người ta hay chọn các món ăn theo cách để cho
ngon miệng mà ít khi lưu tâm nhiều đến tác động của chúng đối với sức
khỏe. Những món ăn có lợi cho sức khỏe thường lại rẻ tiền và không đòi
hỏi nấu nướng cầu kỳ. Chẳng hạn một đĩa rau muống luộc lấy nước thật
trong xanh, thêm vào ít muối và một miếng chanh. Có vẻ như rất đơn sơ
nhưng sẽ là lời khuyên của bác sĩ dành cho bạn trong nhiều trường hợp.
Khi bước vào bữa ăn với sự quán sát, bạn sẽ tạo được cho mình thói quen
chỉ ăn những gì có lợi cho sức khỏe. Cảm giác ngon miệng chỉ là thoáng
qua, nhưng một sức khỏe tồi tệ sẽ ngăn cản không cho bạn có được cuộc
sống yên vui hạnh phúc.
Trong khi ăn bạn hãy giữ thái độ thật thảnh thơi, thư thả. Nếu bạn có
kéo dài bữa ăn thêm mười lăm hay hai mươi phút, điều đó cũng không đưa
đến một biến động nào cho thế giới này, nhưng nó lại có thể làm cho thế
giới này đổi khác đi trong mắt bạn.
Thực hành bữa ăn trong sự tỉnh thức cho bạn cơ hội tuyệt vời để tiếp cận
thật sự với cuộc sống. Bạn có thể nhận ra những điều mà trước đây đã
không nhận ra hoặc không quan tâm đến.
Người Anh có một câu ngạn ngữ là: “Bạn ăn gì thì bạn là thứ ấy.” (You
are what you eat.) Nếu chúng ta liên tục đưa vào cơ thể những thứ độc
hại, vô bổ, chỉ nhằm mục đích khoái khẩu, ta sẽ rất khó lòng có được một
cuộc sống thảnh thơi, an lạc. Các thứ rượu, bia chẳng hạn, đã từng bị
các cơ quan y tế khuyến cáo rất nhiều về tác hại của chúng đối với cơ
thể, nhưng mỗi ngày người ta vẫn sản xuất và tiêu thụ một lượng rượu bia
nhiều đến chóng mặt. Đó là vì không có nhiều người thực tập ăn uống
trong sự tỉnh thức.
Con người từ lâu đã tập thành thói quen giết hại súc vật để làm thức ăn
cho mình. Thịt động vật làm tăng nguy cơ mắc các chứng ung thư, cao
huyết áp, xơ vữa động mạch... đều là những thông tin chính thức đã được
các cơ quan y tế xác nhận. Người phương Tây ngày nay chuyển sang ăn chay
rất nhiều mà không chỉ vì lý do tín ngưỡng. Họ nhận ra đó là một chế độ
ăn tốt hơn cho sức khỏe vì nó giúp hạn chế bệnh tật. Nếu chúng ta biết
tỉnh táo nhận ra điều này, có thể khẩu phần ăn của chúng ta sẽ sớm thay
đổi theo hướng tích cực hơn.
Chúng ta cũng có thể chờ xe buýt, đi bộ đến sở làm, nấu ăn, lau dọn nhà
cửa... trong sự tỉnh thức. Mỗi giây phút sống của ta sẽ trở nên có ý
nghĩa hơn rất nhiều. Lâu dần, ta thường xuyên sống trong sự tỉnh thức và
dễ dàng dứt bỏ được những lo nghĩ, toan tính làm căng thẳng đầu óc.
Chúng ta sẽ làm mọi việc theo cách tốt nhất để đạt đến những mục tiêu
chính đáng của đời mình, nhưng luôn luôn làm những việc ấy trong sự tỉnh
thức, sáng suốt nhận biết. Và như vậy, vấn đề không còn là ở chỗ ta có
thành công trong tương lai hay không, mà chính là ở chỗ chúng ta đã biết
sống rất đẹp ngay trong hiện tại.