Tất cả những biến chuyển lớn trong cuộc đời của con người bắt đầu từ khi tình yêu nam nữ nảy nở. Cũng có thể chúng ta cho tình yêu đó là tốt đẹp, nhưng cũng có khi chính tình yêu lại dẫn đến những nỗi khổ rất lớn cho bản thân. Có người khổ ít, có người khổ cả đời. Bước vào giai đoạn tình yêu nam nữ là bước vào lãnh vực sóng gió nhất của con người trên cuộc đời này.
Có một lần đi xe, tình cờ tôi nghe một bản nhạc do anh tài xế mở, trong đó có đoạn: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em, tại trời xui khiến nên chúng mình thương nhau”. Khi nghe câu hát này tôi cảm thấy tội nghiệp cho ông trời. Làm gì có chuyện ông trời nào xui khiến chúng ta thương nhau! Theo quan điểm của đạo Phật thì đấy là quá trình của xúc, thọ, ái, thủ, hữu. Có nghĩa là do con mắt của chúng ta tiếp xúc với sắc, khi tiếp xúc như vậy thì sinh ra thọ, thấy cái gì mình thích gọi là lạc thọ, cái gì mình không thích hoặc buồn bực gọi là khổ thọ, còn khi nhìn một thứ gì đó mình không ưa cũng không ghét gọi là xả thọ. Khi mắt tiếp xúc với sắc đẹp phát sinh ra lạc thọ rồi thì ái đi theo. Thường người nam hay thích người nữ từ ánh mắt, cái miệng, khuôn mặt, vóc dáng... Còn người nữ thích người nam từ hình thể, danh lợi, tiền tài… Cổ nhân thường nói: “Trai tài, gái sắc”. Khi mắt chúng ta tiếp xúc với sắc đẹp thì phát sinh ra lạc thọ, rồi tiếp đến là ái và theo đó là thủ, tức là muốn chiếm lấy, muốn người kia là của mình, muốn chiếm người đó về mình. Thế nhưng “thương nhau lắm, cắn nhau đau”. Tiếp theo một đoạn khác của bài hát là: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em, tại đời đen trắng nên chúng mình xa nhau”. Lại cũng đổ thừa nữa. Thương nhau đổ thừa cho ông trời, bây giờ xa nhau lại đổ thừa cho đời đen trắng. Thật ra, thương nhau cũng tự mình và bây giờ xa nhau cũng do mình. Không biết thương yêu, lắng nghe, tha thứ chúng ta sẽ không thể có hạnh phúc, không sống gần bên nhau chứ không phải tại ông trời xui khiến mà thương, hay tại đời đen trắng mà xa nhau. Thương cũng do mình mà ghét cũng do mình, hạnh phúc cũng do mình mà khổ đau cũng do mình. Và một đoạn kế của bài hát: “Tình yêu như hoa nở đẹp xinh khi xuân đến em ơi, làm thân hoa cho người ta hái, hè sang sắc thắm hoa dần tàn, thu đến nghẹn ngào rồi heo may kéo sang mùa đông, làm hoa kia chết trong lạnh lùng”. Bài hát này tôi đã nghe cách đây hơn 40 năm, hôm đó tự nhiên vừa nghe qua thì nhớ lại. Có lẽ do bài hát đó đã được lưu vào trong tàng thức nên không mất, đợi có cơ hội thì nó hiện ra. Theo Duy thức học, những gì đã được lưu giữ trong tàng thức sẽ không mất, khi đủ duyên sẽ hiện ra. Cho nên, đức Phật khuyên chúng ta cố gắng nhớ Phật, nghĩ điều lành, học những bài Pháp lành để đưa những hạt giống đó vào trong tàng thức của mình, đến khi nào cần, đủ duyên nó sẽ hiện ra. Chẳng hạn như những người tu theo pháp môn Tịnh độ, họ thường niệm Phật, gieo hạt giống niệm Phật vào trong tàng thức, đến khi lâm chung, nhờ thiện tri thức khai thị, hộ niệm mà họ có thể nhớ đến Phật, câu Phật hiệu hiện ra trong tâm trí và hình ảnh đức Phật có thể hiện ra.
Quay lại câu hát vừa rồi: “Tình yêu như hoa nở đẹp xinh khi xuân đến em ơi, làm thân hoa cho người ta hái, hè sang sắc thắm hoa dần tàn, thu đến nghẹn ngào rồi heo may kéo sang mùa đông, làm hoa kia chết trong lạnh lùng”. Tình yêu nam nữ cũng đẹp như hoa nở mùa xuân, nhưng đến khi sang mùa hạ thì hoa dần tàn, mùa thu hoa dần héo và sang đông hoa sẽ lụi tàn. Lúc đó thì: “Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình”.
Khi chúng ta đã bước vào giai đoạn sóng gió nhất của đời người, tức là bước vào cuộc sống vợ chồng thì nhu cầu ăn, mặc, ở… sẽ tăng lên. Lúc đầu chỉ có một mình, bây giờ có hai người. Một thời gian sau lại có thêm một người và nhu cầu lại tăng thêm. Nếu tăng lên thành bốn người nhu cầu lại tăng thêm nữa. Nhu cầu tăng thêm, chúng ta sẽ phải làm việc nhiều, phải suy nghĩ, tính toán, đấu tranh, làm mọi việc, tìm mọi cách để kiếm tiền, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn, mặc, ở, cho mình và cho gia đình. Nếu chúng ta là người biết học Phật, sống có đạo đức thì việc làm sẽ bớt đi những điều tội lỗi. Ngược lại, chúng ta sẽ bị rơi vào con đường tà mạng, tức là làm những nghề không chân chánh, chẳng hạn như có thể làm nghề đồ tể, buôn bán hàng quốc cấm hoặc làm những nghề bất chính, lừa đảo, trộm cắp… Lúc này người ta có nhiều lý do để lao đầu vào làm các công việc nhằm kiếm nhiều tiền để xây nhà, mua xe, sắm các phương tiện vật chất... Bất kể ngày tháng, bất kể đó là việc tốt hay xấu, việc chính đáng hay không chính đáng, miễn là có tiền.
Dù chúng ta cố gắng kiếm tiền bằng những việc làm chính đáng thì cũng nên xét lại, bởi vì trong cuộc sống này không phải có nhiều tiền mới là hạnh phúc. Hạnh phúc không phải do chúng ta kiếm được nhiều tiền mà có. Trên thực tế, rất nhiều gia đình tiền rừng bạc biển nhưng lại không được hạnh phúc. Người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, người giàu có nỗi khổ của người giàu. Chúng ta đừng nghĩ có tiền sẽ không khổ. Hễ có thân là có khổ. Đôi khi có nhiều tiền lại khiến chúng ta khổ hơn. Người nghèo khổ vì thiếu tiền, người giàu khổ vì thiếu tình cảm. Có khi chúng ta lao đầu vào công việc làm ăn mà quên đi bổn phận thiêng liêng của người vợ, người chồng, người cha, người mẹ, người con…. Và một ngày nào đó chúng ta không thiếu tiền, nhưng tình cảm thì lại mất hết. Chồng đi theo người tình, vợ đi theo trai, con cái hư hỏng, thế là cuộc đời không còn ý nghĩa gì hết. Cho nên, chúng ta phải biết dừng lại để có thể cân đối cuộc sống.
Có một anh chàng nọ cầu xin vị thần ban cho mình được giàu có. Anh khẩn thiết van xin, ngày nào cũng cầu nguyện. Một hôm vị thần đó xuất hiện và nói rằng: “Được rồi! Hôm nay ta sẽ ban phước cho nhà ngươi. Kể từ giờ này ngươi đi tới đâu là phần đất đó thuộc về của ngươi, cho đến khi mặt trời lặn”. Nghe vậy anh ta mừng quá và bắt đầu chạy thật nhanh để đua với mặt trời. Anh chạy đến nỗi mệt không dám nghỉ, đói không dám ăn và khát không dám uống. Vì anh nghĩ rằng tấc đất là tấc vàng, nên phải tranh thủ chạy cho đến khi mặt trời lặn mới thôi. Lúc mặt trời dần khuất, còn bao nhiêu hơi sức anh dồn hết để chạy đua với mặt trời. Khi mặt trời vừa tắt thì anh cũng tàn hơi. Cuối cùng anh cũng chỉ có được ba thước đất để chôn xác mà thôi!
Đây là một câu chuyện rất hay để nhắc nhở chúng ta phải biết dừng lại. Nếu chúng ta sống như anh chàng này thì cũng chỉ có ba thước đất mà thôi. Chúng ta sống để làm gì? Chẳng lẽ chúng ta cũng chạy đua như thế? Muốn làm bá chủ thế giới này ư? Không! Chúng ta cần phải có những thời gian sống cho mình và người thân của mình. Trong cuộc sống phải biết cân đối việc làm và sự hưởng thụ. Trong khi làm việc, nếu cảm thấy căng thẳng quý vị nên buông hết đi, và chọn lấy cho mình một phương pháp để cân bằng lại sức khỏe và tinh thần. Chúng ta có thể thực tập hơi thở có chánh niệm ngay trên bàn làm việc của mình. Chúng ta ngồi thật thoải mái, giữ lưng cho thẳng và hít hơi vào đầy bụng cho đến khi không hít vào được nữa, rồi mới thở ra chậm rãi và nhẹ nhàng. Khi đó tâm mình tập trung vào hơi thở và tạo cho thân thể một năng lượng. Chúng ta hít vào một hơi thở như thế và cố gắng đến lúc không còn hít được nữa, rồi sau đó thở ra. Khi thở ra, cũng thở cho đến lúc không còn thở ra được nữa sẽ ngưng nghỉ. Nên nhớ hít vào phình bụng ra, thở ra hót bụng vào. Thực hiện một vòng như vậy ta sẽ bắt đầu thấy cơ thể có những biến chuyển, lúc đó trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt hơn. Nếu một ngày chúng ta có thể thực hành vài lần sẽ có lợi cho thân tâm. Chúng ta nên có thời gian dành cho mình những phút giây như vậy, đó là điều rất cần thiết trong cuộc sống, đừng nên như anh chàng tham đất kia, cứ chạy mãi cuối cùng cũng chỉ có ba thước đất mà thôi. Chúng ta cần phải biết buông xả để được sống an lạc. Chúng ta sống để làm gì? Mình phải đặt ra câu hỏi đó và tự trả lời cho chính mình. Chúng ta sống không chỉ để có thật nhiều tài sản, thật nhiều đất với tham vọng làm bá chủ thế giới, mà sống để có được những giây phút thanh tịnh, an lạc và luôn sống trong an lạc, hạnh phúc mới là điều cần, điều quý nhất trên cuộc đời này.