Ý nghĩa của ngày lễ tri ân!
Ngày … tháng… năm…
Con yêu của cha!
Con biết không? Trong trường Đại học Y khoa, như một thông lệ, mỗi năm
đều có một ngày dành riêng để tưởng nhớ những người đã tình nguyện hiến
xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Ngày này được gọi là ngày lễ tri
ân. Năm nào buổi lễ cũng được diễn ra trong bầu không khí thiêng liêng,
trang trọng, với sự có mặt của rất nhiều thân nhân, gia đình của những
người đã khuất, các giảng viên đại học, các nhà khoa học, và đặc biệt
là sự có mặt rất đông đảo các thế hệ sinh viên của nhà trường.
Cha chỉ thật sự hiểu được ý nghĩa của ngày lễ này từ khi cha được nghe
một bạn đồng nghiệp bên trường đại học y dược tâm sự rằng, tại những
buổi lễ như thế này, mỗi sinh viên đều có dịp bày tỏ niềm tiếc thương
và biết ơn vô hạn đối với những người đã tình nguyện hiến thân cho sự
nghiệp giáo dục và đào tạo các bác sỹ y khoa cho đất nước. Những người
tình nguyện hiến xác cho khoa học, dù họ không vượt qua những thử thách
nghiệt ngã của bệnh tật cũng như quy luật tất yếu của cái chết, nhưng
họ vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn mỗi sinh viên y khoa như những tấm
gương sáng ngời của lòng nhân ái và đức hy sinh cao cả...
Nếu giả sử không có những con người tình nguyện hiến xác ấy, có lẽ mẹ
của con sẽ chẳng thể nào thực hành gì được, chứ chưa nói đến niềm ước
mơ trở thành tiến sỹ y khoa, có tay nghề vững vàng như ngày hôm nay để
phục vụ bệnh nhân.
Môn “Giải phẫu học” luôn được xem là một môn học cơ sở trong chương
trình đào tạo sinh viên y khoa. Ngày nay, với những tiến bộ của khoa
học và công nghệ vật liệu, sinh viên có thể thực tập qua những hình ảnh
mô phỏng từ các chất liệu giả. Tuy nhiên, việc thực tập như vậy cũng
chỉ mang tính chất hỗ trợ mà thôi, chứ hoàn toàn không thể so sánh được
với điều kiện trực tiếp phẫu tích trên xác người thật. Muốn thực hành
giỏi thì sinh viên cần phải có tiêu bản người thật. Đây là điều chắc
chắn và không có gì để chối cãi! Nhờ có những người tình nguyện hiến
xác mà các sinh viên có thể thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học
thực sự có giá trị.
Và như vậy, con có thể thấy rằng, ngày lễ tri ân thật sự mang lại ý
nghĩa giáo dục y đức cho mỗi sinh viên y khoa. Người bạn đồng nghiệp
của cha vẫn thường nói rằng, ngày lễ ấy còn có ý nghĩa sâu sắc hơn rất
nhiều so với những cuốn giáo trình dày cộm hay những bài thuyết giảng
về y đức dài lê thê trên giảng đường. Ngày lễ tri ân sẽ luôn khắc sâu
dấu ấn trong tâm trí của mỗi sinh viên – những thế hệ học trò sẽ tiếp
nối công việc của mẹ con – bài học sâu sắc về sự cống hiến và hy sinh
của những người đã khuất, tuy hết sức lặng lẽ, âm thầm, chẳng hề có
tượng đồng hay bia đá để ghi ơn, cũng chẳng hề được in tên trên sách
báo, nhưng họ mãi mãi đi vào lịch sử ngành y như những con người bất
tử...
Có một lần, người bạn đồng nghiệp nói với cha rằng, mỗi lần bác ấy ngắm
nhìn một chiếc lá úa vàng trên cây đang lìa cành, sắp rơi xuống đất nơi
cửa sổ giảng đường hay bệnh viện, bất chợt bác ấy lại nghĩ đến hình ảnh
của những con người cao cả đã hiến xác cho khoa học. Những chiếc lá ấy
lặng lẽ rụng xuống, nhưng không phải là mãi mãi mất đi hẳn. Chúng tiếp
tục lặng lẽ phân hủy để biến thành muôn vàn dưỡng chất màu mỡ, để rồi
lại nuôi dưỡng những cây khác... tiếp tục lớn lên xanh tươi.
°°°
Và qua những gì mẹ con đã nói, rất nhiều lần cha suy nghĩ, cuộc đời mỗi
người chúng ta vẫn luôn mang những ý nghĩa sâu sắc nào đó, lúc ta còn
sống cũng như khi đã chết. Tự mỗi người chúng ta phải cố gắng sống sao
cho có thể để lại thật nhiều điều có ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời này,
ngay cả khi ta đã nằm xuống! Con hãy cố gắng sống như vậy, con nhé!