Khi đã có thân này, chúng ta có những nhu cầu về ăn, mặc, ở, hít thở, đi lại, giao tiếp… trong đó có những nhu cầu không thể thiếu, nếu thiếu nó con người không thể sống được và có những nhu cầu mà không có cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chỉ là do chúng ta bày vẽ ra thêm.
Trước hết là nói về vấn đề ăn. Khi có thân chúng ta phải ăn mới có thể sống được, ăn để sống. Tất cả những loài vật có mặt trên thế gian này, thiên nhiên đã ban tặng cho chúng những thức ăn sẵn có. Chẳng hạn như con bò, con trâu, con dê có sẵn cỏ cho chúng ăn; khỉ,vượn có trái cây; các loại thú ăn thịt thì thú lớn ăn thú nhỏ, cá lớn nuốt cá bé. Còn đối với con người, thiên nhiên đã ban tặng cho hoa quả để sống. Nhưng nhờ sự thông minh mà con người đã chế biến ra rất nhiều thức ăn. Để thoả mãn khẩu vị, con người đã bày ra đủ các loại thức ăn khoái khẩu. Vì vậy, dần dần con người hình thành thói quen ăn thịt động vật. Và cũng từ đây, chúng ta đã tạo ra rất nhiều nghiệp sát sinh. Bây giờ chúng ta muốn đi ngược lại cũng rất khó. Có nhiều người nói rằng, từ nhỏ tôi đã ăn những thức ăn như vậy, bây giờ bảo tôi ăn thực vật, hoa quả tôi không ăn được. Sự thật là từ khi con người có mặt trên cuộc đời này, đã được thiên nhiên ban tặng cho những thức ăn để sống, giờ thì chúng ta lại sống để mà ăn.
Thứ hai là mặc. Ở thời sơ khai con người cũng giống như bao nhiêu loài vật khác, cũng có sức đề kháng của cơ thể đối với thiên nhiên. Lúc đó con người không có quần áo để mặc, nhưng vẫn chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết. Như con bò, con chim, con cá… chúng đều có khả năng để thích ứng với khí hậu. Vì khi chúng được sinh ra trên cuộc đời này đã có sức đề kháng đối với thiên nhiên. Con người, nhờ sự thông minh đã chế tạo ra vải để che thân, dần về sau chế tạo ra quần áo không chỉ dùng để che thân mà còn để làm đẹp. Cũng vì làm đẹp mà chúng ta giết những con thú như cừu, cá sấu để lấy lông, lấy da làm y phục. Mặc là điều cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu chúng ta lạm dụng sẽ dẫn đến tạo nghiệp sát sinh.
Vấn đề thứ ba là ở. Thời nguyên thủy con người sinh ra sống ở núi, rừng, hang hốc. Nhưng nhờ sự thông minh con người đã sáng tạo ra nhà cửa, lều trại để ở. Từ khi có nhà cửa rồi lại phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, tranh chấp đất đai, nhà ở. Từ đó dẫn đến những việc thương tâm, cha con kiện cáo nhau, thậm chí chém giết nhau cũng vì miếng đất, căn nhà.
Bệnh tật là một vấn đề mà bản thân con người không thể nào tránh khỏi. Đức Phật dạy chúng ta có thân tức có bệnh, cho nên con người ai cũng có bệnh, không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Đây là một sự thật, hay nói cách khác là một chân lý. Muốn hết bệnh phải dùng thuốc, muốn có thuốc phải có tiền. Đó chính là một nhu cầu trong cuộc sống của con người. Vào thời nguyên thủy, khi chưa có thuốc như bây giờ, con người dùng các loại lá cây để trị bệnh. Sự thông minh đã giúp con người phát triển ngành y và các loại thuốc được bào chế từ thực vật và cả động vật. Ngoài việc bào chế thuốc để chữa trị cho con người, chúng ta còn sát hại các loài vật để tăng cường, bồi bổ sức khỏe cho mình, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh lý.
Tất cả vấn đề trên đều là những nhu cầu trong cuộc sống của con người. Để đáp ứng được những nhu cầu đó chúng ta phải làm việc, phải có nghề nghiệp. Muốn có nghề nghiệp chúng ta phải đi học, phải học từ mẫu giáo lên tiểu học, trung học rồi đến đại học, sau đó ra trường và có nghề nghiệp làm ăn. Có những người đi theo con đường học vấn, nhưng cũng có những người không đủ khả năng học nên phải bươn chải rất nhiều, làm đủ các việc cực nhọc và vất vả để có tiền đáp ứng những nhu cầu ăn, mặc, ở… Cuộc sống cứ thế tiếp diễn và rồi chúng ta lại bắt đầu bước vào giai đoạn mới là tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái. Đây là giai đoạn phức tạp nhất của đời người. Hạnh phúc có, đau khổ cũng có.