Đời sống
Đời người Tác giả: Thích Chân Tính
15/02/2557 19:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sức khỏe là tài sản lớn nhất của con người. Nếu không có sức khỏe thì dù có tiền rừng bạc biển cũng không có hạnh phúc. Sức khỏe là quan trọng. Chúng ta lao đầu vào làm việc để kiếm tiền. Rồi một ngày nào đó chúng ta lại đem tiền đi mua sức khỏe. Do vậy, trong cuộc sống phải cố gắng cân bằng việc làm và sức khỏe của mình. Có sức khỏe là chúng ta có tất cả. Đôi khi chúng ta cứ đổ lỗi cho công việc, vì nhiều việc quá nên luôn bận bịu. Chúng ta cần phải có thời gian cho chính mình, thời gian để rèn luyện cơ thể và giữ gìn sức khỏe. Có được sức khỏe mới làm được mọi việc. Không có sức khỏe không làm được việc gì cả.

      Khi có gia đình và bước sang giai đoạn có con, tức là khi đó ta đã làm cha, làm mẹ thì cần phải bớt đi những vị kỷ để lo cho tương lai của con cái. Lúc này chúng ta phải sống vì con chứ không nên chỉ biết vì mình. Sống vì con là sống như thế nào? Ngoài việc lo về vật chất, lo cho tương lai, sự nghiệp của con chúng ta còn phải là những tấm gương đức hạnh cho con cái noi theo. Cha mẹ phải sống có đạo đức. Đạo đức đó là gì? Chính là 5 giới mà đức Phật dạy cho chúng ta, gồm có: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng các chất kích thích, gây nghiện như rượu, thuốc phiện. Đây là năm nguyên tắc đạo đức căn bản làm người. Nếu muốn con của mình tương lai trở thành những người tốt thì bản thân cha mẹ phải tốt. Giống có tốt, lúa mới tốt. Cho nên, cha mẹ phải quên mình, phải biết hy sinh và làm gương tốt cho con cái của mình. Người cha uống rượu không thể dạy con đừng uống rượu, người cha cờ bạc không thể dạy con đừng cờ bạc. Năm giới này là nền tảng của đạo đức, là gốc của mọi hạnh lành và cũng là cái nhân để chúng ta được giải thoát. Trong đạo Phật dù chúng ta có tu pháp môn nào đi chăng nữa cũng phải lấy giới, định, tuệ làm nền tảng. Muốn có được tuệ phải có giới, vì có giới mới có định, có định mới có tuệ. Thí dụ: Khi chúng ta nhìn một vật gì tốt đẹp, lúc đó tâm bắt đầu khởi lên ý niệm ham muốn, khi lòng ham muốn đã phát triển tâm sẽ loạn, khi tâm đã loạn sẽ không còn sáng suốt để nhìn nhận vấn đề, cho nên dễ dẫn đến những hành động sai lầm. Chẳng hạn như khi nhìn một cô gái xinh đẹp, mình liền phát sinh tình cảm, nếu không có giới sẽ không biết dừng lại. Nếu có giới sẽ tự nhắc nhở: “Không được! Mình đã có vợ rồi không nên có ý nghĩ ham muốn như vậy”. Đó là giới. Và khi có giới tâm của chúng ta bắt đầu bình ổn (định), khi có định tâm sẽ sáng suốt để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Còn nếu khi nhìn thấy sắc đẹp tâm chúng ta dao động và sự động tâm ấy sẽ dẫn ta ngày một đi xa, vì ta không có giới để ngăn lại. Giống như giọt dầu khi rơi xuống nước, nếu vớt lên liền thì rất dễ, để chậm trễ nó sẽ lan ra. Cũng như thế, nếu chúng ta có giới và định thì những tai họa sẽ không xảy ra.

      Hoặc giả có ai đó nói một câu không được êm tai, chúng ta liền nổi giận, tức là không làm chủ được cảm xúc của mình. Nếu lúc đó chúng ta biết giữ giới, biết cách ngăn cơn giận mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Ngược lại, nếu chúng ta không ngăn được cơn giận tâm sẽ loạn, mà tâm đã loạn thì không còn kiểm soát được lời nói và hành động, dẫn đến gây đau khổ cho mình và người.

      Căn bản của người học Phật là năm giới (cả người tại gia và xuất gia). Nếu ai giữ được năm giới người đó có đạo đức, sẽ là người thầy, người cha, người mẹ và người con tốt. Ngược lại, nếu không giữ được năm giới cũng không xứng đáng là người thầy, người cha, người mẹ hoặc người con tốt. Nhất là những người làm cha, làm mẹ cần phải giữ được năm giới này. Muốn con tốt trước tiên tự cha, mẹ phải gương mẫu. Thông thường ai cũng có tâm niệm mong con của mình tốt, học giỏi, ngoan hiền nhưng đa phần chúng ta chỉ muốn như thế mà không biết phải làm cách nào để tạo ra những đứa con tốt.