Một là tất cả
Chúng ta đau khổ phần lớn vì cách nhìn không đúng về sự vật. Chúng ta
thường chia cắt, phân biệt những điều vốn thuộc về nhau. Do sự chia cắt,
phân biệt sai lầm đó, chúng ta hình thành nên những khái niệm được và
mất theo cách nhìn của mình. Và sự được mất đó làm cho chúng ta không
hài lòng. Chúng ta đau khổ.
Một người nông dân gieo giống trên sườn đồi và mong đợi một cơn mưa để
hạt giống nảy mầm. Một người nông dân khác đang cắt lúa. Anh ta mong đợi
trời nắng to, khô ráo để việc thu hoạch được dễ dàng.
Với người nông dân vừa gieo giống, tất cả những gì anh ta cần bây giờ là
cơn mưa. Không có mưa, anh ta đau khổ. Nhưng người đang cắt lúa không
cần mưa. Cơn mưa làm anh ta đau khổ.
Cả hai người nông dân chẳng làm được gì thật sự tác động đến việc có mưa
hay không, nhưng họ đặt niềm hạnh phúc hay khổ đau của họ gắn liền với
cơn mưa, và họ không thể nắm chắc được mình có đạt được điều mong ước
hay không.
Chúng ta cũng vậy, cũng rất nhiều khi gắn liền hạnh phúc cuộc đời mình
với những yếu tố mà ta không tác động được đến. Vì thế, ta không thể nắm
chắc là mình sẽ có được hạnh phúc hay không.
Ngược lại, có những yếu tố liên quan đến hạnh phúc của ta, nhưng ta lại
không quan tâm đến. Một trong những yếu tố đó chính là cách nhìn nhận
của chúng ta về cuộc sống hay sự vật.
Thường thì chúng ta nhìn sự vật theo một cách riêng lẻ, không toàn diện.
Theo cách nhìn như thế, sự vật bị cắt đứt đi những mối quan hệ thực có.
Chúng ta không thấy rằng trong một bông hoa có sự hiện hữu của nắng ấm,
của nước mưa và nhiều thứ khác. Ta cũng không thấy được cuộc sống của ta
đang chịu sự chi phối của tất cả mọi người khác và cả những yếu tố vật
chất chung quanh ta. Sự hiện hữu đồng thời của vạn vật là một mối tương
quan không chia cắt được. Cái này có là vì cái kia có. Cái này mất đi là
vì cái kia mất đi. Trong mối quan hệ đó, không có được và mất. Cái mất ở
khía cạnh này là cái được ở một khía cạnh khác và ngược lại. Toàn thể sự
vật vẫn hiện hữu sinh động như tự bao giờ.
Chúng ta thử nhìn vào một hạt lúa. Thực thể nhỏ bé này hàm chứa trong nó
nhiều thế hệ cây lúa trước đó. Vì vậy, chúng ta không cần tác động gì
đến cách thức mà nó sinh trưởng. Chúng ta chỉ cần tạo ra những điều kiện
thuận lợi. Hạt lúa tự nó biết cách phải nảy mầm, đâm chồi, ra hoa, kết
hạt... như thế nào. Rõ ràng là sự hiện hữu của hạt lúa không hoàn toàn
riêng lẻ. Nó có mối quan hệ chặt chẽ với tất cả những cây lúa trước đây.
Nhìn rộng ra, sự sinh trưởng của nó lại có quan hệ chặt chẽ với những
yếu tố môi trường hiện tại, và nhiều điều khác nữa...
Nhìn vào hạt lúa, ta có thể thấy được nhiều thế hệ cây lúa. Ta cũng có
thể thấy cả những gian lao cần khổ của người nông dân trồng lên cây lúa.
Hơn thế nữa, hạt lúa còn quan hệ đến sự sinh tồn của chính chúng ta.
Không có một hạt lúa, không thể có một đồng lúa, và cũng sẽ không có
chén cơm ta ăn hàng ngày.
Với cách hiểu này, chúng ta sẽ không còn thấy có sự phân cách trong xã
hội. Tất cả đều quan hệ chặt chẽ với nhau. Không có người nghèo, không
thể có người giàu. Không có những công nhân lao động cần khổ, không thể
có những kẻ ngồi mát ăn bát vàng... Hơn thế nữa, khi nhìn vào những gì
xấu xa tội lỗi trong xã hội, chúng ta cũng nhận thấy được phần trách
nhiệm của những người lương thiện, bởi chúng ta đã chưa tích cực đủ để
giúp họ cải hối theo đường ngay nẻo chánh.
Chúng ta cũng nhìn thấy được mối tương quan chuyển hóa giữa những yếu tố
khác nhau trong vạn vật. Chúng ta thấy dòng sữa ngọt của bò trên đồng cỏ
xanh tốt. Chúng ta thấy những lọn rau cải xanh tươi trong đống phân
chuồng hoai mục...
Chúng ta cũng nhìn thấy trong chính mình sự hiện hữu của bao nhiêu thế
hệ cha ông từ trước. Và ta nhìn thấy bản thân mình trong con cháu của
ta. Nhiều người vì không nhìn thấy điều này nên đã cư xử không tốt với
ông bà, cha mẹ... Họ không biết rằng như thế là họ đang ngược đãi chính
bản thân họ.
Ở phương Tây có một tập quán là đưa những người già vào nhà dưỡng lão.
Người ta làm như vậy để thuận tiện và có lợi cho công việc làm ăn của
những người còn trẻ. Họ cho rằng làm như thế là thuận lợi, vì họ chỉ
phải bỏ tiền nuôi sống đầy đủ ông bà hoặc cha mẹ, nhưng không phải mất
quá nhiều thời gian cho việc chăm sóc, và với thời gian ấy họ có thể làm
ra nhiều tiền hơn.
Điều này là rất tội nghiệp cho những người già, vì làm như vậy là chúng
ta đang cách ly họ với chính bản thân họ. Những người già chỉ còn một
niềm vui duy nhất trong khi chờ đợi từ giã cuộc đời này, đó là được sống
gần con cháu. Sở dĩ như vậy là vì họ cảm nhận được sự hiện hữu tươi trẻ
hơn của chính bản thân mình trong thế hệ nối tiếp. Khi chúng ta đưa cha
mẹ hoặc ông bà vào nhà dưỡng lão, điều kiện vật chất trong những nơi này
tuy có thể là đầy đủ đến mức lý tưởng, nhưng vẫn không hề giống với cuộc
sống thân ái dưới mái ấm của một gia đình.
Rất mừng là ở phương Đông chúng ta không có thói quen đối xử với ông bà
hoặc cha mẹ theo cách như vậy. Tôi không biết rồi đây nếp sống văn minh
bận rộn này có làm thay đổi tập quán tốt đẹp của chúng ta hay không,
nhưng tôi mong là điều đó sẽ không xảy ra.
Nếu chúng ta hiểu được tình cảm của những người già, và nếu chúng ta
biết rằng những gì ta làm đối với ông bà hoặc cha mẹ hôm nay về sau sẽ
xảy đến cho chính bản thân ta cũng như vậy, ta sẽ đối xử với ông bà cha
mẹ theo những cung cách tốt đẹp hơn. Người già cần được quan tâm chu đáo
cả về thể chất lẫn tinh thần, và việc dành thời gian bên cạnh họ cũng
quan trọng không kém gì mang đến miếng ăn thức uống hàng ngày.
Trong cách đối xử với con cái, đôi khi chúng ta cũng không hiểu được
điều này. Chúng ta không thường nghĩ rằng sự hiện hữu của chúng là một
phần của chính bản thân ta. Vì vậy, chúng rất cần được gần gũi với ta,
được ta quan tâm chăm sóc và biểu lộ tình cảm. Nhiều gia đình bận rộn
đến mức phải gửi con thường xuyên nơi nhà trẻ, hoặc thuê người giữ trẻ
và giao phó mọi công việc chăm sóc. Họ không biết rằng, đứa trẻ lớn lên
như thế sẽ bị hụt hẫng rất nhiều về mặt tình cảm. Ngoài việc được nuôi
lớn bằng cơm ăn áo mặc, sự gần gũi và biểu lộ tình cảm cũng là vô cùng
quan trọng đối với trẻ.
Khi chúng ta nhìn sự vật theo một cách toàn diện và đúng thật như vậy,
chúng ta sẽ không còn đau khổ. Những gì mà trước đây chúng ta cho là đau
buồn, mất mát sẽ trở nên nhỏ nhặt không đáng kể, và đều có thể được lý
giải một cách tích cực hơn trong toàn cảnh. Người nông dân đang cắt lúa
sẽ không buồn bực khi trời đổ mưa. Mặc dù bản thân anh ta có gặp nhiều
phiền toái, nhưng anh ta hiểu rằng nhiều nơi khác người ta đang cần mưa,
và không có lý do gì để buồn bực khi cơn mưa đổ xuống.
Chúng ta cũng nhìn thấy được toàn thể vạn vật trong sự hiện hữu của mỗi
một thực thể sống. Bởi vì trong một thực thể hàm chứa tất cả, và tất cả
đều có mối quan hệ không chia cắt với từng thực thể.
Khi chúng ta thường xuyên quan sát sự vật theo cách này, ta không còn
thấy có sự chia cắt giữa bản thân và sự vật. Ta không cho rằng sự vật là
ở bên ngoài ta nữa. Khi ta bắt tay làm một công việc gì, ta không nghĩ
rằng mình và công việc là hai đối tượng khác nhau. Ta thấy mình gắn bó
không chia cắt với công việc, và chúng ta hòa nhập vào công việc như hòa
nhập với chính bản thân mình. Bằng cách này, chúng ta đạt được niềm vui
trong mọi phút giây của đời sống.
Các nghệ sĩ lớn đều biết cách hòa nhập với công việc theo cách như thế.
Một họa sĩ không còn chia cắt với cọ vẽ và bức họa khi anh ta thực hiện
một kiệt tác. Một nhạc sĩ cảm nhận chính mình là những nốt nhạc đang
ngân vang. Anh ta không làm công việc nào khác ngoài việc thể hiện chính
bản thân mình...
Vì cả quá khứ và tương lai đều bao hàm trong hiện tại, nên khi hiểu được
sự bao hàm của một trong tất cả và tất cả trong một, chúng ta càng thấy
rõ hơn ý nghĩa quý giá của đời sống và gạt bỏ được hết thảy những lo âu
vụn vặt để cảm nhận tất cả những gì mầu nhiệm mà cuộc sống mang đến cho
ta trong hiện tại.