Doanh nhân là những người bận rộn với công việc, nhưng chúng ta phải nên dành thời gian cho chính mình và tạo ra được những công đức, phước báu cho mình. Khi chết chúng ta không thể mang theo vật chất, nhưng bao nhiêu tội lỗi và phước báu đều sẽ đi theo ta. Đó là nghiệp. Chúng ta thử nghĩ xem từ khi bé đến lớn ta đã tạo ra bao nhiêu nghiệp ác? Nếu đọc kinh Lương Hoàng Sám thì những lỗi lầm ta đã gây ra mà không biết, như: hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm mình vui mừng theo thì nhiều vô số kể. Chúng ta thấy người tạo ác mà vui theo cũng có tội, vì điều ác đó tuy không xuất phát từ cái thân mà chính do từ trong tâm, ý mà ra. Nếu lấy tất cả cây trên thế gian này đem ra làm bút và lấy hết nước trong bốn biển làm mực cũng không chép hết tội nghiệp của chúng sinh đã gây ra trong vòng luân hồi sinh tử bao đời kiếp. Được làm người đã là một phước duyên lớn. Đức Phật dạy, sinh ra làm người là khó, làm người được đầy đủ lục căn càng khó, người được đầy đủ trong cuộc sống, ăn no, mặc ấm lại càng khó hơn. Đó cũng là phước báo, không phải ai cũng có được. Hơn nữa, được biết đến Phật pháp, được nghe và thực hành lời Phật dạy là chúng ta đã có căn lành, phước báo từ nhiều đời. Nếu không có căn duyên chúng ta sẽ không đến được với Phật pháp. Thay vì cầm trên tay quyển sách Phật pháp, chúng ta có thể cầm trên tay một bộ bài. Thay vì ngồi trong đạo tràng nghe giảng Pháp, chúng ta có thể ngồi trong sòng bạc, đi đến những tụ điểm ăn chơi… Thế mà hôm nay chúng ta đã biết đi chùa, biết kính Phật trọng Tăng, biết tu học Phật pháp, chứng tỏ chúng ta là những người muốn hướng thiện, đã có căn lành và phước báo nhiều đời. Mong rằng chúng ta sẽ phát huy căn lành ấy và đi được đến bờ giác ngộ và giải thoát.
Người chép lại từ bài giảng:
Cát Tường